Chương 1

Mới nghe tin về Lan, chàng đã thấy thiếu thiện cảm về nàng, một phụ nữ có chồng Mỹ, đang dạy học tại một căn cứ quân sự bên tiểu bang miền đông nam. Nàng cư ngụ bên ngoài căn cứ đó, một thị trấn đó có rất nhiều binh sĩ, có thể nói là một thị trấn của lính. Theo nhiều người kể lại, nơi đó xảy ra nhiều tội ác. Quân sĩ trong trại lớn đóng gần đó không có nhiệm vụ trừ các băng đảng, việc đó là của cảnh sát, mỗi ngành một nhiệm vụ, họ không dẫm chân lên nhau. Lan cho biết vào ban ngày dân thị trấn nghe được những tiếng súng nổ như bắp rang từ những sân tập bắn vẳng lại.

Chưa lần nào chàng hỏi tuổi nàng. Lấy chồng trong thời kỳ chiến tranh đến nay, từ khi dứt bom đạn cũng đã 15 năm, chắc nàng cũng cỡ ngoài bốn mươi. Dường như đa số những người lập gia đình với quân nhân Mỹ thời đó cũng có một vấn đề nào đó, do hoàn cảnh gây nên, như tài chính, kinh tế, tình cảm. Chàng thông cảm với những phụ nữ đó, nhưng thiếu mỹ cảm với họ. Có lẽ chàng hơi khó tính, hơi cổ điển một chút.

Trước khi nàng cùng một nhóm đến công tác khoảng một tháng nơi trung tâm chàng làm việc, chàng đã nghe nói về Lan. Một bạn đồng nghiệp đã sang quân trường bên đó công tác một tuần cùng ngồi thảo luận với nàng , đại diện cho trường về tập sơ thảo dự án giáo khoa phần tiếng Việt. Hai bên đã có những điểm không đồng ý được với nhau. Nàng góp ý , đề nghị sửa đổi những chữ những câu theo ý nàng, còn bạn chàng cố giữ nguyên chỉ sửa đổi rất ít. Nhưng nàng có hai khuyết điểm , một là nàng sinh trưởng ở miền Nam, trong khi tập sách viết theo giọng Hà Nội, hai là tiếng Việt của nàng chỉ tính theo năm 1975 về trước, đã lỗi thời, bởi người ta muốn có thứ tiếng Việt đang dùng hiện tại.

Đó là chưa kể trình độ chuyên môn của nàng, dường như không cao lắm. Nhìn tuồng chữ không phải chuyên gia cũng có thể đoán biết được trình độ. Chữ Lan viết nguệch ngoạc, không phải lối viết tháu của các bác sĩ kê đơn.

Cả nhóm gồm 13 ngôn ngữ khác có những buổi họp thông báo trước là có phái đoàn miền đông qua duyệt lại, góp ý lần chót dự án tập sách giáo khoa này. Đây cũng là công trình đầu tiên cho áp dụng phương tiện mới của máy vi tính cài bài tập vào máy cho sinh viên có thể làm bài ở nhà vừa nhanh vừa đỡ mất công chấm bài theo lối thủ công cũ. Nàng vẫn là người đại diện cho phần tiếng Việt của nơi thụ hưởng.

Nàng đã đến và không khí đã bớt căng thẳng, nhờ nàng được nghe thuyết trình thảo luận nhiều về dự án này. Có những khuyết điểm không tránh được, có những hạn chế phải chấp nhận, chưa kể tập sơ thảo bằng tiếng Đức đã được vị tướng liên hệ chấp thuận. Không khí làm việc giữa hai bên đã có chiều hướng thuận lợi hơn. Nàng đã có những nụ cười hiếm hoi.

Nhan sắc nàng trung bình như những cô thư ký, cô giáo bình thướng bên nhà, không có gì nổi bật. Nước da ngăm đen, khóe miệng chưa hẳn được coi là thanh tú, sống mũi thiếu chiều cao cho cân xứng với khuôn mặt. Có lần nàng đã nói: “Tại sao cứ phải sửa này nọ, tại sao phải tốn tiền đi mỹ viện. Tôi thấy giả tạo lắm, cứ để tự nhiên là hơn”. Điểm nàng có thể gây chú ý nơi phái nam là cặp mắt của nàng , tia nhìn của nàng. Tia nhìn nửa như chế nhạo, nửa như mời gọi. Con người hình như sống bằng nội tâm nhiều hơn, ít nói và ít cười. Trong câu chuyện, nàng cho biết không thể chịu được cái cười của một người điều khiển chương trình ca nhạc của một hãng chuyên sản xuất băng video. Cái cười nửa miệng có đó, rồi tắt ngấm ngay đó, không có dư âm, dư vị.

Nàng ưa bắt chuyện với chàng nhiều hơn đồng nghiệp khác, những người đã sống và làm việc ở đây hàng ba chục năm, bốn chục năm . Nàng thổ lộ: Nghe ông nói chuyện tôi đoán biết ông rời Việt Nam khoảng dưới mười năm. Nghe ông nói tôi còn thấy ông còn nhiều chất Việt Nam, còn mấy người kia … ..có vài ông chêm tiếng Anh nhiều quá, lai rồi, lai hết rồi, ngay cả tôi đây nữa cũng lai rồi. Chàng giả vờ ngớ ngẩn khôi hài để chọc nàng : _ Tôi thấy mắt cô vẫn đen, mũi vẫn thấp chứ có lai gì đâu?

- à, ông dám chê mũi tôi thấp hả, ông đừng để tôi phải ngưng nói chuyện với ông nữa.

Dần dà nàng đương nhiên thú nhận là tiếng Việt của mình không theo sát được bên nhà, trên phương diện dạy học. Trong câu chuyện, nàng cố gắng tránh dùng tiếng Anh, thứ tiếng nàng có thể nói lưu loát với những đề tài thông thường được, tuy giọng nói vẫn hiện rõ chất Việt Nam. Trong những buổi họp, lúc hội ý, nàng tỏ ra rất Mỹ tranh luận đến nơi đến chốn, tuy ngữ pháp chưa hoàn hảo. Nhưng trong câu chuyện trao đổi trong giờ nghỉ , khi nói chuyện với đồng nghiệp người Việt nàng muốn tỏ ra vẫn giữ được bản sắc quê hương. Trong lúc vừa xử dụng máy vi tính vừa trò chuyện, nàng biểu lộ cá tính độc lập, nửa ảnh hưởng văn hóa đất Mỹ, nửa muốn “về nguồn”. Nàng cho biết: đàn ông phải ráng chiều theo những ý kiến mau thay đổi của phụ nữ. Trong gia đình, ngoài xã hội cũng thế, phụ nữ nhờ gì, cần gì thì nên làm ngay, nếu không họ sẽ thay đổi ý kiến. Chàng thấy nàng có những điểm là lạ, ngồ ngộ. Có lần, đến trường làm việc, nàng mặc một quần thun đen bó sát đùi. Thấy nét mặt hơi ngạc nhiên của chàng, nàng hiểu, nói ngay:” Mặc thế này cho tiện, đỡ vướng víu”. Vài phút sau, lại nhìn chàng, nói:” Chắc lần sau không dám mặc cái quần này trước đồng nghiệp đồng hương quá!”