Giữa tháng Sáu, trời vần vũ, mây thấp sạm đen. Mùa mưa đến muộn, bù lại, những trận mưa lớn trút nước xuống thành phố - Bên cạnh những cảnh sôi động như các sòng bạc vẫn mở trong "Đại thế giới", những thú vui "nhất dạ đế vương" vẫn diễn ra ràng các khách sạn lớn, các khu "Bình khang".. - Sài Gòn - Chợ Lớn có những đường phố ngập nước, xe hơi qua lại như xuồng máy chạy trên sông. Các miệng cống hai bên bờ những con đường lớn, nước xoáy tuôn vào như nghẹt thở...
Khu trung tâm thành phố, quanh dinh Norodom nhà thờ Đức Bà, khô ráo, yên ắng hơn. Nhất là về đêm, màn mưa thu hẹp ánh sáng những ngọn đèn đường, các con đường càng có vẻ trống vắng, những ngôi biệt thự bên đường như sớm đi vào giấc nghỉ ban đêm. Đường Garcier sau lưng nhà thờ đức Bà là một con đường như vậy. Bên đường, nhà số 8 là một ngôi biệt thự trệt như đang nấp vào bóng tối của màn mưa và các thứ bóng cây quanh nhà, mặc dầu trước cổng, trong sân, trong hành lang phía trước và ở góc nhà điện vẫn sáng. Ánh đèn phía trước cho thấy một hàng rào sắt và hai cánh cửa sơn xanh khép kín. Trong sân rải sỏi. Hành lang mặt trước biệt thự tưởng chừng trống vắng, nhưng nếu vào gần, ngoặt sang tay mặt, sẽ thấy khuất vào bóng tối có một người ngồi, vừa chăm chú nhìn xéo ra sân và mặt đường phía trước, vừa có thể trông chừng vào căn phòng bên trong đang có một người ngồi bên chiếc bàn lớn. Đó là một người Mỹ cao lớn, bộ mặt khá hấp dẫn; đôi mắt xanh nâu sắc sảo, nụ cười nửa miệng châm biếm, hàng ria mép tỉa công phu: đại tá Edward G. Lansdale.
Người trước hành lang là một tên người Việt thân hình rắn chắc, tóc cắt cao, mắt sắc, hàm râu quai nón cạo sạch vẫn để lại dấu vết màu xanh trên da mặt, làm rộng thêm khuôn cằm khỏe mạnh. Hai cánh tay hắn trần trụi cuồn cuộn bắp thịt, cổ lớn như cột trụ. Tuy tuổi đã bốn mươi, hắn vẫn giữ được phong thái một võ sĩ từng lên đài. Mười năm trước, Tý là một võ sĩ chuyên nghiệp, từng hạ nhiều đối thủ trên các vũ đài ba nước Đông Dương. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, thiếu tá Lucien Conein được Mỹ cử qua giúp Bộ tư lệnh viễn chinh Pháp ở Việt Nam đã phát hiện ra tên võ sĩ này và tổ chức hắn làm điệp viên.
Suốt bốn năm cộng tác, Tý đã tỏ ra rất mực trung thành và được việc. Vì vậy, Edward G. Lansdale sang, ở riêng trong ngôi biệt thự kín đáo này, Conein đã bố trí Tý sát bên viên sĩ quan cao cấp đó của CIA, vừa làm quản gia, hầu cận, vừa cận vệ.
Edward G. Lansdale đang dùng bữa ăn đêm thường lệ với một đĩa thức ăn nguội và một cốc vang do Tý mang vào, vừa đọc báo trong ánh đèn bàn dịu mát dưới bóng chao xanh. Tý lui trở ra, ngồi lẫn trong bóng tối trước hành lang.
Ngôi nhà tưởng chừng như ngủ yên, bỗng có tiếng còi xe hơi nhấn nhẹ, nhưng nghe rất rõ trước cổng. Tý vội vàng đứng lên đi ra. Lát sau, một tên Mỹ khoảng ba mươi tuổi, mở cửa bước vào, Lansdale ngẩng mặt nhìn lên:
- Philipps hả. Có việc gì đấy?
Viên trung úy cận vệ trưa mới vào tiến lại bê n bàn:
- Thưa đại tá, có điện của Trung tâm.
Mở chiếc cặp bìa đen, Lansdale nhẩm đọc:
"Ad gửi Brod
Đã nhận được báo cáo. Đồng ý những đề nghị của anh. STOP.
Cần nhanh chóng chặn đứng mọi ý đồ của Pháp tại Việt Nam. STOP.
Diệm sẽ về Sài Gòn ngày 25/6/54. STOP FINAL".
Lansdale chậm rãi gập cặp bìa để sang bên cạnh, ra hiệu cho Philipps ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Tý mang lên hai ly cà-phê còn bốc khói. Lansdale vừa nhấp từng ngụm cà-phê vừa hỏi:
- Bên đó công việc tiến đến đâu rồi?
Philipps vẫn cầm chiếc ly trên tay:
- Thưa, trung tá Chuck Hash ở Hà Nội chưa có tin gì thêm ngoài báo cáo hôm qua đã trình đại tá. Trung tá Sam Karich còn làm việc với linh mục Nguyễn Văn Thuận tại Huế. Trung tá Ed Quereau đi Vĩnh Long gặp giám mục Ngô Đình Thục đã về hồi tám giờ tối, sẽ sang báo cáo đại tá vào sáng sớm mai.
- Nhà cửa xong chưa?
- Thưa đại tá xong cả rồi. Ba căn nhà hướng ra hai mặt đường khác nhau, phía sau thông thương qua lại kín đáo. Phòng điện đài đặt dưới hầm rượu, ngay bên trên là phòng làm việc của đại tá. Phòng họp chung ở căn nhà trong cùng. Trên lầu, cả hai căn ngoài kê hàng tủ đứng trong chửa bao cát, bố trí không thua gì một lô-cốt chiến đấu. Vũ khí đã nhận bên phái bộ MAAG chuyển về rồi.
