Tập 1

Mỗi buổi tan trường, Sầm Giang vẫn thường cùng bạn đi về trên con đường quen thuộc, nhưng cô bé thì lúc nào cũng hối hả hơn vì có hôm phải đi làm.

Dù chơi thân với Nhã Quỳnh và Thụy Khuê, song hai cô bạn có nhiều diễm phúc quá, dù sống ở tỉnh lên thành phố để học nhưng gia đình bạn nào cũng khá giả ... Chỉ có Sầm Giang ... Cô bé bỗng tủi thân nên cho xe đi chậm lại:

– Ê! Nghĩ gì vậy Sầm Giang? Chúng ta dừng lại ăn chè nghe?

Nhỏ Thụy Khuê đi cạnh Sầm Giang lên tiếng mời mọc. Nhã Quỳnh nghe vậy cũng cho xe chậm lại và nói:

– Ăn chè thôi ư? Gỏi và bò bía cũng đang mỉm cười chào chúng ta kìa, dừng xe lại thôi hai bạn.

Sầm Giang từ chối:

– Ta về kẻo bà ngoại mong. Giờ này ngoài chợ đông người lắm.

Thụy Khuê:

– Nhưng có mợ của mi ở chợ mà ...

Nhã Quỳnh lên tiếng:

– Thì dừng lại chút xíu rồi về ngay thôi.

Nhã Quỳnh, Thụy Khuê kéo xe của Sầm Giang lại, cô đành phải theo bạn.

Vừa ngồi xuống ghế, tiếng Thụy Khuê đã vang vang:

– Cho ba ly chè.

– Ba đĩa gỏi, ba đĩa bò bía ...

Sầm Giang cướp lời Nhã Quỳnh:

– Gì mà dữ vậy, làm sao ăn hết?

Nhã Quỳnh cười:

– Có gì đâu, bao nhiêu đây đâu đã đủ để bỏ cơm ...

– Xì ...

Ba cô cười xòa khi ba đĩa gỏi được mang lên trước tiên.

Sầm Giang và Thụy Khuê ăn một cách thoải mái, nhỏ Nhã Quỳnh mắt cứ ngó xung quanh. Thụy Khuê khều bạn:

– Ăn đi khỉ, còn làm duyên với ai vậy hỉ?

Mỗi khi bị bạn trêu, Nhã Quỳnh thường nói bằng cái giọng Huế ngọt lịm như điệu hò mái nhì của mình:

– Ta có cảm giác như là ...

– Hình như ... có người bám theo bọn mình?

Thụy Khuê vừa nói, vừa chỉ vào một cái quán bên lề đường:

– Đó ... hắn cũng ăn chè nữa, lũ mi ạ!

Ba cô lại bụm miệng cười và liếc xéo sang lề đường bên kia.

Thụy Khuê lên tiếng:

– Chắc là “anh chàng” theo hai đứa mi?

– Úi chà chà ... - Sầm Giang chặc lưỡi, quay sang Nhã Quỳnh cười nói - Anh chàng theo mi đó Quỳnh - cô bạn Huế duyên dáng.

Nhã Quỳnh giật mình:

– Ta hử? Mô có! Ta cam đoan chàng theo nhỏ Sầm Giang.

– Còn ta nữa chi? - Thụy Khuê giả giọng gằn.

– Ừ ... Anh chàng theo “Tam cô nương”.

Cả ba lại cắm cúi ăn và cười bâng quơ ...

Buổi chiều, con đường thật dễ thương. Những tà áo trắng của học sinh phất phơ trong gió. Nắng đã ngã sang màu cỏ úa. Mọi người hối hả đạp xe trở về mái ấm gia đình sau một ngày làm việc để quây quần bên mâm cơm chiều.

Càng nghĩ, Sầm Giang càng ray rứt. Một chút ưu tư len nhẹ vào hồn, cô nghe miên man buồn. Cô lên tiếng:

– Thôi về, mấy nhỏ ơi. Chiều sắp tắt rồi. Ta phải nấu cơm ...

– Eo ôi! Hôm nay mi thi sĩ rứa!

Nhã Quỳnh lại pha trò:

– Nhỏ nớ là thi sĩ, ủa mà văn sĩ ... mi không biết sao?

– Ừ! Biết rồi ... Nó nằm trong nhóm “Lá tím” của tập san “Tuổi Hồng” trong Ban Văn học Nghệ thuật của bọn mình.

Nhã Quỳnh lại cười:

– Còn mi, mi trong ban gì biết không Khuê?

– Ta hử? ... Hì hì ... Ta trong Ban ẩm thực à! Còn mi thì lúc nào cũng duyên dáng, cũng thời trang nên mi trong Ban Mỹ thuật không biết à? ... Có điều ...

Sầm Giang hỏi nhanh:

– Điều gì?

Thụy Khuê quan trọng:

– Thì nhóm mình đó ... nhỏ Huế duyên dáng, điệu đàng và sôi nổi ... Sự kết hợp của Sầm Giang và Nhã Quỳnh là một sự pha trộn giữa cổ kính và hiện đại.

Nhã Quỳnh đập lên vai bạn:

– Mi chỉ có tài “bình phẩm”.

– Không đúng sao! Mi là cô gái có gốc Huế nhưng lại sôi nổi, linh hoạt, mạnh mẽ. Trong khi nhỏ Sầm Giang, cô gái Tiền Giang dịu dàng, khả ái, duyên dáng, xinh đẹp ...

Sầm Giang nhăn mặt cười:

– “Thổi” chi mà dữ thế, tao bể một cái đùng vì sự thổi phồng của mi đó Khuê!

– Ta có “thổi” chi đâu ... Tại hai đứa mi là một đôi đối xứng thật lạ. Có lẽ vì vậy mà ta trở thành một kẻ “bão hòa” ...

Nhã Quỳnh sửa lưng bạn:

– Không phải “bão hòa” mà là “trung hòa”, trung hòa nhé!

Khuê cười:

– Ừ! Biết rồi khổ lắm nói mãi.

Sầm Giang chợt nói:

– Mà nè! Cái vẻ Huế hiện đại của Nhã Quỳnh mới tuyệt làm sao!

Nhã Quỳnh háo hức:

– “Tuyệt” là sao? ...

Vẫn là cái giọng pha trò của Thụy Khuê:

– “Tuyệt” là “nhất nhất” đó, chứ còn trăng với sao gì chứ!

Sầm Giang vội đứng lên:

– Về thôi các nhỏ ơi!

Thụy Khuê và Nhã Quỳnh đứng lên, Thụy Khuê còn khe khẽ hát:

– “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay ... Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ, chim non lề đường, nằm im giấu mỏ.

Anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê ...”.

– Thôi đi, khỉ ơi! Nghêu ngao hoài ... - Nhã Quỳnh la Thụy Khuê.

Ba cô mỗi người một hướng rẽ ... và cả ba đều đạp xe thật nhanh để về nhà ...

Bà ngoại đã về nhà vì hôm nay bà bán được nên về sớm.

Sầm Giang loay hoay vào bếp, mợ từ nhà trên đi xuống giọng chanh chua:

– Giờ này còn nấu nướng cái gì? Lần sau liệu đi học về sớm hơn một chút để còn cơm nước. Tui còn nhiều công chuyện của tui nữa chứ, ai đâu mà hầu cơm hầu nước.

Sầm Giang nén tủi:

– Dạ .... cháu biết rồi ...

Bà mợ vẫn chì chiết:

– Cô mà biết cái gì! Cứ có cơm ăn, có chỗ ở là sướng nhất rồi ... Người ta đi học trên đây phải tốn biết bao là thứ ...

Bà ngoại đi vào nói:

– Nó là cháu ở trong nhà ... chứ có phải ai xa lạ đâu.

– Má nói vậy mà nghe được sao? Ở cái thành phố này có được miếng ăn và chỗ ở là quý lắm đó!

Lúc mới lên thành phố để học, Sầm Giang cũng không muốn đến ở nhà cậu mợ, vì cô bé biết tính của mợ. Nhưng vì bà ngoại muốn cô đến ở cùng và bà không cho Sầm Giang gởi phụ tiền cơm hay tiền nhà, tiền điện, nước. Bà bảo:

– Còn có bà ... bà cũng buôn bán góp vào với cậu mợ con đấy thôi. Bà còn khỏe, bà nuôi con ở đây ăn học, không phải lo ...

Mợ Út từng kêu ca:

– Vật giá kiểu này ... má tưởng má kiếm được nhiều tiền hoài để lo chắc?

Bà ngoại có sạp hàng trái cây tuy nhỏ nhưng bà đã buôn bán từ bao lâu đời nay nên cũng quen. Còn mợ thì có cửa hàng vải cũng ở chợ Vườn Chuối và nhà của mợ cũng gần đó nên thuận tiện. Có lần bà buồn quá nên nói với Sầm Giang:

– Bà buồn và hối hận vì hồi đó để cho cậu con bán đất đai, nhà cửa ở dưới quê để về Sài Gòn mua nhà ... Bây giờ bà cũng chỉ là kẻ “ăn nhờ ở đậu” trong suy nghĩ của mợ con ... Tội nghiệp mẹ con còn ở dưới quê mình nhưng chẳng có đất đai gì ngoài căn nhà nhỏ cạnh sông ...

Đang nghĩ vu vơ, Sầm Giang giật mình khi nghe tiếng ngoại vọng ra từ phòng tắm:

– Cơm nước xong chưa Giang, ngoại nghe đói bụng rồi đấy ...

Sầm Giang nói lớn:

– Dạ .... có ngay đây bà ạ.

Sầm Giang lui cui dọn chén đũa, bà ngoại trong phòng tắm bước ra. Bà đến chỗ Sầm Giang rồi nói:

– Bây giờ mát mẻ, khỏe khoắn rồi, ngoại ăn được nhiều cơm lắm đó.

Mợ Hạnh đi tới nhìn mâm cơm rồi nói:

– Trời đất! Từ nãy giờ mâm cơm dọn cũng chưa xong.

Sầm Giang xới cơm:

– Xong rồi, thưa mợ!

– Vậy thì gọi cậu và hai đứa em xuống ăn cơm.

Bà ngoại lên tiếng:

– Hai đứa nhỏ sao không thấy xuống phụ dọn cơm. Biết đến giờ ăn thì xuống mà ăn chứ!

Mợ cau có:

– Tụi nhỏ nó đi học về mệt, còn phải tắm rửa ...

Bà ngoại cũng làu nhàu:

– Đứa nào mà chẳng đi học.

Mợ Út đứng lên:

– Má à! Có cực nhọc gì đâu khi bước lên lầu một chút là gọi hai đứa nhỏ xuống ăn cơm ... Nếu khó khăn quá, con sẽ gọi hai đứa nhỏ.

Mợ Hạnh ngoe nguẩy bỏ đi. Bà ngoại nhìn theo lắc đầu. Bà nói với Sầm Giang:

– Đi thưa cậu con xuống ăn cơm đi!

– Dạ!

Sầm Giang lên phòng khách và thưa cậu xuống dùng bữa tối. Cậu Hoàng “ờ”.

rồi bỏ tờ báo xuống.

Khi cậu Hoàng ngồi vào bàn ăn thì mợ và Hạnh Trúc vẫn chưa xuống.

Hoàng Hưng lên tiếng:

– Bà và ba với chị cứ ăn đi. Mẹ và Hạnh Trúc xuống đến bây giờ.

Cậu Hoàng cằn nhằn:

– Có chuyện ăn cơm cũng lâu lắc, thật bực mình. Thôi, chúng ta ăn đi, rồi hai mẹ con nó xuống.

Sầm Giang ngồi cạnh bà ngoại, cô gắp thức ăn cho bà. Mọi người vừa cầm đũa thì mợ Hạnh và Hạnh Trúc từ trên lầu bước xuống.

Ngồi vào bàn ăn là mợ càu nhàu ngay:

– Hạnh Trúc và Hoàng Hưng mai mốt tự mà xuống ăn cơm nhé, chẳng ai rảnh đâu mà phải đi kêu, để phải ăn muộn ...

Cậu Hoàng lên tiếng:

– Có ai ăn trước đâu. Mà nè, Hạnh Trúc đi học về thì cũng phải xuống nhà phụ dọn cơm ...

Mợ Hạnh lên tiếng ngay:

– Chuyện đó có gì lớn lao đâu mà hết người này đến người khác nói.

Cậu Hoàng ngạc nhiên:

– Bây giờ tôi nói con cũng không được sao?

– Ai nói gì mình đâu?

Mợ Hạnh lạnh lùng bỏ đi và nói:

– Mọi người ăn đi ... tôi có chút việc phải tính toán.

Cậu Hoàng lên tiếng:

– Thì ăn cơm đã! “Trời đánh còn tránh bữa ăn” mà.

Mặc cho cậu nói, mợ Hạnh vẫn bỏ lên lầu.

Cậu Hoàng nói:

– Thôi, chúng ta ăn cơm đi!

Sầm Giang nuốt miếng cơm mà cứ thấy ứ nghẹn trong cổ họng. Chẳng biết trong ngôi nhà này từ trước khi cô đến có nặng nề, khó thở như thế này hay không? Nhiều lần Sầm Giang định tìm nhà trọ để ở, nhưng bà ngoại không cho.

Bà bảo bà còn buôn bán được, bà sẽ phụ lo cho Sầm Giang ... nhưng chẳng lúc nào Sầm Giang có được bữa ăn mà không bị nghẹn. Nén những giọt nước mắt vào lòng ăn cho xong bữa không biết bao nhiêu lần như thế!

Sầm Giang đạp xe đến lớp học đêm. Tối nay cô bé cảm thấy đau lòng hơn mọi khi, chỉ mong sao thời gian trôi qua thật nhanh để cô tốt nghiệp, ra trường và kiếm một việc làm để nuôi sống bản thân. Nghĩ đến điều này, Sầm Giang nghe sướng rân trong lòng. Nhất là tìm được một chỗ để ở ... cô bé còn mơ ước sẽ đưa bà về sống cùng mình, cô sẽ không để bà bán ở chợ với sạp hàng bông nữa, thật vất vả cho bà ...

Vừa chạy xe, Sầm Giang vừa có cảm giác như có ai đó đang bám theo mình.

Cô lo lắng quay lại. Trời ạ! Thì ra là anh chàng, anh ta chạy ngoài sau mình từ bao giờ ... Sầm Giang nhủ thầm:

“Anh chàng theo bọn mình hay theo mình?” ...

Cô bé rụt cổ và vụt thật nhanh ...

Nhã Quỳnh mở tung cửa sổ đứng nhìn ra vườn. Nắng buổi sáng thật ấm áp, dễ chịu. Sáng nay chủ nhật, Nhã Quỳnh định đến rủ Thụy Khuê và Sầm Giang đi vòng vòng ngoài phố.

Được mệnh danh là người có óc thẩm mỹ trong “nghệ thuật chọn và mặc đồ đẹp”, cô cảm thấy phải làm sao cho xứng đáng nên luôn luôn thay đổi thời trang đúng lúc, kịp thời. Nhỏ Thụy Khuê hay trêu bạn:

– Bởi rứa cho nên mi ăn mặc cầu kỳ quá!

– Mô có! - Nhã Quỳnh cãi lại.

Cảm thấy còn ấm ức, nhỏ tiếp tục nhăn nhó với Thụy Khuê:

– Tại ta bắt kịp mode ... cũng như mi hễ nghe ăn gì, uống gì là mặt mày sáng rỡ. Nào là bánh cuốn trên đường ni nì ..., nào là bún bò Huế ở đường ni ngon hơn nè, nào là ...

– Ê! Nhỏ ni! Hổng có được lấn sân à nghen!

– Cho xin đi hai vị! Có nhớ là chúng ta chuẩn bị đến câu lạc bộ xem một vở kịch mới ra lò không?

Thụy Khuê bụm miệng cười, khi nghe Sầm Giang can ngăn bằng luận điệu nhà nghề. Thụy Khuê nói to:

– Yên trí đi, sân ai cỏ nấy nhé!

Âm vang tiếng cười của Thụy Khuê cứ vang giòn bên tai, nếu như không có tiếng chuông cửa reo. Nhã Quỳnh giật mình:

– “Ấy chết, nhỏ Thụy Khuê đến mà mình chưa thay đồ, con nhỏ sẽ ca cẩm cho mình nghe bắt mệt ...”.

Tiếng giày và tiếng chuông cửa cứ reo vang làm cho Nhã Quỳnh cuống lên.

Cô bước ra ngoài nói vọng xuống:

– Đợi chút!

Giọng Thụy Khuê vang vang thật to:

– Mi làm gì mà lâu rứa vậy Quỳnh? Nhiều đồ quá chẳng biết tuyển chọn cái nào à!

“Cái con khỉ, cứ nheo nhéo trước cửa nhà ...” - Nhã Quỳnh rủa thầm và chạy vội ra mở cửa.

Thụy Khuê lao vào nhà như cơn lốc, chống nạnh hai tay, mắt nhìn Nhã Quỳnh chằm chằm:

– Ô hay! Đồ mới hử? Đẹp mê đi ... A mà, ta nhớ con gái Huế hay duyên dáng trong tà áo dài cơ mà!

– Thôi đi khỉ! Đi chơi mà bắt ta mặc áo dài lòng thòng à!

Hai cô đẩy xe ra cổng, con Lu Lu quấn quýt dưới chân. Thụy Khuê nhìn Lu Lu rồi nói:

– Bữa ni nó ngoan hiền ghê nhỉ!

– Với mi thôi đó. - Nhã Quỳnh nheo nheo mắt với bạn.

– Bây giờ chúng ta đến chỗ Sầm Giang đi, không khéo con nhỏ lại ra chợ mất. Thụy Khuê bảo bạn.

– Sao mi biết nó đi chợ?

– Biết chứ! Sáng nào không học nhỏ ấy cũng ra chợ với ngoại.

– Thế à! Mình đi bất ngờ chắc nhỏ ấy không đi cùng được đâu.

– Vậy thì nhanh lên.

Hai cô lên xe và vọt thật nhanh đến nhà Sầm Giang.

Khi đi ngang chợ Vườn Chuối, Nhã Quỳnh nói:

– Hay ta vào xem có Sầm Giang ở đấy không Quỳnh.

Nhã Quỳnh lắc đầu:

– Thôi khỏi ... để ta gọi điện cho nhỏ ấy!

Hai cô rẽ vô hẻm vào nhà Sầm Giang, ngôi nhà có cây mận trong sân thật thích.

Vừa đến trước cửa, Thụy Khuê đã la inh ỏi:

– Sầm Giang! Sầm Giang ơi!

Từ trong nhà đi ra, Sầm Giang ngạc nhiên khi thấy hai bạn đẩy xe vào.

– Tưởng mi không có ở nhà ...

Quay sang Nhã Quỳnh, Sầm Giang nói:

– Ta cũng dự định ra chợ với bà ngoại đây.

Thụy Khuê phân bua:

– Thôi, bữa nay đừng ra chợ, đi chơi với bọn ta đi. Lát nữa ghé chợ, ta chạy vào xin phép bà ngoại cho.

Đôi mắt Sầm Giang tròn xoe, ngạc nhiên:

– Sáng nay bọn mi định đi đâu?

Nhã Quỳnh nhanh nhẩu:

– Đi Thư viện Quốc gia.

Sầm Giang cười:

– Chà, chà! Siêng nhỉ! Chuyện lạ ....

Thụy Khuê cười:

– Là nó nói cho vừa lòng mi đó thôi, đi thư viện một chút rồi đi vòng vòng chơi ... chắc là ghé thăm siêu thị.

– Thăm các shop thì có. - Sầm Giang lên tiếng.

