Chương 1 - Mình Là Dương Thanh Vương Diễm
“Xin chào các bạn! Mình là Dương Thanh Vương Diễm.”“A… ha ha… ha ha.”
“Ha ha.”
“Người tàu à?”
“Cả lớp trật tự, trật tự.”
“Tôi nói trật tự.” Cô giáo chủ nhiệm giận dữ đập thước gỗ xuống bàn “BANG” một tiếng vô cùng lớn, lấn át tiếng cười đùa cả lớp.
Không khí đột ngột im phăng phắc.
Cô giáo kính yêu đưa tay nâng gọng kính, quét mắt một lượt rồi gật đầu hài lòng, bỏ qua tiết mục giới thiệu, chỉ chỗ cho tôi và bắt đầu vào bài học mới.
Đó là khung cảnh đầu tiên khi tôi đến lớp học này, nhưng nó lại khá quen thuộc với tôi bắt đầu từ hồi cấp một, cho đến hết những năm học cấp hai.
Tất cả đều bắt nguồn từ cái tên thoạt nghe hết sức “thuần Việt” của mình.
Chuyện kể rằng mẹ tôi khi còn mang thai, đã vô cùng may mắn nhờ được một người họ hàng xa của một người họ hàng xa của một người họ hàng gần khác, đang đi theo học việc với thầy phong Thuỷ có tiếng trong nước.
Phải rồi! Vô cùng may mắn. Sau đó thông qua người họ hàng xa xa gần gần kia, thầy phong thuỷ giúp mẹ chọn ngày giờ sinh và đặt tên tôi. Theo lời thầy truyền rằng: Chỉ cần tôi sinh ngày giờ ấy, lấy đúng tên này, tương lai sáng lạn, tiền đồ gấm hoa, đức cao vọng trọng, vân vân và mây mây.
Về ngày giờ sinh, trái với dự sinh bác sỹ thông báo, tôi đột ngột muốn chui ra trước hạn những một tháng rưỡi. Sau này nghe bố kể lại, tôi thầm thấy mình may mắn, vì nếu lỡ sát ngày thầy phong thuỷ định cho kia, dễ có thể mẹ tôi nhịn đẻ đợi giờ đẹp lắm.
Vậy là rất tự nhiên tôi qua được ải ngày giờ sinh phong thủy do thầy chọn.
Còn về cái tên.
Thôi bỏ qua đi, ải này không qua nổi, nếu qua rồi tôi đã không được “đặc biệt chú ý” đến thế bắt đầu từ khi đi học. Sẽ không có đứa giật tóc, cũng không có đứa kéo áo vẩy mực, lớp hai bị đứa con gái học cùng lớp tốc váy giữa sân trường, lớp ba bắt đầu đánh nhau với thằng oắt con lớp bên cạnh. Đến đây tôi chỉ muốn nói rằng phong thuỷ tuyệt vời, phong thuỷ muôn năm.
Ngoại trừ cái tên ra có lẽ tôi không buồn phiền gì lắm với thế giới này. Tôi có người bố rất yêu thương và ấm áp, người mẹ rất thích làm đẹp cho con gái.
“Ê người Việt sính tàu.”
“Này gọi cậu đấy, Dương Thanh Vương Diễm.”
Cái tiếng gọi...
Thằng ranh con, không ngờ hết cấp một lên cấp hai giờ đến cấp ba cũng gặp nó nữa.
Cái thị xã này quá nhỏ bé, tôi muốn chuyển trường.
“Làm sao?” Tôi gắt gỏng trả lời.
“Cậu mới chuyển đến 10A2 à?”
Hừ thằng thần kinh, quen biết gì mà hỏi han? Có quen biết cũng không thân đến mức nói chuyện thân thiết, “cậu” cái gì mà cậu, sởn da gà.
“Mắt mù không thấy tao đi ra từ lớp này à?”
“Đồ con gái chanh chua, đừng có mày tao, lớn rồi.” Thằng nhãi này không để ý tôi đang khó chịu.
“Vậy bạn Kiên ơi, bạn gọi tớ có việc gì không?”
“Bạn học quen nhau từ cấp một, nhìn thấy cậu tớ ngờ ngợ nên gọi hỏi thôi.”
“Ồ, vậy thôi, chào bạn Kiên tớ phải đi đây sắp hết giờ ra chơi rồi.” Tôi không muốn nói chuyện với nó tí nào quay người đi luôn.
“Ăn quà ít thôi không để cô bắt được lại bị phạt đấy.” Kiên nói với theo.