Lansdale đã từng chung sống và hoạt động với mười hai tên sĩ quan cấp dưới suốt bốn năm ở Philippine. Hắn tin cậy vào khả năng của từng tên, đặc biệt ba viên trung tá trợ lý đã gần hai mươi năm hoạt động tình báo ở nước ngoài có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ, về chống du kích khi chúng hoạt động ở Nam Tiều Tiên và Thượng Hải. Thế giới chiến tranh lần thứ hai, cơ quan CIA tung chúng vào các binh chủng, đào tạo thành chuyên viên hàng hải, cơ khí, hóa học... Chúng vừa thông thạo chiến đấu như bất cứ tên lính nào ngoài mặt trận, vừa có thủ đoạn ám sát, bắt cóc, gây đoạn, lật đổ chính quyền. Lansdale ít khi phải phàn nàn mỗi khi giao nhiệm vụ cho chúng.
Đặt chán đến Sài Gòn, Lansdale lại được thuộc viên Lucien Conein, một điệp viên đã từng có mặt gần mười năm ở Việt Nam đích thân đưa đi thăm các thành phố lớn từ Hà Nội vào Nam, và báo cáo chi tiết tình hình về mọi mặt.
Lansdale đã nhận thấy những khó khăn mà Ngô Đình Diệm sẽ phải đương đầu, cũng chính là những khó khăn của bản thân hắn. Hắn cho rằng Pháp đã sai lầm nghiêm trọng trong việc buông thả, chưa nói đến khuyến khích cho các phe phái vũ trang cát cứ từng vùng, đẩy hàng triệu dân bản xứ đến chỗ căm thù vì đã để cho các "lực lượng bổ sung" tự do cướp bóc, tàn sát. Nào tập đoàn Trần Văn Soái ở miền Tây, nào Le Roy ở Bến Tre, Nguyễn Thành Phương ở Tây Ninh. Ngay tại Sài Gòn - Chợ Lớn đây, Bảy Viễn tách khỏi các lực lượng Binh Xuyên khác, về đầu hàng Pháp, được giao nắm trọn quyền công an, cảnh sát. Năm ngàn lính của hắn tự do lộng hành, không còn kể một thứ luật pháp nào...
Lansdale cúi xuống cho Philipps bật lửa châm điếu thuốc hắn vừa gắn lên môi, thở nhẹ từng vòng khói:
- Chúng ta đang ở trong thành phố hầu như sống theo luật rừng này, nguy hiểm đấy.
Hỏi coi Joe Redich về chưa, kêu điện thoại bảo đến gặp tôi gấp!
Chỉ một lúc sau lại có tiếng xe hơi trước cổng. Một tên Mỹ khác vào. Đó là Joe Redich, cũng như R. Philipps, là hai cận vệ tin cậy của Lansdale. Chúng nói thạo tiếng Pháp, được huấn luyện Thái cực đạo đến hạng đai đen, biết bắn súng bằng cả hai tay rất trúng mục tiêu di động. Trong bốn năm theo Lansdale hoạt động tại Philippine, chúng đã từng bắt cóc, ám sát nhiều người Phi yêu nước và cứu thoát được Lansdale bốn lần bị phe đối lập của Mngsaysay, tổng thống Philippine, mưu sát.
- Thế nào? Gặp thiếu tá Conein chưa?
Redich đưa cho Lansdale một phong bì dán kín.
- Tôi phải chờ, lâu lắm thiếu tá mới từ tòa đại sứ trở về. Thiếu tá dặn tôi chuyển thư này về gấp, trình đại tá.
Lansdale cắt bì thư chăm chú đọc:
"Z7 gửi TT
1. Một nhóm các chủ đồn điền, các công ty tàu, mỏ, cao su... có tài sản ở Việt Nam, đến gặp tướng Paul Ely. Họ báo cho Ely rằng họ biết chính phủ Pháp đã ký hiệp định đình chiến trong một ngày gần đây. Họ yêu cầu Bộ tư lệnh Pháp ở đây hãy tuyên bố chống việc nhượng bộ Mỹ, họ tình nguyện đóng góp tiền bạc ủng hộ quân đội viễn chinh ở lại bảo vệ tài sản của họ, của cả nước Pháp tại miền Nam. Tướng Ely trả lời chưa được tin chính thức; nếu là tin đúng, sẽ bàn tính lại.
2. Trung tướng Nguyễn Văn Hinh và Nguyễn Văn Vỹ vừa đến gặp Ely trình một bức điện mật của Bảo Đại. Nội dung bức điện chưa biết, nhưng sau đó tướng Ely ra lệnh cho phòng quân khí giao cho trung tướng Vỹ 2000 súng lớn nhỏ, loại mới, và 10 tấn đạn. Được biết Vỹ chỉ có một ngàn rưỡi quân Bảo Hoàng, vũ khí quá xưa, hiện đã tập trung hết lên Đà Lạt".
