Chương 1

Hiện lên, hiện lên, từng nếp nhăn trên mặt mi, từng sợi tóc trên đầu mi, cả những góc khuất thâm u trong tâm hồn chưa có ánh sáng nào rọi tới

(Bài ca người thợ ảnh trong buồng tối)

Y chồm dậy, và chỉ trong chớp mắt, đã nhảy phốc tới bên chiếc giá sách kê sát tường. Cái động tác bất thường này hơi thiếu chính xác, khiến y phải quờ hai tay ra phía trước, đề phòng một sự va chạm mạnh. Rất may điều đó không xảy ra. Đêm vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Y khẽ xoay người qua một bên, đầu óc đã bớt quay cuồng. Giấc ngủ được rũ bỏ. Các giác quan theo nhau hoạt động trở lại. Những cái gáy sách ram ráp, ngưa ngứa cọ vào một bên tai, một bên má. Mùi hôi hôi của cứt gián, mùi khô ráo của bụi bặm len lỏi vào trong hai cánh mũi mở rộng. Tất cả những dây thần kinh ở trong người căng hết lên để nghe ngóng Từ trong sự tĩnh mịch sâu thẳm của bóng tối, sâu thẳm của cõi chết, sự sống của chiếc đồng hồ đã được hồi phục qua tiếng động cựa mơ hồ, đứt quãng, tích tắc, tích tắc, giống như sự hồi phục của một trái tim khốn khổ sau cơn nhồi máu. Tích tắc - tích tắc. Nhịp đập cơ khí đều đặn, mạch lạc dần. Vậy là nó chưa chết, cái đồng hồ báo thức của ỵ Bây giờ không chỉ có tiếng đồng hồ chạy. Trống ngực y cũng bắt đầu khua gõ của cả hai quả tim, một của người, một của đồ vật, trộn lẫn vào nhau, nương tựa lẫn nhau, hối hả, vang động, tràn ngập trong căn phòng tối đen.

II

Câu chuyện có lẽ được bắt đầu từ một buổi sáng cách đây khá lâu. Dạo ấy y còn công tác ở Tổng cục H. ngoài Hà Nội. Buổi sáng ở cơ quan mở đầu có vẻ như vô sự, nếu sau ít phút không có hồi chuông điện thoại bất ngờ đổ dồn. Y nhấc máy, theo thói quen, sẵng giọng:

- Ai?

- Cậu đấy à? - Đầu máy bên kia vang lên một giọng đàn bà khàn khàn đầy vẻ giễu cợt.

Bà gác cổng khu tập thể! Một bà cô gần năm mươi tuổi, không chồng ngang ngược và đồng bóng, ngay đến Tổng cục trưởng cũng phải gờm, chứ đừng nói gì loại cán bộ tép như ỵ Y nhận ra thế và vội vàng đổi giọng:

- Có việc gì đấy, bà chị?

- Báo cho cậu biết, liệu mà thu xếp về! K. vừa phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.

Cúp máy. Y chợt thấy nhẹ bỗng cả người. Có vẻ như vô lý, nhưng quả thật, đấy là trạng thái tinh thần vụt thoáng trong khoảnh khắc đầu tiên sau khi nhận được hung tin.

