Khi đứa em trai út của tôi lên trung học, ba tôi mang về nhà một con chó nhỏ. Mẹ tôi gần như cả đời không lúc nào rỗi rảnh cho riêng chính bà. Ban ngày, trong tuần cũng như cuối tuần, nếu mẹ tôi không phải phụ ba tôi trong công việc văn phòng thì cũng phải chăm sóc nhà cửa bếp núc, lo cái ăn cái mặc cho bốn đứa chúng tôi. Ba tôi lại là người hay nhỏng nhẻo nên tối nào trước khi ngủ, nếu không ôm ấp chúng tôi thì cũng không chịu nằm xem tivi một mình mà phải đòi mẹ tôi nằm bên cạnh. Do đó, mẹ tôi làm gì có thời gian để nghĩ đến chuyện nuôi chó nuôi mèo. Nhiều khi còn nhiều công việc chưa làm kịp mà ba tôi lại mè nheo cái nầy cái nọ, mẹ tôi gắt:

- Cái ông nầy lớn rồi mà y như con nít, còn cả trăm công ngàn việc làm chưa hết, ai đâu rảnh để nằm với ông!

Ba tôi đâm ra buồn vì chúng tôi đã lớn, đâu có đứa nào chịu để ông ôm ấp. Thế là ông nhất định đi rước một nàng chó nhỏ về nhà để nựng nịu cho đã. Chuyện ba tôi mang con Donna về nhà cũng có nhiều tình tiết éo le.

Tôi còn nhớ rõ, hôm ấy vào một ngày thứ bảy trong tháng hai lạnh buốt. Ba tôi dụ khị thằng Việt, đứa em trai út của tôi cùng đi với ông, nói là thay nhớt xe. Thế rồi hai cha con lựa lúc mẹ tôi nằm nghe nhạc trên lầu, mang cô bé Donna vô phòng thằng Việt giấu biệt cả ngày. Đến khi mẹ tôi phát giác ra thì đã muộn. Đôi mắt tròn xoe của Donna đã chinh phục được mẹ tôi.

Thật ra không cứ gì mẹ tôi, ai thấy con Donna mà không thích. Đôi mắt nó tròn xoe bị chùm lông vàng trên trán chảy xuống che lại như một tấm màn voile thưa che đôi mắt của người đẹp bên trong khung cửa, trông đài các vô cùng. Ngay cả tôi trước đây đã từng cương quyết: “Con bị dị ứng nặng, ba mà mang con chó con mèo nào về là con bỏ nhà đi ngay”, thế mà khi thấy con Donna, tôi cũng xiu lòng.

Lúc đầu, cả nhà ai cũng nghĩ lầm Donna thuộc giống Yorshire như tiệm petshop đã lầm. Thực ra, Donna thuộc giống Silky-Terrier của Úc Châu. Cả hai cùng một màu lông, mình màu đen xám, đầu và tứ chi thì màu đỏ hung. Chỗ khác biệt giữa Silky và Yorshire là Silky to con hơn một chút, mạnh và lông ngắn hơn.

Về tính tình, Donna giống tánh ba tôi còn hơn chúng tôi. Hiếu khách, đầy tình cảm, sôi động và... ghen kinh khủng!

Ban đêm Donna nằm giữa ba mẹ tôi, không cho ai ôm ai cả. Ban ngày, những khi vui, ba tôiôm hôn đứa nào trong chúng tôi thì Donna nhảy chồm lên người, phản đối kịch liệt. Thế nhưng, ba tôi càng ngày càng thương nó ra mặt, hình như không còn xem nó là một con vật nữa. Khi ba mẹ tôi đi đâu, ông dặn dò chúng tôi ở nhà:

- Ở nhà tụi con nhớ cho em đi pipi nghe!

- Ở nhà tụi con nhớ đừng bỏ em một mình nghe!

Nghĩa là ba tôi không bỏ bất cứ một cơ hội nào để nhân cách hoá con Donna. Nếu như ai đó không nhìn thấy mà chỉ nghe ông nói, chắc chắn sẽ nghĩ rằng thằng Việt có một đứa em gái nhỏ! Được một cái là Donna rất thông minh, ngoan và không bao giờ pipi hay caca trong nhà. Mỗi khi cần, Donna chạy lại bên cửa mở ra phía patio sau nhà, ngồi đó rồi xoay lại nhìn chúng tôi “xì” một cái. Đó là chưa kể nhiều trò mà chính ba tôi đã dạy cho nó bằng tiếng Việt hẳn hòi. Kêu nó “đứng” là nó đứng thẳng lên trên hai chân sau. Kêu “điệu” là nó từ từ hạ thấp xuống, ngồi thẳng người, hai chân trước cong cong, thấy “dễ ghét” vô cùng. Kêu “nằm” là nó nằm cái ịch... Hễ có khách, bất kể thân sơ, ba tôi mang ngay Donna ra biểu diễn. Sau khi biểu diễn các màn căn bản như đứng, điệu, bonjour... , Donna được lệnh nằm xuống. Ba tôi để một miếng fromage ngay miệng nó rồi nói “không!”. Con Donna nằm im, nhìn ba tôi chờ đợi chứ không dám đớp miếng fromage. Cho dù phải chờ đến ba, bốn phút, nó cũng chờ, cho đến khi ba tôi nói “OK” thì nó mới dám chồm tới để ăn. Người nào thấy Donna biểu diễn cũng trầm trồ khen ngợi, càng làm ba tôi vui và hãnh diện.

