Ông thủ lê từng bước chân nặng nề trên những bờ mẫu con con của cánh đồng lúa hè thu sắp trổ đòng đòng . Đôi chân đã đi đứng ngót tám chục năm ròng giờ dài thon tong teo, lộ rõ gân guốc ngoằn ngoèo đội làn da đen mốc . Mười đầu ngón chân có lúc bấm xuống không được suýt trượt xuống làm cái thân hình cao lêu khêu chới với.Mực ơ... Mực... !Ông Thủ gọi con Mực lại để ngồi xuống cái thềm đìa có đám gáo vàng cụt đọt , chồi non um tùm, rễ lòi ra dưới nước mang màu cà phê sữa . Vừa thở dốc lấy cái nón lá quạt quạt vô lòng , ông Thủ vừa lẩm bẩm: "Mẹ nó, có cái đìa lạn cũng không giữ được nước sạch để uống... ".Nhưng chê để chịu chết khát ư ? Nước trên ruộng lúa Thần Nông , ngập trên gốc lúa cả tấc trong leo lẻo nhưng ông không dám uống . Thà là ông uổng nước đìa , lợn cợn bùn sình còn yên tâm hơn uống nước đã pha trộn biết bao loại hóa chất như phân lân , phân đạm, thuốc trừ sâu rầy, thuốc chuột , thuốc cua , thuốc diệt cỏ , thuốc dưỡng thân dưỡng lá... Có nơi còn có mùi nước mắm, mùi dầu nhớt... Đã có người ngộ độc, sùi bọt mép không kịp bò về nhà."Hai Thủ" là hai tay . Kẻ ghét chỉ biết tay ông dài quá khổ, đứng nghiêm có thể gỡ ghe dưới đầu gối được . Người thương thì phục ông có đôi tay thần, sát thủ của bất cứ loài vật nào có trên trời, dưới nước, trên đồng ở vùng này . Thương-ghét đều nói đúng cả . Thậm chí hồi còn trẻ tắm sông cùng lũ bạn, tụi nó nhao nhao la lên khi bờ bên kia con rạch Voi , cô Linh - con ông Lóc - đang tắm bất chợt khóc thét. Cá nóc cắn cô ấy mà tụi nó dám quả quyết là ông đã lòn tay dưới nước thò qua bóp vú cô Linh... Mẹ chúng nó, hai bờ con rạch Voi cách nhau cả chục thước chớ có gần sao... Ờ.. Hồi đó, ven hai bờ con rạch Voi toàn là tre rừng , gáo, cà na, bần, bứa, lau sậy và dây mây chằng chịt. Mà cũng nhờ vậy những năm lụt lội, cỏ dại, rong rêu, tráp... tấp vô đầy cả hai ba chục thước nên những con sóng lớn từ cánh đồng ngập nước láng linh chạy vô bị cản , không giật sập nhà bà con làng mình được . Mà hồi đó suối con rạch Voi chẳng có bao nhiêu căn nhà mái lá , vách đưng , cột tre, nống tràm... chớ đâu như bây giờ nhà cửa san sát, tranh nhau từng tấc đất, có khi phải đâm chém thưa kiện.Còn cánh đồng này hồi đó chỉ toàn là cỏ dại , năn , lác , lau sậy... người ta bỏ hoang đến tận hè nhà , chẳng chịu cấy trồng gì cả dù đất ở đây phù sa bồi đắp hằng năm rất chuộng cây lúa . Sạ hột lúa xuống , tháng tư mưa sa nẩy mẩm mọc lên , thách thức con nước rượt nó . Nước dâng tới đâu, cây lúa lớn lên tới đó cất cao đầu ngạo nghễ đón gió . Tháng mười nước giựt , lúa thả lá , tạo đòng đòng, trổ bông và chín hạt, nằm sắp lớp sắp lớp theo chiều gió.Vậy mà để hoang hóa cả cánh đồng cho đủ thứ cỏ dại mọc lên, đâm chồi, già héo,chết rũ, ủ thành trấp , mục thành bùn xốp xộp. Ờ... Tại hồi đó thiên hạ thấy giặc giã khắp nơi sao giống trong kinh , trong giảng quá nên ai cũng tin là đời sắp tới ngày tận thế thì lo mần ăn làm gì . Mọi người chỉ lo sao cho đủ ăn qua ngày và chuyên tâm làm lành lánh dữ, tu tâm dưỡng tánh, mong được lên thiên đàng. Còn ông, kẻ sát thủ của đủ loài vật ở vùng này, bị người ta nguyền rủa sẽ bị chui vô bụng loài ác thú.Kệ , chừng nào tới sẽ hay, ông khoái vì những thứ ông bắt được thiên hạ mua sạch không chệ Để tội lỗi ông gánh hết, họ mua nhưng nhờ ông đập đầu , cắt cổ... Kệ, ông có tiền nuôi bầy em ăn học. Huống chi trời cho ông đôi tay kỳ lạ cứ đưa lên trời là túm được chim cò ; thò vô hang là nắm gọn lươn, rắn, chuột ; tuột xuống nước là tóm lấy các loài cá . Vật dưỡng nhân mà . Ông chỉ tiếc là mình chưa có dịp vật cọp , bẻ họng cá sấu như tổ tiên khi xưa mở mang xứ này.