Tôi cố ý dừng xe cách nhà mươi mười lăm thước. Việt, đứa con trai út, ngồi bên cạnh, hai tay ôm con chó nhỏ xíu, ngước mắt nhìn tôi, lo ngại. Tôi dặn từng lời:

- Để ba mở cửa trước coi thử có mẹ hay không, chờ ba ra hiệu rồi mới vô nghe con!

Việt gật đầu, tỏ ý đã hiểu. Tôi xuống xe, vòng ra phía sau, rồi giẫm lên lớp tuyết sền sệt bụi bậm trên lề đường mà đi về hướng nhà mình, từ từ đặt từng bước lên những nấc thang. Trước khi mở cửa, tôi ngoái lại nhìn Việt, tỏ ý căn dặn thêm một lần nữa là phải cẩn thận. Mở xong cánh cửa, tôi chồm người vô bên trong phòng khách, tằng hắng mấy tiếng để xem thử có Thủy, vợ tôi, ở gần đâu đấy không. Cả phòng khách không một tiếng động. Văng vẳng có tiếng hát của Khánh Hà vọng xuống từ tầng lầu trên. Tôi chắc là Thủy đang nằm nghe nhạc trong phòng ngủ, còn mấy đứa nhỏ thì đang xem tivi ở sous-sol.

Trời tháng hai lạnh căm căm. Sáng thứ bảy, Thủy có thói quen sau khi tập thể dục xong thì vô phòng mở nhạc thật lớn, nằm nghe. Tôi cũng thích nghe nhạc, nhưng lại thích nghe nhỏ hơn.

Sáng thứ bảy đó, tôi nói với Thủy là đi thay nhớt xe. Trước khi đi, tôi nháy mắt ra hiệu cho Việt rồi nhìn Thủy hỏi cầm chừng:

- Thứ bảy đi một mình buồn quá, em đi với anh không?

Thủy không ngờ là tôi chỉ làm bộ, nên từ chối ngay:

- Đi shop thì em đi chứ đi thay nhớt xe thì em đi làm gì!

Tôi càng làm bộ tha thiết:

- Có đứa nào đi với ba cho vui không?

Việt cũng bước vào màn kịch:

- Con không đi à nghen!

Tôi nhìn Thủy làm ra vẻ van lơn. Thủy động lòng:

- Việt đi với ba đi, để ổng đi một mình tội nghiệp.

Thằng bé cười trong ánh mắt, ra tuồng nhân nghĩa:

-Con đi là vì mẹ đó nghen!

Thế là hai cha con tôi lên xe, dông tuốt một lèo đến Shopping Promenade St-Bruno, nơi mà tuần trước, khi đi với Thủy, tôi đã thấy một con chó nhỏ. Một điều lạ lùng là hình như tôi bị “coup de foudre” với nó. Tôi lẩn quẩn quanh cái lồng kính mica có khoan nhiều lỗ trống, hết nhìn nó lại đọc mấy hàng chữ dán ở phía trên đầu : “Yorkshire Terrier, Femelle, née le 21 novembre 1993, vaccinée le... ” cho đến khi đến giờ hẹn mới đi tìm Thủy để về nhà. Cả tuần sau đó, tôi cứ nhớ đến nó hoài. Tôi nhớ đến đôi tai của nó dĩnh lên như tai con chó berger Đức, đến đôi mắt tròn xoe của nó núp sau chùm lông vàng nhạt từ trán nhiễu xuống.

Thật tình tôi chưa hề biết Yorshire-Terrier là giống chó gì nhưng tôi biết chắc một điều là giống nầy nếu không tốt thì cũng hiếm lắm vì tôi rất ít khi thấy chưng bán và vì cái giá tiền ghi trên tấm bảng của nó mắc gần gấp đôi giá tiền con Pékinoise ở chuồng bên cạnh. Không phải tôi bị cái giá làm lệch lạc phán xét và tình cảm. Con Yorshire Terrier 3 tháng dễ thương quá. Nó đi đi lại lại trong chuồng kính, mở đôi mắt tròn xoe nhìn những người xem. Nó chồm lên thành kính, dùng hai chân trước cào cào như muốn đòi ra chơi. Ngay đến lúc nó ngủ trông cũng dễ thương nữa. Nó nằm trên những cọng dăm bào, duỗi thẳng bốn cái chân nhỏ, mắt nhắm lại, lâu lâu mở mắt hé nhìn. Thế nhưng tôi không thể nào mua được khi có Thủy cùng đi. Tôi nhớ lại lời đe dọa của Thủy mỗi lần tôi đòi nuôi chó:

- Anh mà đem chó về là tôi mang cho người ta đó nghe!

Du-Trầm, đứa gái đầu của tôi thì dữ dằn hơn:

- Ba mà đem chó về nhà là con bỏ nhà đi liền!

Tôi thông cảm. Thủy vừa cùng tôi làm việc ở văn phòng, vừa lo cho mấy đứa nhỏ thì hơi sức đâu mà lo thêm cho chó với mèo. Còn Du-Trầm thì bị dị ứng. Chỉ có đứa con gái thứ, Nhã-Thi và thằng con trai út, Việt, là đồng minh của tôi. Đứa con trai lớn, Khôi, thì sao cũng được.

