Năm mười bảy tuổi, cuộc đời tôi vĩnh viễn thay đổi.
Tôi biết khi nói điều này sẽ có người thắc mắc. Họ nhìn tôi lạ lẫm như đang cố tìm hiểu xem chuyện gì có thể xảy ra vào thời điểm đó, tuy nhiên hiếm khi tôi buồn giải thích. Bởi vì sống ở đây gần như cả đời, tôi không cảm thấy phải làm thế trừ phi chính bản thân tự nguyện, mà khi đó thì chuyện dài dòng hơn mức hầu hết mọi người đủ kiên nhẫn nghe. Chuyện của tôi không thể tóm tắt bằng hai hoặc ba câu; cũng không thể gói gọn thành một cái gì đó nhẹ nhàng, đơn giản để mọi người hiểu ngay lập tức. Những người biết tôi năm đó mà còn sống ở đây đều chấp nhận và không hề thắc mắc về việc tôi không giải thích gì mặc dù bốn mươi năm đã trôi qua. Chuyện của tôi trong một chừng mực nào đó cũng là chuyện của họ, bởi đó là điều tất cả chúng tôi đều đã trải qua.
Tuy nhiên tôi là người gần gũi với chuyện đó nhất.
Tôi năm mươi bảy tuổi, nhưng thậm chí ngay cả lúc này đây tôi vẫn có thể nhớ tất cả mọi chuyện xảy ra vào năm đó, dù là nhỏ nhất.Tôi thường xuyên hồi tưởng về năm ấy, và nhận ra rằng những lúc như vậy tôi luôn có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Có những lúc ước gì mình có thể quay ngược lại thời gian và lấy đi tất cả nỗi buồn, nhưng tôi có cảm giác nếu làm thế niềm vui cũng biến mất theo. Vì thế tôi đón nhận những kỉ niệm khi chúng ùa về, chấp nhận tất cả, để chúng cuốn tôi đi bất cứ lúc nào. Điều này xảy ra thường xuyên hơn tôi thừa nhận.
Đó là ngày 12 tháng Tư, năm cuối cùng trước thiên niên kỷ mới, ra khỏi nhà, tôi lướt nhìn xung quanh. Bầu trời u ám và xám xịt, nhưng khi xuống phố, tôi nhận ra những khóm sơn thù du và đỗ quyên đang nở hoa. Tôi kéo khóa áo khoác lên một chút. Trời lạnh, mặc dù tôi biết chỉ một vài tuần nữa thôi thời tiết sẽ trở nên dễ chịu và bầu trời màu xám xịt sẽ nhường chỗ cho những ngày khiến Bắc Carolina trở thành một trong những vùng đất đẹp nhất trên thế giới.
Với một tiếng thở dài, tôi cảm thấy tất cả đang quay trở lại với mình. Tôi nhắm mắt và những năm tháng đã qua bắt đầu chuyển động theo chiều ngược lại, chậm rãi quay trở về, như những chiếc kim đồng hồ quay ngược. Như thể tôi thấy mình trẻ lại qua cặp mắt của một người khác; thấy tóc chuyển từ màu xám sang nâu, cảm thấy những nếp nhăn quanh mắt bắt đầu giãn ra, tay chân trở nên dẻo dai vạm vỡ. Những bài học đã học được theo năm tháng trở nên mờ nhạt, và sự trong sáng của tôi trở lại khi cái năm đầy sự kiện ấy đến.
Rồi, giống như tôi, thế giới bắt đầu thay đổi: những con đường thu hẹp lại và một số rải sỏi như xưa, sự ngổn ngang của vùng ngoại ô được thay thế bằng các trang trại, đường phố đầy những người nhìn vào các khung cửa kính khi đi ngang qua tiệm bánh Sweeney và cửa hàng thịt Palka. Những người đàn ông đội mũ, phụ nữ mặc váy. Tại sân tòa án đầu phố, tháp chuông réo rắt…
Tôi mở mắt và dừng lại. Tôi đang đứng bên ngoài nhà thờ Baptist, và khi chăm chú nhìn vào đầu hồi nhà thờ, tôi biết chính xác mình là ai. Tên tôi là Langdon Carter, và tôi mười bảy tuổi.
Đây là câu chuyện của tôi; tôi hứa sẽ không bỏ sót một chi tiết nào.
Đầu tiên, bạn mỉm cười, và rồi sau đó bạn sẽ khóc – xin đừng trách tôi đã không cảnh báo trước.
***
Năm 1958, Beaufort, thuộc tiểu bang Bắc Carolina, nằm ven biển gần thành phố Morehead, một miền đất giống với nhiều thị trấn nhỏ miền Nam khác.Vào mùa hè, độ ẩm ở nơi đây cao tới mức đi bộ ra ngoài lấy thư cũng khiến cho người ta có cảm giác cần phải tắm, và suốt từ tháng Tư đến tháng Mười, bọn trẻ đi chân trần dưới những cây sồi mọc đầy rêu Tây Ban Nha. Ngồi trong ô tô, người ta vẫy tay chào tất cả những ai họ gặp trên đường, bất kể có quen biết hay không, còn không khí thì bốc mùi gỗ thông, muối và biển, một mùi hương rất riêng đối với người dân Carolina. Với nhiều người ở thị trấn, câu cá ở phá Pamlico hay bắt cua ở sông Neusey cũng là một cách sống, và thuyền bè neo đậu ở bất cứ chỗ nào trên đường thủy Intracoastal. Tivi chỉ có ba kênh, tuy nhiênvới chúng tôi, những người lớn lên ở đây, truyền hình chưa bao giờ quan trong cả. Thay vào đó, cuộc sống của chúng tôi xoay quanh các nhà thờ, có tới tận mười tám ngôi nhà thờ trong thị trấn bé xíu này. Chúng được đặt tên là Nhà thờ Thiên Chúa giáo ái hữu, Nhà thờ của những kẻ được tha thứ, Nhà Thờ của sự chuộc tội ngày Chủ nhật, và tất nhiên là các nhà thờ dòng Baptist. Hồi tôi còn nhỏ, thị trấn này hiển nhiên là giáo xứ nổi tiếng nhất vùng, và thực tế là cả các nhà thờ Baptist có mặt ở mọi ngóc ngách thị trấn, dù mỗi nhà thờ đều tự cho mình là hơn hẳn những nhà thờ còn lại. thế đấy, bạn có thể hình dung ra được có đủ các kiểu nhà thờ Baptist – Baptist tự do ý chí, Baptist miền Nam, Baptist đạo hữu, Baptist truyền giáo, Baptist độc lập.
