1.

Chuyện xảy ra vào những ngày khi tôi còn ôm bụng đói đi lang thang trên các đường phố Christiania, cái thành phố bao giờ cũng in dấu ấn rất sâu trên mỗi người dân của nó...

Tôi nằm không ngủ trên tầng thượng sát mái, nghe phía dưới chuông đồng hồ điểm sáu giờ. Trời đã sáng và bắt đầu có tiếng bước chân đi lại nhộn nhạo trên cầu thang. Trên tường, cạnh cửa ra vào phòng tôi có dán những tờ "Tin buổi sáng" cũ; tôi đọc rõ mẩu tin của người coi đèn hải đăng và những dòng chữ in to, nét đậm, quảng cáo thứ bánh mì thơm ngon của ông Fabian Onxen.

Vừa mở mắt, theo thói quen tôi nghĩ ngay tới việc hôm sau tôi sẽ có được điều vui. Thời gian gần đây, tôi sống khá vất vả; đồ đạc lần lượt dọn đến ở với "Ông bác cầm đồ". Tôi trở nên hay khó tính, cáu bẳn, có khi suốt mấy ngày liền phải nằm một chỗ vì đau đầu. Thỉnh thoảng gặp may, tôi nhận được năm curon nhờ đăng một bài nhỏ ở một tờ báo nào đó.

Trời mỗi lúc một sáng hơn, và tôi bắt đầu nằm đọc tin rao vặt trên các tờ báo dán bên cửa. Thậm chí tôi đọc được cả những hàng chữ mảnh kéo dài như những hàng răng đang nhe ra, báo rằng "ở cửa hàng ông Anđerxơn, cửa bên phải, khách hàng có thể mua được những tấm vải liệm tốt nhất". Cái tin này cứ bám riết lấy tôi hồi lâu; và khi tôi nhỏm dậy mặc quần áo, chuông đồng hồ phía dưới đã điểm tám tiếng.

Tôi mở cửa sổ nhìn xuống sân, thấy chiếc dây thừng phơi quần áo và một khoảng đất trống. Xa hơn một chút là bộ xương của chiếc lò rèn đã bị cháy xém, xung quanh có một số người nào đó đang xúm lại bới tìm than. Tôi tì tay lên bậu cửa sổ, đưa mắt nhìn ra xa. Rõ ràng hôm nay là một ngày nắng đẹp. Mùa thu đã đến, cái mùa ẩm lạnh, kì lạ; vạn vật thay đổi màu sắc và tàn úa dần. Tiếng ồn ào nổi lên trên các phố, như kêu gọi tôi đi ra khỏi nhà. Căn phòng tôi đang ở trống rỗng, một nửa sàn nhà kêu lên rầu rĩ dưới từng bước chân tôi bước; trông nó chẳng khác gì một chiếc quan tài tồi tàn, đáng kinh tởm. Không có lò sưởi, không có cả một chiếc khoá tử tế trên cửa. Ban đêm tôi thường phải lót tất ướt dưới lưng để sáng dậy chúng khô hơn một tí. Vật an ủi duy nhất của tôi là chiếc ghế xích đu màu đỏ mà đêm đêm tôi vẫn ngồi để suy nghĩ về đủ mọi chuyện. Khi có gió thổi mạnh, hoặc cửa ra vào phía dưới không đóng, sàn nhà và bốn bức tường phòng tôi thi nhau rên lên rầu rĩ, còn tờ "Tin buổi sáng" cạnh cửa thì rách thêm một miếng to bằng nắm tay.

Tôi rời cửa sổ, bắt đầu lục tìm trong chiếc túi cạnh giường xem có gì ăn được không. Không tìm thấy gì, tôi lại tới đứng bên cửa sổ.