Đối với Thủy, tôi nghĩ dù sao cũng dễ. Tánh Thủy coi vậy mà mềm, làm thế nào đánh vô lòng thương hại của nàng là việc gì cũng xong. Chỉ có Du-Trầm mới là trở ngại lớn nhất. Có lẽ vì nó là chị cả, thường có uy quyền trên mấy đứa em nên tánh cứng rắn quen rồi. Thằng Việt, nhiều khi Thủy hay tôi bảo, còn trù trừ không nghe, vậy mà chị Du-Trầm của nó chỉ nhìn một cái là nó phải thi hành ngay. Nhưng cũng may cho tôi và Việt là Du-Trầm đang học ở Ottawa. Cho nên nếu không mua con chó lúc nầy, chắc sẽ chẳng bao giờ mua được. Tôi quyết định: cứ mua đại rồi liệu mà kêu Việt xin xỏ với Thủy, còn phần Du-Trầm thì hạ hồi phân giải.

Suốt một tuần lễ, hễ có ai đến văn phòng là tôi chộp liền mà hỏi, cốt cho Thủy quen tai:

-Nhà Bác có nuôi chó, mèo gì không?

Đôi khi có người nói nghe rất thuận tai tôi:

- Hồi xưa bác có nuôi một con chó berger lai. Nó khôn lắm! Nó lại có nghĩa nữa. Hồi bác đi qua đây rồi, tụi nhỏ ở nhà viết thư qua nói nó buồn, bỏ ăn mấy tuần rồi nằm ngay cửa phòng của bác mà chết! Tôi nghiệp ghê đi. Con chó có nghĩa còn hơn cả con người nữa!

Tôi nghe sướng tai lắm, liếc nhìn Thủy, cười cười.

Nhưng đôi khi cũng có người lại nói không vừa ý tôi chút nào. Chẳng hạn như mẹ anh Thời, giám định viên kế toán. Hôm đó, bà ấy qua nhà tôi, nhờ thị thực chữ ký. Làm xong, tôi bắt chuyện:

- Nhà bác có nuôi chó không? Con nghĩ chắc bác nên nuôi một con chó nhỏ để đỡ buồn. Người lớn tuổi ở đây thui thủi một mình, buồn lắm phải không thưa bác?

Mẹ anh Thời bất thình lình nhìn tôi nghiêm khắc:

- Anh ơi, người lớn ở đây thì buồn thật, nhưng tôi cũng đâu có thì giờ mà mua chó về để hầu nó!

Thủy tủm tỉm nhìm tôi cười. Tôi “de” một nước. Dầu vậy, tôi vẫn không nản mà còn nghe nhớ con vật nho nhỏ xinh xinh hơn.

Thế là thứ bảy tuần sau đó, tôi và Việt đi mang con chó nhỏ về. Cũng may chưa có ai mua. Tôi cũng biết là thời buổi kinh tế suy thoái, bán một con chó với giá đó cũng khó. Người chủ tiệm, vừa trao con Yorshire cho tôi, vừa ân cần nói câu xã giao có tánh cách chung chung dùng cho bất cứ người khách nào:

- Vous avez fait un bon choix!

Tôi chẳng cần để ý. Tôi chỉ biết là con vật nhỏ nhắn ấy nằm trong đôi cánh tay của tôi một cách bình an, trìu mến. Việt sốt ruột:

- Ba đưa cho con bồng nó đi!

- Bồng cho cẩn thận nghe, đừng để nó té!

Hai cha con tôi bám cứng cô bán hàng, hỏi han đủ thứ: cách tắm, cách cắt móng chân, cách chải lông, loại xà-bông, thức ăn... Xong đâu đó, tôi lấy chiếc khăn quàng cổ của tôi đưa cho Việt để cuộn con Yorshire vào bên trong cho khỏi lạnh rồi tất tả chạy ra xe, lái về nhà cách đó hơn 30 cây số.

Khi biết chắc Thủy đang ở trên lầu, tôi đưa tay ngoắt Việt. Thằng bé giấu con Yorshire trong áo manteau, chạy một mạch vô phòng riêng của nó, rồi khóa chặt cửa lại.

Tôi bước lên lầu, nhìn Thủy dò xét. Thủy đang nằm trên giường, thấy tôi về, ngồi dậy:

- Em sửa soạn một tí rồi chở em đi shop nghe!

Tôi làm ra vẻ uể oải:

- Đi thì đi. Anh hơi mệt. Mấy giờ mình đi ăn sinh nhật con của Thanh Chí hả em?

- Sáu, bảy giờ, còn lâu mà. Mình đi Rockland nghe cưng!

- OK.

