Chương 1

Tâm không hiểu sao nàng lại có thể chấp nhận được cuộc sống bề ngoài cùng những sự nổ bậy của Thành từ ngày này sang tháng khác mà vẫn không có thái độ hay cảm thấy bất cứ sự phiền hà nào. Phải chăng bao năm Tâm cũng đã sống giả dối hình thức, cũng đã từng khổ sở và lo lắng che đậy như thế nên mặc dầu muốn tránh thoát mà vẫn không sao từ bỏ được. Nhiều lúc Tâm có cảm tưởng hình như những cơn mộng hão, những danh tiếng hờ có ma lực khiến nàng thích thú đắm mình vào và hình như cái bóng bẩy sang giàu bên ngoài vẫn lôi cuốn, vẫn làm nàng lao đao chạy theo hơn là tự lột trần sự thực không đẹp đẽ cũng chẳng ra gì như người vũ nữ già nua hết thời đứng trước gương nhìn bóng hình mình để tự thấy chán chê ghê sợ. Bao tháng ngày Tâm đã cố gắng dùng che đậy này chồng chất lên che đậy khác mà vẫn không dám sống thật với mình vì cái thật của Tâm nó tầm thường bé nhỏ và kém cỏi so với tất cả mọi người. Tâm nghĩ người mang mặc cảm xấu nên mới cố chưng diện, cười nói sao cho duyên dáng tạo sự lôi cuốn trong khi Tâm chẳng ra gì thì tại sao không dùng những hào nhoáng bên ngoài dát vào người cho bớt khuyết điểm? Có thể vì nghĩ vậy và không sao tự thoát ra được nên biết chồng dối trá mà đôi khi Tâm còn a dua, cổ võ để khích động với hy vọng Thành sẽ tiến thân bằng con đường tắt cho mau chóng bởi tuổi Thành cũng đã về chiều. Tâm cho rằng nhiều người nổi danh vì thực tài nhưng cũng nhiều kẻ nổi danh vì biết nắm giữ cơ hội. Giữa ngàn hoa, người ngắm sẽ ngộp mắt không hoa nào đẹp nhưng một cánh hoa vươn cao vẫn được chú ý hơn. Thành cũng thế. Chàng muốn là cánh hoa đập vào mắt mọi người mà không cần hương sắc. Chung quanh bạn bè gọi lén chồng nàng là Thành Nổ. Cái tên không hiểu bắt đầu lúc nào nhưng với Tâm, có lẽ nó khởi nguồn từ bữa tiệc tất niên, sau đám cưới hai người được một tuần. Chẳng biết men rượu làm ngà ngà say hay vì muốn nổ luôn với vợ mà giọng Thành oang oang:

- Sống ở Cali dân nào không biết nổ là dại.

Lúc ấy Tâm nhìn chồng ngơ ngác. Chẳng ai nổ mà ong óng cái miệng như vậy nhưng nếu thằng ăn cắp dám vỗ ngực xưng mình ăn cắp hẳn phải là kẻ phi thường. Tâm chú ý lắng nghe chồng tiếp tục:

- Làm người ai lại chẳng nổ. Không nổ ít thì nổ nhiều, không nổ nhanh thì nổ chậm. Có điều nổ phải nghệ thuật và có căn. Nổ nghệ thuật là tạo tiếng cười, tạo niềm vui cho mọi người. Còn nổ có căn là dựa vào cội nguồn gốc gác. Không phải ai cũng nổ được mà phải thuộc giòng dõi con ông cháu chạ Ông bành tổ tôi khi xưa là trạng Ngẫm, bạn thân với bành tổ trạng Quỳnh. Sở dĩ con cháu trạng Quỳnh tuyệt giống là vì lúc chôn không để ông nằm úp như lời ông trăn trối. Khi lính Pháp đi ngang đạp lên mộ, mọi xác chết bị lật lại hết chỉ có ông bành tổ tôi ung dung ngửa mặt nhìn đời...

Từ thuở nào đến giờ Tâm chưa hề nghe nói đến trạng Ngẫm. Nay bỗng dưng Thành lại gắn kèm trạng Ngẫm vào để nổ khiến Tâm lại thấy buồn cười. Có điều Thành mang mình ra làm trò cười nên chẳng ai bắt lỗi mà trái lại còn lắng tai thú vị.

- Hồi còn trẻ chung quanh bạn bè tôi đi học võ nhu đạo, còn tôi chẳng có võ gì cả mà cứ phóng lên nóc nhà vèo vèo như Batman. Với tài đó làm nghề đạo chích rất dễ dàng nhưng trời sinh mình ra đâu phải đầu trộm đuôi cướp nên cái tài đành bỏ xó.

- Sao anh không đi lính biệt kích đột nhập qua Bắc làm anh hùng độ thế? Một người nghe Thành nổ quá nóng mặt châm biếm.

- Đi lính thì giết được bao nhiêu giặc trong khi tôi đang làm giáo sư đào tạo cả ngàn sinh viên thành người hữu dụng sau này.

- Qua đây anh còn nhảy nóc nhà nữa hết? Coi bộ nghề này đi bắt ghen mướn ở các motel đã lắm à nghe, khỏi bị chó cắn.

Mọi người cười ồ lên vì Hải đá hậu khá hay ai ngờ Thành gỡ tài tình. Đúng là nổ có căn.

- Xưa kia ăn rau cá nên nhẹ mình chứ bây giờ nhậu bữa một toàn dê và bò làm gì có cánh mà bay nổi.

Nổ... Nổ... Nổ... Mọi người chết chìm trong những cơn nổ mang tiếng cười dòn dã vô hại. Được thể Thành càng làm già:

- Tôi dặn bà xã tôi phải gấp có thằng con nối giòng vì thứ nổ rất dễ bị tuyệt tự nên khi chết phải chôn tôi đứng thì xuống âm phủ mới thành tướng.

- Thôi ông ơi trên này làm dân nổ nghe đã nhức óc còn đòi xuống âm phủ làm tướng nổ nữa có nước điếc tai quỷ thần.

Lúc đó Thành nổ mới chậm câu chuyện lại để gắp thức ăn. Tâm ngồi bên cạnh thấy nhột nhạt vì một số coi thường Thành ra mặt nhưng lại có kẻ tỏ vẻ khâm phục. Riêng Tâm cưới nhau rồi, mặt trái của Thành cứ từ từ lòi ra như chiếc kim bọc trong vải. Ngoài đời Thành nổ những cái vô hại nhưng với Tâm, Thành đã nổ cú khá lớn mà cả hai cái nổ đụng nhau lại còn quyết sống chết vì nhau kể cũng lạ. Đúng là duyên nợ.

