Ở xứ Hoa Kỳ nầy, coi bộ thiên hạ chẳng mấy thuở có được những giờ phút nhàn nhã "trà dư tửu hậu" để bàn chuyện tào lao, nên những tin tức thuộc loại "xe cán chó" chẳng được ưa chuộng mấy. Giựt gân như chuyện anh chàng Ted Bundy, đẹp trai nho nhả, mà lầm lầm lì lì tàn sát cả trăm thiếu nữ ngây thơ cũng chỉ sôi động một tuần rồi lụn tàn trong quên lảng. Dường như, ngoài những trận bóng bầu dục, với những cầu thủ thượng thặng mà "giới mộ điệu" tôn sùng như bậc đại anh hùng, không có một vấn đề trọng đại nào đáng để họ quan tâm. Do đó, chuyện bà triệu phú Ăng Lê chết đi, di chúc để hết tài sản cho chú mèo bốn cẳng, trong khi chị bếp hầu hạ bà ta suốt đời chẳng có một xu ten, cũng không mấy ai cho là lạ hay thắc mắc bất mãn. Trường hợp thằng Steve là một ngoại lệ đặc biệt. Steve càm ràm bà triệu phú quá cỡ, nhưng hắn cà khịa không phải vì cảm thương cho số phận hẩm hiu của người đầy tớ trung thành, mà chỉ vì ghét cay đắng giống nòi nhà mèo. Steve vốn yêu chó nồng nhiệt, nên chẳng mấy ưa mèo. Do đó, hắn chủ trương nếu bà triệu phú kia, để hết gia tài sự sản cho trự chó bá vơ nào cũng hợp lý hơn cho chú mèo vô tích sự đó. Tính thương chó quá khích của Steve trầm trọng nên biến chứng thành bệnh, bệnh không truyền nhiễm chết người nhưng gây phiền phức cho bè bạn vô kể. Steve có thể lải nhải không ngừng những lời ca tụng tài ba, tính trung thành và ngoan ngoãn của con Rover, y hệt như các bà mẹ say sưa ganh đua nhau tán dương con cái họ. Kẻ nào lỡ mồm khơi chuyện chó, thì hắn liền hùng hổ xông vào đấu hót, nhai đi nhai lại những chuyện cũ xì, dai nhách về chú chó. Ai dại dột nhận lời mời của Steve đến nhà y mới lãnh đủ tai họa. Y vồn vã chiều chuộng cung phụng khách đủ thứ, miễn là khách phải chịu khó ngồi yên lặng để y khoa trương thành tích tam đại nhà chó. Khách ngất ngư Steve vẫn chưa chịu buông tha, vì tiếp theo đó lại còn tiết mục chó trổ tài biểu diễn lắm trò: chó nằm ngữa, chó đứng hai chân, chó nhảy vòng, chó nhặt banh... Khách nể nang khen ngợi vài câu, thì Steve nổi hứng huênh hoang là chó của y khôn ngoan tột cùng, vì nó biết cười, biết khóc, biết nhõng nhẽo, biết nói như con người. Y ra lệnh cho chó cười, và mặc dầu y ráng hết sức tiếp hơi, méo mồm méo miệng hướng dẫn, mà chẳng ai mường tượng nỗi nụ cười phát ra từ con Rover. Thật ra, không mấy ai có thể cảm thông ngôn ngữ chó hơn Steve. Cũng tiếng "gâu gâu ẳng ẳng" không khác gì nhau, nhưng Steve có thể giải thích thành lắm chuyện: khi thì Rover lạnh, Rover đói khát, Rover xin đi chơi, đòi "ị"... Ngoài Đức người duy nhất biểu đồng tình với Steve đôi chút, những người bạn đồng hương của y ai cũng lắc đầu nguầy nguậy, chẳng thèm tin tưởng tí xíu cái thuyết thấy được nụ cười của chó và hiểu được tiếng chó của y. Có lẽ chính vì vậy mà đang là kẻ nổi tiếng kỳ thị người Á Đông - y thâm thù tất cả những dân tộc nào dính dáng đến màn "sực phàn" thịt chó đó mà -, Steve bỗng long trọng coi Đức là bậc tri âm thắm thiết.

Tuy thông cảm với Steve, nhưng đúng ra, Đức không hiểu biết nhiều về giống chó. Vốn là một Phật tử thuần thành tiêm nhiễm thuyết luân hồi, Đức nghĩ rằng trong bao tiền kiếp ngược xuôi lăn lộn trong lục đạo, mỗi người có thể có những giây liên hệ bí ẩn đặc biệt với một giòng sông, một vùng đất, một giống dân, một loài thú nào đó... Steve có thể đã chất chứa ít nhiều chủng tử mang tầng số tương đương với loài chó, nên có những giây liên hệ mật thiết với loài nầy. Chuyện y thấy được nụ cười, hiểu được tiếng sủa có lẽ không phải là chuyện hoang đường. Chính Đức chắc cũng ngầm chứa những hạt giống ràng buộc mơ hồ và kỳ lạ với một giống côn trùng hiền lành, mà tên cúng cơm Ong Đức của chàng tuy vô tình nhưng cũng hàm ẩn một nhân duyên huyền bí nào đó.

Nhà Đức ở hẻm Bùi Thị Xuân, nhưng giang san trẻ thơ của chàng lại chính là vườn Tao Đàn thơ mộng. Có thể một phần vì tính tình nhút nhát, thân thể yếu đuối Đức không mấy phù hợp với đám bạn bè nghịch ngợm luôn luôn hiếp đáp Đức và trêu ghẹo chàng là thứ "ong đực vô dụng", nên Đức trở nên cô đơn, chỉ thích lang thang một mình trong vườn Tao Đàn, say mê ngắm nhìn từng cành cây, cọng cỏ, đóa hoa. Chàng có thể bỏ hàng giờ để say sưa theo dõi nàng nhện dệt mạng lưới, chăm sóc một con sâu đo, lắng nghe tiếng dế kêu rúc rít hay thả hồn theo những cánh chuồn chuồn, cánh bướm bay lượng nhởn nhơ.