Lansdale đứng lên, rít từng hơi thuốc dài. Hắn suy nghĩ về nội dung bản báo cáo của tên điệp viên Pháp. Bọn Pháp ở đây khá nhậy bén. Chúng biết tin mau và chính xác: chính phủ Pháp sắp ký hiệp định Geneve. Bao nhiêu quyền lợi sống còn của chúng, hàng tỷ đô-la, nào cao su, cà-phê, nào than mô, xăng dầu... bao nhiêu mồ hôi và máu? ... Chúng có thể xúi giục quân đội viễn chinh Pháp bạo loạn, chống lại quyết định của chính phủ Pháp ký hiệp định, bỏ rơi quyền lợi của chúng ở Việt Nam và Đông Dương. Trong tình hình hiện nay, chính phủ Pháp có đủ sức dẹp một lực lượng 300 ngàn quân bạo loạn ở nước ngoài không? Thêm vào, còn trên 50 ngàn quân bản xứ của các phe phái còn trung thành với Pháp và ủng hộ Bảo Đại? Nếu việc trên xảy ra, ý đồ của Nhà Trắng khó mà thành tựu. Ngô Đình Diệm về nước sẽ bị cô lập, rơi vào thế kẹt! ... Nhưng Bộ tư lệnh Pháp có thể chủ quan cho rằng họ còn có thể làm chủ được tình thế. Họ vẫn còn có Bảo Đại làm quốc trưởng, với tướng Hinh nắm quyền chỉ huy quân đội, tướng Vỹ có gần 2000 quân đã được trang bị lại, đại tá Le Roy với 5000 quân "Lực lượng bảo vệ Thiên Chúa giáo" ở Bến Tre, các giáo phái Cao đài, Hòa Hảo, 10000 lính Bình Xuyên của Bảy Viễn. Tất cả đủ sức mạnh lật Diệm, cần thì diệt! Họ không cần dấn thân vào con đường nguy hiểm, chống lệnh chính phủ Pháp trong lúc này...
Suy nghĩ đến đây, Lansdale vớ vội mớ hồ sơ, đi vào phòng ngủ, cũng là phòng làm việc riêng của hắn. Hắn nôn nóng thảo ngay một bức điện gửi về Trung tâm:
"Brod gửi Ad.
1. Có hiện tượng Paul Ely bị bọn chủ đồn điền, công ty xăng dầu, tàu biển... ở đây xúi giục chống thỏa hiệp Pháp-Mỹ, duy trì quân đội viễn chinh làm bạo loạn, bảo vệ tài sản cho chúng.
2. Pháp sử dụng các lực lượng vũ trang bản xứ chống Diệm, chắc chắn sẽ diễn ra, dù Diệm nhượng bộ thành lập chính phủ liên hiệp như đã tính, cũng khó tránh khỏi.
Đề nghị:
- Cảnh cáo chính phủ Pháp và ý đồ bạo loạn của tập đoàn Paul Ely càng sớm càng tốt.
- Pháp phải trao trả quyền chỉ huy quân đội bản xứ cho Diệm ngay khi Diệm về nước chấp chính.
- Ngân sách viện trợ phần dành cho Việt Nam, không qua tay Pháp, giao trực tiếp cho chính phủ Diệm và phải bàn giao ngay tổng ngân khố, các ngân hàng lệ thuộc, dù dự trù ngân sách viện trợ qua tay Pháp trong năm 1954 còn hiệu lực.
Chúng tôi đã tiến hành các công việc sau đây:
1. Giao cho Ngô Đình Nhu một triệu đô, chi phí tổ chức đảng Cần lao Nhân vị. Đã tập hợp ba trăm ngàn đảng viên ở Trung Việt và trên hai trăm ngàn ở Sài Gòn. Số đảng viên đang phát triển mạnh. Đã thành lập các ban lãnh đạo từ trung ương, thành phố, thị xã và các tỉnh, sẽ tiến hành tới quận, huyện.
2. Ba trung tâm huấn luyện tâm lý chính tri: Sài Gòn, Phú Cam (Huế), và Vĩnh Long (Giáo khu giám mục Ngô Đình Thục), tuần tới sẽ bế mạc khóa đâu với ba trăm học viên, trong đó có 50 linh mục sẽ là tuyên úy quân đội trong tương lai.
3. Dành một triệu đô bước đầu cho chiến dịch vận động di cư vào Nam. Đã tập trung và tuyển mộ toàn lực lượng bảo an miền Bắc, đa số là giáo dân thuộc các tỉnh trung du, và quy tụ được 3 trung đoàn lính Nùng. Từ đây, xây dựng cho Diệm lực lượng vũ trang nòng cốt, trung thành, tiến tới một quân đội mạnh trong tương lai.
4. Kế hoạch phân hóa các lực lượng vũ trang giáo phái đạt hiệu quả cao có thể chuyển một phần ba lực lượng tay sai của Pháp thành của Diệm.
5. Các phương án đã được Trung tâm duyệt y, đang thực hiện.
Brod".
2.
Sáu giở sáng, đường Catinat còn vắng người đi lại, chiếc xe Jeep nhà binh Pháp vẫn để đèn cốt, chầm chậm từ phía nhà hát thành phố chạy tới trước khách sạn Catinat thì dừng lại. Trong khách sạn còn sáng đèn, quầy quản lý đã có ba nhân viên ngồi làm việc. Phòng ăn bên cạnh, ba bốn bồi phòng lăng xăng dọn dẹp.
Từ trên xe, viên sĩ quan Pháp đeo lon thiếu tá, khoan thai bước xuống đi vào khách sạn trong khi tên thượng sĩ người Việt, tài xế, vẫn ngồi bên tay lái. Viên quản lý kéo xệ cặp kính lão để nhìn rõ mặt khách mới vào. Hắn đứng dậy cúi đầu kính cẩn:
- Ngài thiếu tá cần gì chúng tôi?
- Ông khách phòng 22 hẹn gặp tôi 6 giờ. Tôi đến chậm rồi nhỉ?
Viên quản lý rời khỏi quầy, bước ra hơi vội nên thân hình vẫn cong cong như còn giữ tư thế đang ngồi bàn tính toán, hắn đưa cả hai bàn tay ra nắm lấy bàn tay to lớn của tên thiếu
tá Pháp:
- Cụ Hiến vừa dạy đấy, xin mời thiếu tá lên lầu.
- Cám ơn.
