Từ bữa cơm với một họa sĩ nửa mùa, một người bán hàng theo hướng đạo sinh tới những cuộc gặp lại tình cờ sau Cách mạng Tháng Tám là sự thay đổi lớn lao của từng số phận con người. Một lần nữa, người đọc lại được thưởng thức tài năng của Tô Hoài. Từ những chi tiết "chẳng có gì", tác giả đã dựng nên câu chuyện đầy ý vị.

Phố Hàng Ngang, Hàng Buồm cũng chẳng khác xưa bao nhiêu. Mặt đường, đôi chỗ vẫn cái nắp gang đậy cống ngầm còn đề tên sở thời Pháp. Không kể mấy bảng điện nhấp nháy, cái nhà tầng nông lòng đột ngột chon von lên như những đồ chơi của trẻ con. Chỉ có một cái khác. Xe đạp, xe máy liên liến khin khít đan nối nhau. Ngày xưa thì lòng đường, vỉa hè toàn những chân người đi, chân người ngược xuôi như lồng vào nhau.

Họa sĩ Ngô Thúc Dung vẽ cho báo Hà Nội Tân văn in ở phố Hàng Buồm. Anh Vũ Ngọc Phan bảo tôi: "Anh Dung tốt nghiệp số 1 Đại học Mỹ thuật Đông Dương, anh Nguyễn Đỗ Cung giới thiệu làm cho báo ta đấy". Anh Phan muốn gợi sự chú ý và kính trọng của tôi. Thì ra đỗ nhất lại bạn của những Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, những mét đỉnh rồi. Nguyễn Đỗ Cung đương chùm cubít lập thể vẽ cái chân người như bắp chuối và người đi hai vai ngang như cua bò, tôi phục lắm, dẫu chẳng hiểu gì cả. Ngô Thức Dung minh họa báo, vẽ tay người to hơn đầu người. Ồ, trường phái ông Cung mà. Nhưng rồi tôi thấy Dung vẽ cái mu bàn tay nào cũng tròn như quả bưởi, lại để ý Dung không vẽ cho báo nào khác ngoài báo của anh Phan. Về sau quen Dung nhiều hơn, tôi nghĩ: thằng này không biết vẽ, chẳng ai thuê.

Thì tôi thấy Dung cũng hết oai, Dung chỉ vừa vừa như tôi thôi. Vì, giỏi hay dốt cũng là may rủi thế nào đấy. Như ông Thịnh del chỉ có mỗi báo Tiểu thuyết Thứ Bảy mượn ông vẽ cái mặt nào cũng tréo giống nhau, thế mà ông đỗ đầu Mỹ thuật Đông Dương, ông làm thông phán sở Canh Nông cả ngày cả tháng ngồi truyền thần phóng to con tằm, con nhộng, con bướm, cái kén. Ông Thịnh del chẳng có bức tranh nào, giới vẽ có lẽ chẳng hề biết ông là ai, mà ông có cần gì đâu.

Dung bảo tôi:

- Bát phố một lúc, được không?

Tôi chẳng có việc gì, để chối là không được. Chúng tôi ở nhà in đi ra và tôi hiểu bát phố là chẳng đi đâu cả, chỉ lê gót hết phố nọ sang phố kia, nhìn nghênh nhìn ngáo rồi nhìn xuống đường thấy chân người chen nhau đi qua đi lại. Người đi xem phố, người đi kiếm ăn, nhiều người quá, chỉ thấy chân, toàn người đi chân đất. Đôi khi, người đàn bà trong làng ra kẻ chợ, có đột dép Kẻ Noi quai ngang và nếu là dân thầy thì có đôi giày vải như chúng tôi. Những người chân đất đi ngoài phố nhiều, nhớ mãi đến tận bây giờ.

Tôi hỏi Dung:

- Chiều rồi. Phải làm cái gì cho no bụng chứ?

- Túi tớ cạn cả có thế mới phải đi phố ăn tiệc nhìn.

- Nhịn a?

- Hôm nào có tiền thì lại ăn, ăn bù.

- Thôi được, đi với tớ.