Hồi đó, sự kiện lớn của năm được nhà thờ Baptist trung tâm - miền Nam, nếu bạn muốn biết - kết hợp với trường trung học địa phương tài trợ. Năm nào cũng thế, người ta diễn Hoạt cảnh Giáng sinh tại Nhà hát Beaufort, thực ra nó vốn là một vở kịch của Hegberr Sulllivan, một mục sư đã ở nhà thờ từ khi Moses tách đôi Biển Đỏ. À vâng, có lẽ ông không già đến mức ấy, nhưng cũng đủ già để bạn có thể nhìn thấu làn da ông. Làn da lúc nào cũng nhớp nháp và trong suốt - bọn trẻ thề là chúng có thể nhìn thấy máu đang chảy trong huyết quản ông – còn tóc ông thì bạc trắng như màu lông những con thỏ bạn vẫn thấy trong các cửa hàng bán thú cưng gần dịp Phục sinh.
Dù sao, ông cũng đã viết vở kịch Thiên thần Giáng sinh, vì không muốn tiếp tục trình diễn vở kịch cổ điển Bản nhạc Giáng sinh cũ rích của Charles Dickens nữa. Trong ý nghĩ của ông, lão Scrooge là một kẻ ngoại đạo, kẻ đã tìm đến sự cứu rỗi của Chúa chỉ bởiđã nhìn thấy ma quỉ chứ không phải các thiên thần – và là kẻ bai bải suốt rằng liệu chăng chính Chúa phái ma quỷ đến? Cũng là kẻ lúc nào cũng bảo rằng mình sẽ không quay lại con đường tội lỗi nếu như lũ ma quỷ không phải từ thiên đường xuống. Vở kịch không trực tiếp nói thẳng ra như vậy ở đoạn kết – nó chỉ tạo ra niềm tin ở người xem, đại loại vậy – nhưng Hegbert không tin ở ma quỷ nếu chúng không thực sự được Chúa phái xuống, điều này không được giải thích bằng từ ngữ đơn giản, đây chính là vấn đề lớn của ông trong vở kịch. Vài năm trước ông thay đổi cái kết của vở kịch - kiểu như nối tiếp nó bằng một phiên bản của riêng ông, kết thúc khi lão Scrooge trở thành một người truyền giáo hay đại loại như thế rồi lão ta hành hương về Jerusalem để tìm đến nơi Chúa Jesus từng giảng kinh. Vở kịch không gây được ấn tượng tốt lắm - thậm chí ngay cả đối với giáo đoàn, những người ngồi ở vị trí khán giả mở to mắt xem buổi biểu diễn – còn báo chí thì đưa ra những nhận xét kiểu như “Mặc dù vở kịch thực sự thú vị, nhưng đây không hẳn là vở kịch tất cả chúng ta từng biết tới và yêu mến…”
Vì thế Hegbert quyết định thử tự mình viết kịch bản. Từ trước đến giờ ông vẫn tự viết các bài giảng đạo, phải thừa nhận một vài bài trong số đó thực sự rất hay, nhất là khi ông nói về “sự phẫn nộ của Chúa giáng xuống những kẻ tà dâm” và những điều hay ho tương tự. Khi nói về lũ tà dâm, tôi có thể nói ngay, là ông lại sôi máu lên. Đây đúng là chỗ bức xúc của ông. Hồi nhỏ, khi thấy ông đi bộ xuống phố, tôi với lũ bạn thường trốn sau những cái cây mà hét lên “Hegbert là kẻ tà dâm!”, rồi cả bọn khúc khích cười như lũ ngốc, như thể chúng tôi là những sinh vật dí dỏm nhất trên đời.
Ông già Hegbert, đứng im như thóc ở trên đường, hai tai ông vểnh lên - thề có Chúa, chúng cử động thật sự - mặt ông đỏ bừng, như thể vừa uống xăng vậy, và những đường gân xanh to tướng trên cổ ông bắt đầu nổi hết cả lên, như bản đồ của sống Amazon mà bạn thấy trên kênh National Geographic. Ông nhìn thấy hết bên này tới bên kia, mắt nheo lại thành hai dải nhỏ xíu khi tìm bọn tôi, rồi sau đó, đột ngột ngay trước mắt chúng tôi, ông trở lại nhợt nhạt với làn da tai tái. Thật tình, chắc chắn đó là một thứ rất đáng xem.
Bọn tôi trốn sau một cái cây và Hegbert (dù thế nào đi chăng nữa sao cha mẹ lại có thể đặt tên con là Hegbert cơ chứ?) đứng đó chờ chúng tôi đầu hàng, như thể ông cho rằng bọn tôi ngốc xít không bằng. Bọn tôi lấy tay che miệng để khỏi cười phá lên, nhưng đối với bọn tôi ông chỉ là con số không. Ông quay hết bên này đến bên kia, rồi dừng lại, cặp mắt nhỏ và sáng nhìn thẳng về phía chúng tôi, xuyên qua thân cây, “Ta biết cháu là ai, Landon Carter,” ông nói, “và Chúa cũng biết.” Ông đứng lặng một phút hoặc lâu hơn, rồi tiếp tục đi, và trong suốt buổi giảng đạo cuối tuần đó ông nhìn chằm chằm vào bọn tôi mà nói đại loại thế này “Chúa rất khoan dung với con trẻ nhưng trẻ con cũng phải xứng đáng với sự nhân từ đó.” Bọn tôi thu mình lại dưới ghế, không phải vì ngượng mà để giấu những tiếng khúc khích. Hegbert không hiểu bọn tôi tẹo nào, điều này thực sự rất lạ vì ông cũng có một đứa con. Mà còn nữa, nó là con gái. Còn hơn thế, tuy nhiên chuyện đó để sau.
