Chương 1
ôi nhận được lá thư vào giữa trưa thứ tư 30 tháng Sáu. Thư gửi ông Renn Lundigan, giáo sư sử học, Viện Đại học Syney, Australia.
Ở ngoài bao thư có dấu niêm bằng sáp ong phía dưới góc trái và một địa chỉ ghi tiếng Tây Ban Nha. Con dấu bưu điện được đóng hơi nghiêng và nét chữ đánh máy trông rất rõ nét.
Sở dĩ tôi nhớ rõ những chi tiết đó là bởi tôi đã nhìn bức thư một hồi lâu trước khi mở nó ra.
Cuối cùng, tôi lấy một cái rọc giấy, thận trọng mở bao thư và kéo lá thư ra; rồi tôi đốt một điếu thuốc, ngồi xuống và bắt đầu đọc.
Người gởi lá thư này là một chuyên gia của Cục Lưu trữ thành phố Acapulco, Mexico.
Bằng lối viết của một học giả, ông cho tôi biết rằng những điều tôi nghiên cứu đã mang lại biết bao hữu ích cho công tác của ông. Ông cũng nói, ông rất mong muốn có được những dữ liệu chính xác về mối quan hệ của các thủy thủ Tây Ban Nha vào thế kỷ XVIII với phần đất chưa được biết tới vào dạo ấy: Australia. Ông cho rằng ông sẽ thích thú biết bao khi được công tác với một độc giả như tôi để chuyên sâu vào một lãnh vực lịch sử mang một tầm mức quan trọng như thế.
Ông cho biết là vào tháng Mười năm 1732, chiếc Dona Lucia đã rời cảng Acapulco để hướng về quần đảo thuộc địa Philippines, chở theo hai mươi hòm tiền vàng; chiếc Dona Lucia này chẳng bao giờ đến Manila và người ta cho rằng nó đã bị nhận chìm bởi một cơn bão, hoặc là bị đánh cướp bởi đám hải tặc trong vùng biển đông: và rằng cái mẫu rập lại của đồng tiền vàng mà tôi gởi đến có niên đại từ thời chiếc Dona Lucia và rất có thể nó đã xuất phát từ con tàu này.
Ông ta cũng viết...
Nhưng phần cuối của lá thư chỉ gồm những lời lẽ chúc tụng lịch thiệp và tôi chẳng lưu tâm đến.
Tôi miên man nghĩ về một hòn đảo nhỏ, ngoài khơi bờ biển Queensland, lạc lõng giữa hàng trăm đảo và những rạn san hô hình vành khuyên, tạo thành một xâu chuỗi ngọc bích trên dải san hô của Đại Trường Thành.
Đó là một hải đảo uốn cong tựa như một cặp sừng với bãi cát mong manh trắng xóa ở bên này và bên kia là những vách đá cheo leo. Một hải đảo mà chẳng bao giờ có du khách lui tới bởi, theo số địa bạ của nhà cầm quyền Queensland thì nơi đây không hề có nơi trú ẩn cho bất cứ một loại tàu bè nào cũng như chẳng có nước ngọt và không có một con lạch để len qua những tảng đá ngầm.
Nhưng riêng tôi thì tôi biết ở đó có một con lạch. Jeannette và tôi từng hướng một chiếc thuyền buồm dài mười thước theo con lạch đó mà không một lần để trầy trụa lớp vỏ bọc bằng đồng của nó và sau đó kéo nó lên bãi một cách dễ dàng. Suốt trong nhiều ngày chúng tôi cắm trại dưới những tán dứa dại, sau khi tìm thấy một nguồn nước ngọt ở phía dưới mỏm sừng phía tây. Chúng tôi đã thám hiểm vùng đá ngầm và đánh cá bằng lao ba răng mỗi khi thủy triều lên; và một hôm, Jeannette nhặt được một đồng tiền vàng mòn nhẵn, bám đầy san hô hỗn độn. Thế rồi khoảng một tháng sau tuần trăng mật của chúng tôi, Jeannette qua đời vì chứng viêm màng não. Tôi còn lại một mình với hành trang trong đời là chức giảng viên đại học, một đồng tiền cổ và hình bóng một thiếu phụ với mái tóc vàng óng trên một bãi biển ngập nắng. Và giấc mơ một con tàu đang rữa mục dưới lớp san hô hỗn độn.