Nhưng nếu ba tôi có tay nuôi chó thì lại rất không may mắn với những người bạn mà ba tôi đã nâng đỡ. Có lẽ vì vậy mà ông mất đi rất nhiều niềm tin nơi người và càng yêu thương con Donna nhiều hơn. Khi ăn, khi ngủ, khi đi chơi... lúc nào ông cũng ôm nó khư khư vào lòng. Nhiều khi thấy thế, chúng tôi đâm ra khó chịu, nhận xét:

- Ba cưng con chó riết, nó đâm ra hư!

Ba tôi từ từ nhìn chúng tôi, ôn tồn:

- Thứ nhất, Donna là em út trong nhà. Thứ hai, tụi bây không đứa nào được gọi Donna là chó nầy chó nọ!

Đứa em gái kế tôi cãi lại:

- Không kêu là chó thì kêu là gì?

- Con kêu em Việt của con bằng gì?

- Thì... Việt!

- Thì con gọi em con là Donna! Tai sao phải thêm cái chữ gì đó trước cái tên của nó? Con có gọi Việt là “người Việt” hay Du-Trầm là “người Du-Trầm” không? Vả lại tiếng “chó” là tiếng mà con người chúng ta đã tự ý gán cho một giống khác một chiều với nhiều ý nghĩa chê bai một cách bất công. Con nghe rõ chưa?

Dĩ nhiên khi nghe vậy, mấy đứa chúng tôi cũng đành im thôi, đâu biết làm gì.

Nhiều văn nghệ sĩ đến thăm ba mẹ tôi, đã bị Donna chiếm trọn cảm tình. Nhà văn nhà thơ nào đến, nó cũng quấn quít bên cạnh, người nào ra về nó cũng chạy lên lầu, đứng bên trong cửa sổ nhìn theo ra điều tiếc nhớ. Một nhà thơ đã không chịu nỗi cảnh Donna nhìn theo, về nhà làm một bài thơ dài gởi cho nó. Tôi còn nhớ có câu: “tôi về cô đứng trên lầu chắc khóc!”. Một hoa. sĩ tên tuổi vào hàng danh họa quốc tế đã gọi Donna là “thiên cẩu”, lúc nào điện thoại cho ba mẹ tôi cũng gởi lời thăm Donna, khiến ba tôi sung sướng vô cùng.

Cho đến một hôm, cả nhà tôi như có đám tang. Riêng ba tôi thì như người mất hết sinh lực. Đó là hôm con Donna bị người ta bắt trộm. Tôi còn nhớ hôm ấy nhà có khách và người khách vô nhà cuối cùng sơ ý để hở cánh cửa. Có lẽ lúc đó một người đang dẫn chó đi ngang qua nhà và con Donna của ba tôi đánh mùi được nên chạy ra khỏi nhà đi theo chơi và bị người ta bắt cóc lúc nào không ai hay biết.

Ba mẹ tôi bận tiếp khách nên không để ý, cho đến khi khách về thì mới phát giác ra. Tội nghiệp ba tôi cả ngày hôm đó và những ngày kế tiếp trong vòng mấy tháng trời, đông cũng như hè, ngày nào cũng thất thểu lang thang từ con đường này qua con đường khác để mong tìm tung tích con Donna. Trên các báo phát hành tại vùng chúng tôi cư ngụ, báo nào cũng in lời nhắn tha thiết của ba tôi để tìm con Donna thân yêu của ông. Mẹ tôi cũng buồn lắm nhưng nỗi buồn của bà không sao so được với ba tôi. Một tối, nhân trong bửa cơm chiều, em gái tôi nói đùa:

- Chưa chắc khi con bị người ta bắt cóc, ba đã đi tìm như đi tìm con Donna!

Ba tôi từ từ nhướng đôi mắt lên, nhìn em gái tôi một phút, suy tư rồi ôn tồn:

- Con à, đứa nào ba cũng xem là con cả. Con có bị bắt cóc thì ba cũng sẽ lo lắng, tìm kiếm như đối với Donna!

