Cuối cùng tôi cũng lấy được Hà. Ngày cưới tôi như người mộng dụ Tôi ôm trong người niềm hạnh phúc quá bề bộn. Hà như một ngôi sao lấp lánh trên bầu trời và tôi như một đứa trẻ nhiều mộng mơ đã bất thần giơ tay nắm bắt được vật trân quý đó. Tiếng pháo nổ, tiếng người cười nói, những lời chúc mừng, tiếng ly tách chén đĩa rổn rảng chung quanh nghe lãng đãng mơ hồ. Chỉ có niềm vui trong tôi hiển hiện rõ ràng. Tôi đã cưới được người tôi yêu thương nhất đời.
Đêm tân hôn khi chỉ còn tôi và Hà trong căn phòng cưới toàn một màu hồng ấm cúng tôi vụng về luống cuống chẳng biết phải làm gì. Hà ngồi co người trong một góc giường, mặt buồn rầu, hai tay vân vê tà áo cưới trắng toát, đầu cúi gằm xuống, mắt nhìn chăm chăm xuống tấm khăn trải giường màu hồng nhạt. Tôi cố gắng lấy vẻ tự nhiên tới vuốt mái tóc bới cao của nàng. Mái tóc của cô dâu trong ngày cưới. Thường ngày tóc Hà bỏ xõa xuống ngang lưng, mềm mại, thơm tho, mát dịu. Hà hất tay tôi ra. Mạnh mẽ và cương quyết. Tôi càng thêm bối rối. Tôi bước ra phía cửa sổ nhìn ra ngoài đường. Trời mưa rả rích. Một chiếc xích lô đạp với người phu xe đầu đội chiếc mũ rộng vành, người khoác một tấm vải nhựa của quân đội cũ kỹ nhàu nát đang lặng lẽ lướt quạ Ánh đèn đường vàng vọt yếu đuối soi bóng xuống con đường ướt át. Tôi hỏi thầm trong bụng. Mình đang là chú rể mới cưới trong đêm tân hôn đây sao? Tôi quay nhìn vào chiếc giường hợp cẩn. Hà vẫn ngồi yên bất động. Như một bức tượng lạnh ngắt. Tôi mạnh dạn lên tiếng bảo Hà vào phòng tắm trước đi. Rồi tôi qua đứng ở một chiếc cửa sổ khác. Cây đu đủ trong vườn nhà bên cạnh co mình hứng những hạt nước mưa rả rích. Tôi nhìn thấy dáng Hà nơi cây đu đủ tội nghiệp đó. Tôi quay lại dục Hà vào phòng tắm. Lần này Hà đứng dậy mở va li lấy quần áo ngủ. Tôi thấy tất cả miễn cưỡng trong dáng đi của Hà. Cửa phòng tắm đóng lại gây một tiếng động khô khan. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tình thế đã nhúc nhích. Nếu Hà cứ bướng bỉnh ngồi yên trên giường tôi không biết sẽ phải làm sao. Con gái Việt Nam lạ thật. Cứ như một khối pha lê dễ vỡ. Tôi tự nhủ sẽ phải rất nhẹ taỵ Tôi thấy mình hạnh phúc. Thật hạnh phúc.
Ánh đèn sáng trắng từ trong nhà tắm đổ ra giữa sàn nhà khi Hà mở cửa bước ra. Trước mắt tôi là một Hà tươi mát nhỏ nhắn như một con mèo trắng muốt mềm mại. Tôi ngây ngất nhìn với trái tim nhảy cuống quít trong lồng ngực. Vợ tôi. Bây giờ tôi mới cảm được hình ảnh thân thương của một người vợ. Tôi nhào tới ôm lay Hà. Nàng khéo léo trườn khỏi tay tôi. Mái tóc đen nhánh rũ xuống lướt ngang mặt tôi bay thẳng tới giường. Rồi cả người Hà rung lên với những tiếng khóc tức tưởi bị chiếc đầu gối của Hà ngồi co lên chặn lại. Tôi đứng như trời trồng. Phải làm sao bây giờ? Tôi lại tự nhủ. Phải hết sức từ tốn. Thật là một cố gắng vất vả nơi một con người năng động như tôi. Tôi bỏ vào phòng tắm. Tôi chậm chạp trong mọi cử động cố gắng kéo dài thời gian để cho cho Hà qua cơn xúc động. Lúc tôi trở ra Hà vẫn ngồi trên giường mặt đẫm nước mắt. Tôi nhẹ tay quệt những giọt nước mắt trên má nàng. Hà để yên. Tôi vuốt ve đôi môi nàng. Hà nhẹ nhàng kéo tay tôi ra. Tôi bảo nàng nằm xuống ngủ. Nàng ngoan ngoãn nghe theo. Đôi mắt nàng bất động nhìn tôi. Nửa như sợ hãi nửa như đề phòng. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt thất thần này nơi những con thú sắp bị làm thịt nơi quán thịt rừng. Ông bạn chắc có nhậu tại quán thịt rừng ở Biên Hòa rồi chứ? Tôi có tới đó nhiều lần với mấy tên bạn Việt Nam. Những thú rừng nhốt trong chuồng bị khách nhậu chỉ tay chọn lựa đều có ánh mắt thất thần đến lạnh người. Hà của tôi cũng thất thần tội nghiệp như vậy. Tôi cởi chiếc áo choàng tắm khoác trên người ra để leo lên giường ngủ. Hà run lên khi thấy thân thể tôi. Nàng nhắm mắt, úp mặt xuống gối, hai tay kẹp chặt vào đùi, hai chân co lên, hai bàn chân bám chặt vào nhau. Tôi lại tự nhủ. Đây là vợ mày, John ạ! Ba ngày sau tôi mới biết Hà còn thanh tân.