Quê Thành ở Nam Định nhưng Thành luôn cho rằng những kẻ vào nam trước năm di cư tập thể năm mươi tư là thành phần buôn bán giàu có và khôn ngoan. Qua Mỹ thêm một phen Thành nhắc lại cái quá khứ oai hùng của mình và luôn luôn tự hào với cái chức giáo sư dù rằng đã có nhiều người sang sau này nhận ra chàng chỉ dạy về môn thể dục ở một trường nhỏ khiêm tốn nằm trên đường Trương Minh Giảng. Thời gian đầu, chẳng ai biết Thành sinh sống bằng nghề gì nhưng đến năm tám mươi chàng đã có được một tiệm tạp hóa và một nhà rửa xe. Chẳng hiểu cái tên ông chủ tiệm đã khoác cho Thành vẻ trịch thượng khinh người hay tại xưa nay Thành nhìn đời bằng cái nắp vung nên gặp ai cũng coi họ như những giọt nước vương đọng trên nắp vung đó.

Thời gian ấy Tâm hay lại nhà Thủy nấu nướng, ăn uống, chè cháo đến khuya mới về. Thủy là bạn cùng hãng may với Tâm còn Đức, chồng Thủy, lại là bạn của Thành. Thủy không đẹp và người gầy đét, suông đuột như đàn ông. Trái với vợ, Đức điềm đạm, thâm trầm hơn và hay ngồi ở bàn xem báo để có cơ hội nhìn lén Tâm. Nhan sắc Tâm không hơn gì Thủy mà có thể tệ hơn nữa vì đôi chân quá ngắn nhưng được nước da mịn màmg và khuôn ngực no đầy, bằng đó đủ để những tên háo dục thèm thuồng. Tâm biết được cả ưu lẫn khuyết điểm của mình nên hay mặc quần ống rộng che đôi "sa bô" tấc rưỡi khiến đôi chân dài thêm ra và luôn mặc áo chẽn ngực ôm sát phần trên cho tăng vẻ lôi cuốn. Vài lần Thủy bắt được chồng nhìn trộm Tâm với ánh mắt thèm thuồng nhưng nếu nói ra thì lại không có bằng cớ chính đáng nên chỉ nuôi trong lòng những hờn ghen. Cũng may vài tuần sau Thành lớ ngớ từ dưới Los Angeles xuống Orange county dự đám cưới bạn và gặp cả hai vợ chồng Đức ở đó. Cơ hội bằng vàng, Thủy dùng môi mép mồi chài kéo Thành về nhà mình giới thiệu Tâm cho bằng được.

Hôm đầu tiên gặp Tâm, dù đã được Thủy dặn dò từ trước, Thành vẫn ngồi thản nhiên, ung dung trước thái độ niềm nở, vồn vã của hai người. Bữa ăn chẳng có gì ngon lành nhưng vẻ săn đón thái quá của Tâm cho Thành có cảm tưởng mình sáng giá. Lăn lộn khắp nước Mỹ, Thành chỉ thấy đàn ông phục dịch, hầu hạ đàn bà chứ chưa bao giờ thấy trường hợp trái ngược xảy ra nên lòng cũng hơi chút nao núng...

Thực tình Tâm không thủ đoạn và khôn lanh như Thủy nhưng nàng tin ở bạn có những bí quyết chinh phục đàn ông. Cứ nhìn Đức thì biết, người to lớn, tướng tá oai vệ như thế mà chẳng hiểu sao Đức lại cứ sợ Thủy vành vành. Tâm không mong sẽ được giống như bạn nhưng ít ra nhờ Thủy cố vấn cũng kiếm được tấm chồng khấm khá. Có điều tuổi tác của Tâm khá cao mà đa số những người cùng tuổi đã có gia đình, còn những thành phần lăng nhăng thất nghiệp thì Tâm đâu thèm để ý. Gặp Thành, Tâm thấy lòng xao xuyến ngaỵ Cái già không còn nằm trong vấn đề chọn lựa dù Thành đã có một đời vợ và hơn nàng bẩy tuổi. Điều làm Tâm điên đảo vì Thành đang mang một sản nghiệp to lớn và tiếng "giáo sư Thành" nghe thật trí thức mỗi khi có ai nhắc đến tên càng tăng thêm phần trịnh trọng. Xưa nay những người nhà quê như nàng nghe tiếng giáo sư, chẳng cần biết giáo sư đệ nhất hay đệ nhị cấp là đã sợ phát sốt. Từ xa vừa trông thấy giáo sư đã vội vàng ngả nón ra chào huống hồ gì Tâm chỉ học hết lớp nhất rồi ở nhà trông coi heo gà, rau rợ, cá mú.

Tâm vượt biên năm tám mươi ba và ở Sikiew hai năm. Nhờ ăn không ngồi rồi Tâm trở nên trắng trẻo, lại được quần áo trợ cấp nên váy dài váy ngắn cứ như đầm thứ thiệt, những vết chai sần ở tay chân theo ngày tháng ăn trắng mặc trơn cũng được bào mòn. Nàng lại dễ thích ứng hoàn cảnh, thích chưng diện, se sua nên khi sang đến Mỹ nàng đã cởi bỏ lốt lọ lem hoàn toàn.

Quen nhau chưa đầy một tháng thì hai người lấy nhau. Nhờ sự đánh bóng của Thủy mà Tâm bỗng nhiên trở thành con gái ông chủ đồn điền trà ở Bảo Lộc. Vậy mới môn đăng hộ đối, Thủy bảo thế, con gái ông triệu phú dẫu có xấu như ma lem mà lấy được ông chủ tiệm thực phẩm thì không còn ai dám đàm tiếu. Nào ngờ vừa rước nhau về, một sớm một chiều Thành đã lộ ngay bản tính keo kiệt bủn xỉn và nhất là cái mác ông chủ chỉ là mác giả vì Thành chỉ phụ làm công cho ông chủ, một tên bạn thân muốn ẩn tông tích vì còn ăn tiền giấy. Tâm uất ức nhưng không dám nói huỵch toẹt ra vì chính nàng cũng chẳng ra gì nên đã toa rập với Thủy để thổi phồng gia đình mình lên nhưng Tâm sợ tức nước vỡ bờ, biết đâu Thành tự ái lại chẳng làm liều bỏ đi thì còn gì danh giá cả hai. Thôi thì đã trót đành phải trét, đã phóng lao thì phải theo lao.