Hoài niệm về Jeannette rồi dần dần nhạt nhòa đi để trở nên một nỗi đau ngấm ngầm trong đáy tim; một nỗi đau ấm thầm mà, thỉnh thoảng lại bùng lên quằn quại khiến tôi phải uống rượu thâu đêm, hoặc tìm cơ may trong những canh bạc, hay trở lại, trong những buổi sáng mù sương, nơi những bãi đua ngựa, để thử đoán xem con nào sẽ về đích trong lần thứ Bảy tới.
Hoài niệm về Jeannette rồi nhạt nhòa; nhưng, cứ mỗi lần kéo hộc bàn giấy ra thì cái đồng tiền cổ mòn nhẵn theo năm tháng đó, vẫn ngời sáng như một ngọn lửa. Tôi đã vĩnh viễn mất người tôi yêu, nhưng con tàu thì còn đó, vẫn chờ tôi. Hẳn nó phải còn đó: một dàn khung bị rữa mục, những boong tàu sụp đổ dưới lớp chồng chất của rong biển và san hô; và trong khoang tàu, những đàn cá tung tăng bơi lội giữa những hòm tiền vàng.
Hẳn con tàu phải ở đấy: trên cương vị là một sử gia, tôi có thể xác định điều đó. Hay ít nhất, hẳn tôi phải chứng minh được rằng nó có ở đó.
Trước tiên, câu chuyện của Anson, nhà hàng hải Anh vào thế kỷ 18, đã giúp tôi lần ra dấu vết: dạo đó George Anson chơi, là Đô đốc đặc trách hạm đội Hoàng gia và cũng chưa là Bộ trướng Hải quân Anh; ông còn rong ruổi trong vùng quần đảo Ladrones và Carolines để giám sát những chuyến tàu buôn đi từ Acapulco về Manila. Đó là Gerge Anson của thời hàn vi với chiếc tàu rách bươm đang tìm lối để rút ngắn một hải trình trong khi dự trữ nước của tàu đã cạn và những thủy thủ đang chết dần bởi bệnh hoạn dưới ánh nắng nhiệt đới...
Hẳn chiếc thương thuyền Tây Ban Nha đó đã rời cảng Acapulco trong mùa sóng yên biển lặng, được đẩy bơi những con gió Đông bắc để đi về hướng Tây, dọc theo xích đạo cho đến khi nó rẽ về hướng bắc để đến Manila, ngang qua ngoài khơi quần đảo Ladrones... nhưng vào tháng Mười thì hẳn là thời điểm quá muộn. Nếu con tàu đi trệch về hướng nam, nó sẽ bị đe dọa bởi những cơn bão kéo nó về hướng tây, bên kia những quần đảo Bismarck và Salomon, đến tận Đại Trường Thành. Giả sử sự việc đã xảy ra như thế, thì đương nhiên con tàu đã mất phương hướng; sóng sẽ xô dạt nó, rồi bị rò rỉ và thế là không tài nào tìm được một lối ra giữa những quần đảo và các tảng đá ngầm. Cơn bão vẫn không dứt vào trong ngày, hay cũng có thể là trong đêm, con tàu chìm xuống, phanh thay bởi những nanh vuốt của san hô, gần nơi tảng đá ngầm của hải đảo có hình dáng cặp sừng...
Vâng, mọi việc có thể xảy ra như thế. Nếu không thì làm sao tôi có thể có được đồng tiền cổ, cái đồng tiền đang lắp lánh trong ngăn kéo của tôi chứ?... Có tiếng gõ cửa, và cô thư ký của trường bước vào, mang theo một giỏ đựng đầy thư.
Nàng mỉm cười, chớp mắt, hơi ưỡn bộ ngực như muốn phô trương sự đầy đặn của nó. Rồi nàng trao tôi một lá thư, không quên lời bỡn cợt thường lệ:
- Này ông Lundigan, chớ có xài tiền vội đây nhé.
Tôi mỉm cười cảm ơn và nói đùa:
- Nếu cô chấp nhận lời mời của tôi, thì tôi cũng muốn được xài cho bằng hết.
Nàng cười cười, ưỡn ngực, cầm lấy cái giỏ đựng thư rồi ngoe nguẩy bước ra.
Tôi mở bao thư và đổ mớ tiền lên bàn. Hai tờ năm bảng Anh, tám tờ một bảng và một ít tiền lẻ: phần lương hàng tuần của một giảng viên đại học trẻ.