Tôi kể cho ông bạn nghe tỉ mỉ như vậy vì đó là những ngày đẹp nhất đời tôi. Chẳng có cách gì làm tôi quên được. Bây giờ ông bạn đang ở Mỹ chắc ông bạn mới cảm thông được nỗi sung sướng của tôi. Làm sao mà tôi có thể cưới được một người vợ trinh trắng như vậy ở xứ sở này. Hồi còn đi học tôi thiếu gì bạn gái. Mà con gái ở bên này mình chưa mở miệng dụ chúng lên giường chúng đã leo tót lên trước mình rồi. Tôi có thể tự đặt mình vào loại khá đẹp trai, ăn nói hoạt bát duyên dáng, lại thêm chút tài vặt vẽ chân dung rất tới. Làm gì mà con gái không mệ Cứ đưa về nhà vẽ chân dung là xong tuốt.
Cuộc sống ở bên này, như ông bạn thấy đó, đầy đủ và dễ dãi quá nên dễ làm cho người ta nhàm chán. Tôi học xong trung học tự nhiên đâm lười, đi làm qua quít, ăn chơi thả dàn. Đủ mùi, đủ mục, đủ loại bồ bịch. Lúc đó cuộc chiến Việt Nam đang hồi khốc liệt, số quân Mỹ tham chiến càng ngày càng tăng. Tôi chán ăn chơi, chán cả cuộc sống đều đặn buồn nản, lại thêm máu phiêu lưu nổi lên, tôi tình nguyện đi lính rồi tình nguyện qua Việt Nam. Mấy đứa bạn trời đánh của tôi chửi tôi biết mấy. Giữa lúc chúng nó biểu tình phản chiến, trốn quân dịch, đốt thẻ trưng binh, thì tôi lừng lững tình nguyện xông vào cuộc chiến.
Tiểu đoàn tôi đóng quân tại một quận lỵ nhỏ cách Saigon hơn một trăm dặm. Phong cảnh đồng quê Việt Nam trông thật lạ mắt. Những cánh đồng lúa nhỏ như một vuông khăn bị bao vây bằng những bờ đất mỏng manh, những chiếc ao chút xíu êm đềm phẳng lặng, những rặng tre rậm rạp khấp khểnh, những con đường đất mấp mô chạy vòng vòng khép nép, những chú trâu đen bóng tư lự đứng gặm cỏ... Cảnh như vậy trông thấy chỉ muốn vẽ. Nhưng trời nóng quá, cái nóng lạ lùng uống bao nhiêu nước mà người cũng vẫn hừng hực như ngồi cạnh lửa. Còn bụi bậm nữa, sống cả đời trong những lớp bụi như vậy chắc phải có hai lá phổi loại thiệt tốt. Người bứt rứt khó chịu mất cả hứng. Nhưng dù có hứng cũng đành chịu. Hành quân liên miên. Tôi đụng đầu với chiến tranh thực thụ chứ không phải thứ chiến tranh giả tạo trong phim ảnh hay thứ chiến tranh hiền khô trong quân trường. Cái chết ẩn nấp rình rập chung quanh. Chết dễ dàng như ngủ. Tôi thực sự sợ hãi. Xác bạn bè, xác địch quân, xác những người dân vô tội, xác người già, xác phụ nữ, xác trẻ em. Ở nước tôi an bình quá, một xác người nằm xuống là một biến cố. Ở đây xác người lềnh khênh. Ai cũng có thể chết được. Tôi thấy đời sống quá mỏng manh. Sống đó, chết đó. Tôi đâm ra hối hả ôm lấy cuộc sống từng ngày. Biết đâu đêm nay, biết đâu ngày mai mình cũng nằm bất động như những cái xác im lìm kia. Mỗi dịp được nghỉ phép về Saigon tôi ăn chơi thả cửa. Lần nào cũng có thể là lần cuối cùng. Tôi ngụp lặn trong rượu, trong tay của những vũ nữ, chiêu đãi viên và gái ăn sương. Có bao nhiêu tiền tiêu cho hết. Biết rằng phí phạm nhưng chắc đâu còn được tiêu nữa. Lũ con gái làm tiền rỉa rói tới cạn túi. Ông bạn còn nhớ cái mà người ta gọi là "Saigon tea" không? Tôi đổ biết bao nhiêu tiền vào đó. Sáng ra tỉnh rượu nhìn những đứa con gái nhễ nhại thô bỉ mới thấy chán nản. Vậy mà lần về phép nào cũng vậy. Chẳng thoát ra được. Tôi trốn chạy cuộc sống nhàm chán ở Mỹ để rơi vào cuộc sống phi lý ở một vùng đất xa lạ. Nhiều lúc tôi như muốn phát điên phát khùng.
Tôi nói vậy chắc ông bạn bực mình? Ông bạn chắc chẳng thoát khỏi bộ quần áo nhà binh. Nhưng người Việt Nam các ông chiến đấu để giữ nước, giữ nhà, bảo vệ cho những người thân, cho đồng bào ruột thịt của các ông thì lại khác. Các ông có một chút gì dựa vào để bóp cò súng mà cái đầu không lộn xộn nổi loạn. Tôi thì sợ hãi và chán chường với cuộc chơi chẳng có gì thú vị muốn rút ra mà không có cách gì được. Vậy mà đời tôi cũng không đến nỗi nào. Đùng một cái viên tiểu đoàn trưởng của tôi được điều về làm việc ở Saigon, thấy tôi nhanh nhẹn tháo vát liền kéo tôi về theo.
