Dư sinh lịch hiểm ký+

(Lời tự thuật của một người dở dang về học giới)

Cha tôi gọi tôi mà bảo rằng:

- Cha đã có bao nhiêu tổn phí cho con ăn học, vì con lười biếng không chen cạnh bằng người, nay tên con đã ruồng đuổi ra ngoài học hiệu, tức là cái bằng chứng con là người xấu ác trong nhân quần và là một người vô dụng trong xã hội. Nay cha nhịn đã không thể nhịn, chỉ còn một phép là đuổi con ra khỏi nhà. Lòng cha cũng lấy thế là cay đắng, song xin trời phù hộ cho cha quên có một đứa con vô chí như con vậy.

Tôi nghe nói thất kinh, thưa rằng:

- Thi không trúng tuyển không phải là tội một mình con. Cha không biết tình hình sự học ngày nay không như ngày trước, chỉ vì...

Cha tôi nghe nói nổi giận, đỏ mặt, tía tai, lấy tay đấm xuống bàn mà nói:

- Quân vô sỉ ngậm miệng mày lại. Phàm học trò học trường nào cũng đã có niên hạn. Mày học bốn năm không qua được lớp tiểu học, cựu học đã dở, tân học cũng không nên thân, không lấy làm sỉ còn tìm điều chữa lỗi, nay cha phải đuổi con, thực mày đã bách tao làm điều bất đắc dĩ.

--------------------------------------------------

.+ Ghi chép những gian lao từng trải của đời tôi.

--------------------------------------------------

Nói rồi thở dài lại nói:

- Tao vẫn biết cái ác tập(#1) học trò là hay lêu lổng biếng nhác, mượn thế rong chơi, học có không thành đã chắc vào lưng cha mẹ. Xưa tao đã biết học khoa cử là đi vào con đường nguy hiểm, mà xoay ngay về thực nghiệp, như người gò cương ngựa mà lên núi dốc, thiên tân vạn khổ mới có ngày nay, nếu không cũng dở ông, dở thằng mà thành ra một hạng người ăn hại làm xằng trong xã hội.

Khi nói đưa tôi hai cái giấy bạc mà bảo rằng:

- Này mươi đồng bạc là cái quyền lợi sau hết của mày ở trong nhà này; từ nay không có cái bóng mày ở trong nhà này nữa; cho đến nghĩa cha con cũng hết, chỉ nên coi nhau như người đi đường. Mày cũng không được viết thơ về nhà, dù có tao cũng cho vào đống lửa, không phải là nhẫn tâm, là sợ thấy lời mày ai cầu lại thêm lòng tức giận.

Lúc nói đến câu ấy tinh thần thê thảm, như muốn khóc mà nhịn.

Tôi quỳ xuống một bên mà nói:

- Xin cha nghĩ đến mẹ con đã mất mà tha thứ cho con.

Cha tôi nghe nói như lửa đổ thêm dầu, càng nóng càng giận, nói to lên rằng:

- Không, không còn điều gì phải nghĩ lại.

Khi nói răng cắn lấy môi, mắt nhìn tôi một bộ nghiêm dữ.

Xem ý đã quyết, không ngờ khuyết liệt(#2) đến như thế. Tôi cứ từ từ đứng lên, trông chung quanh nhà, mọi vật đều có bộ âu sầu, cho đến ngọn cỏ lá cây như nhỏ giọt lệ thương tâm mà tiễn tôi. Bấy giờ lòng tôi hối hận, nói không nên lời. Cha tôi cứ cúi đầu nín lặng, như thương tiếc cho tôi. Cha tôi vốn là người trung hậu, có lòng từ thiện với hết mọi người. Trước còn quyết chí khoa cử để nối nghiệp ông cha, từ lúc có phong trào Duy Tân mới chuyển về nông nghiệp, chăm chỉ cho con theo tân học, nay thấy con đoa. lạc lẽ nào mà không thương tâm.

------------------------------------------------

.1. Thói xấu lâu ngày thành quen.

2. Quyết liệt.

--------------------------------------------------

Tôi lại đánh bạo mà năn nỉ một lần nữa:

- Xin cha thứ lỗi cho con biết đường tự tân(#1).

Cha tôi nói:

- Tao không có thể để cho mày ô danh ngô tộc(#2).

Tôi cầm lấy mười đồng bạc khóc mà nói rằng:

- Thương ôi! Cha cho con mười đồng bạc này để mưu sinh hoạt, sau mươi ngày nữa, xin cha lấy tình phụ tử, mà nhặt nắm xương cho con nơi khe suối, cho khỏi muông chim nó cắn xé, thì con cảm đức vô cùng.

Không phải tôi nói thế mà doa. cha tôi, một người học trò còn dở, lấy mười đồng bạc để mưu sinh hoạt một đời, dù có đạo thần tiên cũng phải chết khát.

Ai ngờ cha tôi lòng như sắt đá, nghe không động tâm, chỉ nói:

- Mày đã đến tuổi tự lập, đừng mong ỷ lại vào ai nữa.

Nói rồi đứng lên, gật tôi một cái, rồi vào thẳng nhà trong. Tôi đứng ngẩn một mình, cầm trong tay hai cái giấy bạc. Nghe lời nghiêm trách, thực không có ti hào(#3) nào oán hận, vì cha tôi đã thương tôi hết lòng, hai mươi mấy năm đã tổn hao tâm lực tinh thần, kết cục thành ra thất vọng. Đại khái lòng nhân từ của người làm cha mẹ như cái lẫy nỏ, ấn nặng hay bật phải tay; cho nên mình chỉ nên tự trách. Thôi tự đây mà đi còn ai trách bị mình nữa. Tôi nghĩ đến đấy, truy hối vô cùng, thở dài một tiếng mà ra khỏi cửa.

