Tiếng xe chạy sầm sập vào hẻm rồi thắng lại trước nhà vào thời điểm mọi người chuẩn bị đi ngủ làm cả tôi và thằng cu Minh vùng dậy. Nó chạy ra cửa, vén tấm màn gió qua một bên, ngó xuống khoảng sân nhỏ trước nhà rồi thông báo:
- Bố mẹ con đến cô Năm ơi!.
Đèn dưới nhà bật sáng, rồi tiếng khóa mở cửa lách cách. Anh chị Hai tôi bước vào nhà cùng lúc với tôi và thằng Minh bước xuống cầu thang.
- Thưa mẹ, mẹ khỏe không mẹ?. - Không đợi mẹ tôi kịp nói gì, anh tiếp luôn: - Tụi con bận bịu quá không đến thăm mẹ thường xuyên được. Dạo này mẹ có đỡ hơn không?.
Mẹ tôi giả vờ giận dỗi:
- Mày chỉ được cái khéo nói. Bao lâu chẳng thấy chở vợ con đến thăm mẹ, ngày chủ nhật, ngày lễ cũng chẳng thấy mặt, mà có xa xôi gì cho cam.
Anh ngồi xuống giường cạnh mẹ tôi, vừa với lấy chai dầu xoa bóp chân cho bà cụ, vừa bảo chị dâu tôi đang ngồi mệt mỏi trên ghế sa lông: "Em lấy cái đĩa cắt cam cho mẹ ăn", rồi quay sang mẹ, anh phân trần: "Cam này là cam Mỹ, tụi con mua gần nhà, ngọt lắm mẹ ạ! À dạo này thằng Minh có ngoan không, nó có xoa bóp chân cho mẹ mỗi tối không?".
Thằng Minh ngó tôi, hai tay xoắn lại với nhau, cầu cứu. Mẹ tôi kể lể:
- Nó hư lắm, chỉ sợ cô Năm và chú út của nó thôi.
Anh trừng mắt nhìn thằng Minh:
- Hôm nay bố đến đây trước là để thăm bà, sau là để thưa với bà chuyện của con đấy. - Quay qua mẹ tôi, anh nói: - Con định như thế này mẹ ạ, thằng Minh sang năm thi lên lớp sáu, con muốn đón nó về để rèn cho nó, chứ cứ cái đà nó học như thế này thì cuối năm không thể nào đậu nổi vào trường hệ A đường nói gì đến chuyện tuyển thẳng. Con sẽ cho bé Vân đến đây với bà, rồi bà sẽ thấy bé Vân nó ngoan lắm, mà còn nhờ được nhiều việc, không lêu lổng như thằng Minh này đâu.
Chị dâu tôi chen vào:
- Con yên tâm đi, mẹ sẽ dọn cho con một cái phòng riêng, và cho con chơi vi tính, mua đồ chơi cho con, cho con tiền đi học...
Thằng Minh chẩu môi:
- Con không về đâu, con ở với cô Năm quen rồi, về con nhớ cô Năm lắm...
Anh tôi gận dữ:
- Thôi không nói nhiều với nó nữa, bố nói một là một, hai là hai, hết hè bố sẽ đón về. Bố hứa cứ mỗi chủ nhật bố sẽ chở con về thăm bà và cô Năm.
Thằng Minh vẫn còn sụt sùi:
- Bố nói mỗi chủ nhật về thăm bà mà bố có về đâu. Con không tin đâu.
Anh Hai tôi sượng sùng:
- Con cái gì mà hư quá, dám cãi trả bố như vậy, lớn lên dăm tuổi nữa làm sao dạy nổi".
Minh vòng tay ôm cổ tôi, thút thít:
- Cô Năm ơi, cô Năm cố nói với bố giùm con nghe. Con không muốn về với bố đâu, bố mẹ con hay cãi nhau rồi đánh nhau làm con sợ lắm. Với lại bố bận nhiều việc, hay đưa con đi học trễ. Con thương cô Năm, con chỉ muốn ở với cô Năm thôi.
Tôi nghe lòng xót xa, vuốt ve khuôn mặt bầu bĩnh rồi hôn lên hai má phinh phính của nó, trấn an:
- Ừ, thôi con đi ngủ đi, rồi cô Năm sẽ cố gắng thuyết phục bố con".