Tuy nhiên có lẽ giống côn trùng gắn bó với Đức nhứt là loài ong. Từ con ong bầu mập ú, ong vò vẽ rắn rỏi, cho đến con ong mật hiền lành, loài nào Đức cũng đều cảm thấy gần gũi thương yêu đặc biệt. Nhờ những năm trời quan sát tìm hiểu sinh hoạt loài ong, Đức có thể thân mật làm quen, đùa giỡn, và cũng hiểu biết ít nhiều ngôn ngữ của chúng. Chúng cũng biểu lộ được những cảm xúc vui buồn, thương ghét qua ánh mắt, cặp râu rung rinh. Ngoài ra, bằng lối vỗ cánh, nhịp điệu bay, cách lượn thành đường vẽ trong không gian như một tín hiệu, chúng cũng kháo với nhau lắm chuyện: chỉ điểm nhau một cụm hoa ngọt ngào vừa nở hay rủ rê nhau "tiếu ngạo giang hồ". Gần gũi với chúng, Đức học được nếp sống thương yêu, hợp quần... cũng như lối thưởng thức hoa trầm lặng bằng khứu giác. Nhờ vậy khứu giác chàng trở nên bén nhạy hơn. Chính năng khiếu đặc biệt đó đã hướng dẫn Đức chọn chốn định cư tại Jamestown, một thị xã đìu hiu le the không đến một trăm dân cư sinh sống nầy.

Mấy tháng trước, từ miền Bắc Mỹ lạnh lẽo, Đức dự định xuôi về vùng Houston nắng ấm. Trên xa lộ 190, vừa qua khỏi thị xã Jasper, đến giòng sông Neches bất ngờ chàng thoáng ngửi được hương vị nhẹ nhàng tinh khiết của hoa sen. Đức thoạt nghi ngờ khứu giác của mình vì không tin hoa sen sinh trưởng chốn nầy. Dù vậy, Đức vẫn hiếu kỳ dừng xe lại, quyết tâm truy nguyên địa điểm phát xuất hương sen. Giòng sông Neches tại điểm tiếp giáp với cầu xa lộ 190 bỗng nở rộng ra đến hơn 4 dặm để biến thành biển hồ bát ngát. Giữa hồ xuất hiện vài hòn đảo nhỏ, có hòn trơ trụi đá, có hòn cây lá xanh um. Ngoài ra, lại có rặng cây nổi bình bồn, - có lẽ đồng chủng loại với cây mắm nước nhà nhưng to hơn -, rễ bám sâu tận đáy hồ mà vẫn trườn mình trên mặt nước, tạo nên những bóng mát hữu tình cho những chiếc thuyền con lạc lõng. Bờ hồ hướng Bắc được tu bổ thành một công viên quốc gia xinh xắn, có rừng cây cao rợp bóng, bãi cỏ sởn sơ, phân thành khu cắm trại, picnic, bơi lội... được thiết trí đầy đủ tiện nghi cho việc sinh hoạt ngoài trời.

Đức thuê thuyền máy lái xuyên qua bờ hướng Nam. Đi hơn nửa đoạn đường, vừa vượt khỏi rặng cây nổi, đã thấy lờ mờ đám lá lô nhô trên mặt nước. Đến nơi, mới biết đó chỉ là một vùng cồn cát ngầm, cạn cợt nước, phủ đầy rau hoang đong đưa theo giòng nước lững lờ. Tuy chưa tìm được sen, nhưng hương sen biến mất từ lâu bắt đầu phảng phất, dù vậy Đức cũng phải lái thuyền cả dặm nữa, mới thấy bóng dáng của một rừng sen ẩn hiện xa xa. Sen chen chút mọc dọc theo bờ tràn ra hồ hàng trăm thước, một loại sen màu vàng nhạt, búp thon, cánh mỏng, tinh khiết. Đức tắt máy nổ. Chàng dùng dầm bơi lách chậm chạp nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương hoa và cũng tránh tiếng động phá tan bầu không khí vắng lặng u tịch của chốn hoang dã nầy. Đức không thuộc vào hạng người yêu hoa theo lối chiếm đoạt, tàn sát hoa thu hoạch chiến lợi phẩm, mà chỉ thích trầm lặng hàng giờ bên hoa để chiêm ngưỡng, như nhà nghệ sĩ chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt tác. Do đó, dừng thuyền giữa rừng sen, Đức bèn lắng lòng, buông xả tất cẳ những phiền toái lòng thòng của cuộc đời để hòa mình trọn vẹn với thiên nhiên, sống như sống thực trong thế giới loài sen.

Trong thế giới an bình đó, dù là một con côn trùng nhỏ đang nhởn nhơ sinh hoạt, trời nước mông mênh, cọng lá cành hoa: một búp bé bỏng sơ sinh, búp thiếu nữ, đóa hoa trưởng thành, đóa hoa tàn tạ hay một đài sen khô héo gục đầu, tất cả đều trở nên sống động, đều chuyên chở những ý nghĩa nhiệm mầu. Đức chợt xúc cảm nhớ đến những lần chàng đã mang "ba lô", bồng súng lội trên đầm sen Cái Bèo, Đồng Tháp ngày trước, trong khi đạn nổ vang rền và hận thù căm căm dồn trên ánh mắt. Sen nước mình duyên dáng thanh cao, hương vị đậm đà tinh khiết biết chừng nào mà mấy ai được diễm phúc bình thản thưởng thức hoa đâu? Đức bùi ngùi quên cả hiện tại, mãi đến khi nghe tiếng ong vo ve bên cạnh mới bừng tỉnh dậy. Chàng theo dõi bầy ong vừa xuất hiện; bầy ong thật dễ thương, đặc biệt là con đầu đàn dáng dấp to lớn, oai nghi mà đài các như một nàng công chúa. Đức mĩm cười thương yêu, thân thiện xòe tay mời mọc. Có lẽ loài vật cảm thông được bản chất hiền hòa của Đức, nên con ong to bay lượn quanh chàng vài vòng rồi dạn dĩ đậu vào. Ong nhìn người, và người nhìn ong, như đôi bạn thiết chia xẻ nhau thưởng thức cái đẹp của hoa sen. Hốt nhiên Đức mĩm cười với con ong, rồi buộc miệng khen: "Em bé duyên dáng và dễ thương quá!". Nàng ong chẳng biết có hiểu chi không mà e lệ chớp mắt, rồi luống cuống bay quanh quẩn bên chiếc thuyền của Đức, như chẳng nỡ tách rời.