Thủy sửa soạn tương đối nhanh so với các bà. Năm phút là xong. Tôi xuống trước dưới nhà, gõ vào cánh cửa phòng của Việt ba tiếng cách khoản như cha con đã thỏa thuận với nhau. Việt mở hé cánh cửa ra quan sát, thấy tôi, cho vô rồi đóng lại ngay, không quên xoay chốt, khóa cửa đàng hoàng. Trong phòng, Nhã Thi đang ngồi ôm con chó nhỏ trong lòng. Việt đưa tay giằng con vật ra khỏi tay chị. Nhã-Thi gắt:

- Từ từ, làm gì dữ vậy!

Tôi chen vào:

- Đưa cho ba. Nhẹ nhẹ, coi chừng đau nó bây giờ!

Việt nũng nịu:

- Con ôm nó chưa đã gì hết!

- Chốc nữa ba đưa mẹ đi shop, ở nhà tha hồ ôm!

Việt sáng mắt lên:

- Mẹ đi shop hả? Ha, ha, ha!

- Suát, nói nhỏ chứ, mẹ nghe bây giờ!

Thủy đã xuống đến phòng khách, lên tiếng gọi tôi:

- Anh ơi, đi chưa anh?

Tôi từ phòng của Việt mở cánh cửa vừa đủ rộng để thoát người ra rồi đóng lại. Thủy nhìn tôi:

- Hai đứa kia đâu, anh hỏi tụi nó có đi với mình không?

- Không.

- Anh chưa hỏi sao biết tụi nó không đi?

- Anh hỏi rồi.

Thủy lại nhìn thẳng vô mắt tôi, thoáng ngờ vực. Tôi quay chỗ khác, tránh cái nhìn dò xét của nàng.

Khi Thủy và tôi đi shop trở về, hai đứa nhỏ không đề phòng nên không khóa cửa. Thủy thuận tay mở cửa phòng Việt ra, thấy hai đứa đang đùa với con chó nhỏ. Nàng la lên:

- Ai mang nó về?

Con chó nghe tiếng người, ngẩng đầu lên mở đôi mắt tròn xoe nhìn Thủy, rồi sè ra đi tiểu ngay trên tapis. Tôi đứng sau lưng vợ, vội vàng chạy tội cho con Yorshire:

- Anh chưa kịp dạy nó. Việt, lấy giấy lau đi!

Cả căn nhà im phăng phắc. Câu nói của tôi rơi vào khoảng không. Việt đi ra khỏi phòng để lấy hộp klenex đem vô cho tôi. Thủy nhìn tôi, nhìn Việt, và nhìn con chó nhỏ một lúc rồi bỏ lên lầu, không nói thêm một tiếng.

Tôi ở lại, nhăn nhó:

- Tụi bay sao không khóa cửa lại? Bây giờ làm sao?

Việt ôm con chó trong lòng, không nói gì. Con vật như biết được có chuyện không hay nên cũng nằm yên trong lòng Việt. Nhã-Thi lên tiếng:

- Trước sau gì mẹ cũng biết mà.

- Đành vậy, nhưng tao chưa chuẩn bị gì hết!

Tôi quay lại phía Việt:

- Việt, con lên năn nỉ mẹ đi!

- Ba đi với con.

- Con đi trước, ba đi sau!

Việt hơi do dự, nhưng cuối cùng cũng từ từ bò lên cầu thang sau khi giao con chó cho Nhã-Thi ôm. Tôi bước theo sau. Việt lén bò nhè nhẹ đến cửa phòng ngủ của Thủy và tôi. Tôi bám theo sau. Thủy nằm trên giường, nhìn lên trần nhà làm như không hay biết. Việt ngoắt tôi, đẩy tôi lên đàng trước. Tôi bước vô phòng, đặt mình nằm xuống bên cạnh Thủy, dịu dàng:

- Việt là con út. Nhà nầy đứa nào cũng có em, chỉ mình nó là không có em!

Thủy quay lại, nghiêm khắc:

- Bộ rãnh lắm sao mà còn rước chó về nhà nữa cho mệt!

- Có gì đâu mà mệt. Nó ăn cũng ít, đi toilette cũng ít. Anh lo hết mọi thứ cho.

- Anh lo hết mọi thứ phải không, Thủy gằn giọng.

Tôi nháy mắt cho Việt tiến lại phía Thủy. Việt nhào đại vô lòng Thủy. Thủy gắt:

- Còn mày nữa!

Tôi mở lời cho Việt:

- Việt hứa sẽ đem con hampster cho người khác.

Thủy hỏi:

- Cho ai?

- Cho thằng Nam con Thanh Chí cũng được.

Tôi ấn cái đầu Việt sát vô người Thủy, buộc lòng Thủy phải ôm cái đầu nó, và như một phản xạ, nàng dùng bàn tay xoa xoa đầu Việt. Bỗng chợt nhớ lại, Thủy hất Việt ra:

- Ý quên! chưa la mầy mà!

Tôi được nước:

- Chưa là chưa luôn.

Việt cũng phụ họa:

- Chưa là chưa luôn!

Thủy bật cười, hỏi:

- Hai cha con mua bao nhiêu vậy?

Tôi trả lời chắc nịch:

- Hai trăm.

Thủy nghi ngờ:

- Hai trăm?

