Thành phố vặn mình theo dòng sông.

Đồi Sam ở mạn Bắc, như một ốc đảo. Ở đó có cô tôi.

Khi còn là một cô bé nhông nhênh trên xe đạp, chủ nhật nào mẹ cũng đưa tôi chiếc làn đựng bên trong khi thì khoanh chả, cái chân giò hay chục trứng, rồi bảo:

- Đến với cô.

Tôi thoát khỏi thành phố. Con đường nhựa nham nhở trượt qua cây cầu vắt ngang dòng sông tư lự, lao mãi về phía những triền núi lam nhạt.

Cô Na sống một mình trên ngọn đồi đầy cây cối. Đồi Sam rộng, hình trái hồng xiêm. Nếp nhà đơn lẻ của cô tôi víu vào lưng chừng đồi, dưới mái lá. Bao giờ tôi cũng bị ngợp bởi sự u tĩnh như vĩnh hằng trước khi leo lên lối đi bập sâu vào lòng đồi. Bốn mươi ba bậc cả thảy, phẳng phiu, đôi chỗ xanh nhờ lớp rêu. Lần nào cũng chỉ tới bậc thứ bốn mươi, đã nghe giọng khô, gày, nhưng thật hiền của cô tôi:

- Xuyến phải không con?

Tiếp đó là tiếng hai mảnh gỗ dội lên vui mừng. Cô tôi hiện ra với nụ cười mênh mông. Tôi vội vã quăng xe đạp lao vào lòng cộ Cô vuốt ve gương mặt hồng hào rịn mồ hôi của tôi như vuốt ve một con chim nhỏ.

- Cô có buồn không cổ - Tôi hỏi.

- Không, con ạ.

Cô đáp. Những ngón tay khao khát lần tìm tình cảm.

Tôi biết cô nói dối.

Năm tuổi, cô Na mắc bệnh, đôi chân bụ bẫm cứ teo dần biến thành một khúc cây cong queo. Cô đi lại trong nhà bằng hai taỵ Ông kiếm hai miếng gỗ xinh xinh đẽo thành guốc để cô nắm nó mà di chuyển.

Bà sợ đôi chân dị dạng của cô và khóc. Ông quay mặt. Ông già nhanh hơn. Ông chiều cô hết mức, chưa bao giờ thấy ông nặng lời với cô một câu. Các con, đứa nào suy tị, ông hầm hầm nọc ra đánh. Vừa vung roi, ông đã ném nó đi, nhẹ giọng như một người mềm yếu:

- Các con ơi, đừng để tao phải nổi giận.

Một giọt nước to nặng trườn khỏi mắt ông, đậu nơi chòm râu bạc. Mặt ông rầu rầu đến nỗi tất cả muốn òa khóc vì đã làm ông phiền muộn.

Càng lớn, mọi người càng hiểu rõ sự thiệt thòi của cô Nạ "Vàng là thứ giúp người nhưng cũng hại người, cho nó chỉ khổ nó. Sống với đứa nào, nhiếc một câu cũng bằng giết nó. Tao thương nó... Tao chết, anh em chúng mày bảo ban nhau có trách nhiệm với nó" - Ông thở dài.

Ông rồi bà lần lượt ra đi. Anh em kiến giải nhất phận. Cô Na ở với gia đình tôi.

Hình như để đền bù thiếu hụt, cô Na có đôi tay cực khéo. Cánh tay cô tròn trắng, mát như hai mảnh đêm. Tôi mê mải dõi theo hoa và lá nở ra dưới ngón tay mềm mại ấy, trên tấm áo gối trắng tinh. Tóc cô dày nặng quấn quýt. Tôi ngủ cuộn trong vòng tay và mái tóc cộ Tôi mơ mình có đôi tay tròn trắng. Mùa đông năm ấy vắng những tiếng hai mảnh gỗ lịch kịch gõ xuống nền nhà. Cô Na ốm.

