Chương 1 - Cầu tác (Tìm kiếm) - Chỉ bì nhân (Người giấy da) – 1
Mùa hạ năm Thiên Hi thứ hai mươi ba, có rồng rơi xuống huyện Hoa Mông tỉnh Quảng Đông, thân mình cao ngất, dài đến vài chục trượng, bị lưới trói chặt, da thịt rạn nứt, không thấy xương sống ở lưng. Quan dân định kéo nhau đến xem thì trời đổ mưa to tầm tã, sóng biển dâng lên, cuốn rồng vào biển, không thấy tung tích. ——《Hoa Mông huyện chí》[1]
Mùa đông năm đó, phủ Huy Châu huyện Ninh Dương.
Mõ canh năm vừa vang lên, sắc trời còn tối đen nhưng trên đường đã có tiếng người mơ hồ. Hầu bàn của Cửu Vị cư vừa mới hấp bánh bao xong, đang bày biện đồ đạc ở trước lầu.
Phu canh rụt cổ xoa tay chạy tới, mua ba cái bánh bao. Gã gặm hai cái đã ăn hết, vừa khó khăn nuốt xuống, vừa nháy mắt ra hiệu gọi hầu bàn của Cửu Vị cư: “Ô? Chuẩn bị đồ xong rồi hả?”
“Xong rồi, đây nè.” Hầu bàn vẻ mặt sầu khổ vỗ vỗ hộp đựng đồ ăn bên cạnh nồi hấp.
Phu canh kinh ngạc hỏi: “Vẫn chuẩn bị à? Nhỡ đâu hắn……… thứ đó hôm nay không đến thì sao?”
Hầu bàn thầm run rẩy, khô cằn nói: “Ông bà tổ tông ơi, mong hắn đừng có đến.”
Quán ăn Cửu Vị cư này cũng có chút tiếng tăm ở huyện Ninh Dương, đầu bếp của quán có biệt hiệu là “Lưu Tam Dạng”, nghe nói có thể nhờ vào ba món đặc biệt mà nức tiếng khắp nơi, lần lượt là thịt kho tàu, gà nướng bình gốm và lửng xào tô lê. Thịt phải cạo hết lông, gà thì phải là gà rừng béo gầy vừa đủ, lửng thì phải là lửng tuyết.
(Lần lượt ba món)
Nhờ có ba món này mà Cửu Vị cư ngày nào cũng đông khách, không lo sinh ý. Có điều Lưu Tam Dạng là một kẻ kênh kiệu, mỗi ngày hắn chỉ phục vụ mười phần, thêm một nồi cũng không làm, vì thế ai muốn ăn thì phải nhanh chân.
Nhưng mà mới canh năm trời còn chưa sáng đã tới mua đồ, kẻ này quá nửa là đầu óc có bệnh.
Vị nhân huynh có bệnh này đã liên tục tới đây hai ngày rồi.
Ngày đầu tiên, hắn đi tới trước mặt hầu bàn gọi tên ba món ăn, nhưng lại không thấy khí bay ra. Đúng thật là không thấy khí bay. Vào mùa đông lạnh, chỉ cần mở miệng là sương trắng liền bay ra, chỉ có mình hắn là không thấy gì, ngay cả một chút sương cũng không có. Đến ngày hôm sau, hắn đưa ra nhiều yêu cầu hơn —— gà nướng bình gốm không được đựng trong bình gốm, không được bỏ bát giác, thìa là, lửng xào tô lê thì không cần bỏ tô lê……..
Mấy yêu cầu này căn bản không giống như muốn đàng hoàng đến ăn cơm mà giống đến đập bảng hiệu hơn.
Tuy là thế nhưng hầu bàn chẳng những không dám đuổi vị khách mờ ám này ra ngoài mà ngược lại còn phải run cầm cập mà hầu hạ hắn hai ngày, hôm nay cũng đã chuẩn bị đồ ăn cẩn thận từ sớm.
Gã nhìn sắc trời, chân run lẩy bẩy, rướn cái cổ gầy như cẳng gà hỏi phu canh: “Sắp đến lúc rồi, ngươi ngươi ngươi không run à?”
“Ngày nào ta chả đi tuần đêm, còn run cái gì chứ?” Phu canh nhỏ giọng nói, “Vả lại, năm nay vốn không yên ổn, xuất hiện mấy chuyện yêu ma quỷ quái cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Hồi tháng sáu ở Quảng Đông còn có người tận mắt trông thấy rồng đó biết không? Nằm ngay trên bờ biển, nghe nói gân cốt không biết đã bị kẻ nào rút mất! Rút gân rồng đó! Ngươi nghĩ đây là điềm báo gì? Hai tháng trước còn có tin đồn rằng quốc sư sắp qua đời —— “
Phu canh còn chưa nói xong thì chợt thấy hầu bàn hơi thở mỏng manh tiến tới sạp: “Đến rồi đến rồi, hắn hắn hắn quả thật lại tới nữa……”
Vừa dứt lời, trước quán liền xuất hiện một người bộ dáng như thư sinh.