--------------------------------------------------

1. Tự mình đổi mới.

2. Họ nhà ta.

3. Tơ hào, mảy may.

-----------------------------------------------

Tôi từ biệt cha tôi rồi, ra bến xe hỏa mà đi Hà Nội. Đến nơi đã hơn 5 giờ chiều, tìm vào khách sạn, là nơi mỗi khi đi Hà Nội tôi quen trọ. Để đồ hành lý một bên, chợt trông gương thấy bóng mình càng thương càng tủi. Tự hỏi mình đến đây mà làm gì, thành ra không có chủ nghĩa gì cả. Việc phải làm trước hết là ăn cơm tối rồi, đi tìm thú giải phiền.

Đương thơ thẩn bên cầu Thê Húc, nghe chuông 9 giờ tối, tôi vào nhà chớp ảnh. Nào trai lành gái tốt, bọn năm bọn ba, ríu ra ríu rít, đều dương dương đắc ý, hớn hở hoài xuân, mà tưởng như mình đứng riêng một cái cù lao mênh mông trong thương hải. ảnh đã thay ba lớp, tôi thật chưa thấy một vật gì. Lúc entr'acte(#1) chợt có một người thiếu niên ghé lại mà hỏi tôi rằng: - Anh có thấy đó không? Một người đại đạo đang đánh nhau với một người trinh thám, thế mới là tay nghĩa hiệp, chỉ lấy của phi nghĩa mà giúp cho người nghèo; nam tử ở đời cũng nên như thế.

Tôi còn bâng khuâng chưa hiểu ra ý gì, người kia lại hỏi tôi ở đâu, đến đây mà làm gì. Tôi còn lạ lùng cứ hồ đồ mà đáp. Người kia tự nói, tên mình là Lý Khiêm, đi làm phóng sự cho một nhà báo quán, nhân mời tôi ra ngoài hóng mát, và đưa hai người thiếu niên khác đến làm quen. Tôi cảm tạ mãi, rồi nói chỗ khách sạn của mình, và xin quý khách qua chơi đàm đạo. Hôm sau Lý Khiêm quả đến tìm tôi ở khách sạn, nhân hỏi tôi có thông Pháp văn không. Tôi nói mới có bằng tiểu học, vì đã lớn tuổi không được theo cho đến ngày tốt nghiệp. Lý Khiêm nhìn tôi mà nói:

--------------------------------------------------

.1. Tiếng Pháp trong nguyên văn: giải lao.

--------------------------------------------------

- Người ta sinh về nhiệt đới, có giống thông minh mà ít có tính kiên nhẫn hoặc vì cách giáo dục sai lầm, hoặc vì đường cảnh ngộ bắt buộc, khiến cho nhiều người học ít thành tài, tài không trúng dụng, cũng là một sự đáng thương đáng tiếc. Sao anh buổi cập thời tu tiến mà có cái nhìn thần tình tử táng(#1) như thế.

Tôi nghe nói thở dài mà rằng:

- Như tôi Hán học đã nhỡ thời, tân học cũng quá tuổi, đường tiến thân một ngày một hẹp, công nghệ trong nước cũng chưa mở mang, như tôi muốn về yên phận trong gia đình cũng không được nữa. Sự tình tôi không đáng bận tai quý hữu, song đã đội ơn hỏi đến, tôi xin nói thật. Tôi tên là Ngô Tự Tỉnh, cũng là con nhà thi lễ, cha tôi có nghề làm ruộng. Năm 15 tuổi tôi mới thôi Hán học, mà theo Pháp văn, 21 tuổi mới có bằng tiểu học. Năm nay trong 500 học sinh thi vào trung học, có 400 bị truất, nhất là những người đã lớn tuổi, mà tôi cũng ở trong số ấy, thời nhân(#2) có câu nói diễu rằng: "20 tuổi đã về hưu trí", là vì nghĩa thế. Cha tôi giận tôi là người luân lạc(#3), đuổi tôi ra khỏi nhà, cho tôi 10 đồng bạc để tìm lối mưu sinh. Cha tôi làm thế thực không khác gì đẩy tôi vào đất chết. Tuy nhiên sinh chẳng gặp thời, mệnh sao chịu vậy, không dám oán ai, khi đã hết mười đồng bạc này, chỉ còn cách tự giết mình đi là xong cả.

Tôi nói đến đấy, vô cùng cảm thương, khôn giữ được hàng lệ tuôn ra lã chã.

Lý Khiêm cầm lấy tay tôi và yên ủi:

- Tình trạng những kẻ dở dang về đường học giới ngày nay đều như thế cả, không cứ một ai, chúng tôi với anh cũng là người đồng bệnh. Tình anh khả lân(#4), mà cái ngu thực là khả hận, lấy cái chết để chế với cùng đồ(#5) có chăng ở những bọn lao động mà ngu xuẩn,

--------------------------------------------------

.1. Thần sắc buồn bã như chết.

2. Người đương thời, người đời.

3. Lận đận.

4. Đáng thương.

5. Đối phó với đường cùng.

--------------------------------------------------

còn ý chí nam nhi hà tất lấy cùng thông giới ý(#1). Hết mọi vật ở đời đều là của chung trời đất, trời đất chưa hề có dành riêng cho hạng người nào; trừ những kẻ sức không trói nổi con gà, gan không to bằng mật chuột, trời còn rộng, đất còn dài, đi đâu mà không tự đắc; kìa những kẻ bo bo giữ của không chịu làm ích lợi cho ai, đều là cái kho vô tận của mình đó.