- Một trăm chín mươi chín đồng.

Thủy thở dài, nhìn Việt ra lệnh:

- Đem nó lên cho mẹ xem!

Hai cha con tôi mừng rú lên. Nhã-Thi nãy giờ ôm con chó đứng chực ở cầu thang, thấy tình hình thuận lợi, chạy vào, đưa con chó cho Thủy bồng. Con chó nhìn Thủy, đôi mắt tròn xoe, trông ngây thơ, dễ thương vô cùng. Thủy nói nho nhỏ một mình:

- Tao hổng có ghét mày được à!

Ba cha con tôi hú hồn hú vía. Bất chợt, Thủy nhìn hai đứa nhỏ làm chúng khựng người. Thủy trở lại dịu dàng:

- Tụi con thay đồ đi nhà cậu Tám.

Nhã-Thi nhìn Việt, Việt nhìn Nhã-Thi. Tôi nói đỡ:

- Cho tụi nó ở nhà đi. Tụi nó lớn rồi, mấy đứa kia còn nhỏ, không thích chơi với nhau đâu.

- Ở nhà tụi nó ăn gì?

- Thiếu gì. Nhã-Thi lớn rồi, lo cho Việt được mà. Thủy thở dài, ngồi dậy, đến bên chiếc gương, tô lại vành son trên môi đã nhạt.

Đêm ấy, ở nhà Thanh-Chí, anh chị em của Thủy đều có mặt. Tôi có tật ít giấu gì được trong lòng nên khoe với dì Út của tụi nhỏ:

- Anh mới mua được con Yorshire-Terrier, đẹp lắm!

Hiệp, anh vợ Thanh-Chí, cắt ngang:

- Có phải lông nó dài lắm, che cả mắt phải không?

Anh Vũ, chồng chị cả của Thủy, cũng vội hỏi:

- Cái gì? Ai mới mua con chó?

Dì Út trả lời thay tôi:

- Chị Thủy.

Thủy lên tiếng:

- Anh rể Út mua chớ chị mua hồi nào!

Dì Út cãi lại:

- Chồng chị hay chị thì cũng vậy thôi!

Tôi lên tiếng:

- Thằng Việt nó đòi quá nên đành chiều nó đấy!

Chị Hoàng, chị kế Thủy, nheo mắt nhìn tôi:

- Không biết thằng Việt đòi hay ba nó đòi đó?

Xuân Mai, vợ Thanh-Chí cũng phụ họa:

- Em thấy chị Hoàng nói đúng đó!

Cả nhà phá lên cười. Anh Vũ lại hỏi:

- Mua bao nhiêu tiền?

- Hai trăm, tôi trả lời gọn.

Cả bàn cười ồ lên. Một là vì chắc có người rành giá cả về chó, hai là vì ai cũng biết tôi có tật hay nói bớt giá những gì tôi mua sắm. Thủy từ tốn:

- Ảnh nói hai trăm thật đó.

Thành, một người anh em cột chèo khác của tôi, chồng dì Út, đẩy tôi vào chân tường:

- Rẽ quá hé. Bán lại ba trăm đi!

Không ai bình phẩm gì thêm. Thủy quay lại nhìn tôi, xoi mói:

- Có thật anh mua hai trăm không?

Tôi làm tỉnh:

- Hai trăm chín mươi chín đồng.

Thủy nhăn mặt:

- Cái ông nội nầy nói gì cũng không tin được!

Dì Út nhìn tôi nói nho nhỏ:

- Anh cũng hay thiệt, làm sao mà bà Thủy chịu mới hay chớ!

Thủy chắt lưỡi:

- Cái con chó trông dễ thương lắm Út ơi!

Dì Út lại nói:

- Tui nói để mà coi, người nào đem nó về nhà là nó giống người ấy

lắm...

Cả bàn rũ lên cười. Tôi cũng cười theo.

Hôm sau, chủ nhật, cả nhà tôi quay quần nơi phòng khách, bàn tính chuyện đặt tên cho con Yorshire. Tôi đề nghị:

- Gọi nó là NiTha đi.

Thi phản đối:

- Cái gì mà NiTha, giống tên con nói lái vậy!

- Thôi gọi là TiNa, tôi lại dề nghị.

Nhã-Thi cũng không chịu. Thủy bật miệng:

- Cho nó cái tên Vina đi.

Tôi không đồng ý:

- Vina? Không được, nghe giống tên garage Vina của ông Đào Trọng Quyền lắm, không khéo mất lòng.

Thủy vừa đứng lên bỏ đi xuống bếp, vừa nói:

- Thôi để cho tụi nó đặt tên gì cũng được.

Nhã-Thi đề nghị tên Donna, tên một bản nhạc nổi tiếng. Cả nhà đều đồng ý. Tôi thêm:

- Nguyễn Bá Donna.

Ai cũng nhìn tôi một cách kỳ dị. Tôi bào chữa:

- Thì nó cũng như con chớ sao! Các con có biết là tài tử Jean-Paul Belmondo cũng có một con Yorshire không?