Khuôn mặt hắn rất bình thản, mang theo vẻ mệt mỏi nặng nề, hai má đều đỏ bất thường, như thể do sưởi ấm lâu nên bị hun nóng. Người này mặc một bộ trường bào xanh xám, thân hình gầy gò, áo choàng cũng mỏng, rất giống nhánh cây quấn vải, gió thổi một cái là bay lên trời.
Phu canh giơ lồng đèn trắng lên, nhìn chằm chằm vào mặt thư sinh nọ một lúc lâu, miếng bánh bao cuối cùng đang ngậm trong miệng đã đông lạnh từ lâu, cũng không buồn nuốt xuống.
Thư sinh thấp giọng lẩm bẩm than thở một câu “Đến rồi”, bấy giờ mới từ từ ngẩng đầu, con ngươi tối đen không chuyển động nhìn hầu bàn, khiến gã kinh sợ không thôi.
Hầu bàn kẹp chân, cảm giác sắp tiểu ra quần đến nơi.
“Làm phiền, cho một thịt kho tàu —— “, giọng của thư sinh này khi nói chuyện đàng hoàng thì vô cùng dễ nghe, khác hẳn với khi lẩm bẩm ban nãy, trong trẻo tựa như nước chảy, có điều khuôn mặt hắn không hề động đậy, không nhìn thấy khẩu hình, nhìn vào……… càng khiến người ta sợ hãi.
Hầu bàn tránh đi ánh mắt của hắn, nơm nớp lo sợ đưa hộp đồ ăn cho hắn: “Đều, đều đã chuẩn bị tốt, dùng từ quán, không bỏ tô lê bát giác thìa là gì cả, vừa mới nấu xong, vẫn còn nóng.”
Thư sinh có vẻ bị nghẹn một chút, hắn nhìn chòng chọc vào hộp đồ ăn một lát, sau đó mới phản ứng lại, chậm rì gật đầu nói: “Làm phiền rồi.”
Giọng hắn hơi khàn, không giống ban nãy.
Hộp đồ ăn có vẻ hơi nặng đối với thư sinh, giống như treo ngàn cân trên nhánh cây. Tốc độ đi của hắn rất chậm, hơn nửa ngày mới tiến xa được một ít.
Phu canh giật mình, phục hồi tinh thần.
Sắc mặt gã hầu bàn đã trắng bệch, lí nhí nói: “Lúc nãy ngươi có thấy không? Khuôn mặt đó…….. Ơ? Ngươi vội như thế làm gì?”
Phu canh: “Mót tiểu.”
Hầu bàn: “…………”
Nhưng phu canh vừa đi được chẳng bao xa, liền mang mõ đồng quay lại.
Hầu bàn còn chưa mở miệng, phù canh liền vỗ vai gã một cái, nháy mắt ra hiệu chỉ về hướng cách đó không xa: “Nhìn bên kia xem!”
Chỉ thấy ở con phố phía đối diện, một bóng trắng lặng lẽ hiện ra từ trong màn đêm.
Hầu bàn vừa sợ mất hồn liền nhất thời mềm nhũn cả chân, suýt nữa còn tưởng mình lại thấy gì đó mờ ám. May mà khi gã nhìn kỹ lại, mới phát hiện đó là một hòa thượng. Hắn mặc một bộ tăng y đơn bạc thuần trắng, tay áo mở rộng. Từ đầu đến chân không có nửa điểm tạp sắc, giống như mặc áo tang, mới sáng sớm nhìn thấy cảnh này quả thật chẳng phải điềm tốt lành gì.
Hầu bàn không hiểu gì: “Thấy rồi, không phải là một hòa thượng sao?”
Phu canh thấp giọng nói: “Ta vừa mới quan sát hắn, thấy bên hông hắn có đeo tiền Ngũ Đế!”
(Tiền Ngũ Đế)
Tiền Ngũ Đế có thể trừ tà hóa sát trấn cổng lớn, nghe đồn là vật mà quốc sư đương triều rất ưa dùng, bên hông lúc nào cũng đeo một xâu. Từ đó tiền Ngũ Đế trở thành vật chuyên dùng của những kẻ kiếm ăn qua đường quỷ thần. Trong đó tuy có không ít những kẻ giang hồ lừa đảo thừa cơ đục nước béo cò, nhưng đa số đều có vài phần bản lĩnh.