Tôi gặp Hà trong thời gian này. Nơi tôi làm việc là một biệt thự cổ kiểu Pháp. Một kiến trúc bề thế nằm giữa một khu vườn mênh mông có những luống hoa muôn màu, có những lối đi trải sạn, có những cánh hoa đỏ hồng viền theo bờ tường và nhất là có những cây me cổ thụ tàn lá vươn tới sát cửa sổ phòng tôi trên lầu. Mùa thu khi lá me trở vàng rơi lả tả theo những cơn gió là những lúc tôi lặng đứng trong phòng nhìn cảnh vật mà lòng cảm thấy lâng lâng ngây ngất. Và tôi đã nhìn thấy Hà lần đầu tiên trong cái khung cảnh mê hồn đó. Nàng mặc chiếc áo dài màu vàng nhạt, tóc đen nhánh thả xuống sát vai, chiếc quần trắng buông kín đôi dép ôm những ngón chân nhỏ xíu trắng hồng. Dáng đi nàng lanh chanh như một chú chim ưa nhảy nhót. Mặt nàng hơi nghếch qua bên trái dường
như muốn giúp cho cánh tay hay giơ lên vuốt tóc khỏi phải với cao. Hai vạt áo dài trốn gió quấn quít quanh đôi chân kín đáo nhịp nhàng. Tôi lặng người trước nét đẹp có thật trước mắt. Người như vậy, cảnh như vậy, những ngón tay đã từng cầm cọ lẽ nào không nhúc nhích. Bức tranh được vẽ với tất cả đam mê thích thú.
Truy tầm tung tích một người đẹp trong một tòa nhà trên dưới trăm người chẳng phải là chuyện mò kim đáy biển. Trước giờ làm, tôi đặt bức tranh gói trong giấy hoa rất mỹ thuật trên bàn làm việc của nhân vật trong tranh. Dĩ nhiên tôi không quên kèm theo tấm thiệp tên tôi với lời đề tặng. Cuối ngày tôi mon men lại gần và nhận được một nụ cười cám ơn. Nụ cười đó dính cứng trên một bức vẽ chân dung tươi mát và linh động. Bức vẽ thứ hai này làm người đẹp cảm động và bối rối không ít. Tôi thừa thắng xông lên lấy lòng người đẹp bằng món quà son phấn nước hoa mà người con gái nào cũng thích. Nhưng Hà không giống bất cứ người con gái nào. Nàng từ chối không lấy. Tôi cảm thấy bẽ bàng nhưng càng say mê nàng hơn. Và tôi đã chơi trò ăn gian. Lúc đó một chiếc ti vi là ước mơ của mỗi gia đình Việt Nam. Tôi làm như tình cờ nói với nàng là trong PX mới về một số ti vi bán cho mỗi người một cái với giá rẻ. Tôi bảo nàng là tôi có rồi nhưng bỏ phần của mình thì uổng quá nên nếu nàng thuận thì tôi sẽ mua dùm. Hàng ở PX bán cho GI giá đã rẻ mà tôi lại cho nàng cái giá chỉ bằng nửa giá đó. Nàng lưỡng lự một hồi rồi hẹn sẽ trả lời tôi ngày hôm sau. Sáng sớm hôm sau nàng tìm tôi đưa một xấp đô la đỏ nhờ muạ Tôi nhận tiền mà không khỏi thầm trách mình. Tôi đã quăng ra miếng mồi quá lớn khiến con cá tội nghiệp chẳng thể làm ngơ được. Nhưng tôi tự bào chữa là bởi vì tôi thực sự thương yêu nàng nên mới hành động như vậy. Tôi hẹn ngày hôm sau sẽ đi mua và chở thẳng đến nhà nàng cho tiện. Nàng khựng lại bối rối. Rồi như thấy chẳng có cách nào khác hơn, nàng lúng túng ghi cho tôi địa chỉ. Tôi như mở cờ trong bụng. Tối hôm sau tôi mang ti vi tới nhà nàng không quên mua một hộp kẹo vừa lớn vừa đẹp tặng cha mẹ nàng. Dĩ nhiên họ không từ chối. Trong PX có thiếu chi mặt hàng mà người Việt Nam nào cũng ưa. Thế là tôi lui tới nhà Hà hầu như mỗi tuần. Lần nào cũng có một món quà hấp dẫn. Và lần nào cũng được mời ăn cơm Việt Nam. Riết rồi cả nhà coi tôi như người nhà. Các em Hà thì khỏi nói. Có món đồ chơi nào mà không làm ngơi lên những ánh mắt sung sướng. Chỉ có Hà vẫn giữ vẻ lạnh nhạt xa cách. Tôi hơi buồn nhưng bằng mọi cách tôi phải chiếm được người tôi thương.