Tôi cũng chẳng đủ tiền mua hai bát cơm úp. Tôi nói mạnh bạo vì tôi nghĩ đến Quyền. Có thể Quyền có. Chúng tôi rẽ về phố Hàng Trống. Sang phố này đã thưa những bàn chân đi. Mấy nhà bán đồ thêu ren sách cũ. Tắt qua cửa đền vào một góc phố có một gian hàng chỉ bằng sải chân. Những cái chụp đèn bày la liệt như nón úp. Ở trong nhà, một thanh niên vạm vỡ sơ mi trắng cộc tay đương soi gương nắn cái múi cà vạt đen.

- Giới thiệu...

Quyền nói to:

- Họa sĩ Dung, quen rồi. Đã vẽ chụp đèn cho nhà này.

- à...

Họ biết nhau, tôi nhẹ hẳn người, nói luôn:

- Đương định đi ăn mà chưa trữ được đủ tiền.

- Có đây, có đây.

Quyền chạy sang cửa hàng bên cạnh xem nhờ đồng hồ.

- Năm rưỡi, đóng cửa được rồi.

Chúng tôi giúp Quyền vác những tấm cánh cửa lắp đóng lên kín gian hàng. Tôi hỏi khẽ Dung:

- Đã cộng tác với Quyền à?

- Có một lần, đã lâu. Thằng cha nhớ dai gớm.

- Cái kiốt đằng Hàng Da của cậu mà treo bán những cái chụp đèn này cũng nên lắm.

- Có thể, có thể. Đằng ấy bảo nó cho mượn mấy cái bày thử.

Đã lắp cửa xong, chúng tôi ra chỗ đầu Hàng Giò, xuống dốc Hàng Kèn, tạt sang ngả hồ Thiền cuông.

Chỗ ấy có mấy hàng cơm, sau lưng trông xuống bãi cỏ lau. Đằng kia là Vân Hồ, nhưng quãng nay lầy lội, phải vòng lên Thể Giao mới có lối xuống. Thành phố chưa bắt điện đến vùng đấy. Trong búi cỏ lau đen lù lù, ánh đèn ba dây, đèn hoa kỳ lốm đốm to nhỏ như những con đom đóm. Mấy quán cơm đầu ghế đón người đi làm bên ga Hàng Cỏ về các đầu Ô Thanh Nhàn, Ô Trung Hiền, đôi khi có những xe chở gỗ dưới Phà Đen lên. ấy vậy mà hàng quán đỏ đèn suốt sáng. Bởi vì những con bạc rúc ráy trong bụi lau lần ra ăn đêm.

Chúng tôi cũng đã nhẵn mặt ở đây.

Thấp thoáng một cái đầu chó treo dưới mái tranh.

Tôi hỏi Quyền:

- Vào làm mấy chén mừng gặp nhau, được không?

Quyền nói:

- Không. Tớ là sì cút (#1). Và tớ thương loài vật, con chó thân thiết với người nhất, tớ không ăn thịt chó.

- Thế thì ăn gì?

- Cơm, đậu rán, canh cà chua, như mọi khi. Được không?

Hai thằng không có tiền, thế nào mà chẳng được. Nhoáng một cái xong bữa chẳng có gì để kề cà, chúng tôi bước ra ánh điện loáng thoáng ngoài hè phố. Tôi chẳng hỏi ai, cũng không nghĩ đi đâu tối nay. Đứng cửa sổ rạp Hiệp Thành nghe cải lương, lượn nhà thổ ngõ Yên Thái cũng chỉ nghĩ và kể ra thế thôi. Không đi đâu thì đi ngủ vậy. Có ba nơi. Về nhà tôi trên Bưởi thì xa mà đã hết tàu điện. Đến cái kiốt của Dung ở chợ Hàng Da thì ôi thôi, khi sáng ra có thể đã gãy đầu gối. Cái kiốt bốn mặt cửa nhưng hẹp quá, đêm phải đổi hai thế nằm. Lúc thì khoanh chân, lúc thì duỗi gác hai chân lên vách. Dung thấp bé người, suốt đêm nằm khoanh hai chân, đêm nào cũng thế. Đến nhà Quyền thì được ngự trên mảnh ván. Rộng rãi, chỉ phải cái không có màn.