Khi Đức quay thuyền trở về thì trời đã sụp tối, nên đành nghỉ đêm tại thị xã Jasper. Đêm đó, đọc báo địa phương thấy công ty khai thác lâm sản JW corp. tuyển chân thợ máy, Đức đệ đơn thử thời vận không ngờ may mắn được chấp nhận ngay. Thế là Đức dừng chân lập nghiệp chốn nầy. Chàng lại được Steve giới thiệu thuê một căn nhà vừa ý tại Jamestown, tuy chỉ cách sở làm chừng 5 dặm, nhưng lại tọa lạc ở ven rừng thông vắng vẻ, hợp với kẻ thích ẩn thân chốn thiên nhiên vắng lặng. Chủ nhân căn nhà bận bịu công ăn việc làm tại Tyler, thỉnh thoảng mới về nên mong có người cư ngụ săn sóc hơn là để hoang phế, do đó, chỉ lấy tiền thuê giá tượng trưng.

Đức thường lang thang ở khu rừng sau nhà, thả hồn phiêu lãng theo những áng mây trắng bềnh bồng trên đỉnh đồi thông xinh tươi thẳng tấp. Rừng không thú to, nhưng có rất nhiều thỏ, sóc, chim chóc, gà rừng... , nên không khí luôn luôn sống động mà không ồn ào náo nhiệt. Dưới chân cây phong già rợp bóng, chàng treo một cái võng đong đưa đọc sách. Ngưng đọc sách thì Đức lơ đảng nhìn bầu trời xanh, quan sát những cánh chuồn chuồn, cánh bướm bay lượn vẩn vơ, hay theo dõi đám ong thợ tranh đua nhau lấy mật mang về tổ lập ngay trên cành cây phong nầy. Buổi chiều mát mẻ, Đức thường dành thời giờ để chăm sóc vườn hoa sân trước: hai cây tường vi đơm đầy những chùm bông màu tím hoa cà tươi mát, mấy cụm hoa hồng rực rỡ và một dàn dạ lý xanh um. Đức dự trù sẽ trồng thêm vài bụi cúc, mươi cây pensée để vẫn có hoa nở vào lúc sang thu. Đang tỉ mỉ cắt tỉa cành lá thừa cho bụi hồng màu đỏ thẩm, Đức nghe tiếng chân chạy trên đường, nên ngẩng đầu chào như thường lệ: "Chào cô". Cô bé Mỹ tuổi chừng đôi tám, mảnh dẻ duyên dáng, thỉnh thoảng chạy thể dục trên đường, Đức đã gặp vài lần, và lúc nào cũng lịch sự chào nhau chiếu lệ. Lần nầy, bỗng nhiên cô bé dừng lại, tò mò hỏi:

- Chào Ông! Xin lỗi, Ông là người Á Đông?

- Vâng! Tôi là người Việt Nam. Tên tôi là Đức Ong. Ong có nghĩa là con Bee đó!

- Ngộ quá há! Họ tôi cũng là Bee. Tên tôi là Linda Queen Bee!, cô bé cười khanh khách.

Nghi là cô bé bịa tên giả bỡn cợt mình, nhưng Đức vẫn lịch sự:

- Hân hạnh được biết cô!,

- Ông có vẻ là người ưa thích thiên nhiên. Ông thích tường vi lắm phải không?

- Tường vi nở rộ một màu rực rỡ cả vùng, quả thật rất đẹp, nhưng thâm tâm tôi chỉ thích loài hoa có hương vị kìa.

- Vậy thì ông thích hoa dạ lý rồi!

- Không hẳn vậy! dạ lý hương vị gắt gao nồng nặc quá!

- Thế thì tôi biết ý ông rồi! Chắc là hoa hồng, mà phải là loại hồng nhung đỏ thẩm thì hương thơm mới êm dịu phải không? nhưng hoa hồng tuy đài các kiêu sa mà sánh sao bằng hoa phong lan cánh bướm, hương vị thanh thoát nhẹ nhàng hơn!

Phong lan hoa như cánh bướm là loại cây chùm gởi đeo bên nhánh cây đối diện với tổ ong sau nhà, Đức thỉnh thoảng được may mắn thưởng thức hương vị lấy làm thích thú, không ngờ cô bé nầy nhỏ tuổi mà cũng am tường, thật là một điều lạ lùng.

- Nhận xét của cô đúng lắm! Nhưng...

Cô bé liếng thoáng cười, khoát tay rồi cướp lời:

- Hà hà! Loài hoa thượng thặng của ông, có lẽ là loài hoa dại mọc trên vùng nước sình lầy dọc bờ Nam sông Neches chớ gì? Hoa đó hương vị thanh cao, tinh khiết làm sao ấy!

Đức không thể tưởng tượng nỗi ở xứ nầy lại có kẻ tri âm đồng điệu thấu rõ ruột gan mình trong nghệ thuật thưởng thức hương hoa. Chàng bỗng sinh lòng cảm mến cô gái, nên thân mật lên tiếng:

- Khâm phục! Khâm phục! Hoa đó không phải hoa dại đâu! Người Việt Nam gọi là hoa sen hay liên hoa, tiếng Anh là lotus. Người nước tôi thích hoa sen vì hương vị thanh cao tinh khiết, vẻ đẹp đoan trang thanh thoát, và nhứt là đặc tính hoa ở chốn bùn lầy mà chẳng nhiễm ô mùi bùn. Do đặc tính thù thắng đó, trong Phật giáo, hoa sen được tôn vinh như là biểu tượng của sự trong sạch thanh tịnh. Vì vậy có pháp môn tu tập để giữ thân tâm thanh tịnh, tạo duyên để được vãng sinh về cõi đất thanh tịnh, tức Liên hoa quốc.

- Lạ quá hén! Không ngờ loài hoa đó lại có một giá trị tín ngưỡng cao quý như vậy!

