Tựa

    

húng ta thường tự hào là một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến. Bốn ngàn năm văn hiến và giá có gom lại hết những sách vở tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm trong bốn ngàn năm văn hiến đó rồi để riêng ra những tài liệu về các ông vua bà chúa - tức những tài liệu thường vô ích cho văn hóa - còn lại bao nhiêu, có chất lên một chiếc xe cam nhông, cũng không đầy! Dù có chất đầy muời chiếc xe đi nữa thì so với những tài liệu của Pháp cũng chẳng thấm vào đâu: chỉ riêng những tài liệu về thi sĩ Victor Hugo đã chật cả một viện bảo tàng, tức viện Victor Hugo ở Paris rồi. Mà người Pháp không có được bốn ngàn năm văn hiến như ta.

Chắc có độc giả trách tôi là tự ti mặc cảm, mà quá tôn sùng người. Trách tôi tôi xin nhận, nhưng làm sao tôi không tôn sùng người ta, khi người ta hơn mình xa quá đi. Vả lại, tự nhận là mình kém rồi cố theo cho kịp người, hơn người, còn có lợi hơn là tự cao tự đại mà chẳng chịu gắng sức để tiến tới.

Vâng, về phương diện văn hóa, ta đã kém xa Trung Hoa mà cũng thua xa cả Pháp. Hai ngàn rưỡi năm trước, Trung Hoa đã biết đặt ra một chức quan chuyên đi lượm những bài ca, bài hát trong dân gian, nhờ vậy họ mới có được một tập thi vào hàng cổ nhất thế giới. Tới thế kỷ 18, vua Càn Long cho chép lại hết các sách, lập thành bộ “Tứ khố toàn thư” [1], một công việc sưu tầm tài liệu không tiền trong lịch sử nhân loại.

Nước Pháp thì chẳng những nhà cầm quyền mà đến thường dân cũng biết trọng tài liệu. Trong cuộc cách mạng 1789, những anh thợ xay bột, những chú lính của họ, viết còn sai be bét mà cũng chịu ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, rồi chính phủ trân tàng tất cả những tài liệu đó. Nói chi tới những di bút của các danh nhân thì họ quý hơn vàng: trong Thư khố Quốc gia của Pháp, ta thấy cả những toa mua hàng, sổ chi tiêu của các văn hào, nhạc sĩ.

Còn ở nước mình, có được bao nhiêu nhà nho chép lại những tai biến cùng cảnh sinh hoạt trong thời Nguyễn, Trịnh xung đột, hoặc trong chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn? Mà thôi, hãy nói chuyện gần đây. Chúng ta có muốn chép tiểu sử của Nguyễn Khuyến hoặc Chu Mạnh Trinh để dạy học sinh ban Tú tài, cũng không biết tra cứu ở đâu, và nếu không tán hươu tán vượn thì may lắm về tiểu sử mỗi cụ, ta viết được độ một trang.

Đổ trọn lỗi cho tánh lười viết, không biết trọng tài liệu của cổ nhân thì cũng oan cho các cụ. Thực ta, còn nhiều nguyên nhân khác: nghề in thời xưa không phát triển, rồi cái nạn binh đao (thành Thăng Long biết mấy lần bị tàn phá), cái họa văn tự (hễ sơ ý một chút mà nói phạm tới nhà cầm quyền thì có thể bị tru di tam tộc; lại thêm triều đình chẳng khuyến khích những công việc sưu tầm khảo cứu; vua chúa đều chỉ thích mỗi một món thơ, kẻ làm thơ mà có tài điêu trùng khắc triện thì được thưởng, còn người cặm cụi tra khảo soạn sách thì cơ hồ không vị vua chúa nào ngó tới [2].

Cái tinh thần không biết trọng tài liệu, xưa như vậy mà nay cũng không hơn gì mấy. Các việc bác cổ và thư viện của mình ngày nay, mở ra cho có với đời vậy, chứ thực ra đã làm được những việc gì quan trọng cho văn hóa? Trong bài “Bàn về vấn đề dịch sách cổ của ta” tôi đã đề nghị một phương pháp làm việc tập thể để dịch ra Việt ngữ hết thảy những văn thơ cổ, bất kể về loại gì, để những người không biết chữ Hán có thể dùng những tài liệu đó mà nghiên cứu về văn hóa thời xưa. [3] Vấn đề đó, mười lăm năm trước, Vũ Ngọc Phan đã nghĩ tới, nhưng từ đó tới nay, những cơ quan Văn hóa của chính phủ đã làm được gì chưa? Mà có bao giờ người ta nghĩ tới cái việc thu thập tài liệu trong dân gian không? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bè bạn của người mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích cùng dật sự về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lợi cho văn hóa biết bao. Có như vậy các người cầm bút mới có tài liệu để soạn sách, còn như bây giờ đây thì một nhà văn Việt viết tiểu sử Tản Đà còn khó hơn viết tiểu sử của Molière, của Shakespeare, của Tolstoi. Thực là ngược đời, nhưng rất dễ hiểu. Vì tra cứu ở đâu bây giờ để viết về đời sống của Tản Đà? Chỉ có cách đọc những báo mà cụ đã viết hoặc người khác viết về cụ. Nhưng chính những số báo đó, kiếm được cũng là thiên nan, vạn nan. Ngay những tạp chí có giá trị như Thanh Nghị, Tri Tân mà thư viện Nam Việt cũng không có đủ, và những nhật báo Việt xuất bản ở Sài gòn trước 1945 cũng thiếu nữa. Chắc nhiều độc giả không ngờ được nỗi khổ tâm đó của những người muốn khảo cứu về văn hóa nước nhà.