Dĩ vãng của nàng Thành không hề biết bởi vì Tâm khôn khéo che đậy còn dĩ vãng Thành, người ở thế trên, thế vững, biết vợ yêu và phục tùng mình nên Thành chẳng cần gì phải dấu. Khổ nỗi tuy không che dấu vợ nhưng lại muốn che dấu mọi người nên mới tội cho Tâm. Chung quanh ai chẳng nghĩ Thành chỉ có cái miệng nổ bậy bạ nhưng cái bụng rỗng tuếch. Thực tế đâu phải vậy. Những điều cần dấu chàng không hề hé môi nhưng lại bày vẽ tận tường cho Tâm làm, không làm thì lo chạy tiền, không chạy tiền thì cũng phải khích động tinh thần cho chàng hăng say trong công việc.

- Em nhé! Mượn cho anh...

- Mượn cho anh rồi kẻ trả nợ lại vẫn là em?

- Cha mẹ sắp sang rồi, chúng mình nên giữ thể diện một chút chứ!

- Thể diện gì với cái nền gạch khốn kiếp ấy.

- Nhưng không thay cũng không được vì lớp thảm nhà mình vừa hôi lại vừa cũ quá. Đây cũng là dịp để chúng mình rửa mặt với gia đình.

Lần nào mua sắm sửa chữa gì thì Thành cũng dùng tiếng rửa mặt để cổ động vợ và lần này Thành tin chắc mình sẽ toàn thắng. Rồi mặc vợ lải nhải, Thành cứ gọi đám Mễ về làm. Tính ra tiền gạch hết hai ngàn đồng. Tiền công cho hai người thợ phụ chưa hết một trăm bạc. Rẻ chán, nếu không khôn ngoan chạy bạy nhờ chỗ này móc nối chỗ kia để mua vật liệu rẻ thì mọi chi phí phải tăng lên gấp hai. Chỉ tội nghiệp cho Tâm lại thêm một phen chạy đôn chạy đáo mượn chỗ này vá chỗ no...

Dù biết cái nền gạch màu rượu chát và dù Tâm đã cố tưởng tượng ra vẻ rực rỡ của nó, nhưng buổi chiều ở sở nhận được điện thoại Thành gọi về thẳng, khỏi phải ghé nhà người em ăn nhờ ngủ đậu như mấy ngày qua, Tâm vẫn lặng người. Suốt từ trong ra đến ngoài trải toàn những viên đá cẩn bóng ngời, màu đỏ đậm làm mọi đồ vật trong nhà như sáng rực hẳn ra. Ngay lối cửa Thành trải miếng chùi chân màu xanh thẫm và góc bên phải đặt cái kệ cao treo giày dép. Tâm tuột giày máng lên và lột luôn đôi pantyhose cầm ở tay để tìm cảm giác trung thật nhất, hơi mát lạnh thấm vào lòng bàn chân.

- Mùa hè khỏi bật máy lạnh anh nhỉ!

Tâm nói hơi thừa vì nhà làm gì có máy lạnh để mở.

- Không ngờ ý kiến của anh thế mà haỵ Chỉ ba mùa hè không bật máy lạnh là đủ tiền làm nền gạch hoa này rồi.

Vẫn không nghe Thành nói gì, Tâm ngồi bệt xuống đất mân mê từng ô vuông một.

- Tối nào oi bức em kéo gối nằm ngay xuống đây là ngủ được liền.

Không như vợ, Thành thực tế hơn vì khi có ý định thay thảm chàng đã nghĩ đến mùa đông sắp tới. Gạch có khác chi đá, vừa lạnh vừa buốt để nó thấm vào lòng bàn chân còn hơn ngâm dưới nước. Nhưng đâu hề gì, Thành to lớn mập mạp lại đang trong tình trạng cần nhịn ăn cho gầy bớt nên hàng ngày phải chạy bộ cả chục cây số cho bớt mập, gồng lên chống lạnh cũng là một hình thức chạy bộ. Chỉ tội cho Tâm đã nhỏ lại nhỏ thêm nhưng luật lệ cấm đi dép trong nhà chính Thành đã ban hành ngay từ lúc vừa rước dâu về đến nhà, bây giờ vì nó mà phá lệ thì Thành đâu còn được tôn trọng ở những luật lệ kế tiếp nữa...

Từ khi có cái nền gạch mới thì những vật dụng trong nhà trông cũ hẳn ra. Thành bàn với vợ mượn ít tiền sắm sửa cho khang trang mát mắt hơn.

- Em xem, đã rửa mặt thì phải rửa luôn cả chân. Không lẽ thiên hạ nhắc ghế vạch xem nhãn hiệu của nó? Bây giờ chỉ cần lái xe lên Los mua vài chục thước ren may viền bốn chung quanh là y chang đồ bán ở Gayfer. Rẻ được cả trăm đồng một bộ màn cửa chứ ít sao.

Tuy bực vì Thành chỉ thích vẽ chuyện ra mà làm nhưng Tâm không khỏi không phục về những sáng kiến độc đáo đó. Thói đời ai chẳng thích giàu có sang trọng để được sự nể vì hoặc những lời trầm trồ khen ngợi? Nhất là theo Tâm xã hội bây giờ con người được đánh giá trị qua công việc làm, bằng cấp, nhà, xe cho nên muốn bước vào giới thượng lưu phải có chút đỉnh kiến thức hay tài sản. Muốn quen với những ông tai to mặt lớn thì phải có nhà cửa đàng hoàng. Bên Mỹ cái nhà là giá trị tài sản. Tài sản rỗng tuếch khó có bạn thuộc giai cấp cao. Các ông các bà bây giờ khó phân biệt vì ai ra đường cũng đi xe mới, ăn mặc sang trọng, xách cặp da, bóp đầm thời trang, hột xoàn đeo lủng lẳng nhưng thật hay giả, giàu hay nghèo phải về nhà mới rõ được. Nhà ở năm mười người dồn trong một cái phòng hoặc ngăn năm sáu phòng cho mướn thuộc loại nghèo dù lợi tức thâu vào dư giả hàng tháng, chốn đô hội nào ai biết đấy là đâu. Bởi vậy chết sống, nợ nần không cần biết, những người có máu mặt xưa nay dẫu không có tiền cũng cố bóp chắt nhịn ăn nhịn uống để dồn hết cho căn nhà.

