Sau hai mươi năm chờ đợi, chị gặp lại chồng giờ đã có vợ và hai con riêng ở nơi xa. Dù chẳng ai có lỗi, nhưng thật không dễ dàng để tiếp tục sống cho trọn tình vẹn nghĩa trong hoàn cảnh éo le như vậy. Truyện được viết một cách tinh tế về người đàn bà có tấm lòng bao la với cả những ngóc ngách của nó.

Một hôm, chị bảo chồng:

- Hè này, mình rước cô ấy với hai đứa nhỏ vô đi!

Cái muỗng trong tay Thịnh đứng lại trong tách cà phê. Anh ngập ngừng nhìn vợ. Thịnh nhận thấy, trong giọng nói nhỏ nhẹ hằng ngày, tiếng mình hôm nay quá ý tứ và tiếng đi cuối cùng vang lên như một mệnh lệnh thống thiết. Đặc biệt là những tiếng cô ấy phát ra như nghèn nghẹn ở đâu đó trong lồng ngực. Cô ấy, cặp từ đã thành tên, thành ngôn ngữ chung khi hai người nhắc đến vợ sau của Thịnh. Và ánh mắt hôm nay của Niềm nữa, trong vẻ dịu dàng của mọi khi còn chứa đựng vẻ hiếu kỳ của nhà tâm lý học trước đối tượng nghiên cứu và vẻ căng thẳng quá sức của bị cáo trước quan tòa. Không chịu đựng nổi ánh mắt của vợ, Thịnh lúng túng quay mặt đi.

Anh lúng túng còn vì bất ngờ. Thịnh biết, với cung cách ấy, với chất người ấy, sớm muộn gì Niềm cũng đặt ra cho anh một giải pháp ứng xử hợp lý. Một người như Niềm, người đọc được cả những run rẩy mơ hồ trong anh, sẽ không thể không nhận thấy anh mong muốn điều đó từ lâu. Vì vậy, kín đáo và nhẫn nại một cách đáng khen, anh âm thầm chờ đợi Niềm lên tiếng. Anh hy vọng, hy vọng mà không mỏi mòn, rằng sẽ có lúc Niềm, chính Niềm đứng ra xếp đặt cuộc thăm nom éo le này. Nhưng anh không ngờ Niềm đặt vấn đề ấy ra vào một buổi sáng, lại là sáng thứ bảy, thời điểm mà trước nay vợ chồng anh thường phác họa ra buổi tối cuối tuần và ngày chủ nhật thú vị dành cho nhau. Hôm nay, anh sẽ có tám giờ để trốn ở cơ quan, không, mười giờ, kể cả hai tiếng nghỉ trưa sau bữa cơm do công đoàn xí nghiệp đài thọ. Nhưng ngày mai? Chắc là một ngày nhọc nhằn. Anh phải tỏ thái độ trước lời gợi ý mà anh mong đợi.

Thịnh đưa tay xem đồng hồ.

- Mấy giờ, anh?

- Mười lăm phút nữa!

"Mười lăm phút" ấy đã giải thoát anh. Có nghĩa là, đã đến lúc cả hai phải ra khỏi nhà, phải cùng đi đến sở. Thế cũng có nghĩa là anh đỡ phải tỏ thái độ ngay về "việc ấy".

Niềm đứng dậy bê khay cà phê vô bếp. Chị rửa tách lâu hơn mọi hôm.

- Chiều về, anh tạt qua chợ mua ít lúa cho gà, nghe anh.

Tiếng chị lẫn trong tiếng vòi nước chảy. Mọi hôm, chị đã bước ra nhét cái bọc ni lông vào chiếc túi đeo vai của anh.

Hơn thế nữa, chị còn sửa lại cho anh cái bâu áo, nhắc anh mang theo gói thuốc lá và ống quẹt hay xem túi anh và đưa thêm tiền. Nhưng hôm nay, anh biết, chị cố ý tránh đi một lượt với anh.

Thịnh cầm chìa khóa xe lên, lại ngồi xuống ghế, chờ vợ. Anh chờ để nhìn chị rõ hơn sau câu gợi ý dũng cảm khi nãy. Chị bước ra, như ngạc nhiên thấy anh còn nấn ná. Bằng cái khăn ướt, chị lau mãi đôi mắt rơm rớm đỏ, như chị vừa chảy nước mắt do khăn lông cọ xát. Cái khăn đẩy tới đẩy lui trên gương mặt ưng ửng khiến anh không nắm bắt được vẻ mặt thật của chị.