Nói rồi Lý Khiêm dắt tôi ra cửa rủ lên một cái xe đi chơi cho giải trí. Tôi nghe mấy câu hào luận(#2) đã lộ mấy phần bất chính, và trong lúc vừa cười vừa nói, có thấy mấy cái răng vàng, biết ngay không phải là thượng lưu nhân vật.

Đến một nơi đỗ xe, vào một cái nhà rộng rãi mát mẻ, đã thấy có hai người hôm trước ở đó, và có mấy ả mày ngài, đón hỏi vồn vã, biết ngay là một chốn hồng lâu. Trò chuyện hồi lâu, ba người đều ép tôi vào cuộc rượu. Trong lời đàm luận đã tỏ ra những ý khí hào hiệp, nhất là Lý Khiêm lắm lúc khảng khái bi ca, khiến cho tôi chợt mà muốn khóc, chợt mà muốn cười, chợt mà mừng, chợt mà giận, có khi quên cả thân thế mình là con nhà ai đi nữa. Lý Khiêm muốn kết với tôi làm mật hữu(#3), mà tôi cũng vui lòng lấy Lý Khiêm làm tâm giao.

Khi thấy tôi đã ra ý thân mật, Lý Khiêm làm nét mặt nghiêm trang mà nói:

- Anh em mình đã trót sinh ra thời thế lỡ làng cũng phải tính đường mà tự cứu. Phàm người ta muốn gây dựng nên sự nghiệp to lớn, cũng phải dùng những thủ đoạn phi thường; việc ấy hôm nay tôi chưa có thể nói với anh, rồi sau anh sẽ biết, có một điều phải giữ hai chữ thân mật(#4). Nếu một chữ nào bất thận từ khe răng mà lọt ra, chúng tôi phải lấy độc thủ mà đối đãi. Cái điều ước ấy không phải là quá khắc, là vì nghĩa vụ chúng tôi phải bảo toàn hạnh phúc cho anh mà cũng bảo toàn cái tự do chung cho chúng tôi nữa.

--------------------------------------------------

.1. Lấy vận cùng hay thông mà ngăn trở ý chí.

2. Như ta nói đại ngôn.

3. Bạn thân thiết.

4. Cẩn thận, kín đáo.

--------------------------------------------------

Tôi nghe nói như người đã sa chân vào bẫy, trông sau trông trước đều có cảnh tượng nguy nghị Nghĩ cái tiền đồ của mình còn như đêm tối, nay gặp bạn lại là những người tình tích(#1) không được quang minh, nếu xảy ra có sự hiểm nghèo, thực là mình lại xô mình xuống vực. Vừa toan kiếm lời cự lại thì Lý Khiêm lại nhìn tôi mà nói:

- Ngô huynh không phải nghĩ, cứ vững ở tay tôi, một lời đã tri kỷ cùng nhau, làm việc không có hậu hối(#2) mới là hào kiệt. Ngô huynh hãy về thu xếp hành lý, đúng 4 giờ chiều ra đợi chúng tôi ở bến xe hỏa.

Nói rồi giục giã tôi đi ngay.

Tôi về khách sạn cứ nghi: "Không có lẽ những người tuấn tú như thế, thông minh như thế, lại ra người hiểm nghèo. Lại nghĩ như mình bây giờ lấy học vấn dở dang mà kiếm ăn trên ngòi bút, chẳng chức phụ biện cũng chân thừa sai, nguyệt bổng chừng mười hai đồng sao cho đủ cái phong lưu tạm. Đem thông minh nhĩ mục để tiêu ma trong một đời sớm chực trưa hầu, cũng là một đời sống tủi, huống chi việc có ít mà người thì nhiều, lại là cái số chưa chắc. Thôi từ khi từ giã cha tôi mà đi, vốn đã giắt sẵn một chữ liều trong bụng. Dữ kỳ(#3) ngồi mà đợi chết, chi bằng vui thú chúng bạn, nếm vị giang hồ, rồi đây có phải mắc mưu lừa chước biển(#4) thế nào, cũng là một cái số ưng đắc. Bấy giờ ý tôi đã quyết, liền sắp sẵn mà ra bến xe hỏa.

--------------------------------------------------

.1. Hành vi, gốc tích.

2. Hối về sau.

3. Ví bằng.

4. Chước biển lận.

--------------------------------------------------

Đúng 4 giờ chiều hôm ấy, vừa ra khỏi khách sạn, có người nói sở cảnh sát bắt được mấy người can án ăn cướp ở tại bến xe hỏa. Trông ra đã thấy hai người cảnh sát giải ba người thiếu niên, có một bọn lính đi áp. Đến gần chính là bọn Lý Khiêm. Lý Khiêm thấy tôi liền đưa mắt trở lại. Tôi cũng đứng nép vào chỗ đông người không dám ra mà hỏi. Bấy giờ tôi bàng hoàng càng nghĩ càng sợ; ai hay những người có học vấn lại phạm những tội hung ác như thế! Có khi xưa nay bao nhiêu những người gian ác đều là bực thông minh mà đem ngộ dụng, bao nhiêu những tay đạo tặc đều là người hào kiệt mà đi lầm đường. Than ôi! Lỡ bước lỗi thời, có tài vô dụng thương thay cho thiên hạ, mà lại sợ thay cho mình nữa.