Gian bán chụp đèn, đèn bàn, đèn treo trần cũng không phải của Quyền ông chủ. Không biết cửa hàng của ai, chắc của người nhà, Quyền trông hàng, bán hàng ghi sổ. Những khung nan, khung gỗ thợ gò, thợ tiện ở phố Hàng Tiện đem đến, Quyền dán giấy bồi, lụa hoa, lắp bật điện. Cũng không thấy chủ hàng bao giờ chỉ có mình Quyền, sáng ra xuống bờ hồ rửa mặt, còn ỉa đái chỗ nào thì tuỳ. ấy thế nhưng đã phong lưu nhất hội rồi.

Mưa sầm sập cả đêm như xay thóc. Mưa đêm ở làng, trong bóng tối bốc lên mùi rơm ra. ải, mùi hoa lý thơm ủng. Mưa rào, mưa to ở thành phố, tiếng mưa nghe mỗi tai mỗi khác, cứ như gõ thanh la, lại như liên hồi đập cái thùng sắt tây. Nhưng đã dịu được cơn oi bức ban chiều. Nhờ thế, đỡ muỗi, sáng ra mặt mũi không lấm tấm mần đỏ.

Quyền cho Dung xách đi mấy chiếc chụp đèn. Cái kiốt của Dung dựng đứng như chiếc thùng gỗ vuông, trông sang bãi cỏ chợ Hàng Da. Trên bãi, thỉnh thoảng hiệu tạp hóa Tây Lùn ra căng bạt mở xổ số cò quay ăn tiền, ăn thưởng áo may ô, lọ nước hoa Con Voi, khăn mùi xoa. Đôi khi gánh Lê Thành Các về làm xiếc. Có cả ban xiếc nước Anh với hai con la thồ đồ, lưng phủ bạt, đến cắm cọc dựng rạp. Cái kiốt vẫn đứng đấy, bốn mặt sơn xanh trổ lỗ cửa vuông, phía nào cũng thông thống.

Kiốt bày bán lắm thứ lỉnh kỉnh. Những ống bút, một thếp giấy mới, gói bột màu. Có khi bày tranh phong cảnh. Cũng có buổi cho bà bán quà sáng để nhờ mẹt khoai lang luộc.

Tôi bảo Dung:

- Treo bảng vẽ truyền thần, có khi ăn tiền hơn.

Dung xua tay:

- Mày dốt bỏ mẹ. Họa sĩ không vẽ truyền thần.

Nhưng tôi nghĩ cứ như Dung vẽ cái tay to hơn cái đầu thì có khi Dung cũng không biết vẽ truyền thần. Bốn mặt quang vắng, không biết đồ đạc, quần áo Dung cất đâu. Chẳng thấy cái hòm, cái bọc chỗ nào.

Dung nói:

- Mày nhà quê cũng có khác. Ở Hà Nội bây giờ văn minh giống bên Tây. Hết mùa rét thì cái áo dạ gửi nhà cầm đồ Vạn Bảo phố Mới. Giờ đương nắng nóng, chỉ cần nhất bộ, tối đi ngủ thì cởi ra giặt cho tiện.

Tôi đã quen lối nói tiếu lâm chày cối bịa tạc ra cách sống thành phố. Bốn cái chụp đèn Dung để bốn cửa. Hai chụp treo, hai chụp đèn bàn đặt trên mỏm hòn gạch nhô cái chóp lên. Đi cả bốn bên đều trông thấy, cũng vui vui mắt.

Một hôm tôi đến chẳng thấy cái chụp đèn nào.

- Bán hết cả rồi à?

- Mất cắp hết thì có. -Không gắn được con mắt đằng lưng thành thử cứ trông cửa trước thì nó phỗng đằng sau.

Đến năm kháng chiến, phố xá tản cư đi khắp nơi. Người ta như con kiến khi gặp nhau thế nào đôi bên cũng đụng râu chụm lại như chào hỏi, trò chuyện rồi mới lại tăng tả bò đi. Cho nên ai ở đâu rồi cũng được tin, mình không gặp thì thế nào cũng có người gặp, người biết. Tôi cũng láng máng biết tin tức bè bạn và người quen, xóm giềng, ai tản cư vùng nào, công tác ở đâu, ai chết bom, ai lại về thành. Nghe nói Quyền đã lấy vợ, vợ chồng đem nhau lên Phú Thọ.