- Đối với người bình dân nước tôi, thì sen còn được chuộng vì giá trị thực dụng nữa. Lá sen dùng để thay giấy gói, các bà nội trợ chế biến để gói cơm, gói chả đem hấp hoặc nướng để tăng thêm vị ngon; hột sen, ngó sen, củ sen đều là những thức ăn quí giá. Ngay như nhị sen, cái mầm xanh xanh giữa hột sen, cũng có người chịu khó gom góp để châm nước uống thay trà, vị nó đắng nhưng hậu lại ngọt, giúp cho thân tâm tươi tỉnh và diệt dục.

- Thích quá nhỉ! Thế mà người nước nầy lơ là coi như hoang dại không ngó ngàng gì tới! Tiếc ơi là tiếc!

Nhận thấy Linda chịu nghe, chịu tìm hiểu hoa sen, Đức rộn ràng mời mọc:

- Tôi có sưu tập tranh ảnh hoa sen nhiều loại, đặc biệt có sen Tây vức lá to như cái lộng. Nếu cô ưa thích, xin mời cô vào nhà vừa uống loại trà ướp sen, ăn bánh nhưn sen, vừa thưởng thức tranh ảnh hoa sen thì mới hứng thú.

- Dĩ nhiên là tôi thích lắm chớ!

Cô bé nhanh nhẩu đáp, rồi nối gót theo Đức. Đức vừa mở cửa, thì bỗng thấy cô gái loạng choạng bước lui trở ra, mặt mày xanh xao, như sắp té qui., Đức hoảng hốt:

- Ôi! cô có sao không?

- Tôi hơi xây xẩm. Tôi vốn bị phản ứng bởi chất hóa học nên cảm thấy ngộp thở.

- Xin lỗi cô! Tôi mới xịt thuốc trừ dán buổi chiều, nên không khí trong nhà còn nồng nặc quá! Đức lúng túng giải thích.

- Ơ! thế mà tôi ngỡ Ông thương mến thiên nhiên và vạn vật mọi loài kia mà!, lời lẽ cô gái hơi gay gắt khó chịu.

Như một nhà đạo đức giả bị lột mặt nạ, Đức thẹn thùng giải thích:

- Tôi vốn thương sinh vật, nhưng riêng loài dán thì không biết do oan nghiệp từ kiếp nào tôi lại không ưa chúng nỗi. Gây nghiệp sát rồi tôi ái náy vô cùng, nghĩ rằng trong kiếp nào đó, mình cũng là con dán hôi hám, cũng chui vào thức ăn người tìm sống, mà sao giờ nầy mình lại không dung thứ chúng được?

- Ô! Ông có thể tin nỗi chuyện loài vật chuyển kiếp thành loài người sao?, Linda vui vẻ trở lại.

- Tôi theo Phật giáo nên tin tưởng vào thuyết luân hồi, theo đó, tùy theo nghiệp quả mà chúng sanh phải lặn hụp trong sáu đường: trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như vậy thì thú tiến bộ thành người và người cũng có thể bị đọa thành thú.

- Ơ! sao ở nước nầy người ta chỉ chủ trương luân hồi tiến hóa, theo nghĩa loài vật tiến bộ thành người chớ người không bị thoái hóa thành thú vật được.

- Thật ra, dựa vào hoằng nguyện độ sanh vô biên của chư Phật, chư Bồ Tát và thuyết "chúng sanh là Phật sẽ thành", ta nhận thấy yếu tố tiến hóa trong luân hồi rất rõ rệt. Tuy nhiên, tiến hóa không thể hiểu giản đơn như một con đường thẳng tắp suông sẻ, vì kẻ lầm lạc tạo nhân ác thì nghiệp lực có thể dẫn dắt đến cõi thấp hơn, nên việc thoái hóa tạm thời cũng có thể xảy ra, điều đó tương tợ như phải đi con đường vòng, đường gãy, đường trôn ốc... để đạt đến mục đích. Trong kinh điển Phật thỉnh thoảng vẫn nhắc nhở đến những trường hợp đọa lạc, như chuyện bà Thanh Đề bị sa đọa thành quỷ đói, chuyện một kẻ giàu bần tiện tiếc của tái sanh làm kiếp chó để bảo vệ tài sản trước kia.

Tuy nhiên, chuyện luân hồi lâm ly nhất có lẽ là chuyện tưởng tượng về tiền thân, hậu kiếp của bà hoàng hậu Hy Thị. Nguyên vua Lương Võ Đế, nước Trung Hoa, một đêm nằm ngủ thấy hoàng hậu Hy Thị, chết không bao lâu về báo mộng rằng bà đã bị đọa thành con mãng xà hôi thúi rất là khổ sở, nên khóc lóc xin chồng tìm phương giải cứu. Hoàng đế bèn cầu cứu hòa thượng Chí Công, một đắc đạo cao tăng đương thời. Hòa thượng hợp tăng chúng soạn bộ Lương Hoàng Sám, lập đàn tràn tụng kinh siêu độ cho hoàng hậu thoát kiếp mãng xà. Nhân dịp nầy hòa thượng giải thích tiền căn của hoàng hậu là một con dế, sống trong chậu kiểng trước ngôi chùa cổ. Mến chuộng nếp sống tu hành đạo đức tại đây, con dế phát tâm thích nghe tụng niệm và phát nguyện mỗi ngày trước giờ công phu sáng sẽ cố sức gáy thật to đánh thức tăng chúng. Không may, trong chùa có chú tiểu biếng nhác, bực mình vì bị tiếng dế làm mất giấc ngủ ngon, nên lén dùng que đâm chết. Con dế có nhiều công đức nên được tái sanh làm cô gái đẹp tuyệt trần, rồi trở thành hoàng hậu được vua đặc biệt sủng ái. Tuy nhiên, hoàng hậu đối xử với cung nữ tàn nhẫn, và do những ám ảnh bởi kiếp dế, - yểm trợ tăng sĩ lại bị chính giới tăng sĩ hại mạng, - nên thù ghét tu sĩ, phá hoại việc hoằng dương Phật Pháp. Nghiệp quả đó đã đưa bà đến kiếp mãng xã khốn khổ. (#1)

- Dế thành người. Người thành rắn. Thích nhỉ!