Tôi vốn biết đất phồn hoa chính là chỗ sản xuất những điều tội lỗi, song muốn về biết là về đâu. Đường đi đã không có chủ đích đường về cũng không có quy y, thân thể tôi bấy giờ như chim không tổ, như chó lạc nhà, biết giữ sao cho khỏi sa ngã. Tôi cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, nghĩ gần nghĩ xa, chợt nhớ đến một ông thầy học cũ, tôi liền tìm đến mà thăm thầy.

Thầy tôi là người đạo học, chán thời thế mới về điền viên, cùng cha tôi là bạn đồng chí. Xưa kia có điều gì khôn dại, tôi vẫn đến thầy tôi mà chất chính, chỉ từ khi xoay về tân học, thầy trò mới phải xa cách nhau. Lúc đến nơi, thầy mình lại đứng trước sân thi lễ mà lòng trọng đạo tôn thầy lại sinh ra vô cùng quan cảm. Tôi nhân kể cùng thầy cái cảnh ngộ trong gia đình, và những người mình đã gặp gỡ.

Thầy tôi nói với tôi rằng:

- Cha anh có một mình anh là kế nghiệp, cho nên phải nghiến răng chữ nhẫn mà dạy con, đường tiến thủ của anh còn dài, anh cũng phải giữ lấy một chữ nhẫn mà lập chí. Thầy nghĩ từ cái học khoa cử sai lầm đã đến cực điểm, làm cho chính trị giáo dục, kinh tế trong một nước đều phải hư bại, mà bấy lâu bọn cựu học đã chịu những tiếng mỉa mai, những lời bỉ bạc, đã nhức cả tai, đã dầy cả mặt, thầy những mong cho các anh, mừng cho các anh đang lúc niên phú lực cường, gặp hội đổi thay học thuật, khảo sát lấy đạo phú cường, đổi bỏ những thói hủ lậu, họ may có ngày mở mặt với thiên hạ, và rửa hổ cho ông chạ Ai ngờ các anh lại đem cái óc cũ mà học chữ mới, nghĩa là học để cầu phú quý, chớ không học để suy ra thực dụng. Người ta học về mà làm ruộng, học về mà đi buôn, học mà về làm nghề này nghiệp khác, trăm nghề đều có học, trăm việc đều cải lương, bấy giờ quốc dân mới văn minh, xã hội mới tiến hóa. Có khi các anh tưởng cứ khóan lệ bỏ hết trong các làng, thầy kiện đi khắp trong các tỉnh, gặp ai cũng là tây trang(#1), nhà nào cũng làm kính chớp, con trẻ cũng nói tự do, đàn bà cũng thông pháp hoại(#2), như thế gọi là phú cường, gọi là văn minh được hay sao? Nếu các anh đi học chỉ để mưu kiếm ăn, có khác gì học khoa cử chỉ để mưu phú quý. Không có lẽ hết mọi người đều đi học, hết mọi người đều làm quan, hễ học mà không thi đỗ, cứ về làm người dở dang, như thế không những thiệt riêng cho từng người, mà là hại chung cho xã hội.

Tôi nghe thầy tôi nói bấy nhiêu lời như roi đánh vào đầu như đuốc soi vào dạ, mới biết cái tư tưởng mình xưa nay sai lầm là thế. Nhân xin thầy tôi chỉ bảo cho con đường, làm thân học trò ở đời này phải noi theo thế nào là chính đáng.

Thầy tôi lại nói:

- Thông bệnh người ta là cái tính ỷ lại, con ỷ lại cha mẹ, vợ ỷ lại chồng, anh em ỷ lại lẫn nhau, chúng bạn ỷ lại nhau, người nào cũng chỉ mong ỷ lại được nhau. Mà tính ỷ lại ấy lại là bởi dút dát lười biếng mà ra. Không ai dám đi đâu ra khỏi nhà, không ai dám nghĩ làm một việc khó, quốc thổ mười phần bỏ hoang mất bảy, công thương quyền lợi nhường hết cho người ngoài.

--------------------------------------------------

.1. Mặc đồ Tây.

2. Tức pháp thoại: nói năng về luật pháp.

--------------------------------------------------

Như thế mà các anh oán hận là sinh bất phùng thời, phàn nàn là hữu tài vô dụng, cũng là tự bạo, tự khí quá. Thầy miễn cho các anh sẵn lòng mạnh mẽ chịu khó chịu nhọc, thì ở đâu mà không có người dùng, việc gì là việc làm không được. Khổng phu tử có nói: "Ngôn trung tín hành đốc kính, tuy man mạch chi bang hành hĩ"(#1). Xem những người Hoa kiều ở trong xứ ta có học vấn gì, có thần thế gì, mà họ chiếm được một cái địa vị rất có thế lực, chẳng qua cũng là họ thực hành sáu chữ: "ngôn trung tín hành đốc kính" ấy mà thôi. Nay thầy lại nguyện cho các anh bỏ lối hư danh, chuyên về thực nghiệp, ở cho thật lòng, làm cho hết sức, đối với gia đình, đối với nước nhà, hạnh phúc các anh còn lớn, thầy nay đã già, các anh tự trọng.

Tôi nghe nói, như người đem rửa cái óc cũ cho tôi mà thay óc mới lại, thấy tinh thần hoạt bát, ý khí mạnh bạo, trông ra trời còn rộng, đất còn dài, xin đem mấy lời sư huấn làm xử thế cẩm nang, để chống chọi với mọi sự gian hiểm.