Dù sao, như tôi đã nói, Hegbert viết vở kịch Thiên thần Giáng sinh và quyết định dựng vở kịch đó thay cho vở cũ của Dickens. Thực sự bản thân vở kịch không đến nỗi nào, điều này khiến tất cả mọi người ngạc nhiên trong năm đầu tiên nó được trình diễn. đại loại đó là câu chuyện về một người đàn ông góa vợ đã mấy năm. Người đàn ông đó, Tom Thornton, từng rất sùng đạo, nhưng ông bị khủng hoảng đức tin sau khi vợ mất trong lúc sinh nở. Ông dành hết tâm sức nuôi nấng đứa con gái nhỏ, nhưng ông không hẳn là một người cha tốt, và thứ cô con gái nhỏ khao khát có được vào dịp Giáng sinh là chiếc hộp nhạc đặc biệt với một thiên thần chạm trổ ở bên trên, giống như trong bức ảnh mà cô bé cắt ra từ cuốn tập chí cũ. Ông vất vả tìm kiếm món quà rất lâu nhưng không tài nào tìm được. Thế nên, đêm Giáng sinh đã đến mà ông vẫn đi tìm, và khi còn đang ngắm nhìn qua tủ kính các cửa hàng, ông gặp một người phụ nữ kỳ lạ mà ông chưa thấy bao giờ, người phụ nữ đó hứa giúp tìm món quà cho con gái ông. Tuy nhiên, trước tiên họ phải giúp một người vô gia cư nọ đã (nhân tiện, hồi trước, những người vô gia cư được gọi là những kẻ lang thang), rồi họ dừng chân tại một trại trẻ mồ côi để thăm mấy đứa trẻ, rồi đi thăm một bà già cô đơn, bà chỉ cần có ai đó bên cạnh trong đêm Giáng Sinh. Lúc này, người phụ nữ bí ẩn hỏi Tom Thornton muốn điều gì cho Giáng sinh, Tom nói rằng ông chỉ muốn vợ mình sống lại. Người phụ nữ đưa Tom tới đài phun nước của thị trấn và bảo ông hãy nhìn xuống nước sẽ thấy những gì mình đang tìm kiếm. Khi nhìn vào, ông thấy gương mặt cô con gái nhỏ của mình, ông sụp xuống và khóc ngay ở đó. Trong khi Tom thổn thức,người phụ nữ bí ẩn bỏ đi, Tom tìm kiếm nhưng không thấy cô đâu. Cuối cùng ông về nhà, những điều học được buổi tối hôm đó hiện ra trong đầu ông. Tom vào phòng con gái, nhìn con bé ngủ ông nhận ra con bé là tất cả những gì vợ ông để lại, và lại thổn thức vì biết ông đã không phải là một người cha tốt. Thật kỳ lạ, sáng hôm sau, chiếc hộp nhạc ở ngay dưới gốc cây thông, và thiên thần được chạm khắc trên mặt hộp giống hệt người phụ nữ Tom đã gặp đêm hôm trước.
Thực sự vở kịch không dở. Thành thật mà nói, nhiều người lần nào xem cũng khóc như mưa. Năm nào vở kịch cũng cháy vé khi được trình diễn và bởi vì tiếng tăm của nó, cuối cùng Hegbert phải đưa vở diễn từ nhà thờ tới Nhà hát Beaufort, nơi có nhiều chỗ ngồi hơn. Đến khi tôi học năm cuối trung học, nhà hát lúc nào cũng không còn lấy một chỗ trống dù với hai suất diễn, đấy là chưa nói đến những người tham gia trình diễn, riêng chuyện về họ thôi cũng phải kể hết cả ngày.
Bạn thấy đấy, Hegbert muốn người trẻ trình diễn vở kịch - những học sinh năm cuối trung học, không phải diễn viên nhà hát. Tôi đoán ông nghĩ đó là do kinh nghiệm học tập tốt trước khi học sinh vào đại học và đối mặt với những kẻ tà dâm. Ông là kiểu người luôn muốn cứu rỗi chúng tôi khỏi sự cám dỗ. Ông muốn bọn tôi biết rằng ngay cả khi ở xa, Chúa cũng đang dõi theo chúng ta, và nếu chúng ta đặt lòng tin vào Chúa thì mọi việc rốt cuộc sẽ ổn cả. Đó là bài học cuối cùng tôi cũng học được kịp lúc, dù không phải do Hegbert dạy.
Như tôi đã nói, Beaufort là một thị trấn miền Nam tương đối điển hình, cho dù nó mang trong mình một lịch sử thú vị. Tên cướp biển Râu Đen từng có một ngôi nhà ở đây, và con tàu Nữ Hoàng Anne Báo Thù của hắn bị chôn vùi trong cát, đâu đó ngay gần bờ biển. Gần đây, vài nhà khảo cổ học, hải dương học hoặc ai đó chuyên tìm kiếm những thứ như thế nói họ đã tìm thấy con thuyền, nhưng ai mà biết được, nó đã đắm cách đây hai trăm năm mươi năm và người ta không thể tìm thấy ngăn kín của chiếc tàu để kiểm tra sổ đăng ký của nó. Beaufort đã thay đổi rất nhiều từ những năm năm mươi, nhưng nó vẫn không biến chuyển thành một thành phố hiện đại. Beaufort đã từng và sẽ luôn là một thị trấn nhỏ, tuy nhiên khi tôi mới lớn, nó gần như con không được đánh dấu trên bản đồ. Hãy hình dung thế này, Beaufort nằm trong một quận chiếm toàn bộ phần phía Đông của bang - khoảng hai mươi nghìn dặm dặm vuông - nơi chẳng có thị trấn nào có quá hai lăm nghìn người. Ngay cả khi so sánh với những thị trấn đó, Beaufort vẫn bị xem là nhỏ bé. Toàn bộ khu vực từ phía Đông của Raleight và Bắc Wilmington cho tới biên giới Virginia là quận mà bố tôi đại diện.