Tên sĩ quan Pháp tiến lên cầu thang. Hành lang im lặng. Các cửa phòng hai bên còn đóng kín. ánh sáng từ căn phòng số 10 hất ra một vạch sáng chéo, chiếu ngang qua cửa phòng ghi số 22. Hấn đi tới trước cửa phòng số 10 đã hé mở, nhìn thấy hai tên công an Bình Xuyên đang ngồi uống cà-phê. Cả hai nghe tiếng chân người quay đầu nhìn ra, bỗng có tiếng một vật gì đó rơi xuống sà l, một bụm hơi bốc Lên, cánh cửa phòng đóng lại. Tên sĩ quan Pháp tin chắc hai tên công an đã ngủ say vì làn hơi mê cực mạnh hắn vừa ném vào phòng, hắn rút chìa khóa riêng khóa cửa lại. Quay qua phòng 22, hắn gõ nhè nhẹ. Không phải chờ lâu, cửa mở, ánh đèn từ trong phòng ùa ra soi rõ chiếc cầu vai có bốn vạch vàng óng ánh, chiếc mũ kê-pi sừng sững.
Chủ căn phòng hơi nghiêng đâu chào lại khi viên thiếu tá Pháp vừa giơ tay lên mũ chào theo kiểu nhà binh.
Nhường chỗ cho khách đi vào phòng, người chủ khép cửa và quay lại bắt tay:
- Xin lỗi thiếu tá.
- Tôi, Jean DuPont, kính chào ngài Thủ hiến.
- Xin chào ngài thiếu tá DuPont, mời ngồi. Tôi vừa dạy chưa kịp thay đồ... - Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí hơi băn khoăn nhìn xuống bộ quần áo ngủ của mình.
- Không sao, tôi chỉ xin yết kiến ngài vài phút, có chút việc khẩn cấp.
Hắn vừa nói vừa ấn mạnh Trí ngồi xuống chiếc ghế salon đặt trong góc phòng. Trí chưa kịp ngạc nhiên về thái độ sỗ sàng của khách, hắn đã rút ra từ ngực áo khẩu súng lục nòng dài:
- Ngài Thủ hiến chắc biết đây là súng có bộ phận hãm thanh, bên ngoài không nghe tiếng nổ, ngài đừng nói to tiếng, cũng không nên chống cự, tôi chỉ hỏi ngài vài câu. Xong tôi để ngài bình yên. Đừng ngại!
Hắn lùi lại sát cửa phòng, khóa cửa, rồi ung dung trở về ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Trí. Tên Thủ hiến thường ngày oai vệ, giờ này co rúm người lại, run rẩy lắp bắp:
- Vâng, thiếu tá... cần hỏi tôi điều gì?...
Đưa mũi súng hướng vào đầu người đối thoại, tên thiếu tá Pháp cười cười:
- Chẳng có gì quan trọng. Chỉ xin ngài trả lời tôi vài câu, viên đạn này sẽ không chịu ai nói dối nó.
- Nào nghe đây. Ai cho ông biết tin Pháp sẽ bỏ miền Bắc rút vào Nam?
- Ngài Quốc trưởng Bảo Đại viết thư tin cho tôi biết.
- Trong khi quân Pháp chưa rút khỏi Bắc Việt, ai ra lệnh cho ông tự từ chức Thủ hiến?
- Cũng Quốc trưởng ra lệnh vì hiệp định đình chiến sẽ ký, quân đội Pháp phải bỏ miền Bắc. Pháp đã thua Việt Minh cộng sản, lại nhượng nửa nước còn lại cho Hoa Kỳ. Đứng trước khó khăn Pháp đành hòa hoãn, nhưng phải tính cách giành lại khi có cơ hội. Quốc trưởng lệnh tôi từ chức sớm, vào Nam lo sắp xếp lực lượng để cầm cự với ông Diệm, chờ Pháp can thiệp.
- Ông đang làm gì và sẽ làm gì gọi là sắp xếp lực lượng?
- Tôi đã bàn với ông Phan Văn Giáo, Thủ hiến ở Huế, giúp cho lực lượng vũ trang của đảng Đại Việt người Bắc vào chiếm cứ khu Ba Lòng khi Việt Minh rút đi. Tôi đã gặp Thủ hiến Nam Việt và ông trung tướng Vỹ, quy tụ lực lượng chiếm ngay những vùng chiến lược, có khả năng tự túc, tự bảo vệ khi bị tấn công như Đà Lạt, vùng Cao Nguyên, Đồng Tháp miền Tây, vùng cao su miền Đông Nam Việt. Toàn đảng Đại Việt, mà tôi là Tổng bí thư, cử tôi liên lạc với các đảng phái thân Pháp, các giáo phái, để tính việc lật ông Diệm ngay từ buổi đầu ông ta về nước. Đó là tất cả những gì tôi đang làm và sẽ làm. Nhưng có làm gì đi nữa, thì tôi cũng chỉ để phục vụ quyền lợi của nước Pháp các ngài, chúng tôi đã từ lâu trung thành với Pháp.
- Rất cám ơn ngài Thủ hiến.
Tên thiếu tá tỏ ra vui vẻ, Trí bớt phần khiếp sợ nhưng vẫn lấm lét nhìn họng súng luôn luôn hướng thẳng vào đầu mình. Cầm tập giấy viết thư ở trên bàn ngủ, đặt xuống trước mặt Trí, viên thiếu tá ra lệnh:
- Ông sẽ viết theo những lời tôi đọc đây.
Trí ngơ ngác giây lát, nl ưng vẫn cầm viết để chở.
- "Sài Gòn, ngày... tháng... năm. Kính gửi quí Anh". Xuống dòng. Viết tiếp: "Số tiền quỹ của Đảng hiện tôi còn giữ là... " bao nhiêu nào?
- Dạ, còn bốn trăm ngàn quan Pháp và ba triệu tiền Đông Dương. Nhưng vào đây tôi đã mua vàng, kim cương, hiện tôi có hóa đơn đây.
- Được ông viết đúng như lời ông vừa nói đi. Rồi chưa? Viết tiếp: "Bất cứ lúc nào có lệnh của các anh, tôi xin hoàn trao lại đủ . Chấm câu. Tiếp: "Những lời đồn đại vô căn cứ, xin các anh chớ tin, tôi thề không bao giờ trốn chạy, cũng không có ý xấu chiếm đoạt tiền chung của Đảng". Chấm hết. Ông ký tên đi.