Cô Na ba lăm tuổi. Vào trạc cô, người ta đã mấy mặt con. Cô ngày ngày thêu thùa. Bỗng nhiên cô buồn xỉu. Cha tôi lo lắng gặng hỏi mãi. Cô đỏ lựng, lí nhí trả lời có người ướm cô làm vợ. Đó là Điển, một gã đàn ông thấp bé. Điển mặt lép, người hình gai. Gã nghiện thuốc phiện, bỏ nhà đi đào vàng song không gặp vận. Có người nói Điển được chút ít nhưng chơi gái và hút hết sạch. Còn ngôi nhà nhỏ tít trong ngõ cũng đang rao bán. Điển biết cô Na có ít vàng ông tôi để lại nên buông lời ỡm ờ. Cô Na ngỡ Điển yêu mình thật. Từ bé đến giờ có người đàn ông nào ngọt ngào với cô thế đâu! Cô hồi hộp và sung sướng. Cha tôi vừa bực vừa buồn cười. Ông hiểu rõ tâm địa Điển và chẳng còn cách nào khác là phá vỡ ảo tưởng của cô:

- Nghe anh. Không được đâu! Hắn yêu vàng chứ chẳng đời nào thương em! - Sau những lời tàn nhẫn ấy, cô Na không nói gì, mặt ánh lên sắc tím. Bố tôi nghĩ thế là xong.

Chẳng ai dò đoán được những kẻ đang yêu nghĩ gì, nhất là khi tình yêu bị ngăn trở. Trong giây phút phẫn chí có thể nảy sinh những ý tưởng liều lĩnh đến rồ dại. Chẳng biết cô tôi có thế không nhưng cô làm cả nhà một phen khiếp vía.

Buổi trưa rét ngọt, mọi người đều ngủ trưa, bỗng dậy một tiếng trầm đục. Cha tôi choàng tỉnh. Điều đầu tiên ông nghĩ đến là cô Na.

Ông bổ đến bên giếng và nhìn thấy mớ tóc lập lờ như một chùm rong. May mà giếng nhà tôi rộng và không sâu lắm.

Cô Na được vớt lên lạnh cứng, ngất xỉu. Cha tôi ghé tai vào ngực cô, mừng rỡ:

- Còn sống!

Ông cuống quýt bế thân hình ướt sũng vào nhà.

Cô Na ốm suốt tháng, cô chẳng ăn uống được mấy, mắt ứa lệ. Thân thể cô như thu gọn trong bộ quần áo lụa. Da cô chuyển màu trong suốt, thoảng khí lạnh. Cô như chiếc lá chót cành vào tiết thu.

Một hôm cô gọi cha tôi đến, nghẹn ngào:

- Em mang tội với anh. Chắc em chả sống được bao lâu nữa.

- Bậy nào! Em còn sống lâu.

Cha tôi gạt phắt, cầm cánh tay gày xanh xao của cô, mắt chớp chớp. Ông gắng kiềm chế để khỏi đánh rơi giọt nước mắt.

Cô Na nằm thiêm thiếp, mình phủ tấm chăn trắng thanh thản lạ lùng. Bố tôi định nói câu gì đó, có lẽ để an ủi nhưng nghẹn lời. Ông dốc mặt vào mười ngón tay, thầm thì:

- Ôi, đời người...

- Đừng lo, nó sẽ chẳng chết đâu!

Cha tôi nhìn ra. Một bà cụ tóc cước, mặt phảng phất tượng phật, ăn mặc nâu sồng hiện lên bên ngưỡng cửa. Bà nhẹ nhàng lại gần giường cô tôi bắt mạch rồi lấy một gói nhỏ trong chiếc đãy vẫn đeo cạnh sườn đưa cho cha tôi: - Bỏ vào ấm kín đầy nước, sắc lấy một bát cho uống.

Đoạn bà phất áo đi thẳng. Cha tôi kinh ngạc toan chạy theo giữ lại để hỏi nhưng không kịp. Ông vô cùng bối rối.

Bệnh cô tôi nguy kịch lắm, không khéo cô đi thật. Cha tôi trân trân nhìn đôi mắt khép nhẹ của cộ Nét mặt phúc hậu của bà cụ khiến ông bớt nghi ngại. Ông đứng im lìm hồi lâu, quay phắt vào bếp nhóm lửa, đặt ấm.

Cho cô uống thuốc rồi, cha tôi lên giường trằn trọc. Chốc chốc ông lại trở dậy. Cô Na vẫn nằm yên, sắc mặt xanh tím dưới ánh đèn. Cha tôi thở dài. Gần sáng ông thiếp ngủ.