Thụy Khuê vẫn cười khì:

– Nhanh nhanh lên thôi. Tất cả đều đúng, chúng ta chỉ có một ngày chủ nhật thôi.

– Chắc ta đi không được đâu. - Sầm Giang nói với bạn.

Nhã Quỳnh cố năn nỉ:

– Đi đi Giang, tí nữa bọn ta sẽ ghé xin ngoại.

– Không phải ngoại không cho đi ... nhưng mà ...

Sầm Giang từ chối vì cô bé chẳng dám đi chơi với hai bạn hoài, không phải ngoại không cho, nhưng vì ở nhờ cậu mợ. Vả lại, Sầm Giang chẳng hề hé môi về tình cảnh “ăn nhờ ở đậu” của mình.

Chừng như hiểu được tâm trạng của Sầm Giang, Thụy Khuê nắm tay bạn:

– Mi đi với bọn ta! Tụi mình thân nhau từ trước giờ, có gì đâu, đừng ngại nhe nhỏ.

Sầm Giang ấp úng:

– Ta không muốn ...

Nhã Quỳnh đưa tay bụm miệng Sầm Giang, có một giọng vang vang từ trên vọng xuống:

– Người ta đã không đi tức là có lý do, ép làm gì? Chị ấy còn phải nấu cơm nữa.

Quỳnh và Thụy Khuê nhìn lại chỗ cầu thang. Một cô bé khá đẹp, cô bé mặc chiếc quần Jean lửng và chiếc áo pull ngắn.

Quỳnh và Khuê cười, gật đầu chào cô gái. Cô bé nói tiếp:

– Các chị cứ đi đi. Chị Giang còn phải trông nhà làm bếp nữa. Chị ấy không giống hai chị đâu. Có một ngày chủ nhật còn phải dọn dẹp nữa chứ, ai lại đi chơi. Tôi ra chỗ mẹ đây!

Đợi cho cô bé đi khuất, Thụy Khuê lên tiếng:

– Ai vậy Giang?

Sầm Giang cười nhẹ:

– Hạnh Trúc, con của cậu mợ. Ta ở đây với gia đình cậu mợ và bà ngoại ...

Thụy Khuê:

– Vậy thì không nên tiếp tục như thế này, con nhỏ làm như mi là “người ở”.

không bằng?

Sầm Giang lắc đầu:

– Biết làm sao được, mình là ... đứa “ăn nhờ ở đậu” mà!

Nhã Quỳnh lên tiếng:

– Nhất định mi phải ở chỗ khác, không thể ở cùng gia đình như thế này được.

Hay là đến chỗ ta ở tạm đi.

Sầm Giang lắc đầu:

– Không được đâu.

Thụy Khuê lên tiếng:

– Vậy thì đi ăn sáng rồi về. Mi vào thay đồ nhanh lên.

– Ta không ...

Thụy Khuê đẩy Sầm Giang vào trong, cô bé đành chấp nhận, lòng vẩn vơ buồn.

Sầm Giang bước ra, vẫn khiêm tốn với bộ đồ thường mặc:

chiếc quần Jean thun bó màu tím sậm với chiếc áo pull màu trắng.

– Trông nhỏ Giang đầy sức sống.

Nhã Quỳnh lên tiếng:

– Đầy vẻ quyến rũ nữa mới lạ chứ! - Thụy Khuê bồi thêm.

– Thôi đi đừng có ghẹo ta ... ta cũ rích hà!

– Hì hì ... Cũ rích hả, cho ta cũ rích với. Nè! Ra đây ta chở cho!

– Ta đèo nó cho. - Nhã Quỳnh tranh với bạn.

– Thôi, để ta!

– Mi chở nó hoài. - Nhã Quỳnh nói.

– Để mi thong thả mà mơ mộng.

Sầm Giang can:

– Đèo ta chỉ mệt thêm chứ có sướng gì đâu mà cãi nhau.

Thụy Khuê cười:

– Ấy đấy! Vậy mà có người giành đấy. Với lại đèo mi, ta biết sẽ có nhiều “cái đuôi” theo, ta cũng được hưởng xái chứ! ....

Rời khỏi con hẻm nhà Sầm Giang, Nhã Quỳnh lên tiếng:

– Trời này đi chơi thật tuyệt.

Rồi cô lại ngân nga:

– Trời không nắng cũng không mưa.

Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương ...

Nhã Quỳnh lại ngẫu hứng:

– Cái ông Xuân Diệu này thời trẻ chắc cũng mơ mộng, lãng mạn lắm.

– Không lãng mạn mà là thi sĩ lãng mạn. Có mi lảng thì có ... - Thụy Khuê nói.

Nhã Quỳnh với theo:

– Ta lảng gì chứ!

– Ừ, thì ... lảng xẹt ...

Nhã Quỳnh vẫn ấm ức và cô cứ phân bua:

– Ý tao muốn nói, ông ấy đã từng yêu, từng đi chơi, từng ... cho nên ông ấy rành tâm lý tuổi trẻ. Mi thấy đúng không?

“Làm sao sống được mà không yêu, Không nhớ, không thương một kẻ nào?”.

Ba cô cười vang.

Vừa loay hoay làm bếp, Sầm Giang vừa mỉm cười về những gì đã xảy ra.

Khoảng hơn một tuần nay, cả bọn đã được biết “cái đuôi” của họ là một anh chàng “đạo diễn” trẻ, chắc cũng mới tập tành vào nghề. Sầm Giang rất thích thú điều này. Nhỏ Nhã Quỳnh còn thích thú hơn khi biết anh chàng để ý ba cô vì muốn tìm nhân vật cho tác phẩm đầu tay mà anh làm đạo diễn.

Thụy Khuê cứ trêu mãi:

– Biết đâu nhỏ Giang hay Quỳnh ... hai đứa mi là mẫu nhân vật của anh chàng ... Bọn mi sẽ làm diễn viên, sướng nhé!

Thụy Khuê còn bồi thêm:

– Không khéo ... anh chàng “trồng cây si” mi đó Giang?

Sầm Giang giãy nảy:

– Đừng có nói tầm bậy.

– Nhỏ này! Như vậy mà tầm bậy à? Để rồi mi xem, điều ta nói có đúng sự thật không?

... Buổi sáng ngày chủ nhật, ba cô hò hẹn nhau đi xem vở kịch mới tại câu lạc bộ sân khấu nhỏ. Đó là ý kiến của Sầm Giang, cô bé rất thích thú mỗi khi phát hiện có một vở kịch mới hay một bộ phim mới để bộ ba đi xem.

Thụy Khuê dừng xe trước một hiệu bánh cuốn rồi nói:

– Hôm nay ta có tài trợ nên mời bọn mi một bữa, không ai được từ chối.

Nhã Quỳnh lè lưỡi:

– Oai dữ vậy ta!

Ba cô vào quán ngồi ăn, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả.

Nhã Quỳnh bỗng đề nghị:

– Bữa nay đừng xem kịch. Trời mát mẻ, đi chơi đâu đó cho thư thả ...

Thụy Khuê hỏi:

– Đi đâu?

– Thì Đầm Sen, sở thú, siêu thị .... thiếu gì.

Sầm Giang lên tiếng:

– Thôi đi hai con khỉ, tự nhiên lại không muốn xem kịch nữa à. Tiếc lắm đó.

Vở kịch mới, ta nghĩ chắc là hay lắm.

– Đương nhiên là hay rồi vì có diễn viên ruột của bọn mình nè ... - Thụy Khuê buông lửng câu nói, cắm cúi ăn hết đĩa bánh.

Sầm Giang mỉm cười:

– Đi sở thú, Đầm Sen ... thiếu gì lúc. Không xem vở kịch này làm sao xem lại được, ta tiếc lắm. Ta quyết định đi xem kịch.

– Chà! Oai dữ vậy ta ...

Thụy Khuê trêu bạn rồi lại tiếp:

– Ta đề nghị biểu quyết đi, ở đây mình có ba đứa.

Nhã Quỳnh xen vào:

– Ta không đồng ý.

– Thì cứ thử đi mà! - Thụy Khuê lên tiếng.

Sầm Giang lắc đầu:

– Ta biết hai đứa mi khoái đi chơi hơn, ngồi một chỗ mấy tiếng đồng hồ xem kịch làm sao hai đứa mi chịu được, khi mà ...

Lại giọng Thụy Khuê:

– Đúng đấy!

– Hay nhỉ!

Sầm Giang nói rồi im lặng.

Bỗng có tiếng nói từ một góc bàn gần đó cất lên:

– Thôi thì các cô chia hai phe đi, tôi tình nguyện theo bên thiểu số ...

Ba cô gái quay lại, trố mắt nhìn. Nhỏ Thụy Khuê ồn ào:

– Trời ... thì ra ... là “chang huyền” ...

Chữ “huyền” cô bé nói đủ để hai người bạn của mình nghe.

Sau phút giây ngỡ ngàng, Thụy Khuê bỗng mỉm cười rồi mạnh dạn nói với Sầm Giang nhưng cố tình để người thanh niên ngồi ở góc bàn bên nghe:

– Rồi. Biểu quyết nhé!

– Thôi đi nhỏ! - Sầm Giang cười buồn.

– Khóc rồi kìa, Quỳnh ơi! Mi có ô mai, đem ra dỗ nó đi. Hì hì ...

Nhìn gương mặt buồn thiu của Sầm Giang, Nhã Quỳnh không đành. Cô bé liếc sang bàn bên kia, rồi hỏi bạn:

– Mi chịu là phe thiểu số chứ? Nói vậy chứ, chúng ta đi thôi, kẻo hết vé bây giờ.

Thụy Khuê gọi tính tiền rồi cùng hai bạn rời khỏi quán bánh cuốn.

Anh chàng cũng chạy xe rề rề theo:

– Xin cho tôi được tháp tùng “Tam cô nương” có được không?

Thụy Khuê hất mặt hỏi:

– Ơ ... ông ... biết chúng tôi đi đâu mà đòi tháp tùng?

Anh chàng cười tươi:

– Đi mô cũng được.

“Lại còn nói giọng Huế” của mình nữa! Nhã Quỳnh nghĩ.

– Hừ ... hử ... ông nói cái gì?

Người thanh niên vẫn cười, nụ cười mới đẹp làm sao!

Và chàng cứ cố tình chạy chầm chậm cùng với Sầm Giang. Rồi anh quay sang Sầm Giang và hỏi:

– Các cô học ở trường nào?

– Ông hỏi mần chi rứa? - Thụy Khuê xen vào.

Anh chàng cười:

– Để biết.

Nhã Quỳnh buột miệng:

– Có khi ông đã biết bọn này học ở đâu rồi đó!

Nói xong, Nhã Quỳnh cảm thấy đắc ý với điều mà cô vừa nói ra, vì anh ta là “cái đuôi” từ bao lâu nay.

Anh chàng im lặng chạy xe chậm hơn và song song với Sầm Giang. Anh lên tiếng:

– Chắc hai cô bé kia ăn hiếp cô lắm phải không?

Sầm Giang lặng thinh. Từ nãy đến giờ cô nàng đang nghĩ ngợi vu vơ. Nhã Quỳnh lại nhanh nhẩu lên tiếng:

– Anh nói sao? Hai đứa này ăn hiếp nó à! Coi chừng lầm đó à nha! Coi vậy chứ nó có uy với tụi này lắm đó. Hai đứa tui không dám làm nó buồn đâu. Nó mà buồn, nó khóc ... là tốn ... ô ... mai lắm đó ... phải hông Sầm Giang?

Chàng thanh niên mỉm cười, nghĩ:

“Sầm Giang, cô bé là Sầm Giang”, rồi hỏi:

– Tên cô đẹp quá ...

Thụy Khuê bi bô:

– Tên nó cũng là quê hương của nó. À ... nó là “cây” văn thi sĩ của bọn này đó.

– Nó còn là ...

Nhã Quỳnh định nói tiếp, Sầm Giang vội ngăn:

– Thôi được rồi, hai đứa mi nói nhiều quá đó.

– Từ nãy giờ mới nghe cô bé lên tiếng. - Anh chàng lên tiếng.

Thụy Khuê vẫn liến thoắng:

– Tại bữa nay nó ...

Chưa nói hết câu, Thụy Khuê đã cười vang.

Chẳng mấy chốc họ đã đến trước cổng câu lạc bộ. Anh chàng lên tiếng:

– Các cô gửi xe đi.

Thụy Khuê quay sang Sầm Giang:

– Mi đem xe vào gửi với Nhã Quỳnh, ta vào mua vé.

– Thôi khỏi, tôi có vé đây này.

Gã thanh niên vừa nói vừa chỉ vào túi áo của mình.

Thụy Khuê bướng bỉnh hỏi:

– Có đủ không đấy?

– Mỗi cô một vé, nếu các cô đi vé đôi cũng đủ nữa là ...

– Cái anh này ...

Ba cô gái cười giòn giã.

Buổi sáng chủ nhật thật tuyệt vời. Hôm nay thật ấm áp, dễ chịu.

Sau buổi xem kịch ở câu lạc bộ, bộ ba Sầm Giang, Thụy Khuê, Nhã Quỳnh thân thiện với Trung Du - tên anh chàng đạo diễn. Tuy mới vào nghề nhưng tên tuổi của anh cũng có nhiều người biết, do anh có bộ phim được báo chí ngợi ca và đó cũng là bộ phim đầu tay của Trung Du. Không ngờ ba cô được quen với đạo diễn, Nhã Quỳnh, Thụy Khuê vui lắm.

Nhã Quỳnh bình phẩm:

– Anh chàng quả là một người tài hoa.

Thụy Khuê cười:

– Ừ, một con người tài ba, tài hoa ... mà lại cũng khá điển trai.

Nhã Quỳnh:

– Đâu cần điển trai, anh chàng cũng nhất rồi.

Thụy Khuê kêu:

– Chà chà! Chắc là có ý gì đây?

Nhã Quỳnh gật đầu:

– Mi quên là ta thích đóng phim à! Nhất định sẽ xin chàng cho một vai nào đó trong bộ phim mà anh làm đạo diễn.

Thụy Khuê cũng gật gật đầu:

– Ta nữa! Còn mi thì sao, Sầm Giang?

Sầm Giang cảm thấy ngại ngùng vì quá bé nhỏ trước mọi người, nhất là với Trung Du.

– Ta không biết nữa ... ta chỉ mong ra trường có công ăn việc làm ngay ...

Nghe Thụy Khuê hỏi, Sầm Giang chỉ cười và trả lời một cách thật lòng.

Thụy Khuê vẫn ấp ủ mộng diễn viên của mình, cô vẽ vời:

– Bọn mình phải có đứa được đóng phim chứ! Tao sẽ tìm cách nói với anh Trung Du ... nhất định phải đóng phim.

Nhã Quỳnh mơ màng nghĩ đến mình đóng phim và được nổi danh, đi đâu cũng có người theo xin chữ ký. Nhã Quỳnh cảm thấy sướng rân, gương mặt đầy kiêu hãnh. Nhã Quỳnh cứ suy nghĩ mãi và nhất định sẽ đạt được mục đích. Từ trước đến giờ, Nhã Quỳnh vẫn luôn khao khát được đóng phim, được làm ca sĩ ... Biết đâu lại là cơ hội để cô đến với công việc này ...

Chiều nay rỗi, Nhã Quỳnh chợt nghĩ đến Trung Du. Cô bé lấy tấm danh thiếp ra xem rồi quyết định gọi điện hẹn với Trung Du. Nhã Quỳnh thầm nghĩ:

“Không nên rủ hai nhỏ kia đi cùng, vì hai nhỏ ấy ... biết đâu cô không được chọn nhưng hai nhỏ ấy được chọn thì sao? Nghĩ thế, trong lòng Nhã Quỳnh dấy lên sự ganh tị ích kỷ ... biết đâu Sầm Giang đẹp lại được chọn ...”.

Cô bé phóng xe thật nhanh đến nhà của Trung Du.

Trung Du ngạc nhiên sau khi mở cửa:

– Ồ! Chào cô bé ...

– Chào anh.

– Em đi một mình à?

– Dạ.

Nhã Quỳnh vào phòng, trong lòng hơi ấm ức. Tại sao anh chàng lại hỏi cô đi một mình, anh không muốn như vậy sao?

– Em ngồi chơi!

Nhã Quỳnh ngồi xuống, cô hỏi ngay:

– Anh ở nhà có một mình sao?

Trung Du cười:

– Vậy cô tưởng tôi ở đây với ai?

– Thì gia đình của anh.

Trung Du cười:

– Gia đình nào? Bộ anh già lắm sao?

Nhã Quỳnh cười nhẹ:

– Anh ... chưa có ...

Trung Du nhăn mặt, lắc đầu:

– Cô bé này! Tôi chẳng có ai ... À có, mẹ và chị nhưng họ không có ở đây.

– Sao vậy?

– Vì ... tôi mới vào nghề ...

– Sao mới vào nghề mà mẹ anh lại không ở đây?

Trung Du cười:

– Bà sợ tôi không nuôi nổi bà nên phải ở với con gái.

– Anh này! Sao lại tỏ ra xa lạ với em quá vậy? Không coi bọn em là bạn được sao? Vậy thôi, em về.

Trung Du lại cười:

– Em đã đến chơi thì ... À! Có chuyện gì phải không?

Anh chàng đạo diễn này có vẻ gàn dở làm sao! Nhã Quỳnh lại nghĩ đến cơ hội, nên nói:

– Hay là em mời anh uống cà phê.

– Uống cà phê à? Cũng hay đó. Nhưng ra quán thì để hôm khác vậy. Bây giờ tôi khuấy cho cô một ly nhé. Cô đợi tôi một chút.

Trung Du ra phòng bếp và mang lên hai tách cà phê.

Đặt ly cà phê trước mặt Nhã Quỳnh, Trung Du nói:

– Em uống tạm tách cà phê “sẵn” này nhé!

– Em cám ơn anh!

Nhã Quỳnh bưng ly cà phê lên và hớp một ngụm. Cô bé hỏi:

– Anh là đạo diễn ... vậy anh có vai nào cho em không?

Nhìn vẻ mặt của Nhã Quỳnh, Trung Du cười đùa:

– Có chứ! Em có thích đóng phim không?

Nhã Quỳnh sướng rân trong lòng, cô vờ hỏi:

– Anh thấy em có thể đóng phim được không?

Trung Du gật đầu:

– Về vẻ bên ngoài là khỏi chê rồi, tính cách cũng khỏi bàn ... còn chuyện nhập vai nữa, chắc chắn là em có thể làm được.

Nhã Quỳnh gợi:

– Anh là đạo diễn, vậy anh có quyền chọn diễn viên chứ, có đúng không?

Trung Du lại gật đầu.

– Cho em nhập cuộc với!

– Em thích không?

Nhã Quỳnh nũng nịu:

– Con gái mà, chắc cô nào cũng như em thôi ... ai mà không mơ được làm diễn viên.

Trung Du ánh lên trong đôi mắt niềm vui:

– Thật không em?

– Dạ.

– Vậy “Tam cô nương” có thích đóng phim không?

Nghe Trung Du nhắc đến các bạn, không hiểu vì sao Nhã Quỳnh nói:

– Hai nhỏ kia chắc không thích như em.

– Em bảo là ...

– Nhưng đâu có nghĩa là tuyệt đối.

– Cô bé thật là ...

– Anh Du à! Như vậy là anh hứa với em rồi đó nhé.

– Hứa gì?

– Cho em tham gia đóng phim. Nhất định sẽ đền ơn anh đó!

– Ơn nghĩa gì cô bé. Được rồi ...