Tôi đùa:

- Thế là nhà ngươi có phước rồi đó nghe Thi.

Việt thấy vui, góp ý:

- Hay mình đi mua một con Silky khác nghe ba?

Ba tôi nhíu mày, nhìn Việt:

- Nếu con bị bắt cóc, ba có thể đi xin một đứa con trai khác về nuôi và như vậy là lòng ba mẹ yên hay sao?

Buổi sinh hoạt gia đình được kết thúc bằng một màn giận hờn của ba tôi. Số là trước đây, ông thường kể chuyện một bà nhà giàu nào đó ở Mỹ, trước khi qua đời, đã để lại chúc thư dành tất cả tài sản của bà cho con chó chứ không cho ba người con. Lý do bà nêu ra là khi bà còn sống, cả ba người con không ai ngó ngàng đến bà, ngoại trừ con chó lúc nào cũng ở bên cạnh bà, đã là một niềm an ủi duy nhất cho bà trong những ngày cuối trên cõi trần gian. Nhớ lại chuyện đó, Thi nói đùa:

- À, thế là ba hết còn có thể lập di chúc để tài sản cho con Donna rồi!

Tôi biết em tôi lỡ trớn, nạt:

- Mi chỉ nói bậy!

Thế nhưng ba tôi đã giận Thi hơn một tuần không thèm nói chuyện với nó. Tội nghiệp, Thi đã phải nài nỉ mẹ tôi xin hoài ba tôi mới hết giận.

Thế là hết nói. Thế là không ai có thể đem ba tôi ra khỏi cái cái lưới sầu nhớ mà ông dành trọn cho Donna. Chẳng lẽ ông đã thất vọng về con người đến thế hay sao? Một tên bạn phản phúc, một tên bạn khác mưu đồ vu khống bôi nhọ, một tên bạn nữa trở mặt... thì có gì đâu! Chẳng qua những chuyện đó sẽ giúp chúng ta cẩn thận hơn trong chuyện lựa bạn mà chơi, chẳng qua những chuyện đó cũng chỉ là những thành tố của cuộc chơi trên đời thôi, không ngờ ba tôi đã bị đời khắc vào tim những vết chàm rõ nét đến thế. Nhiều đêm khi mẹ tôi đã ngủ, tôi thấy ông ngồi một mình nhâm nhi ly cognac, nhìn về một phía trời xa xa, trên đùi con Donna nằm cuộn tròn mà nghe chua xót trong lòng. Có lần tôi khuyên nhủ ông: “Tout cela fait partie du jeu, papa!”, nhưng hình như ông vẫn chưa nguôi lòng sầu muộn về người đời. Rồi đến vụ con Donna bị người ta bắt. Chao ơi, sao ba tôi lại là người không may đến thế!

Sáu tháng sau khi con Donna bị bắt cóc, một tối ba tôi đi lang thang trên trong xóm, tình cờ thấy một con chó bên trong cửa kính của một ngôi nhà. Linh tính cho ba tôi biết rằng đó là Donna. Ba tôi liền gõ cửa làm bộ hỏi thăm đường. Khi bà chủ nhà mở cửa, con chó nhỏ phóng tới chân ba tôi, rên rỉ. Ba tôi lấy bình tỉnh, hỏi:

- Con chó dễ thương quá, thưa bà, bà nuôi nó lâu chưa?

Bà chủ nhà hờ hững:

- Cũng lâu!

- Thưa bà, bà có biết con đường Gloucester ở đâu không?

Thật ra, trong xóm nhà tôi làm gì có con đường tên Gloucester, đó là ba tôi phịa ra để câu giờ mà thôi. Trong khi bà chủ nhà đăm chiêu suy nghĩ thì ba tôi nhìn kỹ con chó nhỏ, đưa tay vuốt ve. Con chó quấn quít lấy ba tôi. Ba tôi bất thình lình nói nho nhỏ đủ để mình nó nghe: “nằm”, tức thì con chó nằm ịch xuống sàn nhà. Ba tôi biết chắc là con Donna rồi nên không đợi bà chủ nhà tìm ra con đường Gloucester ở đâu, vội cám ơn và cáo từ. Ra ngoài đường, ba tôi đi một đoạn cho khuất tầm nhìn của người trong nhà rồi dùng điện thoại cellular gọi cảnh sát. Năm phút sau, cảnh sát đến. Sau khi nghe ba tôi kể qua câu chuyện và lý do khiến ông phải nhờ đến công lực, hai người cảnh sát cùng theo ba tôi vô lại căn nhà “tội lỗi”. Cũng bà chủ nhà mở cửa. Nhìn thấy ba tôi, bà ta hơi khó chịu:

- Lại là ông!