Ông giật mình khi nghe tiếng xôn xao. Tim ông chợt vón lại. Mẹ tôi đang lay cánh tay ông:

- Dạy, dạy mà xem.

- Cô Na ngồi trên giường, người mỏng dính. Ở cô có cái gì giống như đọt cỏ mùa xuân vừa bật lên khỏi lớp tro đám cháy. Cô luồn tay vào mái tóc, gỡ ra một mớ chẳng khó khăn gì.

Cô Na hồi phục rất nhanh. Mới vài ngày, ngôi nhà đã lại râm ran tiếng guốc gỗ quen thuộc, có điều mái tóc cô tróc hết. Cô dùng một tấm khăn bịt cái đầu trọc lóc của mình.

- Phúc bảy mươi đời nhà ông, Già Là đấy! - Người hàng xóm sang thăm hỏi.

- Cụ Ở đâu? - Cha tôi vội hỏi.

- Cách chừng dăm bảy cây đường chim bay.

Một sớm nắng nhạt, màu trời hoe vàng, cha tôi sửa soạn đến nhà Già Là thì Già tới.

- Ta đến đón nó. Nó sống với ta tốt hơn!

Cha tôi bảo mẹ thu xếp quần áo đồ đạc cho cô Nạ Lúc sắp đi, cha tôi đến bên Già khẩn khoản:

- Vợ chồng con chẳng biết lấy gì tạ Ơn cụ. Trăm sự nhờ cụ. Chúng con nghèo chả có gì hơn, cụ cầm tạm cho chúng con yên lòng.

Già Là không ngó chiếc nhẫn hai chỉ mặt vuông bọc giẻ cha tôi moi ra trong khe cột, bàn tay phải duỗi thẳng, chỉ xuống, lòng bàn tay quay ra, chậm rãi:

- Nơi uế thổ thảy đều là hư không. Vàng có nghĩa lý gì? Cất đi, không phải lo lắng.

*

* *

Ngày hẹp dần. Nắng cuối chiều rớt chéo từ Tây sang Đông.

Độ vài tuần sau, cha tôi lên đường thăm cô Nạ Chiều về, mặt ông nở rạng. Cô Na khỏe thật rồi. Cô béo ra. trong cô còn nhiều mầm bệnh, Già Là vẫn cắt thuốc đều. Thuốc nam đã ứng nghiệm là khỏi tiệt. Thêm cô, nhà Già đỡ quạnh. Già Là độc thân. Già giỏi thuốc. Già bốc thuốc không phải để kiếm tiền. Già thích tự đến với con bệnh. Có người bệnh viện trả về đợi chết lấy thuốc Già cầu may, nào ngờ bệnh thuyên giảm rồi khỏi hẳn. Khách tỉnh xa nghe danh lặn lội đến tìm.

Ngày cô Na về Đồi Sam Già Là đã chín mươi bảy tuổi. Ba năm sau Già tịch. Hôm ấy trời đổ mưa tầm tã. Sớm sau, trời ửng, trong lá một giọng chim ngân. Lúc hạ huyệt, người ta thấy một làn hương lạ quanh quất.

Cô Na không muốn đi đâu nữa. Thời gian gần cận, Già Là dạy cô cách thăm bệnh bốc thuốc. Giờ cô thay Già.

Đồi Sam đã khác xưa. Cô Na cho phá bỏ nếp nhà tranh ken két tiếng mọt nghiến, cho xây ngôi nhà ba gian vững chãi, nền cao có nhiều ô cửa, tường ve xanh dịu thấp thoáng sau rèm cây. Cô trở nên nổi tiếng. Ngày nào cũng có người đến xin khám bệnh bốc thuốc.

Tôi chớm tuổi thiếu nữ.

Người tật nguyền thường có linh cảm thần kỳ. Một lần, cô hỏi:

- Cháu đã yêu ?

- Sao cô biết ? - Tôi bừng mặt, luống cuống.

- Yêu là cho... Cháu đã cho! - Cô cười.

- Cháu cần lời khuyên - Tôi thổ lộ và ngượng ngùng.

- Cấm!