Chợt nhớ ra điều gì, Trung Du lên tiếng:

– Mà nè! Có một đợt tuyển diễn viên, hay là em tham gia nhé!

– Sẵn sàng thôi! Nhưng anh phải giúp cho em ...

Trung Du lại đùa:

– Sẵn sàng thôi!

Nhã Quỳnh vô cùng vui thích. Anh chàng đạo diễn này có vẻ thật nghiêm túc. Được thôi, rồi dần dần sẽ đi vào “mê hồn trận” của các cô diễn viên xinh đẹp mà thôi. Mấy tay đạo diễn đâu phải là tay vừa.

Nhã Quỳnh trò chuyện thật vui vẻ với đạo diễn.

Trung Du cũng tìm cách để hỏi thăm về cả ba cô, nhưng xem ra cô bé này không thích đề cập đến. Họ là bạn thân kia mà! Hay là ... Con gái thật lạ ....

Mải nghĩ vẩn vơ, Sầm Giang đã đến trước cổng trường. Chiều nay, Sầm Giang có giờ học thêm ngoại ngữ.

– Sầm Giang!

Sầm Giang giật mình, quay lại, cô há hốc:

– A! Anh ... Trung Du.

Giọng Trung Du trầm ấm:

– Chiều nay em đi học một mình à?

– Dạ!

Du mỉm cười:

– Tan học, anh đón nghen.

Không đợi Sầm Giang trả lời, Trung Du đạp xe đi thẳng. Sầm Giang cảm thấy hồi hộp thật nhiều vì chưa bao giờ cô bé trò chuyện một mình với bạn trai.

Suốt buổi học, Sầm Giang cứ nao nao rồi lo lo, sợ sợ. Thỉnh thoảng, cô bé nhìn đồng hồ.

Rồi cũng đến lúc tan học. Vừa đẩy xe ra cổng, Sầm Giang vừa dáo dác nhìn quanh, trong lòng thật kỳ lạ.

Trung Du đến gần:

– Sầm Giang ... chúng ta đi uống nước nhé!

Không từ chối được, cô đành đi cùng.

Họ vào một quán nước thật thơ mộng. Sầm Giang lúng túng. Trung Du kéo chiếc ghế rồi nói:

– Em ngồi đi!

Rồi anh cũng yên vị đối diện. Anh gọi cho cô ly cà phê kem và anh ly cà phê đen.

Trung Du phân trần:

– Xin lỗi vì anh không hỏi ý kiến của em ...

Sầm Giang:

– Sao cơ?

Trung Du lại cười:

– Không hỏi em uống gì.

Sầm Giang lắc đầu:

– Dạ, không sao ... em ...

– Được rồi. Nè! Tên của em hay ghê!

– Đó là tên quê ngoại của em và bà đã đặt tên cho em.

– Vậy à! Chắc là hai cô bạn “ăn hiếp” em rồi.

– Không có đâu! Bọn em thương nhau lắm ... À! Anh làm đạo diễn đã lâu chưa?

Trung Du lắc đầu:

– Anh chưa có bề dày kinh nghiệm ...

Trò chuyện vu vơ một lúc, Trung Du vào đề:

– Anh đang chuẩn bị làm bộ phim, anh nghĩ em hợp với nhân vật này, giúp anh tham gia đóng bộ phim này nhé!

Sầm Giang ngạc nhiên:

– Em à! Em đâu có biết gì về việc đóng phim.

– Anh sẽ chỉ cho em. Em đồng ý nhé. Cô bạn của em cũng thích lắm!

Sầm Giang lại ngạc nhiên. Cô hỏi:

– Hai bạn em cũng thích đóng phim nữa à?

– Một thôi ... Vậy em giúp anh nhé?

– Sao anh không chọn bạn em?

Trung Du cười:

– Cả hai. Anh thấy em và bạn em sẽ phù hợp với hai tuyến nhân vật.

Sầm Giang cười ...

– Anh nghĩ như vậy à?

– Ừ!

Sầm Giang e ngại và lo lắng:

– Em chẳng có năng khiếu, sợ làm không được ...

Trung Du gật đầu:

– Được mà! Anh cam đoan vì một phần nhân vật đã có trong em đó.

– Anh nói sao?

Trung Du thuyết phục thật lâu, Sầm Giang đành chấp nhận.

Sầm Giang lo lắng:

– Em sợ không có thời gian.

– Em sắp xếp lại thời gian học.

– Em còn phải ...

Trung Du đoán:

– Anh nghĩ là em sẽ sắp xếp thời gian được mà. Yên tâm đi, anh sẽ bàn bạc với tác giả rồi hẹn để em đến.

– Có được không anh?

– Thật ra, sẽ có một buổi tuyển diễn viên để đóng bộ phim này.

– Sao lại tuyển?

– Vì mọi người muốn có diễn viên mới có năng lực.

– Nói về năng lực, em rất e ngại.

– Em phải tự tin như bạn của em. Nhất định em và bạn em phải tham dự đợt tuyển diễn viên, đó cũng là cơ hội để đóng phim.

Sầm Giang cười:

– Nếu không được tuyển thì không được đóng phải không anh?

– Vẫn được, nhưng em có tham gia đợt tuyển diễn viên đó, em sẽ được mời đóng nhiều phim hơn khi mà họ thấy em thể hiện được nhân vật mà họ đang cần.

– Em nghĩ, anh cũng nên là tác giả ...

– Chắc chắn anh có phần đó, nhưng giá như anh có vốn để làm nhà sản xuất thì còn gì bằng.

Sầm Giang cười rồi nói:

– Từ từ rồi anh sẽ thực hiện được điều đó thôi!

– Em tin như vậy à?

Sầm Giang gật đầu:

– Anh làm được mà!

– Em tin như vậy?

Trung Du gật đầu:

– Vậy anh tin theo em nha!

– Anh đùa với em?

– Anh không đùa đâu! Đợi anh có vốn chắc lúc đó, em chỉ còn đóng vai “bà lão”.

Sầm Giang pha trò:

– Nếu còn tham gia, em sẵn sàng đóng vai “bà lão” giúp anh.

Hai người trò chuyện thật rôm rả, ra vẻ thật tương đồng. Trung Du rất vui.

Sầm Giang đòi về nên anh chiều ý cô. Sau đó Trung Du còn dặn:

– Anh sẽ đón em đến đó.

Sầm Giang lắc đầu:

– Không được! Em sẽ gọi cho anh. Anh không được tự ý tìm em, đón em khi em chưa đồng ý đâu nhé!

Nhã Quỳnh là con gia đình khá giả, quê nội gốc Huế, sau này vào sống ở Biên Hòa. Ba mẹ đều làm kinh tế nên cuộc sống của Nhã Quỳnh sung túc hơn.

Nhã Quỳnh sống phong lưu hơn các bạn về mọi mặt, bạn bè ai cũng mơ. Nhã Quỳnh là mẫu lý tưởng của các cô gái - vừa xinh đẹp lại vừa con nhà khá giả.

Sầm Giang và Nhã Quỳnh là hai cô gái có sự đối lập với nhau hoàn toàn. Nhã Quỳnh mạnh mẽ, sôi nổi, háo thắng bao nhiêu thì Sầm Giang lại dịu dàng, thùy mị, khiêm tốn. Cả hai đối lập cả về gia cảnh.

Được nhỏ Thụy Khuê tán thành nên Sầm Giang cùng với Nhã Quỳnh tham gia vào khóa tuyển diễn viên, cả hai đều được chọn. Các bạn trong khoa chúc mừng. Nhã Quỳnh hứng thú chiêu đãi các bạn một bữa bò bía. Các bạn trong lớp hí hửng, Sầm Giang thì e ngại. Thụy Khuê hứa hẹn thay cho Sầm Giang:

– Bao giờ Sầm Giang nhận tiền cát-xê cho một bộ phim, nó sẽ chiêu đãi chúng ta một bữa.

Sự xuất hiện của hai cô gái xinh đẹp mới được tuyển khiến cho mọi người xì xào, vì hai cô được nhận vai cho một bộ phim dài tập.

Dù rất muốn để Sầm Giang vào vai nữ chính trong phim nhưng xem ra về tính cách thì Nhã Quỳnh hợp vai hơn.

Nhã Quỳnh được giao một vai khá nặng ký nên cô bé rất vui. Còn Sầm Giang chỉ nhận một vai nhỏ, cô xuất hiện rất ít, nhưng cô cố gắng để chăm chút cho vai của mình, dẫu sao đây cũng là một niềm vui vì ít khi con đường đi lên lại không phải qua thử thách.

Sầm Giang nhận kịch bản và tập trung để học và tự mình tìm hiểu thêm về tính cách của nhân vật.

Tội nghiệp nhỏ Thụy Khuê sợ Sầm Giang buồn, cứ gọi điện động viên.

Sau khi đi dạy kèm vừa về đến nhà là Sầm Giang nhận điện của Thụy Khuê.

Sầm Giang nghe điện:

– Alô! Ta đây. Có chi không nhỏ ...

– ...

Sầm Giang cười:

– Ừ, biết rồi ... ta không buồn gì đâu! Được đóng phim cũng tốt rồi. Từ từ chứ!

– ...?

Sầm Giang:

– Cảm ơn vì sự nhắc nhở của mi, ta sẽ cố gắng. Thôi nhé!

Sầm Giang định tìm cái gì để ăn tối thì mợ xuống và nói:

– Tưởng cháu ra ngoài rồi ăn tối luôn nên chẳng có gì để phần cho cháu.

Bà ngoại từ phòng tắm đi ra. Bà lên tiếng:

– Sao lại không còn gì để ăn, chẳng lẽ không có cái hột gà, hột vịt nào sao?

Mợ Hạnh mở tủ lạnh rồi nói:

– Cuối tuần rồi má à! Hay là còn nước tương ...

Bà ngoại càu nhàu:

– Con nhỏ đi dạy kèm về chứ có phải đi chơi đâu chứ!

Sầm Giang bỏ đi vào phòng tắm.

Tình cảnh này làm sao có thể ở được khi mà mình phải dành thời gian đi quay phim. Sầm Giang quyết định nói với bà để bà đồng ý cho ra ngoài ở, chắc bà sẽ ủng hộ. Nhưng liệu bà có đồng ý không khi biết cô tham gia đóng phim.

Sầm Giang cứ suy nghĩ mãi.

Suốt đêm nằm cạnh bà, Sầm Giang trằn trọc mãi và quyết định xin phép bà.

Cô lăn qua, trở lại khiến bà ngoại không ngủ được. Bà lên tiếng:

– Con ngủ không được à?

– Dạ!

– Cố gắng ngủ đi con ... mai còn đi học.

– Bà cũng ngủ đi, ngày mai bà còn đi bán ...

Nằm trằn trọc mãi, Sầm Giang đành lên tiếng:

– Bà ơi! Cho con thuê nhà ở bên ngoài nhé!

– Cái gì! Con định ra ngoài ở sao? Tốn kém lắm đó!

Sầm Giang nói trong nước mắt:

– Con biết sẽ tốn kém, nhưng con sẽ cố gắng ... vì con thấy con ở đây, bà cũng sẽ bị ảnh hưởng ... bà đồng ý nha bà ...

– Con đi học suốt, buổi tối mình nhẫn nhịn một chút cũng sẽ ở được. Con ra ngoài, bà lo lắng ...

– Hay là hai bà cháu mình ra ngoài nha bà?

Bà ngoại thở dài:

– Bà không thể ra ngoài con à ...

– Vậy bà cho con ra. Thỉnh thoảng con sẽ ghé thăm bà.

– Con chưa đi làm, thuê nhà tốn kém lắm, con có kham nổi không?

Sầm Giang kiên quyết:

– Con sẽ cố gắng, chứ ở đây, như đêm nay, con đói, muốn ăn mì cũng không dám ...

– Trời ơi! Chắc là con đói lắm, phải không? Sao con không nói ngoại chiên cho chén cơm mà ăn.

– Thôi, bỏ đi ngoại. Ngủ nha bà ... Ngày mai con sẽ tìm nhà trọ ....

Chỉ nghĩ đến thôi là đã nghe vô cùng sung sướng ... Sầm Giang chìm vào giấc ngủ sẽ đầy mộng đẹp đây!

Nhã Quỳnh đọc tới, đọc lui kịch bản, trong lòng đầy kiêu hãnh. Không ngờ lần đầu tiên nhận vai đã có thể nhận được vai “nặng” như vậy. Sầm Giang làm sao có cơ hội. Vả lại, để xem nhỏ ấy có đóng trọn vai được hay không? Vào con đường này phải có rất nhiều thứ, không dễ chút nào ... Nhã Quỳnh chợt nghĩ đến Trung Du - anh chàng đạo diễn cho bộ phim mà cô đang được nhận vai.

Chắc chắn ngay từ những ngày chạy theo bọn cô, anh chàng đã để ý đến mình, Nhã Quỳnh nghĩ thế. Nếu không, tại sao cô lại được vào vai này một cách ngọt ngào như thế ... Nhã Quỳnh cho đó là sự “ngọt ngào” mà cô được hưởng ...

Trung Du có gương mặt khá điển trai, mà lại cương nghị, cô không thích vẻ cương nghị đó. Làm đạo diễn phải có gương mặt lãng tử, hào hoa ... Nhưng dẫu sao anh chàng cũng rất hào hoa với cô và vẫn thừa sức chinh phục các cô. Nhã Quỳnh đã nhắm vào anh ngay từ khi đến với công việc này.

Nghe nguồn tin về anh chàng đạo diễn trẻ tài năng nhưng nghiêm khắc, không hào hoa, lãng mạn. Người gì đâu mà lạnh lùng đến khó ưa, vậy mà sao cô cứ nghĩ đến anh chàng mãi nhỉ?

Nhã Quỳnh định gọi điện báo trước cho anh nhưng cô lại thôi, cứ đến chỗ của anh ta để tạo sự bất ngờ.

Nhã Quỳnh thay đồ rồi phóng xe đến tìm Trung Du.

Tìm nhà anh đến tận Gò Vấp một lúc, Nhã Quỳnh mệt nhoài, nên khi nhấn chuông cửa thấy bóng dáng Trung Du bước ra, cô vui mà đổ dỗi ngay:

– Nhà anh sao khó tìm thế!

Trung Du thì ồ lên:

– Là cô à?

– Vậy chứ anh tưởng ai? Hay là có nhiều người đến tìm nên không biết là ai?

– Thôi đi cô!

Nhã Quỳnh giậm chân:

– Không cho em vô nhà sao?

Trung Du cười:

– Được rồi, mời cô vào ...

Nhã Quỳnh cong đôi môi, điệu đàng nói:

– Làm gì gọi em bằng cô này, cô nọ .... nghe chẳng thân thiện chút nào ... Đạo diễn phải khác chứ!

– Trời! Dạy đời cả tôi hả?

Trung Du chỉ vào chiếc ghế xa lông và nói:

– Cô ngồi đi. À! Cô uống gì?

– Cho em uống giống anh đạo diễn đi!

– Biết anh uống gì mà đòi.

– Anh nói thử xem, em có uống được không?

Trung Du đem cho Nhã Quỳnh lon nước ngọt và lon cà phê cho mình, anh nói:

– Em uống đi.

Nhã Quỳnh cầm lon nước và cười nói:

– Như vậy trông anh hay hơn!

– Vậy sao? À! Gặp tôi có gì không?

Nhã Quỳnh mở tập kịch bản ra và chỉ vào rồi nói:

– Có mấy phân đoạn em chưa rõ ... nhờ anh chỉ ...

– Vậy à!

Nhã Quỳnh đứng lên và đến ngồi cạnh bên Trung Du, cô nói:

– Xin phép anh nha!

Hai người cùng bàn bạc, Nhã Quỳnh nghiêng người nép vào phía Trung Du.

Nhã Quỳnh dùng những cách rất “con gái” để khiêu khích Trung Du. Anh chàng thì cứ say sưa chỉ giảng ... như đang giảng bài cho học trò.

Thấy Nhã Quỳnh ơ hờ, Trung Du lên tiếng:

– Nhã Quỳnh ... có rõ chưa?

Nhã Quỳnh ẻo lả:

– Dạ .... dạ .... có gì anh giúp em nghe ... Em sẽ đền đáp công ơn.

– Em có thừa khả năng mà.

– Em hả? Em mới vào nghề nên chưa có kinh nghiệm, nhưng em sẽ cố gắng học hỏi.

– Em có năng khiếu bẩm sinh mà.

– Anh đánh giá em cao như vậy sao? Còn bạn em thì sao?

– Bạn nào?

Nhã Quỳnh dỗi:

– Anh thật là ... chẳng lẽ anh không biết bộ ba của bọn em hay sao?

Trung Du cười:

– Anh lu bu công việc nên cũng hay quên. Xin lỗi nghe. Em muốn nói Sầm Giang à?

– Sầm Giang thì sao anh?

– Nhã Quỳnh và Sầm Giang đều có khả năng ... đợi đến khi quay mới có thể biết được cô nào nhạy bén hơn.

– Có gì anh giúp đỡ cho em nghe. Em sẽ ... dành cho anh tất cả.

Trung Du lắc đầu cười:

– Muốn làm tốt thì phải học hỏi và phấn đấu. À! Nếu không có gì, hẹn gặp lại trong những buổi quay. Bây giờ tôi phải đi vì có công việc.

– Anh đuổi em à!

– Không dám đuổi, nhưng tôi có chút việc phải đi.

Nhã Quỳnh đứng lên:

– Xin phép anh, em về.

– Mà nè! Mai mốt có việc gì em gọi trước. Nếu không, đến nhà không gặp lại mất công vì phải đạp xe đến tận đây!

Nhã Quỳnh dẻo miệng:

– Em sẽ đợi anh về.

– Trời đất! Biết tôi về lúc nào chứ?

– Chẳng lẽ đến tối cũng không về sao?

– Ừ! Có khi anh không về.

– Vậy anh ở đâu? Chắc là nhà nào? Hay khách sạn, hay ...

– Hay ghê! Ở nhà trọ được không?

Nhã Quỳnh đứng lên và trong lòng nghĩ:

“Thì khách sạn hay nhà trọ cũng thế thôi ... chắc chắn là anh chàng có ý gợi cho mình biết. Vậy mà ...”.

Sầm Giang đã ra ngoài ở nên cô có thời gian để đi quay phim. Sầm Giang thu xếp mọi việc đâu vào đấy. Vì cô còn phải dạy kèm nên thời gian quay phim cũng phải sắp xếp.

Trong thời gian đi quay, Sầm Giang rất lo vì phải bỏ học, nếu như thu xếp học được buổi khác thì cũng đỡ, còn không, cứ phải tham khảo tài liệu. Nhã Quỳnh thì đã dành hết tâm huyết cho việc đóng phim. “Đóng phim là điều mình mơ ước ... Tại sao lại bỏ con đường trong mơ của mình chứ!”.

Sầm Giang cười:

– Đối với mi cái gì cũng là hiện thực hết, Quỳnh à!

Nhã Quỳnh ấm ức:

– Tao vẫn còn tức anh Du ...

Thụy Khuê xen vào:

– Trung Du thì sao?

Nhã Quỳnh tức khí:

– Chắc là có khối diễn viên xinh đẹp nên anh ta chẳng mặn mà với ta.

Sầm Giang im lặng nếu biết Trung Du vẫn hay tìm cách gặp cô chắc Nhã Quỳnh sẽ giận cho mà xem. Vả lại, giữa cô và Trung Du cũng chỉ gặp qua công việc. Thật là khó mở lời để Nhã Quỳnh thông cảm nên Sầm Giang đành im lặng.

