Chương 1
Phần 1
Con sen dạ một tiếng dài, chạy ra mở cổng. Bà Tâm lách qua cánh cổng mở hẹp, quay lại kéo con vào theo, hỏi:- Bà Phán có nhà không?- Dạ, thưa bà có ạ.Con sen chạy vào trước, mở cửa nhà trên, thò đầu vào nói:- Thưa mợ, có bà Tâm sang chơi.Bên trong có tiếng nói ra:- Mày mời bà vào, rồi xuống đun nước đi.Con sen đi mau xuống bếp.Cửa mở rộng, bà phán Mậu bước xuống mấy bực gạch, tay quấn lại mớ tóc:- Kìa, chào bà. Lâu bà không sang chơi. Thấy nói bà đi Hà Nội.- Vâng, thưa bà tôi mới về hôm qua.Bà Tâm đủng đỉnh đi vào, bước chậm chạp vì còn giắt một đứa con trai chừng bốn năm tuổi. Đứa bé lếch thếch kéo tay mẹ, ngớ ngẩn nhìn mấy khóm hoa bên lối đi. Bà phán Mậu vội chạy đến ôm đứa bé, nhấc bổng lên.- À, cậu Quý. Hôm nay có áo đẹp nhỉ!Bà hôn Quý; môi bà cắn vào đôi má phúng phính của đứa bé, như vào một trái chín. Bà kêu to giục con sen đun mau nước, rồi họ vào cả trong nhà. Bà Tâm đến chơi giữa lúc bà Mậu đang buồn, muốn có một người nào để nói bất cứ một chuyện gì, nên sự tiếp đãi rất niềm nở. Một nỗi ưu tư vừa rồi còn phảng phất trên nét mặt bà Mậu, đã tan đi. Trong lúc chồng đi làm vắng, bà Mậu thường chỉ quanh quẩn trong nhà. Mấy hôm nay hình như có chuyện gì buồn, bà không ra khỏi buồng ngủ và phòng khách. Cửa nhà trên thường đóng im ỉm, trừ buổi chiều, lúc ông Mậu ngồi xem báo ở thềm. Bà Mậu ít giao thiệp, không hay đi chơi bời đâu. Cái nhà thuê mãi đầu tỉnh, chung quanh có vườn rộng, vắng vẻ, yên lặng như ở giữa cánh đồng. Con sen mỗi sáng cắp rổ đi chợ. Ngày hai buổi ông Mậu giắt xe đạp ra sở, còn ít thấy bóng người trên cái lối đi cỏ mọc lởm chởm qua khe sỏi dải thưa. Hôm nào thấy bà Mậu cùng đi với con sen thì lớp nhà có dáng vui vẻ hơn: Mấy cánh sửa sơn xanh mở rộng, trong nhà thêm bóng người. Đó phần nhiều những khách nhà quê, mỗi năm ra độ một vài lần, thường thường vào những dịp sưu thuế. Ở một nơi biệt tịch, ít giao thiệp, mà bà phán Mậu cũng biết được các tin tức trong thành phố, những việc xảy ra hàng ngày, như người ngồi buồng kín, đọc tờ báo để biết sự sinh hoạt bên ngoài. Tờ báo của bà Mậu là bà Tâm. Bà Tâm trạc ngót bốn mươi, dong dỏng cao, và gầy, nên trông lại càng cao thêm. Đôi vú chảy xuống làm ngực lép lại và cái bụng đưa ra đằng trước; dáng đi thõng thẹo của người làm dáng lúc quá thì. Thân thể mảnh khảnh của bà Tâm như để dễ đưa bà vào các chỗ tụ họp của mấy bà tai mặt trong thành phố, phần nhiều là vợ các công chức. Đám chắn nhà bà chủ giây thép, hội tổ tôm của bà thú y, ít khi vắng bà Tâm. Cặp môi mỏng dính của bà không bao giờ giữ nổi những câu chuyện bà nghe được; chuyện lăng nhăng của mấy bà rỗi mồm, thóc mách, kháo nhau trong lúc ngồi đợi đủ chân