Bấy giờ tôi sắp sửa mà đi thăm thú Nam Kỳ. Có người bạn tôi giữ lại ở nhà ít ngày để hỏi thăm tin tức trong Nam Kỳ cho chắc chắn; vì trong giấy thông hành phải có người hiện ở Nam Kỳ nhận thực mới là người có căn cước. Phải, người chân chính cử động cũng nên minh minh, bạch bạch, giữ pháp luật, tị hiềm nghi(#2) là sự cần nhất cho kẻ đi ra ngoài du lịch.

--------------------------------------------------

.1. Lời nói thì trung tín, hành vi thì hết lòng giữ nghiêm cẩn, như thế dù ở nước lạc hậu, chật hẹp, cũng vẫn thực hành được đạo của mình.

2. Tránh mọi điều hiềm nghi.

--------------------------------------------------

Mấy hôm sau người bạn tôi đưa cho tôi một cái điện tín của người anh rể, là hiệu Khánh Long, hiện buôn bán ở Sài Gòn, mời tôi vào chơi. Dự bị xong xuôi, đến ngày 14 tháng Bảy, tôi ra Hải Phòng mà chờ sang tầu lớn. Tưởng như tôi từ nhỏ đến lớn chỉ biết dùi mài kinh sử, chỉ giảng cứu những sự nghiệp thánh hiền, kiến văn chỉ trói buộc trong ba con sách cổ, vũ trụ chỉ quanh quẩn trong mấy gian nhà tranh, nay mới ra đến chốn hải tần(#1), mới mở mắt mà trông mây trời nước bể, bao nhiêu cái tư tương phì mã khinh cừu, đã thoắt đổi ra ý khí thừa phong phá lãng(#2).

Tôi mượn một người quen biết, có từng trải về việc đáp tàu chạy biển để đi trình giấy và mua vé. Người ấy nói chuyện với một người bếp tầu hồi lâu, đến 14 giờ mới đưa tôi xuống tầu để tôi ngồi trong một cái phòng nhỏ. Phòng kín, không có một hé sáng, ngửi sặc những mùi dầu; nhân lấy tay mà sờ, chung quanh thấy những túi than đá lớn. Thở hút bức tức, như tù bị giam trong ngục tối, tôi chưa nghĩ ra làm sao. Một lúc thấy người bếp tầu đến, đưa cho tôi một khúc bánh và một chai nước mà bảo tôi rằng:

- Tầu đã nhổ neo sắp chạy. Người mua vé cho anh không thấy đến, anh cứ phải ngồi yên trong phòng kín. Nếu người chủ tầu trông thấy anh, người ta sẽ ném anh xuống bể.

Tôi nghe nói, biết ngay là mình đã mắc phải đứa vô lương, tham mấy đồng bạc cước tàu bán rẻ một người anh em bạn. Tôi càng kinh càng hãi, cứ phải ngồi nín hơi trong tối, tưởng mình không bằng thân con vờ còn được tự do thở hút không khí trên mặt nước.

Lâu lắm mới thấy người bếp tầu lại đến, nói tầu đã ra khỏi bến, tạm cho tôi ra ngoài mà hóng mát. Tự bấy giờ cung cấp cho tôi ăn uống cũng hậu. Tầu chạy suốt ngày 15 sang ngày 16, nghe người nói đã trông thấy núi Ngũ Hành Sơn. Tôi cũng theo người ta ra mà trông vào bờ bể.

Nghìn trùng nước biếc, một vết mây đen, tôi đang đứng bồi hồi về nỗi góc bể bên trời, chiếc thân luân lạc, chợt thấy có người đến vỗ vai, tôi ngoảnh đầu lại thấy ngay người Tây đi soát vé. Tôi hoảng hốt cứ thật thà mà nói; và nói có Khánh Long ở Sài Gòn là người quen sẽ bồi hoàn tiền cước. Người Tây xem giấy thông hành của tôi rồi bảo một người nhốt tôi lại ngồi một chỗ.

--------------------------------------------------

.1. Biển lớn.

2. Bao nhiêu lo nghĩ về giàu sang đã đổi thành ý chí mạo hiểm.

--------------------------------------------------

Tầu chạy chừng 3 giờ đồng hồ nữa thì vào cửa Quảng Nam. Người ta cho tôi xuống một cái thuyền mà bỏ lên đất. Bấy giờ tôi muốn tìm người bếp tầu mà nói, không còn trông thấy đâu, dù có nói gì cũng là vô ích.

Sự gian nan của tôi lại đến nông nỗi nước này là một: sức yếu tài hèn, tay không đất khách, dù có tài như Nguyễn Tịch(#1), có chí như Tử Tu(#2), cũng đến nước khóc đường cùng xin giữa chợ. Tuy nhiên, cùng thông may rủi cũng là lẽ thường, xưa nay những người khổ chí mà làm nên, lại là những người ở trong cùng ách điên nguy(#3) mà ra cả. Nhớ lời thầy tôi có nói: "Người ta có một bệnh là hay ỷ lại", như tôi bây giờ thực không còn ỷ lại vào đâu được nữa. Nếu đã đắc chí mà đi lại thất chí mà về, mặt nào còn đối với thầy tôi; còn mong bao giờ cáo vô tội với cha tôi nữa. Nghĩ đến thế thì cái chí đi Nam Kỳ của tôi lại càng kiện lắm.

Một buổi tối đang đi vơ vẩn bên sông, thấy một người thiếu niên ngồi bên bờ nước mà câu cá. Tôi cũng ghé lại một bên mà xem. Người thiếu niên thấy tôi là người ngoài Bắc, liền hỏi tông tích. Tôi nói muốn đi tìm một người thân thích ở Sài Gòn, đi đường bộ không quen muốn đi tìm một cái thuyền buôn mà đáp đi cho tiện.