Hầu bàn đánh giá hòa thượng kia một lượt, cảm giác thấy trên người hắn toát ra một loại khí độ khó nói nên lời, nói tóm lại là không hề giống với bọn lừa đảo giang hồ. Huống hồ gã sắp không chịu nổi nữa rồi, ba ngày đã là cực hạn, nếu sáng mai thư sinh kia lại đến nữa thì chắc gã nhịn không nổi mà tè ra quần mất.
Hòa thượng nọ bước đi không nhanh không chậm, nhưng chỉ thoáng chốc đã đến gần, thấy hắn sắp đi qua trước quán, hầu bàn vội gọi lại: “Đại sư xin dừng bước!”
Bước chân của hòa thượng ngừng lại, vạt áo tăng y trắng toát nhẹ nhàng buông thõng xuống, nhưng không hề dính một hạt bụi nào. Hắn quay đầu nhìn lại, ánh mắt không chút gợn sóng, cũng chẳng mang hơi ấm, quả thực còn lạnh hơn cả trận gió đông thổi táp vào mặt. Khi lại gần, hầu bàn mới nhận thấy vóc người hòa thượng này rất cao, vậy nên hắn nhìn từ trên xuống, hầu bàn thấy vậy liền bất giác lùi nửa bước, va vào phu canh cũng đang rụt lùi đằng sau.
Cú va vừa rồi khiến lá gan của hầu bàn trở về trong bụng. Gã cố lắm mới mở miệng được, “Ta thấy bên hông đại sư có đeo tiền Ngũ Đế, hẳn là ngài am hiểu thuật pháp trừ tà hóa sát đúng không?”
Hòa thượng mặt không cảm xúc liếc nhìn xâu tiền lộ ra bên hông mình, không thừa nhận, cũng không phủ định.
Hầu bàn ngượng ngùng nhìn phu canh, cảm thấy hòa thượng này còn lạnh hơn cả gió rét mùa đông, khiến gã lạnh đến mức bị đóng băng cứng ngắc, không nói nên lời.
Phu canh thì giỏi chịu lạnh hơn gã một ít, bèn mở lời thay hầu bàn. Gã nói mấy câu miêu tả lại bộ dáng của thư sinh kia, sau đó nói với hòa thượng: “Tuy chúng ta không quen khuôn mặt đó lắm nhưng chắc chắn không nhận sai đâu, đó là con trai của lão gia ở y đường Giang gia. Nhưng…… Nhưng mà y đường Giang gia ba năm trước gặp hỏa hoạn, trừ người con gái được gả tới An Khánh ra thì không có ai may mắn thoát chết, tất cả đều bị chết cháy rồi! Tục ngữ nói sớm canh năm, quỷ cũng nhàn. Một người đã chết bỗng dưng liên tục xuất hiện ba ngày liền, còn vừa vặn vào đúng canh năm, không phải rất dọa người sao?!”
Hòa thượng nhìn sắc trời, rốt cuộc cái miệng kiệm chữ như vàng cũng mở, chỉ lạnh lùng nói hai chữ: “Người đâu?”
Vừa nghe lời này, hầu bàn lập tức sống dậy như tuyết tan. Gã chỉ vào bức tường cong phía xa, vội vàng nói: “Vừa mới đi thôi! Chắc bây giờ còn chưa vào cửa đâu! Ta biết chỗ tàn tích của y đường Giang gia, đại sư, ta, ta dẫn ngài tới đó nhé?”
Nhưng ngay sau đó, hầu bàn liền hối hận muốn vả cho mình một cái: Ai bảo ngươi lanh mồm lanh miệng thế hả!
Gã phải có biết bao luẩn quẩn trong lòng mới đi chung đường với cái cây cột băng hình người này giữa trời đông giá rét chứ. Hầu bàn cảm thấy đoạn đường ngắn ngủi đi qua mấy cái ngõ nhỏ này sắp ăn mất nửa đời mình rồi. Gã liên tục liếc nhìn hòa thượng trẻ tuổi này, vài lần nhìn xuống dưới, muốn hỏi nhưng lại không dám mở miệng nói chữ nào, chỉ nhớ rõ trên cổ hòa thượng có một nốt ruồi nhỏ.
Trước khi hầu bàn sắp chết rét đến nơi, bọn họ cuối cùng cũng đến góc hẻm phía sau y đường Giang gia.
Giống như hầu bàn đã đoán, thư sinh quả nhiên vẫn chưa vào cửa, đang xách hộp đồ ăn nhích từng bước một đi vào trong hẻm.
Kỳ lạ là, hắn vừa đi vừa thấp giọng tự nói, giọng nói còn thay đổi liên tục, khi thì trong trẻo dễ nghe, khi thì khàn khàn nặng nề.