Viết xong, Trí ngước mắt nhìn viên thiếu tá định hỏi, có lẽ có ý thắc mắc về những điều vừa viết. Nhưng một tiếng nổ nhẹ phát ra, không âm vang, bên ngoài có nghe cũng chỉ như tiếng một vật gì đó rơi mạnh xuống sàn. Tên thiếu tá đặt tập giấy vào chỗ cũ, ngắm nạn nhân nằm ngửa đầu ra thành ghế, trên thái dương một vệt máu đang rỉ ra. Hắn rút khăn tay lau hết dấu vết ở những chỗ hắn nhớ đã chạm vào: trên bàn, cây viết, nắm cửa. Hắn tắt đèn, ra khỏi phòng, khóa cửa lại. Xuống hết cầu thang, hắn giơ bàn tay vẫy chào viên quản lý rồi ung dung ra đường. Hắn vừa ngồi vào xe, chiếc xe Jeep rồ ga phóng thẳng về phía bờ sông, lẩn vào hai dòng xe xuôi ngược.
Việc Thủ hiến Bắc Việt bị ám sát được nhà đương cục bịt kín, chỉ gây xôn xao trong giới các đảng phái tại Sài Gòn và trong nhóm chỉ huy quân đội Pháp. Sáng hôm sau, tướng Paul Ely mới nhận được bân báo cáo chi tiết, tỉ mỉ của Phòng Nhì. Thiếu tá Salvani trưởng Phòng nhì quân đội Pháp xác nhận rằng, việc bảo vệ Nguyễn Hữu Trí đã giao cho tên giám đốc công an Sài Gòn Lại Văn Sang ngay từ ngày Trí đến và trong suốt thời gian ở khách sạn Catinat. Nơi đây là trung tâm khu vực có an ninh tối đa. Trí đi lại trong thành phố đều có xe và tài xế riêng của công an đưa đón. Trước phòng Trí ở có hai cận vệ của giám đốc Sang ngày đêm canh gác, kiểm tra khách ra vào. Viên quản lý khách sạn là cơ sở tin cậy của Phòng nhì Pháp.
Sự kiện đáng tiếc xảy ra, theo báo cáo của Salvani, chỉ trong khoảng nửa giờ. Bọn sát nhân gồm hai tên, một đóng vai thiếu tá Pháp. Quản lý khách sạn xác nhận đúng là người Pháp, nói tiếng Pháp rõ ràng, đúng giọng. Tên này đã tung chất nổ có chữa thuốc mê cực nhanh, làm vô hiệu hóa hai tên gác, và hạ sát Trí bằng súng có bộ phận hãm thanh. Tên lái xe không rõ là Pháp hay Việt, lúc đó không ai lưu ý nhưng xác nhận tên này mặc binh phục. Chúng đi xe Jeep của quân đội Pháp. Hai giờ sau mới phát hiện ra vụ án, không còn dấu vết gì, rất khó tìm ra tung tích hung thủ, trong gần ba trăm ngàn lính Pháp tại đây. Chỉ có bức thư Trí viết gởi các đảng viên Đại Việt là có thể làm căn cứ để nhận định. Thư không ghi rõ tên ai, phân trần là Trí không trốn chạy, không có ý định lấy tiền quĩ của đảng. Thư mới viết xong, chưa kịp gửi đi. Kết luận: đây là thanh toán lẫn nhau trong nội bộ về vấn đề tiền bạc.
3.
Lansdale vừa ăn sáng, vừa đọc các báo cáo, theo thói quen hàng ngày. Trong góc phòng, tên quản gia trung thành kiên nhẫn ngồi chờ chủ. Bỗng Lansdale bật cười thành tiếng, ngước mắt nhìn Tý:
- Khá đấy! Kế hoạch "Bốc hơi 22" hoàn toàn giữ được bí mật. Bọn chúng kết luận là.
thanh toán lẫn nhau vì tiền bạc. Chúng không đánh hơi thấy các chú mày.
Bỗng chuông cổng réo hai hồi, Tý vội vàng đứng lên bước ra. Chiếc taxi hai màu xanh trắng, loại bốn ngựa đang thông dụng, chạy thẳng vào sân và dừng lại trước thềm. Người tài xế bước xuống mở cửa sau. Một người đàn ông trung niên đeo kính trắng, bận đồ! ớn màu xanh nhạt, tay xách cặp, rời xe, khoan thai bước lên thềm. Lansdale đã từ phòng khách đi ra. Ông khách sang trọng tránh qua một bên, nhường cho người tài xế bước tới trật nón nỉ, bắt tay viên đại tá CIA:
- Kính chào đại tá.
- Thiếu tướng mạnh giỏi?
Họ kéo nhau vào phòng khách. Người tài xế taxi chính là viên tướng Cao Đài ly khai Trình Minh Thế. Cùng đi với hắn và đóng vai người khách là Lê Khắc Hoài, bí thư của Thế, dịch tiếng Pháp.
- Đại tá không quản vất vả lặn lội lên rừng núi Bà Đen thăm Thế này, không lý Thế tôi lại sợ chết không dám về thăm trả lễ?
- Rất hân hạnh. Nhưng tôi đến với thiếu tướng chỉ khó nhọc chút ít. Thiếu tướng tới với tôi rất là nguy hiểm. Bọn Pháp đang treo giải một triệu động giá cái đầu mưu lược của thiếu tướng đấy.
Họ cất tiếng cười ha hả, trót rượu cụng ly, chúc nhau sức khỏe.