Năm ấy, tôi có việc về Gia Điền. Việc vui và cũng nực cười. Tôi đi dự đám cưới họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Anh Tỵ Ở vùng văn nghệ sĩ tản cư trong khu Bốn. Trường Mỹ thuật của anh Tô Ngọc Vân mở ở Việt Bắc, anh Tỵ được mời ra dạy. Tỵ cũng đã cứng tuổi. Chị trẻ hơn, gia đình cũng ở Hà Nội tản cư đi. Tiếng đồn thế nào đấy, có thể bên nhà gái nghi ngờ, mà nhà trai nhà gái đều đương trong cảnh xa lạ không biết đâu mà hỏi han dò la được. Tôi được giao việc đại diện cơ quan đi dự đám cưới. Tôi có nhiệm vụ nói thật nhưng nói khéo thế nào để họ nhà gái tin tưởng tôi là bạn anh Tỵ từ xưa và anh Tỵ chưa có vợ bao giờ.

Mọi việc đều xong xuôi, êm đẹp. Hôm về, tôi không ra theo đường bờ sông. Tôi đi đường trong, qua làng đồi chè, rừng sơn, rừng cọ từ Gia Điền sang Ao Châu. Tôi đã được biết Quyền ở Ao Châu.

Tôi vào xưởng giấy Ao Châu hỏi Quyền. Người ta bảo: ông Quyền thôi việc ở đây rồi. Bác ra ngoài đầm, hỏi ông Quyền Chài thì ai cũng biết - Quyền Chài là thế nào? Người ta chỉ cười.

Ao Châu, một vùng đầm nước mênh mông như hồ Tây bọc một dãy đồi ở giữa. Tôi được chỉ vào một cái lều lá gồi bên bờ nước. Quyền cởi trần, da bắt nắng đỏ xạm, vẫn cao lớn và để bộ râu quai nón xồm xoàm đen kịt, chỏm mũi đỏ sần sùi nhô lên quen thuộc.

Cái lều một gian một chái, một người đàn bà ra chào tôi. Chị mặc quần thâm, áo trắng nhuộm nâu non, cũng như mọi người tản cư thường gặp ở dọc đường và trong chợ.

Quyền nói to:

- Nhà tôi đấy. Chúng tớ nghề chài lưới, nên làng nước gọi là Quyền Chài. Nhờ giời cũng đủ chén, cứ xuống nước thì có cá đem bán.

Chị ấy đi chợ. Quyền bảo tôi ở nhà chơi, Quyền thả cái thúng đi bắt mấy con cá về nhắm rượu. Tôi bảo cho tôi ra hồ với. Cái thuyền thúng, Quyền ngồi đằng mũi, tay cầm bè chèo lái, bàn tay kia bơi. Tôi thả lưới từng quãng ngắn, Quyền vòng thuyền cầm bè chèo gõ xuống đòn ngang. Tiếng cành cạch xua cá dồn vào mắt lưới.

Trên thuyền, chúng tôi chuyện.

- Bọn tớ đã lấy nhau từ khi còn ở Hà Nội.

- Ờ... Ờ...

- Chắc đằng ấy không biết vợ tớ là con nhà thổ ở ngõ Yên Thái. Tớ vớt ra.

Tôi không biết thật. Nhưng cái tình, cái tính khí khái và nghĩa hiệp của Quyền thì tôi không lạ.

- Thế sao lại bỏ làm xưởng giấy?

Quyền cười nhạt:

- à bọn ngồi bàn giấy trong xưởng chữ nghĩa lỗ mỗ, cũng dân thành phố ra, thế mà chó lại chê mèo lắm lông, chúng nó chửi mình là tiểu tư sản, đội cái mũ sì cút chúng nó cũng bảo là đội cứt đế quốc. Lộn ruột, tớ hét vào mặt chúng nó: ông đây học trường kỹ nghệ, công nhân hẳn hoi chứ không như chúng mày đội lốt. Công nhân thì không sợ cái gì hết. Ông đố chúng mày dám bỏ cái xưởng này ra đi tăng gia, hay chỉ là đồ ôm chân bàn đẽo cơm Nhà nước. Ông không thèm, cái mặt chúng mày chỉ bẩn mắt ông.

Quyền đặt bè chèo vào lòng thuyền, nhấc từng mảng lưới lên. Có con cá rô như hạt bưởi, Quyền lại ném xuống nước.

- Thế là tớ ra đây. Tớ chẳng cần đứa nào đâu.