Nhã-Thi phụ họa:

- À, Hoàng Hậu xứ Tây Ban Nha cũng có một con Yorshire lông dài chấm đất nữa.

Con Donna lớn thật nhanh, nhưng tối đa chỉ nặng chừng 3 kg. Lông nó mọc dài thêm, che cả mắt. Công việc đầu tiên của tôi là phải tìm cho nó một thú-y-sĩ. Tôi điện thoại thú-y-sĩ mà tiệm bán con Donna cho tôi giới thiệu. Đó là một cô thú-y-sĩ người Trung Hoa, không đẹp nhưng trông cũng được. Cô ta đi đâu cũng dắt theo con chó berger Đức của cô. Phòng mạch cô cách nhà tôi dến gần 20 cây số. Thật ra, gần nhà tôi cũng có một thú-y-sĩ người Gia-Nã- Đại, nhưng tôi có cảm tình với người Á Đông hơn. Cô thú-y-sĩ chỉ tôi cách thức nuôi chó, trong đó có điều quan trong là không bao giờ đánh đập nó, chỉ thưởng khi nó làm đúng và lờ đi khi nó làm bậy. Cô ta cũng chỉ tôi cách tập chó biết đi tiêu đi tiểu một cách trật tự vệ sinh.

Về nhà, tôi tự mình đến các tiệm sách mua những cuốn viết về chó. Nhiều khi nghĩ mình cũng vớ vẩn, mua chó xong rồi mới mua sách nghiên cứu! Nhưng nghĩ lại, quả là cái duyên, bởi Yorshire-Terrier là một giống chó rất thông minh, dễ dạy. Tôi xem sách, dạy nó đủ thứ, nào đứng, ngồi, nằm và chỉ được ăn khi được cho phép. Donna tuy thông minh nhưng không hiểu tiếng người mà chỉ nhận ra được cái cường độ âm thanh thôi (tonalité). Do đó, khi ra lệnh cho nó, phải dùng những lệnh ngắn, gọn. Trong sách viết: mắt chó không thấy xa, không phân biệt được mầu sắc, nhưng tai và mũi của nó thính và nhạy bén gấp ngàn lần loài người chúng ta.

Càng ngày, Donna càng giống tôi đủ thứ, y như lời dì Út tụi nhỏ nói. Nó rất đa cảm, tò mò và hiếu khách. Mỗi khi khách đến, Donna chạy ra xem, không sủa vang như những con chó Fox, Pomeranian hay Chihuahua. Người nào thích nó thì nó quấn quít bên chân, thậm chí còn nhảy lên lòng, nhỏng nhẻo. Nhưng người nào không thích nó là nó rất ư dửng dưng. Một hôm, tôi có người bạn cũ từ thành phố Québec xuống ở lại chơi nhà. Anh bạn đó không thích thú vật. Cả một ngày một đêm, Donna không thèm bén mảng lại gần. Thế nhưng, một đôi vợ chồng bạn chúng tôi, từ Toronto lên chơi, ở lại nhà thì Donna quấn quít bên cạnh người vợ hay nằm ngửa ra cho người chồng gãi cái bụng trắng mịn. Khi đôi vợ chồng ấy về lại Toronto, Donna biểu lộ nỗi buồn thấy rõ, tha lấy chiếc dép mà Thủy đưa cho người vợ mang trong nhà đem vào trong một góc phòng, nằm ôm, cắn, có lẽ để đỡ nhớ.

Ban đêm, Donna ngủ trên giường của Thủy và tôi, ngay dưới chân chúng tôi. Chúng tôi không ôm nhau thì thôi, nhưng ôm nhau thì Donna từ từ tiến lên và lách mình vô giữa. Một hôm, tôi nói đùa:

- Chắc mình phải đi thuê hotel quá!

Thủy nguýt dài:

- Cho đáng kiếp!

Nói vậy chớ Thủy cũng thương Donna lắm.

Donna ngủ một giấc tới sáng cho đến khi chúng tôi thức dậy. Trong khi ngủ, bất cứ lúc nào có tiếng động nơi cửa (vì gió, vì người hàng xóm ra vào... ), Donna nhảy nhào xuống dưới sàn nhà, phóng về phía cửa, sủa vang một cách hung dữ. Khi không thấy gì, Donna lại chạy lên. Nhiều khi còn nghi ngờ, nó không trở vô phòng ngủ mà nằm ngay cửa canh chừng. Mỗi khi chúng tôi đi đâu về, Donna chạy ngay ra cửa, nhảy chồm lên người, kéo vạt áo xuống, vừa đưa mũi lên mặt hôn lia liạ, vừa quắt đuôi mừng rỡ. Ban ngày, khi tụi nhỏ đi học hết, chỉ còn Thủy và tôi ở nhà làm việc, Donna hoặc nhảy lên chiếc ghế cạnh Thủy nằm nghủ hoặc chạy vô bàn giấy của tôi, nhảy lên nằm trên đùi tôi.