Tôi ngơ ngác. Và cô bật cười. Tiếng cười độ lượng xiết bao. Ước gì mẹ tôi cũng hiểu tôi như cô Na.

Thông yêu tôi. Thông cao lớn, nụ cười vui vẻ và mạnh bạo. Hai đứa chung một lớp, hẹn cùng vào đại học và yêu mãi. Thông thi Bách khoa thiếu nửa điểm.

- Đừng nản, năm sau thi tiếp.

Tôi động viên, Thông gật.

Biết chuyện, mẹ tôi chỉ mặt:

- Con trai đã hết đâu mà mày thích một thằng đi xe ôm!

Bà tìm cách phong tỏa tôi.

- Nó trộm cắp ? - Cha tôi can thiệp.

- Không! - Mẹ tôi nóng nảy

- Giết người, cướp của, cờ bạc, trai gái?

- Không!

- Vậy sao bà ghét nó ?

- Tôi không thích. Thế thôi! - Mẹ tôi vùng vằng, thục tay vào chậu quần áo ngâm xà phòng một cách giận dữ.

- Để cô nói hộ cho - Cô Na bảo.

*

* *

Bẵng đi cả tuần tôi bận, không đến thăm cô Nạ Một hôm, cô Thơm tất tả đến, ghé tai cha tôi thầm thào vẻ lo ngại.

- Chắc không ? - Cha tôi hỏi lại.

- Nếu sai, chặt đầu em đi! - Cô Thơm quả quyết.

- Cô nói hắn là thương binh ?

- Phải.

- Gần phải biết rõ bỏ vợ hay vợ bỏ.

- Vớ vẩn. Em đã nói thẳng với nó rằng đàn ông chỉ là lũ lợi dụng đểu giả.

- Cô ấy bảo sao ?

- Nó không trả lời. Em tức quá bỏ về. Muốn chết thì mặc! Một lần rồi chưa sáng mắt hay sao! - Cô Thơm làu bàu.

- Dẫu sao thì... - Cha tôi sờ soạng móc bao thuốc trong túi áo.

Buổi chiều, tôi hộc tốc tìm Thông. Nghe kể, anh trầm tư:

- Uýt Man bảo: Yêu một người đàn ông, hay yêu một người đàn bà thái quá, đó là điều đau khổ. Thế nhưng nếu thỏa mãn thì nó vĩ đại. Để xem ông ta là người thế nào ?

Trăng thượng tuần dài mảnh như chiếc lá tre bằng bạc, mắc chơi vơi lưng trời. Đồi Sam lụt trong trăng. Tôi và Thông nắm tay nhau men theo rặng cây lòa xòa mờ tối vươn lên chóp đồi. Tôi cảm thấy rõ ràng mình sắp chạm trán người mà cô tôi yêu. Thảo nào, dạo này, cô cứ cười luôn. Nhưng ông ta có yêu cô thực sự không nhỉ? Tôi sực nhớ năm nay cô Na chẵn bốn mươi tuổi. Hai đứa mò mẫm, rón rén như hai kẻ trộm. Nhà cô tôi kia. Thông bấm tay tôi: Giữa khoảng sân hẹp, cô tôi ngồi trên ghế mây lớn, có thể nằm được, bên cạnh là người đàn ông của cộ Hai người yên lặng để cái nhìn sóng đôi theo vầng trăng ngày càng bị rút lên cao. Gió ào quạ Vườn cây đẫm ánh trăng cựa mình.

- Em không lấy được anh mất - Cô tôi nói, giọng rời rạc như muốn khóc. - Người đàn ông không trả lời. Rìa sân có mấy khóm hồng vừa nở. Ông ta lọc cọc đi về phía đó. Tôi sững sờ nhìn một bên chân của ông thẳng đơ, bất động.

Người đàn ông kẹp cây nạng vào nách, khéo léo ngắt lấy hai bông, rồi lại thong thả đu đến trước mặt cô tôi:

- Em xem này. Đẹp chưa! Em biết vì sao không ? Vì chúng tự do dưới mặt trời. Bất cứ loài gì dưới mặt trời đều thế cả.

Tôi buột khỏi cành cây và đổ vào vòng tay Thông.

Sương rơi âm ấm... Không, có lẽ là nước mắt.

Hết