"Chỉ có trời mới biết hôm nay mình có thể kiếm được việc mà làm không?" - tôi nghĩ. Tôi đã mất hết hào hứng và sự cương quyết sau khi nhận được rất nhiều những câu từ chối, những cái xua tay thẳng thừng; sau khi bao hi vọng tan thành mây khói và mọi cố gắng đều kết thúc bằng sự thất bại. Cuối cùng, tôi thử xin vào làm thủ quỹ, nhưng hoá ra tôi đặt vấn đề quá chậm; vả lại, tôi cũng chẳng đào đâu được năm mươi curon để đặt cọc. Nghĩa là lúc nào tôi cũng bị một cái gì đấy ngăn trở. Rồi tôi xin vào đội cứu hoả. ở đấy người xin việc như tôi có hơn năm chục, anh nào cũng ưỡn ngực, phồng má để tỏ ra mình là một người khoẻ mạnh và dũng cảm hiếm có. Người tuyển chọn đi giữa chúng tôi, xem xét kĩ lưỡng từng người, hỏi chuyện, nắn bắp cơ, nhưng khi lại gần tôi, ông ta chỉ lắc đầu và lúng búng nói rằng công việc cứu hoả không phải dành cho những người mang kính. Lần sau tôi lại tới, không mang kính, mặt cúi gầm, nhưng ông ta vẫn đi ngang và chỉ mỉm cười vì đã nhận ra tôi. Thêm vào mọi điều bất hạnh khác, bộ quần áo tôi mặc đã sờn cũ đến mức có lẽ ông kia không cho tôi là một người tử tế.

Chao ôi, tôi đang xuống dốc từ từ và không gì cản lại nổi. Cuối cùng, tôi hoàn toàn chẳng còn một cái gì nữa, thậm chí cả chiếc lược hay một cuốn sách nhỏ để đọc khi đau buồn cũng không. Mùa hè, ngày nào tôi cũng đi đâu đó, như ra bãi tha ma hay vào công viên, nơi có một lâu đài nhỏ, tôi có thể ngồi ở đấy và viết các bài gửi đăng báo. Tôi viết liên tục hết dòng này đến dòng khác, và trong các bài báo ấy tôi nghĩ ra đủ các chuyện lạ kì cùng các trò chơi bất thường của óc tưởng tượng bệnh hoạn của tôi. Vô cùng thất vọng, tôi bắt đầu chọn các đề tài trừu tượng. Những bài này tôi viết một cách khó nhọc trong nhiều giờ liền, nhưng chẳng tờ báo nào chịu in. Viết xong bài này, tôi đã vội bắt tay vào viết bài khác và ít khi chán nản nếu bị toà soạn từ chối. Tôi cố thuyết phục mình rằng sẽ có lúc tôi gặp may. Và quả thật, thỉnh thoảng tôi viết được cái gì đó đáng giá, và người ta trả cho tôi năm curon vì cái công việc mà tôi chỉ làm trong nửa ngày.

Tôi rời cửa sổ đi lại chậu rửa mặt, dấp nước lên hai đầu gối chiếc quần sờn cũ của tôi để chúng trông có vẻ mới hơn. Làm xong việc này, như thường lệ, tôi cho giấy và bút chì vào túi quần rồi bước ra khỏi phòng. Trên cầu thang tôi cố bước thật khẽ để khỏi làm bà chủ nhà chú ý - tôi nợ tiền nhà đã mấy hôm nay nhưng chẳng có đồng nào để trả.

Chín giờ. Tiếng xe lăn và tiếng người nói vang lên khắp nơi. Ðó là một bản đồng ca buổi sáng hỗn độn gồm tiếng chân người bước và tiếng réo của roi ngựa. Cái âm thanh đường phố lập tức làm tôi hoạt bát hẳn lên, tôi thấy tự tin hơn. Dạo chơi vào buổi sáng sớm giữa không khí trong lành làm gì? Tôi cảm thấy mình rất khoẻ mạnh, khoẻ mạnh như một đô vật, có thể ghé vai giữ lại được cả chiếc xe đang chạy. Một tình cảm lạ lùng, hiếm có nào đó xâm chiếm người tôi, làm tôi thấy hài lòng, nhẹ nhõm. Tôi quan sát những khuôn mặt đang đi lại gần, liếc nhìn các tấm bảng treo trên cổng, đón bắt những cái nhìn người ta ném cho tôi từ những chiếc xe đang phóng ngang, nhận thấy những điều nhỏ nhặt nhất, và không bỏ qua cả những việc ngẫu nhiên nhanh chóng xuất hiện và cũng nhanh chóng mất đi.