Ông tin là suốt cuộc đời của ông, của con cháu sau này chẳng thể nào ăn hết chim trời, cá nước. Cho nên khi cả cánh đồng hoang hóa này biển thành ruộng rẫy , ông cũng chẳng cản mở lấy một miếng. Ôi , người ta lo gạo, mình lo... mồi . Ngay lúc người ta chia cho, ông cũng không thèm nhận một chút nào để rồi đến bây giờ... Bây giờ gia tài của ông cũng chỉ còn có đôi taỵ Đôi tay ngày nay vẫn như ngày xưa , vậy mà... Ngày xưa hai bờ con rạch Voi là giồng cao phù sa bồi đắp nên khi nước rút luôn bày khô trước . Loài rùa ưa bò lên giồng tìm nơi còn ướt , đất mềm để đào ổ đẻ , giấu trứng . Ngày đó ông có con Mực cực kỳ tinh khôn, nó luôn chạy phía trước nghểnh cổ, vểnh tai nghe ngóng tiếng rùa nện đất đắp ổ . Nó rón rén bước lại gần, đầu niễng niễng như sợ làm lạc tiếng động và khi thấy được rùa thì cánh mũi nó phập phồng, bụng thon thót, đầu quay lại nhìn ông chờ lệnh . Phía dưới đám sậy, chỗ đất mới bày còn ướt mềm, một con rùa đang chống hai chân trước thẳng lên, cất cao đầu cho cái đuôi cắm xuống đất. Nó xoay mình vài vòng thì cái đuôi cụt ngủn, nhọn hoắt và mềm mại ấy đã dùi được một lỗ rồi. Sau đó nó đút một chân sau xuống lỗ để móc đất lên , móc liền liền trong lúc ba chân còn lại xoay vần thân , làm cái lỗ đang móc vừa tròn đều vừa sâu . Khi cái ổ mới đào đủ sâu đủ rộng , rùa đẻ . Trứg rùa thon thon, trắng đục như hột mít . Sau khi đẻ xong , rùa vẫn đứng trên ổ, ba chân kia xoay tròn thân mình, còn một chân trước bới đất đắp vô ổ rồi nện yếm xuống cho đất đắp ổ đẻ chặt.Phải có cái tai nhà nghề mới phân biệt tiếng rùa nện yếm đắp ổ giấu trứng giữa bao âm thanh của gió đùa lá, cây hỗn độn. Khi đó là một con rùa bự, ông suýt khẽ một tiếng là con Mực nhào tới , nhảy qua nhảy lại đón đường rút lui của rùa, miệng sủa "gâu gâu ". Chân trước của Mực tát như mèo cố làm rùa lật ngửa ra để ông bắt. Khi đó là một con rùa nhỏ, ông ra hiệu cho con Mực bỏ đi, nó sẽ sủa vài tiếng tiếc rẻ... Hồi đó , đi ven con rạch Voi một đoạn là ông có thể dùng mũi mác dùi lỗ trên mai rùa , xỏ dây mây thành chùm gánh về. Nước rút khô hơn , ông cứ đốt một mồi lửa phía trên gió, nơi có cỏ khô dễ cháy rồi ung dung ngồi phía dưới gió, vấn thuốc hút chờ chuột, rắn, trăn, chồn, rùa... kéo nhau chạy tới . Ông chỉ việc quan sát con nào lớn thì bắt, con nào nhỏ bỏ cho nó thoát xuống con rạch Voi ẩn mình sinh sôi nảy nở. Tội nghiệp những chú rùa chậm chạp vừa chạy vừa giơ chân trước quẹt nước mắt vì khói cay ông bắt dễ nhất. Những con rùa mập ú, da ở cố ở chân như căng ra và khi đưa nó vô nồi nước , đậy vung cho chặt , nổi lửa lên nghe tiếng quậy rốt rét là thèm nhặt rau răm, làm nước mắm. Khi nước sôi , rùa chết , vớt ra làm lông (lột da chân, cổ, đầu, đuôi) khẩy yếm rồi để vô nấu tiếp . Đừng hấp tấp vớt ra khi chưa kịp chín , bộ đổ lòng còn sống , đỏ máu, bỏ uổng lắm... Cũng vì chuyện ăn rùa mà bà vợ đầu tiên của ông đã ra đi . Năm đó bả theo ông đi đổ lờ, lợp . Ông thì lặn dưới nước đưa lờ , lợp lên , bà ở trên xuồng đón lấy đổ ra khoang đủ thứ tôm, cá, rùa tùy theo chỗ , tùy theo thứ mồi ông đặt ông đã dặn những con còn nhỏ phải bỏ lại xuống nước cho nó lớn , mai mốt... Vậy mà về nhà, khi nhấc cái nắp vung ra, ông thấy có mấy con rùa con bị luộc chín khiển lòng giận run . Không biết lỗi, bà ấy còn tru tréo , đay nghiến, chì chiết "sao ông không lên núi tu đi, đã sát sanh còn lựa con lớn con nhỏ... ". Trời xui đất khiến, ông dằn cơn nóng giận không được nên con rùa trên tay bay vô đầu bà ấy. Cạnh mai rùa làm đầu bà tóe máu . Cầm máu xong là bà bỏ đi lập tức.Nhớ những năm nước bêu, đồng ngập láng linh chỉ còn sót vài đám cỏ nghễ , những con trăn, rắn, rùa, cần đước... đeo bám vô cỏ không cho sóng đánh, trôi dạt... Ông chổng chiếc xuồng con bằng cây tầm vông, một đầu lắp cái nạng chẻ hai để khỏi lún , một đầu có gắn chĩa ngạnh mũi nhọn hoắt. Ông cho mũi xuồng lướt nhẹ tấp vô đám cỏ nghễ, mắt ông chú ý quan sát những nơi ngọn cỏ xao động là đẩy mũi xuồng chỗ mình đứng tới ngay chỗ đó.Chút sau, trong đám cỏ nghễ sẽ có một vài chỗ động đậy và có tiếng thổi nước. Khó mà chỉ dẫn cho người khác đâu là tiếng thổi nước của rắn hay trăn, rùa... Nhưng với ông thì chuyện đó không khó, thậm chí ông còn phân biệt được tiếng thổi nước của rùa đực, rùa cái để bắt con nào trước . Khi biết rõ chỗ rùa vừa lặn xuống , ông chống nhẹ xuồng tới đó, chờ chút sau nó sẽ nổi lên cách chỗ đó không quá một thước rưỡi đủ để ông nhào xuống ôm gọn rồi leo lên xuồng. Bị động như vậy nhưng chung quanh nước láng linh, trống trơn chúng không bỏ đi đâu cả mà sẽ vào gốc cỏ để tiếp tục nổi lên cho ông bắt... Có những con cần đước chín , mười ký, ông biết ý không bao giờ vuột. Khi ông nhào xuống túm được nó, một tay ông lần ra trước ngay cổ cúc của nó mà nắm kéo ghì lên, một tay lần ra sau cậy đuôi của nó ấn xuống. Cần đước sẽ bơi bằng bốn chân quạt nước ào ào lôi ông lên mặt nước mau hơn. Ngược lại nếu người không biết, cứ hai tay nắm hai bên cần đước sẽ cắm đầu bơi xuống, hai chân sau quào rách da cạnh sườn và lôi mình chìm lỉm, ngộp thở phải buông. Tương tự khi gặp những con trăn lớn, ông trở đầu chĩa đâm trúng gần đằng đầu của nó liền bật cho cây sào vít nó vụt lên khỏi mặt nước, trăn uốn mình quấn quanh cây sào, ông chỉ việc gỡ ra thôi. Nếu không, phần thân và đuôi trăn sẽ nhanh chóng cuốn lấy gốc cỏ làm điểm tựa và lôi tuột cây sào khỏi tay mình như chơi.Giờ đây trên cánh đồng này hiểm hoi tìm thấy rùa , trăn... Ngay cả loài tôm, cá , chuột, chim, cò, ếch, nhái... cũng chẳng thấy, phải đợi nước lên, cá từ biển hồ, sông lớn tràn lên đồng sinh đẻ . Chợ búa ngày nay chỉ toàn cá biển , cá hầm, cá bè... nhưng mắc mỏ lắm. Hồi đó nếu không rảnh đi bắt, ông chỉ cần lấy cái cần xé hư bỏ vô vài nhánh tre, buộc dây quăng xuống sàn nước sau hè, nơi để ra con rạch Voi.Tới bữa khi bắc cơm lên bếp xong, ông ra sàn nước rút dây, kéo cái cần xé lên đã có đủ cá để nấu canh chua , cá kho cho mười người ăn. Bữa nào siêng ông lẩy cần câu nhấp đi dọc theo bờ con rạch Voi, thả lưỡi câu có móc mồi nhái, mồi