Tôi đoán chừng bạn đã nghe về bố tôi. Ông là một huyền thoại, thậm chí ngay cả đến bây giờ. Tên ông là Worth Carter, ông làm nghị sĩ trong gần ba chục năm. Khẩu hiệu của ông mỗi năm trong mùa tranh cử là “Worth Carter đại diện cho…” và từng người dân sẽ điền tên thị trấn nơi họ sinh sống. Tôi vẫn nhớ, những lần di chuyển khắp nơi bằng ô tô khi mẹ và tôi phải xuất hiện để mọi người thấy rằng bố tôi đúng là người đàn ông của gia đình, chúng tôi đều nhìn thấy những tấm biển như thế được in bằng giấy nến với những cái tên như Otway, Chocawinity và Seven Springs. Ngày nay những thứ như thế không còn hiệu quả nữa nhưng hồi đó rõ ràng đó là kiểu quảng bá tương đối cao siêu. Tôi tưởng tượng nếu bố tôi cố gắng làm thế vào thời nay, những người phản đối ông sẽ điền tất cả các loại ngôn ngữ nhạy cảm vào chỗ trống, nhưng chúng tôi đã chẳng bao giờ nhìn thấy những chữ đó. À, có lẽ là một lần. một người nông dân ở hạt Duplin đã biết từ Cứt vào chỗ trống, và khi mẹ tôi nhìn thấy từ đấy, bà che mắt tôi rồi cầu nguyện xin tha thứ cho kẻ dốt nát tội nghiệp. Bà không nói chính xác những lời đó, nhưng tôi đoán được ý đó.
Vì thế bố tôi, ông Nghị sĩ, là một nhân vật quan trọng, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều biết điều ấy, trong đó có ông già Hegbert. Hai người không hợp nhau chút nào, mặc dù bố tôi vẫn tới nhà thờ Hegbert bất cứ khi nào bố tôi ở nhà, chuyện này thì, thẳng thắn mà nói, không thường xuyên cho lắm. Hegbert, cùng với niềm tin những kẻ tà dâm sẽ bị tẩy uế công cụ của chúng ở địa ngục, cũng tin rằng chủ nghĩa cộng sản “sẽ đày đọa loài người tới chỗ ngoại đạo”. Mặc dù sự ngoại đạo không phải là một từ - tôi không thể tìm thấy từ đó trong bất kỳ cuốn từ điển nào – giáo đoàn cũng biết ông muốn nói gì. Họ cũng biết ông đang đặc biệt hướng những lời này tới bố tôi, người đang ngồi nhắm mắt giả vờ không nghe. Bố tôi là một đại biểu Quốc hội, những người theo dõi “Ảnh hưởng đỏ”, phong trào được cho rằng đang xâm nhập tất cả các lĩnh vực của đất nước, bao gồm an ninh quốc phòng, giáo dục đại học và thậm chí cả trồng thuốc lá. Bạn phải nhớ rằng sự việc này xảy ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh; rất căng thẳng, và những người dân Bắc Carolina chúng tôi cần thứ gì đó để giảm nhẹ tình hình xuống mức độ cá nhân hơn. Bố tôi thì liên tục tìm kiếm các sự kiện thực tế, một việc chẳng liên quan gì tới những người như Hegbert.
Về đến nhà sau buổi lễ, bố tôi hay nói mấy câu kiểu như “Hôm nay, Cha Sullivan ở trong trạng thái hiếm có. Hy vọng con nghe được đoạn Kinh thánh mà Chúa nói về người nghèo…”
Có, chắc chắn rồi, bố…
Bất cứ khi nào có thể bố tôi đều cố gắng giảm nhẹ sự việc. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao ông ở trong Quốc hội được lâu đến vậy. Ông là người có thể hôn những đứa bé xấu xí nhất mà vẫn nghĩ ra điều tốt đẹp để nói. Khi đứa bé có cái đầu khổng lồ, ông sẽ nói “Đúng là một thằng bé dịu dàng”, hoặc “Tôi chắc chắn đây là bé gái dễ thương nhất trên thế giới,” nếu nó có một vết chàm che kín toàn bộ khuôn mặt. Một lần, một người phụ nữ xuất hiện với đứa bé nằm trong xe lăn. Bố tôi nhìn thằng bé một cái rồi nói, “Tôi cá mười ăn một rằng cháu là cậu bé thông minh nhất lớp.” Và đúng là như thế thật! Quả thực, bố tôi rất giỏi những thứ như vậy. Ông có thể nhanh chóng thốt ra điều tốt nhất của người khác, không hẳn, đặc biệt nếu bạn biết sự thực ông không khi nào đánh tôi hay làm gì như thế.
Nhưng ông đã không ở bên cạnh khi tôi lớn lên. Tôi ghét phải nói vậy bởi ngày nay mọi người cứ gào lên như thế ngay cả khi họ có cha mẹ ở bên và dùng việc đó để biện hộ cho lối cư xử của mình. Bố tôi… ông ấy không yêu tôi… đó là lý do vì sao tôi trở thành vũ nữ thoát y và trình diễn trong The Jerry Springer show…Tôi không dùng lý do đó để biện hộ cho con người tôi đã trở thành, đơn giản tôi chỉ nói sự thật. Bố tôi đi vắng chín tháng trong năm, sống trong một căn hộ ở thủ đô Washington D.C cách nhà ba trăm dặm. Mẹ tôi không đi cùng ông bởi cả hai người đều muốn tôi lớn lên “giống như họ ngày xưa”.