Đôi mắt họ gặp nhau, rồi lại lảng đi chỗ khác. Người này biết người kia đang cố gắng đọc mình, đang nghĩ về một hướng với mình.

Niềm bước nhanh vô phòng trong. Thịnh nhìn theo dáng vợ. Lần đầu tiên anh được ngắm vợ là ngày anh trở về miền nam sau hòa bình, trong ánh điện tưng bừng. Chị già đi và gầy hơn xưa nhưng người vẫn tròn trặn uyển chuyển. Nhìn toàn bộ, ở chị toát ra dáng vẻ cao quý của người phụ nữ có tuổi mà vẫn trinh nguyên. Hồi anh đi, chị là vợ chưa cưới. Vắng anh hai chục năm trời, chị vẫn giữ nguyên vẹn cái dáng con gái ấy chờ. Giờ quá tuổi, chị không thể có con được, không thể có vẻ tươi tròn sau cái vặn mình sinh nở nhưng chị có cái dáng son trẻ ngày nào. Nét đẹp của chị dừng ở cái quãng cô dâu sau ngày cưới. Và anh biết, với tâm hồn ấy, thể chất ấy, chị sẽ giữ được trọn đời cái thanh lẳn của người đàn bà có chồng mà không phải có con.

Từ phòng trong vọng ra tiếng bản lề tủ áo kêu cót két. Tiếng động bên trong rời rạc, chứng tỏ Niềm cố ý nán lại sau anh. Thịnh bải hoải đứng lên. Tiếng dép của anh xa dần ra phía cửa.

Khác mọi ngày, Niềm thay xong quần áo mà không ngắm mình trong gương. Chị khóa tủ và liếc sơ người đàn bà có vẻ mỏi mệt sau tấm kính ố lốm đốm. Chị dừng lại bên cửa sổ khi tới bàn viết thu dọn giấy má sổ tay cho vào túi xách. Bên ngoài, chỉ một tầm tay, cành mận hồng đào lấp ló những chùm trái muộn mằn ẹo thẹo. Mọi thứ muộn mằn đều có cuộc sống èo uột như vậy sao? Những trái chín không rụng đi, như còn luyến tiếc và chờ đợi điều gì. Đôi chim sâu nhíu nhít những âm thanh quen thuộc trong tán lá xanh um. Không bao lâu nữa, sẽ có một đôi chim khác thay đôi chim bé bỏng kia. Chừng đó chị có chịu nổi tiếng nói líu ríu xa lạ của chúng không? Chị hỏi lòng mình.

Cảm thấy có ánh mắt ai sau gáy. Niềm quay lại. Chị bối rối thấy chồng bắt gặp mình đứng tần ngần. Thịnh bước vào với vợ. Anh cúi xuống, dè dặt hôn bên cổ chị. Chị khẽ rùng mình nhưng không đưa tay nghịch tóc anh như mọi khi. Anh lại hôn nồng nàn lên vùng da thịt ấy. Chị cảm thấy, anh gởi gấm trong đó những lời cảm ơn nồng nhiệt. Bị ý nghĩ ấy hành hạ, chị biết mình cứng cỏi khác thường làm anh phải ngước lên hoang mang.

- Coi chừng trễ giờ! - Chị nhắc anh.

- Hay, anh đèo em nghen? - Giọng anh như van nài.

Chị chỉ lắc đầu, cùng anh bước ra. Anh giành lấy cái ống khóa trên tay chị, như hôm nay nó cũng quá sức chị. Tiếng ống khóa bóp lại nghe khô giòn. Khi chị đã ngồi lên chiếc xe đạp của chị, anh mới ấn chân xuống chiếc bàn đạp xe anh. Chị gởi theo anh một nụ cười. Anh yên tâm nghĩ: Giờ thì cô ấy không có lý do gì nán lại nhà để ngồi một mình bần thần nữa.

*

* *

Buổi chiều, không còn cái vẻ ngường ngượng của ban sáng, Thịnh sôi nổi bước vô nhà, giơ cao cho vợ thấy bọc lúa của gà mua với giá rẻ và nhóng vô bếp, âu yếm hỏi:

- Em làm món gì cho anh mà thơm phức vậy?

- Canh chua cá lóc với cá trê kho tộ, được hôn? - Chị hỏi lại anh giọng hơn nhão.