Rồi bỗng dưng Linda cười tủm tỉm, ra vẻ tinh quái hỏi Đức:

- Xin lỗi, Ông có tụng kinh buổi sáng không?

Đức hơi ngạc nhiên vì không hiểu cô gái hỏi nhằm mục đích gì, nhưng vẫn thành thật trả lời:

- Không cô ạ! Tôi biếng nhác lắm!

- Nếu Ông tụng kinh thì hay cho tôi quá! Tôi sẽ ráng đến đây bấm chuông nhắc nhở hàng ngày, rồi biết đâu kiếp sau tôi chẳng thành một bà Vua đẹp đẽ!

Dứt lời, Linda cười ngất, đoạn vội vã chào từ giã, rồi chạy phóng đi mất dạng.

Thế rồi, nhân những lúc chạy thể dục buổi chiều, thỉnh thoảng Linda dừng lại líu lo nói chuyện. Cô bé còn trẻ, chuyện giả trá trong cuộc đời dường như mờ mịt, mà thế giới thiên n hiên thì cô hiểu biết sâu rộng như một nhà bác học. Kiến thức về hoa của Linda quả đáng phục. Không một loài hoa nào, dù là loại tầm thường vô danh nhỏ bé li ti mà cô không rành rẽ. Tuy nhiên, tương tợ như Đức, cô đặt trọng tâm tìm hiểu nhiều về hương vị hơn là màu sắc lòe loẹt của muôn hoa. Sở thích phù hợp, hàn huyên tương đắc, khiến cho chàng thanh niên vốn thích cô đơn hiu quạnh đâm ra thấp thỏm mong đợi bóng hình giai nhân. Thế nhưng Đức cù lần quá, đã thân mật trò chuyện với Linda gần hai tháng trời, mà Đức vẫn mù tịt về nàng. Chàng lịch sự nên có những vấn đề Linda tránh né thì không cố tìm hiểu, vả chăng, Đức có chủ động được đâu. Chỉ nghe tiếng nói, giọng cười dòn tan của nàng, thì hồn vía chàng bay mất, nàng muốn lái sang đề tài nào cũng ríu ríu xuôi theo. Do đó, Đức chỉ mang máng hiểu là Linda lai giòng máu thổ dân, chịu nhiều ràng buộc trách nhiệm của tinh thần bộ lạc, và chung sống với đại gia đình ở cuối con đường làng. Điểm đặc biệt là tuy vui vẻ với Đức nhưng Linda lại không thích liên lạc quen biết với bất cứ ai, nhất là người da trắng.

Vào ngày lễ Tạ Ơn, nếp sống trầm lặng bình dị của Đức bỗng bị xáo trộn khi gia đình người chủ, nhân dịp về nhà cha mẹ họp mặt hàng năm, đã tạt sang ngôi nhà cho thuê thăm chàng. Thằng Gustavo, đứa con trai duy nhất của họ, tuổi chừng 15, mặt mày bậm trợn, lại vênh váo mặc bộ đồ tác chiến vằn vện, võ trang như lính thứ thiệt bằng dao găm và súng săn. Vừa xuống xe thì hắn ta đã hùng hổ phóng nhanh ra sau rừng, la hét càn quét "địch quân". Khách chỉ lưu lại có ba giờ mà bãi "chiến trường" sau nhà đã thê lương thảm hại. Mấy bụi lan đất bị dẫm nát, cây liễu tơ trốc gốc, cây cối bị chặt phá cành lá rơi rụng khắp nơi. Dưới chân tường là xác nát nhừ của con chim xanh, và bên gốc trắc bá, chú sóc cườm đang nằm thoi thóp. Hoàn cảnh của tổ ong bên cành phong lại càng tàn tệ. Tổ ong bị bắn, bị đập rơi xuống đất vỡ thành mảnh vụn, mật chảy nhầy nhụa trộn lẫn với xác ong non, nhộng ong... trong khi đám ong sống sót quấn quít, lăn xăn trong tuyệt vọng. Đức dọn dẹp cây lá, chôn xác chim và sóc, nhưng ngần ngừ chẳng biết giải quyết tổ ong cách nào. Chàng cũng đau lòng và tuyệt vọng như chúng, thì đâu nỡ lòng nào quăng cả những con ong non còn sống sót vào sọt rác.

Gió thu lạnh buốt, trời sụp tối thật nhanh. Đức trở vào nhà mà giăng giăng sầu muộn. Nhưng lúc nầy Đức mong có Linda bên cạnh để tâm sự cho vơi nỗi bực dọc trong lòng. Vừa nhớ đến Linda thì đã nghe tiếng chuông reo vang. Đức hấp tấp mở cửa, rồi sửng sờ trước một Linda mặt mày xanh xao, xây xát, chân tay run rẩy. Đức cuống quít đỡ nàng rồi hỏi dồn dập:

- Trời ơi! em làm sao vậy Linda?

- Em... trật chân té trầy trụa thôi... Anh ơi! mẹ em bị tai nạn lìa đời rồi... , nàng khóc sướt mướt thật là thê thảm.

- Linda! Anh có thể giúp gì em không?

- Linda lắc đầu:

- Họ hàng em lo mọi việc. Họ không thích người lạ mặt dự đám anh à!

Khóc lóc khá lâu, bỗng Linda ngẩng đầu cất tiếng:

- Lúc nảy ở ngoài em nghe tiếng ong bay loạn xạ lạ lùng quá!

Linda đang đau lòng tang mẹ mà vẫn nhớ đến an nguy loài vật khiến Đức vô cùng cảm phục, chàng đáp:

- Thằng quỷ sứ con ông chủ nhà, nó bắn nát tổ ong. Ong bể tổ trong lúc lạnh lẽo như thế nầy thì chỉ biết quanh quẩn chờ chết, chớ biết bay về đâu?

- Sao anh không tìm phương cứu chúng?

- Anh nghĩ hết cách rồi! đang bối rối thì em đến đó.

- Hay là mình thử tìm cái thùng không làm cái tổ tạm để gom mớ tổ vụn nát còn những ong con, nhộng sống sót. Nhưng con ong lớn thất có tổ sẽ quây quần lại, thì may ra giúp đỡ chúng phần nào.