Trong thời gian qua cùng đoàn quay phim, Sầm Giang đã cố gắng để hoàn thành vai diễn của mình. Trung Du thường tìm cách để đến gần với cô hơn. Anh tỏ ra đồng tình với cách thể hiện của Sầm Giang. Theo thị hiếu kịch bản bây giờ các đạo diễn vẫn hay làm cho các nhân vật đậm chất hài hơn nên các kịch bản đôi khi phải thay đổi một chút. Theo lời đạo diễn, điều đó để ăn khách. Đối với Trung Du, anh lại thích khai thác tuyến nhân vật có số phận cũng như các cô gái thùy mị, dịu dàng hơn. Những vai này rất hợp với Sầm Giang ... vậy mà kịch bản nào, các nhân vật như anh mong đợi cứ bị biến đổi ... Đồng nghiệp ai cũng bảo anh còn trẻ mà có tư tưởng hoài cổ, cổ hủ ...

Sinh nhật lần thứ hai mươi hai của Nhã Quỳnh được tổ chức thật đặc biệt.

Do có nhà ở thành phố nên ba mẹ Nhã Quỳnh từ Biên Hòa lên thành phố để dự và lần này còn đặc biệt hơn là có chú Phúc Đăng của Nhã Quỳnh ở Mỹ về chơi.

Nhã Quỳnh mời cả Trung Du và những người bạn mới quen trong nghề, chẳng biết Nhã Quỳnh có biết hay là vô tình, con nhỏ quái quỷ đã sắp xếp cho chú Phúc Đăng đến chỗ trọ đón Sầm Giang.

Sầm Giang yên lặng, bâng khuâng nhìn lên giàn hoa giấy. Phúc Đăng vừa treo những bóng đèn màu lơ lửng lên những nhánh cây, vừa mỉm cười với Sầm Giang:

– Có đẹp không Giang?

Rồi Phúc Đăng lại nói tiếp:

– Hình như Sầm Giang có tâm sự?

Giật mình Sầm Giang quay lại, cô ngỡ ngàng khi có người đọc được những tâm sự của mình. Sầm Giang vội chối:

– Dạ, đâu có chú!

– Sầm Giang nói dối. Mà nè! Không được gọi là chú đó!

Sầm Giang đánh tiếng lảng:

– Thụy Khuê chưa đến hả chú?

Phúc Đăng đến bên Sầm Giang:

– Sầm Giang là cô bạn đến đầu tiên đấy, thật vinh dự cho Nhã Quỳnh.

Sầm Giang lắc lắc mái tóc:

– Sầm Giang không dám đâu, làm người quan trọng nguy hiểm lắm.

Nụ cười vẫn nở trên môi Phúc Đăng, anh nhìn chăm chăm khiến Sầm Giang bối rối, nói vu vơ:

– Chú Đăng này ...

– Chi rứa cô bé?

Giọng Huế ngọt ngào và ánh mắt thiết tha của Phúc Đăng làm Sầm Giang mất tự nhiên. Cô gọi Phúc Đăng nhưng thực tâm cũng chẳng biết hỏi gì? Sầm Giang lại im lặng nhìn lên khoảng trời mênh mông. Buổi chiều chưa tắt hẳn, vậy mà Nhã Quỳnh lại cho đón mình đến, trong khi đó thì lại vắng mặt để cho chú Đăng tiếp Sầm Giang ...

Bất chợt Phúc Đăng lên tiếng:

– Hôm nào về quê của Sầm Giang chơi có được không?

Sầm Giang e dè:

– Quê hương của Sầm Giang chẳng đẹp như thành phố Huế mộng mơ của chú đâu! Về đó chán lắm.

– Sao lại chán chứ? Xa quê, Sầm Giang sẽ thấy quê hương của mình ở đâu cũng đẹp hết. Sầm Giang nổi tiếng trái ngọt cây lành, đặc biệt là vú sữa Sầm Giang đó nghe.

Sầm Giang cười, im lặng. Phúc Đăng lại nói:

– Mai mốt chú sẽ về vào dịp mùa vú sữa, ở bên ấy “khát” loại trái cây ngon này vô cùng.

– Ở nước ngoài cũng có loại trái ngon vậy chú.

Phúc Đăng lắc đầu:

– Chẳng ở đâu có trái cây ngon như ở quê mình. Mỗi vùng miền đều có những sản vật quý giá.

– Chú đã xa Huế bao lâu rồi?

– Ngót hai mươi năm.

– Cũng là ngần ấy thời gian chú xa đất nước phải không?

Phúc Đăng lắc đầu nhìn Sầm Giang:

– Không! Chú chỉ xa đất nước trên mười năm nay thôi.

– Chắc là chú nhớ Huế nhiều lắm phải không?

– Ừ, nhớ nhiều lắm. Chú định thu xếp mọi việc rồi về Huế. Sầm Giang về Huế chơi với chú có được không?

– Sầm Giang cũng muốn biết thành phố Huế lắm, nhưng chưa thể đi được chú à.

– Chú rất tiếc ...

Sầm Giang đi tới, đi lui, có vẻ nóng lòng chờ đợi Nhã Quỳnh. Mãi đến khi Nhã Quỳnh và Thụy Khuê đến cổng nhà, Nhã Quỳnh đã kêu to:

– Chú ơi!

Phúc Đăng và Sầm Giang đang trò chuyện vội bước ra cổng.

Sầm Giang ngỡ ngàng vì có Trung Du đến cùng với Nhã Quỳnh.

Nhã Quỳnh lên tiếng khi quay sang Sầm Giang:

– Cám ơn vì có mi đó Sầm Giang!

– Làm sao cám ơn ta ...

– Nhờ có mi đến, chú Đăng vừa vui, vừa có người trò chuyện.

Phúc Đăng cười:

– Thôi đi nhỏ ni! Khách đến mà chủ nhà thì đi biệt. Cám ơn vì chú đã tiếp khách đó.

– Chứ không phải chú còn thích nữa là ...

Thụy Khuê đến và nói:

– Thôi đi, lo mời khách vào rồi còn tuyên bố lý do. Cứ ở đó ngợi ca, ơn nghĩa, hai người thật là ...

Quay sang Trung Du, Nhã Quỳnh lên tiếng:

– Xin lỗi anh, vì bọn em gặp nhau là quên mất cả khách khứa.

Trung Du chỉ cười.

Nhã Quỳnh nói với Trung Du và chỉ tay vào Phúc Đăng:

– Đây là chú của em.

Rồi cô bé háo hức nói với Phúc Đăng:

– Chú ơi! Xin giới thiệu với chú đây là đạo diễn Trung Du, mà cháu đã và đang tham gia phim của anh ấy ...

Phúc Đăng bắt tay Trung Du, mọi người cùng nhau bước vào khoảng sân được bày sẵn mấy chiếc bàn ...

Sầm Giang và Nhã Quỳnh lao vàc việc đóng phim chẳng còn thời gian nên ít khi gặp nhau, Thụy Khuê cứ gọi điện nhắc nhở mãi.

Trung Du thật khó khăn lắm mới có thể đề nghị để Sầm Giang vào một trong các vai nữ chính của bộ phim mới vì tính cách nhân vật trong kịch bản có sự thay đổi cho thích hợp. Mặc dù trong những lần trước, Nhã Quỳnh được đánh giá không diễn xuất tốt như Sầm Giang.

Sầm Giang rất vui vì con đường mình đang đi tuy có gay go nhưng cô vẫn còn bước tiếp ... Mải suy nghĩ vẩn vơ, Sầm Giang quên cả việc đọc kịch bản.

Thật tội nghiệp cho Trung Du, là đạo diễn nên còn phải lệ thuộc vào nhà sản xuất vì anh chẳng có tiền để đầu tư nên đôi lúc mọi nội dung phải theo ý của nhà sản xuất, cả tác giả cũng vậy. Nếu có phần vốn, Trung Du chắc chắn sẽ đầu tư vào ...

Đang nghĩ đến anh thì chuông điện thoại reo vang, Sầm Giang nghe:

– Alô ... em nghe!

Giọng Trung Du:

– ...

Sầm Giang kêu:

– Được rồi, em ra ngay.

Sầm Giang thay nhanh đồ rồi ra ngoài. Gặp Trung Du, cô hỏi ngay:

– Có việc gì sao anh?

– Ồ, không! Là vì anh thấy nhớ nhớ nên tìm cách đến thăm em.

– Anh thật là ...

– Đã nắm rõ tính cách nhân vật mà em sẽ đảm nhiệm chưa? Sắp đi quay rồi đó.

– Dạ .... em sẽ cố gắng.

Trung Du đã lên kế hoạch cho việc quay cảnh, anh vẫn muốn để Sầm Giang đóng nhưng nhà sản xuất thì yêu cầu để cho Nhã Quỳnh thể hiện, nhưng Trung Du vẫn không đồng tình ... Tất cả sẽ trông cậy vào sự thể hiện của Sầm Giang.

Trung Du tin vào khả năng của cô.

Nhìn vẻ trầm tư của Trung Du, Sầm Giang băn khoăn, cô không muốn vì mình mà Trung Du bị ảnh hưởng. Chính nhỏ Nhã Quỳnh đã nói:

“Anh Trung Du là đạo diễn có tài, có triển vọng nhưng không có một thứ ...”.

Sầm Giang vô tư:

“Thứ gì?”.

Nhã Quỳnh cười:

“Tiền.”.

Và theo lời của Thụy Khuê thì còn tùy vào nhà sản xuất, nếu như đạo diễn chọn diễn viên không theo ý họ ....

Dù chỉ mới đóng một bộ phim nhưng Sầm Giang thấy phức tạp vô cùng.

Mặc dù vậy, được tham gia đóng phim là điều đam mê của Nhã Quỳnh và cả Sầm Giang nữa. Hai cô thích từ khi bước chân vào trung học, rồi sau đó là niềm đam mê làm báo, Sầm Giang thấy mình không giữ vững lập trường, cô cảm thấy lo lắng. Nhưng nhỏ Thụy Khuê thì luôn khuyến khích Sầm Giang. Đọc qua kịch bản này, Sầm Giang cũng cảm thấy thích thích nên cô tìm hiểu và nắm vững diễn biến tâm lý nhân vật. Gặp Trung Du, cô lại hồi hộp vì sợ anh sẽ bảo thay đổi diễn viên ...

Thấy Sầm Giang trầm ngâm, Trung Du cười hỏi:

– Có việc gì sao trông em căng thẳng quá vậy?

Sầm Giang cười:

– Em ... sợ ....

– Sợ gì?

– Có khi nào ... người ta chọn diễn viên khác thay cho em không?

Trung Du nhìn Sầm Giang cười nói:

– Khờ quá! Anh là đạo diễn, anh có quyền chọn diễn viên chứ. Dù em mới vào nghề nhưng em có khả năng nhiều lắm. Yên tâm đi cô bé.

Sầm Giang nhẹ giọng:

– Có thật không đó!

– Anh sẽ cố gắng ... Nếu kịch bản nào tốt, có vai nữ thuộc “môtíp” của em, anh sẽ chọn em.

– Anh nhớ đó.

Sầm Giang đùa vui rồi lại lảng sang chuyện khác, vì cô biết Trung Du khó cạnh tranh được với các đạo diễn khác. Dù anh có tài, nhưng anh không có tiền nên cần vào sự đầu tư của các nhà sản xuất. Điều này cũng là do nhỏ Thụy Khuê nói, Sầm Giang chẳng biết gì ...

Sầm Giang và Trung Du vừa uống cà phê vừa trò chuyện say sưa, đến khi có giọng nói quen quen cất lên, hai người mới ngẩng lên. Sầm Giang giật mình khi thấy Nhã Quỳnh đi cùng một gã đàn ông.

Bất chợt người đàn ông cười với Trung Du rồi nói:

– Cậu cũng đến đây sao? Mà nè! Có sự thay đổi về nhân sự, chắc là cậu biết điều này. Vậy ...

Trung Du gật gật đầu.

Gã đàn ông nói tiếp:

– Sắp khởi quay rồi ...

Nhìn Sầm Giang, ông cười hỏi tiếp:

– Đổi vai nữ chính cho Nhã Quỳnh. Ngoài ra, cậu có thể tìm vai khác cho diễn viên ... là cô gái này sao?

Sầm Giang thấy vẻ mặt của Trung Du có vẻ lạ, anh bối rối khi nghe người đàn ông nói.

Nhã Quỳnh hớn hở nói với gã đàn ông:

– Mình ngồi chỗ kia đi anh ...

Hai người bước đi, Nhã Quỳnh nhếch môi cười. Sầm Giang cảm thấy Nhã Quỳnh thật lạ, chẳng ồn ào hay líu lo khi gặp cô, chẳng lẽ mình đã làm gì khiến cho Nhã Quỳnh buồn.

Mải suy nghĩ Sầm Giang không hay Trung Du đang nghe điện thoại và sau đó anh nói:

– Mình về thôi ... Anh có chuyện này muốn nói với em ...

Sầm Giang nhìn anh, cô cười nhẹ:

– Vậy anh nói đi.

Trung Du lắc đầu:

– Về chỗ anh.

– Em không về. Em chưa uống nước mà!

Trung Du đứng lên:

– Anh đưa em đến một quán nhỏ nhưng cũng dễ thương không kém nơi đây.

Sầm Giang cười:

– Như vậy là lãng phí đó anh!

– Anh biết. Nhưng ... ở đây không tiện nói.

– Gì mà quan trọng dữ vậy anh?

– Quan trọng và tế nhị. Mình đi đi em.

Trung Du đặt tiền nước rồi nắm tay Sầm Giang ra khỏi quán. Trong lòng cô bé vô cùng ấm ức.

Phúc Đăng tìm đến chỗ ở của Sầm Giang khiến cô bối rối khi từ trong phòng bước ra mở cửa.

Sầm Giang kêu lên:

– Ồ ... chú!

Phúc Đăng cười:

– Ngạc nhiên lắm sao cô bé?

– Nhưng ... sao ... sao chú biết ...

Phúc Đăng vẫn cười:

– Thì cũng phải cho chú vào nhà đã ...

– Dạ, chú vào.

Chỉ chiếc ghế, Sầm Giang líu ríu nói:

– Chú ... chú ngồi ...

– Được rồi. Chú đợi ... Sầm Giang thay đồ, chú đưa đi dạo ... Chú có chuyện muốn nói với Sầm Giang.

“Lại có chuyện muốn nói!”. Sầm Giang chợt nhớ đến lần đi cùng Trung Du, anh cũng nói với cô là “có chuyện” và rồi đó là chuyện gì? Nghĩ đến là Sầm Giang càng tức và buồn.

– Sao lại thẫn thờ vậy cô bé ...

– Nhưng ...

Nhìn vẻ ấp úng và thùy mị của Sầm Giang, Phúc Đăng thấy thương cô vô cùng. Có lẽ gốc Huế của anh đã khiến cho anh thích những cô gái khả ái, dịu dàng. Vì vậy, lần đầu gặp cô là anh đã thấy trong lòng mình “rối loạn” ... Cô cháu Nhã Quỳnh cũng đồng tình cho anh theo đuổi cô bé.

Nhìn vẻ khả ái của Sầm Giang, Phúc Đăng mỉm cười:

– Sầm Giang giống các cô nữ sinh Đồng Khánh ...

– Sao Giang lại giống ...

– Vì Giang dịu dàng. Con bé Quỳnh nó chẳng được như thế.

Sầm Giang buồn buồn. Phúc Đăng mỉm cười:

– Đi dạo với chú nhé!

Sầm Giang vô tình:

– Sao chú không rủ nhỏ Quỳnh đi cùng?

– Thôi đi cô bé! Là vì chú muốn đi với Sầm Giang mà thôi!

– Chú ...

– Không chú gì hết! Vào chuẩn bị nhanh lên rồi đi với chú.

Không để Sầm Giang nói thêm lời nào, Phúc Đăng đẩy cô bé vào.

Sầm Giang miễn cưỡng vào trong và trở ra. Phúc Đăng “ồ” lên:

– Chú nói có sai đâu ... rất Huế.

– Chú cứ trêu Giang.

Phúc Đăng cứ nhìn chằm chặp vào Sầm Giang khiến cô càng ngại ngùng.

Một lúc, Phúc Đăng nói:

– Mình đi nhé!

Phúc Đăng đưa Sầm Giang đi chơi, đi ăn rồi đi shopping. Phúc Đăng mua thật nhiều đồ cho Sầm Giang mặc dù cô từ chối. Phúc Đăng nói:

– Chú sắp về Mỹ ... vài tháng nữa mới trở về Việt Nam. Chú ... sẽ nhớ Giang nhiều ... lần sau chú về sẽ mua nhiều quà cho Giang.

Sầm Giang vô cùng e ngại. Có lúc chú Đăng còn gọi cô bằng “em” ... và bóng gió đôi điều khiến cho Sầm Giang càng bối rối.

Giọng Phúc Đăng lúc nào cũng ngợi ca cô cháu gái:

– Nhã Quỳnh nó rất thương bạn. Giang là cô bạn mà Nhã Quỳnh rất thương mến!

Thương mến ư? Từ khi tham gia đóng phim đến giờ, bộ ba các cô dần dần như có một khoảng cách, chẳng còn chút thời gian nào dành cho nhau với những cuộc chơi ... dường như ở đó là ngấm ngầm của lòng đố kỵ. Nhã Quỳnh thường bắt bồ với các đạo diễn, mấy nhà đầu tư sản xuất vì họ bỏ tiền ra, vì vậy mà dù Trung Du có làm đạo diễn nhưng quyết định chọn diễn viên họ không tôn trọng ý kiến của Trung Du mà tự quyết định. Trung Du bảo:

“Anh phải có vốn để có chút quyền trong việc chọn diễn viên. Em đừng buồn về việc vừa rồi nhé!”.

Những tưởng được đóng chính trong bộ phim do Trung Du làm đạo diễn, nào ngờ cuối cùng bị đẩy ra với một vai thật mỏng, cứ như thế hết phim này lại đến ...

Đi chơi với Phúc Đăng mà tâm trạng Sầm Giang rối bời, vì trong lòng cô không có Phúc Đăng ...

Phúc Đăng nắm tay Sầm Giang:

– Lần sau đi chơi xa với chú nha?

– Đi chơi xa ...

– Ừ. Đi biển ... nhé!

– Vậy thì chú phải rủ bộ ba của bọn Giang chứ?

– Chú chỉ muốn đi với Giang thôi!

– Như vậy, cháu đâu thể đi được.

– Không thể không đi! Giang không đi vì chú được sao?

Sầm Giang ú ớ trong cổ họng. Sầm Giang e dè trước sự săn đón của Phúc Đăng, cô né tránh, càng né, Phúc Đăng càng tìm cách thân thiện với cô hơn.

Phúc Đăng chợt hỏi Sầm Giang:

– Em cũng thích đóng phim giống như Nhã Quỳnh lắm sao?

Sầm Giang giật mình. Cô rụt rè nói:

– Cũng thích thích.

Phúc Đăng cười:

– Hay để ... chú đầu tư vào lĩnh vực này để ...

Sầm Giang lắc đầu:

– Chú à! Đừng như thế! Công việc của chú đang tốt, tại sao lại mạo hiểm vào công việc mà chú không thích.

– Ai nói chú không thích?

– Nhỏ Nhã Quỳnh nói.

– Nhưng vì ... Giang, vì Sầm Giang chú sẽ làm ... để em có cơ hội đóng nhiều phim và đảm nhận vai chính ... chú hứa như thế.

Sầm Giang vô cùng lo lắng trước sự nhiệt tình mà Phúc Đăng dành cho cô.

Trong lòng cô bỗng thấy rối bời ...