Ba tôi mĩm cười đắc thắng:

- Vâng, chính tôi!

Quay sang hai người cảnh sát, bà chủ nhà hỏi:

- Các ông đến đây có chuyện gì?

Một người cảnh sát chỉ sang ba tôi, trình bày:

- Ông nầy khiếu nại trong nhà bà có con chó Silky của ông ta.

Bà chủ nhà cười thách thức, xẳng giọng:

- Của ông ta? Con Lila là của ông ta?

Nói xong, bà ngoay ngoảy đi vô phía trong nhà, ôm con Donna ra, bỏ xuống đất, ra lệnh:

- Lila, up!

Con Donna như không nghe lời bà chủ, chạy nhào vô chân ba tôi quấn quít. Bà chủ quát:

- Lila, come here!

Con Donna có vẻ sợ, trở lại bên bà ta. Bà ta với vẻ đắc thắng, nhìn hai ông cảnh sát:

- Con chó của ông ta sao nghe lời tôi?

Một người cảnh sát trả lời:

- Ông ta khai đã bị mất nó cách nay 6 tháng. Có thể...

Ba tôi ngắt lời người cảnh sát:

- Dĩ nhiên là trong 6 tháng bà dạy nó thì làm sao nó chẳng nghe lời. Nhưng tôi hỏi bà, bà có biết tiếng Viet Nam không?

- Tại sao tôi phải biết thứ tiếng “slang” đó? Bà chủ nhà trả lời một cách trịch thượng.

Ba tôi ôn tồn:

- Dĩ nhiên bà không bắt buộc phải biết tiếng nước tôi và chắc chắn là bà không thể biết tiếng nước tôi. Nếu như con chó nầy là của bà từ trước đến nay thì chắc chắn nó cũng không nghe được tiếng nước tôi, phải không?

Hai người cảnh sát gật gật cái đầu. Bà chủ nhà bắt đầu cảm thấy không ổn nhưng cũng cố làm ra vẻ bình tỉnh:

- Rồi sao?

- Chẳng sao cả nhưng bà hãy xem tôi ra lệnh cho con chó mà bà nói là của bà, bằng tiếng Việt Nam cho bà xem.

Thế rồi, không đợi phản ứng, ba tôi nhìn thẳng vô mắt con Donna, nhẹ nhàng ngoắt lại:

- Donna lại đây với ba đi con!

Tức thì con Donna chạy đến bên ba tôi. Ông xoay lại phân trần với hai người cảnh sát:

- Các ông xem, tôi sẽ ra lệnh bằng tiếng nước tôi cho con chó đứng lên.

Rồi ông cầm xâu chìa khoá giơ lên trên đầu con Donna và nói “đứng”, tức thì con Donna ưỡn người đứng lên trên đôi chân sau. Kế đến là những màn trình diễn thường lệ: ngồi, điệu, nằm. Sau cùng là màn ba tôi để xâu chìa khoá trước miệng con Donna và nói “không”. Con Donna nằm sát xuống đất, ngước nhìn ba tôi chờ đợi. Hai phút sau, ba tôi nói “OK”, tức thì con Donna chồm tới, cắn lấy xâu chìa khoá.

Bà chủ nhà mặt tái ngắt, lắp bắp:

- I didn't know, she came to my house by herself and stays here. I didn't know she is yours!

Ba tôi nhún vai nhìn hai người cảnh sát, chờ họ lập biên bản xong rồi ôm con Donna về nhà. Ba tôi cũng không muốn và không thể kiện thưa gì mụ đầm tham lam vì theo lời hai người cảnh sát, không có bằng cớ gì chứng tỏ là bà ấy đã bắt cóc con Donna hay chính con Donna đã tự ý đến nhà bà ấy. Dù sao thì “cha con”cũng đã trùng phùng. Ba tôi cũng không muốn làm to chuyện.

Tối đó, thôi thì con Donna chạy tới chạy lui, quấn quít mọi người trong nhà, hết người nầy đến người khác. Cả nhà tôi như ăn mừng một ngày lễ lớn. Thậm chí còn vui hơn ngày tôi tốt nghiệp. Trong lúc cả nhà vui đùa, ba tôi tuyên bố một câu xanh dờn:

- Tụi bây đứa nào mở cửa mà không coi chừng để em nó ra ngoài cho người ta bắt lần nữa là tao cũng... biến luôn đó!

Em gái tôi nguýt ba tôi một cái, lẩm bẩm nho nhỏ nhưng cũng đủ cho cả nhà nghe:

- Đúng là cái ông già kỳ cục! Hết biết!

Hết