- Ý kiến hay quá vậy mà anh không nghĩ ra!

Thế rồi Đức tức tốc ra sau vườn gom mớ tổ ong vụn vặt cho vào thùng mang vào nhà đặt bên trong lò sưởi. Đàn ong sống sót tự động ùa bay theo, bu quanh. Những con chậm chạp cũng biết tìm cách vào nhà qua ngả ống khói lò sưởi nữa.

Sau đó, Đức khuấy nước đường, rồi tự hứa ngày mai sẽ mua mật về để cạnh đó hầu ong thợ có thể khai thác cấp thời làm thức ăn cho đám ong con. Sắp xếp cho đàn ong xong, Đức mới cảm thấy nhẹ nhàng. Linda cũng nhờ chăm chỉ săn sóc bầy ong mà mối sầu tang mẹ cũng nguôi ngoai.

Sau biến cố thương đau, cô gái ngây thơ nhí nhảnh ngày nào bỗng trở nên đâm chiêu xa vắng. Nét u buồn khiến nàng tăng thêm phần duyên dáng và sự trưởng thành. Linda cũng thường đến nhà Đức, và cũng ở lại khuya hơn. Hai người hàn huyên tâm sự đủ mọi đề tài, rồi cũng kề cận bên nhau săn sóc bầy ong khốn khổ. Đức vốn là con người đúng đắn, nhưng gần gũi thân mật lâu ngày với người con gái đang xuân, thì "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", nên tình ái bắt đầu nhen nhúm. Đôi khi Đức cũng ráng đè nén cơn thèm muốn, nhưng càng cố đè nén thì lại dễ vướng vít trong lòng, rồi thì thân hình nồng nàng khêu gợi của Linda cứ như chập chờn trước mặt. Nghĩ ngợi vẩn vơ, bỗng Đức nhớ ra là con gái xứ nầy quá ư phóng khoáng chuyện tình dục, vậy nếu chàng không mạnh dạn chiếm đoạt thân thể nàng, biết đâu lại bị chê là cù lần chậm tiến. Thế rồi Đức âm thầm chờ đợi cơ hội tiến hành ước mơ của mình. Một hôm, mê mẫn nhìn làn da trắng ngần của Linda lồ lộ trong chiếc áo hở cổ, cơn sốt dục tình bừng dậy thúc giục Đức cúi xuống hôn ót nàng. Linda rùng mình. Đức thoáng nghĩ đúng là nàng thuận tình rồi, nên không còn úy kỵ gì nữa, chàng ôm choàng Linda mưu chuyện gối chăn. Bất ngờ, Linda xô nhẹ chàng ra và hổn hển nói:

- Đừng anh! Chúng mình dị chủng không thể là vợ chồng được đâu anh!

Đức bàng hoàng hồi tỉnh cơn mê. Chàng biết vợ chồng khác biệt văn hóa khó có hạnh phúc nên chưa bao giờ nghĩ đến việc kết hôn Linda. Chàng chỉ thèm muốn tình dục thấp hèn, mà lại nài ép nàng trong khi nàng đang đau buồn tang mẹ, kể ra thì quá tệ. Đức vốn tự trọng nên cảm thấy cực kỳ xấu hổ về hành vi của mình, chàng tự hứa không để những ý nghĩ xấu xa lảng vảng nữa.

Từ đó, Đức ngày càng lưu ý đến tư cách của Linda. Chàng nhận thấy nàng nhu mì đằm thắm như cô gái phương Đông, rất hợp với tính tình chàng, nên tình yêu chân thật bắt đầu nẩy nở.

Mùa xuân vừa trở lại thì vạn vật liền tưng bừng sống dậy. Cây lá nảy mầm xanh tươi. Chim kêu ríu rít và bầy ong cũng rộn rịp đi đi về về. Linda dắt tay Đức tung tăng trong rừng, hai người dừng chân dưới cây phong già, bồi hồi nhớ lại thảm cảnh mùa thu qua. Thấy thời cơ thuận lợi cho việc ngỏ lời cầu hôn, Đức ngọt ngào:

- Em cưng ơi!

Linda ngả đầu nhìn Đức, rơm rớm nước mắt, rồi bỗng nhiên ôm chầm lấy chàng, đặt nụ hôn trên môi. Nụ hôn thật ngon, ngọt lịm như mật... khiến Đức ngất ngây như lạc vào cơn mê phiêu lãng. Rồi Đức lơ mơ nghe tiếng nàng thổn thức:

- Anh Đức ơi! em chỉ muốn ở bên anh hoài hà! Khổ nỗi em còn trách nhiệm với giống nòi của em anh à! Em phải ra đi!

Đức cố gắng ú ớ lên tiếng mà không tỉnh được. Chàng chỉ mang máng nghe âm thanh rần rộ như tiếng quân đi, rồi có kẻ lạ lên tiếng:

- Khải bẩm nữ vương! Đã đến giờ hoàng đạo, xin nữ vương lên đường.

- Mặc ta! Ngươi lui ra!,

Linda nghiêm nghị trả lời người lạ, đoạn hôn mái tóc chàng, thỏ thẻ:

- Cám ơn anh cứu dân em và cho tá túc mùa đông! Xin vĩnh biệt! Vĩnh biệt nhe anh!...

Đức hốt hoảng choàng mắt dậy, bóng Linda chập chờn trước mắt bỗng mờ dần, tan biến dần... , rồi chỉ còn hiện rõ hình dáng của con ong, con ong đầu đàn mà chàng đã có duyên hội ngội tại đầm sen sông Neches ngày trước. Con ong lượn một vòng như từ giã, rồi bay vút đi, kéo theo cả bầy ong như một đoàn xe lửa dài ngoằn ngoèo đen nghịt. Đức vội vã phóng chạy theo, gọi tên nàng ơi ới, nhưng đàn ong vẫn tiếp tục bay xa, bay thật xa, rồi lần lần mất dạng.