Trước đây, ông nội tôi là người đã dắt bố tôi đi săn và đi câu, dạy ông chơi bóng, có mặt trong các bữa tiệc sinh nhật, tất cả những điều nhỏ nhặt như thế đã bồi đắp đáng kể cuộc đời ông trước khi trường thành. Trái lại, bố tôi là người xa lạ, tôi gần như không biết gì về ông. Trong năm năm đầu đời tôi đã nghĩ rằng tất cả các ông bố đều sống ở nơi khác. Phải đến hôm ở nhà trẻ khi Eric Hunter, thằng bạn thân nhất của tôi, hỏi tôi rằng người đàn ông xuất hiện ở nhà tôi đêm hôm trước là ai thì tôi mới nhận ra có gì đó không ổn trong hoàn cảnh của mình.
“Ông ấy là bố tao,” tôi tự hào nói.
“Ồ,” Eric nói trong khi lục lọi hộp đựng bữa trưa của tôi để tìm thanh sô cô la Milky Way, “tao không biết mày có bố đấy.”
Nó đốp thẳng vào mặt tôi như vậy.
Vì thế, tôi lớn lên với sự chăm sóc của mẹ. Ngày ấy bà là một quý bà dễ thương, ngọt ngào và dịu dàng, kiểu người mẹ hầu hết mọi người đều ao ước. Nhưng bà đã không, mà cũng chưa bao giờ, có ảnh hưởng kiểu đàn ông đối với cuộc đời tôi, và sự thật đó, cộng với việc lớn lên không có bố bên cạnh, khiến tôi trở thành một kẻ nổi loạn, ngay từ lúc còn nhỏ. Không phải một kẻ xấu, các bạn chú ý nhé. Thỉnh thoảng tôi cùng lũ bạn chỉ lẻn ra ngoài lúc tối muộn và xát xà phòng lên cửa sổ xe ô tô hoặc ăn lạc luộc trong nghĩa địa phía sau nhà thờ, nhưng trong những năm năm mươi đó là điều khiến các ông bố bà mẹ khác lắc đầu và thì thầm với con cái họ rằng, “Con không nên giống thằng bé Carter đó. Sớm hay muộn nó cũng vào tù thôi.”
Tôi. Một thằng bé hư hỏng. Vì ăn lạc luộc trong nghĩa địa. Thử tưởng tượng mà xem.
Dù sao, bố tôi và ông Hegbert cũng không ưa nhau, nhưng đó không chỉ là chính trị. Không, có vẻ như bố tôi và ông Hegbert biết nhau từ lâu lắm rồi. Hegbert hơn bố tôi chừng hai chục tuổi, và trước khi trở thành mục sư ông từng làm việc cho ông nội tôi.
Ông tôi - mặc dù dành cho bố tôi rất nhiều thời gian - thực sự là một kẻ xấu xa, nếu thật có loại người như vậy. Xin nói, ông chính là người gây dựng nên cơ ngơi của cả gia đình, nhưng tôi không muốn bạn hình dung ông là kiểu người nô lệ của công việc, làm lụng cần mẫn, ngắm nhìn việc kinh doanh phát triển rồi chậm rãi phát đạt cùng với thời gian. Ông tôi không ngoan hơn thế nhiều. Cái cách ông kiếm tiền rất đơn giản – ông khởi nghiệp bằng việc bán rượu lậu, tích lũy của cải trong suốt thời kỳ Cấm Rượu bằng cách phân phối rượu mạnh từ Cuba. Rồi ông bắt đầu mua đất và thuê những người lính canh làm việc. Ông lấy chín mươi phần trăm số tiền mà những người lĩnh canh thu được nhờ trồng thuốc lá, rồi lại cho họ vay tiền bất cứ khi nào họ cần với lãi suất cắt cổ. Đương nhiên, ông chẳng bao giờ định đòi tiền – thay vào đó ông tịch thu đất hoặc bất cứ công cụ sản xuất nào mà họ sở hữu. Rồi sau đó, trong lúc ông gọi là “giây phút cảm hứng”, ông thành lập một ngân hàng tên là Ngân hàng và Tín dụng Carter. Ngân hàng duy nhất khác nằm trong bán kính hai hạt đã bị cháy rụi một cách bí ẩn, và cùng với sự tấn công mạnh mẽ của thời kỳ Đại suy thoái, nó chẳng bao giờ hoạt động trở lại. Mặc dù tất cả mọi người đều biết thực sự chuyện gì đã xảy ra, nhưng không ai dám hé một lời vì sợ bị trả thù, và sự sợ hãi của họ là có lý do. Ngân hàng đó không phải là tòa nhà duy nhất bị thiêu rụi một cách bí ẩn.
Tỷ lệ lãi suất của ông tôi rất tàn bạo, và rồi từng chút từng chút một, khi người dân vỡ nợ, ông bắt đầu tích lũy thêm tài sản và đất đai. Khi cuộc Đại suy thoái vào hồi khốc liệt nhất, ông tịch thu hàng tá cơ sở làm ăn trên khắp hạt để gán nợ và cùng lúc đó giữ lại những người chủ cũ làm công ăn lương, chỉ trả vừa đủ để giữ họ ở lại, bởi vì họ chẳng có nơi nào khác để đi hết. Ông nói khi kinh tế khá hơn ông sẽ bán cơ sở kinh doanh vốn của hộ này lại cho họ, và ai cũng tin.
Tuy nhiên, ông chưa từng một lần giữ lời hứa. Cuối cùng, ông kiểm soát phần lớn kinh tế của hạt và lạm dụng quyền lực của mình theo mọi cách.
Tôi rất muốn nói với bạn rằng cuối cùng ông chết tức tưởi, nhưng không hề. Ông qua đời khi đã rất già, lúc đang ngủ với cô bồ trên chiếc thuyền buồm của mình ở ngoài đảo Cayman. Ông sống lâu hơn cả vợ và người con trai độc nhất của mình. Một lão già như thế mà kết thúc như vậy hả? Cuộc đời, theo như tôi biết, chẳng bao giờ công bằng hết. Người ta nên cho bạn biết điều đó, nếu họ có ý định dạy bạn thứ gì ở trường.