Này, ông bạn loay hoay gì ở trong đầu vậy? Nhìn cặp mắt ông bạn, tôi biết ông bạn đang nghĩ xấu về tôi. Quả thực tôi đã hành động như một người biển lận. Tôi đã dùng tiền bạc, dùng quyền lợi vật chất để mong chiếm đoạt được Hà. Những tủ lạnh, ti vi, máy hát, quạt máy, kẹo bánh... đối với tôi chẳng là gì cả nhưng đối với gia đình Hà lại là cả một ước mơ không dễ mỗi lúc mà có được. Lời lãi của tôi là Hà. Tôi hẳn nhiên là một tên trí trá. Nhưng tôi yêu Hà thực tình. Điều đó có đáng được coi như một sự giảm khinh không? Khi tôi hỏi cưới Hà thì cha mẹ nàng bối rối hẹn sẽ trả lời sau. Một tuần trôi qua, tôi thấy Hà hốc hác hẳn đi. Nàng cố tránh không gặp mặt tôi. Tôi thấy thương nàng quá. Tôi nhớ rõ một ngày chủ nhật sau đó, cha mẹ Hà trả lời bằng lòng. Chắc ông bạn cũng thừa biết là tôi sung sướng đến thế nào. Nhưng Hà của tôi sao mà tiều tụy quá. Tôi cảm thấy bất nhẫn nhưng tự khỏa lấp niềm ân hận bằng hy vọng rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Hà theo tôi về Mỹ. Nàng khóc như mưa trong những ngày đầu xa quê hương. Thứ mưa rả rích dai dẳng ngày nọ qua ngày kia. Tình gia đình của người Việt Nam như một thứ keo tốt. Nó làm cho từ ông bà, cha mẹ tới con cái, anh chị em, thậm chí cả những ông chú, ông cậu, bà thím, bà dì dính chặt vào với nhau. Khi Hà bị bứng ra khỏi khối keo sơn đó, nàng thấy hụt hẫng, chới với. Tình quê hương của Hà mặn nồng lạ lùng. Có lẽ nàng tha thiết với từng cọng cỏ ở Việt Nam không chừng. Tôi nghiệm ra là con người ở một xứ càng cằn cỗi đói nghèo thì hình như càng đậm đà nỗi nhớ quê hương hơn. Sự thiếu thốn như một chất men làm dậy lên lòng yêu đất nước. Còn như tôi, dân của một xứ sở giàu có thênh thang thì tình quê hương lại nhạt nhẽo vô vị. Tôi có lăn lóc khắp chân trời góc biển cũng chẳng có được một phần nhỏ nỗi nhớ của Hà. Tôi vỗ về an ủi thế nào Hà của tôi vẫn ủ rũ như tàu lá đu đủ co mình dưới cơn mưa bên vườn nhà bên cạnh trong đêm tân hôn của tôi. Tôi ra sức chiều chuộng Hà để bù đắp lại những mất mát của nàng.
Nhưng nỗi mất mát lớn lao nhất lại ụp xuống phũ phàng như một cơn lốc. Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản miền bắc. Hà như người để quên tâm trí ở miền đất nước tội nghiệp đó. Nàng ngơ ngẩn mất hồn. Tôi cũng nao nao trong dạ. Tôi đã vào sinh ra tử trong lửa đạn, bạn bè tôi có đứa đổ máu, có đứa thương tật, có đứa trở về ngây ngây dại dại, có đứa mất tích trong chiến tranh, có đứa gục ngã để gìn giữ vùng đất đó. Vậy mà lại có những giờ phút mất mát tận cùng này sao? Cái đầu tôi có suy nghĩ tới bể đôi ra cũng chẳng hiểu được sự thật thậm phi lý này. Đám người Việt nhanh chân chạy thoát khỏi tấm lưới Cộng Sản lần lượt đặt chân tới khắp các tiểu bang. Thành phố nơi tôi ở cũng có bóng dáng người Việt. Hà lăng xăng tìm tới những người đồng hương giúp đỡ, chỉ dẫn cho họ trong bước đầu của cuộc sống mới. Sống có bè bạn cùng xứ sở, có tiếng nói quê hương, Hà trở thành một con người khác. Trẻ trung hơn, hoạt bát hơn, yêu đời hơn. Rồi những đợt thuyền nhân liên tiếp tới định cư ở thành phố làm cho cộng đồng người Việt càng ngày càng đông đảo. Những tiệm ăn Việt Nam bắt đầu xuất hiện. Hà kéo tôi đi ăn những món ăn quê hương với niềm thích thú lạ thường. Ông bạn có biết tôi khoái nhất món gì không? Phở. Ngày trước ở Việt Nam tôi đã từng mê món này, nay gặp lại như gặp cố trị Vợ chồng tôi tìm lại được những tháng ngày Saigon.
Một thời gian sau Hà đề nghị mở một tiệm bán thực phẩm Việt Nam. Lúc đó tôi đang làm nghề chào hàng máy hút bụi và máy nghe cho người điếc. Công việc của tôi khá phát đạt. Ông bạn nói sao? Hai thứ đó có liên quan tới nhau hả? Ông bạn nói rỡn phải không? Đâu có phải hút bụi bằng máy của tôi thì thể nào cũng điếc tai. Để tôi kể tiếp cho ông bạn nghe. Tôi thực sự không muốn bỏ nghề và cũng không muốn Hà phải vất vả bán buôn. Nhưng Hà nhất quyết đòi mở tiệm để ngày ngày gần gũi người đồng hương. Tôi đành phải chiều ý nàng.
Tiệm khá đắt hàng. Khách ra vào tấp nập. Hà tươi tỉnh và thoải mái với những khách hàng nói tiếng mẹ đẻ. Tôi cũng tập tành nói được ít câu tiếng Việt xã giao. Cuộc sống thật êm đềm thú vị. Nhưng chỉ được ít năm. Tới khi Hà có những lúc tư lự ít nói ít cười lại hay lơ đãng quên trước quên sau. Nàng như có chuyện gì suy nghĩ cực khổ lắm. Tính tôi ít để ý tới những chuyện lặt vặt mà cũng thấy nét lao lung trên mặt Hà. Tôi có gạn hỏi thì nàng gạt đi bảo không có chuyện gì cả. Tôi tế nhị tôn trọng sự yên lặng của nàng. Tới một ngày tôi sững sờ đọc được mảnh giấy nàng viết cho tôi kẹp trong một cuốn sách trên giường ngủ. Nàng đã bỏ đi. Hà bảo tôi đừng mất công tìm kiếm nàng.