Người đi không hẹn ngày trở lại, nhưng Đức vẫn tưởng ngóng đợi chờ. Không tin cả mắt mình, Đức vẫn hy vọng hội ngộ với Linda bằng xương bằng thịt, chàng truy tầm thăm hỏi tung tích của nàng khắp vùng Jamestown, nhưng không một ai nghe nói gì đến giòng họ Queen Bee, cũng như vết tích của bộ lạc thổ dân nào. Chàng lại sục sạo khắp nơi tìm cho ra đàn ong cây phong cũng chẳng thấy tăm hơi.

Tháng ngày nhung nhớ vô vọng khiến Đức sanh chứng mượn rượu giải sầu, rồi lái xe lang thang đây đó, chớ chẳng thiết về nhà để phải thấy lại dấu vết của những kỷ niệm khó quên. Một đêm, sau khi nhậu mềm môi tại Beaumont, và mặc dầu bạn bè ngăn cản, Đức vẫn khăng khăng lên xe lái đi. Bước ra xe, chân cảm thấy run, nhưng Đức tin tưởng mình vẫn tỉnh táo. Hơn một năm nay, chàng đã bao lần nhậu say mềm, mà có điều gì đáng tiếc xảy ra đâu. Đêm khuya vắng vẻ, đường sá trống trơi. Đức lên xa lộ 10E thênh thang một mình, đáp lút ga xăng, xe vọt như bay. Đức mơ hồ như có tiếng ai gọi tên mình, rồi bỗng nghe tiếng "bụp" ở kiếng trước. Phản ứng tự nhiên khiến Đức giảm tốc lực, rồi nhìn kỹ thấy một con ong đang oằn oại dưới cây cần quạt nước. Tình thương ong cố hữu thúc giục chàng chạy chậm sát lề, đậu xe chỗ dành cho trường hợp khẩn cấp. Chàng tắt đèn, tắt máy xe, chực mở cửa thì ngưng lại. Chàng cảm thấy mình lẩm cẩm ngu muội quá! Con ong bề gì cũng chết rồi, chàng dừng xe, hay làm cách nào cũng chẳng cứu nó được. Đang ngần ngừ, chợt Đức thấy ánh đèn chói chang trước mắt. Năm bảy chiếc xe từ hướng ngược chiều phóng sát bên xe chàng. Lạ lùng quá! Đức nhìn qua bên kia đường, rồi bất giác run lên, sợ điếng người, tóc tai dựng đứng. Không biết say rượu như thế nào, chàng đã lên xa lộ bằng lối ra, rồi cứ phóng xe phom phom trên đường ngược chiều. Nếu không nhờ vô tình thương con ong dừng xe lại, thì chàng đã đụng xe trực diện tan xát rồi. Đức lặng lẽ bước ra ngoài gỡ con ong khỏi quạt nước mang vào xe, vặn đèn nhìn kỹ mặt ân nhân. Đức bỗng rú lên: "Trời ơi!", rồi khóc nức nở như một đứa trẻ con. Đó là xác con ong đầu đàn, tức Linda Queen Bee, đó là nàng. Bằng linh cảm nào, nàng biết Đức đang lâm nguy để xả thân nhắc nhở chàng dừng xe lại.

Đức mai táng Linda bên bờ Nam sông Neches, cạnh rừng sen, rồi rời bỏ Jamestown như chạy trốn. Chàng về Houston tích cực tham gia các sinh hoạt của cộng đồng người Việt để tìm quên. Tình cờ, trong công tác giúp đỡ hướng dẫn đồng bào mới định cư, Đức gặp gỡ Mai, rồi hai người đi đến hôn nhân sau một thời gian ngắn tìm hiểu. Năm kế, thì đứa con gái đầu lòng ra đời.

Tưởng nhớ người xưa, Đức đặt tên con là Ong Thùy Linh. Bé Linh là nguồn hạnh phúc ngọt ngào của cặp vợ chồng son. Hai vợ chồng tranh nhau lo lắng, săn sóc con. Con bé bám riết theo cha, nhõng nhẽo, vòi vĩnh đủ thứ. Và Đức cũng cưng con tột bực, đến nỗi Mai phải cằn nhằn là chàng cứ chiều chuộng thói hư tật xấu của con. Cái gọi là "thói hư tật xấu" đó, chính là cái nết không thích chơi búp bê, mặc quần áo đẹp, lẩn quẩn trong phòng ốc ấm cúng sạch sẽ, mà chỉ thích ra ngoài trời, lê lết trên bãi cỏ, trững giỡn với ong bướm, ngắm cây lá, hay say đắm ngửi hương hoa.

Điểm kỳ lạ là bé Linh có khả năng đặc biệt thu hút loài ong, bé ở nơi nào thì dường như những con ong cũng mon men tìm đến. Càng lớn, tính thích thiên nhiên của bé Linh càng tăng, nên hàng tuần Đức đều đưa con đi đến công viên chơi giỡn. Để mừng sinh nhựt bé Linh 5 tuổi. Đức tổ chức chuyến du ngoạn xa tại công viên sông Neches, để vợ con có dịp thưởng thức được hương sen xứ người. Chưa đến công viên mà bé Linh đã mừng reo như trở về nơi quen biết, em lăn xăn nói cười chỉ chỏ huyên thuyên ra chiều thích thú. Đức tìm chỗ đậu xe, bé Linh không chịu ở đó, mà nằng nặc chỉ về hướng bờ sông bên kia. Thế là Đức thuê thuyền máy phóng thẳng đến rừng sen. Cảnh xưa không mấy đổi thay. Sen bành trướng rộng hơn, chen chút hơn, nhưng lại đượm vẻ tàn tạ tiêu điều bởi thời tiết thất thường. Bé Linh mừng rỡ reo vang. Em vốc nước thả trên chiếc lá xanh trơn trợt, mân mê đài sen, tâng tiu từng bóp cỏn con. Hết ngắm đóa hoa nầy, em lại đòi cha bồng đi ngắm hoa khác, không biết chán. Mai vốn không thích hợp với thú sinh hoạt ngoài trời, nhưng cảnh đầm sen có cái gì gợi đến đất nước thân yêu, khiến nàng vừa náo nức, vừa bồi hồi nhung nhớ. Nàng thỏ thẻ: "Mình chịu khó hái gương thật nhiều đem về chia cho bạn bè món quà quê hương lấy thảo! anh nhé!".

Thình lình có tiếng hét to: "Ê! tụi da vàng! lên đây!".