Lát sau, thu hết lưới, được mấy con chép nhỡ. Quyền cười hê hê: "Đầu đuôi để nấu dấm quả dọc, còn chặt khúc ra nướng uống rượu, hay lắm".

Tôi giễu:

- Cậu là sì cút chửi rượu cơ mà.

- Ở đời cũng có lúc cần rượu.

Chốc đã mấy chục năm qua. Rồi tôi cũng không gặp lại Quyền ở Hà Nội. Biết có còn sống, vẫn ở Ao Châu hay lại đi đâu.

Họa sĩ Ngô Thúc Dung thì đôi ba khi còn biết tin.

Các cơ quan mới ra khỏi thành phố lên Việt Bắc đều đóng ở Đại Từ trên Thái Nguyên. Có người cơ quan ở xóm bên cạnh - chỗ cục quân nhu đóng, sang hỏi tìm tôi và nói :

- Chúng tôi có đồng chí họa sĩ Dung... - A họa sĩ Ngô Thúc Dung! Tôi có quen... Tôi sẽ sang, tôi sang... Thế ra Dung đã vào bộ đội, lại bộ đội quân nhu... có thể Dung vẽ mẫu áo trấn thủ... Dung cho lính sang tìm tôi... Oách thế, họa sĩ Dung, đồng chí Dung...

Rồi không nhớ tôi bận gì, mấy hôm sau mới sang được xóm có quân nhu ở? Tôi thấy những nhà kho, những lán ở trống hoác. Vào trong làng hỏi, bà con cũng chỉ biết bộ đội đã đi từ nửa đêm hôm kia. Bộ đội thường đi đến bí mật thế. Rồi sau tôi biết thủ trưởng cơ quan ấy là Trần Dụ Châu đã bị bắt vì tội hống hách, tiêu pha tiệc tùng bán giời không văn tự. Tôi chột dạ hỏi lại nó là thằng Trần Dụ Châu hay thằng Ngô Thúc Dung. Lẩm cẩm đâm hốt hoảng mới ngờ cái tai nghễnh ngãng chú Châu với Dung thì nhầm với nhau sao được. Nhưng tôi lại nảy ra cái lo khác. Hay là thằng Dung đã lấy bí danh là Trần Dụ Châu. Đi kháng chiến, nhiều người lấy bí danh tên khác, kể cả tôi...

Đến khi hòa bình tôi mới lại được tin về Dung. Có người trông thấy, có người đã gặp Dung ở Hà Nội. Dung không làm họa sĩ nữa. Mà Dung bây giờ bán vé xe điện, Dung nghiện thuốc phiện nặng, thảm hại lắm!

Ôi Dung. Sao mà tôi nhớ thằng Dung cũng như tôi nhớ cái tàu điện, những kỷ niệm xa xưa của tôi đã già lão, sắp vứt đi cả rồi. Cái tàu điện cũng có sự tích lúc trẻ lúc xế bóng chẳng khác con người sinh ra ở thành phố này. Cái tàu điện mới đi từ Bưởi xuống chợ Mơ. Lúc qua Bờ Hồ thì có đường rẽ về Giám vào Hà Đông. Hơn ba mươi năm sau mới đẻ thêm đường ô Đồng Lầm ở Kim Liên lên ô Yên Phụ. Đường tàu điện đầu tiên ra đời năm 1899 - khi tôi được sinh ra thì tàu điện đã ở tuổi hai mươi, hai mươi tuổi thanh xuân hơn hớn, cái vè tàu điện tôi được nghe kể và tôi đã hát suốt thuở tấm bé.

... Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành

Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường

La ga thì ở Thụy Chương...

Cái ngày khai trương tàu, cưới tàu mới linh đình sao, Tây mở tiệc nhảy đầm ở chỗ đình Thụy bên hồ Tây. Các cụ kể: khánh thành đường tàu điện các làng được một tháng đi tàu không mất tiền vé. Cả vùng Bưởi chúng tôi lên ngồi tàu điện xuống đi chơi Bờ Hồ. Cái câu cuối bài vè tàu điện chẳng biết là mỉa mai hay ba lơn: Năm xu ngồi ghế đệm bông. Hỏi mình có sướng hay không hả mình?

Thanh niên thì không thèm lên tàu điện khi tàu đỗ, mà chúng tôi rún chân lấy dáng lả lướt nhảy tàu xuống tàu khi tàu đương lượn vào hay đã rời bến.