bài. Nghe được gì, bà Tâm thường về nói lại với bà Mậu. Mỗi khi bà sang vay tiền bà Mậu đi đánh bạc, là có một câu chuyện làm quà. Kể với bà mậu, bà Tâm được yên lòng. Bà Mậu chắc không mách lại với ai. Bà Tâm ít sợ đôi co. Con sen mang nước sôi lên, sắp ấm chén. Bà Mậu bảo: - Thôi để đấy. Đưa chai chè đây rồi mày xuống trông cơm đi. Mỗi khi bà Tâm tới, bà Mậu thường hay sai con ở xuống bếp, hoặc đi chỗ khác. Bà biết rằng nếu có một người nào ở đấy, bà Tâm sẽ không nói nhiều mà những câu chuyện của bà Tâm, bà Mậu rất ưa nghe. Bà muốn thấy một âm hưởng cuộc đời ở ngoài mà bà rất muốn dúng vào nếu không quá giầu lòng tự ái. Ông Mậu chỉ là một viên thư ký. Chơi với các bà Đốc, bà Tham, bà Mậu thấy như người ngoài cười chơi trèo, hoặc phải giữ thái độ khúm núm với người có danh vọng hơn. Chẳng thà lảng xa, dầu lòng tự ái dưới bộ mặt kín đáo và kiêu hãnh. Hai người đàn bà bắt đầu nói những chuyện trời mưa, trời nắng. Những câu mở đầu không bít dùng đã bao nhiêu lần, những khi họ gặp nhau. Bà Tâm nhắc chén nước: - Giời mấy hôm nay khó chịu quá. - Vâng, khó chịu thật. Hanh không ra hanh, nồm không ra nồm. Tôi thấy váng vất, bỏ cả cơm. Chắc nhiều người ốm lắm. Cậu bé con đang ngồi với mẹ, tụt xuống đất, giương đôi mắt thỏ nhìn chiếc lọ đồng bóng loáng ở giữa bàn, có cắm mấy chiếc hoa vải đã phai màu. Bà Mậu kéo đứa bé sang phía bà: - Cậu Qúy ngoan quá nhỉ! Lấy bông cho bé chơi nhé? Bà Tâm vội đáp: - Thôi bà đừng chiều cháu, nó làm hỏng ngay đấy. Ở nhà bao nhiêu đồ chơi ba cháu mua tận Hà Nội, mà không cái nào đậu được lấy vài hôm. Bà nhìn con mắng yêu: - Hư quá! Qúy hiểu mẹ mắng mình, nép vào gối bà Mậu. Bà Mậu bế đứa bé để lên lòng: - Em ngoan lắm đấy chứ! - Cháu quấy và nghịch lắm, không mấy trưa là ba cháu được ngủ yên. Nhiều lúc phải gắt mắng mà chúng vẫn chòng nhau: Thật là cái tội. Bà Tâm cười, vẻ cười của một bà mẹ thỏa mãn. Bà đã vui lòng mang cái tội nhiều con. Bà âu yếm nhìn Qúy ngồi tròn trong lòng bà Mậu. Bà Mậu thở dài: - Chúng tôi chỉ mong được đứa con trai như thế này cho nó phá! Nét mặt bà Mậu rầu hẳn xuống. Bà Tâm vẫn biết bà Mậu quý trẻ, bà thường lợi dụng chỗ đó. Mỗi khi cần nhờ cả một việc gì, bà thường cho Qúy sang theo. Những hôm ấy, bà Mậu như dễ dãi hơn. Hôm nay câu của bà Mậu có vẻ thiết tha, làm bà Tâm thấy đã chạm đến một điều đau đớn. Hai người nhìn nhau. Bà Tâm không biết nên hưởng ứng với nỗi ao ước của bà Mậu, hay nói một câu khôi hài làm vui lại câu chuyện. Đứa bé bị bà Mậu ôm chặt, giẫy đòi tụt xuống. Bà Mậu rót thêm một chén nước: - Mời bà xơi nước. - Bà để mặc tôi. Con cái cũng tại số. Chúng tôi lắm lúc thực khổ lắm, muốn đem cho bớt người ta nuôi đỡ. - Bà nói thế, chứ lắm