Sau khi trừ đi tiền cơm và nhà trọ, tiền thuốc lá, vé xe lửa và một bàng Anh tôi đã mượn Jenkins hôm thứ Ba vừa qua, tôi cũng còn lại một đôi chút để ghé vào sòng bạc của Manny. Nhưng số tiền đó hẳn nhiên là không đủ để mua một hòn đảo, một chiếc thuyền, một bộ đồ lặn, lương thực dự trữ và một số vật dụng cần thiết cho người đi tìm kho tàng dưới đáy biển.
Tuy vậy, tôi phải tìm cơ may chứ. Vào tuần trước, tôi có dịp thấy một tay chơi chỉ với năm bảng Anh, mà có thể nhồi lên thành năm trăm bảng, sau đó là một ngàn, rồi lên hai ngàn bảng. Manny đã cho gọi taxi để đưa anh chàng về, đi kèm với đàn em để bảo vệ. Chuyện đó đã xảy ra trước mắt tôi. Có thể, tôi cũng có ngày như thế.
Tôi cũng chẳng cần đến hai ngàn bảng để mà làm gì. Chỉ một ngàn thôi cũng đủ. Năm trăm để mua hòn đảo: nhà cầm quyền Queensland bán rẻ thôi, với một hòn đảo chẳng có con lạch để tàu vào, không nơi trú ẩn cũng chẳng có nước ngọt. Hai trăm bảng dành cho chiếc thuyền (và, với giá này thì không phải là du thuyền). Một trăm bảng cho dụng cụ lặn. Như thế sẽ còn hai trăm bảng cho những việc bất ngờ linh tinh: hắn nhiên, luôn luôn là sẽ còn những cái này cái nọ bất ngờ, nhưng mọi việc sẽ ổn thỏa... nếu tôi gom được một ngàn bảng Anh tại sòng Manny.
Gấp đôi lá thư của chuyên viên lưu trữ Acapulco lại, tôi nhét nó vào túi. Tôi lấy đồng tiền cổ từ trong học bàn ra và cho nó vào trong túi con của lưng quần như một vật lấy khước. Rồi, tôi bỏ tám bảng Anh và mười shilling vào trong một bao thư và dán lại... Như vậy, ít nữa thì tôi còn có tiền để ăn ngủ dưới một mái nhà, di chuyển bằng xe lửa và hút hai mươi điếu thuốc mỗi ngày... nếu tôi không gom được một ngàn bảng ở sòng Manny.
Vì không có điện thoại trong phòng nên tôi phải xuống sảnh của trường đại học để gọi.
- Charlie đây. - Có giọng nói gọn lỏn ở đầu dây.
- Thuyền trưởng đây. Ông bạn đang ở đâu?
- Ở tại điểm của tuần trước. Thời tiết đêm nay rất tốt.
- Cám ơn.
Tôi gác máy. Thời tiết đêm nay rất tốt hay, nói cách khác, Manny đã được tin là sòng bạc của y sẽ không bị bố ráp. Thế là tôi có dịp để thắng được một ngàn bảng.
Hẳn tôi muốn giới thiệu cho bạn gã Manny Mannix này biết bao. Đây là một gã chẳng phải tầm thường. Cha là dân Brooklyn gốc Á Nhĩ Lan và mẹ cũng là dân Brooklyn nhưng gốc Ý, trong thời thế chiến, y là một trung sĩ của Cục Hậu cần Hoa Kỳ và anh dũng chiến đấu tại Sydney. Thế là, sau khi hòa bình được tái lập, y đã quyết định ở lại thành phố này.
Dưới mắt y, Sydney chẳng qua là một New York thu gọn ở tầm mức để y có thể làm tiền mà không phải nhọc nhằn quá đỗi. Và y hăng say lao vào công việc. Y tham gia vào mọi chuyện mua bán: buôn lậu rượu mạnh, mua bán xe hơi, dịch vụ nhập cư bất hợp pháp; sau đó, khi nguồn lợi bắt đầu giảm sút, y rút lui với một số tiền đủ cho y mua một tòa nhà với nhiều căn hộ, một hộp đêm và nhiều cô gái trẻ đẹp mà y dùng để phô trương nhằm gây uy tín. Manny không bao giờ xen lẫn công việc làm ăn với tình cảm. Cuối cùng y đã mua chuộc một vài quan chức thuộc Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và điều này giúp y thoát khỏi những sự cố không hay.