Căn phòng mười mét vuông trong khu tập thể, y ở chung với K., hai chiếc giường cá nhân, một góc đun nấu suốt ngày sực nức mùi dầu hỏa, mùi bụi bặm và đủ thứ mùi lưu cữu khác. K. là bạn đồng nghiệp của y, một gã đàn ông khù khờ, tốt bụng và nghèo khổ. Anh ta rất ít nói, cái dáng đi càng lạ lùng, vật vờ, thất thểu ngoài sân khu tập thể. Một người giàu lòng trắc ẩn sẽ phải thót tim lại mỗi khi nhìn thấy K. đi. Đấy không phải là bước chân của co người trên mặt đất bằng. Đấy là sự chuyển động thập thõm của một thứ hình nhân, bất kỳ lúc nào cũng có thể đổ lăn kềnh. Cái bóng ấy lang thang, chập chờn nhưng quyết không chịu đổ qua cửa những căn phòng mỗi buổi tối, rình cơ hội để sà vào, định vị rất lâu bên một hội chơi bài, một cuộc tụ tập chuyện phiếm, tiêu thụ ké rất nhiều thuốc lào và nước trà Đã bảo là K. rất nghèo khổ. Y chẳng giàu có gì đã đành, nhưng K. còn tệ hơn, vì anh ta đông con. Cái ổ chó cái lẫn chó con lúc nhúc mãi tận quê xa - K. vẫn âu yếm gọi vợ con như vậy, vừa âu yếm vừa hằn học - chưa lúc nào chịu buông tha K.. Mỗi tuần anh ta phải đạp xe vã năm chục cây số về quê thăm vợ một lần, để chu cấp tiền nong và vỗ về tình cảm. Chính vì vậy, ở tập thể, ăn chung với y, K. đã xung phong nhận làm chân kế toán. Nghĩa là phải ghi chép, tính toán các khoản chi tiêu của cả hai người cho mấy bữa ăn hàng ngày. Chiều chiều, cơm nước xong, K. ngồi thu lu bên bàn, quyển sổ mở trước mặt, nghiền ngẫm từng xu đong gạo, mua dầu, gói tăm, quả ớt để rồi cuối tháng tổng kết, K. lại dứt tóc gãi tai, nhăn nhó cười: Tháng này mình lại âm, để mình thong thả chi bù tháng sau

Bù tháng sau, bù tháng sau! Cái điệp khúc không thay đổi từ tháng này qua tháng khác, quen nhờn đến nỗi, có lúc y chợt giật mình, ngờ ngợ như bị K. cho ăn quả lừa.

Có lẽ vì thế chăng, vì thế nên bây giờ y tâng tâng đạp xe ra chợ? Buổi sáng chưa kịp ăn gì. Lúc dắt xe đi làm, vẫn thấy K. còn nằm trong màn. Nhưng dù K. có dậy sớm đi nữa thì cả hai cũng không có lệ cùng nhau ăn sáng Bây giờ, y sẽ mua hẳn một cái lưỡi lợn. Y rất khoái ăn lưỡi, chết thèm chết nhạt vì món lưỡi từ bao lâu naỵ Không phải y không đủ tiền để ăn, mà chỉ vì sự bất tiện của phương thức ăn chung. Ăn chung với ai đã đành, đằng này lại với một ông luôn luôn mang dấu âm khi tổng kết!

Một mình với cả một cái lưỡi lợn luộc bốc khói, thơm nhức răng. Mấy đồng bạc rượu trắng càng làm tăng thêm sự bằng lòng cho kẻ vừa bất ngờ được hưởng trọn nền độc lập. Vừa vặn, sạch sẽ, hệt tác phong ăn uống của người Đức! Mồ hôi tháo đầm đìa, chảy từng dòng buồn buồn dễ chịu trong tóc, trên sống lưng. Tắm? Cần phải thế?

Xong xuôi tất cả mọi thủ tục để đạt tới sự cực khoái của Kim Thánh Thán - Nhấm nháp món lưỡi, vùng vẫy, thở phì phì trong buồng tắm dưới vòi nước lạnh - trở về phòng lau khô người, y mới chợt nhớ tới giờ giấc phải đến bệnh viện. Một giờ kém năm. Y giật mình, nhưng rồi nhận ra ngay chiếc đồng hồ báo thức của K. đã chết ngoẻo từ bao giờ (cho tới lúc này, chiếc đồng hồ vẫn còn là của K. để ngay ngắn trên mặt hòm kê đầu giường chủ nhân). Nhìn chăm chú vào những chiếc kim bất động, y lại sực nhớ: thảo nào hai giờ sáng hôm nay không nghe chuông réo như mọi lần. Mọi ngày, cứ đúng vào giờ ấy, cái đồ thổ tả này lại kêu ré lên. Nó, cái đồng hồ ấy, vốn là quà tặng của một người bạn K. khi đi Tây về, đã cũ, giống như một kẻ hư hỏng và phóng đãng. Lúc ấy thì lồng lên như ngựa, lúc thì dừng hẳn lại lấy sức để sau đó chạy tiếp. Nhưng thế cũng chưa đáng ghét bằng, cứ đúng vào lúc hai giờ sáng, chuông báo thức lại hét lên một hồi. Tiếng kim khí va chạm giòn giã, đắc thắng, bất chợt vang lên trong đêm tĩnh lặng, đến người chết cũng phải giật mình nhỏm dậy, chứ đừng nói gì người sống. Y bực bõ, thắc mắc rất nhiều lần về chuyện đồng hồ. Nhưng K. chỉ cười buồn bã, không một lời giải thích, khuôn mặt khờ khạo hơi tái đi. Rốt cuộc đâu lại hoàn đó: hai giờ sáng, cái đồng hồ cất tiếng gáy.