Cách đây hơn một năm, sau những cuộc đối đầu vì quyền lợi trong nội bộ tướng tá Cao Đài Trình Minh Thế đá thày, bỏ bạn, kéo theo hơn hai ngàn quân vào rừng già cạnh núi Bà Đen, lập "Mặt trận quốc gia liên minh", tuyên bố chống Pháp, chống Việt Minh, chống cả chính phủ Bảo Đại. Nhưng để rồi theo ai? Ủng hộ ai? Che giấu làm sao được những hành động cướp của, giết người? Nó cáo rao sẽ phò hàng cha chú của Bảo Đại kia! Đó là hoàng thân Cường Để. Thực ra, Thế chưa biết mặt mũi cái ông hoàng này đã phiêu bạt sang Nhật từ thuở Thế còn ở lỗ chăn trâu. Hắn chỉ nghe hơi là Cường Để xuất ngoại để cầu cứu Nhật đánh đuổi dùm bọn Pháp. Nhưng Pháp đầu hàng, chẳng thấy Nhật cho Cường Để về. Tuy vậy, Thế vẫn rêu rao tôn thờ ông hoàng đó cốt để che lấp đi cái xấu xa đã làm tay sai cho Pháp, từng được chính tay một thiếu tá trưởng Phòng nhì Pháp gắn cho cái lon thiếu tướng giả hiệu. Thế còn tính toán thiệt hơn, thấy tiền bạc mình cướp của dân còn nhiều gấp trăm nghìn lần tiền lương Pháp trả. Mặt khác, làm cận tướng cho Đức hộ pháp Phạm Công Tắc vừa bị ràng buộc, vừa chẳng bằng ai! Vậy là Thế ly khai để tung hoành một cõi. Nhưng mới ra rừng vài tháng, hắn đã bị bao vây bốn phía. Việt Minh chẳng dung, Pháp cũng chẳng tha, Phạm Công Tắc ra lệnh diệt tên phản đồ, Bảo Đại tuyên bố đặt Thế ra ngoài vòng pháp luật. Trong bước đường cùng, Thế đang khoanh tay chờ chết, bỗng một ân nhân xuất hiện: thiếu tá Lucien Conein của CIA đang nằm ẩn phục trong Bộ tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp. Conein lập kế mớ vòng vây về phía Pháp cho Thế rút chạy rồi bí mật cấp thêm súng đạn và tiền. Quả là "Con mắt thần" đã chỉ đường cho hắn được gặp Conein. Hắn nguyện trung thành với chủ mới. Cách đây hơn mười ngày, đại tá Lansdale thay mặt Trung tâm CIA tới tận mật khu thăm hắn, công nhận cấp thiếu tướng của hắn, cấp thêm vũ khí, trả lương liên tục cho hơn hai ngàn lính. Tất cả bằng hai, ba lần Pháp cấp trước đây. Thế tập trung toàn thể đàn em, quỳ hôn lá cờ Mỹ đầy sao, tuyên thệ trung thành phục vụ chủ mới. Thế hết mực xúc động khi Lansdale trao cho hắn quà tặng của Tổng thống Hoa Kỳ: một khẩu súng ngắn có khắc tên, một va-li đầy ắp tiền Đông Dương, và cặp quân hàm thiếu tướng. Khi ra về, Lansdale căn dặn hắn:
- Tránh đụng độ, ém binh ẩn kín, luyện quân, dường quân, không cướp bóc của dân khi đã có tiền Mỹ trả để giải tỏa lòng căm phẫn lâu nay của dân, gây ảnh hưởng chính trị sau này.
Giờ đây để chứng minh vâng lời của mình, Thế báo cáo: .
- Chấp hành lệnh của đại tá, tôi đã phân tán từng đại đội vào sâu trong rừng, ngày đêm luyện tập. Nhờ ăn no, mặc đủ, tinh thần quân lính phấn chấn. Chỉ trông chờ đại tá dùng đến, anh em sẵn sàng lao vào lửa đỏ, biểu lộ lòng trung thành với đại tá.
Trước nhiệt tình của Thế bày tỏ, Lansdale vốn là con người lạnh lùng, cố làm ra vẻ cảm động, nắm chặt cánh tay Thế, thân mật:
- Tôi được chính phủ Mỹ giao nhiệm vụ giúp ông Diệm về chấp chánh, giữ lấy nước Việt Nam này khỏi vào tay cộng sản. Nhưng hiện nay, ông Diệm phải đối đầu với nhiều khó khăn. Được thiếu tướng thật tâm cộng tác với ông ta lúc này tôi coi như phục vụ cho chính quyền lợi của nước Mỹ vậy. Riêng đối với tôi, thiếu tướng phải là cố vấn của tôi đấy.
Thái độ cởi mở của tên đại tá CIA khiến Thế hởi lòng, hởi dạ. Hắn cười thật tươi, lộ vẻ vui mừng trên khuôn mặt rám nắng:
- Không dám. Thế tôi chỉ nhận làm một thuộc viên dưới quyền sai bảo của đại tá. Sẵn sàng nhận lệnh và được đại tá tin dùng đã là một vinh hạnh cho tôi rồi!
Lansdale cười lịch sự, nói:
- Những khi cần hiểu kỹ nội tình ở đây, cần biết rõ những con người quanh tôi, rồi phong tục tập quán và nhiều thứ khác nứa, có phải tôi cần đến thiếu tướng đúng không nào?
Hắn trót rượu đầy ba ly:
- Nào! Mời thiếu tướng, mời ông Hoài, chúng ta nâng ly chúc sự hợp tác tốt đẹp?
Mạnh dạn tung tiền mua chuộc Thế với hai ngàn năm trăm lính, có thể Lansdale đã thật tình khi gắn cho Thế chức danh "cố vấn", vì hiểu rõ nội bộ Cao Đài không ai bằng Thế.
Đã có được một lực lượng trung thành ém cạnh giáo phái Cao Đài, một đối thủ mạnh chiếm cứ vùng chiên lược có núi, có rừng ở sát nách Sài Gòn, trong khi Diệm chưa có lực lượng trong tay, Lansdale coi đó là một thắng lợi. Nhưng không chỉ dừng ở đấy. Như hắn đã báo cáo về trung tâm: "Phân hóa các lực lượng vỡ trang giáo phái đạt hiệu quả cao có thể chuyển một phần ba lực lượng của Pháp thành của Diệm"... Hắn đang nhắm vào Cao Đài ở Tây Ninh, và không ai hơn, Thế sẽ giúp hắn thực hiện âm mưu này.