Ở thành phố, có đôi ngày bỗng dưng thời tiết tưởng chừng như mang sắc thái mùa thu, dù thực tế thời tiết đã là lập đông.

Buổi sáng ra phố gió chớm lạnh, mỗi người khoác thêm chiếc áo nhẹ. Trời nhiều mây, ít nắng khiến cho Nhã Quỳnh liên tưởng đến tiết trời Đà Lạt. Mây xám cứ bềnh bồng trôi ngang qua bầu trời, lá me cứ thay mưa rải trên hè phố, nắng cứ nhẹ vàng trên những mái ngói rêu. Dõi mắt theo từng cụm mây chiều đã xuống, từ lúc nào, bỗng dưng Nhã Quỳnh cảm thấy lòng bâng khuâng chi lạ.

Có lẽ cái không khí lành lạnh của những ngày lập đông dễ gợi nỗi buồn vu vơ trong lòng con gái!

– Hù ... hù ...

– Á!

Nhã Quỳnh đưa tay gỡ bàn tay của chú Đăng, cô biết chắc chắn như vậy.

Giọng cô thật Huế:

– Chú Đăng hôm ni lạ rứa?

Nụ cười thật tươi, Phúc Đăng trả lời:

– Mô có! Chú vẫn bình thường kia mà!

– Rứa mà cháu tưởng chú đang ... Chú nè! Chiều ni nhớ Huế ghê!

Phúc Đăng cười:

– Í trời! Ở Huế được bao nhiêu ngày mà nhớ chứ!

– Chú ... thì cháu cũng là người gốc Huế mà.

– Ai mà chẳng biết cô có gốc Huế, họ Tôn Nữ chứ!

Nhã Quỳnh chợt reo lên:

– Hay là Tết này mình về Huế đi chú?

– Ừ. Nhưng mà cháu phải ...

Nhã Quỳnh cười:

– Cháu biết rồi, mời nhỏ Sầm Giang đi cùng, có đúng không chú. Nhưng mà ...

Phúc Đăng cũng cười:

– Chú cũng thừa biết. Được rồi, chú sẽ trả công cho, được chưa cô bé?

– Chắc chắn là phải được rồi. Cố lên nha chú!

Hai chú cháu cùng cười.

Phúc Đăng than vãn:

– Sầm Giang không phải là cô gái bình thường như các cô gái cùng trang lứa đâu.

– Răng rứa chú?

– Một cá tính hết sức đặc biệt, rất đáng yêu nhưng không dễ yêu đâu nhé.

Nhã Quỳnh đùa:

– Vậy đừng thèm yêu có phải hay hơn không?

– Tình yêu mà cháu.

– Vậy thì ...

Nhã Quỳnh đưa tay ra bắt tay chú rồi kêu:

– Vậy thì cố lên chú ơi. Tết này phải về Huế chơi.

Rồi cô ngân nga:

– Sao anh không về chơi thôn Vỹ.

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền ...

Phúc Đăng nhìn Nhã Quỳnh cười.

Nhã Quỳnh cũng nhìn chú. Tết ni là chú đã ba mươi ba tuổi rồi, vậy mà về nước lần này lại say mê một cô bé ngoài hai mươi. Nhã Quỳnh rất hiểu bạn, giá như những cô gái khác, họ đã không dại gì mà không đến với chú Đăng, nhiều khi không yêu mà vẫn giả bộ yêu ... Còn Sầm Giang thì sao? Phải chăng vì con nhỏ đã có Trung Du? Tuy anh chàng là đạo diễn mới vào nghề nhưng anh vẫn được các nhà sản xuất chú ý và họ rất muốn anh là đạo diễn. Trung Du và Sầm Giang đã thân với nhau đến mức độ nào? Chắc chắn là Sầm Giang đã thuộc về anh chàng đạo diễn. Nhã Quỳnh bỗng chạnh lòng. Tại sao anh không vì cô mà chọn diễn viên. Càng nghĩ càng thấy giận, Nhã Quỳnh thấy mình có khả năng hơn cả Sầm Giang, vậy mà lúc nào cũng Sầm Giang. Để rồi xem Sầm Giang sẽ không có cơ hội đóng vai nữ chính đâu ...

– Kìa, cháu đang nghĩ gì thế?

– Cháu đang nghĩ đến Sầm Giang.

– Chú cũng rứa.

Thật không ngờ chú Đăng lại trả lời như vậy - một lời thú tội đáng yêu. Thấy thương chú chi lạ, Nhã Quỳnh muốn giúp chú để chú gắn bó với Sầm Giang, nếu được như vậy Nhã Quỳnh sẽ có cơ hội đến với Trung Du.

Nhã Quỳnh lên tiếng:

– Chú cháu mình đến rủ Sầm Giang đi dạo phố nha chú? Tiết trời này đi phố thật lý tưởng.

Phúc Đăng pha trò:

– Lý tưởng nhất là đi phố bên cạnh người yêu ...

– Chú ni lậm rồi đó!

– Thật đấy.

Phúc Đăng hối thúc Nhã Quỳnh rồi hai chú cháu cùng chuẩn bị.

– Chú ơi!

– Sao?

– Mình đi đâu hở chú?

– Cháu muốn đi đâu?

– Cháu biết để còn ...

– Biết ngay cô cháu của tôi ... Nhưng mà sao hôm nay rảnh rỗi thế?

– Cháu đang chuẩn bị để quay đó chú. Xả hơi một chút.

– Vậy thì chú sẽ dẫn các cô bé đi ăn rồi đi vũ trường, đồng ý chứ!

– Hoan hô chú!

Phúc Đăng mỉm cười, lắc đầu, đưa mắt theo bước nhún nhảy của cô cháu gái vốn được nuông chiều ...

Gương mặt Phúc Đăng đanh lại khi thấy Sầm Giang có bạn trong nhà.

Cả Nhã Quỳnh cũng ngạc nhiên khi gặp Trung Du tại nhà trọ của Sầm Giang.

Cảm giác nặng nề đè nặng lên tâm tư của mọi người, Sầm Giang biết điều đó, nhưng chẳng biết phải đối phó thế nào.

Cũng may Thụy Khuê quả là vị cứu tinh của Sầm Giang lúc ấy. Cô vui vẻ lên tiếng:

– A! Có cả anh Du ở đây nữa à? Có kịch bản mới do anh làm đạo diễn phải không?

Sầm Giang thầm cảm ơn nhỏ bạn đã khéo léo gợi chuyện.

Trung Du gật đầu chào mọi người:

– Không ngờ bữa nay được gặp “Tam cô nương” ở đây.

Quay sang Phúc Đăng, Thụy Khuê liến thoắng:

– Em đại diện cho gia chủ, mời quý vị an tọa ... đại ở đâu đó.

Nhã Quỳnh đập lên vai bạn:

– Vậy mà cũng nói ... “tọa đại” ở đâu đây, hử?

– Ở đâu được thì cứ ... Tự dưng có nhiều khách ghé nên chủ nhân bối rối, phải không Giang?

Vẫn giọng oang oang, Thụy Khuê nói với Phúc Đăng và Trung Du.

Chỉ vào Phúc Đăng, cô nói:

– Đây là Phúc Đăng, chú của Nhã Quỳnh.

Đưa tay chỉ Trung Du, Thụy Khuê tiếp lời:

– Và đây là đạo diễn kiêm tác giả trẻ.

Thụy Khuê còn pha trò:

– Còn “Tam cô nương” có cần giới thiệu không?

Trung Du cười:

– Chúng ta đã quá quen thuộc rồi.

Đưa tay bắt tay Phúc Đăng, Trung Du tỏ vẻ khiêm nhường:

– Chú đừng nghe cô bé này! Tôi chỉ là một người bình thường, có khi còn “thất nghiệp” nữa.

Gương mặt Phúc Đăng vẫn lạnh băng:

– Gọi tôi là Phúc Đăng cũng được, gì mà gọi bằng chú, nghe già quá. Thực ra, tôi không hơn anh bao nhiêu tuổi đâu.

Cuộc chạm mặt bất ngờ này làm cho Sầm Giang cảm thấy ngột ngạt. Ánh mắt của Phúc Đăng và Nhã Quỳnh như dò xét Sầm Giang. Sầm Giang nghe tim mình đập loạn xạ, cô bối rối cứ cúi mặt yên lặng.

Thụy Khuê luôn là người biết cách khỏa lấp bầu không khí tẻ nhạt đó:

– Chú Đăng ơi! Chú định đưa bọn cháu đi đâu nè, nhân thể cháu làm đại diện cho Nhã Quỳnh và chú mời luôn anh Trung Du tháp tùng theo chúng ta nhé!

Phúc Đăng chưa kịp phản ứng, Trung Du vội đứng lên cáo từ:

– Cám ơn Thụy Khuê, anh không thể đi được. Anh đến gặp Sầm Giang để bàn chút việc.

Lại giọng Thụy Khuê:

– Báo cho Sầm Giang việc gì, anh Du nhỉ?

Trung Du cười buồn:

– À! Chuyện phim ...

Nét bực bội hiện lên trên gương mặt Nhã Quỳnh. Cô gằn giọng:

– Có phần em không anh Du?

Phúc Đăng cảm thấy khó chịu, xen vào:

– Cháu muốn có phần gì chứ?

Nhã Quỳnh cười buồn:

– Thì chuyện đóng phim. Ngoài việc đóng phim, cháu còn mê gì chứ!

Vẫn giọng Thụy Khuê:

– Có chứ! Mi còn mê đi shopping nhất, đúng không?

Thấy các cô gái vòng vo hoài, Phúc Đăng lên tiếng:

– Thôi, chúng ta đi nhé, các cô gái ...

Nhã Quỳnh kéo Sầm Giang vào trong. Quỳnh nói:

– Mình đi chơi Giang nhé! Thay đồ đẹp nè!

Nhã Quỳnh đưa bọc đồ cho Sầm Giang:

– Mi thay đồ này đi.

– Ta ...

Nhã Quỳnh cười:

– Mình đi dự tiệc ...

Nhã Quỳnh giúp bạn thay chiếc áo đầm tuyệt đẹp, trông Sầm Giang thật xinh đẹp, quyến rũ.

Nhã Quỳnh kêu:

– Trông mi kiêu sa, đẹp mê hồn luôn. Quà của chú Đăng tặng mi đó. Chú thật tốt đấy nhé!

Nghe nhắc Phúc Đăng, Sầm Giang khựng lại. Giá như cô biết trước ... Làm sao bây giờ? Ai lại nhận quà của người đang theo mình mà mình thì chẳng có tình ý gì cả ...

– Làm gì trầm ngâm thế? Chú rất thích mi, có gì đâu mà ngại. Thôi, chúng ta đi, kẻo mọi người đợi.

Thấy Sầm Giang, giọng mợ Út thật khác:

– Dữ hôn! Đi ra ngoài ở là không chịu về thăm ngoại, để ngoại nhớ và bệnh luôn.

Sầm Giang lên tiếng:

– Con vừa học thi, vừa tham gia đóng phim nên không có thời gian. Con định ...

Mợ Hoàng bỗng đổi giọng:

– Sầm Giang nè! Hay là cháu nói với đạo diễn cho Hạnh Trúc của mợ tham gia đóng phim với. Con bé mê lắm. Sẵn có cháu về chơi, giúp cho em với.

Nghe những lời của mợ, Sầm Giang bỗng nổi da gà ... mợ thay đổi giọng ngọt ngào với cô thật lạ .... Thì ra, mợ muốn Hạnh Trúc đóng phim.

Giọng mợ hối thúc:

– Sao, có được không cháu? Hạnh Trúc nhà mợ cũng xinh đẹp mà lại trẻ mơn mởn ... Nè! Hay là cháu đưa em đến gặp đạo diễn nhé! Cần gì nói mợ .... quà cáp gì cho họ.

– Mợ ơi! Con sẽ cố gắng, nhưng con cũng chẳng có danh tiếng gì ... nên cũng khó khăn lắm mợ à ...

Mợ Hoàng đến bên Sầm Giang, đặt tay lên vai cô và ngọt ngào lẫn trách móc:

– Cháu cũng đã tham gia vài bộ phim, cho dù chưa phải là vai lớn lao ...

nhưng từ từ đã chứ. Mợ cam đoan với sắc vóc của Hạnh Trúc, con bé có triển vọng ngay cho mà xem. Chỉ sợ cháu không muốn giúp thôi, cháu sợ Hạnh Trúc nó trẻ, nhỏ hơn sẽ được ưu ái hơn chứ gì? Chỗ bà con mới nhờ đến cháu ... Tại vì cháu đang là diễn viên ...

Nghe mợ Hoàng nói mãi, Sầm Giang chẳng có lời nào để hỏi thăm bà ngoại.

Một lúc sau, Hạnh Trúc từ trên lầu bước xuống.

Hạnh Trúc nói mỉa:

– Mẹ ơi! Hổng ai chịu giúp mình đâu! Nhưng con nghĩ con sẽ có cách để có điều kiện đến với điện ảnh.

Sầm Giang lên tiếng:

– Hạnh Trúc à! Thật ra, đường vào ngành này phức tạp lắm. Theo chị, em nên tốt nghiệp trung học đã. Sau đó chọn vào ngành điện ảnh mà thi. Nếu như ...

Hạnh Trúc cười xen vào:

– Nhưng tôi muốn được đóng phim ngay lúc này. Còn chuyện học, vừa đóng phim vừa học cũng được vậy.

Càng nói càng thấy ấm ức vì nói chuyện với Hạnh Trúc và mợ chẳng thấy có lối ra. Cái vòng luẩn quẩn bực bội cứ tiếp diễn như ngày nào Sầm Giang còn ở đây ...

Sầm Giang trấn tĩnh lại và hỏi:

– Để cháu thăm ngoại. Ngoại bệnh ra sao vậy Trúc?

Mợ Út cười mỉa:

– Bà ấy còn khỏe vô cùng, làm sao mà bệnh ... Có điều tôi muốn gặp cháu nên mới nhắn như vậy.

Sầm Giang bực mình:

– Bà ngoại đâu?

Hạnh Trúc hất mặt nói:

– Chắc là sang “tám” với hàng xóm rồi. Ở thành thị mà làm như ở quê không bằng, cứ sang hàng xóm mà “tám”. Có ngày ...

Thái độ xấc xược của Hạnh Trúc khiến cho Sầm Giang càng bất mãn, con bé thật hỗn hào với bà. Cậu mợ quá thương con nên nhỏ Trúc cứ a dua, đua đòi và hỗn hào với bà ngoại, cứ xem bà ngoại là người ăn nhờ ở đậu. Có lần bà đã nói với Sầm Giang:

“Phải chi bà ngoại đừng nghe lời cậu con ... bà đã bán nhà và đất ở quê để cậu con lên thành phố mua nhà ... bây giờ, vợ con nó muốn đuổi bà ra khỏi nhà ...”.

Nghĩ đến bà, cũng thấy tội, Sầm Giang muốn kêu bà về với mẹ sống ở quê nhà ... Sau này có điều kiện cô sẽ rước bà và mẹ sống cùng. Nhưng chẳng biết đến bao giờ cô mới làm được điều đó.

Sầm Giang rời khỏi nhà mợ mà không gặp được ngoại, trong lòng cô rất buồn. Cô vội trở về để xem lại kịch bản. Trung Du vừa cho cô xem kịch bản của một người bạn và anh sẽ làm đạo diễn. Lần này Trung Du muốn cô phải nhận vai nữ chính. Anh bảo một vai nữ rất phù hợp với tính cách ...

Trung Du bàn bạc với tác giả kịch bản và lên kế hoạch mời diễn viên cùng với nhà sản xuất.

Trung Du đã nhờ chị và mẹ cho anh mượn số tiền vay từ ngôi nhà mẹ và chị đang ở để góp một phần nhỏ vốn vào việc đầu tư cho bộ phim để Sầm Giang được đóng vai nữ chính.

Trung Du và tác giả Trần Vỹ ngồi uống cà phê đợi ông Vương đến để bàn việc.

Trần Vỹ hỏi:

– Sao anh cứ muốn cho cô diễn viên mới vào nghề đó nhận vai chính này?

Theo tôi, để cho diễn viên có tên, có tiếng phim mới ăn khách chứ!

Trung Du lắc đầu cười:

– Phải tạo điều kiện cho diễn viên mới chứ!

– Ông nói có vẻ như ai cũng diễn tốt cả.

– Đúng vậy! Chúng ta phải tin vào khả năng của họ. Vả lại, họ cũng được tuyển vào từ cuộc thi mà.

Trần Vỹ lắc đầu:

– Muốn phim thành công ... nên để các “ngôi sao” đóng.

Trung Du cãi:

– Như vậy có vẻ thị trường quá. Tác phẩm và được đóng phim chính là mảnh đất để “dụng võ” đó. Anh không cho họ đóng phim làm sao biết được khả năng của họ.

– Nhưng có khi họ không thể hiện đúng yêu cầu mà tác giả muốn thể hiện.

Trung Du cười:

– Bởi vậy mới cần có các ông để chỉnh sửa theo yêu cầu của mình.

Trần Vỹ kêu ca:

– Chứ không phải “đạo diễn” mấy ông thích làm mới nhân vật nên có lúc làm lệch đi.

– Vì thị hiếu của giới trẻ. Nói chung cái “gu” của người xem. Nhưng thú thực, tôi cũng không thích như vậy đâu.

– Vậy tại sao đạo diễn các anh lại ...

– Đừng nói về chúng tôi, cái gì cũng phải có sự ngoại lệ và tôi là ngoại lệ, nên ...

– Nên sao?

Trung Du cười ý nhị:

– Tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

– Cái ông này!

Hai người thanh niên cười vui vẻ. Một lúc sau, Trung Du nhận điện thoại.

Anh đứng lên đi, ánh mắt đảo nhanh như tìm kiếm nhưng rồi lại chau mặt, gật gật đầu.

Giọng Trung Du:

– Dạ .... dạ .... được rồi ... thì hôm khác vậy.

Trần Vỹ nhìn vẻ mặt của Trung Du, anh bật cười:

– Có chuyện gì mà trông gương mặt ông kỳ quá.

Trung Du bực mình:

– Thì ông Vương đó, khất hẹn rồi ...

– Vậy là sao?

Trung Du cười buồn:

– Ông chuẩn bị là vừa, có khi không cùng tôi làm việc đâu?

– Tôi không hiểu ý ông?

Trung Du đứng lên:

– Về thôi! Có khi ông vẫn được chọn kịch bản, nhưng tôi không được mời làm đạo diễn cho kịch bản này.

Sầm Giang vừa đi quay trở về, lòng buồn rã rượi. Tại sao cuối cùng cô cứ bị đẩy làm diễn viên chỉ xuất hiện vài phân đoạn. Sầm Giang tự nghĩ:

“Chẳng lẽ mình lại diễn xuất dở ... mình không có khả năng chăng? Nhưng sao Trung Du bảo mình đóng rất tốt. Hay là anh an ủi mình ... vì họ không chọn mình vào vai chính, mà vẫn cứ là Nhã Quỳnh. Có lẽ là nhỏ Quỳnh nhập vai tốt hơn cô. Sự tự tin, xinh đẹp và sang trọng của Nhã Quỳnh đã làm cho con nhỏ được hâm mộ ....”.

Nhã Quỳnh đã góp ý cho Sầm Giang chẳng biết có thật lòng hay chỉ là để an ủi. Giọng của Quỳnh thật ngọt:

– Giang à! Không có chuyện gì đến một cách hoàn hảo đâu, phải gian nan lắm và phải “nhạy cảm” nữa ...

– Là sao?

– Hãy tự tìm hiểu ... không phải là cái kiểu “dịu dàng” như bạn là “kiểu mẫu”.