Nhưng quay trở lại với câu chuyện… Khi nhận ra ông tôi thực sự là một kẻ tồi tệ như thế nào, Hegbert đã không làm việc cho ông tôi nữa mà tham gia đoàn mục sư, sau đó ông trở lại Beaufort và bắt đầu giảng đạo tại chính nhà thờ chúng tôi đi lễ. Ông ấy dành vài năm đầu tiên để trau dồi truyền thuyết lửa-và-lưu huỳnh bằng những bài giảng đạo hàng tháng về những con quỷ tham lam, và việc này khiến ông chỉ còn rất ít thời gian làm bất kỳ thứ gì khác. Ông lấy vợ khi ngoài bốn mươi ba tuổi và ông bước sang tuổi năm lăm lúc con gái của ông, Jamie Sullivan, chào đời. Vợ ông, một người phụ nữ nhỏ bé, mong manh trẻ hơn ông hai mươi tuổi, sẩy thai sáu lần trước khi sinh hạ Jamie, và cuối cùng bà chết trong lúc sinh nở, khiến Hegbert trở nên góa bụa và một mình nuôi con gái.
Đây, tất nhiên, chính là câu chuyện đằng sau vở kịch.
Mọi người biết câu chuyện thậm chí trước khi vở kịch lần đầu tiên được trình diễn. Đó là một trong những câu chuyện được nhắc đi nhắc lại bất cứ khi nào Hegbert rửa tội cho một đứa bé hay tham dự đám tang. Tất cả mọi người đều biết rõ câu chuyện, và tôi nghĩ đó là lý do tại sao rất nhiều người xúc động khi xem vở kịch Giáng Sinh. Họ biết dựa trên một sự việc có thật, khiến vở kịch mang một ý nghĩa đặc biệt.
Jamie Sullivan, cũng giống như tôi, là học sinh năm cuối trung học, và con bé được chọn để đóng vai thiên thần từ trước, những người khác thậm chí không có lấy một cơ hội. Điều này, tất nhiên, khiến cho vở kịch đặc biệt gấp bội. Đó là một việc lớn, có thể là lớn nhất từ trước đến giờ - ít nhất là theo đánh giá của cô Garber. Cô là giáo viên môn kịch, và khi tôi gặp cô lần đầu, cô rất hào hứng về biết bao triển vọng cho vở kịch đó.
Lúc bấy giờ tôi không định tham gia lớp kịch năm học đó. Tôi thực sự không có ý định, nhưng tôi phải chọn hoặc là lớp kịch đó, hoặc là lớp hóa học II. Chuyện là, tôi nghĩ đây có thể là lớp học nhàn nhã, đặc biệt khi so sánh với lựa chọn còn lại. Không bài luận, không bài kiểm tra, không bảng số nơi tôi phải ghi nhớ các proton và neutron và các nguyên tố kết hợp trong công thức phù hợp của chúng… còn gì tốt hơn với một học sinh cuối cấp chứ? Đó có vẻ như là điều hiển nhiên, và khi ghi danh vào lớp kịch tôi nghĩ mình có thể ngủ gật trong hầu hết mọi giờ học, điều này, tính đến những buổi tối thức khuya ăn lạc luộc của tôi, thì thực sự rất quan trọng.
Vào ngày đầu tiên của lớp kịch, tôi là người cuối cùng có mặt, bước vào lớp chỉ vài giây trước khi chuông reo, rồi chiếm một chỗ ở cuối lớp. Cô Garber quay lưng lại với cả lớp, đang bận viết tên của mình với những chữ cái to tướng dính vào nhau, như thể chúng tôi không biết cô là ai vậy. Cô rất to lớn, cao ít nhất là một mét chín, với mái tóc đỏ rực và làn da tai tái cho thấy rõ những vết tàn nhang ở tuổi bốn mươi. Cô còn quá béo nữa – tôi nói thật, cô ăn đứt một tạ hơn – và cô đặc biệt thích mặc những chiếc váy hoa dài. Cô có cặp kính gọng sừng dày màu đen, và cô chào mọi người bằng kiểu “Xin chàooooo”, gần như hát lên âm tiết cuối vậy. Cô Garber là người rất đặc biệt, điều đó là chắc chán, và cô độc thân, điều này thậm chí còn khiến sự việc tồi tệ hơn. Một anh chàng, không cần biết bao nhiêu tuổi, không thể khỏi cảm thấy ái ngại cho một cô gái như cô.
Dưới tên mình, cô viết những mục tiêu mà cô muốn đạt được trong năm đó. “Tự tin” là số một, theo sau “Tự nhận thức”, và thứ ba, “Tự thực hiện”. Cô Garber rất mê những thứ “Tự”, điều này khiến cô đi trước hẳn một bước trong lĩnh vực tâm lý học trị liệu, mặc dù lúc ấy có lẽ cô cũng không nhận ra. Cô Garber là người tiên phong trong lĩnh vực này. Có thể là do vẻ bề ngoài của cô; có lẽ cô chỉ đang cố gắng để cảm thấy dễ chịu hơn về bản thân.
Nhưng tôi đang lạc đề.
Không phải cho đến khi lớp học bắt đầu tôi mới nhận thấy điều gì đó không bình thường. Mặc dù trường trung học Beaufort không lớn, tôi biết sự thật nó được chia đều theo tỷ lệ 50-50 giữa nam và nữ, đó chính là lý do tôi ngạc nhiên khi thấy lớp học này có ít nhất chín mươi phần trăm là nữ. Có duy nhất một thằng con trai khác trong lớp, điều này theo tôi là điềm lành, và trong một giây tôi cảm thấy đỏ mặt với cảm giác kiểu như “thế giới hãy coi chừng, tôi đến đây”. Bọn con gái, con gái, con gái… Tôi không thể không nghĩ đến. Con gái, con gái và không có bài kiểm tra nào trước mắt.