Sau Thế, hắn đang tính đến Nguyễn Thành Phương, trung tướng Tư lệnh quân đội Cao Đài, nắm quyền chỉ huy hai mươi ngàn quân án ngữ phía Bắc và Đông Bắc Sài Gòn. Hắn đã hỏi Thế về Phương. Được biết vợ cả của Phương nguyên là nữ đồng trinh được Phạm Công Tắc tuyển vào cung "thờ phụng thần thánh". Hồi đó Phương mới là sĩ quan cận vệ. Tắc đem cô gái ấy gả cho Phương. Sau nhờ lập được nhiều công, Phương được phong cấp tướng, vợ trở thành nữ phối sư trong số 36 phối sư của Tòa thánh. Từ đó, vợ chồng Phương có nhiều quyền thế cả trong việc quân lẫn việc đạo trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh.
Mới đây, khoảng một năm, Phương đã lén lút mua một cô gái trẻ làm vợ bé. Cô này sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ bị Pháp giết hại trong một trận càn, được bà con đem về nuôi dưỡng, rồi gả bán cho Phương. Phương giấu cô vợ bé trong một biệt thự ở Sài Gòn, hết lòng thương yêu, săn sóc. Lansdale đã bàn mưu với Thế, báo cho vợ Phương biết, xúi bắt cóc cô vợ bé về trị tội. Vợ Phương quá ghen, ra tay ngay. Nhưng trên đường đưa cô ta về, Thế lại bố trí giải thoát. Lansdale cho tên tay sai có tài giao dịch, có tướng đạo mạo, lại giàu tiền bạc, đóng vai hiệp sĩ, dọc đường gặp chuyện bất bằng can thiệp. Đó là Ngô Trọng Hiếu. Hiếu không những đem trả cô vợ bé nguyên vẹn lại cho Phương mà còn tặng một biệt thự riêng tại Thủ Đức, kín đáo, để Phương yên tâm cất giấu cây hạnh phúc của mình. Ngô Trọng Hiếu trở thành bạn tâm giao của viên tư lệnh Cao Đài.
Sau vụ này, thêm vào một vài tin tức do Hiếu cho biết, Phương nghi Đức hộ pháp cố ý hạ uy tín mình, đã tước binh quyền giao lại cho tướng Nguyễn Văn Thành. Mầm phản trắc manh nha. Hiếu đang âm thầm nuôi dưỡng tiếp. Hơn ai hết, Thế biết Lansdale đang lo về lực lượng phe phái đối lập với Diệm. Hắn ra sức lập công với chủ:
- Vừa rồi tôi cùng ông Hoài bàn với nhau, định giúp đại tá một tay giải quyết vấn đề Bảy Viễn. Tuy bọn này chẳng đáng gì, nhưng cũng là con muỗi vo ve làm cho đại tá khó ngủ.
Trước đây tôi có quen với Thái Hoàng Minh, hiện là trung tá, tham mưu phó của Bảy Viễn. Tên này có khả năng và can trường. Đã từ lâu, tôi biết hắn không ưa Tư Hiếu, vừa là tham mưu trưởng vừa là em rể của Bảy Viễn. Hai đứa đã hục hặc nhau. Đấy là một sơ hở nguy hiểm cho Viễn nhưng có thể vì chủ quan, Viễn không thấy. Với chúng ta, đó là một thuận lợi để lôi kéo Thái Hoàng Minh. Được hắn, đại tá không còn lo gì Viễn nữa.
Lansdale rất mừng, vì chính vấn đề Bình Xuyên đang hoàng hành ngay tại Sài Gòn này làm cho hắn rất quan tâm:
- Như vậy là thiếu tướng đã có diệu kế kéo được Minh về với chúng ta? - Những ngày còn hàn vi, Minh đi làm công cho Triệu Vĩnh Kỳ, một thương gia Hoa Kiều hiện nay là bang trưởng Triều Châu ở Chợ Lớn. Kỳ thương Minh đã đem đứa cháu gái gả cho làm vợ. Hồi Viễn ở bưng về đầu Pháp, Kỳ dựa vào thế của Viễn làm ăn, và qua giao dịch thân thiện Viễn đã tuyển lựa Minh vào làm cận vệ, cất nhắc lên đến sĩ quan tham mưu. Bản chất của Kỳ là tham tiền, cần dựa thế, đại tá thỏa mãn hai điều đó, tôi tin là hắn sẽ dâng Minh cho đại tá.
Lansdale gật đầu tán thưởng:
- Nhưng Kỳ làm ăn gì với Viễn?
- Đa số tư sản Hoa kiều ở Chợ Lớn, ngoài việc buôn bán công khai, chúng vẫn lén lút buôn lậu thuốc phiện, vàng bạc, kim cương, ngoại tệ. Nhờ đó chúng rất mau trớ thành tỷ phú. Nếu đại tá cho Kỳ nắm độc quyền phân phối thuốc phiện, tôi cam đoan sẽ đem Minh về với đại tá và phân nửa số quân của Viễn sẽ theo Minh.
- OK. Tôi sẽ ra lệnh cho thiếu tá Conien cùng giải quyết vụ này với thiếu tướng.
Thế đứng lên:
- Chúng tôi đến để bàn với đại tá có việc đó thôi. Xin tạm biệt để tránh làm mất thì giờ của đại tá?
Hắn chụp chiếc nón nỉ lên đầu và cười:
- Xin thứ lỗi cho kẻ sống ngoài vòng pháp luật, buộc phải cải trang.
Lansdale cũng cười vui vẻ đích thân tiễn khách ra xe. Chiếc xe lại lăn trên sân sỏi, chạy thẳng ra cổng.
4.