Tôi vẫn mở cửa tiệm để ngày nàng trở lại vẫn có nơi ngày ngày gặp gỡ đồng hương. Nhưng biết bao giờ mới có cái ngày quí giá đó. Ông bạn nghĩ sao? Hà có trở về lại với tôi không?
2.
Khi John hỏi cưới tôi, tôi không ngạc nhiên nhưng vô cùng hốt hoảng. John như một con nhện giăng tơ chằng chịt chung quanh con mồi là tôi không để hở một lối thoát nào cả. Khởi đầu là lỗi của tôi. Nếu bữa John đề nghị mua dùm chiếc ti vi tôi gạt phắt đi là xong. Chẳng còn dây mơ rễ má gì nữa. Chẳng phải là vì tôi tiếc một món đồ giá rẻ mà là vì tôi nghĩ tới niềm vui của cha mẹ tôi có trong tay chiếc máy mà ông bà hằng ao ước, nghĩ thương bày em tối tối rủ nhau đi coi ti vi ké bên nhà hàng xóm bị mắng lên đuổi xuống mà vẫn phải lì lợm chen chúc ngồi coi cho bằng được. Quả thực chiếc ti vi đã nâng gia đình tôi lên một nấc "danh vọng" với hàng xóm láng giềng. Trong con đường hẻm quanh co tíu tít giữa một xóm lao động nghèo hèn người ta nhìn vào nhau, kèn cựa nhau từng chút một. Nhà này có cái gì thì nhà kia cũng phải có cho bằng được. Không ai muốn mình bị thua sút cả. Cha mẹ tôi cũng không ra khỏi cái vòng quẩn quanh đó.
Gia đình tôi không phải dân Saigon chính gốc. Khi tôi được mươi hai tuổi gia đình mới dọn tới con hẻm này. Chiến tranh đã đẩy chúng tôi từ bỏ vườn tược ruộng đồng lếch thếch kéo nhau lên thành phố. Cha mẹ tôi phải chật vật vất vả mới nuôi được bày con năm đứa mà tôi là lớn nhất. Nhiều khi tôi muốn bỏ học ngang ở nhà giúp đỡ cha mẹ nhưng ông bà ngăn cản bắt tôi phải học tới nơi tới chốn cho các em bắt chước theo. Tôi chẳng hiểu tới nơi tới chốn là tới đâu nhưng tôi nghĩ trong tưởng tượng của cha mẹ tôi cái bằng tú tài đã là một cái đích rực rỡ lắm rồi. Tôi bỏ nhiều thời giờ chăm chỉ học hành nhưng vẫn vô duyên với không tới tấm bằng mơ ước của cha mẹ tôi. Bù lại một bà chị họ thấy tôi thi rớt bèn cầy cục xin cho tôi một chỗ làm trong cơ quan Mỹ nơi bà đang tùng sự. Việc làm nhàn nhã, lương bổng hậu hĩnh, tôi cảm thấy mình may mắn. Cũng yên một đời. Nhưng Hiển lại nhấp nhổm không yên.
Anh hỏi Hiển là ai hả? Để từ từ tôi kể cho anh nghe. Mà chẳng kể chắc anh cũng đoán ra rồi. Hiển là... người của tôi. Sao anh cười? Thì tôi không biết gọi là người gì nên gọi đại là người của tôi cho rồi. Tôi biết Hiển thương tôi nhưng hồi đó tôi đã nhát mà Hiển còn nhát hơn nữa. Có cảm tình với nhau mà cứ lụi đụi ầu ơ hoài. Hiển thường lui tới nhà trò chuyện với cha mẹ tôi, chơi rỡn với các em tôi, chỉ vẽ bài vở cho tôi, chăm sóc tôi từng chút. Ai cũng nghĩ chúng tôi trước sau gì cũng xáp vào nhau. Vậy mà không hiểu sao Hiển cứ loanh quanh xoay vòng chứ không xáp vào tôi. Riết rồi tôi cứ tưởng tôi có một người anh trai hiền lành chu đáo với đàn em. Tôi cũng có cảm tình với Hiển chứ. Hiển chỉ cần tiến một bước là xong. Nhưng anh như bị cột chân cột tay không nhích lên được. Phải đợi tới ngày lên đường nhập ngũ anh mới run run nắm tay tôi tạm biệt. Chỉ có cầm tay mà cả hai đứa như đánh mất hồn. Ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng ra làm sao cả. Học xong Thủ Đức, Hiển phải đổi ra Đà Nẵng. Thư qua thư lại tình yêu mới được dịp tỏ lộ. Tỏ tình ở cách xa nhau cả ngàn cây số quả có dễ dàng hơn tỏ tình trong vòng nửa thước. Tình yêu nằm trên những trang giấy xanh cũng có đời sống như tình yêu thốt ra từ cửa miệng. Nó lớn lên cùng với thời gian. Khi tôi báo tin vui được nhận vào làm sở Mỹ, Hiển có vẻ e ngại. Những cánh thư tôi nhận được như có pha chút đắng caỵ Tôi hiểu không ai vui gì khi có người yêu làm cho người Mỹ. Chắc anh còn nhớ tai tiếng của những người làm sở Mỹ bị gán cho hồi đó chứ? Không phải ai cũng tham tiền, không phải ai cũng bán rẻ thân xác, không phải ai cũng cặp kè với Mỹ. Nhưng xã hội nhìn bọn chúng tôi với con mắt e dè khắc nghiệt rõ ràng. Nhiều gia đình đã tan rã, nhiều cuộc tình đã gẫy đổ, nhiều lời đàm tiếu khá chua caỵ Tôi hiểu tâm trạng của Hiển. Anh không nghĩ khác hơn được những người chung quanh và khoảng cách của ngàn cây số làm anh sốt ruột sốt gan. Không biết bằng cách nào mà Hiển nghe được tin có người Mỹ lai vãng tới nhà tôi. Anh viết cho tôi một lá thư ngắn giọng điệu vừa chán chường vừa trách móc như chỉ cốt cho tôi hay là anh biết tất cả mọi chuyện. Rồi thôi. Tôi viết nhiều thư giải thích tự sự mà không nhận được một lá thư hồi âm nào. Tôi buồn nẫu ruột. Cũng đành.