Té ra tôi không phải là đứa duy nhất suy tính về tương lai…
Thế rồi cô Garber nhắc đến vở kịch Giáng sinh và thông báo với tất cả mọi người rằng Jamie Sullivan sẽ đóng vai thiên thần năm đó. Cô Garber vỗ tay ngay lập tức – cô cũng là một thành viên của nhà thờ - và rất nhiều người nghĩ cô đang theo đuổi Hegbert. Tôi nhớ rằng, lần đầu tiên nghe tin ấy, tôi đã nghĩ may mà họ quá già để có thể có con, nếu họ có lấy nhau. Thử tưởng tượng mà xem – mờ nhạt và những đốm tàn nhang ư? Ý nghĩ này khiến mọi người đều rùng mình, nhưng tất nhiên chẳng ai dám hé răng về chuyện đó, ít nhất trong khoảng cách mà cô Garber và ông Hegbert nghe được. Tin đồn là một chuyện, tin đồn ác ý lại là chuyện khác, và ngay cả trong trường trung học chúng tôi cũng không xấu tính đến vậy. Cô Garber tiếp tục vỗ tay mọt lúc, có mỗi mình cô, cho đến khi cuối cùng tất cả chúng tôi cũng tham gia, bởi rõ ràng đó là điều cô muốn. “Đứng dậy nào, Jamie,” cô nói. Rồi Jamie đứng dậy và xoay người lại với cả lớp, cô Garber bắt đầu vỗ tay thậm chí còn nhanh hơn, như thể cô đang đứng cạnh một ngôi sao điện ảnh sáng giá.
Jamie Sullivan là một con bé dễ thương. Thực sự là như vậy. Beaufort rất nhỏ nên chỉ có một trường tiểu học duy nhất, vì thế chúng tôi học chung lớp suốt từ trước tới giờ, và sẽ là nói dối nếu bảo tôi chưa bao giờ trò chuyện với con bé. Hồi lớp hai, nó từng ngồi cạnh tôi suốt cả năm học, và chúng tôi thậm chí còn có vài lần nói chuyện với nhau, nhưng điều này không có nghĩa là tôi hay chơi với nó những lúc rảnh rỗi, ngay cả hồi đó. Người tôi gặp ở trường là một chuyện; người tôi gặp sau giờ học là chuyện hoàn toàn khác, và Jamie chưa bao giờ có mặt trong chương trình vui chơi của tôi.
Không phải vì Jamie không hấp dẫn - đừng hiểu nhầm tôi. Nó không xấu xí hay làm sao hết. Thật may con bé giống mẹ nó, người mà, theo như những bức ảnh tôi đã xem, trông không hề tệ, đặc biệt khi so với người mà kết cục bà đã lấy làm chồng. nhưng dù sao Jamie cũng không hẳn hẳn là kiểu phụ nữ tôi coi là hấp dẫn. Mặc dù con bé có thân hình mảnh mai, mái tóc màu mật ong và đôi mắt xanh nhạt, nhưng hầu như lúc nào trong nó cũng có vẻ… thô sơ, ấy là khi có ai đó thèm để mắt đến nó. Jamie không quan tâm lắm đến vẻ bề ngoài, bởi nó luôn luôn tìm kiếm những thứ như “vẻ đẹp nội tâm”, và tôi đoán đó là một phần lý do con bé có hình thức như vậy. Suốt khoảng thời gian tôi biết Jamie – và điều này sẽ còn lặp lại, hãy nhớ nhé – con bé luôn búi tóc thật chặt, gần giống kiểu một bà cô không chồng, và chẳng trang điểm tí nào. Kèm thêm chiếc áo len nâu tầm thường và cái váy kẻ ô vuông, lúc nào trong nó cũng như đang trên đường đi phỏng vấn để vào làm ở thư viện vậy. Chúng tôi từng nghĩ đó chỉ là một trạng thái nhất thời và thể nào rồi con bé cũng sẽ vượt qua giai đoạn đó, nhưng chẳng bao giờ hết. Thậm chí trong suốt ba năm đầu tiên ở trường trung học, nó cũng chẳng thay đổi chút nào. Thứ duy nhất thay đổi là kích cỡ quần áo của nó.
Nhưng không chỉ vẻ bề ngoài khiến Jamie khác biệt, mà còn do cách con bé hành xử nữa. Jamie chẳng bao giờ chịu bỏ thời gian đàn đúm ở quán Cecil’s hay tới những bữa tiệc ngủ của bọn con gái, và tôi biết chắc rằng từ trước đến giờ nó chưa từng có bạn trai. Con bé mà có bồ, ông Hegbert dám lên cơn đau tim lắm. Nhưng ngay cả khi một sự thay đổi điên rồ nào đó khiến Hegbert cho phép chuyện này thì đó vẫn chẳng phải là vấn đề. Jamie mang cuốn Kinh thánh theo mình khắp nơi, và nếu Hegbert và hình thức của con bé vẫn chưa đủ khiến bọn con trai tránh xa thì cuốn Kinh thánh chắc chắn làm được điều này. Hồi đó tôi thích Kinh thánh như một thằng con trai mới lớn thôi, nhưng Jamie có vẻ thích thú nó theo cách hoàn toàn lạ lẫm với tôi. Nó không chỉ tham dự kỳ nghỉ của trường Dòng tháng Tám hàng năm, mà còn đọc Kinh thánh trong giờ nghỉ trưa ở trường. Trong đầu tôi việc đó không hề bình thường, thậm chí con bé có là con mục sư đi chăng nữa. Dù bạn có phân tích thế nào thì đọc những bức thư của Thánh Paul gửi người Ephesian cũng không thể vui bằng trò tán tỉnh, nếu bạn hiểu điều tôi muốn nói.