- Hết rửa mặt đến rửa chân rồi còn rửa gì nữa cho em biết luôn một thể để còn mượn nợ. Anh làm như bạn em là kho bạc dễ rút ra lắm đấy.

Thành biết tâm lý những người nghèo khi đi sắm đồ mà bàn tính đủ thứ thì chỉ có nước sắm hàm thụ cho nên chàng chỉ cười:

- Có vậy thôi chứ còn mua gì nữa bây giờ?

Được vài bữa, vừa may xong ba bộ màn cửa, chưa có dịp nằm ngắm tác phẩm độc đáo của mình thì Thành lại đưa thêm một sáng kiến mới:

- Mình dám sắm nhà, sắm xe mà không dám sắm một bộ salon thì bậy thật.

Kể ra Thành cũng khôn không mang bộ salon ra ví với màn cửa mà lại lôi những giá trị to tát hơn để so sánh. Quả nhiên Tâm thấy lời bàn của chồng hoàn toàn có lý nên chống đối rất yếu ớt:

- Nhưng mà...

- Trước sau gì cũng phải mua thôi. Mình không ngồi lên, không dày xéo thì nó vẫn mới tinh khác nào đồ chưng trong tiệm, ngừng một lát cho vợ thấm ý, Thành bắt đầu thủ thỉ, anh nghĩ em mượn đỡ bạn bè vài trăm rồi từ mai tiếp tục nhận hàng thêm về nhà may như dạo nọ thì trả mấy hồi.

- Anh không nhớ bác sĩ bắt em phải ngủ sớm? Giọng Tâm đầy hờn trách.

- Ngủ một, hai giờ sáng đã chết chóc ai. Giá như ngày xưa em chưa từng thức khuya thì còn có thể tạm tin. Mấy tên bác sĩ bày ra nói láo nói lếu để nuốt tiền cho dễ ấy mà!

- Nhưng thức khuya dậy sớm mệt lắm, em luôn ngáp vặt ở sở may làm thằng manager cứ lừ đôi mắt ngó chừng chỉ sợ em lủi vào góc nào đó để ngủ.

- Không thì thôi vậy, Thành giận dỗi, mai kiếm cái mền cũ phủ lên sẽ không ai nhìn thấy và cũng đừng hội đừng họp gì ở nhà này nữa.

- Mình là chủ hụi mà không cho người ta khui ở đây thì khui ở đâu? Vậy chứ những tháng vừa qua cũng ngồi trên bộ salon cũ đã có sao?

- Nhưng lúc đó chưa có cái nền gạch...

Lại cái nền gạch! Không ngờ nó rắc rối đến như thế, mới có hai tuần mà toi hết mấy ngàn bạc, nợ này chưa xong đã đeo thêm nợ khác.

- Hay là thế này... Tâm ngần ngừ... chiều mai tan sở em ghé tiệm vải mua ít thước về bọc lại, cũng mới và đẹp như ai.

- Thôi bà ơi, bà may đẹp lắm ấy, thợ không ra thợ, thầy không ra thầy. Nhìn mấy cái lưng quần em sửa cho khách mà anh xây xẩm mặt mày!

Tâm nguýt chồng, giọng chảy ra:

- Vậy chứ ai may những tấm màn ren kia?

- Ai mà chẳng may được, bốn lằn dài chạy vài đường là xong. Còn cái ghế em nhìn lại xem, phải tỉ mỉ khéo léo lắm nhất là những góc cạnh...

- Hay mình mang ra tiệm cho nó bọc...

Thành xua tay:

- Còn mắc hơn mua mới. Phần nhiều chỉ có những bộ ghế cổ đắt tiền họ mới bọc lại để lưu giữ.

- Em không tin, có mắc cách mấy cũng chỉ vài trăm bạc trong khi ghế mới tốn cả ngàn.

- Ai bảo vào tiệm cho tụi nó chém?

- Không mua ở đó thì mua ở đâu? Em không bằng lòng vào good will hay salvation army đâu.

- Mình đi chợ Mễ mua một bộ.

- Lại chợ trời! Cả một đống ghế thô kệch và cứng ngắc dòm là biết liền.

- Ngốc. Chẳng ai chú trọng vẻ thô sơ của nó nếu trên ghế có chừng chục cái gối nhỏ cùng màu đặt một hàng dọc.

- Nhưng gối ở đâu mà có?

Tâm tròn mắt ngó chồng nhưng đầu óc lại hình dung ra những bộ bàn ghế cực kỳ lộng lẫy chưng ở Sears với những chiếc gối ôm nằm một hàng dài thẳng tắp.

- Anh lại bắt chước ghế ở Sears, loại đó gần hai ngàn bạc.

- Chớ còn gì nữa. Mình lựa ghế màu xanh cỏ đậm, gối vừa xanh vừa rượu chát xen kẽ, đẹp chết người.

- Gối kiếm đâu ra mà đòi xanh với đỏ. Anh vào Sears nó chém hai mươi đồng một cái, mười cái hết hơn hai trăm. Toi tiền.

- Em không biết may à?

Tâm lại nghệt mặt ra và có lẽ Thành chỉ yêu vợ nhất lúc đó.

- Lại em nữa? Sáng dậy năm giờ cơm nước gói gém mang theo vội vàng cho kịp tới sở. Chiều ghé lại tiệm lấy đồ sửa về đến nhà sớm lắm cũng phải sáu giờ. Ăn uống tắm táp xong ngồi vào bàn may tháo tháo gỡ gỡ... Anh tưởng ăn được vài đồng của lũ dân nghèo không có tiền mua mới, phải nới ra bóp vào những cái quần cũ mèm dễ lắm sao?

- Thì có lúc này lúc khác. Bù lại...

- Bù lại anh nằm ngủ khò khò.

- Bậy bạ, Thành cười chống chế, lâu lâu lỡ ngủ quên có một lần mà em cứ hờn trách mãi.

- Không ngủ thì cũng nằm xem báo, xem ti vị Sao anh sung sướng dư giả thời giờ còn em cứ đầu tắt mặt tối chẳng biết sau này có con rồi công việc sẽ còn khổ đến đâu.