Bữa cơm vén khéo dọn ra. Câu chuyện của họ xoay quanh chỗ hai người làm việc. Nhưng khi nói, cả hai tránh nhìn vào mắt nhau, ở đó ẩn chứa những ý nghĩ khác, những lo âu khác ngoài mối quan tâm họ đang nói bằng lời. Vì vậy, người này càng chăm chút gắp cho người kia miếng ngon nhất. Trước nay, họ vẫn cố gắng hết mình với nhau, sự cố gắng đầy cảm động để bù đắp những năm tháng đằng đẵng xa nhau. Giờ, cử chỉ đó hàm chứa thêm nhiều ý nghĩa khác. Ở người chồng là sự chuộc lỗi (dù xét cho cùng, đó không phải lỗi của anh), là sự kính trọng và biết ơn pha lẫn sự an ủi động viên. Ở người vợ là sự cảm thông và tế nhị để anh không mặc cảm tội lỗi. Tội nghiệp thay tình cảm của họ. Có ai đành nghĩ rằng sự yên ấm này sẽ bị khuấy đảo lên vì đã đến lúc họ phải nghĩ đến ba con người khác đang chịu cuộc sống hẩm hiu. Trái hạnh phúc muộn mằn quả là eo thẹo.

Đêm đó, câu chuyện ở trong mùng có phần rời rạc. Chị hỏi:

- Bữa nay ngày mấy tháng năm, anh?

- Mười lăm! Chi vậy em?

Chị hỏi thế nhắc anh nhớ đến chuyện "hè nầy", mùa hè không cho phép chị lần lựa nữa.

Biết Thịnh im lặng là có ý, chị lại hỏi:

- Thư đây đi Hà Nội mất bao lâo, anh? - Anh chưa trả lời, chị nói tiếp, như chỉ nói với mình - Thôi, để em viết là phải nhứt. Em mời thì cô ấy mới chịu vô!

Anh xoay người, xiết nhẹ chị và vẫn im lặng. Anh muốn nói một câu gì thật xuất sắc cho xứng đáng với chị. Nhưng chị sẽ nhận ra ngay vẻ hồ hởi toại nguyện trong lời ơn nghĩa đó và đau khổ hơn vì nó. Còn nếu ngăn cản chị thì lại dối lòng mình, và chị cũng sẽ nhận thấy, chừng đó còn tệ hại hơn. Anh chỉ áp mặt bên cổ chị, thở ra những hơi thở sung sướng và lo âu. Cử chỉ đó đã nói hết tâm trạng anh. Cãi lại mọi cảm xúc, người chị không chịu mềm oặt đi trong lồng hơi thở run rẩy của anh như mọi lần. Mắt chị mở trừng trừng nhìn lên vệt sáng xanh xao của khung cửa sổ in trên vách tường và đau đớn nghĩ: Từ lâu anh vẫn khao khát gặp lại cô ấy. Lạ thay đàn bà, trong một tấm lòng bao la, vẫn có những ngóc ngách chật hẹp đáng ra không nên có.

Việc gì đáng làm, dù có tổn thương cho mình - trừ danh dự và lòng tự trọng - cũng phải làm. Nửa tháng sau khi Niềm gửi thư đi, chị nhận được hồi âm của cô ấy. Nét chữ mô phạm của nhà giáo không chê vào đâu được. Tờ pơ-luya trắng gói ghém những lời mực thước và thật lòng. Cô ấy hứa "Sẽ đưa hai con vào thăm bố và ra mắt má Niềm, nhân tiện tham quan trung tâm văn hóa phía nam".

Bắt đầu sự chờ đợi âm ỉ trong nhà với hai trạng thái khác nhau. Họ cố gắng chu đáo hơn để vừa lòng nhau hơn với những động cơ hết sức tế nhị khác nhau từ hai phía. Họ nâng niu từng giờ cái hạnh phúc eo thẹo của mình. Quan hệ của họ đằm xuống, đượm vẻ yên tĩnh đáng ngờ của bão tố.

Rồi cái ngày phải tới ấy đã tới. Năm ngày trước đó, Niềm nhận được bức điện đề tên chị: Đón em và các con tại ga Bình Triệu khoảng... ngày giờ... ". Chị hình dung ra người đàn bà chị từng nhìn thấy qua ảnh với vẻ mặt tự tin và nụ cười biết kiềm chế, nhưng người ấy còn dành lại cái gì đó minh tuệ bên trong, nụ cười thật hấp dẫn. Chắc người ấy không phải ngẫm ngợi lâu trước khi viết ra dòng chữ khôn ngoan cho chị trên tờ điện tín. Người ấy sẽ vào đây với lòng tự trọng và tư thế đường hoàng. Xét cho cùng, cô ấy vô tội. Một người vợ chưa cưới, chị chưa là gì cả với Thịnh, sau đó, chị mất tăm trong loạn lạc như một hạt cát trong cơn lốc. Chỉ sau này, yếu tố trói buộc Thịnh với chị là hai mươi năm chung thủy của chị. Nỗi oái oăm hôm nay không thuộc về lỗi của ai trong ba người.