Trong khi đó cái bóng cao lớn của John càng ngày càng đè nặng lên cuộc sống của gia đình tôi. Trong nhà tôi chẳng thiếu một thứ tiện nghi nào mà PX có thể cung cấp được. Khỏi nói chắc anh cũng biết, cha mẹ và các em tôi hãnh diện đến thế nào. Nhà tôi được coi như sang trọng nhất xóm. Sự khốn khó không còn lẩn khuất ở trong nhà nhưng nó đã xếp nếp trong con người hai bậc sanh thành ra tôi. Hơi hướng của những ngày thiếu thốn xưa đã xui khiến cha mẹ tôi lợi dụng lòng tốt của John một cách thái quá. Ông bà nhờ John mua đủ thứ đồ vặt vãnh có thể mang ra chợ bán để lấy lời. Với tiền lời đó căn nhà của gia đình tôi được cơi thêm lầu khang trang đẹp đẽ, giỏ chợ hàng ngày tươi mát và đầy đủ hơn, họ hàng bè bạn lui tới càng ngày càng đông đảo, và những ông cố bà cố ngày xưa chẳng bao giờ được nhắc nhở tới bây giờ cũng được thỉnh về kỵ giỗ dềnh dàng.
Nụ cười rạng rỡ của mẹ cha là cái khóa cột chặt đời tôi. Tôi không thể nhẫn tâm làm héo úa hai khuôn mặt thân yêu đã quá nửa đời chìm đắm trong nghèo khó nhưng tôi cũng chẳng thể làm tươi tắn đời mình bằng cuộc hôn nhân với John. Tôi hốt hoảng bối rối. Như một tử tội biết chắc trước sau gì cũng có ngày chịu hành hình nhưng khi phút giây oan nghiệt đó xộc tới vẫn không tránh được sự kinh hoàng. Tôi vẫn biết chẳng phải John gia ơn cho gia đình tôi một cách khơi khơi không có hậu ý nhưng lời hỏi cưới của John vẫn làm tôi nao núng bàng hoàng. Tôi biết cha mẹ tôi ngấm ngầm đồng ý trong bụng nhưng ông bà vẫn làm như để cho tôi quyền quyết định. Ông bà chỉ nhắc khéo tới ơn nghĩa phải đền đáp cho tôi suy nghĩ. Phải chi tôi còn tình yêu của Hiển cho cán cân nghiêng hẳn về một phía. Lúc đó nghĩ tới Hiển tôi tức anh ách. Lính tráng gì đâu mà yếu quá. Chưa gì đã bỏ chạy. Tôi yêu Hiển nhưng tình yêu đã bị chối từ. Tôi còn gì đâu nữa mà lựa chọn. Sự im lặng không trả lời những lá thư của tôi như một cái tát phũ phàng. Hiển khinh tôi. Đã khinh tôi cho khinh luôn. Tôi vênh mặt bằng lòng lấy John. Ai cũng vui mừng. Chỉ riêng tôi tê tái. Tôi phó thác cuộc đời mình cho một người mà tôi không mảy may thương yêu. John như một người bạn thì được. Một người chồng thì quá đáng. Tôi moi móc ra những điểm dễ thương của John để vỗ về an ủi phận mình. John tốt. John mê mệt thương yêu tôi. John bảnh bao. John tài hoa. John tình tứ vẽ tặng tôi bức tranh lãng mạn lá vàng rơi.
Tất cả những John đẹp đẽ đó đã biến mất khi tôi đụng đầu với một John trơ trọi trong đêm tân hôn. Những đám lông xoắn xuýt chạy dài suốt cái thân thể ô dề to lớn làm tôi rùng mình sợ hãi. Cả thân hình tôi co quắp lại trong một cơn chấn động dữ dội. Đầu óc tôi tê dại. Người tôi cong như một con tôm luộc, hai tay kẹp giữa đùi trong một thế phòng thủ kiên cố. Nước mắt tôi chảy dài. Hiển ơi! Tôi nấc lên trong tiếng gọi người tôi thương. Tôi vùi đầu xuống gối khóc suốt đêm.
Chưa đầy một năm sau tôi theo nó về Mỹ. Tôi khóc như mưa. Khóc từ những ngày sửa soạn ra đi, khóc ở phi trường, khóc trên máy bay và khóc ngon lành hơn trong những ngày đầu trên đất lạ. Tôi quay quắt nhớ cha mẹ và các em tôi. Hình ảnh những năm tháng sống trên quê hương trở lại với tôi từng chập từng lúc. Những lúc tôi ngồi sững sờ, những khi tôi thả hồn nghĩ ngợi miên man, những chiêm bao kín đầy giấc ngủ. Cả cái quá khứ thân yêu bao vây lấy tôi. Tôi thẫn thờ coi đi coi lại những tấm hình kỷ niệm mang theo. Những lúc truyền hình chiếu tin tức hình ảnh về Việt Nam tôi ngồi coi mà chập chờn nước mắt trên mi.
