Chương 1
Húng hính chơi ở trong chốn cố hương được mấy tuần, tôi lóng nghe đô thành đã yên tịnh, không có phi cơ oanh tạc đến viếng nữa. Tôi tò mò trở về Sài Gòn. Nào dè mới về được vài ngày thì còi báo động thổi rân nữa, có bữa báo động tới hai lần. Người ta lo tản cư. Tôi ngao ngán nên cũng chạy như thiên hạ. Mà lần nầy, tôi theo một ông bạn chạy lên miệt trên, tìm nơi cao ráo u nhàn đặng dung thân dưỡng trí.Tôi lên ở Bến Súc.Đến đây tôi liền nhớ cái thớt vườn êm đềm kín đáo, mà năm trước tôi đã thày lay tả vẻ trong một bộ tiểu thuyết của tôi, cái thớt vườn nực nồng thi vị, chan chứa thương yêu, nối tóc xe tơ cho cặp nam nữ thanh niên là cậu Phúc với cô Lý, một tối cựu, một tối tân nhưng hai tâm hồn tương đồng, tương hiệp.Bữa sau tôi đi xem lại thớt vườn nầy, xem coi Thần ái tình còn ủng hộ Phúc với Lý hay không. Miễu ái tình vẫn còn sờ sờ, mội nước trong vẫn còn ro re, tiếng đờn ve vẫn còn inh ỏi, duy thiếu Phúc với Lý. Người ta nói cặp tri âm nầy đã vô Đường Long mấy bừa rày, vô kiếm chỗ mà gây thêm một cái ổ ái tình thứ nhì nữa.Đường Long... Tôi biết rồi, chỗ Phúc khẩn đất để trồng tiêu, trồng nghệ, tôi đã có nói trong quyển „Ái tình miếu". Tôi quyết đi, đi tìm Phúc với Lý, mà cũng đi xem quang cảnh Đường Long. Một ông bạn mượn chiếc xe bò mà chở tôi đi vì đường xa đến năm ngàn thước, đi bộ không tiện. Đi Đường Long mà ông bạn tôi không chịu đi theo lộ đá Kiểm Lâm, lại bắt đi dọc theo mé bưng, nói đi ngã đó tôi mới được thưởng thức đủ cảnh rừng, vườn, bưng, suối.Hồi xưa, cụ Nguyễn Công Trứ ngâm câu „Cỡi trâu êm hơn cỡi ngựa", hôm nay, tôi lại thấy „Ngồi xe bò khỏe hơn ngồi xe hơi". Ngồi xe bò khỏi lật té mà nó còn gây trong lòng tôi một cảm hứng nồng nàn dị kỳ. Tại sao cảm hứng? Tại gặp cái nguồn. Suối Xinô bắt từ trên từng cao, xa lắm, phía trong Cà Tong nữa kìa, quanh co chảy ra sông Sài Gòn. Tuy suối dài đến mấy chục ngàn thước, như mùa khô bề ngang chỉ có năm ba thước, đến mùa ướt mới có nước nhiều. Hai bên suối, đất thấp, thì mưa dào người ta gieo mạ, cấy lúa. Vô trong, đất cao lên một chút, thì người ta làm rẫy, trồng những mía, mì, mè, đậu và ớt nghệ, gừng.Vô trong nữa, đất cao hơn, thì người ta lập vườn trồng những sầu riêng, trái sữa, chanh, mít, tiêu, cau. Phía sau vườn thì là rừng, lố xố những sao, sến, dầu, gõ, bằng lăng, trắc, chỗ còn rừng cấm, chỗ đã có chủ. Phần nhiều chủ đất chiếm từ dưới ruộng lên tới trên rừng. Lại mỗi sở đất đều có người ta ở trồng tỉa, ai ở xa thì cất trại, ai ở tại đó thì cất nhà, có nhà tranh mà cũng có trại ngói. Ngồi xe bò đi cục kịch theo mé rừng hay qua đám rẫy! mắt ngó khoai mía xanh tươi, cây cội chớn chở, tai nghe gà rừng gáy, cu đất kêu, quan cảnh an tịnh làm cho tôi ngẩn ngơ, quên hết các rộn rực ở thị thành, mà cũng quên hết các nổi chìm của thế sự, tâm hồn bắt say sưa với thú lâm viên khỏe khoắn, với thói thôn quê thiệt thà.Vô tới Đường Long, gặp lộ đá Kiểm Lâm, tôi hỏi thăm Phúc và Lý. Người ta nói cách vài bữa trước có thấy đi qua, đi thẳng vô phía trong. Tôi đi theo, đi một đỗi rất xa, mà tìm không gặp.Nghĩ đều rừng thẳm, suối dại,Bóng chim tâm cá, hỏi ai bây giờ.Bạn tôi mới khuyên tôi đừng theo nữa, rủ ghé một trại quen xin nước trà quế bọt mà uống rồi trở về. Ông Ba Lung, ở trại nầy, ông mừng rỡ và dường như ở đây ít người nên ông khao khát nói chuyện, bởi vậy ông tiếp rước chúng tôi rất ân cần, ông nấu nước pha trà đãi chúng tôi rồi ông thuật cho chúng tôi nghe một chuyện ái tình mới kết cuộc cách mấy bữa trước, kết cuộc với màn bi kịch xào xáo rồi tiu hiu, làm cho ở vùng nầy người ta vừa kinh tâm, vừa áo não.Thôi, tìm không được ổ ái tình êm ấm kia, thì tôi chép lại chuyện ái tình xào xáo nầy, kỷ niệm cho buổi nhàn du và luôn dịp bày tỏ Đường Long cảnh vật.