Paris nằm trong khu vực có đủ bốn mùa Xuân-Hạ-Thu- Đông, nhưng vì thuộc vùng ôn đới nên mùa Xuân vẫn còn nhiều ngày rét mướt; chỉ sau Lễ Hội Âm Nhạc, mùng 2 tháng 6 , Paris bước vào Hè, thời tiết mới thực sự ấm áp.

Đây là một thời gian lý tưởng- Ngày dài đêm ngắn- nhiệt độ trung bình khoảng từ 20° đến 28°C.Giới phụ nữ cảm thấy thoải mái khi được trút bỏ bộ quần áo dầy bằng len dạ nặng nề mà thay bằng những chiếc áo đầm mỏng mảnh hay những tấm áo cộc, hở tay, trễ cổ với chiếc váy rộng nhẹ nhàng.

Họa hoằn có ngày nhiệt độ lên cao tới 30°- 35° C * thì lại là dịp cho nhiều nàng kiều nữ có cớ nằm phơi ngực trần (chỉ mặc cái slip string) trên bờ sông Seine hây hẩy gió để hóng mát, phe lờ trước bao con mắt tò mò của du khách bốn phương ! Có nàng kín đáo hơn thì nằm khoa? thân khuất trên Đảo Hoa, giữa hồ Vincennes thơ mộng.

Mùa Hè chúng tôi thường tổ chức chèo thuyền quanh hồ,một hôm vô tình ghé vào Đảo Hoa nghỉ mệt mới khám phá ra cảnh Bồng Lai nơi đây.

Mùa xuân đã qua đi... , những cây Forsythia hoa màu vàng ;Thuỷ Tiên( Narcisse) hoa trắng ; Magnolia ( Mộc lan) hoa trắng , hồng ;Lilas hoa trắng, tím đậm ;Anh Đào(Cerisier Japonais) hoa phấn hồng ; Glycine hoa xanh cà ;Tulipe hoa đủ màu đỏ tươi, vàng, cá vàng, tím ,có loại gần đen... đã theo nhau tàn úa để nhường cảnh sắc cho những loại hoa mùa hè bắt đầu tưng bừng rộ nở. Khai mùa là hoa Hồng (Rose) với đủ giống, đủ cỡ, đủ màu sắc tím, hồng , đỏ, vàng, trắng đang khoe hương sắc trên khắp các nẻo đường phố;bên cạnh đó là cây Kim ngân (Chèvrefeuille) hoa trắng ngà; Deutzia hoa hồng , trắng; Clématis hoa hồng , tím đậm, hoặc xanh tím; Campsis hoa đỏ cam; Lis(Huệ Tây) hoa nhiều màu, vàng, nâu, hồng, trắng; Iris hoa xanh hoặc tím; Bignone hoa đỏ cam;Géranium hoa đỏ thắm; Pivoine hoa trắng, hồng hoặc đỏ; Dahlia và Glaïeul hoa rực rỡ đủ màu từ trắng tới tím than...

Paris quả là thành phố nở hoa-Ville Fleurie-như đã được mệnh danh. Mỗi năm thành phố này đã dành một ngân khoản trên dưới 300 triệu Euros (khoảng 2 tỷ Francs) để chi dùng vào việc trồng trọt, tỉa tót, chăm bón cho những công viên, những cây cảnh trên đường phố, đủ nói lên mối quan tâm của người Pháp đã dành cho vấn đề trang hoàng kinh đô của họ bằng hoa lá cây cảnh như thế nào. Ngày nay nghệ thuật trồng cây cảnh đã trở thành một ngành văn hóa của dân Pháp.

Đặc biệt dọc các đường phố Paris, người ta thường thấy trồng mấy loại cây đại thụ như : Peuplier, Frêne, Marronnier, Bouleau, Paulownia và Acacia... Giá trị của các loại cây to này là lá, lá cho bóng mát và vẻ đẹp chứ không nhất thiết phải là hoa.

Riêng con đường Tolbiac, một loại cây Acacia mà người Trung Hoa gọi là cây Xuân, được trồng suốt dọc hai bên hè phố, dài trên một cây số.