đâu. Nếu có, chắc là người phụ nữ của thời phong kiến “khuê các” thời xưa.

Kiểu đoan trang, thục nữ đó không phù hợp với thời đại này đâu ...

Những lời của Nhã Quỳnh hoàn toàn trái ngược với lời của Trung Du. Anh tỏ ra vẻ rất ủng hộ cô kia mà. Từ lúc được tuyển vào đến giờ, cả hai được tham gia cùng bộ phim và bao giờ cũng là Nhã Quỳnh vai chính, mặc dù lúc đầu đã chọn cô. Tại sao lại như vậy, Sầm Giang quyết định tìm cho ra lý do, nhưng rồi cũng không lý giải được và Trung Du cũng không muốn. Anh bảo:

– Từ từ anh sẽ để em đóng vai chính - nhân vật rất hoàn hảo như em.

– Hoàn hảo là sao?

– Thuần hậu, dịu dàng như em. Cứ bình tâm, từ từ rồi tài năng của em sẽ có dịp để phơi bày ... Khi ấy tha hồ mà em ký hợp đồng ...

Nhã Quỳnh đến đột ngột khiến cho dòng suy nghĩ của Sầm Giang đứt quãng.

Từ khi bước chân vào con đường điện ảnh, bộ ba dần dần chẳng còn khăng khít như dạo nào. Nhã Quỳnh luôn tìm cách để chỉ trích và hãm hại Sầm Giang.

Sầm Giang vô tình:

– Hôm nay rỗi sao “rồng đến nhà tôm” thế!

Nhã Quỳnh cười:

– Không vì chú Đăng, ta đến làm gì. Ta bận túi bụi, sắp phải đi quay cảnh ở ngoại thành ...

– Chuyện gì mà nhỏ đến đây? Nói nhanh, ta nôn nao lắm.

Nhã Quỳnh cười:

– Ta có nhiệm vụ .... đưa mi đến nhà hàng.

– Trời ạ! Làm chi?

– Thì ta chiêu đãi, vì ta mới được ký hợp đồng. Đừng nói nhiều, thay đồ nhanh lên.

– Thụy Khuê đâu?

– Nó đang ở chỗ nhà hàng, cho nên nhanh lên.

Sầm Giang đi cùng Nhã Quỳnh đến nhà hàng.

Không thấy có Thụy Khuê, Sầm Giang chào chú Đăng rồi hỏi:

– Thụy Khuê mô rồi chú?

Phúc Đăng cười:

– Cô bé này nói giọng Huế cũng khá đấy.

– Nhưng cháu là người Nam Bộ ....

– Chú biết mà, cô gái xứ Mỹ yêu kiều. Ngồi xuống đi Giang.

Nhã Quỳnh ngồi kế bên chú, cô cầm cốc nước hớp một ngụm, rồi lại nghe điện thoại.

Nhã Quỳnh đứng lên và bước ra chỗ khác nghe điện. Lát sau quay trở lại, cô nói:

– Chú ơi! Cháu có việc gấp phải đi ... làm sao bây giờ ...

Rồi chẳng để cho Sầm Giang nói lời nào, Nhã Quỳnh đã rời khỏi bàn ăn và biến mất.

Phúc Đăng chỉ vào thức ăn rồi nói:

– Chỉ còn có chú và Giang ... chắc Giang không nỡ bỏ đi về chứ?

Sầm Giang chỉ biết nuốt giận và để trong lòng, chứ biết nói gì ai.

Phúc Đăng xăng xái:

– Giang dùng đi. Định sáng nay chiêu đãi các cô một cữ rồi mời “Tam cô nương” đi chơi đâu đó ... Giờ chỉ có chú với Giang, đừng bỏ đi nữa nha Giang.

– Vậy chú chiêu đãi nhỏ Quỳnh mà không có Quỳnh thì làm sao bây giờ?

Phúc Đăng lắc đầu:

– Thật ra, chú muốn mời Giang. Biết Giang hay cẩn trọng nên phải nói thế thôi. Giang đừng giận chú nhé!

Sầm Giang lắc đầu.

Phúc Đăng cười:

– Vậy ... mời em ...

Phúc Đăng gắp thức ăn bỏ vào chén của Sầm Giang rồi tiếp chuyện:

– Hôm nào cho chú gặp bà ngoại có được không? Nhưng mà nè! Chú không thích xưng hô như thế này với Giang, nó gò bó quá. Cho chú thay đổi cách xưng hô.

Sầm Giang im lặng, cô biết Phúc Đăng muốn nói gì ...

Phúc Đăng nhìn cô rồi cười:

– Vậy là em đồng ý rồi nhé!

Sầm Giang líu ríu:

– Ơ ... em ...

Vốn khả ái, dịu dàng nên Sầm Giang thấy mình đôi khi quá yếu đuối, mặc cho Phúc Đăng hiểu nhầm ... Để rồi từ từ cô sẽ giải thích.

– Hôm nay em rỗi không, mình đi chơi cả ngày nhé!

– Chắc là không được rồi, chú.

Phúc Đăng nhăn mặt:

– Lại chú! Cho anh xin đi, bán bao nhiêu anh mua đó nhé!

Sầm Giang chợt nhớ ra điều gì, cô lục tìm. Thì ra do vội nên cô đã bỏ quên điện thoại ...

– Em tìm kiếm gì vậy?

Sầm Giang lắc đầu:

– Dạ .... mô có!

Phúc Đăng cười:

– Em nói giọng Huế dễ thương ghê.

– Có chi mô!

– Có đó.

– Răng rứa chú!

Phúc Đăng nhìn Sầm Giang thật lạ. Sầm Giang cúi mặt vào chiếc bát trước mặt.

Đăng lên tiếng:

– Có cần điện thoại không?

Anh đặt chiếc điện thoại lên bàn và đẩy lại chỗ Sầm Giang.

– Em xài đi ... anh tặng đó ...

– Em có rồi.

– Chẳng lẽ em chê đồ anh tặng à? Cứ dùng để gọi cho anh vậy. Hay là ăn xong anh đưa em đi mua. Tha hồ cho em chọn ...

– Dạ, được rồi.

– Vậy em cầm lấy cho anh vui.

Chợt Phúc Đăng nói:

– Tết này về Huế chơi một chuyến với anh nhé! Cứ coi như đi tham quan vậy. Anh đặt vé máy bay luôn nhé!

Sầm Giang lắc đầu:

– Dạ thôi, chú ạ! Em về với mẹ. Có mỗi mình mẹ ở nhà.

– Vậy anh về quê em nhé!

– Không được, anh à.

Cô bé đột nhiên gọi bằng anh một cách tỉnh bơ. Phúc Đăng cảm thấy vui.

– Mình về thôi chú!

– Lại cứ chú hoài vậy? Anh giận đó. Ăn xong, anh đưa đi shopping. Anh sẽ chọn cho em và bà ngoại, mẹ em một số đồ ... Hôm nào anh đến thăm bà ngoại ...

Càng nói, Sầm Giang càng thấy bí đường ra. Trong lòng cô rối bời. Đối với Phúc Đăng, Sầm Giang vẫn xem như một người chú, nhưng chẳng biết phải làm sao trước sự nhiệt thành của Phúc Đăng dành cho cô.

Đăng đưa cô đến shopping, anh mua nhiều món hàng đẹp cho cô, dù cô từ chối.

– Giang này!

Đăng chọn cả túi xách, giày trong khi Sầm Giang vừa thử đồ xong.

Phúc Đăng nghe điện thoại một chút và quay trở lại.

Nhìn gương mặt thật vui của anh, Sầm Giang cười hỏi:

– Chú có chuyện gì mà vui dữ vậy?

– À! Nhã Quỳnh gọi. Con bé bảo sẽ về Huế với anh. Em cùng về luôn nhé Giang. Thế nào cô bé Thụy Khuê cũng sẽ đi.

– Hèn gì mà chú vui dữ vậy.

– Vậy anh sẽ đăng ký vé cho em luôn nghe Giang.

Sầm Giang lắc đầu:

– Em không đi được.

– Em không đi làm sao vui? Mục đích của anh là phải có em. Coi như anh van xin em đó.

Hai người vừa xem hàng vừa trò chuyện mải miết. Đến khi Sầm Giang nghe tiếng gọi tên mình, cô ngẩng lên ...

Ánh mắt Trung Du đầy tia lửa. Sầm Giang líu ríu:

– Anh ... Du ...

Trung Du bực mình, cao giọng:

– Thì ra sáng nay em đi shopping như thế này. Vậy mà anh gọi điện mãi không thèm nghe.

Sầm Giang tìm không thấy, cô chợt kêu:

– Em không đem theo. Lúc đi em quên rồi.

Trung Du cay cú:

– Sao lại quên? Hay vì em không muốn đem? Sáng nay dù bận rộn, tôi cũng muốn gọi để báo cho em tin mừng và ...

Thấy Trung Du và Sầm Giang gay cấn đôi lời với nhau, Phúc Đăng lên tiếng:

– Anh à! Sao lại to tiếng ở nơi công cộng thế này. Hay là chúng ta vào quán ngồi uống ly cà phê. Tâm hồn sẽ thư thái, anh biết sẽ phải làm gì.

Trung Du lên tiếng:

– Thôi khỏi, tôi biết phải làm gì mà.

Trung Du bỏ đi. Sầm Giang vô cùng lo lắng. Chắc chắn là anh Trung Du có chuyện để bàn bạc với cô, vậy mà anh gọi điện cũng không được. Giờ anh lại gặp nàng đi với Phúc Đăng, chắc là anh buồn giận lắm. Nhưng ... Sao anh lại biết cô ở đây, hay chỉ là sự tình cờ? Sầm Giang cảm thấy mình có lỗi với Trung Du. Cô định sẽ gặp anh.

Tự dưng nhìn Phúc Đăng, Sầm Giang thấy ngại. Cô đòi về, mặc dù Phúc Đăng cố trì trệ mãi một lúc.

Suốt đoạn đường về, Sầm Giang lặng buồn, cô thấy mình có lỗi với Trung Du nên vô cùng ray rứt.

Nhã Quỳnh mang thức ăn và cả một chai rượu đến cho Trung Du.

Trung Du đang ngồi trên bàn giấy, anh đã thuyết phục được gia đình và cả tác giả kịch bản để Sầm Giang đóng vai nữ chính cho bộ phim mà anh sẽ làm đạo diễn. Anh rất tâm huyết với kịch bản này vì anh đã phải đầu tư thêm để cho một tính cách nhân vật nữ khá hài hòa với Sầm Giang. Vậy mà nàng lại đến với gã Việt kiều, nàng đã ngoảnh lại với anh rồi sao? Có thể lắm, vì anh ta là Việt kiều, anh ta có điều kiện lo cho nàng có cuộc sống thật tốt. Còn anh, một đạo diễn chưa có gì ngoài hai bàn tay trắng, dù cho khối óc có tài giỏi đến đâu.

Nghe tiếng chuông cửa, Trung Du ra mở. Trong lòng thất vọng nhưng Trung Du cố cười và nói:

– Nhã Quỳnh có việc gì phải không?

Nhã Quỳnh cười thật tươi:

– Thì cho em vào nhà đã ...

– Mời cô vào.

Nhã Quỳnh sắp xếp các thứ lên bàn rồi nói:

– Anh có ly không? Hôm nay em đãi anh một bữa.

– Sao lại đãi anh?

– Vì anh vừa hợp tác với một tác giả và nhà sản xuất để thực hiện bộ phim mới.

Trung Du cười:

– Cô cũng bắt tin nhanh dữ đấy, trong khi mọi thứ đều chưa công bố.

Nhã Quỳnh rót rượu ra ly đưa cho Trung Du:

– Chúng ta uống để ăn mừng.

Trung Du ngạc nhiên:

– Ăn mừng cái gì?

– Thì ăn mừng anh sắp đạo diễn cho một bộ phim mà anh tâm đắc và anh ...

Trung Du lắc đầu:

– Còn nhiều vấn đề lắm, anh sợ lại bị thất bại.

– Chỉ tại anh thôi, kén quá!

– Tôi không có tài, lại không có vốn, nên cũng khó theo ý mình lắm.

Nhã Quỳnh gắp thức ăn bỏ vào bát rồi đưa cho Trung Du:

– Em biết, chỉ tại anh quá kén. Em đã đóng mấy phim rồi, vậy mà anh chẳng cho em một vai nào anh làm đạo diễn. Em giận anh lắm. Trong khi ... Mà anh có thấy em có duyên với điện ảnh hơn nhỏ Giang phải không?

– Cũng có thể là cô có duyên hơn.

– Vậy sao anh vẫn không cho em cơ hội. Em rất mê đóng phim. Lúc nào anh cũng muốn dành cho Sầm Giang. Nghe nói nhỏ sắp về Huế.

Trung Du ngạc nhiên:

– Về Huế làm gì?

Nhã Quỳnh cười:

– Thì đi với chú Đăng, chú ấy về quê thăm họ hàng.

– Anh ta đi thì mặc kệ anh ta chứ!

– Anh quên là Sầm Giang ... À! Chú Đăng muốn đưa Sầm Giang đi về Huế trước là du lịch, sau là ...

Cách nói úp úp mở mở, lòng vòng của Nhã Quỳnh khiến cho Trung Du càng thêm lo lắng. Tất cả những ưu ái của anh dành cho Sầm Giang, có lẽ vì anh chàng Việt kiều nên nàng xao động. Dù chưa muốn tin nhưng trong lòng anh cũng nghe đau đau.

Hiểu được tâm trạng của một anh chàng si tình, Nhã Quỳnh cứ liên tục mời anh nâng cốc. Nhã Quỳnh đã biết chinh phục mấy tay háo sắc để tiến thân. Con đường đi đến vinh quang chẳng bằng phẳng bao giờ, nó vô cùng gay go ...

Nhưng để có sự vinh quang cũng nên lắm chứ!

Nhã Quỳnh gắp thức ăn và đút cho Trung Du. Anh ngăn tay cô rồi cao giọng:

– Cô đến đây làm gì?

– Tại vì anh nên em mới đến đây.

– Cái cô này ... đi về đi ...

– Sao lại đuổi em, trong khi em muốn ở lại đây.

– Không! Tôi còn phải đi. Cô về được rồi đó.

– Anh đi đâu?

– Chẳng lẽ đi đâu, anh phải nói với em sao? Thôi đi cô bé! Về, kẻo ông chú quý hóa trông đấy nhé.

Trung Du lảo đảo đứng lên, Nhã Quỳnh kéo tay anh lại rồi cô ra mở cửa khi nghe tiếng chuông cửa reo.

Sầm Giang lặng trân nhìn Nhã Quỳnh. Giọng cô không thốt nên lời, môi cứ mấp máy.

Nhã Quỳnh cười điệu đàng:

– Ủa! Giang cũng đến đây nữa sao?

– Quỳnh đến đây ... để làm gì?

– Chắc là anh Du buồn nên gọi Quỳnh đến và bọn mình trao đổi về kịch bản phim ... anh ấy bảo ...

Sắc mặt Sầm Giang tái đi. Cô muốn khuỵu chân, có vẻ như Nhã Quỳnh không muốn Sầm Giang vào nhà.

Trung Du bước ra. Sầm Giang nhìn hai người rồi bỏ chạy.

Trung Du nhìn theo, lớ ngớ gọi:

– Sầm Giang! Sầm Giang ...

Nhã Quỳnh cười sung sướng. Cô gật gù và nghĩ:

“Mình phải chinh phục Trung Du. Anh chàng phải là của cô, để sau này luôn dành cho cô những vai diễn tốt. Vai nữ chính của anh ... là niềm khát khao của nhiều diễn viên ...

Giọng Nhã Quỳnh ngọt ngào rất Huế:

– Anh Du nè! Em sẽ làm những gì anh muốn ... có phải anh cũng thích em?

Em sẽ vì anh đấy!

– Cô nói sao?

– Nói là anh đừng mộng tưởng vào Sầm Giang. Giá như anh là một đạo diễn vừa có quyền lực, anh lại vừa có tiền để hợp tác sản xuất, có khi anh sẽ có Sầm Giang.

Trung Du bực mình, gãi gãi lên đầu, rồi nói:

– Các cô thật là ... hám tiền.

Nhã Quỳnh điệu nghệ, lấy tay xỉ vào mặt Trung Du một cách tình cảm:

– Còn đàn ông các anh thì sao, không “hám” à? Vậy thì “háo” được không?

Háo sắc đó!

– Trừ tôi.

– Sao? Vậy anh là người của hành tinh nào?

Trung Du cười nhăn:

– Tôi à! Tôi là người của phạm trù đặc biệt trong nghề nghiệp.

Nhã Quỳnh bĩu môi:

– “Lập dị” thì có ... chứ ở đó mà “đặc biệt”.

Trung Du cười:

– Ừ nhỉ! Thì cứ cho là như vậy đi. Vậy thì sao, cô bé?

– Bởi vậy cho nên anh mới đặc biệt.

Nhã Quỳnh nói giọng lơ ngơ của người có rượu rồi cô ngã dài trên ghế xa lông.

Sầm Giang cố nén cơn buồn giận khi thấy Nhã Quỳnh và Trung Du. Nhưng rồi cô lại vị tha, bởi lẽ anh chàng là đạo diễn, có lẽ cái nghề đạo diễn vẫn “hào hoa” như thế đối với diễn viên. Chẳng lẽ ai cũng như vậy ư? Vậy mà anh thốt lời yêu thương dành cho cô, luôn dành cho cô ...

Và vai diễn này cô vào vai một cô gái nghèo, hiền nhưng có nghị lực để vượt qua bao sóng gió của cuộc đời. Anh bảo:

– Nhã Quỳnh rất muốn được vào vai cô gái này.

Sầm Giang cười buồn:

– Vậy sao anh không chọn.

– Anh chỉ muốn em đóng vai này, vì đó là vai dành cho em ...

Đâu phải ai cũng có thể làm được những gì mình mong muốn. Cũng như Nhã Quỳnh, Sầm Giang cũng đam mê làm diễn viên. Nhưng Nhã Quỳnh luôn luôn được đóng vai chính. Còn cô thì sao? Cũng dễ hiểu nhưng thật không dễ dàng đối với cô. Để được làm diễn viên và được vào vai chính, chắc chắn Nhã Quỳnh đã phải trả giá nhưng với cô thì không thể. Có lẽ vì vậy mà cô vẫn không thể nào có được những vai diễn chính ...

Trung Du đến khiến cho dòng suy tư của Sầm Giang bị cắt ngang.

Vừa vào nhà, Trung Du đã vui vẻ lên tiếng:

– Phải ăn mừng thôi.

Sầm Giang ngạc nhiên:

– Vì sao?

– Vì em được chọn vào vai nữ chính. Anh vui lắm ... Anh đem kịch bản đến cho em, nhớ xem và học cho kỹ, có gì trao đổi với anh. Anh nghĩ vai này rất phù hợp với em nên sẽ rất thuận lợi ...

– Thật sao anh?

– Ừ. Cho nên anh phải đưa em đi ăn mừng. Vào chuẩn bị nhanh lên cô bé.

Sầm Giang không sao từ chối được, cô vội vào thay đồ. Khi Sầm Giang bước ra, Trung Du kêu lên:

– Ồ! Trông em hôm nay thật xinh ...

– Anh lại trêu em.

– Anh không trêu. Rõ ràng vai nữ trong kịch bản này chính là em y như “đo ni đóng giày” vậy.

Sầm Giang mỉm cười, trong lòng cô rất vui. Lần này có hy vọng hay không, cô không dám mơ vì ...

Ngước nhìn Trung Du một cách kín đáo, Sầm Giang biết anh đã phải làm gì.