Người thiếu niên kia nói chính cha mình có thuyền đi buôn bán Nam Kỳ, thuyền còn đỗ bến chưa ra cửa. Và hứa cho tôi được nhờ thuyền làm khách đáp.

--------------------------------------------------

1. Một trong Trúc Lâm thất hiền đời Tấn, người nước Ngụy, nổi tiếng đọc rộng sách vở, có nhiều tài.

2. Tên là Viên, người nước Sở thời Xuân Thu, cha và anh bị vua Sở Bình Vương giết, ông sang Ngô giúp vua Hạp Lư, nuôi chí báo thù, cuối cùng kéo quân về bình định nước Sở.

3. Nghiêng đổ.

--------------------------------------------------

Khi vào thuyền thấy một ông già gần bảy mươi tuổi, thần khí mạnh mẽ, tiếng nói như tiếng chuông; mới trông biết là người có đảm lực. Tôi chào ông và bày tỏ tình trạng. Ông cũng tỏ ra lòng hiếu thiện và yêu tôi như yêu con. Ông nói chuyện đi bể vui lắm, ông lại sinh nhai trên mặt bể. Ông còn muốn hoàn du một vòng thế giới, rồi sẽ về mà phú nhàn(#1). Nghe lời ông nói rất mạnh mẽ, khiến cho tôi quên cả cái thân luân lạc. Vả lần này cũng là lần hàng hải thứ hai, tôi không còn sợ bể nữa.

Chờ nước triều lên, thuyền mới ra cửa, trông lại bóng đèn trong bến, lác đác như sao hôm dần dần lặn hết; gió tĩnh mây quang, vừng trăng trong vắt, một chiếc thuyền phơi phới như ở giữa sông Ngân, tôi tựa mui mà ngồi; đang trông xa lặng lẽ, ông già đến vỗ vai tôi vừa cười vừa nói:

- Thú bể có vui không? Trăng thanh nước biếc kia đã trải biết bao nhiêu cuộc bể dâu, đã soi biết bao nhiêu người kim cổ! Thanh niên như các anh nếu không ra mà nếm cái phong vị giang hồ, biết bao giờ cho ra người kinh lịch.

Lại nghe ông nói mấy lời, bao nhiêu cái thói lười biếng, tính rụt rè của tôi đã tiêu ma đi đâu mất cả, gió sương dầy dạn, tinh thần càng tươi.

Thuyền vừa chạy ra Quảng Ngãi, gần đến Quy Nhơn, ông già chỉ một dãy núi xa xa mà nói:

- Đó là nơi sản xuất đạo tặc(#2). Trước thuyền buôn đi lại thường phải giới bị, nay Nhà nước đã mở ra thương cảng, có hỏa thuyền đi lại mà đạo tặc cũng chưa tiêu diệt đi cho hết.

Thuyền đương chính hướng Nam mà chạy, trông bốn mặt trời liền với nước, chỉ năm ba con hải yến bay quanh cột buồm, ngửa mặt mà trông vô cùng khóai sảng. Ông già chợt chỉ sau thuyền mà hỏi:

--------------------------------------------------

1. Dưỡng nhàn.

2. Đoạn này còn có câu nhận định: "Xưa Tây Sơn cũng là nhất thế chí hùng, mà bạo ngược tàn ác vẫn không thóat khỏi cái khí tập đạo tặc". Chúng tôi tạm lược đi vì ý kiến không chính xác, và ghi xuống chú thích.

--------------------------------------------------

- Có ai trông thấy cái bóng đèn đằng sau thuyền ta không?

Tôi cũng theo tay chỉ mà trông, xa chừng mười dặm có bóng lửa nhấp nháy. Một người thuỷ thủ nói:

- Có khi nào mành từ Quảng Ngãi chạy sau thuyền tạ Anh em phải dự bị thuyền ta bẻ lái vào dé Tây, thử xem thuyền họ phương hướng ra đằng nào thì biết.

Lúc nói thì cái bóng đèn đến gần chừng bảy tám dặm, trông rõ cả thuyền. Ông biết chắc là thuyền cướp, giục người trong thuyền ra sức chèo chạy cho thoát hiểm. Vừa nói thì nghe đoành đoành hai tiếng súng, chừng không có đạn ấy là quân cướp ra oai bảo thuyền ta phải dừng lại. Cướp bể ngày nay cũng biết giữ công pháp như hai bên địch quốc, trước khi giao chiến có ra hiệu trước; việc giết người lấy của cũng có văn minh là thế.

Thuyền tôi bấy giờ sống chết ở trong giây phút, chủ thuyền cứ đốc thuỷ thủ chèo chạy, phó tính mệnh cho trời, quyết không bó tay mà chịu chết. Thuyền cướp cũng không bắn nữa, chèo đuổi cũng riết như hai chiếc thuyền bơi đua trong đại hải. Chủ thuyền nói:

- Chết vì nước còn hơn chết vì giặc.

Ai ngờ nói chưa dứt lời, rầm một tiếng thuyền tôi va phải hòn thật.

Nước đã vào thuyền, tình trạng bối rối trong thuyền không nỡ nói cho hết. Tôi theo ông già cùng mấy người thuỷ thủ, nhảy xuống một cái xuồng lớn, cắt dây mà chạy. Tôi cũng lấy một mái chèo mà bơi, không nỡ ngoảnh lại mà trông cái thuyền bị đắm, chỉ nghe tiếng người xào xạc, biết là quân cướp cũng chèo thuyền lại mà cướp lược(#1) hàng hóa.