Quả như Niềm tưởng tượng, người ấy bước xuống sân ga với vẻ mặt và nụ cười trong ảnh. Cử chỉ không còn giữ gìn nữa, Thịnh bước gấp lên đón con. Hai người đàn bà cũng mỉm cười nhìn chằm chằm vào mặt nhau. Một phút, họ ngắm đo nhau. Dở khóc, dở cười, Thịnh không rời mắt khỏi cảnh ngộ của hai người đàn bà. Trong vòng tay anh, hai đứa trẻ giương mắt nhìn người phụ nữ xa lạ mà chắc ý thức đã mách cho chúng biết người đó là ai. Niềm quay sang:

- Má mà lạ hoắc hả? Mấy mẹ con đi đường mệt dữ hôn?

- Chào má đi các con! - Cô giáo nhắc khẽ.

Bọn trẻ rời bố, khoanh tay ngay ngắn, cúi đầu thưa Niềm. Quả là những thành viên của một nền giáo dục không tồi. Chị bước tới với chúng. Một lát, chúng đã trườn khỏi tay chị để về với bố.

Niềm dẫn đầu nhúm người ấy lách khỏi sân ga nghìn nghịt. Chị ngoắc hai chiếc xích lô rồi ra hiệu cho bọn trẻ đến:

- Tụi con ngồi với má!

Bằng sự nhạy cảm, bọn trẻ ngoan ngoãn nghe Niềm. Trước khi xe chạy, chúng còn nhô ra ngoài vẫy vẫy: "Con đi, bố nhé, mẹ nhé!". Niềm ngoái nhìn chiếc xe sau. Họ đã ngồi lên, bối rối, sung sướng, chiếc va ly dựng dưới chân, như đôi trẻ vừa vượt qua bao nhiêu trắc trở mới được có nhau và đang bắt đầu một chặng đường đầy thú vị. Hình ảnh đó làm Niềm đau nhói, nhưng lập tức, tiếng cười trong ngần của bọn trẻ đã rửa trôi cảm giác đó.

*

* *

Sau khi chương trình truyền hình của đài thành phố chấm dứt, Niềm đứng lên, chủ động kết thúc câu chuyện chính trị và thời sự giữa ba người lớn, loại chuyện trở nên hình thức trong hoàn cảnh của họ. Cho đến lúc đó, cả ba đều cố gắng làm được điều mình muốn là vun quén cho không khí ấm cúng và trọn vẹn. Niềm sắp chỗ nghỉ cho bọn nhóc trên đi văng, cạnh chiếc ti vi, đối diện với cái giường xếp trước nay vẫn dành cho khách. Cô giáo cũng đứng lên đặt hai con nằm lại ngay ngắn. Niềm nói với cô giáo:

- Mẹ Hạnh nghỉ trong buồng nghen!

"Mẹ con Hạnh", đơn giản bớt từ giữa thành cách gọi hay hay và ấm áp. Thịnh cũng gọi vợ sau của mình như vậy và tiếng em, anh dành cho Niềm. Nhìn cách cư xử vừa dịu dàng vừa cứng cỏi, chính xác và ý tứ của Niềm, hai người kia chỉ biết im lặng nghe theo.

Niềm bước vô gian phòng của mình, dọn dẹp qua cho nó thật ngăn nắp. Chị định mang ra chỗ mới của chị cái gối. Nhưng chị quên, gối chị là gối đôi với phía ngoài trũng xuống, lúc nào cũng vương vài sợi tóc của Thịnh do chứng suy nhược thần kinh của anh. Chị để đôi gối lại trên giường nệm, trước khi bước ra không quên kéo tấm "ra" lại cho thẳng thớm. Chị đưa cô giáo vào trong. Thấy Thịnh còn chần chừ, chị xúi giục anh bằng cách tắt nốt ngọn nê- Ông ở cửa thông hai phòng. Xong đâu đó, chị lao tới chiếc giường xếp, gieo mình xuống đó, và úp mặt trên chiếc gối dành cho khách. Đêm nay, chị trở thành khách trong ngôi nhà của chị ư?