- Mình chỉ ráng thêm thời gian ngắn nữa thôi. Lúc trước tự ý em may vì muốn có ít tiền gửi về cho cha mẹ chứ đâu phải do anh. Bây giờ ông bà già đã sắp qua thì tiền đó mình sắm sửa trong nhà. Sắm xong, số còn lại cũng hoàn toàn về em, lúc đó tha hồ mua cẩm thạch hột xoàn.

- Chẳng ham, Tâm lườm yêu chồng, ba cái nữ trang nghe anh dụ hoài mà có thấy đâu. Nay má anh hỏi xin cái này, mai mẹ em đòi thùng thuốc tây, chắc rồi cũng chết sớm thôi.

Thành cười hề hề ôm lấy vợ:

- Chết rồi đâu còn ai để anh bồng anh yêu...

Thành nhấc bổng vợ lên, nhẹ nhàng như nhấc một con búp bê đi vào trong phòng. Thế là Tâm quên hết nhọc nhằn, quên luôn bắt đầu từ mai trở lại tiệm may sau hơn hai tháng nghỉ việc và quên những buổi sáng mắt nhắm mắt mở vừa tuột xuống giường đã ba chân bốn cẳng lao đầu vào bếp nấu nướng, lồng phần cơm cho mình vẫn chưa đủ còn dọn sẵn cho chồng bữa điểm tâm trước khi đi làm...

Bộ salon mang về nhà được hơn ba tuần thì sở di trú gọi báo tin cha mẹ Tâm đã qua tới Thái Lan và đang chờ chuyến bay sang Mỹ. Tâm mừng nhưng cũng rối cả ruột gan vì nhà chỉ có hai phòng, một cho hai vợ chồng còn một cho khách. Phòng cho khách kê mỗi cái giường "một" mua ở garage sale từ ba năm về trước. Tâm bàn với chồng mua thêm một cái nữa cho đủ cặp để ông bà cụ ngủ trông thanh lịch một tí thì bị Thành gạt phăng:

- Biết ông bà già ở đây lâu mau mà mua cho tốn tiền.

- Không ở với mình thì ở với ai?

- Sao hôm nọ em bảo dì Nụ đã sắm sẵn giường chiếu nơi ăn chốn ở cho ông bà già rồi? Thành ngạc nhiên nhìn vợ.

- Anh tin cái con bụi đời, khố rách áo ôm đó hay sao. Dù nó có ôm một đống vàng, dù nhà nước có nuôi nó suốt một đời cũng vẫn là con tật nguyền. Cùng là phận gái nhưng em là chị chính ra phải...

Tâm bỏ lửng câu nói thở hắt ra rồi mới nhìn chồng trách móc. Thành tránh vội đôi mắt của vợ bằng cách đảo mắt một lượt quanh phòng:

- Cái phòng nhỏ quá, đổi giường đôi cũng không đủ chỗ nhét vào.

Tâm ngắt lời:

- Nhưng mà cha mẹ em già rồi đâu thể nằm chung một giường kỳ chết.

- Kỳ là cái chắc, Thành đốc thêm, tạm thời cứ để y như vậy, biết đâu nơi này không phải là tổ ấm của ông bà.

- Già rồi còn tổ chim tổ cò gì nữa. Tâm gắt khẽ.

- Hay tạm thời mình mua thêm cái sleeping bag để bu nằm kế bên?

- Ý sao được, Tâm hoảng hốt kêu lên, mẹ em bị phong thấp nặng nề, nằm đất có nước đi luôn.

- Không bà nằm thì ông nằm, ba cái chuyện lăng nhăng đó cứ nói hoài. Tóm lại, anh không muốn kê hai giường, cũng không muốn bất cứ ai nằm ở ngoài phòng khách.

Mọi lần bàn để mua sắm thì Thành mềm mỏng nhưng khi hạ lệnh thì nghiêm nghị và giọng lạnh như thép. Cái mệnh lệnh mỗi khi được ban ra là trái tim Tâm đập liên hồi. Hôm mang bộ salon về nhà nàng đã nghĩ ngay đến điều đó. Ít ra cũng là chỗ để ông bà cụ nghỉ trưa hay buổi tối có lỡ xem ti vi mệt mỏi lăn ra ngủ cũng chẳng sao. Ai ngờ bây giờ Thành lại ra điều lệ quái ác như vậy.

- Em cứ nghĩ ghế thay giường?

Thành vẫn khăng khăng một mực và lôi luận điệu tiết kiệm ra để thuyết phục:

- Hồi chưa mua mình đã tính là chỉ để chưng thôi, càng ít người ngồi thì càng giữ được lâu.

- Hay là em phủ thêm cái khăn...

- Đã nói không là không. Ghế chỉ để ngồi, muốn nằm ngủ phải đi vào phòng.

Tâm không tranh luận nữa vì đầu óc còn muôn ngàn điều cần phải lo lắng. Nào những đồ dùng lỉnh kỉnh, quần áo, giày dép, khăn mặt, bàn chải đánh răng và cả những thứ không đáng sắm vẫn cần phải có như bộ bình tích cũng làm Tâm bận lòng. Hôm nọ đi chợ Việt Nam, Tâm đáo qua đáo lại cả chục lần ở hàng đồ sành đồ gốm để ngắm nghía cái bình tích kềnh càng tráng bằng lớp men sứ vẽ vài hình con công con phượng "made in China" và cái vỏ để ủ với giá ba chục đồng. Cái giá quá mắc trong khi ở chợ Mỹ cả bộ trà cũng chỉ có mười lăm đồng bạc nhưng khốn nỗi bình của Mỹ không có vỏ ủ thì sao hợp mắt các cụ. Mà cái vỏ có đẹp gì đâu, được đan bằng những sợi nilon nhỏ như sợi cói, bên trong dồn bông goòng bọc vải vừa vặn để cái bình tích vào. Không mua thì sợ cha mẹ mình buồn vì gia đình Thành vừa qua Mỹ tháng trước cũng có một cái mà mua thì biết sao cho vừa lòng. Nhìn thì biết, các cụ đua nhau mua sắm, thích gì là đòi cho bằng được, từ bộ tranh sơn mài cho đến những thứ lẩm cẩm thật vô dụng như cái lồng bàn, cái nón lá v.v... Quần áo mua sẵn ở tiệm không chịu, cứ đòi phải may theo lối Việt Nam vừa mắc, vừa mất thời giờ. Cũng may Thành không phải đón về nhà nuôi chỉ vì ông bà già chồng sợ lạnh, không chịu nổi cảnh đi chân đất trên cái nền tráng men nên ở với người con trai thứ hai. Hai vợ chồng người em chỉ là technician nhưng làm việc lâu năm nên lương cũng khá. Tâm không phân bì với Thu nhưng nó là dâu mà dám sắm bộ bình tích cho cha mẹ chồng trong khi mình là con ruột lại tính toán từng ly từng tí...