Cây Xuân sống rất lâu nên người Trung Hoa gọi cha là Xuân đường để mong cha được trường thọ (trong khi gọi mẹ là Huyên đường, vì huyên là một loại cỏ, người xưa dùng để làm thuốc uống quên được phiền muộn.).

Cây Xuân thân to, cao từ 20 mét đến 30 mét, vỏ nâu xậm, sần sùi với nhiều vết khía dọc. Cây có nhiều cành lá xum xuê ; mỗi nhánh lá dài từ 15 cm đến 35 cm, gồm nhiều cặp lá kép, hình thuôn, sắc xanh mướt. Hai hàng cây trên hè phố cành lá đan nhau cho bóng mát rợp cả con đường, tạo nên một cảnh quan êm đềm, thơ mộng.

Cảnh quan nơi đây còn êm đềm thơ mộng hơn nữa vào mỗi mùa hoa nở . Những bông hoa trắng muốt, năm cánh nhỏ xíu, kể cả đài cũng chỉ dài độ 1cm nhưng nhiều vô số kể, chi chít trên cành; những cành hoa này mọc thành chùm tụ tán ở đầu mỗi nhánh cây, thế nên, đứng từ tầng 11 của cao ốc ở ngay góc đường Tolbiac-Baudricourt, nơi chúng tôi cư ngụ, nhìn xuống chỉ thấy hoa nở trắng xóa, trông như những lớp sóng lụa nõn nà đang dập dờn trước gió.

Hoa như mời gọi tôi xuống đường, nhưng lạ thay, khi tôi đứng dưới tàn cây thì hoa như biến đâu mất, chỉ thấy những cành lá đang đong đưa trước gió, và ánh sáng mặt trời lọt qua kẽ lá tạo thành những bông hoa nắng lao xao dưới bước chân.

Vào khoảng từ giữa tháng bẩy đến giữa tháng tám, hoa Xuân bắt đầu rụng nhiều. Quãng đường Tolbiac cắt ngang bởi phố Ivry và Baudricourt bỗng trở thành Thiên Đường - Thiên Đường của riêng tôi. Đây là thời gian dân Paris đi nghỉ hè đông nhất, phố xá vắng hoe, xe cộ thưa thớt ; đoạn đường này càng trở nên vắng vẻ, tĩnh mịch hơn vì thuộc khu trường học, các trường đã cửa đóng then cài, còn học trò thì đang nghỉ hè. Từ trên lầu cao nhìn xuống, thấy hoa Xuân trải thảm trắng xóa hè phố, nhất là được lúc đang rảnh rỗi, tôi không thể cầm lòng không xuống đường. Lần nào như lần nấy, tôi đưa mắt nhìn quanh, không thấy ai là vội tụt dép dúi vào bên tường rồi bước từng bước chân trần, rón rén dẫm lên thảm hoa; tôi nghe hương hoa thoảng nhẹ trong không gian, và cảm thấy mát rượi cả châu thân... tâm hồn lâng lâng...

Tôi cố tập trung thần thức để tận hưởng từng sát na của hạnh phúc hiện tại. Nhưng tôi phải thú thật rằng, tôi chỉ tận hưởng được hạnh phúc hiện tại lâu dài khi có người thân yêu đang ở bên cạnh, đang cùng tôi khoác tay thong dong dạo bước trên thảm hoa… Còn kì dư, mỗi khi đi một mình thì y như rằng tôi đánh mất hạnh phúc hiện tại mau chóng... Chỉ vì..chỉ vì màu lá xưa, hương hoa cũ đã lại làm xao động tâm tư tôi , nó đánh thức tiềm thức tôi ngay cả những kỷ niệm tưởng chừng đã quên hẳn trong đời. Khác nào một khi hòn sỏi đã ném xuống nước, làm sao mặt nước không rung động, những vòng nước tất phải loang ra và những gợn sóng phải xôn xao, nao nức...