Một đêm dài nhất đời chị. Hồi chiến tranh, bao nhiêu là ác liệt và thử thách nhưng chị chưa trải qua thử thách nào ác nghiệt như vậy. Vượt được chính mình, đó là điều khó nhất! Trong đêm sâu hút, những âm thanh rạo rực mơ hồ do chị tưởng tượng dội vào tim chị. Niềm rón rén vùng dậy, mở cửa bước ra đường.

Chị đi như kẻ mộng du giữa dòng ánh sáng tràn trề từ trên cao dội xuống. Vì ai mà mi cháy hết mình như vậy, bóng đèn ơi? Phải chăng vì thế mà đời sống của chúng ngắn ngủi? Chị nhớ rõ, dạo đó, giữa dòng suối điện tưng bừng này, anh và chị tìm được nhau. Chị không bàng hoàng khi biết anh trở về, trong hành trang có tấm ảnh người đàn bà khác. Nhiều người đàn ông đã trở về như vậy. Chị bảo: "Mình coi nhau như bạn được rồi!". Nhưng má chị, họ hàng chị và cả họ hàng anh "đòi" anh lại cho chị, coi như một hành động vì đạo lý. Ai cũng cho như vậy là thuận đạo lý thật. Từng tháng, từng tháng, chị lắng nghe sự thay đổi trong cơ thể mình với niềm hy vọng ngày càng mãnh liệt, như bị cơn khát giữa sa mạc giày vò. Từ khi người đàn bà trong chị bị đánh thức, chị mới có tâm trạng đó. Nhưng cái cơ thể quá thì của chị vẫn làm ngơ trước niềm hy vọng đớn đau của chị. Tuyệt vọng, chị nung nấu ý định xin con nuôi. Nhưng sao chị lại không dám nuôi con của chồng mình? Còn người đàn bà ấy, mẹ của những đứa con mà dần dần chị cảm thấy mình phải có trách nhiệm?

Những cơn dông đã qua, giờ trong chị chỉ còn cảm giác tủi thân. Như một vết thương đã thành sẹo, sự có mặt của nó không gây cảm giác đau mà chỉ là dấu vết của chiến tranh, của sự an bài.

Một cánh tay vừa quàng qua lưng chị. Niềm giật mình ngẩng lên. Thịnh ghé xuống hỏi chị gì đó mà chị không thể trả lời. Chị chỉ còn có thể lụi đầu bên ngực anh, tức tưởi. Thịnh cảm thấy như trời thủng và dòng nước lạnh ngần cứ xối thẳng vào lòng anh. Không biết làm gì để an ủi vợ, anh chỉ biết đứng yên làm cái phao cho Niềm. Bởi anh không thể nói gì.

Dọc đường trở lại nhà, Niềm đã trấn tĩnh được, cứng cỏi đi bên Thịnh. Chị đưa tay vuốt tóc, mỉm cười giả lả:

- Cũng lạ cho em. Đàn bà phức tạp quá hả anh?

Thịnh kéo chị vào người anh, lật tóc trán của chị lên:

- Chòm tóc này có từ hồi nào?

Chị lắc đầu tỏ ý không biết. Tới cổng nhà, chị đẩy nhẹ anh vô trước và dặn khẽ:

- Đừng nói với cô ấy gì hết! Đừng nói gì hết!

Niềm chờ Thịnh bước khuất vào trong rồi mới lên giường mình. Có tiếng thì thào trong đó, chứng tỏ cô giáo cũng không ngủ. Lại có tiếng chân người đi về phía Niềm. Người ấy chui vào với chị, vừa nằm xuống đã ôm choàng lấy chị. Hai người đàn bà ôm nhau, lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt giống nhau.

*

* *

Mùa hè yên ổn trôi qua, mùa hè không có bão tố. Theo yêu cầu của Niềm và Thịnh, cô giáo để thằng bé trai lại trong nam. Mấy hôm sau, thằng bé ngơ ngẩn hẳn, ưu tư như một ông cụ non. Chiếc ghế xích đu dưới gốc mận không còn hấp dẫn nó nữa. Cả những món quà của Niềm cũng không làm nó sung sướng. Một hôm, chị thấy nó len lén để gói bánh lại trên bàn và đi học với cái bụng lép. Đó không phải là cách bày tỏ thái độ khước từ mà là để công bố cuộc đấu tranh âm thầm với cảnh chia ly của nó. Không bao lâu sau nó bệnh một trận rạc người, trong cơn mê không ngớt gọi: "Mẹ Ơi!". Câu chuyện dạo nọ của thằng bé và con Hạnh mà Niềm tình cờ nghe được véo vào lòng Niềm.

