LỜI TỰA

Cuốn sách này không hề tuyên truyền, cũng chẳng hề bịa đặt. Không một chi tiết nào ở đây là khiên cưỡng và không một chi tiết nào là chế tác. Người ta chỉ thấy tập hợp ở đây, không trau chuốt và đôi khi thậm chí ngẫu nhiên, những sự kiện xác thực, đã được trải nghiệm, được kiểm tra và có thể nói là mang tính đời thường. Những sự kiện thông thường của cuộc sống Pháp.

Nguồn gốc thì có nhiều và chắc chắn. Đối với các tính cách, các tình huống, nỗi đau khổ trần trụi nhất và đối với lòng dũng cảm đơn giản nhất, cái khó khăn bi kịch là sự lựa chọn. Trong hoàn cảnh đó công việc tuồng như dễ dàng.

Thế nhưng, trong tất cả các tác phẩm tôi đã từng viết ra trong suốt cuộc đời lâu dài của mình, không có cái nào đòi hỏi tôi phải khổ công như cái này. Và không có cuốn nào khiến tôi không bằng lòng như cuốn này. Tôi muốn nói thế và nói thêm chút nữa.

An ninh lẽ tự nhiên là vật cản đầu tiên. Các luật lệ nghiêm trọng của nó trói buộc người muốn kể chuyện cuộc kháng chiến một cách trần trụi và thậm chí không phải viện đến trí tưởng tượng. Đây không phải là việc cuốn tiểu thuyết hay một bài thơ chải chuốt thì không thật bằng một truyện kể gắn với hiện thực. Tôi tin là ngược lại. Nhưng chúng ta đang trong cơn khiếp sợ hãi hùng, đang tắm trong dòng máu tươi nóng hổi. Tôi cảm thấy không có quyền hoặc không đủ sức vượt qua sự đơn giản của lối viết biên niên, sự tầm thường của tài liệu.

Vậy là phải viết hết sức chính xác và theo một cách chu đáo kỹ lưỡng nhất. Chỉ cần một màu sắc giả dối cũng có nguy cơ làm cho các bức tranh của cuộc đấu tranh thiêng liêng nhuốm giọng giáo đoàn Saint Sulpice.

Cần phải hết sức chính xác, nhưng đồng thời lại không để một cái gì bị nhận ra.

Do còn kẻ thù, còn bọn tay sai, mật thám của chúng, nên cần phải hóa trang các khuôn mặt, bứng gốc các nhân vật đem trồng vào chỗ khác, trộn lẫn các phiến đoạn, bóp nghẹt các giọng nói, tháo cởi các liên hệ, che giấu các bí mật về tấn công và phòng vệ.

Người ta chỉ có thể nói một cách tự do về những người chết (khi họ không còn những người thân thích, bạn bè bị đe dọa) hoặc những câu chuyện cả nước Pháp đều đã biết nên không còn liên lụy đến ai.

Các dấu vết bị làm rối lên, bị xóa đi như thế đã đủ chưa? Liệu người này, người kia có bị nhận ra không? Đây là nỗi sợ không ngừng khiến tay tôi vướng víu, do dự. Và khi nó đã lắng xuống, khi tôi nghĩ đã đề phòng cẩn thận mọi điều, thì lại nảy sinh ra một mối lo khác. Tôi tự hỏi: "Mình đã theo đúng sự thật chưa? Mình đã chuyển đổi những nguồn gốc, những tập tục, những nghề nghiệp, những quan hệ gia đình hay tình cảm theo một đương lượng chính xác chưa?" Bởi một hành động sẽ không có cùng một tính chất, thậm chí một giá trị hay một ý nghĩa nữa, nếu nó được thực hiện bởi một người giàu hay một người nghèo, một người độc thân hay một người cha của sáu đứa con, một cụ già hay một cô gái trẻ.

Và khi tôi tin là đã thành công phần nào trong chuyện này, tôi cảm thấy một nỗi buồn cay đắng. Không còn lại gì nữa của người đàn ông, người phụ nữ mà tôi yêu quý, kính trọng, mà tôi muốn kể về cuộc sống hay cái chết của họ dưới cái tên thật, gương mặt thật. Khi đó tôi cố gắng tái hiện ít nhất một tiếng cười, hay một ánh nhìn, hay một giọng nói thì thầm.

Cái khó thứ nhất là như vậy. Một khó khăn hiển nhiên. Và có thể nói đó là cái khó về mặt tài liệu. Nhưng những vướng víu hiển nhiên về mặt tài liệu không bao giờ quá nặng đến không mang nổi. Một nỗi day dứt khác bám suốt theo tôi khi tôi viết những trang này. Nó không liên quan gì đến những yêu cầu về an ninh. Nó thuộc về mặt cá nhân.

Không một chút khiêm tốn gỉả vờ, tôi luôn cảm thấy sự thấp kém của mình, tình cảnh nhà văn khốn khổ của mình trước trái tim sâu sắc của cuốn sách, trước hình ảnh và tinh thần của kỳ tích thần bí vĩ đại là cuộc kháng chiến Pháp.

Nhà văn nào khi tìm cách vẽ ra một phong cảnh, một ánh sáng, một nhân vật hay một số phận lại không bị nỗi tuyệt vọng đè nặng? Nhà văn nào không cảm thấy là mình không trung thành với màu sắc của tự nhiên, với bản chất của ánh sáng? Phía trên hay phía dưới con người? Bên cạnh tấm lưới số phận?

Có phải vậy đây là khi cần kể về nước Pháp, một nước Pháp tăm tối, bí ẩn, luôn mới mẻ đối với các kẻ thù của nó, đối với các kẻ thù của nó và nhất là luôn mới đối với chính nó?

Nước Pháp không còn bánh mì, rượu vang, và lửa. Nhưng đặc biệt nó không còn luật pháp. Sự vi phạm dân sự, sự nổi loạn cá nhân hay có tổ chức trở thành những nghĩa vụ đối với tổ quốc. Người anh hùng dân tộc, đó là người hoạt động lén lút, là người sống bất hợp pháp.

Không có gì là hiệu lực ở thứ trật tự do kẻ thù và Thống Chế áp đặt. Không có gì được coi trọng. Không có gì là thật cả. Người ta thay đổi chỗ ở, tên tuổi hàng ngày. Các viên chức, các cảnh sát giúp đỡ cho những người trốn lính. Người ta tìm thấy những kẻ tòng phạm ngay trong các bộ. Những nhà tù, những cuộc vượt ngục, những đòn tra tấn, những vụ mưu sát, những trận đánh úp. Người ta chết và người ta giết một cách tự nhiên.

Nước Pháp sống, chảy máu, và tất cả đều nằm ở bề sâu. Nó hướng khuôn mặt lạ lẫm và chân thực của mình về phía bóng tối. Trong những hầm mộ của cuộc nổi dậy, nhân dân tạo ra ánh sáng của mình và tìm ra luật lệ riêng của mình.

Chưa bao giờ nước Pháp có một cuộc chiến tranh cao cả và đẹp đẽ như cuộc chiến của những hang động nơi in ra các tờ báo tự do của nó, của những vùng đêm và những khu bí mật nơi nó tiếp đón những người bạn tự do của nó và từ đó những người con tự do của nó tỏa đi, của những phòng tra tấn nơi mặc dù kìm kẹp nung đỏ và lưng bị dập nát những người Pháp vẫn chết trong tư thế con người tự do.

Tất cả những điều kể trong sách này những người con của nước Pháp đã sống qua.

Mong mỏi duy nhất của tôi là đã thể hiện không đến nỗi sai lạc quá hình ảnh của họ.