Thế là hai hôm sau Tâm quyết định trở lại nhưng khi móc tiền ra trả thấy đau thế nào. Ba mươi đồng đối với Tâm không to lớn nhưng mua một thứ vô dụng và xấu xí để trong nhà thật uổng phí. Nhớ dạo còn ở Việt Nam, Tâm mua được chiếc bình thủy cũ của Mỹ, nàng cứ thắc mắc tại sao chiếc bình mỏ vịt lại bị Ố vàng ở miệng rót, về sau mới biết người ta chứa nước trà trong đó. Bình thủy Mỹ tiện dụng là vừa xài lạnh và nóng, ngược lại cha mẹ Tâm lại cho rằng sức nóng của nó làm cho bã trà nở toét ra uống hết cả ngon. Tâm không nghĩ như thế nhưng ý thích của các cụ thì có trời hiểu nổi vì các cụ nói một đàng nhưng lại làm một nẻo. Thích uống trà nóng mà lại phải kiểu cách, màu mè trong bình tích vì như vậy mới diễn tả được vẻ thanh lịch của thú tiêu khiển. Nhớ hồi còn ở nhà mỗi lần uống trà với khách, cha nàng trịnh trọng giở nắp ủ lên, miệng xít xoa kêu nóng và rất thong thả, ông giơ cao bình rót ngay vào cái tách nhỏ nằm phía dưới. Độ cao làm tiếng nước chảy xuống kêu ròng rọc nhưng không văng ra ngoài tới một giọt. Cha mẹ nàng nghiền trà thì dẫu đi đến đâu, ngoài trừ chết, vẫn không quên được chiếc bình tích.

Tâm thở dài, nàng không tiếc tiền khi mua bộ bình trà mà chỉ vì không muốn cha mẹ mình ở chung. Nàng sợ cảnh đoàn tụ sẽ cười ra nước mắt và sẽ ăn nói thế nào với Thành về ông chủ đồn điền Bảo Lộc? Dù ông chủ đã bị kiểm kê và tịch thu trọn bộ tài sản sau năm bẩy mươi lăm, dù đã phải bỏ hết về Hốc Môn sống kham khổ vất vả thì vẫn còn lại cái cốt cách chứ làm sao có thể mất? Trong khi thực tế, từ ngày di cư vào trong nam ông bà Cửu sống chết với xứ Trung Chánh đã gần bốn mươi năm trời.

Tâm ái ngại và đâm ra ngượng với chồng, nàng nhớ lại bốn năm trước ngày đám hỏi, hai người cùng đồng lòng viết thư về gia đình để hai bên xui gia được gặp mặt. Gia đình Thành giàu có nên hôm đám hỏi, ngoài đồ dẫn lễ gồm có hai con heo quay, ba gánh xôi gấc, một mâm cau, một mâm trà, một mâm rượu và nhãn, xoài, cam, ổi xá lỵ đội từng thúng đầy lại còn trình diện họ hàng tông ti toàn bác sĩ kỹ sư v.v... Đàng trai kéo đến, dẫu đã thông báo trước, vẫn làm đàng gái méo mặt dù Tâm gửi về một ngàn dollars để cha mẹ nàng làm cho nở mày nở mặt với bà con lối xóm. Khốn nỗi họ hàng đã đông lại toàn thứ ăn bám nên khi được tin nhà ông Cửu có con gái gả chồng bên Mỹ thì dù không được thiệp mời, bà con xa gần vẫn cứ lục đục kéo đến từ hai tuần trước.

Tội nghiệp bà Cửu, già cả mệt nhọc nhưng vẫn cố giữ phong cách của một người có con ở nước ngoại nên ngày nào cũng lặn lội từ đầu trên xóm dưới vơ vét từng con heo đến con gà. Bên chợ cũng được một phen đắt hàng vì một ngàn đô chứ đâu phải ít. Lũ con cháu đói khát mười mấy năm liền nên những ngày đầu được bữa cơm trắng cá kho kéo ở ao về là đã thấy đời sung sướng hạnh phúc nhưng sau vài ngày ăn uống no nê, sức khỏe đã phục hồi thì đám gà qué nhốt trong chuồng mới là mục tiêu chính cho họ mỗi bữa ăn. Bà Cửu chẳng hiểu sao gà cứ lăn cổ ra chết, mà chết toàn những con mái tơ mập mạp để dành cho đàng trai thế mới kỳ! Ngày đầu ngả hai ba con rồi cứ thế tăng dần, gà dịch chết toi mà lũ quỷ ăn vào cứ mập mạp béo tốt, đã vậy tới bữa dọn ra chỉ toàn xương với cổ, làm ba con cũng xương với cổ, năm con cũng cổ với xương. Hai ông bà bảo nhau rình nguyên ngày thì khám phá chẳng có toi có dịch nào mà hễ cứ đến giờ trưa, sau vài tiếng kêu quang quác là cả chục con dãy đành đạch. "Chúng vặn cổ nó tại chỗ mà." Ông Cửu hét lên rồi vơ khúc cây đập lia lịa trên đầu thằng Võ, thằng cháu ruột gọi ông bằng chú "Sư bố nó, bố nó mà sống ông quật cả hai." Ông Cửu vừa quật vừa thở dốc còn bà thì bới trong đống rơm sau nhà toàn những đùi gà luộc béo ngậy, lại có cả xị đế và chén muối tiêu chanh. Tiếc của, bà đào ông bới cha lũ cháu đốn mạt khốn kiếp nhưng rồi đâu cũng vào đó, của thiên trả địa vì Tâm đã muốn nở mặt họ hàng. Con cháu tức là họ hàng, chúng được ăn thì mới sợ và nể phục ông bà. Và có như vậy mới khóa mồm cả lũ xưa nay vẫn lén lút dè bỉu con bà ế. "Đấy cho chúng mày biết, ngày xưa đứa nào bảo con bà ế! Ế mà lấy được chồng chủ tiệm, con nhà danh giá giàu có!"

Vì ăn trước như vậy nên ngày đàng trai đến đón dâu chỉ còn được vài chục đĩa nem trộn thính, vài chục đĩa thịt gà luộc và hơn một thúng xôi, giò thủ trong khi đàng trai nối đuôi nhau, người lớn kẻ nhỏ, lễ mễ gánh đội đi một hàng dài đến cả trăm thước. Họ hàng khách khứa, bà con lối xóm cộng lại trên dưới vài trăm người. Cũng may đồ sính lễ quá nhiều, bà "lại phần" một ít còn bao nhiêu cho mang hết xuống bếp chặt nhỏ xếp ra dĩa. Quang cảnh ngày cưới tấp nập nhộn nhịp như đám hội lớn. Bên cạnh, bà Lý cho mượn nguyên căn nhà gạch xây làm đám. Nhà lại có lầu nên khi bà Cửu gửi cuộn băng video sang Tâm cũng cảm thấy mát mặt với chồng. Ông Cửu hôm đó trông cũng ra phết với cái áo sơ mi trắng và cà vạt to bản bông sặc sỡ, bên ngoài khoác bộ vét màu sữa nhạt, tướng tá oai vệ như tổng giám đốc ngân hàng. Bà Cửu cũng đâu kém, bà mặc áo dài bông bằng nhung màu xanh đậm, bên trong là bộ bà ba trắng với hai ống quần rộng thùng thình, đầu không chít khăn mỏ quạ như thường ngày mà lại vấn tròn bằng chiếc khăn nhung cũng màu xanh làm lũ con nít mất nết bu theo chọc:

- Cô "râu" già đội rế hoàng hậu.

Nhìn lối ăn mặc dị kỳ xí xọn, già không ra già, trẻ chẳng ra trẻ nhưng Tâm vẫn thấy thinh thích. Thà dị kỳ còn hơn để lộ sự quê mùa ra. Thà xí xọn còn hơn phơi bày cảnh khó nghèo của muôn thuở trước...

Tâm ngại ngùng vì cái bình tích nhưng lại tự an ủi khi nghĩ gia đình Thành giàu có mà còn xài nó huống hồ gì cha mẹ nàng. Khốn nỗi người ta ở Mỹ Tho giàu cách mấy cũng là nhà quê còn cha mẹ nàng giàu nứt đất đổ vách ở Bảo Lộc. Dân Bảo Lộc, Đà Lạt đâu thua gì dân Sài Gòn... Nhưng thôi, lo quá cũng đến chết vì không còn cách nào nữa bây giờ. Cả năm nay Tâm đã tốn phí biết bao nhiêu tiền để cho cha mẹ cởi lốt. Nàng gửi những mẫu áo thời trang về cho chị dâu để dẫn ông bà đi tiệm maỵ Nàng gửi giày gửi dép, mua những xấp vải sặc sỡ và dặn đi dặn lại không được mặc quần đen, viện cớ màu đen là màu xui xẻo, tụi Mỹ rất kỵ màu đen, nhất là nó lại nằm ở phân nửa dưới của người đàn bà.

Dặn dò là thế mà hôm đi đón ở phi trường, bà Cửu mặc ngay cái quần đen chân què từ Thái Lan sang tới Mỹ, cũng may có hai vạt áo dài nhung tím phủ che phần trên nên đỡ được phần nào vẻ thô kệch. Ông Cửu tân tiến hơn trong bộ vét màu mỡ gà, tay xách cặp da đen của tụi con nít lớp ba nhưng cũng oai ra phết. Trong lúc Tâm lăng xăng xách cái nọ cầm cái kia thì Thành đứng khoanh tay lạnh nhạt, ánh mắt có vẻ ngỡ ngàng nhiều hơn là khinh thị. Họ như từ một hành tinh nào tới, líu nhíu tiếng bắc rặc khó nghe, đã vậy lại còn lùn hơn bất cứ người lùn nào và nhỏ thó hơn bất cứ ai nhỏ thó. Nhìn đàng sau người ta chỉ nghĩ là đứa con nít chín, mười tuổi trịnh trọng áo quần của buổi đại hội. Nhưng thôi Thành nào hy vọng họ khá hơn vì Tâm cũng đâu có cao chi nếu không đi vào đôi giầy tấc rưỡi. Ngày xưa Thành khoái mỗi lần hôn môi Tâm vì nàng hay bước cả đôi giầy gót nhọn lên giầy mình rồi nghến cao cổ lên... Được đàng nọ mất đàng kia vì muốn có những đặc biệt khác người, muốn được thiên hạ bàn tán xì xào như cái rốn của vũ trụ thì cũng phải chịu ít nhiều thiệt thòi, mà những thiệt thòi đó lại ở trong phòng kín nào mấy ai để ý.

- Anh ra lấy xe là vừa vì chỉ vài phút nữa người ta sẽ đẩy đồ xuống.

Thành cũng muốn đi ra ngoài cho thoải mái và nhẹ đầu óc vì cũng người bắc sao Tâm ăn nói ngọt ngào dễ nghe dễ hiểu mà ông bà Cửu nói cái gì đâu. Đã vậy bà cụ lại cứ nhào tới nắm tay Thành, bàn tay xương xẩu và nháp như giấy nhám.

- Bu mừng lắm, được thằng con rể như mày có chết cũng nhắm mắt.

Thành chỉ biết gật đầu cười trừ trong khi bà cụ ra chiều còn thích nói, bà cố nghến cái cổ ngắn cụt gào lớn giữa tiếng máy phóng thanh và tiếng ồn ào chung quanh:

- Cái máy bay lớn quá, suốt mấy ngày liền cứ kêu u u làm nhức cả đầu. Giá mang theo cái khăn vuông mà bum tai thì đỡ phải điếc.

Khi Thành ra ngoài, Tâm mới dám cằn nhằn về cách ăn mặc của ông bà Cửu. Nàng giằng cái cặp ông đang xách trên tay:

- Thầy vác cái giống quỷ này theo làm gì?

Ông Cửu cười gượng gạo:

- Thì mày bảo tao phải bắt chước y hệt còn gì nữa. Con vợ Chẩn đi khắp chợ Huỳnh Thúc Kháng cũng chẳng tìm ra thứ ấy, có một cái trông cũng tợ tợ nhưng mắc như ma mà có khác cái này là bao. Hàng quốc nội bao giờ cũng rẻ.

- Cứ quốc nội quốc ngoại mãi mà chẳng bỏ, thầy vào trong nam gần bốn mươi năm rồi mà vẫn không thể gột rửa được sự quê mùa của mình.