"Má Niềm không có con, má Niềm giành Bố của mình làm gì, chị nhỉ?" (Thằng em hỏi). "Bố giải thích là má Niềm tuyệt vời lắm, bố không chỉ phải sống mà còn được sống cơ!" (Tiếng con chị rành rọt, cố ra vẻ người lớn).

Một đứa trẻ nói mà không hiểu mình nói gì làm Niềm quặn xót. Không bao lâu nữa, nó sẽ nói ra lời của chính nó, trong đáy mắt nó sẽ là bao câu hỏi, hơn thế nữa, là bao lời phiền trách.

"Tuyệt vời! (Thằng em xì). Tuyệt vời bằng mẹ mình không? Mẹ mình khóc hoài nhá, chị ngủ riêng chị không biết đâu. Hồi ấy chị nhớ bố chị cũng khóc, giờ được má Niềm cho ăn ngon mới nói theo thế chứ".

Niềm bật cười mà chảy nước mắt.

Chị lại viết thư cho cô giáo. Lần này, chị đón về một người đàn bà khác: xơ vơ, miệng không hé nổi nụ cười. Và một đứa bé gái khác: ngơ ngơ ngác ngác, có thói quen đi lững thững một mình như kẻ mất hồn, đau hơn nữa là nó nhìn chị xa lạ, mỗi khi chị chạm tới người nó là nó rúm lại.

Khi đã ổn định chỗ làm việc tại thành phố, một hôm, Niềm nói riêng với Thịnh:

- Anh thấy không, phía em chỉ có em cần anh, còn phía cô ấy, có tới ba người cần anh.

Thịnh đau khổ và bất lực run lên như bị sốt. Anh không tưởng tượng nổi, những ngày còn lại của đời anh lại thiếu vắng Niềm.

Nhân chuyến công tác, chị gói ghém đủ các thứ cần thiết, định kỳ này sẽ làm xong việc đó.

Và chị đã có một không gian khác như ý muốn, trong đó có đủ những thứ cần thiết, duy không có Thịnh. Vẫn có mầu xanh um tùm của cây mận già ngoài khung cửa và tiếng chim sâu nhíu nhít thân quen. Vào những đêm thu, vẫn có hương hoa mận ngầy ngà trong căn phòng thiếu vắng làm chị đắm mình trong kỷ niệm không nguôi.

Lúc đầu, Thịnh đến thăm chị một mình. Chị hỏi khéo:

- Sao anh không đưa mẹ Hạnh tới thăm em?

Anh biết, như vậy là chị quyết khép lòng mình trước anh.

Chị thường trở lại không gian cũ, đến với người đàn bà ấy. Những khi Thịnh đi vắng, câu chuyện giữa hai người đàn bà tự nhiên hơn, đậm đà hơn. Và những đứa trẻ, chúng thay nhau đến với má Niềm, từ hồi nào, chúng đã trở lại đời sống ríu rít của những con chim con, âm thanh đó riết thành thân thuộc khiến chị ngẩn ngơ khi vắng nó.

Một hôm, chị ngã bệnh và không ngồi dậy nổi nữa. Vợ chồng Thịnh đến đưa chị về ngôi nhà cũ nhưng má chị từ quê ra, dằn dỗi giữ chị lại để tự mình chăm sóc. Bà trách móc chị không biết giữ cái hạnh phúc "giành" được trong tay. Chị chỉ im lặng nhìn chăm chăm vào má mình, như để ước lượng khoảng cách giữa hai mẹ con. Chị thấy thương má hơn bao giờ hết, bởi má chị hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ và bền chặt nhờ những đứa con.

Buổi sáng ấy, chị chợt thấy chú bé Thịnh ngày nào: gương mặt sáng, cái tai giảo, nụ cười với khóe miệng rộng, tất cả hứa hẹn một chàng trai thông minh, hiền hậu và hơi yếu đuối. Chị thều thào gọi chú bé ấy tới với chị nhanh nhanh. Vừa quỳ thụp xuống bên giường, chú bé ríu rít khoe:

- Con đi xe đạp được rồi đấy! Con sẽ đi một mình đến thăm má Niềm.

Bàn tay gầy guộc ngưng lại trên đầu thằng bé. Khi nó ngẩng lên, người ta nghe thấy một tiếng má ruột rà.

22-11-1985

Hết