Lúc đầu, mang Donna về nhà thật ra tôi chỉ có mục đích giải trí mà thôi. Nhưng dần dần gần gũi với nó, tôi mới nhận ra một điều rằng, tuy là con vật nhưng Donna cũng có tình có nghĩa, hơn hẳn cả nhiều người mà bề ngoài trông rất đạo đức. Tình nghĩa của Donna hoàn toàn đặt căn bản trên bản chất tự nhiên của nó, không màu mè, không sơn phết, không toan tính, mưu mẹo. Không thể nào bắt nó quẫy đuôi làm bộ mừng rỡ ai mà lòng nó không ưa người đó. Một số người đâu được như vậy. Cuộc sống chập chờn ở chốn bất đắc dĩ nầy đã tạo ra quá nhiều nhân vật bệnh hoạn. Bệnh về danh, bệnh về lợi, bệnh về tình, bệnh về nhân nghĩa. Chỉ cần một chút lương tri cũng đủ để thấy nhờm tởm. Có lẽ vì thế mà càng ngày tôi càng thương Donna, thương đến nỗi tôi cảm thấy hối hận mỗi lần theo thói quen dùng những thành ngữ - mà xét cho cùng rất ư là bất công - để diễn đạt xúc cảm của mình như “đồ chó chết, đồ chó đẻ... ”.

Mỗi ngày Thủy và tôi thay nhau đút cho nó ăn từng viên đồ ăn khô của hãng thực phẩm gia súc Purina, kèm chút thịt ức của gà. Để nhiều thịt thì Donna ăn ngay, nhai một cách ngon lành, còn kèm thịt hơi ít thì ngó ngoe nguẩy đi xa xa, ngồi xuống, quay đầu nhìn lại ra điều phản đối. Những khi ấy, tôi nói:

- Cha mầy, đừng làm nũng!

Nói thì nói nhưng tôi cũng thêm cho nó chút thịt gà. Thủy quay lại bĩu môi:

- Làm bộ hoài, thương nó gần chết mà làm bộ chửi. Có giỏi đừng cho nó thêm thịt đi!

Những khi đến giờ mà chưa kịp cho Donna ăn, nó hay cắn dép của Thủy, mang đi đến chỗ xa xa rồi ngồi lại nhìn như có ý muốn trao đổi. Tuy nhỏ con nhưng đôi hàm răng rất mạnh, muốn giựt chiếc dép ra khỏi miệng nó cũng không dễ. Thủy phải đành cho nó ăn mới lấy lại được chiếc dép. Có lẽ vì vậy mà Thủy tặng cho nó cái hỗn danh là Út chằn.

Rồi cái ngày mà tôi chờ đợi ấy đã đến. Đó là ngày Du-Trầm từ Ottawa về thăm nhà. Cả ngày, tôi, Nhã-Thi và Việt lo quét dọn nhà cửa sạch sẽ để “chị Hai” khỏi gán cho Donna cái tội làm dơ bẩn nhà cửa. Thấy ba cha con tôi lo lắng dọn dẹp, Thủy nhận định:

- Anh còn sợ con Du-Trầm hơn cả em!

Tội chắt lưỡi:

- Không phải vậy đâu. Chẳng là lâu lâu nó về, muốn cho nó vui vậy thôi!

Bình thường Du-Trầm đến bến xe buýt thì lấy xe métro về thẳng nhà. Nhưng hôm đó là một hôm đặc biệt. Trước khi Du-Trầm về, tôi điện thoại cho nó, ngọt ngào để chiếm cảm tình:

- Sao con khỏe không? Mai con về đến Montréal, điện thoại cho ba ra đón nghe!

Du-Trầm hơi ngạc nhiên, thăm dò:

- Sao tử tế vậy?

- Bình thường thôi mà!

Khi Du-Trầm bước vô nhà, Việt giấu con Donna trong phòng. Yorshire là một giống chó không có mùi hôi và không rụng lông nên Du-Trầm không nhận ra được. Tối hôm đó, sau khi phát hiện ra con Donna, lúc đầu Du-Trầm còn bực bội đôi chút nhưng sau đó cũng đùa giỡn với nó vì biết tôi là chủ chốt mang nó về nhà. Tôi vui vẻ:

- Thấy không, con có hắt xì vì con Donna đâu!

Du-Trầm lườm tôi một cái nhưng không nói gì. Thủy nói móc:

- Con gái út của ổng đó!

Nhã-Thi bỗng nhiên “trở cờ” tấn công luôn cả tôi:

- Ba còn đòi mua dây chuyền vàng cho nó nữa đó!

Thủy lại tố thêm:

- Còn muốn tổ chức sinh nhật cho nó nữa!

Cả nhà vừa tố tôi vừa vui đùa. Con Donna cũng tham dự vào, chạy qua chạy lại, cắn tay áo người nầy một cái, khều đùi người nọ một cái. Tôi kể cho Du-Trầm:

- Con biết không, cái con mọi Donna nầy nịnh lắm. Ban đêm nó ngủ với ba, mẹ. Sáng sớm nó chạy xuống nằm với Việt một chút. Khi Việt đi học thì nó chạy vô phòng nằm với Nhã Thi và khi Nhã-Thi đi học thì nó xuống sous-sol nằm với Khôi cho đến khi Khôi thức dậy.