John tôn trọng tâm trạng riêng tư của tôi. Nó lặng thinh vỗ về tôi những lúc tôi buồn bã. Nhiều khi nó ngạc nhiên không hiểu sao mà con người tôi lại cột chặt với đất nước gia đình như vậy. Tôi biết nó chẳng bao giờ hiểu được tình cảm của một người đàn bà Việt Nam bất hạnh phải rời xa những người thân yêu. Cuộc sống hàng ngày chẳng thiếu một thứ gì. Cái gì cũng đẹp, cũng nhiều và cũng tiện nghị Nhưng sao tôi vẫn cứ hững hờ. Tôi nghĩ tới những món đồ PX John mang tới nhà tôi. Có đáng gì đâu nơi xứ sở giàu có sang trọng này. Vậy mà tôi đã trả cả đời tôi cho những cái vụn vặt tầm thường đó. Tôi nghĩ tới ánh mắt hân hoan của cha mẹ tôi trước những món đồ thơm phức mùi văn minh. Thật tội nghiệp!
Cha mẹ tôi vẫn nghĩ rằng tôi đang sung sướng ở đất nước giàu có này. Đối với ông bà, những tấm hình tôi chụp trước căn nhà xinh xắn đẹp đẽ và những bài trí sang trọng bên trong đã nói lên sự sung sướng đó. Cái nghèo đã ăn sâu vào tiềm thức ông bà và nằm đó như một thứ dị ứng. Tránh được cái nghèo là sung sướng. Thật giản dị. Trong khi đó tôi chới với giữa những người xa lạ. Anh biết không, thuở đó dễ gì mà tìm được một người đồng hương. Đi ngoài phố thấy bóng dáng một người Á Châu là ngóng cổ nhìn mong cho nghe được một câu tiếng Việt. Gặp được một người Việt là mừng hết lớn. Chứ đâu có nhiều như bây giờ, chỗ nào cũng có bóng dáng người mình.
Bạn bè của John có những người nhìn tôi như nhìn một người từ Hỏa tinh xuống. Họ làm như mình là một thứ mọi rợ gì đâu đó. Chẳng là họ coi ti vi ngày nào cũng thấy những cảnh chiến tranh ở Việt Nam nên cứ tưởng là người Việt Nam là một thứ dã man chỉ biết chém giết nhau. Rồi cái anh chồng ngốc nghếch hay ba hoa của tôi cũng góp phần tạo một hình ảnh méo mó về nước mình. Đi ăn ở đâu nó cũng kể một cách thích thú về những bữa nhậu ở Việt Nam. Nào ăn rùa, rắn, mển, nào nhậu đuông, trăn, dế. Vui miệng nó còn huênh hoang khai là đã ăn thịt chó. Mấy bà há hốc miệng rồi ôm ngực ậm oẹ. Mấy ông nhăn mặt nhom tởm. Vậy mà nó còn thích thú đốc thêm là thịt chó thơm và ngon lắm để trêu chọc cho bõ ghét. Họ xúm vào hỏi tôi ở Việt Nam ai cũng ăn thịt chó cả sao làm tôi ngậm câm không biết trả lời thế nào cho trôi chảy.
Biến cố năm 1975 như một nhát búa sinh tử đập xuống đầu tôi. Tôi mê man trong khổ đau. Người tôi như nhuốm bệnh. Miệng mồm đắng nghét. Tôi ngây ngây dại dại vật vờ như một người giả. Nào mẹ cha, nào các em, nào bè bạn, nào mái nhà xưa, nào con phố cũ... Phút chốc tất cả những vết tích dấu yêu bỏ xa tôi hun hút thăm thẳm. Tôi khóc vùi ngày này qua ngày khác.
Những đợt người Việt tới định cư tại thành phố tôi ở đã kéo tôi ra khỏi cơn phiền muộn héo hắt. Những ánh mắt quê hương chưa hết bàng hoàng vây quanh tôi làm tôi cảm thấy ấm lòng. Tôi hăm hở giúp đỡ những đồng hương mới tới đất lạ. Tôi không còn lạc lõng giữa biển người bản xứ. Chúng tôi làm thành một xã hội riêng. Gặp gỡ, trò chuyện, nấu nướng, hát hò. Rồi những người nhanh tay bắt đầu mở tiệm ăn Việt Nam. Tôi thú vị dắt John đi ăn tiệm ngày một. John bắt lại được hương vị phở ngày xưa. Nó mê mệt với phở sáng, phở chiều, phở cuối tuần, phở ngày lễ.
Cái gì? Anh muốn chọc quê tôi hả? Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại gọi chồng bằng nó. Anh bảo anh thấy những người đàn bà Việt Nam lấy chồng ngoại quốc hầu như người nào cũng kêu như vậy thiệt hả? Ờ há! Tôi thì tôi thấy như có cái gì làm cho mình cảm thấy một người chồng ngoại nhân như không hẳn là một người chồng. Có một chút gượng gạo. Có một chút hụt hẫng. Như lấn cấn một chút xa lạ. Như thiếu sự cảm thông. Tôi không biết diễn tả làm sao cho hết ý. Nhưng có lẽ tại người mình nhìn những người lấy chồng ngoại quốc bằng cặp mắt khinh dể làm cho mình thấy khó chịu cũng muốn gạt anh chồng ngoại nhân qua phía đối nghịch bằng tiếng "nó" vừa xa cách vừa hợm hĩnh. Mà thôi, dẹp chuyện đó đi. Anh có muốn nghe tôi kể tiếp không?