người cầu lấy khổ như ông bà mà không được. Hay là bà cho tôi cậu Qúy này! Bà cúi xuống Quý: - Cậu sang với tôi nhé! Bà Tâm cười: - Vâng, tôi biếu làm con bà đấy! Bà Mậu cũng cười, tiếng cười đầy vẻ ngượng. Bà Tâm nói: - Chẳng qua cũng là số trời. Nhiều người muộn mằn mà sau rồi cũng có con đàn, con đống, nhưng hiếm hoi mà được ông bà đây thực là ít có. Nhiều gia đình chỉ vì thế mà sinh đến lắm chuyện. Bà biết nhà ông kiểm lâm đấy chứ? Bây giờ thật là tan nát. Bà phán Mậu đoán thấy một câ chuyện: - Thế kia ư? Gia đình ấy ra dáng vui vẻ, thuận hòa lắm mà. Làm gì mà đến nỗi tan nát. - Vâng, thật không ai ngờ. Ông ấy còn trẻ, có lẽ lại còn ít tuổi hơn ông phán nhà tạ Gia đình ấy chỉ êm thấm ngoài mặt đấy thôi, ở ngoài trông tưởng hoà hợp, vui vẻ lắm, ai biết đâu? Bà ấy thường than thở với tôi, lắm lúc phải khóc vụng. Đầu tiên, ông ấy đi chơi đêm, bà ấy ngăn cản, ông ấy cười bảo: "Mợ đẻ một đứa con trai đi, tôi sẽ ở nhà với mợ suốt đêm ngày". Tưởng chồng vẫn yêu quý mình, thôi thì bà ta cũng đành lòng để chồng chơi bời chút đỉnh. Ai ngờ một ngày một quá, mấy tháng trước đây, đêm nào ông ấy cũng đi suốt sáng. Rồi cứ mỗi lần nói là một lần cãi nhau. Ông ấy chẳng còn kiêng nể gì nữa, nói nhiều câu thậm tệ. Những là... những gì... gì nhỉ? Câu gì chữ nho nghĩa là... là không có con thì cho về. - "Vô tử tức, hoàn tông nhân". Không có con thì cho về, có phải không bà? - Vâng, phải câu ấy đấy. Lại còn nhiều câu thậm tệ nữa. Bà tính như thế thì còn tình nghĩa gì? Bà Mậu ngồi im. Bà Tâm sắp giọng, nói tiếp: - Hôm nọ Ông ấy công nhiên mang một con gái nhảy về, chửa đã trông thấy bụng. Thành một cuộc xô xát tay bạ Nhưng bà tính yếu ới, mảnh khảnh như bà kiểm lâm thì còn đánh nhau được với ai. Ông ấy lại bênh con kia. Hôm sau bà ấy về Hà Nội với mẹ, cùng đi một chuyến xe với tôi. Bà Tâm ngừng lại, muốn đợi câu gì của bà Mậu. Bà Mậu vẫn im lặng như nghĩ đến một câu chuyện gì khác. Cậu Quý, không thấy ai nhìn đến, níu áo bà Mậu, muốn đòi một cái hoa khác. - Ra đây, sao hỗn thế con? - Bà để mặc cháu nó chơi. Thế ra bà kiểm lâm cùng về Hà Nội một chuyến xe với bà! - Vâng, trông bà ta ái ngại quá, lôi thôi lốc thốc như con mẹ dại. Nói chuyện như chỉ muốn khóc. Bà ta lành quá. Như tôi thì chả đời nào tôi chịu thế! Bà Mậu mỉm cười một cách hoài nghị Bà Tâm vội cãi: - Thật chứ! Người ta cướp mất chồng mình thì ai mà chịu được. Nhất là lành làm gáo, vỡ làm môi, đã muốn tan nát thì cho tan nát nhân thể, rồi ra sao thì ra! Mặt bà Tâm hồng lên, hai mắt long lanh đưa đi đưa lại rất mau. Bà ra vẻ hăng hái, cả quyết lắm. Chỉ nhìn bà trong một lúc như vậy, ông Tâm cũng đủ không dám trái ý vợ. Bà Mậu chép miệng: - Mỗi người một tâm