Thủy xen vào:

- Gọi nó là mọi là thăng hoa cho nó!

Tôi cãi:

- Anh thấy nó còn có tình có nghĩa hơn nhiều người mà bề mặt lúc nào cũng dạ dạ rất ư là đạo đức nữa!

- Thôi đi ông, cứ nói...

- Không phải sao? Ngay cả mấy đứa con của mình có đứa nào thấy mình về nhà mà chạy ra mừng như nó không?

- Chao ơi, nó mừng là để mình cho nó ăn đó!

- Anh không biết, nhưng cả khi mình đi, nó nhảy lên thành ghế gần cửa sổ nhìn theo tha thiết, em không thấy sao?

- Úi, cái đồ con nịnh đó mà!

- Nó nịnh. Cho là đúng đi. Nhưng ít ra nó cũng không nịnh trước mặt mình mà sau lưng lại làm hại hay nói xấu mình, phải không? Con người, thiếu gì kẻ như vậy!

Thủy đứng dậy nhìn tôi, không muốn cãi nữa, nhưng cuối cùng, trước khi bỏ đi, buông ra một câu mà tôi thấy cũng đúng:

- Em thấy con gái út của anh vừa dữ, vừa nhõng nhẽo lại vừa ghen giống y như anh hà!

Du-Trầm chạy lại ôm cổ tôi, chọc:

- Ba tánh còn con nít quá! Con gái út chằn của Ba tốt lắm, được không?

Những lần sau, khi Du-Trầm về thăm nhà, con Donna chạy ra mừng trước nhất. Không những nó quẫy đuôi mừng, đón mà còn nằm lăn ra khóc nữa, như điều trách móc Du-Trầm tại sao đi đâu lâu quá vậy. Du-Trầm cảm động muốn khóc theo.

Một tối trước khi ngủ, trong những ngày Tết Giáp Tuất, Thủy và tôi nằm trên giường, mỗi đứa ôm một tờ báo. Con Donna nằm dưới chân, lưng tựa vào chân tôi, còn đầu thì ghếch lên chân Thủy. Tôi đọc mê mải bài “Biên-Khảo về Chó” của Zeng Sen đăng trên Làng Văn số xuân. Đọc đến đoạn “Tiêu chuẩn chọn chó”, tôi sướng quá, quay sang khoe với Thủy:

- Em à, mình hên ghê. Em hãy nghe ông Zeng Sen viết này: “Chó sinh vào mùa xuân có mùi ruồi xanh, đến mùa hè hôi thối, khó chịu; chó sinh vào mùa thu hay sủa bậy. Chỉ có chó sinh vào mùa đông mới là giống tốt”. Em thấy không, con Donna sinh ngày 23 tháng 11 đó mà!

- Cái gì mà mừng dữ vậy. Tốt thì anh cũng phải lo hốt phân nó chớ có hay ho gì đâu!

Tôi tiu nghỉu, quay sang một bên, đọc tiếp.

Bỗng nhiên Thủy phá lên cười. Tôi vừa đọc báo vừa hỏi:

- Cái gì mà đằng ấy cười dữ vậy?

- Anh phải đọc bài “Chuyện... chó đầu năm” của Trần Ngân Tiêu đăng trên Tự Do mới được!

Nói xong, Thủy lại rũ ra cười, làm tôi sốt ruột. Tôi chạy ra ngoài bàn giấy, vớ một tờ Tự Do, cũng số xuân Giáp Tuất rồi leo lại lên giường nằm đọc. Đọc xong bài của Trần Ngân Tiêu, tôi thấy bất đồng ý kiến với tác giả. Tôi quay sang Thủy, phân bua:

- Cái ông Trần Ngân Tiêu viết khiếm diện quá, toàn là mặt tiêu cực của chó thôi à!

- Em thấy ổng nói đúng đó chớ. À, phải rồi, ổng nói đụng chạm đến con gái út chằn của anh thì làm sao anh đồng ý được!

- Không phải đâu, nói về ai thì cũng phải công bình một chút. Tại sao ổng không đề cập đến các đức tính trung thành, bảo vệ chủ hay báo động khi có người lạ vào nhà của chó? Em có đọc bài “Chó không chê chủ nghèo” của Minh Đạo, cũng trong tờ Làng Văn xuân nầy không? Theo cách viết, Minh Đạo chắc là một ông tòa ở Miền Nam trước 75. Ông ta kể chuyện một con chó của người ăn mày đi ăn cắp thịt đem về nuôi chủ bị bệnh không đi xin ăn được trong mấy ngày Tết. Chẳng may, con chó ấy bị cảnh sát bắt mang giải tòa và được ông tòa cho trắng án. Anh nghĩ là chuyện thật. Đúng là ông tòa, vừa công bình vừa có lương tâm!

Thủy nhìn tôi cười, lắc đầu:

- Có người nói chuyện tốt chuyện hay của chó thì cũng phải có người nói chuyện xấu của chó chứ!!