Với Manny, như thế là cũng đủ. Cuộc sống quá thoải mái để cho y không dại gì phá hỏng bằng một lần can án. Y ăn ngon mặc đẹp, di chuyển trên một chiếc Cadillac lộng lẫy; nhưng bất cứ đâu mà y xuất hiện, y cũng kéo lê theo người cái mùi ô uế của thành phố, những phụ nữ hám tiền và của cái thu gom bất chính.
Hẳn tôi muốn cho các bạn biết rõ tay Manny Mannix này biết bao.
Sở dĩ y gọi tôi là “thuyền trưởng” là bởi, có một lần say khướt, tôi đã nói cho y biết rằng, trước đây tôi là tài công duy nhất của vùng quần đảo Trobian. Y vỗ vai, bắt tay tôi và mời tôi một ly rượu mà chẳng bao giờ tôi từ chối. Trong khi uống, y huyên thuyên. Y nói về y và tiền của của y, về những người đàn bà của y, và về những dự án của y. Y mỉm cười trong khi trò chuyện, nhưng mắt vẫn không ngừng theo dõi những tay bảo vệ đứng ở cửa, các con bạc đang bao quanh những chiếc bàn và nhân viên chục vụ lăng xăng với những chiếc khay đầy ắp.
Tôi mong bạn biết đến tay Manny này.
Hẳn, cũng như tôi bạn sẽ ghét y, nhưng chắc không bằng tôi đâu bởi vì, tôi chính là người phải uống rượu của y, phải nghe y trò chuyện, mỉm cười trước những lời đùa bỡn của y - như thế là vì muốn cho mình có được cái cơ hội cháy túi tại sòng bạc của y và được y vỗ vai cầu chúc may mắn cho lần sau.
Nếu tối nay tôi được bạc thì đương nhiên sẽ chẳng bao giờ có lần sau. Tôi sẽ gom tiền và ra đi. Tôi sẽ đến một hải đảo xanh tươi, nơi có bãi cát trắng và một kho tàng chìm dưới đáy biển.
Và thế là, vào chín giờ tối ngày thứ Tư 30 tháng Sáu ấy, tôi gọi một chiếc taxi để đến một ngôi nhà được bao quanh bởi một bức tường cao bằng đá tảng và những chấn song sắt, tọa lạc trên một đoạn đường uốn cong.
Cánh cửa sắt của hàng rào được khóa kỹ, nhưng ở phía trên có một nút chuông. Khi tôi nhấn vào thì có người bước ra từ nhà bảo vệ. Tôi nói với gã là đêm nay thời tiết tốt. Không buồn trả lời, gã kéo cửa và đưa tôi vào.
Tôi bước dọc theo lối đi trải cát dẫn về phía nhà. Mọi cửa sổ đều đóng kín nhưng, qua cửa ra vào để mở, tôi thấy có một nhóm đàn ông và phụ nữ cùng với một nhân viên phục vụ mặc vest trắng đang ngang qua sảnh.
Tôi gật đầu chào gã Ba Lan đang đứng ở cửa và trao cho gã cái áo choàng của tôi. Rồi tôi bước lên căn phòng rộng lớn của lầu một, nơi có cái bar bằng kính đen và những cửa sổ có thể cho ta nhìn ngắm những ánh đèn của cảng nếu chúng được mở ra, nhưng tiếc thay chúng chẳng khi nào được mở ra cả.
Muốn duy trì hoạt động của một cơ sở như thế này thì ta phải đóng kín các cửa, quên đi trăng sao và gió biển ở bên ngoài, ở trong này chỉ cần tiếng nhạc, tiếng cười nói, tiếng vo ve của các ru-let, tiếng va chạm khô khốc của các thẻ-tiền trên thảm xanh, rượu mạnh, khói thuốc lá.
Muốn cho một cơ sở như thế này hoạt động tốt đẹp, ta phải mang dày đen bóng loáng, mặc một bộ smoking xám bạc, thắt cà vạt màu rượu chát và gắn một boong hoa cẩm chướng nơi ngực áo. Và khi con bạc bước đến, ta sẽ nhấc khuỷu tay khỏi quầy rượu, nheo mắt với cô người mẫu thời trang ngồi cạnh ta và nói với con bạc:
- Chào thuyền trưởng, đã lâu lắm chúng ta không gặp nhau.
- Chào Manny, đã lâu lắm tôi không có lấy một xu.