Muốn tránh những khó khăn ấy cho thế hệ mai sau, ai lưu tâm đến văn hóa cũng nên thu thập hết những tài liệu về mỗi phong trào chính trị, kinh tế hoặc văn chương ngay từ khi phong trào vừa tắt và như vậy, ta có thể có một khái niệm tổng quát về nó được.

* * * * *

Trong những năm 1949 - 1951, nhờ thời cơ thuận tiện, nhiều người đã chép lại lịch sử cách mạng của ta từ đầu thế kỷ tới cuộc đại chiến vừa rồi. Trước sau được khoảng hai chục cuốn, nhưng tiếc thay, không có cuốn nào nói rõ về phòng trào Duy tân đầu tiên do cụ Lương văn Can [4] làm chủ động năm 1907. Thành thử, tới bây giờ chúng ta chỉ mới có cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục của Đào Trinh Nhất (Mai Lĩnh xuất bản năm 1938), mà trong cuốn này có lẽ vì tị hiềm [5] Đào quân không nhắc gì tới cụ Lương cả, gần như chỉ chuyên kể tiểu sử của cụ Nguyễn Quyền, một viên học giám, chứ không phải là thục trưởng của Nghĩa thục như hiểu người tưởng lầm [6].

Tôi may mắn được vào hàng con cháu một vị lão nho đã hoạt động cho Nghĩa thục, thường được nghe cụ kể lịch sử của Nghĩa thục nên được biết cuốn của Đào quân có nhiều chỗ sơ sót và mười sáu, mười bảy năm trước, tôi đã có ý đợi cuốn của Đào quân bán hết, sẽ viết một cuốn khác để bổ túc, song thời đó, sự “kỵ húy” còn quá nghiêm, có viết xong, xuất bản cũng khó, nên mãi đến ngày nay mới thực hành được ý muốn.

Tôi xin thưa ngay, cuốn sách nhỏ độc giả đương đọc đây không phải là một cuốn lịch sử, nó chỉ chứa những tài liệu về sử thôi. Tôi chưa dám chắc rằng những tài liệu tôi đưa ra đã đúng hết, vì ba lẽ:

Lẽ thứ nhất, cụ lão nho [7] đã kể chuyện Nghĩa thục cho tôi nghe là người trong cuộc - chính cụ dạy học và soạn sách cho trường, lại là con rể cụ Lương - nên sự nhận xét, phán đoán dù có công tâm tới mấy, cũng không sao tránh được đôi chỗ thiên lệch.

Lẽ thứ nhì là những việc cụ cho tôi biết đều do ký ức mà kể lại chứ không được ghi chép ngay từ khi mới xảy ra. Cụ rất cường ký nhưng dù nhớ dai tới đâu thì cũng phải quên nhiều chi tiết, nhất là những chi tiết về thời gian của những việc đã qua trên bốn chục năm rồi.

Lẽ thứ ba là tôi đã rán kiểm soát những lời của cụ, song chỉ kiểm soát được một phần nào thôi. Trong công việc kiểm soát ấy tôi dùng cuốn Ngục trung thư của cụ Phao Bội Châu (Đào Tính Nhất dịch và Tân Việt xuất bản năm 1950) làm căn bản vì tôi nghĩ những tài liệu trong cuốn đó có phần đúng hơn cả. Trước hết, cụ Phan rất thông minh và nhũn nhặn, tất nhớ nhiều và trọng sự thực, khi viết cuốn đó năm 1913, cụ mới 46 tuổi [8], tinh thần còn cường tráng, lại thêm, cụ chép những việc mới xảy ra mười năm trước (từ 1903)

thì tất phải ít sai [9].