Tôi điên tiết lắm nhưng không thèm trả lời nó.
Lớp mười rồi không thể đánh nhau như thời con nít nữa, đầu tiên là rất có thể bị hạ hạnh kiểm, tiếp theo là… tôi đã không còn đánh lại được nó.
Đúng như các bạn đang nghĩ đấy!
Cái thằng oắt con tôi đánh nhau năm lớp ba chính là nó. Nhiều thì ngày đánh một trận, ít thì một tuần hai trận. Dĩ nhiên là vì sức khỏe con gái thời cấp một, có mấy thằng con trai lúc nhỏ là lớn hơn được bạn gái cùng lứa đâu. Tôi của ngày đấy cứ phải gọi là “trăm trận, trăm thắng”, cứ thế cho đến một ngày khi lên lớp sáu.
Không ngờ ông giời trêu ngươi, tôi gặp lại nó học cùng trường cấp hai, tôi bị nó ám cả năm lớp ba cho đến khi lớp bốn, không còn thấy nó đâu, tôi cũng chả thừa hơi mà quan tâm. Đến khi lớp sáu gặp lại, nó vẫn quen thói trêu chọc tôi, còn tôi quen với những chiến thắng lẫy lừng trước đây, không nói nhiều lao vào bụp luôn.
Có điều đâu ai biết thời thế thay đổi, thằng ranh vẫn thấp hơn tôi ấy giờ lại nhỉnh hơn một chút, đã vậy còn khoẻ hơn, nó dễ dàng đả bại tôi, đẩy tôi ngã lăn quay xuống đất. Sân trường đổ bê tông cứng khiến tôi đập người phải vô cùng đau đớn (chắc là vậy), tôi đã không kìm chế được mà khóc lúc ấy.
Tôi chưa từng khóc trong cuộc chiến nào đâu nhé, chắc chắn lúc ấy do bị sân trường bê tông làm đau tôi mới khóc.
Tôi không nhớ diễn biến tiếp theo như thế nào, hình như lúc tôi bị ngã nó dừng lại nhìn tôi thoáng sự ngạc nhiên, hẳn là tại thua tôi nhiều lần nó cay cú đây mà. Cô giáo đến giải tán đám tiểu yêu chúng tôi, kể từ lần ấy tôi không gặp lại nó cho đến bây giờ.
Đã từng đánh nhau nên tôi biết nó là người, chứ không tôi cũng nghi ngờ nó là vong đang ám tôi.
Bỏ qua cái vong này đi, đau đầu tôi quá.
Chuyện bây giờ là tôi còn bài tập chưa làm, lát nữa cô giáo mà kiểm tra kiểu gì cũng bị ghi sổ đầu bài, tôi khều khều cô bạn Ngọc Ly ngồi trước mình. Lập tức quyển vở với những bài tập đã làm xong được luồn xuống, tôi nhận vở thả vào tay cậu ta một cái kẹo mút.
Bằng tốc độ ánh sáng và ngòi bút rèn luyện lâu năm, tôi vô cùng nhanh chóng chép xong bài, chuyển vở lên bàn trên trả lại cô bạn Ngọc Ly. Sau lưng tôi lúc này lại có đứa nhấp nhổm thò đầu lên, tôi không ngoái lại cầm vở vừa chép xong ném ra phía sau.
Hôm đấy vui vui thế nào, có năm đứa tổ một và tổ hai, đều làm bài tập có câu sai giống nhau, tất cả được đưa lên bảng đứng, làm triển lãm cho mấy đứa bên dưới sung sướng, cười khúc khích.
“Làm bài giỏi ghê cơ, đúng cùng đúng, sai cũng y hệt, đến cả câu đúng gạch đi làm lại, sai không khác nhau tí nào.” Cô Cấp dạy Toán ngồi chấm vở “năm anh em trên một chiếc xe tăng” chúng tôi đang rất vui vẻ nói.
Trông bốn đứa còn lại, tôi biết chúng chẳng nên cơm cháo gì? Vẫn là đại sư tỷ tôi đây ra tay.
“Chúng em xin lỗi cô ạ.” Tôi rất thức thời tiến đến lí nhí.
Cô Cấp không nói gì liếc nhìn tôi cùng đồng bọn một chặp rồi hất tay: “Về chỗ. Lần sau lại thế nữa nhé.”
Tôi nhe răng: “Chúng em không dám nữa đâu ạ.”
Cả bọn lục đục về chỗ.