Tôi chưa đã nư:

- Nhưng những cái tính xấu của chó mà ông Trần Ngân Tiêu ổng mô tả thì con người cũng có vậy, có gì hay ho hơn đâu! Ông ta mô tả con chó nâng bi chủ, mong kiếm điểm, nhưng bị chủ quát mắng đuổi đi chỗ khác thì trông thảm não, tiu nghỉu, kiếm xó xỉnh nào đó nằm im thin thít. Cái đó, anh thấy con người có gì khá hơn đâu, thậm chí nịnh không được, còn quay lại đặt chuyện nói xấu nữa là đằng khác. Không, con chó vẫn đáng quí hơn. Nịnh chủ không được thì tìm xó xỉnh mà nằm chứ không vì thế mà cắn lại chủ như rất nhiều đứa, ngoài miệng thì nhân nghĩa mà trong lòng thì thua con chó!

Thủy chăm chú nhìn tôi, cười cười không nói. Tôi tiếp:

- Lại nữa, ổng tả mấy cái cảnh nào chó ăn vụng, chó chực xương, chó giành xương... để chế diễu loài chó thì có gì hay đâu. Con chó ăn vụng thì xấu thật nhưng nó còn biết là chuyện xấu nên nếu bị bắt gặp thì cúp đuôi, tỏ ra ăn năn. Còn con người, có đứa lén lút chồng, vợ đi ăn vụng mà vẫn vênh vênh cái bản mặt nhẵn thếch ra, không biết xấu hổ phải trái là gì! Con chó chực xương trông hèn thật, nhưng dù sao nó cũng là con vật, đâu đáng phỉ nhổ bằng những tên khoa bảng nầy nọ mà đi ngõ sau, trở cờ, nịnh hót để chờ chực chút bả công danh mà không phân biệt bạn, thù gì cả! Con chó giành xương thì cùng lắm là gầm gừ với nhau một tí, rồi sau đó là thôi, còn con người, nhiều khi chỉ vì chút danh vọng hão huyền, không những giành giựt nhau mà còn âm mưu kéo bè kết đảng vu khống nhằm bôi nhọ những kẻ mà họ mới nghi ngờ là có thể giành giựt với họ chứ chưa chắc người đó đã thèm!

Thủy vẫn im, nhìn tôi. Tôi hăng say:

- Còn mấy cái thành ngữ có tính cách kỳ thị như chó táp phải ruồi, chó nhảy bàn độc, nhông nhông như chó đái, chõ mõm chó, chó hùa, nhâu nhâu như chó... có gì hay đâu mà cứ lập đi lập lại hoài! Loài nào cà chớn thì kêu loài ấy ra mà chửi chứ tại sao cái gì cũng kêu chó ra mà nói hết vậy? Tại sao không nói thứ táp phải ruồi, đồ nhảy bàn độc, thằng hùa... mà cái gì cũng lôi con chó vào? Thật ra, những thành ngữ trên chỉ do thói quen thôi chứ những cái “năng khiếu” ấy, con người hay hơn chó nhiều lắm! Trong loài người chúng ta thiếu gì những tên vô liêm sỉ như thế! Còn nữa, “chó săn” thì có gì xấu đâu. Nó đi săn với chủ của nó thì bắt buộc nó phải tấn công những thú vật mà chủ nó muốn săn chứ. Còn hơn là con người mình có đứa cam tâm làn Việt gian hay giáo gian, ăn cơm chủ Quốc Gia mà lén lút làm chó săn cho Cộng Sản hay ngoại bang thì sao!

Thủy tiếp tục nhìn tôi, nhưng không còn cười nữa. Tôi tới luôn:

- Em thấy loài chó có bao giờ phản bạn chưa? Con người thì anh đã thấy rồi: hôm trước thì gọi mình là tri kỷ tri âm rồi hôm sau thì đặt chuyện phao vu nói xấu, sau lưng thì chửi người ta không ra gì mà trước mặt lại sụt sùi đóng kịch để chiếm cảm tình. Loài chó có vậy đâu! Anh thật tình không hiểu những người ấy có bao giờ nằm vắt tay lên trán mà tội nghiệp cho những đứa con của họ hay không? Em cứ tưởng tượng đi, nếu em biết cha hay mẹ em là một tên hèn hạ bỉ ổi như vậy thì em sẽ buồn và xấu hổ đến đâu? Những thứ người ấy, đúng là còn... thua loài chó!

Thủy thấy tôi nổi giận, lấy tay xoa đầu tôi, nhẹ nhàng:

- Anh nói cũng có lý! Hôm nào gặp ông Trần Ngân Tiêu, em sẽ yêu cầu ổng viết thêm một bài nữa về những mặt tích cực của chó mới được. OK chéri? Ngủ đi nha!

Tôi vẫn còn ấm ức, vói tay xuống phía dưới chân, kéo con Donna lên, ôm nó vào lòng. Tự dưng tôi rơi nước mắt. Tâm hồn tôi như bị khựng lại, tình cảm như bâng khuâng giữa chó và người.

Hết