Thế mà cái tàu điện đã rong ruổi đến tận khi Hà Nội chống Mỹ. Báo động cứ việc, tàu chạy suốt ngày, qua các phố Hàng Than, Quán Thánh, cạnh nhà máy điện - trọng điểm máy bay Mỹ thả bom. Cái tàu vẫn chạy. Chỉ còn người lái tàu, người bán vé tàu và mỗi một người hát xẩm, không biết sợ là cái gì, cứ ngất ngư trong lòng tàu nghêu ngao cất tiếng hát giữa tiếng bánh xe rít trong đường sắt, tiếng chuông leng keng ầm ầm và tiếng bom rơi.

Rồi cái tàu điện về già. Cái tàu cái toa được tẩu tán đi rồi mới bóc đến đường sắt. Nó cũng như cái cầu Long Biên, mấy năm đau yếu sau bao nhiêu trận bom đạn, thì đến cái tàu điện rách rưới, tả tơi nhất. Nó ốm cả tinh thần lẫn thể xác. Chẳng ai thiết nó nữa, chẳng ai ngó ngàng chữa chạy cho nó nữa, chẳng biết số phận còn bắt rật rờ thế này đến khi nao.

Những tiếng leng keng ầm ầm đã hết hơi, không còn giục giã vui tai như thời xưa. Mà nó rè rè như những con cóc đêm kèng kẹc nghiến răng gọi mưa. Các ông lái tàu thì say bia, say rượu tối ngày. Tay ông cầm cái mở máy bằng đồng đã mòn vát. Tàu đến ngã tư Hàng Khay, Hàng Bài thì đỗ. Chỉ vì những nơi ấy ven hè có quan bia hơi nhà mậu. Ông khóa lại số không rồi rút cái trùy đồng xách xuống đứng uống đôi ba vại bia, mặt dần dần đỏ lựng. Có khi đến chợ Mơ, đỗ lâu đợi khách thì cả ông lái, ông bán vé cùng xuống làm chén nước trắng, lại châm điếu thuốc lào ngồi lơ mơ.

Cái tàu điện lại giống như bà lão đã mõ ra rồi còn làm đỏm. Cũng chẳng phải tôi còn nhớ đến Dung đâu. Mà một hôm tôi chợt nghĩ: "Cái tàu đương ốm thập tử nhất sinh thế kia cũng xuống lỗ đến nơi rồi. Ta đã đi tàu từ thuở bé, thuở trẻ, bây giờ ta đi một chuyến tàu điện dối già xem sao. Có còn nhảy tàu lên xuống được không nhỉ?". Chỉ nghĩ chơi đã thấy ngượng. Thân già này mà trổ tài điệu nghệ thì chỉ có đưa chân vào bánh tàu mà thôi.

Chặp tối hôm ấy, uống vại bia ở bờ hè Hàng Khay rồi, tôi làm cuộc du lịch lên cái tàu điện ngàn xưa. Người bán vé tàu như đứng sẵn rình tôi, chộp tôi. Người ấy hiện ra trước mặt tôi, giọng khao khao mơ hồ: "Tiền vé! Tiền vé!".

Trông đích là thằng Dung! Không thể nhìn nhầm không thể sai được mặc dầu đã khác lạ hẳn. Khuôn mặt chảy xị, tái xám, môi nhờn bóng, cửa tay áo về vệt đen nhãy. Rõ một con nghiện già. Chẳng ra thằng Dung một mảy nào, nhưng cái sẹo ở thái dương bên trái thì vẫn đỏ tía như đồng xu úp vào, nguyên như thế như người tù khổ sai chung thân thời trước bị thích chữ lên mặt.

- Dung đấy hả? Có phải Dung không?

Người ấy ngước đôi mắt đục lờ đờ nhìn tôi rồi lại cất giọng cũng rè rè đùng đục:

- Vé nào! Tiền vé!

Tôi đưa đồng tiền vé. Lão ta bỏ vào túi áo vét rồi lù rù quay vào, trong khi tôi còn hỏi với... Có phải Dung... có phải...

Biết làm thế nào. Chán đến không còn muốn nhận ra nhau nữa.

Chú thích:

(1-) Sì cut (Scout): hướng đạo sinh.

Hết