Cũng con đường trải thảm hoa trắng nhỏ tí xíu và tỏa hương thơm dịu dàng như nơi đây nhưng không phải là hoa Xuân mà là hoa Sấu, không phải con đường Tolbiac mà là đường Phủ Doãn, nơi xưa gia đình chúng tôi cư ngụ.Trên con đường ngát hương hoa ấy, Hoàng thị Quý, cô bạn cùng xóm, thân thương từ thuở lọt lòng mẹ đã cùng tôi không biết bao nhiêu lần tay nắm tay, đi bên nhau chuyện trò ríu rít, hay nhặt hoa, đuổi bướm... hay nô đùa trên thảm hoa rơi.

.

Qúy ơi, hương hoa Sấu

Còn thơm ngát tuổi thơ ?

Nơi đây hoa Xuân nơ?

Đong đầy kỷ niệm xưa.

Thời gian này chúng tôi đang học trường Tiểu Học Thanh Quan, lớp Ba với bà giáo Nết, lớp Nhì với bà giáo Thưởng và lớp Nhất với cô giáo Mai Thị Trí. Cô tôi không đẹp, người xương xương, da ngăm ngăm, nhưng khi giảng bài thì cô linh động khác thường; giọng cô trầm bổng say sưa, mắt cô ngời sáng... Cô đã truyền cho chúng tôi lòng yêu quê hương dân tộc... qua những bài học thuộc lòng như Hận sông Gianh, Anh hùng vô danh, Cô gái Việt... Và đặc biệt tôi đã tìm được qua cô, lý tưởng của nghề dậy học, và tôi đã quyết tâm theo đuổi cho đến thành công.

Việt văn tôi thường nhất lớp, nhưng còn môn toán, tôi phải cố gắng học giỏi cho cô vui.Ngoài những bài toán cô cho, hai quyển Toán Đố 320 bài và 250 bài tôi tự mua về, làm đi làm lại đến nát cả sách. Kết quả hiển nhiên, tôi chẳng những đậu Bằng Tiểu Học dễ dàng mà còn đậu Thủ Khoa kỳ thi tuyển vào trường Trung Học Trưng Vương, niên khóa 1950-1951 !

Lần đầu tiên tôi biết thế nào là cảm giác đôi chân mọc cánh, tôi đi như bay từ trường về nhà để báo tin vui cho bố mẹ... Và từ đấy những ngày nữ sinh Trưng Vương áo Lam bắt đầu !

Sau chiến tranh, từ niên học 1950-1951 trở đi, nữ sinh Trưng Vương mới thực sự có một ngôi trường riêng, không phải học nhờ trường Hàng Than nữa.

Trường tôi tọa lạc trên một khu đất rộng ở đầu phố Hai Bà Trưng, gần nhà Hát Lớn Hà Nội. Trường gồm một ngôi nhà đúc ba tầng, kiến trúc theo hình chữ L, với những lớp học thoáng đãng, bên ngoài là dẫy hành lang rộng, có cửa sổ trông ra sân. Sân trường có những cây bàng đại thụ, tạo cho nơi đây một cảnh sắc nên thơ đặc biệt.

Tôi không thể nào quên được cái không khí náo nức nhưng không kém trang nghiêm trong sân trường, dưới bóng râm của những cây bàng, nhạc sĩ Hùng Lân hay nhạc sĩ Thẩm Oánh đứng đánh nhịp cho toàn thể nữ sinh chúng tôi tập hát lại bài Trưng Nữ Vương và bài Ngàn Xưa Yêu Dấu để sửa soạn cho ngày Đại Lễ Hai Bà Trưng hằng năm sắp tới.

Mỗi khi nghe chị em cả trường cùng cất cao tiếng hát hai bài đó, hoặc nhìn đoàn nữ sinh áo Lam nối đuôi nhau rời khỏi cổng trường, đi băng qua những con đường trong thành phố để tới làng Đồng Nhân dự Lễ Kỷ Niệm Hai Bà , tâm hồn tôi đều dâng lên một niềm xúc động khôn tả. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại, tôi vẫn còn xao xuyến.

Và cũng không hiểu sao tôi lại quyến luyến, mê mẩn những cây bàng ở sân trường tôi đến thế!