Gia đình tôi có bốn anh em, tất cả đã có gia đình và ở riêng, chỉ có mình tôi ế ẩm ở lại nhà chăm sóc mẹ. Ngoài thì giờ ở cơ quan, niềm vui duy nhất của tôi khi trở về nhà là xoay ra chơi và dạy dỗ thằng Minh. Đã có một thời gian niềm khao khát có đươc một đứa con luôn cháy bỏng trong tôi, đến nỗi nhiều bận tôi nghĩ mình có thể làm bất kỳ điều gì để có một đứa con rồi hậu quả có ra sao cũng được. Tôi đã nghĩ đến giải pháp thụ tinh nhân tạo, nhưng một người bạn lớn tuổi đã cảnh cáo rằng đứa bé không phải là món đồ chơi cho tôi, rằng con tôi sẽ như thế nào khi nó biết rằng nó sẽ không bao giờ bết được cha nó là ai, rằng nó chỉ là một thụ vật trong phiòng thí nghiệm, rằng nó không bao giờ được sinh ra như kết quả của một tình yêu nồng cháy, và rằng liệu tôi có chịu nổi búa rìu dư luận dành cho đứa con không cha bất bình thường này không...Vậy là tôi đầu hàng nỗ lực có một đứa con cho riêng mình. Bao nhiêu tình yêu tôi dành hết cho thằng Minh.
Anh tôi có thêm đứa con thứ hai khi thằng Minh gần một tuổi rưỡi. Tôi năn nỉ anh tôi cho tôi nuôi nó, một phần cho căn nhà đỡ quạnh quẽ, một phần cho anh chị tôi đỡ cực. Cái xe đạp cà tàng của tôi lúc ấy được gắn thêm cái ghế ngồi tí hon đằng trước để chiều chiều tôi chở nó đi khắp nơi, có khi chỉ để dỗ nó ăn hết suất cơm chiều. Đi đâu tôi cũng tha nó đi theo, nếu không tôi ngong ngóng giờ về với nó, để được hôn lên hai cái má phính phính bầu bầu của nó và để được nghe nó nói giọng ngọng nghịu: "Cô Năm thương con nghe". Tôi đã thật sự lo lắng đến mất ăn mất ngủ, bỏ cả việc làm mỗi lần nó ốm và có lần tôi đã khóc vì bất lực khi cảm nhận hơi nóng hừng hực từ vòng tay vô cùng bé nhỏ của nó ôm lấy người tôi. Dạo ấy có người lầm tưởng nó là con ruột của tôi và tôi đã sung sướng để mặc họ nghĩ như vậy. Đã nhiếu lần tôi năn nỉ nó: "Sao con không chịu gọi cô Năm là mẹ, bộ con không thương cô Năm hả?". Nó phụng phịu: "Không, con thương cô Năm lắm, nhưng mẹ là mẹ, cô Năm là cô Năm". Tôi đã buồn hết mấy ngày, tôi biết rằng trước sau gì cũng có ngày bố mẹ nó đón nó về với các em nó, mọi thương yêu và hi sinh tôi dành cho nó rồi cũng trở thành vô nghĩa. Tôi biết tôi ích kỷ nhưng tôi đã đặt hết tình thương, kỳ vọng và cả bản năng làm mẹ sôi sục trong tôi vào nó. Ai bảo xã hội này quá ư khắt khe không cho phép tôi có thể có một đứa con không rõ bố, những người con gái luống tuổi như tôi không được phép tự tạo cho mình một gia đình (cho dẫu nó là một gia đình không trọn vẹn) để nương thân?
Tôi biết đến nước này tôi không thể làm gì để thay đổi ý định của anh tôi. Nó là con anh, và anh có mọi quyền đối với nó. Tôi đau xót nghĩ tới lúc tôi sẽ thui thủi một mình, không còn được nghe nó ríu rít nói chuyện, hỏi đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, hay đòi tôi gãi lưng, quạt cho nó nhắm mắt ngủ. Tôi biết rồi đây ngôi nhà sẽ rộng rãi mênh mông thêm ra khi không có tiếng cười, tiếng líu lo của nó, mà chỉ còn lại mẹ tôi với bệnh tật triền miên và tôi với nỗi cô đơn bất tận.
Hôm anh tôi đến đón con về, thằng Minh òa khóc:
- Cô Năm thương con nghe, lâu lâu cô Năm lại thăm con nghe. Rồi nó lủi thủi ôm túi xách quần áo, đồ chơi, sách vở ra xe bố, rồi chiếc xe rồ máy khuất dạng.
Tôi lặng lẽ bỏ lên gác, cố nuốt nước mắt vào lồng ngực. Cửa tủ vẫn mở toang, trống rỗng. Vài bộ quần áo cũ còn rơi vãi trên sàn trong lúc thằng Minh vội vã thu dọn. Tôi nhặt một cái áo cũ của nó lên, áp vào mặt, cái mùi chua chua quen thuộc của nó khiến tôi bật khóc không kìm được.