Tôi như sống lại giữa những người đồng chủng. Cuộc sống tưởng đã một đời quạnh quẽ ai ngờ lại có lúc bừng nở rộn ràng như vậy. Tôi bám lấy người Việt bằng cách đòi John mở tiệm bán thực phẩm Á Châu. Gì chứ cái nết chiều vợ thì nó có thừa. Chỉ vài tháng sau cửa tiệm khai trương. Người Việt tấp nập vào ra làm tôi tưởng đang sống giữa quê hương. Khách hàng mách bảo nhau tìm đến càng ngày càng đông. Và một ngày kia tôi sững sỡ trước một khách hàng bat ngờ. Hiển. Anh có thể ngờ được trái đất bây giờ nó tròn dữ như vậy không? Khi không cả cái nước Mỹ mênh mông là thế mà tôi và Hiển lại hội ngộ nơi cái cửa hàng nhỏ xíu của tôi tại một thành phố chẳng lấy gì làm lớn lắm. Anh bảo chắc tôi mừng lắm hả? Tôi đứng như trời trồng, mặt mũi tái mét, mồm miệng á khẩu vì ngạc nhiên chứ có mừng gì được. Chẳng biết mất bao nhiêu phút tôi mới hoàn hồn. Rồi cũng đâu có nói gì nhiều được. Sợ nó biết rồi sanh chuyện ra. Tôi cho tên một tiệm ăn nhỏ và hẹn ngày giờ gặp rồi bảo Hiển về đi. Dáng Hiển lù khù chậm rãi thế mà cũng nhanh trí. Anh mua đại một chai nước mắm, ra quầy trả tiền cho John, rồi cố giữ vẻ thản nhiên ra về.
Ngày hôm sau gặp Hiển tôi mới bình tĩnh quan sát. Chỉ còn sót lại ánh mắt và nụ cười là của Hiển ngày xưa. Tám năm chịu đày đọa trong ngục tù Cộng sản, sáu năm mòn mỏi nơi vùng kinh tế mới, một cuộc vượt biển gian nan mà vợ con vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương, những ngày căng thẳng chờ thanh lọc trong trại tỵ nạn. Từng ấy tai ương đổ xuống đầu một con người thì thân xác nào chẳng hao mòn. Giờ đây trước mặt tôi là một Hiển cằn cỗi tuyệt vọng sống mà như đã nằm sẵn dưới mồ. Chỉ có tôi mới vực anh dậy được. Cuộc tình non dại hai chục năm trước vẫn còn đủ rạo rực cho tôi trở về với Hiển. Da thịt của nửa quãng đời son trẻ tôi đã dành cho người, giờ đây chỉ còn chút xương xẩu tôi thu vén cho cuộc tình của tôi. Tôi có dành phần quá đáng đâu, phải không anh?
3.
Tiệm của John có mặt tiền tương tự như bất cứ tiệm thực phẩm Á Châu nào khác. Tên tiệm và những dòng chữ bằng ba thứ tiếng Anh Việt Hoa nằm trên khung kiếng rộng lớn. Màu đỏ. Cửa ra vào hai cánh nằm chếch về bên trái. Nhìn qua khung kiếng, phía bên phải là một hàng nồi cơm điện cùng nồi niêu soong chảo bằng nhôm trắng toát lấn át những chiếc siêu sắc thuốc bằng đất. Phía bên trái, nhỏ hơn, gạo trong những bao trắng từng chồng xếp thứ tự theo từng nhãn hiệu. Mở cửa bước vào bên trong là những chiếc kệ sắt nằm dọc theo những khoảng cách đều nhau. Trên kệ chen chúc nhau những hũ những chai, những bao những gói, những hộp những bình. Nước mắm sát cánh với tàu vị yểu. Cà muối, mắm, chao, dưa xúm xít lại với nhau. Đồ hộp đầy màu sắc thảnh thơi nằm ôm đủ thứ trong bụng. Trà, sâm, bánh kênh kiệu nằm trên cao. Thịt bò khô, ô mai, kẹo đánh đu trên lối đi. Phía sát tường là tủ kính lạnh tươi mát đủ thứ rau trái, giò chả, nem chua, tàu hũ. Nằm khuất nẻo trong một góc là họ hàng dao thớt, chày cối, chén đũa, nhang đèn, vàng mã... Thêm một quầy gà vịt, thịt cá, tôm mực và các thứ hải sản đông lạnh.
Khách hàng lui tới đẩy những chiếc xe nhỏ bé chen chúc trong lối đi hẹp. Mùi ngai ngái chua chua phảng phất kín cửa tiệm. John ngồi ở quầy thu tiền bận rộn với máy tính tiền và đủ thứ hàng hóa chậm chạp lăn qua trước mắt. Nét mệt mỏi bơ phờ hiện rõ trên khuôn mặt có hàm râu làm biếng cạo lởm chởm xiêu vẹo. Anh khó khăn nặn từng nụ cười gượng gạo chào hỏi khách. Khách lạ thú vị kín đáo quan sát một anh Mỹ đặc ngồi bán tương cà mắm muối. Khách quen rụt rè chào hỏi như sợ đụng tới nỗi thương tâm của chủ nhân. Nhưng cũng có vài bà khách nghịch ngợm vẫn thân mật đùa cợt với John. Một bà khách chớt nhả:
- Này ông chủ, có lấy vợ Việt nữa tôi làm mai cho.
John ngước mặt cười buồn chậm rãi trả lời:
- Tôi co vơ rôi!
Câu tiếng Việt không bỏ dấu nghe chênh vênh như một nét nhạc đong đưa lạc lõng.