tính, mỗi nhà một cảnh. Bà ta trông cũng hiền lành, và còn trẻ lắm. - Vâng. Bà ta mới ba mươi. Mà có lẽ hiền lành quá thành lẩn thẩn, ngu độn để cho ông ấy bắt nạt được. Giá giữ ngay từ đầu lúc ông ấy mới đi chơi thì đâu đến nỗi. Nhưng tưởng chồng vui anh vui em, qua quýt cho qua ngày tháng. mà mỗi lần động đến là lại bị Ông ấy chận họng: "Mợ cứ đẻ con trai đi, thì tôi ở nhà". - Mới ba mươi tuổi thì lo gì chẳng đẻ. Ông ấy muốn đi thì thiếu gì cách, có con mà ông ấy chẳng tìm được cớ khác để đi à? - Bà ấy còn trẻ nhưng khốn nỗi... Bà Tâm ngừng lại. - Nhưng sao bà? Bà Mậu chăm chú nhìn bà Tâm. Bà Tâm ngập ngừng như đã buột miệng nói ra một câu chuyện đáng giấu. Nhưng bà ta đã trót nói hở ra, và bà Mậu cứ chăm chăm nhìn mãi. Câu chuyện có táo bạo, hoặc vì một lẽ gì làm ngượng mồm không tiện nói, bà Tâm nhìn chung quanh phòng khách, tuy đã biết chắc là không có người nào ngoài cậu bé con, rồi bà xích lại gần bà Mậu, nói nhỏ vào tai. Bà Mậu mỉm cười, mắt sáng thêm, mặt bỗng như có một luồng máu nóng trào lên. - Thế kia ư? - Vì thế nên mỗi lần nói động đến chuyện sinh đẻ, thì bà ta lại phải nhịn, không dám nói năng gì. Câu chuyện chắc đã gợi ra những ý nghĩ gì, nét mặt bà Mậu lại thành vơ vẩn. Bà Tâm muốn bênh một bạn gái: - Nhưng chắc cũng tại ông ấy chứ, đàn bà chúng mình làm gì nên tội. Phần nhiều các bệnh tật là do tại bọn đàn ông cả. Bà thở dài tiếp: - Làm thân phận đàn bà cũng khổ thật! Hai người lặng im. Tiếng tích tắc rơi rõ mồn một, làm cậu Qúy ngửng lên nhìn chiếc đồng hồ. Bà Mậu hỏi: - Thế cái con gái nhảy ấy có đẹp không? Môi dưới bà Tâm dài ra: - Đẹp đẽ gì cho cam? Lênh khênh như cô hồn đợi lộc, đít cong như bọ ngựa. Nhưng đàn ông họ hay chuộng của mới; cũ người mới ta mà lại, thử bỏ phấn ra thì chẳng khác gì con chết trôi, những hạng ngay lưng ấy, lúc nào cũng phấn sáp thì làm gì chẳng được các ông ấy coi hơn chị em mình, mình hơi đâu đỏm dáng như họ. Như muốn phản kháng câu cuối cùng, chiếc đồng hồ rên lên, rồi gõ luôn mười một tiếng. Các bà vẫn còn đỏm dáng lắm. Cổ bà Mậu có chuỗi hạt trai giả. Mặt bà Tâm không mấy lúc hết vết phấn. Các bà vẫn để ý đến những kiểu áo mới, mẫu hàng hợp thời trang. Nhưng biết rằng không sao hơn được bọn gái mới, trẻ đẹp hơn, các bà sàm ra bộ kiêu kỳ, đứng đán, và càng ghét bọn này. - Chết chửa, mười một giờ rồi. Ông Phán sắp về, xin phép bà. Bà nắm tay Quý: - Ra đây con - Bà ngồi chơi tý nữa đã. Nhà tôi còn lâu mới về. Tuy nói vậy, bà Mậu cũng đứng dậy tiễn chân bạn. Ra đến cổng bà còn dặn với: - Thỉnh thoảng bà cho cháu Qúy sang chơi. - Vâng, lúc nào rỗi tôi lại xin sang. Dạo này cũng chẳng có công việc gì, lắm lúc buồn quá, chẳng biết đi đâu. Xin chào bà.