Thật là một ngày tuyệt diệu; có điều được ăn cái gì đó thì tốt biết mấy! Tôi hoà mình vào buổi sáng vui sướng này; hạnh phúc làm tôi ngây ngất; bỗng dưng tôi hứng lên, cất giọng hát to. Cạnh một quầy thịt có một phụ nữ tay xách giỏ đang chọn mua giò cho bữa ăn trưa. Khi tôi đi ngang, bà ta đưa mắt nhìn tôi. Từ miệng bà ta chỉ chìa ra một chiếc răng. Những ngày gần đây tôi trở nên khó tính đến mức tôi thấy khuôn mặt của người phụ nữ này thật đáng kinh tởm. Chiếc răng dài, vàng khè lòi ra khỏi miệng như ngón tay út; khi ngước lên nhìn tôi, ánh mắt của bà ta còn bận nghĩ về khúc giò. Ngay lập tức, tôi thèm ăn, cơn buồn nôn đã dâng lên tận cổ. Tới chợ, tôi cúi xuống uống no nước từ vòi công cộng. Sau đó tôi ngẩng đầu, nhìn lên tháp chuông nhà thờ Ðấng cứu thế - kim đồng hồ chỉ mười giờ.

Tôi còn tiếp tục đi lang thang trên phố rất lâu, chẳng suy nghĩ điều gì; sau đó tôi dừng lại ở một góc phố, cũng chẳng có mục đích nào cụ thể, rồi rẽ sang một phố nhỏ, dù tôi hoàn toàn không có việc gì để làm ở đấy. Tôi như trôi theo dòng nước, tắm táp giữa buổi sáng trong lành, lang thang một cách vô tư bên những con người vui vẻ. Trời đẹp và trong, còn tâm hồn tôi thì chẳng bị khuấy đục bởi bất kì một điều nào.

Trong suốt mười phút liền, một ông già thọt chân đi khập khiễng trước tôi. Một tay lão ta xách chiếc túi, còn toàn thân thì như căng ra vì cố bước thật nhanh. Nghe tiếng thở hổn hển của lão, tôi nghĩ tôi có thể xách giùm chiếc túi. Tuy nhiên, tôi vẫn không đuổi kịp ông già. Tới gần Grenxơn, tôi gặp Hanx Pauli. Hắn cúi chào tôi rồi vội bỏ đi. Sao hắn vội vậy nhỉ? Tôi có định vay tiền hắn đâu, dù chỉ một curon. Thậm chí nếu có thể, tôi sẵn sàng trả lại hắn chiếc chăn tôi mượn cách đây mấy tuần. Chỉ cần hoàn cảnh khá hơn lên một chút là không ai có thể trách tôi không chịu trả lại chiếc chăn ấy. Có lẽ hôm nay tôi sẽ bắt tay vào viết một bài báo về đề tài tội phạm trong tương lai, hoặc về tự do tư tưởng hay về một cái gì đấy quan trọng; và bài báo ấy sẽ mang lại cho tôi ít nhất cũng được mười curon... Tôi bỗng có nhu cầu phải viết ngay lập tức, vì các ý nghĩ đang kéo đến dồn dập trong đầu. Tôi quyết định tìm một chỗ thích hợp trong công viên để ngồi viết, viết một mạch không nghỉ cho đến khi bài báo hoàn thành mới thôi.