“Ngươi tự mình lên núi bắt gà cho ta đấy à? Với tốc độ này thì trước tháng giêng mới về được nhỉ?” Đây là giọng nói trong trẻo.
“So ra vẫn nhanh hơn thứ không đi được.” Đây là giọng nói khàn khàn.
“Ta thấy ngươi chán sống rồi đúng không.”
“Bất tài, tại hạ vừa mới chết được ba năm.”
“………..”
Thư sinh nọ một mình diễn hai vai, biểu cảm cũng thay đổi xoành xoạch đúng kiểu “Bệnh này không nhẹ đâu”, rồi sau đó, hắn đi dọc theo bức tường loang lổ cũ nát của Giang gia, trượt vào trong trạch viện như một tờ giấy.
Hầu bàn núp sau tường thấy hết mọi chuyện, cực kỳ khiếp sợ, đang định chạy đi. Chân vừa nhấc lên thì sực nhớ ra bên cạnh mình còn có một hòa thượng lạnh như băng. Lòng gã nóng như lửa đốt, lấy ra một túi tiền, không nói hai lời dúi vào tay đại sư, miệng nói “Tạm thời xin biểu đạt chút tâm ý”, sau đó co giò chạy xa hai dặm.
Hòa thượng nhíu mày rũ mắt, liếc nhìn túi tiền trong tay.
Thứ này không biết bao lâu rồi chưa giặt, đã sớm nhìn không ra màu sắc ban đầu, bốc mùi dầu mỡ lâu năm.
Hắn nâng tay định ném thứ không sạch sẽ này đi, nhưng vật vừa rời tay thì lại chụp về. Hắn cứ đeo vẻ mặt không mặn không nhạt như vậy, cầm theo túi tiền vải bố kia, lặng yên không một tiếng động đi tới trước cửa y đường Giang gia.
Hầu bàn nhanh chân trốn về Cửu Vị cư chống tường thở hổn hển cả buổi, sau đó mới vội khoa chân múa tay kể lại những gì mình vừa chứng kiến cho phu canh nghe, gã nói xong kêu “Á ——” một tiếng nói: “Ta bỗng dưng cảm thấy vị đại sư kia nhìn hơi quen quen.”
“Ngươi cả ngày ngồi ở cái sạp này, từ Nam tới Bắc nhiều người như vậy, tất nhiên thấy ai cũng quen rồi.” Phu canh tức giận nói.
“……..” Hầu bàn duỗi lưng thở dốc, tầm mắt vô tình đảo qua bức tường mà gã vừa chống, ánh mắt lập tức ngừng lại.
Trên tường có dán một tờ bố cáo từ nửa tháng trước, có điều không khéo vừa dán xong thì gặp trận tuyết lớn, bố cáo gặp lạnh bị dính ẩm, hôm sau đã biến thành bức họa loang lổ không rõ ràng. Ngay cả hầu bàn đến quán từ sớm khi ấy cũng chỉ liếc sơ một cái, nhưng vẫn đọng lại chút ấn tượng mơ hồ.
Hiện giờ bố cáo đã bong ra quá nửa, chỉ còn giữ lại phần cổ của bức họa, nhìn vào có thể thấy trên cổ có một nốt ruồi nhỏ xíu, giống hệt nốt ruồi của vị đại sư ban nãy.
Hầu bàn nhất thời giật mình: Đây chính là tên trọng phạm được treo thưởng cao mà!
✿Tác giả có lời muốn nói:
Tui đã trở lại rồi đây ~
Có khả năng truyện này sẽ khá là cẩu huyết, Huyền Mẫn là công, Tiết Nhàn là thụ, đừng bị nhầm nha ~ Vẫn là 1vs1, HE nha, yêu mọi người nhiều! ~
******
★Chú thích:
[1]Hoa Mông huyện chí: Đoạn đầu lấy cảm hứng từ 《Thất Tu Loại Cảo》của Lang Anh, nguyên văn là: Cha của Kim Mậu – một người bạn của tôi, vào cuối thời Thành Hóa, du khách đến chơi hội ở Quảng Đông, bỗng một ngày, trời đang sóng yên biển lặng thì có một con rồng từ trên trời rơi xuống bãi cát, bị ngư dân dùng gậy gỗ đánh chết, quan dân kéo đến vây xem thì thấy thân mình nó cao ngất, dài đến mấy chục trượng, đầu và chân đều có vảy, tựa như bức họa, nhưng phần bụng lại có nhiều sắc đỏ. Quả là sự lạ hiếm gặp.
(Phần chú thích trên là của tác giả
Thất Tu Loại Cảo là một cuốn bút ký của tác giả Lang Anh, ra đời vào thời Minh. Nội dung rất đa dạng, viết về những chuyện lạ trong dân gian, biến cố lịch sử, thu thập thơ văn,………..)