Đức giựt mình, nhìn lên bờ thấy một tên cao lớn, mặt trét sơn màu vằn vện, ăn mặc theo lối lính tác chiến rừng rậm, võ trang bằng dao găm và súng ngắn. Hắn chỉa súng ra lệnh vợ chồng Đức lên bờ, và họ đành ríu ríu tuân theo. Tên côn đồ có nét quen quen, nghĩ mãi, Đức mới giựt mình nhận diện hắn chính là thằng Gustavo ngổ ngáo con người chủ nhà ngày trước. Nhớ đến tính tình hung hản, ác độc của y mà Đức rùng mình. Hắn bắt Đức nằm xấp xuống đất, hai tay úp lên gáy. Hắn trói Mai vào thân cây, đoạn trói thúc ké chân và tay chàng siết lại với nhau thật đau đớn, đá cho nằm nghiêng một bên. Sau đó, hắn mới thung dung lục lọi lấy hết tiền bạc, nữ trang và cả thẻ tín dụng nữa. Bấy giờ, tên côn đồ trừng mắt đảo một vòng nhìn các nạn nhân, như sắp ăn tươi nuốt sống họ. Vờn mồi xong, hắn mới lạnh lùng lấy dao găm chậm rãi rạch lưng Đức từng nhát một. Lưỡi dao bén ngót, rờn rợn, đau rát thấu xương, mà trong thế bị trói thúc ké không nhúc nhích được, Đức chỉ còn có cách kêu gào thảm thiết. Hắn cười hăng hắc khoái chí, lấy cát tấp vào vết thương cho Đức oằn oại đau đớn hơn nữa. Sau đó, hắn từ từ xây qua Mai, xé toạt áo nàng, liếc dao dọa nạt. Hắn cười hô hố thưởng thức nỗi khiếp đảm của nạn nhân, rồi mới thong thả rạch vài lằn dao trên ngực nàng. Mai dãy dục, rên rĩ, kêu la... thì y càng hả hê khoái trá. Hắn lại chụp bé Linh. Đức năn nỉ xin hắn hành hạ mình và tha con, nhưng lời van nài dường như chỉ khiến thú tính hắn thêm sôi sục mà thôi. Hắn hùng hổ dở hỏng bé Linh, cầm dao như định xiên ngang họng, khiến con bé kinh hoàng hoát miệng la, mà như bị nghẹn ngào chẳng chút âm vang. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, bỗng nhiên, một bầy ong độc đen nghịt từ đâu bay đến. Bầy ong bất ngờ bu kín gã hung đồ, hắn kêu thét như heo bị thọc huyết, nổ súng vang trời, chạy thục mạng, rồi phóng nhào xuống nước chìm lĩm.

Trong khoảnh khắc đàn ong quay lại, Đức lo ngại chúng sẽ tấn công gia đình mình, ngờ đâu bầy ong vần vũ quanh bé Linh, bay theo một đường lối nhịp nhàng như vụ điệu chào mừng. Bé Linh cũng vậy, em như trong trạng thái xuất thần, xoay quanh múa may nhún nhẫy với chúng.

Sau khi đàn ong kéo nhau đí, bé Linh trở lại tình trạng bình thường. Đức liền chỉ dẫn con lượm dao găm của tên côn đồ rớt lại, cắt dây trói, rồi tức tốc đưa gia đình trở về công viên, báo cho cảnh sát nội vụ. Cả nhà được chuyển khẩn cấp đến bệnh viện để săn sóc những vết thương tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cũng đau đớn vô ngần.

Ba ngày sau cảnh sát đến báo tin đã tìm thấy tử thi dày đặc vết ong đốt của tên côn đồ nổi lềnh bềnh trên sông. Họ tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu nỗi nguyên nhân nào đã khiến loài ong lại chọn đúng gã côn đồ để chỉ tấn công tên nầy mà thôi.

Có lẽ họ sẽ ngạc nhiên hơn nữa, nếu họ chứng kiến được điệu múa loài ong cũng như tiếng hét tắt nghẹn của bé Linh. Tiếng hét ấy, Đức tin tưởng như là một thứ siêu âm tương ưng với loài ong, mà bé Linh, trong cơn khủng khiếp tiềm thức đã tự động tìm về với tiền nhân ong chúa, để đột ngột phát ra hầu kêu gọi đồng loại đến cứu nguy kịp thời!!!

Tháng 12. 1990

-----------------

Ghi chú:

(1-) Theo Thượng Tọa Trí Quang trong phần tiểu dẫn bộ Lương Hoàng Sám thì Lương Võ Đế khi hạ chiếu thỉnh cầu soạn sám đã ghi rõ mục đích là vì dân vì nước, chớ không có khoảng nào nhắc đến bà Hy Thị cả. Do đó, truyền thuyết rằng hoàng hậu là nguyên nhân của việc soạn sám, cũng như những chuyện huyền hoặc về tiền nhân, hậu kiếp của bà có lẽ chỉ là chuyện tưởng tượng của người đời sau mà thôi.

(**) Truyện ngắn "Điệu múa loài ong" hiển nhiên là chuyện liêu trai huyền hoặc, tuy nhiên chuyện hoang đường đó đã được gợi ý từ một chuyện có vẻ thật đăng trên báo Weekly News, tóm lược như sau:

Gia đình của anh Jose Villareal, gồm vợ Maria và 2 con: bốn và tám tuổi đang vui hưởng picnic cạnh bờ sông Menaro, gần Portobelo, Panama thì có tên côn đồ tên Gustavo Trelles, võ trang súng lục và dao găm, uy hiếp họ. Tên côn đồ cột đàn bà và trẻ con vào thân cây, trói thúc ké người chồng, vơ vét tiền bạc, nữ trang, rồi hành hạ hai vợ chồng bằng cách dùng dao rạch nát thân thể họ. Khi y vừa định hành hạ đến 2 đứa trẻ con, thì bỗng có bầy ong độc bay đến đốt y cho đến chết. Bầy ong vẫn tiếp tục vần vũ ở đó hằng nửa giờ mới bay đi, nhưng không hề đụng chạm chi đến gia đình nạn nhân.

Hết