Như thường lệ, tôi mỉm cười đáp lại lời chào hỏi của y. Manny cười ồ và sặc sụa vì hơi khói xì gà đang hút. Rồi, nắm lấy cánh tay tôi, y kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế gần nàng người mẫu thời trang. Y vỗ lên quầy rượu và nói với nhân viên phục vụ:
- Này Frank, hãy rót cho thuyền trưởng đầy một cốc gin. Thuyền trưởng à, xin giới thiệu với thuyền trưởng đây là cô June Dolan.
Rồi, quay sang June, y nói: ‘Đây là thuyền trưởng Lundigan. Em nên coi chừng đấy, dân đi biển đáng gờm lắm!’
Manny hỏi:
- Sao, tối nay thuyền trưởng có thấy cơ may không?
Tôi nhún vai và chìa hai bàn tay ra, trán cau lại, buồn bã. Đó là một màn kịch nho nhỏ mà tôi đóng khá tài tình.
- Thì cũng như mọi hôm thôi. Nếu quả thật có cơ may thì tôi tận dụng nó ngay.
- Chúng ta đều như thế cả. Này thuyền trưởng, ông nghĩ sao về cái này?
Manny nắm lấy tay nàng người mẫu và đưa nó lên để tôi trông thấy cái vòng tay nặng trũi làm bằng những đồng tiền vàng.
- Hôm nay tôi đã mua món này làm quà sinh nhật cho người đẹp. Nó khá đắt nhưng tôi thấy rất xứng cho cục cưng của tôi. Thuyền trưởng thấy thế nào?
- Tôi thấy rất hợp với cô bạn của anh.
- Thuyền trưởng thấy không, vẫn còn thừa chỗ để gắn thêm những đồng tiền vàng khác. Nếu nàng biết ngoan ngoãn và mang lại cho tôi may mắn thì tôi sẽ gắn thêm vàng vào để lấp kín các khoảng trống.
Nàng người mẫu nói bằng giọng rầu rĩ:
- Manny à, em khát khô cả họng đây.
Manny cau mày và vỗ tay xuống quầy rượu. Người bồi rượu rót đầy ly của nàng người mẫu. Những đồng tiên vàng chạm vào nhau, phát ra những tiếng leng keng nho nhỏ khi nàng rút tay ra khỏi vòng tay ôm của Manny để lục lọi xắc tay. Chính vào lúc đó tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ thật ngu ngốc.
Lấy từ túi quần ra đồng tiền vàng, tôi tung nó lên rồi chụp lấy và đặt xuống quầy rượu.
Tôi nói với Manny:
- Có bao giờ anh trông thấy một đồng tiền như thế này?
Ánh mắt của Manny, vốn thận trọng, giờ lóe lên một vẻ quan tâm. Y cầm lấy đồng tiền, ngắm nghía một lúc rồi quẹt mạnh mặt hột xoàn của chiếc nhẫn y dang đeo lên đồng tiền.
- Vàng à? - Y hỏi.
- Vàng ròng đấy. Nó là vật lấy khước của tôi. - Tôi đáp và nhét đồng tiền vào túi.
- Tìm đâu ra thế?
- Một đồng tiền vàng Tây Ban Nha thế kỷ XVIII. Nó có câu chuyện của nó.
- Hôm nào, thuyền trưởng sẽ kể tôi nghe chứ?
Đó là bước đầu tiên mà tôi mong đợi. Manny đã đánh hơi thấy vàng và có thể y sẽ chịu bỏ ra ít tiền để hốt nó.
Với vẻ thư thái, tôi nói:
- Thật ra đồng tiền vàng này là bước khởi đầu cho lời đề nghị mà có thể sẽ làm anh quan tâm.
Nghe như thế, đôi mắt Manny không còn ngời sáng vẻ ham thích. Y trả lời bằng một giọng đều đều, hờ hững:
- Hẳn thuyền trưởng đã biết con người của tôi. Mọi đề nghị đều làm tôi quan tâm, miễn sao nó có lợi và không nguy hiểm. Chúng ta có thể bàn chuyện này ngay được chứ?
Tôi gật đầu:
- Để hôm nào vậy.
Hôm nào, có thể có trong tay ngàn bảng Anh và như thế tôi không cần nói chuyện với Manny nữa. Cho đến khi chết, tôi cũng không cần nhìn cái bản mặt của y.
Y nói:
- Được, chúng ta sẽ bàn đến chuyện đó sau.
Rồi y quay sang nói chuyện với nàng người mẫu thời trang.
Một tiếng đồng hồ sau đó, tôi trở lại bar, không còn một xu dính túi.