cá linh xuống những gốc gáo, gốc Ô môi,gốc me nước ở dưới mép là có cá lóc xách về. Còn muốn ăn tôm, ông đốn tre đan cái lờ, xỏ miếng cơm dừa lơ lửng bên trong rồi đặt xuống chân cầu rửa chén, giặt đồ dưới bến sông; sáng ra thòng chân vớt lờ lên khỏi mặt nước đã nghe tiếng tôm búng lách chách".Những ngày nước kém của các tháng mười, mười một... cá trắng bỏ đồng, ra sông, bơi xuồng, cá phóng vô xuồng, phóng dạt lên bờ khi ta buông mái dầm. Ở những mương cạn người ta khơi sâu đầu vàm, đặt vó gạt, phải cần tới bốn người lực lưỡng đẩy cần gạt lùa cá lại miệng lưới và hứng cá bằng ghe chài. Có những lan gạt được ba bốn chục gia. cá linh . Gạt vô ghe xong, ai lo chèo cứ chèo, ai lo lượm rác cứ lượm để khi tới hãng nước mắm cá còn sạch, còn tươi rói họ không chê.Trời ơi, nhớ lại ngày xưa mà ông Thủ nghẹn ngào , uất ức . Cánh đồng này vào những năm bảy mươi còn có từng đàn sếu cao lêu nghêu đi từng đôi , từng đàn trên ruộng. Những đàn vịt trời hàng trăm ngàn con bay mát cả góc trời như một đám mây, đáp xuống đâu ở đó thiên hạ khóc rống lên tới đó.Vịt trời đáp xuống ăn hại lúa còn lê lết làm ra. dính bết dưới đất không đốt được , đất khó cày xới để làm rẫy làm lúa . Có nơi người ta đốt rơm con cúi , dựng chòi canh, gõ thùng thiếc... Thậm chí mần heo van vái đừng cho vịt tới đất mình . Còn ếch , nhái , cóc sau cơn mưa ưa hội tụ Ở khu đất nào đó làm công việc duy trì nòi giống , người ta chỉ việc lấy bao đi chụp, vác về tha hồ ăn. Vậy mà bây giờnhững cảnh đồng tràm đã thành than , thành khói , những con rạch , con sông giờ chỉ chuyên chở đủ thứ con người thải ra và đồng ruộng nực mùi thuốc độc có còn chỗ nào yên lành để cho vạn vật trú ngụ, sinh sôi. Ông đã bao lần gõ cửa quan báo cáo hiện tượng đánh bắt tàn nhẫn, đe dọa diệt chủng hàng loạt các loài vật mà có được ai quan tâm đâu . Người ta còn cười cho rằng là đôi bàn tay sát thủ của ông đã trở nên vô dụng trước những cách đánh bắt quá ư hiện đại nên ông kêu ca . Đánh bắt bằng thuốc độc , bằng rà điện thì mong gì còn sống sót con nào . Bởi vậy hôm nay ông mới đi mót từng con cua, con bọ bé tí để ăn qua ngày . Ông cũng đã từng xách thùng nước đổ hang dế cơm. Bắt dế cơm, ngắt đít, rút ruột, nhét đậu phộng vô chiên bột. Ông còn nghe ở đâu đó người ta còn ăn cả bọ xít, trùng hổ.Nếu ông còn sống chừng năm mười năm nữa chắc còn phải ăn cả... dòi chớ không chừng.Ông Thủ xuống đìa , mong mót thêm vài con cua còn sót lại trong những cái hang để ngày mai ông vàcon Mực khỏi phải đi nữa . Nhưng có mấy con cua cái ông phải thả trở lại khi thấy nó đang ôm một bụng cua con . Bỗng , ông Thủ thấy lạnh buốt sống lưng, lạnh dài bên ót và tê tê một bên đầu ngực nghe nhoi nhói . Ông ngã ập xuống , mặt gục lên bờ, thân còn chìm dưới nước. Người ông tê dại, không còn cử động được nữa , chỉ có thề ngước mặt tìm con Mực. Con Mực thứ mười ba của dòng họ nhà Mực sống bên ông đã kịp chạy tới . Nó le lưỡi liếm liếm lên mặt ông làm ông hoảng sợ "Mày... mày... đói... đói... tới mức muốn ăn... thịt tao..? " . Không , giây phút sợ hãi thoáng qua và ông kịp mỉm cười khi thấy hai hàng nước mắt đang trào ra , lăn qua mồm con chó trung thành của mình. Màu đen trên mình con Mực lên dần , tối sẩm...