Ngoài ra, tôi còn tham khảo nhiều sách khác của cụ Huỳnh Thúc Kháng, và các tác giả Thế Nguyên, Phương Hữu, Anh Minh... (coi bản kê tên ở cuối sách), song những tài liệu trong các cuốn đó nhiều khi mâu thuẫn nhau, và đáng tin hơn cả chỉ có cuối Thi tù tùng thoại của cụ Huynh Thúc Kháng và những cuốn của ông Anh Minh viết theo di cảo của cụ Phan Bội Châu.

Chủ ý của tôi là chép về Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng tôi nghĩ không thể tách riêng phong trào duy tân đó ra được mà phải đặt vào phong trào cách mạng của dân tộc trong 25 năm đầu thế kỷ, nên tôi đã ghi thêm - nhưng chỉ vắn tắt thôi - những vận động cách mạng trước và sau Đông Kinh Nghĩa Thục để độc giả hiểu rõ nguồn gốc và ảnh hưởng của nó.

Ba nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử cách mạng hồi đầu thế kỷ là cụ Lương văn Can (cụ cao niên hơn cả) cụ Phan Bội Châu và cụ Phai Châu Trinh, nhưng sở dĩ tôi chép tiểu sử cụ Lương nhiều hơn của hai cụ Phan chỉ vì tiểu sử của hai cụ này trong nước không ai không biết, còn đời sống cụ Lương thì chưa sách vào nhắc tới.

Lại có nhiều nhân vật phụ mà tôi chép lại dật sự cũng kỹ càng. [10] Như vậy có hai lỗi, một là mang tiếng thiên lệch, hai là làm mất tính cách nhất trí của sách, song tôi nghĩ đã không có ý viết một cuốn sử, chỉ có ghi chép tài liệu thì tôi có thể - mà cũng nên - ghi càng nhiều càng tốt, biết đâu ghi đấy, nhất là những tài liệu chưa ai nhắc tới mà có tính cách làm vui câu chuyện, lại giúp độc giả rõ thêm tâm trạng cùng cách làm việc của các cụ thời đó. Dám mong độc giả hiểu cho chỗ ấy mà lượng thứ.

Sài gòn ngày 9 tháng 9 năm 1955

Chú thích:

[1] Coi Đại cương Văn học sử Trung Quốc cuốn III của tác giả.

[2] Phan Huy Chú bỏ ra mười năm soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí, bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của ta, gồm 49 quyển được vua Tự Đức thưởng cho 30 lạng bạc, nhưng triều đình không hề nghĩ tới việc cho khắc và in bộ sách vĩ đại đó. Xưa đã vậy mà nay cũng vậy; nhà cầm quyền không biết quí trọng những công trình biên khảo lớn.

[3] Coi Nguyệt san Bông Lúa số 1 - Tháng bảy 1955, và Mấy vấn đề xây dựng văn hóa - Tao Đàn 1968.

[4] Tên cụ là Lương văn Can chứ không phải Lương Ngọc Can như một số người nhớ lầm.

[5] Đào quân là cháu rể cụ Lương.

[6] Hình như trong năm 1945 hay 1946, ở Hà Nội có xuất bản một cuốn nữa về Đông Kinh Nghĩa Thục, cuốn đó không thấy bán ở Nam Việt mà cũng không có tại Thư viện Nam Việt.

[7] Cụ lão nho, tác giả (NHL) viết như trên, tên thật là Nguyễn Côn (1882-1960) là bác ruột tác giả. Sau năm 1908 ông ngụ ở Đồng Tháp Mười, sau dời qua Long Xuyên.

[8] Cụ sinh năm 1867 (Đinh Mão). Ta nên tính tuổi theo người Âu, hợp lý hơn, nên đến năm 1913, cụ 46 tuổi.

[9] Tuy nhiên, sách của cụ cũng chưa đáng tin hẳn, thì thỉnh thoảng có chỗ mâu thuẫn chẳng hạn Ngục trung thư trang 15, cụ viết: “Đến năm tôingoài 30 tuổi, đảng Cần vương khắp trong nước nối nhau vỡ lở tan tành, chỉ còn sót lại một mình cụ Phan Đình Phùng. Nhưng năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6, cụ mất”. Năm cụ ngoài 30 tuổi, dù tính theo tuổi ta như cụ, thì ít nhất cũng là năm 1896 hay 1897. Cụ Phan Đình Phùng mất năm Giáp Ngọ tức năm 1895 thì sao năm 1896 lại còn “sót lại” ở La Sơn được? Không biết có phải Đào quân dịch sai không?

[10] Chúng ta phân biệt chính và phụ cho dễ nói, chứ thực ra, trong công cuộc cách mạng, lòng nhiệt thành và trong sạch ngang nhau thì có ai là phụ, ai là chính. Chẳng qua mỗi cụ đều tùy khả năng của mình mà giúp nước, miễn thành công là vui, chứ không hề nghĩ tới nhiệm vụ chính hay phụ.