Thật tình cũng tội nghiệp cho anh chàng vì muốn cô có vai chính, anh đã phải chạy vạy để có phần hùn với nhà sản xuất. Phải chăng đó mới chính là điều may mắn để cô được vào vai chính ...

Sầm Giang cảm thấy vô cùng sung sướng. Đối với cô, Trung Du là một đạo diễn tốt. Trung Du chưa hề lợi dụng vào cô để ưu ái cho cô. Sau khi đi ăn xong, Trung Du đưa cô về chỗ ở của anh.

Vào nhà, Trung Du nói:

– Em ngồi đi, anh lấy kịch bản cho em.

– Sao không đợi ...

– Đợi gì?

Sầm Giang định nói:

“Ngày mai hãy đưa vì bây giờ đã tối”, nhưng cô không thốt được nên lời.

Trung Du đến bên Sầm Giang, anh khẽ nói:

– Em làm gì sợ anh quá vậy?

– Dạ, đâu có.

– Vậy thì xem có thích không?

Sầm Giang rụt rè:

– Chắc là hay lắm đây!

– Chưa xem mà biết hay!

– Vì có sự chăm chút của anh.

– Vậy thì sao nhỉ?

– Em ... em không biết ...

Nhìn gương mặt của Sầm Giang, Trung Du bật cười:

– Làm gì căng thẳng quá vậy cô bé? Anh ... anh không đòi hỏi em gì đâu?

Bao lần cũng nhận kịch bản và tìm hiểu, thậm chí đã thuộc cả lời thoại, vậy mà cuối cùng cũng bị thay đổi diễn viên, lần này Sầm Giang có niềm tin hơn vì ... Trung Du đã có sự đầu tư bằng tiền của ...

Trung Du choàng tay qua vai Sầm Giang, giọng anh xúc động:

– Anh chưa làm được cho em điều gì. Hy vọng lần này sẽ giúp em đạt được niềm mơ ước ...

Nhìn vẻ mặt tha thiết của Trung Du, Sầm Giang cảm thấy xúc động. Trung Du không giống như những người làm nghệ thuật khác. Anh rất cương nghị, rõ ràng và nàng cảm thấy mến và nể phục nên đón nhận tình yêu của anh.

Trung Du đùa khi nhìn gương mặt Sầm Giang:

– Trông em căng thẳng quá vậy.

– Đâu có.

– Có đấy!

– Tại vì em thấy ... cảm động ...

– Cảm động vì anh ư? Anh sẽ cố gắng để em có nhiều vai diễn. Yên tâm đi cô bé. Nhưng chẳng biết em có ở đây để làm diễn viên mãi hay không?

Sầm Giang ngạc nhiên hỏi:

– Sao lại hỏi em như vậy?

– Anh sợ em bỏ thành phố mà đi xa.

– Đi xa? Em đi đâu chứ?

Trung Du nắm tay Sầm Giang:

– Em không bỏ quê hương đất nước mà đi xa chứ!

– Em mà đi đâu? Về quê thì có ...

Trung Du siết chặt tay cô:

– Đừng bỏ thành phố này để đến với miền đất hứa nha!

Sầm Giang phì cười.

Trung Du háo hức.

– Vậy mà anh cứ ngỡ em bỏ anh để ...

Sầm Giang cắt lời Trung Du:

– Anh nghe ai nói rồi nghĩ như vậy?

– Nghe nói em còn dự định về Huế nữa, đúng không?

– Anh cứ nghe tin đồn hoài. Chừng nào đi em sẽ báo cho anh biết, được chưa?

– Vậy hôm nào anh đưa lại nhà chơi nhé. Mẹ anh rất thích em.

– Hả? Làm sao mẹ biết em ...

– Thì bà xem em trên tivi ...

– Em ...

Trò chuyện vu vơ một lúc, Sầm Giang đòi về. Trung Du đùa:

– Hay là em ở lại đây nhé.

Nghe Trung Du nói, Sầm Giang giật mình. Trong lòng cô bỗng lo sợ vu vơ.

Chẳng lẽ Trung Du cũng như bao người khác ... để làm cho diễn viên mình chọn được đóng vai chính hay gì gì đó thì phải trả ơn ư?

Trung Du nhìn vẻ lo sợ hiện trên gương mặt Sầm Giang. Anh phì cười rồi nắm tay cô:

– Để anh đưa em về. Anh đùa một chút mà ... trông em kìa!

Sầm Giang bẽn lẽn. Trung Du chợt nghĩ đến Nhã Quỳnh. Hai cô gái hoàn toàn đối lập nhau, trong khi Nhã Quỳnh sẵn sàng đến với anh và tình nguyện hiến dâng để đạt mục đích, còn cô gái khả ái này lại hết sức tinh khiết, chính vì thế anh càng thấy mến yêu cô nhiều hơn. Anh muốn biến cô trở thành một diễn viên giỏi được nhiều người mến mộ .... Để đạt được mong ước như thế, anh đã đánh liều ... Chẳng biết rồi kết quả sẽ ra sao vì ai cũng bảo anh mạo hiểm, liều lĩnh vì dám giao cho diễn viên chưa nổi danh vào vai ... Và anh thật liều lĩnh ...

anh đã quá liều ...

Sầm Giang vừa rời khỏi nhà tình cờ gặp chú Phúc Đăng. Phúc Đăng vui vẻ:

– Chú không ngờ gặp Giang ... đi uống nước với chú nhé! À, bỏ xe ở nhà, chú đưa đi.

Trù trừ không được, Sầm Giang đành đem xe vào nhà trọ và trở ra. Cô bé ngập ngừng. Phúc Đăng nói:

– Giang lên xe đi.

Phúc Đăng chạy xe vòng quanh phố xá một lúc, vừa chạy vừa nói:

– Lần này về nước, chú thấy đất nước thay đổi cực nhanh. Vậy mình đi qua ngoại vi thành phố chơi nhé!

Phúc Đăng chạy khắp phố rồi lại chạy ra khu Nam Sài Gòn. Anh chọn một quán thật đẹp rồi nói:

– Dân mình bây giờ cũng “chịu chơi” quá! Đi đâu, chỗ nào cũng thấy quán xá!

Sầm Giang cười:

– Dịch vụ nhà hàng, khách sạn là những công trình mà theo Giang, phát triển nhanh mạnh nhất ở nước mình, đặc biệt là ở thành phố hoa lệ này đó chú.

– Nghe Giang nói chuyện cứ tưởng như đang gặp một văn sĩ đó!

– Chú lại trêu cháu.

Phúc Đăng dừng và gởi xe rồi vui sướng nắm tay Sầm Giang đi dạo quanh khuôn viên đầy cỏ hoa. Anh nói:

– Công viên này đẹp đây, có hồ bán nguyệt. Mình đi dạo quanh đây chứ Giang?

– Chú thích là được rồi ...

– Không phải chú mà là Giang cơ.

– Chú cũng rành ghê.

Phúc Đăng chợt đổi giọng:

– Răng mà không rành rứa! Đi mô chú cũng thấy nhớ quê hương đất nước, chú thích thiên nhiên tươi đẹp.

– Nhưng xứ Huế của chú đẹp hơn!

– Giang cũng biết cách nói ghê!

Phúc Đăng tìm một góc quán thật nên thơ rồi cùng Sầm Giang vừa trò chuyện vừa uống từng ngụm cà phê thưởng thức cảnh trí xung quanh ...

Đối với Sầm Giang đây cũng là cảm xúc đầu tiên cô được đi dạo quanh khu dân cư mới sang trọng và nên thơ như thế ...

Nhã Quỳnh vô cùng đau khổ và tức giận, vì từ trước đến nay cô muốn gì thì phải làm cho được, vậy mà lần này cô trở thành kẻ thua cuộc.

Nhìn vẻ buồn của Nhã Quỳnh, Thụy Khuê lên tiếng:

– Quỳnh này! Mi hay Sầm Giang nổi danh đều tốt cả. Sao bỗng dưng mi lại “gay go” với nhỏ Giang, tao thấy nhỏ ấy không có lỗi.

– Nó không có lỗi à. Nó là đứa phản bạn.

– Phản bạn à? Mi nói quá rồi đó.

Nhã Quỳnh cau mày:

– Đúng ra nhỏ ấy phải ...

Vẫn giọng ôn hòa, Thụy Khuê nói:

– Xem ra, Sầm Giang cũng khá đấy chứ.

Nhã Quỳnh:

– Khá là sao?

– Nhỏ ấy vào vai thật ngọt.

– Mi có vẻ ủng hộ nó hơn ta.

– Ta ủng hộ cả hai, vì cả hai đều là bạn.

– Với tao, nhỏ ấy bây giờ không còn là bạn tốt nữa.

– Quỳnh à! Đừng vì chuyện đóng phim mà tình bạn của bọn mình bị sứt mẻ.

– Ta không nói nhiều, mi thấy thích đứa nào thì chơi với đứa đó. Tao hoặc là nó. Tao không thiếu bạn đâu.

Thụy Khuê cười buồn:

– Sao ta lại phải chọn một trong hai đứa bạn chứ, với ta mi và nhỏ Sầm Giang đều là bạn. Ta không thể nào chọn một trong hai.

Nhã Quỳnh háo thắng:

– Ta không nghĩ là nó lại ngấm ngầm, như thế mới ghê chứ.

– Nhỏ ấy làm gì đâu nào?

– Nó quyến rũ tay đạo diễn để được nhận vai chính.

Thụy Khuê lắc đầu:

– Sầm Giang không phải là đứa như thế. Dù nó đam mê đóng phim như thế nào, nhưng ta nghĩ nó không đánh đổi như thế đâu.

– Mi bị cái vẻ thùy mị, đoan trang bên ngoài của nó che lấp cái “ẩn chất” bên trong rồi.

Thụy Khuê thẳng thắn:

– Mi đã từng được vào vai chính bao nhiêu lần rồi. Sầm Giang nó chỉ mới được một vai nặng ký như thế, đáng lẽ chúng ta phải chúc mừng nó chứ.

– Nhưng ta chỉ muốn được đóng vai chính phim do anh chàng làm đạo diễn thôi.

– Tại sao lại như vậy chứ? Có nghĩa là anh Trung Du chọn Sầm Giang.

Nhã Quỳnh lắc đầu:

– Không phải. Chỉ tại vì nó đã quyến rũ anh ấy.

Thụy Khuê lại cười:

– Mấy ông đạo diễn mà ... họ biết phải làm gì. Đừng có trách Sầm Giang.

– Chẳng ai như nó, tại sao lại gieo cho chú Đăng niềm hy vọng, để rồi chú trở về Mỹ trong đau khổ.

– Sao lại trách nhỏ Sầm Giang? Chú Đăng không chọn được Sầm Giang thì chú cũng chọn được người khác thôi. Nhỏ Sầm Giang nó kín đáo lắm.

Nhã Quỳnh bất bình:

– Nói tóm lại, mi vẫn đồng tình với Sầm Giang chứ gì? Ta không bàn tới nữa. À! Mi có rảnh không?

– Chi vậy?

– Đi ăn với tao. Xong rồi, tao cần đi gặp sếp để chuẩn bị cho bộ phim sắp tới.

– Bộ mi không định hoàn thành chương trình tốt nghiệp?

– Không phải là ta đang đi trên con đường bằng phẳng đó sao?

Nụ cười của Thụy Khuê có vẻ gượng gạo:

– Chịu thôi! Ta có chút việc chắc là không đi ăn được. Ta về nghe.

Thụy Khuê bỏ về mà trong lòng vô cùng buồn bực, ấm ức, định rủ Nhã Quỳnh đi ăn nhưng rồi giận Nhã Quỳnh, Thụy Khuê không muốn. Nhã Quỳnh cũng si mê anh chàng đạo diễn nữa sao? Chắc chắn là như vậy. Thụy Khuê thở ra và thầm nhủ:

“Cũng may mình không có tình cảm riêng tư với anh chàng đạo diễn”.

Thụy Khuê rụt cổ rồi vọt xe thật nhanh để đến nhà trọ của Sầm Giang.

Thấy Sầm Giang ở nhà học kịch bản, vừa bước vào Thụy Khuê đã cao giọng:

– May ghê! Tưởng không gặp được “sao” chứ?

Sầm Giang cười, gấp tập kịch bản lại, nhăn nhó:

– Con nhỏ này, “sao trăng” gì ở đây. - Rồi Giang ngâm nga - “Tôi vẫn là tôi của thuở nào”.

Thụy Khuê cười lớn:

– Trời! Bộ mi đang học kịch bản phim Hàn Mặc Tử?

Sầm Giang cười:

– Ừ. Cũng gần gần như vậy.

– Sao lại gần như vậy?

– Đừng hỏi chuyện của ta. Đến đây rồi, vậy hai đứa đi ăn cái gì. Ta mời đó nghe. À! Giá như mời được Nhã Quỳnh.

Thụy Khuê lắc đầu:

– Nhã Quỳnh bây giờ chắc không dễ gì đi ăn hàng rong như bọn mình đâu.

Người ta là diễn viên chắc cũng sẽ “sao” thôi. Còn mi, có bệnh “sao” không, có ăn được quán cóc không đó?

Sầm Giang đánh lên vai Thụy Khuê rồi nói:

– Hay là muốn ăn mì gói ở nhà, ta sẽ nấu cho hai gói mà ăn.

– Mì gói là ngày xưa cơ. Bây giờ ta được “diễn viên” mời, ngu sao ăn mì gói, ít ra cũng phở hay lẩu chứ.

– Ừ. Vậy đi ăn lẩu hải sản nghe.

Thụy Khuê lắc đầu:

– Nói vậy thôi, ta vẫn thích ăn “cái đủ thứ” của bọn mình hơn.

– Là cái gì?

– Trời đất! Làm diễn viên rồi quên “cái đủ thứ” của mình rồi phải không?

– Ta không biết.

– Hay là mải lo học thuộc kịch bản rồi quên mọi thứ.

– Ơ! Cũng có khi ... vì ta phải nhập vai nên tập trung cao độ.

– Vậy thì phải đi ăn thôi.

Sầm Giang bỏ vào trong rồi trở ra. Thụy Khuê kêu to:

– Eo ui! Diễn viên có khác, ngày càng đẹp ra, mặc hàng hiệu nữa ta.

Sầm Giang e ngại:

– Nhỏ này, tự dưng làm ta ngượng ghê!

– Có gì đâu. Sầm Giang bây giờ được mọi người biết đến nên phải khác trước chứ. Mà nè!

Sầm Giang ngạc nhiên hỏi:

– Có chuyện gì phải không?

Thụy Khuê ra vẻ lọc lõi:

– Vẫn là nhắc nhở mi hãy thận trọng, vì mi hiền lành, thùy mị dễ bị hiếp đáp lắm đó.

– Bộ ta dễ bị hiếp đáp lắm sao?

– Chứ mi khôn với ai chứ.

– Nhưng mà ta có làm sao đâu?

Thụy Khuê cười:

– Sao ... sao gì chứ! Đừng có chủ quan, mai mốt rồi biết đâu mi thay đổi.

– Chuyện đó sau này hẵng tính. Bây giờ đi ăn chứ.

Hai cô bạn chọn quán có những món ăn quen thuộc rồi cùng nhau vui cười và ăn uống như ngày nào.

Sầm Giang lên tiếng:

– Công việc của mi có tốt không, Thụy Khuê?

Thụy Khuê gật gật đầu:

– Ừ. Cũng tốt. Còn mi, sẽ làm diễn viên luôn chứ?

– Ta cũng chưa biết nữa. Ta định sẽ thi cho xong để hoàn tất chương trình học. Ta đâu có muốn như vậy, nhưng lần trước thời gian thi ta phải thực hiện cho xong bộ phim, không thể bỏ giữa chừng được. Lần này ta thà từ chối vai diễn.

Thụy Khuê cười:

– Đừng “nói trước bước không qua”.

– Xí! Làm như bà cụ không bằng.

– Không phải bà cụ mà là triết gia.

Sầm Giang cười:

– Tự tin dữ vậy ta.

– Tự tin là một đức tính tốt.

Sầm Giang lắc đầu:

– Cũng chưa chắc đâu.

– Giang này!

Sầm Giang ngạc nhiên khi thấy Thụy Khuê có vẻ trịnh trọng, cô phì cười rồi hỏi vặn:

– Có việc gì phải không?

Thụy Khuê ngập ngừng:

– Chuyện tế nhị, mi có thể nói đôi điều về mình và mối quan hệ với đạo diễn được không? Có phải hai người đã ...

Sầm Giang lắc đầu:

– Nhỏ ơi! Đang ở quán ăn mà nói năng lung tung quá. Nè, đừng có quan trọng quá mọi việc. Vả lại, Trung Du là đạo diễn tốt.

Thụy Khuê lắc đầu:

– Có phải anh chàng lăng-xê mi nên mi ca tụng anh chàng.

– Ta không ca tụng mà ta nói thật, anh là đạo diễn tốt đấy, nhỏ ạ!

– Còn chuyện ... của hai người ...

– Có thể ... là tình yêu được không?

Thụy Khuê giật mình:

– Cái gì? Tình yêu với tên đạo diễn à? Ta không tin đó là tình yêu. Tất cả đều là sự lợi dụng, mi phải hiểu điều đó nghe Giang.

Nhã Quỳnh cảm thấy thua kém Sầm Giang. Vì sau vai diễn là nữ chính đó, Sầm Giang bỗng nổi lên và được nhiều người chiếu cố. Thật ra, mình có thua kém gì Sầm Giang về mọi thứ, tất cả, vậy mà Trung Du lại chọn Sầm Giang, để rồi xem, chỉ cần có chú Đăng là mọi việc sẽ tốt hơn.

Nhã Quỳnh vội vã đi gọi điện cho chú.

Hai chú cháu trò chuyện một lúc lâu, Nhã Quỳnh cảm thấy nhẹ nhõm như vừa tìm được “ẩn số”.

Cô thay đồ và trang điểm thật đẹp rồi gọi taxi đến nhà Trung Du.

Trung Du ngạc nhiên khi thấy Nhã Quỳnh. Anh hỏi:

– Có chuyện gì mà đến tìm anh vậy?

Nhã Quỳnh cười duyên dáng:

– Đến xem đạo diễn có vai nào cho em không?

– Em đùa với anh sao? Anh còn đang mong nhà sản xuất mời hợp tác, trong khi em có nhiều nơi mời mà lo gì.

Nhã Quỳnh nũng nịu:

– Nhưng em vẫn muốn được đóng phim do anh làm đạo diễn.

– Thì em cũng đã đóng nhiều phim do anh đạo diễn rồi còn gì.

– Ừ. Thì em cũng đã đóng. Mà anh Du nè, mình đi quán đi, em có chuyện này muốn bàn với đạo diễn. Mình đi chơi đi. Ngày chủ nhật mà ở nhà mất cảm hứng hết.

– Anh đang nghiên cứu một kịch bản.

– Vậy à! Có phần của em nghe. Anh thay đồ nhanh lên rồi đi.

Trung Du lắc đầu:

– Chắc là anh không đi được.

– Sao vậy? Anh có hẹn à?

– Anh bận.

Nhã Quỳnh đến bên Trung Du, cô gấp tập đề cương lại rồi kéo Trung Du đứng lên:

– Em thấy anh không tập trung rồi đó. Mình đi ăn rồi sau đó đi uống cà phê, chắc là sẽ thư giãn lắm đây.

Trung Du không muốn Nhã Quỳnh trì kéo nên thay đồ vội rồi đi cùng cô.

Hai người vừa xuống lầu lại gặp Sầm Giang.