Ông Cửu nhìn Tâm bằng đôi mắt ngỡ ngàng vì không tin rằng xã hội văn minh đã biến đổi tính tình con ông mau như thế. Ngày xưa còn ở nhà dù Tâm đỡ đần trong ngoài và dù đi bỏ rau ở chợ mỗi sáng mang về cả đống tiền nhưng bố ra bố con ra con, nhiều khi giận ông còn vác cây đuổi đánh thế mà bây giờ mới tiếng tây tiếng u trọ trẹ vài ba chữ đã khinh tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên ông cũng gượng làm vui, chân ướt chân ráo sang đây không nhờ nó thì còn nhờ vào ai. Ông lấy giọng bình thường hỏi Tâm trong khi đảo mắt nhìn quanh:

- Chẳng ai đón thầy bu hết à?

- Thiếu có mỗi cái Nụ thôi, nó đi ăn đám cưới bạn bè mãi bên Canada, hai tuần nữa mới về.

- Rồi tối nay tao với bu mày ngủ ở đâu?

- Thì ngủ đỡ trên con cho đến khi nào nó về.

- Biết tao sang mà nó còn đi. Bạn thì bạn, tao với bu mày không hơn chúng nó hay sao?

Tuy ông lầm bầm trong cổ họng nhưng bà Cửu vẫn nghe được. Thường người già nếu mắt đã sáng thì tai rất thính. Bà bấu nhẹ vào tay ông, giọng nhẹ nhàng:

- Qua Mỹ rồi ông đừng chấp nhất như ở Việt Nam.

Ông Cửu lại không nghĩ như vậy. Không khó khăn, không chấp nhất làm sao đám con ông được trở thành ông nọ bà kia. Trừ vợ chồng Chẩn còn kẹt lại không nói, mặc dù nó giầu nhất xóm vì làm chủ cả một xí nghiệp heo "đi tơ", còn thì con ông ba đứa đang ở bên Mỹ đứa nào cũng khá cả, duy có thằng Phước thì hơi tệ. Ai đời qua Mỹ được hơn một năm mới gửi về duy nhất một thùng quà, con vợ nó véo von dặn đi dặn lại:

- Thầy để dành xài, đừng bán vì toàn những loại hàng tốt.

Ông Cửu nghĩ nó dặn mánh mung gì đó nên đống quần áo tuy thơm nực mùi vải mới nhưng ông chẳng dám bán và cũng không dám mặc. Cái quần có đến năm bẩy túi nặng chình chịch, trên rộng dưới túm chặt như quần thằng phỗng. Đôi giầy không nhọn mũi mà lại bè bè cái đầu bọc mủ mà lũ nhóc hàng xóm gọi là "ten nít su". Ông chẳng cần biết tennis là cái gì chỉ biết rằng nó quá vô dụng. Ông già rồi, quanh năm ngày tháng lam lũ với vườn tược, sáng cũng như chiều lúc nào quần cũng xắn cao, bùn ngập tới đầu gối mà đôi giầy thì trắng bóc, lại cũng không hợp nếu mỗi sáng chỉ dùng để đi lễ vì con đường đất tứ thời nhớp nháp, không vì mưa dầm cũng là đất bùn từ các ruộng rau kéo về. Cả làng ông ở đều trồng rau bán vùng Hốc Môn, Trung Chánh. Đứa lớn đứa bé vừa nứt mắt ra đã ăn rau, rau thay cơm, rau thay thịt cá. Mà rau có ngon chi cho cam, mọi thứ tươi tốt đều mang đi bán để được khá tiền, còn lại những thứ xấu hay quá lứa mới để ăn hoặc nấu cho heo gà.

Nhìn đống quần áo, ông thấy giá trị có mỗi khúc hàng soir đen may quần cho vợ, còn bao nhiêu thì đáng giá gì mà con dâu bảo để dành xài vì toàn loại tốt? Chính vì nghĩ như thế nên suốt ngày ông như người bị ma hành, cứ xăm soi thư dưới ánh sáng mặt trời rồi lại vào phòng tối đốt đèn lên mà rọi cũng chẳng thấy gì hết. Cho rằng nó tuy khôn khéo nhưng lại quá nhút nhát không dám viết chỗ dấu tiền độ Chắc chắn như thế nên ông cứ từ từ lần lượt gỡ từng cái quần cái áo, rạch hằng chục mảnh ở cổ áo, túi quần để tìm tiền, ngay đến đôi giày mới tinh cũng bị đâm thủng tứ phía.

Vừa mất thì giờ lại vừa toi cả bao nhiêu hy vọng, ông bực tức sai thằng cháu nội viết một trang thơ dày đặc gửi sang chửi vợ chồng con cái nhà Phước. Ai ngờ con vợ đáo để đã chẳng xin lỗi hoặc gửi thùng khác tạ tội cùng cha mẹ chồng mà ngay đến thư từ cũng lờ luôn. Tuy giận lắm nhưng có chửi từ ngày này sang ngày khác cũng không hả, vả lại tiền cò tem đâu phải rẻ, vì thế thỉnh thoảng có viết cho con gái, ông kèm mấy giòng nhắn chửi vợ chồng Phước. Dần dần chuyện giận hờn cũng phai nhạt nhưng chắc chắn không phải tại vì mỗi năm vợ chồng nó vẫn thường xuyên gửi tiền về biếu ông tiêu tết. Tình cảm ông vẫn dửng dưng lạnh nhạt bởi vì có vài lần ông hỏi xin ít ngàn thì Phước tra gạn nào là thầy cần làm gì, tiêu những gì phải cho nó haỵ Biết không thể dấu được ông đành xì ra:

- Tao cho người đóng hai cỗ hòm.

- Thầy đóng hòm làm gì? Sắp sang rồi mà!

Phước viết thư đối thoại như đang nói chuyện làm ông nổi cáu:

- Sắp sang là một chuyện, hòm sắm là một chuyện.

- Nhưng còn bộ hòm hồi xưa chúng con đóng tặng thầy bu đâu?

- Cái thằng ngu, trước kia mày nào đã là công dân Mỹ. Tao cũng nào có những đứa con sống vinh quang ở nước ngoại. Hơn nữa đồ quốc nội đâu bằng quốc ngoại nên tao cho bác Cả Phùng rồi, tội nghiệp chết chẳng có miếng ván.