Nhưng ông già thọt vẫn cứ đi trước mặt tôi, người co rúm lại mỗi lần đặt chân xuống đất. Cuối cùng tôi phát cáu, trong khi ông già vẫn cứ luôn khập khễnh về phía trước. Hình như điều này sẽ kéo dài không bao giờ kết thúc. Rất có thể lão đi cùng đường với tôi, nếu thế, lúc nào lão cũng luôn ở trước mặt tôi. Tôi bực mình đến mức cảm thấy hình như mỗi lần đến chỗ rẽ, lão cố ý dừng lại để chờ tôi rẽ về hướng nào, sau đó lão nâng chiếc túi và rảo bước vượt lên phía trước. Tôi vừa đi vừa quan sát con người tàn phế bất hạnh này và càng thấy ghét lão hơn. Tôi cảm thấy lão như đang làm hỏng dần tâm trạng vui vẻ của tôi, đồng thời làm xấu cả một buổi sáng đẹp trời bằng cái chân thọt của mình. Lão giống một con châu chấu khổng lồ què chân cố bay đâu đó mà không bay được, và đang choán hết cả hè phố; khi tới đỉnh đồi, tôi không muốn nhìn thấy lão thêm nữa nên dừng lại bên một tủ kính, chờ lão đi khuất. Nhưng mấy phút sau, khi đi tiếp, tôi lại nhìn thấy lão trước mặt - lão cũng dừng lại như tôi. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi bước nhanh ba bốn bước về phía trước rồi vỗ mạnh vào vai lão.

Lão đứng sững lại như bị điện giật. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau.

- Nếu có thể, hãy cho tôi ít tiền uống sữa! - Cuối cùng lão nói rồi ngoẹo đầu sang một bên.

Thế đấy, tôi lại rơi vào cái hoàn cảnh thế này đây! Tôi cho tay vào các túi lục lọi rồi nói:

- À, sữa à... Hừm!... Ông biết đấy, thời buổi này kiếm tiền không phải dễ, mà tôi thì chẳng biết có đúng ông đang gặp khó khăn không.

- Tôi chưa hề ăn gì từ hôm qua, khi rời Ðramen tới đây.

- Ông là thợ thủ công à?

- Vâng, tôi là thợ làm áo lông cừu.

- Sao?

- Thợ làm áo lông cừu. Ngoài ra, tôi còn biết đóng ủng nữa.

- Thế thì là việc khác, - tôi nói. - Ông hãy đứng đây chờ tôi một phút, tôi chạy lại đằng kia lấy tiền và sẽ cho ông mấy ere(1).

Rồi tôi chạy một mạch đến phố Pilestredet, trên tầng hai một ngôi nhà ở đấy có một cửa hiệu cầm đồ, mặc dù tôi chưa phải tới đây bao giờ. Tới cổng nhà, tôi cởi áo gilê, cuộn lại, kẹp dưới nách. Sau đó tôi bước lên cầu thang, gõ cửa. Vào phòng, tôi cúi chào rồi đặt chiếc áo lên quầy.

- Một curon rưỡi, - người cầm đồ nói.

- Ðược, cảm ơn ông, - tôi đáp. - Tất nhiên tôi sẽ chẳng đem nó bán cho ông làm gì, nếu nó không quá chật...

Tôi cầm tiền và hoá đơn đi ra phố. Thật là một ý nghĩ tốt đẹp - cầm cố chiếc áo gilê! Tôi sẽ còn thừa tiền để ăn một bữa thật no, và đến tối tôi sẽ viết xong bài báo về tội phạm trong tương lai. Lập tức tôi cảm thấy cuộc đời cũng không đến nỗi u ám lắm. Tôi vội chạy tới gặp ông già để nhanh chóng thoát khỏi lão.

- Ðây, cầm lấy, - tôi nói. - May mà ông hỏi xin tôi đấy!