Tôi nhớ rất rõ, ngày Tựu Trường vào tháng chín cuối Thu vừa đó, những cây bàng với dáng khoẻ khoắn ,thân trên gồ ghề, cao có tới 20mét đến 25 mét ; cành mọc vòng làm cho những tán cây xoè ra trông như cái lọng ; lá sum suê, phiến lá to dầy, hình thìa, mặt trên xanh thẫm, bóng láng, tưởng chừng sẽ mãi mãi như thế ; vậy mà chỉ cuối tháng mười một, đầu tháng mười hai , sau vài trận gió đông bắc, lá bàng đã bắt đầu đổi màu để rồi... lià cành.

Thường vào giờ ra chơi , trong khi các bạn tôi tụm năm túm ba đứng dưới gốc bàng nói chuyện hay cùng nhau đi dạo quanh sân thì tôi thích một mình đứng tựa cửa sổ nơi hành lang nhìn ra sân …cả một hoạt cảnh tuyệt vời đang diễn ra trước mắt.

Các cô nữ sinh Trưng Vương , tuổi từ mười hai đến đôi mươi, sau mấy tiếng đồng hồ bị giam trong phòng kín, học tập căng thẳng, tới giờ ra chơi, họ túa ra sân trường, tiếng cười, tiếng nói lao xao như chim vỡ tổ . Nhan sắc họ thì thật diễm lệ , con gái Hà thành vẫn nổi tiếng đẹp , lại đang vào mùa đông, mây nhiều, nắng ít, thời tiết hanh hanh, vừa khô vừa lạnh, nên cô nào cô nấy da trắng nõn nà, hai mắt biếc long lanh, đôi môi thì hồng thắm như cánh hoa đào, đôi má thì đỏ au lên như trái đào tiên. Dáng họ lại tha thướt với mái tóc thề xõa ngang lưng, với hai tà áo dài vờn bay trong gió, trên mình khoác thêm chiếc áo len rực rỡ ,và quanh cổ chiếc khăn san (châle) nhí nhảnh, trông khác nào như những đàn bướm muôn màu. Mà không, tôi không muốn ví họ như những đàn bướm mà là những nàng tiên trong động, song không phải động Thiên Thai, nơi có những cánh đào rải rắc mà là động Trưng Vương , nơi có những tàn bàng đang rực rỡ khoe màu.

Đây là thời điểm những chiếc lá bàng đang từ màu lục xậm xịt chuyển sang xanh ố vàng, rồi vàng tươi rồi vàng ố cam, rồi từ đỏ hồng đến đỏ ối .Nhiều khi chỉ trên một phiến lá đã đủ các gam(gamme) màu nói trên. Nhưng theo tôi, đẹp nhất vẫn là lúc lá bàng đang chuyển màu vào giai đoạn chót. Cả thân lá lúc này trở thành đỏ ối. Ôi cái màu đỏ ối đó mới lộng lẫy và kiêu kỳ làm sao ! Nhưng cũng lại nồng nàn và quyến rũ làm sao !

Cảnh đẹp đã làm tôi bàng hoàng... sau giây phút định thần, tôi hối hả chạy vội lên thang gác, lướt vào tầng hai, nhìn qua cửa sổ, chưa thỏa mãn, tôi lại chạy vội lên tầng ba , nhìn qua cửa sổ... một cảnh tượng huy hoàng chưa từng thấy hiện ra trước mắt, những tàn bàng đỏ lộng lẫy choáng ngợp không gian .Tôi xúc động quá, nghe tim mình đập thình thịch trong lồng ngực!

Lại một hôm cũng vào giờ chơi, tôi đứng tựa vào thành cửa sổ mải mê ngắm cảnh lá rơi. Lần này là cảnh lá rơi, cảnh lá bàng rơi trong sân trường cũng đẹp vô tả. Từng chiếc lá bàng đỏ rực mới tuần trước, nay đã chuyển sang màu bồ quân, và đang chao lượn trong không trung rồi từ từ rơi xuống đất, trải thảm trên sân trường...

Cảnh lá rơi quá đẹp làm tôi say sưa ngắm quên cả thời gian, quên hết mọi sự, đến nỗi trống đánh báo hết giờ chơi tôi cũng chẳng nghe, cácchị em nữ sinh xếp hàng từ ngoài sân, lần lượt đi qua hành lang chỗ tôi đứng để vào lớp học tôi cũng chẳng biết, cứ thản nhiên đứng mê man ngắm cảnh.