--------------------------------------------------

1. Cướp bóc.

--------------------------------------------------

Bấy giờ trăng đã xế Tây, trời đã gần sáng, xuồng cứ theo bóng trăng mà chèo, tiếng chèo reo rắc, cảnh đêm mơ màng, tưởng không phải là trong nhân thế. Thương ông già là người từ thiện, mà gặp sự tai biến như thế, ông còn gượng cười mà bảo tôi rằng:

- Hôm nay chúng ta phù trầm trong bể có khác gì Kha-luân-bố lúc tìm Mỹ châu.

Tôi cũng gượng cười gượng đáp mà trong lòng thực lo: thuyền còn phiêu lưu trong bể, trong thuyền không có một hột cơm, một giọt nước, nửa ngày nữa không vào đến bờ, hẳn là đem nắm xương này chôn trong thương hải.

Thế mà ông già vẫn tỏ ra y bạo, không hoảng hốt, không âu sầu, làm cho mọi người đều vững dạ, đều ra sức. Không bao lâu mặt trời đã cao, bóng nắng đã mạnh, miệng đã khô, bụng đã đói, nếu trời không cứu cho mà gặp cái chài cá nào, trong nửa ngày nữa cũng phải chết đói, chết khát.

ông già vừa tựa cái thang xuồng thiu ngủ, một người thuỷ thủ lấy tay chỉ phía Bắc mà nói:

- Có cái bóng trắng như lá buồm.

Tôi mừng quá vỗ tay mà reo. Ông già kinh dậy. Tôi nói:

- Trời thật giáng phúc cho chúng ta, chúng tôi đã thấy có cái thuyền buồm chạy đến.

Mỗi người buộc khăn lên mái chèo mà vẫy; ít lâu có thuyền đến thật, liền cứu chúng tôi lên.

ấy là thuyền buôn ở Nha Trang, chủ thuyền với ông già lại là người quen thuộc, cứu được chúng tôi lấy làm mừng rỡ lắm, cho chúng tôi ăn uống rồi hai ông trò chuyện, ông già nhân chỉ tôi mà nói:

- Người thiếu niên này là khách đáp thuyền tôi vào Sài Gòn mà thăm người thân thích. Không may giữa được gặp nạn trong một ngày một đêm đã chịu biết bao nhiêu là cái tử sinh kinh cụ(#1).

Chủ thuyền cũng là người cao nghĩa, hứa giúp cho tôi tiền lộ phí để đi xe hỏa tự Nha Trang vào Sài Gòn.

Lúc tôi từ giã ra đi, hai ông cùng ân cần mãi, lòng cao nghĩa ân tái sinh của hai ông không bao giờ mà ra khỏi cái trí nhớ của tôi được. Tôi chỉ cầu xin đức Thượng đế chứng hộ cho kẻ có lòng lành, mà tôi cũng chắc lòng tôi là người trung tín, đến đâu cũng có kẻ cứu giúp.

Xe hỏa đến Sài Gòn, tôi tìm vào ngay hiệu Khánh Long, là một nhà khắc dấu. Vợ chồng Khánh long cũng là người Bắc, thấy tôi thì mừng rỡ lắm. Nói có được điện tín của người em, xin ra bến tàu đón khách mà không được gặp. Tôi nhân thuật những sự đi đường hiểm trở, ai nghe cũng lấy làm sợ và lấy làm mừng.

Khánh Long vốn là người hiếu khách, thấy tôi là người đồng quận(#2) lại tỏ ra lòng thân yêu. Người Bắc Kỳ ở trong Nam cũng nhiều, gặp nhau ai cũng có cái quan cảm tha hương ngộ cố(#3). Người ta lúc ở trong một làng một xóm, thường gặp mặt mà không chào, khi ra tỉnh khác gặp người đồng hương mới biết tình biết lý là trân trọng; lúc ở trong một trấn một thành có khi coi nhau như thù nghịch, lúc ra xứ khác gặp người đồng châu mới biết nghĩa đồng bang là ý vị.

Người Nam Kỳ tính hiếu thi ca, tôi cũng lấy nghề thi ca làm giới thiệu mà được thù tạc với các quân tử trong Lục châu(#4), nhất là những người dân di cố lão, còn yêu chuộng Hán văn, trông

--------------------------------------------------

1. Kinh sợ.

2. Cùng huyện.

3. Cùng một mối cảm xúc nơi đất khách gặp người quen cũ.

4. Tức Lục tỉnh.

--------------------------------------------------

thấy con nhà cựu học càng hoan nghênh, càng ái tích(#1). Từ bấy giờ, tôi càng sinh về nghề mồm mép hoặc làm thơ làm đối hoặc làm chuyện làm vè, hoặc làm tờ rao hàng, hoặc làm văn đăng báo; mối hàng càng đắt, thủ quỹ càng nhiều, trong bốn tháng trời, trừ chi tiêu đi rồi còn để ra được 200 đồng bạc.

Phong hóa trong Lục tỉnh dân thuần tục hậu, trừ những nơi thị tỉnh(#2) nhiễm thói kiêu ngoa, còn trong dân gian đều ngỏ cửa song then, đi đường của rơi không có người nhặt, đại khái người nghèo khó thì ít, nhà giàu có thì nhiều, trong một làng rất nhỏ cũng có một vài cửa hàng khác. Gặp người nào cũng là xuân phong hoà khí, vào nhà nào cũng có vườn tược(#3) lâu đài. Người ta nói: "Đất Nam Kỳ là đào hoa nguyên(#4) ở cõi Đông Dương". Cái thắng du của tôi ngày nay thực đã bõ với những nỗi đi đường hiểm trở.