Lão cầm tiền, ngơ ngác nhìn tôi. Vì sao lão cứ giương mắt nhìn tôi thế nhỉ? Tôi thấy hình như lão đặc biệt chú ý tới hai đầu gối chiếc quần của tôi, và sự trâng tráo này làm tôi vô cùng khó chịu. Không lẽ cái lão già lang thang này dám xem tôi là một thằng ăn mày chỉ vì quần áo tôi quá cũ? Tôi đang chuẩn bị viết một bài báo để lấy mười curon cơ mà! Và nói chung, tương lai chẳng có gì làm tôi lo sợ, tôi sẽ tự thu xếp được mọi chuyện. Có gì đặc biệt, nếu vào một ngày đẹp trời như hôm nay tôi cho ai đó ít tiền? Tôi không thích cách thức lão nhìn tôi, và quyết định trước khi bỏ đi, phải nói vài câu cho lão biết.

- Ông bạn thân mến ạ, ông có một thói quen rất xấu là cứ nhìn chằm chằm vào đầu gối người vừa cho ông cả một đồng curon.

Lão tựa lưng vào tường, cúi đầu, miệng há hốc. Hình như trong đầu lão xuất hiện ý nghĩ gì đó. Chắc nghĩ tôi định đùa cợt, lão sợ sệt đưa lại tiền cho tôi.

Tôi giẫm mạnh chân xuống đất, bắt lão phải giữ lại số tiền ấy. Hay lão nghĩ vừa rồi tôi vất vả thế chỉ để đùa chơi? Suy cho cùng, chính tôi nợ lão đồng curon ấy, bây giờ tôi mới nhớ ra, và lão phải biết rằng tôi là một người tử tế, tử tế từ đầu đến chân. Tóm lại, đó là tiền của lão... Thôi, chẳng cần ơn huệ gì hết, lão cứ giữ lấy, tôi rất vui. Tạm biệt!

Rồi tôi bỏ đi. Cuối cùng tôi đã thoát được ông già tàn tật kia, bây giờ sẽ chẳng có ai quấy rầy tôi nữa. Tôi lại tới phố Pilestredet và dừng lại cạnh một cửa hàng thực phẩm. Tủ kính đầy các thức ăn ngon lành. Tôi quyết định đi vào mua một vài thứ gì đó mang theo.

- Một miếng pho mát và một chiếc bánh mì kiểu Pháp, - tôi nói rồi đặt lên quầy nửa curon.

- Pho mát và bánh mì với tất cả số tiền này à? - Bà bán hàng nói với vẻ giễu cợt, vẫn không ngước lên nhìn tôi.

- Vâng, cả năm mươi ere, - tôi bình tĩnh đáp.

Tôi nhận gói hàng, cúi chào bà già bán hàng to béo một cách cung kính rồi bước nhanh về phía ngọn đồi, nơi có công viên. ở đấy tôi tìm một chiếc ghế trống ngồi xuống rồi bắt đầu ăn nghiến ngấu. Lập tức tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Ðã lâu tôi chưa được ăn bữa nào ngon và nhiều thế này. Dần dần tôi bình tĩnh trở lại, thoải mái hơn, như khi ta được tự do khóc hết nước mắt. Một chốc sau, tôi phấn chấn hẳn lên. Bây giờ đối với tôi là việc quá dễ dàng nếu chỉ viết một bài báo về đề tài đơn giản là vai trò của tội phạm trong tương lai. Ðể làm việc này, chỉ cần liếc mắt nhìn lại lịch sử một chút là đủ. Tôi thấy tôi có khả năng làm những việc khác to lớn hơn rất nhiều. Tôi muốn được vượt qua những khó khăn ghê gớm, và rồi tôi quyết định sẽ viết một tác phẩm ba chương về sự cảm nhận triết học. Tất nhiên tôi sẽ không quên đập vỡ tan tành một vài luận điểm của Kant(1) về vấn đề này... Tôi đang định lấy bút mực ra viết thì bỗng phát hiện thấy mình không có bút chì. Tôi đã để quên nó ở hiệu cầm đồ, chả là vì nó luôn nằm trong túi áo gilê.