-Cô kia, giờ học không vào lớp còn đứng đó làm gì ?

Tôi giật nẩy mình, tỉnh hồn ,toan chạy thoát thân, nhưng đã muộn, cô giám thị Nguyệt Minh đã lừng lững đến gần; tôi bị điệu vào văn phòng Tổng Giám thị, nghe giảng một chầu morale và lãnh giấy phạt, chủ nhật phải đến trường chép phạt.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, tưởng chuyện xưa đã nằm im trong tiềm thức, ngờ đâu kỷ niệm cũ lại trở về, đầy ắp cả tâm tư.

Hơn nửa kiếp người xa xứ

Trường xưa, kỷ niệm còn nguyên.

Bàng ơi,hỏi ai tri kỷ ?

Người đây, tình cũ chưa quên.

Cách đây hai năm, vào mùa thu Tân Tỵ , tôi đi Mỹ và Canada để ra mắt cuốn biên khảo Tiếng Nói Đoàn Thị Điểm Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc, viết chung với giáo sư Lê Hữu Mục,do các Hội Ái Hữu Gia-Long tổ chức. Khởi đầu tại Westminster nam Cali, rồi Sacramento bắc Cali, rồi Virginia và cuối cùng Torontọ Chúng tôi đã cố gắng sắp xếp chương trình, thời giờ để vào khoảng cuối tháng mười là hoàn tất mọi chuyện và có thể có mặt tại Montréal, nơi có nhiều rừng phong, mỗi độ vào thu, nổi tiếng đẹp làm say đắm lòng người.

Và chúng tôi đã đến kịp thời, giữa lúc lá phong đang đổi màu vào giai đoạn gần chót. Hàng hàng lớp lớp lá phong, màu sắc đang chuyển gam từ vàng cam đến đỏ hồng rồi đỏ ối . Cảnh sắc rực rỡ của rừng phong lúc này đang choáng ngợp cả một vùng trời; trong không trung thì từng chiếc lá đỏ thẫm vẫn tiếp tục rơi... dưới đất, lá khô ngập gót... Tôi đi sâu vào rừng như người mộng du... Và tôi đã thực sự được sống lại những giây phút tâm hồn xúc động nhất, những cảm giác bàng hoàng nhất, ngây ngất nhất của cô nữ sinh ngây thơ lớp Đệ Thất, Đệ Lục trước cảnh lá bàng đang chuyển màu trong sân trường Trưng Vương Hà Nội , nửa thế kỷ về trước; nhưng bây giờ là trước cảnh lá phong đang chuyển màu trong rừng thu Montréal, cách quê mẹ đúng nửa vòng trái đất !

Nghĩ thật kỳ thú. Hai thời gian, hai không gian, một cảm xúc !

Tôi muốn ghi lại đây cảm xúc ấy qua bài thơ HÓA THÂN làm chút kỷ niệm :

Mê em từ thuở học trò

Thu-Rừng-Phong đã hẹn hò yêu thương.

Tương tư mấy chục năm trường

Khát khao vượt biển, băng đường tìm nhau.

*

Thu phong, lá trổ sắc màu

Vàng tươi, hồng thắm, đỏ au… nổi chìm.

Nhặt thưa nắng rọi…lung linh

Lao xao gió rộn…tơ tình xôn xang.

Phút giây tao ngộ, bàng hoàng

Nửa hư nửa thực, chập chờn tỉnh mê.

Ô kìa ! rừng phong sơn khê

Từ trong tiềm thức hiện về như mơ.

Ta từng là kiếp phong xưa ?

Thu nay về cội, ngỡ vừa hoá thân !

Rừng phong Montréal

Thu Tân-Tỵ (tháng 10-2001)

Phạm Thị Nhung

* Đặc biệt Hè năm nay,trận nóng kéo dài cả tuần,có ngày nhiệt độ lên tới 39°-40°C . Đây là mùa Hè nóng nhất của Pháp kể từ năm 1947 .

Hết