Nhưng Jamie không chỉ dừng ở đó. Vì đọc Kinh thánh nhiều quá, hoặc có lẽ do ảnh hưởng của Hegbert, Jamie tin rằng giúp đỡ người khác là hết sức quan trọng và cứu tế chính xác là việc con bé làm. Tôi biết nó làm tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi ở thành phố Morehead, nhưng với nó đơn giản thế thôi thì chưa đủ. Nó lúc nào cũng phải phụ trách gây quỹ này hay quỹ khác, giúp đỡ tất cả mọi người từ hội Hướng đạo sinh tới hội Những nàng công chúa Da đỏ, và tôi biết là lúc mười bốn tuổi nó đã dành phần lớn thời gian nghỉ hè để sơn lại tường căn nhà của người hàng xóm già. Jamie là kiểu con gái sẵn sang gieo hạt trong vườn của một người nào đó mà không cần chờ nhờ vả, hay là chặn xe cộ để giúp bọn trẻ con qua đường. Nó sẽ tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua một quả bóng rổ cho lũ trẻ mồ côi, hoặc quay lại bỏ tiền vào hòm công đứa của nhà thờ vào ngày Chủ nhật. Nói một cách khác, con bé là kiểu con gái khiến bọn còn lại chúng tôi cảm thấy mình thật xấu xa, và bất kỳ khi nào nó liếc tôi, tôi không khỏi cảm thấy tội lỗi, mặc dù tôi chẳng làm gì sai cả.
Lòng tốt của Jamie không chỉ giới hạn với đồng loại. Giả sử nếu con bé vô tình bắt gặp một con vật bị thương, nó cũng cố gắng giúp đỡ con vật đó. Sóc chuột, sóc, chó, mèo, cóc… chẳng là vấn đề với nó. Bác sĩ thú y Rawlings chỉ cần nhìn từ xa là đã nhận ra Jamie, ông lắc đầu mỗi khi thấy con bé bước tới cửa mang theo chiếc hộp các tông đựng một con vật nữa bên trong. Ông tháo kính ra lau bằng khăn tay trong lúc Jamie giải thích nó đã tìm thấy con vật tội nghiệp như thế nào và chuyện gì đã xảy ra. “Nó bị ô tô đâm, bác sĩ Rawlings. Cháu nghĩ Chúa đã sắp xếp để cháu tìm ra và cứu sống nó. Bác sẽ giúp cháu chứ ạ?”
Với Jamie, mọi thứ đều nằm trong dự tính của Chúa. Đây là một chuyện khác nữa. Cứ khi nào bạn nói chuyện với Jamie, bất kể là chủ đề gì con bé cũng sẽ đề cập đến dự tính của Chúa. Trận đấu bóng bầu dục bị hoãn do trời mưa ư? Hẳn phải là kế hoạch của Chúa để ngăn chặn một điều gì đó tồi tệ hơn xảy ra. Một bài kiểm tra lượng giác bất ngờ mà cả lớp đều trượt ư? Hẳn là do Chúa muốn thử thách chúng tôi. Dù sao, bạn cũng hình dung được rồi đấy.
Rồi tất nhiên là còn chuyện toàn bộ hoàn cảnh của Hegbert, điều này chẳng hề ảnh hưởng gì đối với con bé. Là con gái mục sư hẳn không dễ dàng gì, nhưng con bé khiến việc đó nghe như là điều tự nhiên nhất trên thế giới và nó thật may mắn được ban phước theo cách này. Đây cũng chính là câu con bé hay nói. “Mình thật may mắn có người bố như bố mình.” Bất cứ khi nào nó nói vậy, chúng tôi chỉ có thể lắc đầu và tự hỏi không hiểu con bé từ hành tình nào rơi xuống.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đáng chú ý khác, điều thực sự khiến tôi phát điên về con bé là lúc nào nó cũng vui vẻ, bất kể chuyện gì đang xảy ra xung quanh. Tôi thề, con bé đó chưa khi nào nói xấu về bất cứ thứ gì hay về bất cứ ai, thậm chí với bọn tôi, những đứa chưa bao giờ từng tử tế với nó cho lắm. Nó sẽ ngân nga một mình khi đi xuống phố, vẫy tay với những người lạ lái xe ngang qua. Nhiều khi các bà các cô còn chạy ra khỏi nhà nếu họ trong thấy Jamie đi qua, mời con bé bánh bí đỏ nếu họ vừa nướng bánh cả ngày hay nước chanh nếu hôm đó trời nóng. Có vẻ như tất cả người lớn trong thị trấn đều yêu mến con bé. “Thật là một cô bé đáng yêu,” họ nói vậy bất cứ khi nào nghe thấy tên Jamie. “Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có nhiều người giống như con bé.”
Nhưng bọn tôi thì không thấy thế. Trong đầu chúng tôi, một Jamie Sullivan đã là quá nhiều rồi.
Tôi đang nghĩ về những điều này khi Jamie đứng trước mặt chúng tôi trong ngày đầu tiên của lớp kịch, và phải nói rằng tôi cũng chẳng thích nhìn con bé cho lắm. Nhưng thật kỳ lạ, ngay khi Jamie quay lại, tôi gần như bị sốc, giống như đang ngồi trên dây điện vậy. Con bé mặc váy kẻ sọc cùng áo cánh trắng, khoắc ngoài chiếc áo len màu nâu quen thuộc cũ kỹ tôi đã thấy hàng triệu lần, nhưng chiếc áo lên không thể giấu nổi hai quả cau mới nhú trên ngực nó mà tôi thề là ba tháng trước chưa từng thấy. Nó chưa bao giờ trang điểm và vẫn chẳng trang điểm, nhưng da nó rám nắng, có lẽ là do ở Trường Kinh thánh, và lần đầu tiên tôi thấy nó - ừ, gần như là xinh. Tất nhiên, tôi phản bác điều đó ngay lập tức, nhưng khi con bé nhìn quanh lớp học, nó dừng lại và mỉm cười với chính tôi, rõ ràng rất vui khi thấy tôi ở trong lớp. Phải đến mãi sau này tôi mới hiểu vì sao.