Trung Du nhìn Sầm Giang, anh e ngại:

– À! Em đến anh có việc gì vậy Giang?

Sầm Giang tức nghẹn:

– Anh quên là có hẹn với em sao?

Gương mặt Sầm Giang thoáng buồn. Nhã Quỳnh thì hứng khởi trong lòng nên nói với Trung Du:

– Anh à! Chuyện em bàn với anh phải quan trọng hơn chứ.

Nhã Quỳnh thăm dò ý của Sầm Giang rồi lại trêu tức cô:

– Em không biết! Em không về nếu anh không đi cùng em, vì đây là việc làm ăn của anh.

Quay sang Sầm Giang, Nhã Quỳnh nói:

– Còn bạn, chắc không muốn đạo diễn Trung Du không được ai mời làm đạo diễn để có vai cho bạn diễn.

Sầm Giang vô tình:

– Không phải là anh đang có kịch bản để duyệt sao?

Nhã Quỳnh cười nhếch môi:

– Bạn làm diễn viên mà sao không quan tâm gì đến các nhà sản xuất, họ không hợp tác bạn làm được sao?

– À, Quỳnh à! Hay là chúng ta trò chuyện một chút nhé.

Nhã Quỳnh cau mặt:

– Bạn quên là mình và anh Du định hợp tác. Bạn hãy giúp cho anh Du đạt được tâm nguyện đi.

Trung Du lên tiếng:

– Quỳnh à! Cám ơn vì em có ý tốt, nhưng anh thấy ...

Nhã Quỳnh cắt lời Trung Du:

– Anh không có lập trường gì hết. Đàn ông không có lập trường thì chẳng có nhiều “điểm” đâu nhé.

Sầm Giang vẫn đứng trơ, Nhã Quỳnh thẳng thừng:

– Sầm Giang phải biết hy sinh chứ. Nè! Mình mà là Sầm Giang, mình đã ra về từ nãy giờ rồi.

Má Sầm Giang nóng ran vì giận. Nhã Quỳnh không còn là cô bạn thân nữa rồi. Chỉ vì sự cạnh tranh khi hai đứa lao vào con đường điện ảnh, có thể như vậy sao?

Sầm Giang gật đầu rồi bỏ ra về.

Nhã Quỳnh nhìn theo, vẻ đắc thắng hiện rõ trên gương mặt.

Sầm Giang về nhà chưa đầy mười phút nhà lại có khách - người khách không mong chờ.

Mợ Hạnh cười nhếch môi:

– Chà! Ở đây một mình sướng thật. Thảo nào ...

Sầm Giang bực mình nhưng vẫn trầm tĩnh:

– Mợ à! Mợ tìm cháu có việc chi?

Mợ Hạnh cao giọng:

– Xem ra việc tôi nhờ quá khó chứ gì?

– Mợ à! Mợ cần gì? Cháu có thể giúp được sao?

– Chỉ tại cô không muốn giúp vì sợ em nó nổi danh hơn chứ gì?

Sầm Giang buồn bã:

– Kìa! Sao mợ lại nói như vậy. Thật ra, cháu thấy chưa thể nên đành thất hứa với mợ. Nói Hạnh Trúc xem bao giờ có khóa tuyển thi vào. Cháu đâu có là gì mà có thể giúp dễ dàng như vậy.

Bà Hạnh nhìn quanh phòng rồi nói:

– Chỗ ở cũng khá, chắc là kiếm được nhiều tiền lắm đây.

– Cháu cũng kiếm tạm đủ sống.

– Diễn viên rồi có khác.

– Cháu cũng chỉ đóng vai phụ vài phim.

Ánh mắt bà Hạnh sắc hơn:

– Sao? Cô từng đóng vai chính mà. Nghe nói thân với đạo diễn lắm mà, sao lại không thể giúp cho Hạnh Trúc. Mà thôi, đợi cô giúp chắc con nhỏ thành bà già, ai còn cần. Cũng nhờ bạn của cô ... con nhỏ đẹp người, đẹp nết, như vậy mới làm diễn viên chứ.

Nghe mợ nói một thôi dài, Sầm Giang cảm thấy ngao ngán. Chẳng biết có phải mợ nhắc đến Nhã Quỳnh hay không? Có thật là Nhã Quỳnh thật tâm muốn giúp Hạnh Trúc được làm diễn viên không? Sầm Giang im lặng suy nghĩ, cô không có ý kiến.

Thấy Sầm Giang im lặng, mợ Hạnh không vui. Mợ lên tiếng:

– Sao, cháu thấy thế nào? Liệu Hạnh Trúc nhà tôi có làm được chút nào không?

– Hạnh Trúc có thừa khả năng mà!

– Vậy mà có người không muốn giúp, chỉ vì ganh tị, sợ Hạnh Trúc được mến chuộng hơn.

Sầm Giang phân trần:

– Mợ nói vậy nghe thật kỳ ... Cháu thấy cháu đâu đủ khả năng để ...

– Vấn đề là muốn hay không muốn mà thôi.

Sầm Giang lắc đầu:

– Mợ à! Bản thân cháu cũng chẳng biết có được theo nghề này mãi hay không nữa, mợ à. Nếu em Hạnh Trúc được ai đó giúp đỡ thì cố gắng lên, có cơ hội rồi phải biết phát huy khả năng của mình.

– Ý của cháu là con tôi không có khả năng phải không?

– Dạ, cháu không có ý đó.

Bà Hạnh bỗng dưng đổi đề tài:

– À! Chắc là cháu thấy thành đạt rồi nên bỏ cả bà chứ gì?

– Mợ à! Mợ yên tâm đi. Cháu vẫn gặp bà thường xuyên. Nếu cháu có điều kiện, cháu sẽ đưa bà về ở chung để chăm sóc ...

Bà Hạnh rụt vai:

– Đợi tới đó rồi hãy nói nhé! Tôi thực tế lắm ...

Sầm Giang chẳng biết mục đích mợ Hạnh đến đây để làm gì ngoài việc báo tin về Hạnh Trúc. Sầm Giang vô tình:

– Hôm nay mợ không đi bán à?

Bà Hạnh đổi sắc:

– Dạo này buôn bán khó khăn ... Mợ định đến để nhờ cháu chút việc ... cháu giúp giùm mợ ....

– Mợ à! Cháu làm sao có thể giúp được mợ ....

Nét mặt của bà Hạnh buồn buồn:

– Mợ đang kẹt nợ .... thấy cháu bây giờ đã có thể kiếm tiền, cháu làm diễn viên chắc cũng có chút ít ... giúp giùm mợ .... cậu mà biết, cậu lại lằng nhằng mợ .... tại vì bị giựt hụi ...

Bà Hạnh nói một hơi dài, Sầm Giang chẳng biết thế nào, bởi vì cô làm gì có tiền mà giúp. Sầm Giang im lặng, đến khi mợ Hạnh lên tiếng:

– Cháu có thể cho mợ mượn tạm một số tiền, mợ sẽ trả cả lãi cho cháu.

Sầm Giang lên tiếng:

– Mợ à ... Cháu làm gì có tiền ...

– Cháu đóng vài bộ phim là có cả khối tiền mà cả năm trời làm ăn của mợ cũng không được.

– Nhưng cháu có đóng được bao nhiêu đâu, cháu kiếm chút ít xoay xở cuộc sống.

– Cháu tưởng mợ không biết hay tại cháu không muốn giúp mợ? Người ta nói chỉ cần đóng một vai chính là kiếm kha khá rồi, cháu cho mợ vay tạm khoảng một số tiền, mợ sẽ trả cháu sớm nhất.

– Cháu không có đâu ... Thỉnh thoảng cháu có cho mẹ chút đỉnh để ăn quà, chứ làm gì có dư.

– Cháu cứ coi như từ trước giờ ở nhà mợ, bao nhiêu thứ phải lo, giờ đây giúp mợ .... nhưng mợ sẽ trả ...

– Cháu chỉ có chút đỉnh để xoay xở cuộc sống, mợ cần bao nhiêu?

– Đâu có bao nhiêu ...

– Mợ cần bao nhiêu?

– Ừ ... Khoảng một trăm triệu.

Sầm Giang giật mình. Trời ạ! Làm gì cô có số tiền lớn như vậy.

Sầm Giang kêu lên:

– Trời ạ! Một trăm triệu, cháu không thể ... Cháu chỉ có mười triệu để xoay xở cho cuộc sống. Mợ ơi! Cháu xin lỗi. Cháu ...

Bà Hạnh sân si chửi bóng chửi gió rồi ngoe nguẩy bỏ ra về.

Thật là tức cười, Sầm Giang chỉ đóng vài vai nhỏ rồi được một vai chính nhỏ do Trung Du làm đạo diễn, tiền kiếm được cũng chẳng dư giả gì ... vậy mà mợ đến còn kể chuyện nuôi cô bao năm nay, đã thế còn mượn, cô có kiếm được nhiều nhỏi gì đâu chứ! Thỉnh thoảng cho bà và mẹ để tiêu vặt. Mợ Hạnh thật là quá đáng. Thế nào về nhà cũng sẽ đặt điều rồi kiếm chuyện với cậu để cậu bắt sang bà ngoại ... Một vòng luẩn quẩn mà bao năm sống cùng, Sầm Giang đã ngậm đắng để lo hoàn tất việc học để lấy bằng đại học ... Nhưng rồi lao vào con đường điện ảnh ... Sầm Giang đã chưa lấy bằng đại học, cô đã bảo lưu để sang năm thi lại ... Cũng chỉ vì quá đam mê được làm diễn viên mà Sầm Giang đã hỏng mất năm học cuối để lấy cho xong mảnh bằng đại học ... Nhưng trong lòng vẫn cảm thấy được an ủi phần nào vì làm diễn viên là điều cô thích ... Và trong thời gian qua cô đã sống được bằng sức lao động nghệ thuật của mình ... Có điều lao vào con đường nghệ thuật thật phức tạp và vô cùng gian nan ... có khi mất những tình cảm tốt đẹp và rõ ràng tình bạn giữa cô và Nhã Quỳnh đã không còn như xưa ...

Sầm Giang suy nghĩ mãi ... chuyện gia đình, chuyện nghề nghiệp cả chuyện tình bạn, tình yêu ... Tất cả đều đang chao đảo ...

Nhã Quỳnh cùng với ông Vương ăn uống ở nhà hàng. Ông Vương còn muốn đưa nhiều cô gái đẹp vào con đường điện ảnh nên đối với Nhã Quỳnh, ông không thiết tha. Ông muốn có được Sầm Giang nhưng cô gái này thật chặt dạ .... cô chỉ đóng phim khi đạo diễn Trung Du chỉ đạo bộ phim ...

Có được Nhã Quỳnh, ông Vương vừa nảy ra ý tưởng mới nên cảm thấy vui khi cô gái tìm đến mình.

Trần Vương gắp thức ăn cho Nhã Quỳnh, ông nói:

– Em ăn đi ... À! Em có đang ký hợp đồng với hãng phim nào không?

Gương mặt Nhã Quỳnh bỗng xìu xuống, giọng buồn buồn:

– Em chỉ là diễn viên tập tành vào nghề, nên ... làm gì có hãng nào ký hợp đồng chứ!

– Thôi đi cô em. Em đang là “sao” lấp lánh đấy chứ còn gì!

– Vài ba bộ phim đã trở thành “sao” hở anh?

– Ừ! Có khi một lần đóng phim hay một bài ca hay đã trở thành “sao” rồi.

– Anh Vương à! Vậy anh có đang ...

– Ừ ... có!

Nhã Quỳnh vui sướng.

– Có phần cho em không?

Trần Vương gật gật đầu:

– Anh cũng muốn lắm ... nhưng để xem đạo diễn, lần này anh hợp tác với đạo diễn người Hàn Quốc ...

Nhã Quỳnh tìm hiểu:

– Kịch bản thì sao?

– Mua kịch bản Hàn Quốc và chế tác ... Anh đạo diễn này khá sỏi tiếng Việt nên sẽ tốt khi quay ở đây.

Nhã Quỳnh rót rượu và đẩy đưa để “chao” lòng gã Vương. Cô biết đây là thời cơ để ông Vương nối kết với ông đạo diễn về việc chọn mời diễn viên.

Nhất định mình phải được đóng phim do đạo diễn Hàn Quốc thực hiện. Trong đầu Nhã Quỳnh đang diễn ra những viễn cảnh tuyệt vời. Rồi đây cô sẽ đóng phim từ kịch bản Hàn Quốc, cô sẽ càng nổi. Còn Sầm Giang ư? Liệu Trung Du có thể làm những phim có tầm lớn lao hay không? Dù biết anh có tài trên lĩnh vực của các phim lãng mạn nhẹ nhàng, nhưng làm sao cạnh tranh được với phim tình cảm của Hàn Quốc ... “Sầm Giang ơi, mi hãy đợi đấy, đóng vai nữ chính cho phim mà đạo diễn Trung Du thực hiện chắc là không nhiều đâu ...”.

Nhã Quỳnh nhủ thầm:

“Bằng mọi cách mình phải đóng những phim do đạo diễn Hàn Quốc thực hiện ...”.

Ông Vương nhìn Nhã Quỳnh, hỏi:

– Có hứng thú đi vũ trường với anh không, cô em?

– Sẵn sàng ... với anh đó ...

Ông Vương thích thú, sau khi rời nhà hàng, ông đưa cô đến vũ trường để cùng quay cuồng trong những vũ điệu mê hồn, bên người đẹp, bên ly rượu, bên những vòng tay và điệu nhảy du dương, rồi ông cũng sẽ còn, còn nhiều cô diễn viên xinh đẹp tràn đầy đam mê ...

Sầm Giang gặp bà ở chợ Vườn Chuối, cô xót xa cho bà nên đề nghị:

– Ngoại ơi! Hay là ngoại về ở với con. Hai bà cháu có gì dùng nấy, cháu sẽ cố gắng để lo cho bà.

Bà ngoại cười:

– Ngoại còn khỏe, ngoại cố buôn bán, khi nào không đủ sức cũng có cái mà lo. Ngoại không trông mong gì vào cậu mợ và hai đứa cháu nội.

– Thì nhà con thuê, có thêm ngoại cũng vậy. Bà ở nhà, đừng bán hàng nữa.

– Ngoại còn khỏe mà. Con còn mẹ và em. Cố gắng phụ mẹ lo cho em con nghe Giang.

– Thấy mợ đối xử với ngoại như vậy, con buồn lắm ...

Bà ngoại chợt nói:

– Mợ con nó không còn bòn rút ngoại được gì, nên nó muốn ngoại đi khỏi nhà lắm.

– Vậy thì ngoại ở lại làm gì?

Bà ngoại buồn buồn:

– Phải chi bà không cho bán căn nhà ở dưới quê để bà còn có chỗ. Đằng này, nghe lời cậu mợ con bán nhà, bán đất. Cậu mợ mua nhà ở trên này rồi mở sạp buôn bán. Ngoại chẳng biết thế nào. Hàng tháng ngoại phải phụ vào mới có mà ăn chứ! Vậy mà mợ con còn cứ hỏi tiền ngoại.

Sầm Giang ngạc nhiên:

– Ngoại làm gì có tiền mà hỏi.

– Ừ! Nó nghĩ ngoại còn của cải nên rút cho hết.

Sầm Giang bất mãn:

– Mợ thật là ...

– Mợ con tham lam quá đáng. À! Ngoại dặn nè! Nếu làm diễn viên gì đó, có được chút chút thì gửi cho mẹ, hay gửi tiết kiệm, dứt khoát không đưa mợ con nghe. Mợ con nó là đứa chỉ biết đến tiền. Ngoại thấy mà thương ba mẹ của con, dù mảnh đất, căn nhà nhỏ có thế nào cũng do công sức của ba mẹ con tạo ra.

Còn cậu mợ con chỉ thừa hưởng mà chẳng biết ơn ai cả.

Hai bà cháu trò chuyện được một lúc thì Sầm Giang nhận điện thoại của Trung Du, anh hẹn uống cà phê để bàn việc.

Sầm Giang chào bà rồi lên xe. Bà ngoại dúi vào một bọc trái cây và một lọ thức ăn, cô bé bẽn lẽn cất kỹ vào bọc rồi treo vào xe.

Mười lăm phút sau, Sầm Giang và Trung Du gặp nhau ở quán cà phê. Khuấy ly nước cho Sầm Giang, Trung Du cười nói:

– Anh thấy em thật xui khi gặp anh.

Sầm Giang ngạc nhiên:

– Sao vậy anh?

– Anh tưởng sau bộ phim mà em đóng chính, anh sẽ cùng với tác giả với nhà sản xuất tiếp tục làm phim, nhưng ...

Sầm Giang trố mắt:

– Em không hiểu ...

Trung Du cười buồn:

– Doanh thu vừa rồi chưa đạt yêu cầu nên họ rút ra. Một mình anh không thể làm gì cả, nhưng nếu để em đóng vai chính, họ vẫn chấp nhận.

Sầm Giang lo lắng:

– Còn anh thì sao?

– Anh không biết.

Trung Du nhìn Sầm Giang:

– Em nên gặp họ.

– Họ là ai?

– Là giám đốc hãng phim cùng nhà sản xuất.

– Em không biết. Anh chỉ đạo em đóng vai trò nào thì em nghe theo, ngoài ra em không hợp tác với ai hết. Em không biết gì nhiều về công việc này.

– Họ quý mến em, chỉ muốn em cùng làm với họ, vì anh chỉ thích hợp với loại phim tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng ... Anh ghét kiểu “thị trường, thị hiếu”, nên khó thành công như họ.

– Em cũng chỉ muốn đóng phim có tính cách nhẹ nhàng, chứ “quá bốc” hay “quá nóng” như thế, em không làm được.

– Nhưng nếu em theo họ, chẳng mấy chốc em sẽ giàu và trở thành “ngôi sao, siêu sao”.

– Em không quan tâm điều đó. Em chỉ muốn được đóng phim thật hay, thật giản dị. Anh không thấy phim Hàn Quốc đó sao? Diễn viên của họ thật kín đáo trong trang phục, nhưng vẫn lôi cuốn người xem.

Trung Du cười:

– Có lẽ thị hiếu của ta hiện đại hơn, văn minh hơn ... rất “phương Tây”.

– Em thì chỉ muốn chúng ta phải còn cốt cách rất “Á Đông”.

Trung Du lắc đầu cười:

– Tốt nhất là em nên ... gặp họ ....

– Em không thể ...

– Anh cũng rất muốn để em đóng vai nữ chính cho những bộ phim nhẹ nhàng, lãng mạn ... Nhưng thôi, em cứ gặp họ đi, còn anh, anh sẽ tìm kịch bản hay phù hợp với em.

– Nhưng ... anh làm sao?

– Thì anh vẫn kêu gọi hợp tác. Anh tin rằng, rồi cũng sẽ được thôi.

– Vậy thì em đợi phim do anh làm đạo diễn.

– Không nên đợi, em cứ thử sức một lần xem sao.

– Em đã nói rồi, em không thể.

– Một khi em đã chấp nhận làm diễn viên thì em hãy “thoáng” trong suy nghĩ chứ. Anh đã hẹn cho em gặp nhà sản xuất rồi. Họ có nhiều tiền, họ có quyền yêu cầu diễn viên.

– Hả! Anh ... tại sao ...

Sầm Giang trố mắt, miệng không thốt lên lời. Cô không biết phải làm gì khi thấy có một người lạ xuất hiện. Có lẽ ông ta là nhà sản xuất mà Trung Du đã hẹn đến.

Ánh mắt Sầm Giang đầy kinh ngạc nhưng cũng vô cùng đẹp và sâu thẳm ...