Trong Nam Kỳ đất hoang còn nhiều, mà người làm có ít. Khí hậu không hay có mưa to gió lớn, cày cấy dễ mà thóc lúa nhiều. Lắm lạch nhiều sông, đường vận tải cũng tiện; cho nên nhà làm ruộng đều là nhà giàu, không như đất trung châu Bắc Kỳ, đất ít người nhiều, một người chân lấm tay bùn chỉ đủ ăn nửa năm, còn nửa năm phải kiếm thêm về nghề khác.

Tuy nhiên, phàm người ta dễ kiếm ăn thì hay sinh lười biếng, có người đã nghĩ rằng người Nam Kỳ vì thế mà coi việc công thương là hèn hạ. Việc buôn bán thượng từ hàng vàng hàng lụa, hạ chí hàng cá hàng rau, việc công nghệ lớn từ mạng áo đóng giầy, nhỏ chí đan rổ đan rá, đều là phó cho người khách làm nô lệ. Gần đây ở Bắc Kỳ đã có lắm người đến mà thích cánh chen vai với các chủ như Tăng Khánh Long, Đào Huống Mai, Nam Tân, Ba Tiên, đều là tay đã dựng lá cờ đầu trong trường thương chiến

--------------------------------------------------

1. Yêu tiếc.

2. Phố xá chợ búa.

3. Nguyên in: vườn rược.

4. Suối hoa đào, một nơi sung sướng lý tưởng trong bài Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm, nhà thơ Trung Quốc đời Tấn.

---------------------------------------------------

Từ bây giờ tôi chú ý suy cầu về việc thực dân(#1) ở Nam Kỳ. Nghe nói Thái Kỳ Sinh là người Trung Hoa, có niên kỷ(#2), có kiến thức, có kinh nghiệm, lưu ngụ Ở Nam Kỳ đã lâu, nay đã nên một nhà phú hào, tôi tìm đến mà yết tiên sinh. Tôi mới lược bày ý kiến về sự thực nghiệp Nam Kỳ, tiên sinh cũng vui lòng mà lược bàn các lẽ. Tiên sinh nói:

- Thực nghiệp ở Nam Kỳ lấy khẩn hoang điền là có lợi hơn hết. Việc khẩn ruộng đất tốt phải có nhiều điền tốt(#3) có điền tốt tất phải có đủ cái ăn. Vậy lấy đâu cho nhiều điền tốt? Lấy đâu cho đủ cái ăn? Khi giải quyết cho xong hai cái vấn đề ấy, thì sự nghiệp thực dân của anh nghĩ đã được quá nửa. Còn sự mưu khẩn phúc, cái lợi nhỡn tiền, không phải là chí anh, cũng không phải là việc ngày nay chúng ta thảo luận. Tôi xem người đã nhiều, mà coi anh cũng người có đại chí, cũng có cơ đại thành(#4), anh hãy cố.

Tôi lui về mà nghe những lời tiên sinh đã nói: sự nghiệp thực dân không phải một người mà làm nổi, không phải một ngày mà làm xong. âu là ta lộn ra Bắc Kỳ tập hợp cho nhiều anh em đồng chí, nhất là những bọn dở dang về đường học giới như tôi, mỗi người tập lấy một thủ nghệ(#5) vào làm mướn trong Nam Kỳ. Một người đi kiếm phải nuôi lấy hai người, gọi là người điền tốt. Trước còn nuôi gà nuôi lợn làm vườn trồng rau. Khi chiêu mộ điền tốt ở Bắc vào đã nhiều ta bắt đầu vào việc làm ruộng. Trước còn lấy công mà nuôi nông, sau lại lấy nông mà nuôi công. Khi nông công đã đủ cho chúng tôi một cái tư bản lớn lao, chúng tôi sẽ xoay về thương nghiệp.

--------------------------------------------------

1. Đưa dân đến làm ăn sinh sôi nẩy nở ở một nơi khác mảnh đất quê quán.

2. Tuổi tác.

3. Nhân công cày ruộng thuê.

4. Cơ thành đạt lớn.

5. Nghề thủ công.

--------------------------------------------------

Bấy giờ chúng tôi mới lập một cái hội, gọi là "Nam Kỳ nông công thương tương tế hội", hội có chiêu cổ(#1), mỗi cổ là 10 đồng, cái 10 đồng bạc mà cha tôi đã cho tôi lúc ra đi sẽ là phần đầu cổ đệ nhất. Khi hội đã thành lập, xin cha tôi và thầy tôi làm "sáng tạo hội viên", xin hai ông thuyền chủ làm "ân trợ hội viên". Thái Kỳ Sinh và Khánh Long cũng xin vào làm "tán thành hội viên" mà tôi sẽ làm "Nam Kỳ nông công tương tế hội chủ"! Trước tôi còn phác hoa. thô sơ, sau tôi cứ tường tra tế sát(#2), lập thành điều lệ, chép thành sách bản, gửi ra mà hỏi ý kiến của thầy tôi. Và xin thầy tôi bảo lĩnh với cha tôi được về tỉnh khám(#3).

Chẳng bao lâu được thơ cha tôi trả lời, tôi mừng rỡ quá, tạm từ các quý hữu trong Nam Kỳ mà đáp tàu ra ngoài Bắc.

-------------------------------------------------

1. Kêu gọi góp cổ phần.

2. Tra cứu kỹ càng tường tận.

3. Thăm hỏi.

Tạp chí Nam Phong,

số 35, tháng 5-1920

Hết