Nhưng sáng nay, đúng vào giờ dó, y tỉnh dậy không phải vì tiếng chuông đồng hồ. Yên tĩnh tuyệt đối. Y nhỏm hẳn dậy để nhòm sang giường bên kia. Mờ mờ trong ánh điện hắt qua cửa sổ, tấm màn buông kín khẽ lay động. Lẽ ra như mọi lần, K. đã phải ngồi dậy sau tiếng chuông reo, khục khặc ho, quờ chân tìm dép và rón rén đi ra ngoài

Ở bệnh viện. Trong phòng cấp cứu hồi sức.

K. nằm duỗi dài trên chiếc giường trải nệm trắng. mắt nhắm nghiền, da mặt vàng xỉn như màu đất sét. Những vết bã chè, tàn nhang nổi hằn lên một cách kỳ lạ Ở hai bên thái dương, trên lớp da đầu mỏng và thưa thớt những sợi tóc mềm rũ.

- Anh là thân nhân của người bệnh?

- Dạ - Y ấp úng, tránh cái nhìn dò xét của ông bác sĩ. Ông ta tự giới thiệu là Trưởng khoa, có chân trong Hội huyết học, rồi trịnh trọng tuyên bố:

- Hồng cầu đột ngột tụt xuống mức một triệu bảy. Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: một, giun đũa xơi hồng cầu; hai, suy tuỷ; ba, ung thư máu. May phúc cho anh chàng này nếu anh ta rơi vào trường hợp đầu. Hai trường hợp sau

- Không có loại thuốc nào có thể?

- Vấn đề hiện nay chưa phải là thuốc. Vấn đề là máu tươi, anh bạn ạ. Tôi nhắc lại: máu tươi! Thứ này bây giờ thật hiếm - Ông bác sĩ nhếch miệng cười thâm thúy Khủng hoảng thiếu, trong phạm vi toàn xã hội.

Cô nàng hộ lý đứng bên cạnh ông bác sĩ một ả to béo phốp pháp, mặt lấm tấm những nốt trứng cá đỏ, nãy giờ vẫn hau háu nhìn y liền bước hẳn lên một bước.

- Anh thử bàn bạc với cái công đoàn nhà anh, xem có ông bà nào tình nguyện đến đây cho máu? Nếu không cô nàng mủm mỉm liếc nhìn ông bác sĩ liền bị Ông này véo cho một cái vào đùi giãy nảy Nếu không em cho! Chỉ có điều em thuộc nhóm máu dê không biết ông bạn lẻo khẻo của anh có đủ đô không?

Ả cười khanh khách, đôi mắt lúng liếc, bộ ngực nở căng dưới lần áo blu trắng.

Ngay buổi trưa, y đạp xe trở lại cơ quan để thông báo tình hình và đề xuất phương án: điện khẩn về nhà quê cho vợ K.

Hai ngày sau, người vợ bất hạnh xuất hiện trong sân khu tập thể, với một chiếc lồng nhốt hai con gà sống thiến và một thằng bé như cái dải khoai bám lẵng nhẵng bên sườn. Ngay tối hôm đó y hăm hở xông đến nhà riêng ông bác sĩ thành viên hội Máu đàm phán quyết liệt với ông về vấn đề máu tươi, trong tiếng yểm trợ quang quác của hai chú gà sống thiến nằm chực ngoài cửa. Hai ca mổ trong bệnh viện sau đó phải đình lại, để dành máu chuyển qua cho K. Tuy nhiên, đấy chỉ là cách giải quyết tạm bợ. Máu tươi, dù xét theo quan điểm y học, trước hết vẫn cứ là hàng hoá phải mua bằng tiền. Người vợ khốn khổ của K. không giết ai ra tiền, khi món hàng này theo thời giá bấy giờ là mười ngàn đồng một lít