Ba căn biệt thự lâu chiếm một khu vuông góc hai con đường giao tiếp - đường Pasteur và Chasseloup trung tâm thành phố Sài Gòn. Từ chiều, những chiếc xe hơi đủ kiểu loại, đủ màu sắc, lần lượt lướt vào ngõ tối, rồi mất hút sau dãy hàng rào kín đáo. Bên ngoài trông như khu biệt thự đã yên ngủ hiền hòa, nhưng vào bên trong, thấy những họng súng cực nhanh, những thùng lựu đạn luôn luôn thức tỉnh, bảo vệ cho bộ phận chỉ huy CIA đang ráo riết thực hiện "Chiến dịch mở đường" đưa Ngô Đình Diệm về chấp chánh.
Trong phòng khách căn nhà hướng ra đường Pasteur đang có cuộc họp khá đông người, ba tên trung tá CIA trợ lý của Lansdale chủ trì. Tất cả đang chăm chú nghe báo cáo công việc của từng điệp viên mật. (Những tên này đã được phép sẽ ra công khai để nắm các chức quyền trong chính phủ mới sẽ hình thành khi Diệm về Sài Gòn). Điểm mặt từ trái qua phải hai dãy bàn dài, có những tên chẳng xa lạ gì ở Sài Gòn này: Ngô Trọng Hiếu, Nguyễn Ngọc Lễ, Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Bảo Toàn, Phan Huy Quát, Trần Quốc Bửu, Kiều Công Cung, Nguyễn Gia Hiếu, Hoàng Văn Chí, Trần Văn Đỗ, Trần Trung Dung, Trần Chánh Thành, Huỳnh Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Châu, Lê Văn Nghiêm, Đỗ Mậu, Nguyễn Trân, Lương Duy Ủy. Có những tu sĩ áo dài đen, áo nâu. Có những Hoa kiều mang họ Triệu, họ Tào, (các bang chủ Triều Châu, Phước Kiến...) Tất cả đang gấp rút chuẩn bị cho kịp ngày 25 tháng sáu tới - chỉ còn một tuần lễ - đón "nhà chí sĩ" Ngô Đình Diệm.
Cũng trong thời gian đó, Lansdale, trong biệt thự kề bên đang tiếp chuyện với hai nhân vật quan trọng nhất là giám mục Ngô Đình Thục và bào đệ Ngô Đình Nhu, một công chức của thực dân Pháp tòng sự tại nhà Bác cổ Hà Nội, nay khoác danh vị tổng bí thư đảng Cần Lao Nhân vị vừa mới chào đời. Cả ba đang bàn tính chọn người dưa vào nội các của chính quyền liên hiệp Pháp - Mỹ. Lansdale nói lại cho Thục và Nhu biết ý đồ của phía Pháp:
- Hôm họp hai bên, phía chúng tôi có đại sứ Lawfon Collins, tướng O’ Daniel, và đại tá Randy Kidder. Pháp cũng có bốn đại diện do tướng Paul Ely cầm đầu. Tuy đã có sự thỏa thuận giữa Hoa Thinh Đốn và Ba Lê rồi, tướng Ely vẫn tỏ ra gay gắt. Ngược lại, đại sứ Collins thì hòa nhã và khiêm nhường. Vì vậy cuối cùng hai bên đã vui vẻ thỏa thuận về thành phần nội các mới. Khi trở về, đại tướng O’ Daniel đã giải thích rằng, thành phần nội các của Chính phủ liên hiệp chẳng phải là vấn đề quyết định sự thành bại, mà cái chính là bên nào nắm được ưu thế chính trị nghĩa là được đông người ủng hộ. Ưu thế này ở phía ta đang có chiều hướng phát triển thuận lợi. Tôi cũng đồng ý là lúc này chúng ta càng nhân nhượng, cứ tỏ ra còn yếu thế hoặc có ý "chịu thua" không để cho đối phương thấy được tiềm lực của chúng ta đang mạnh dần, càng tạo cho Pháp chủ quan mà không phòng bị.
Giám mục Thục vẫn trầm tư lắng nghe, trong khi Nhu nôn nóng:
- Đại tá cho chúng tôi biết rõ về điều kiện của Pháp.
Vẫn với bộ mặt thản nhiên, Lansdale chậm rãi nói:
- Họ đòi để tướng Hinh nắm quyền Tổng tham mưu trưởng, Lê Văn Viễn giữ Bộ Quốc vụ khanh, nắm lực lượng công an thành phố. Hòa Hảo có bốn bộ: Nội vụ, Kinh tế, Canh nông và Bộ Quốc vụ khanh dành cho Trần Văn Soái. Cao Đài có năm bộ: Thông tin, Lao động, Xã hội, thứ trưởng Nội vụ và Bộ Quốc vụ khanh cho Nguyễn Thành Phương.
Nhu hốt hoảng, tái mặt:
- Các vị thỏa thuận như vậy sao?
Lansdale mỉm cười. Hắn coi thường Nhu, hay cố ý để Nhu nhận thấy sự châm biếm trong nét cười của hắn:
- Đại sứ Collins và cả đại tướng O’ Daniel đã mạnh dạn chấp nhận ngay.
Giám mục Thục như mất vẻ bình tĩnh. Ông ta ngước cặp kính gọng vàng lên chăm chú nhìn thẳng vào mặt viên sĩ quan CIA, nhưng Lansdale vẫn không rời nụ cười mai mỉa:
- Thưa hai ngài, nếu tôi là đại diện phái đoàn, tôi cũng vui vẻ chấp thuận.
Hai anh em Thục, Nhu ngơ ngác. Lansdale ngừng lại giây lát, thấy cả hai còn chưa biết phản ứng ra sao, hắn tiếp:
- Nếu ta chỉ chăm chăm ngó vào thành phần nội các mới này, Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng nhé, trên nửa số ghế là của phe đối lập, quân đội, công an vẫn là của Pháp, thì phía chúng ta, Hoa Kỳ và ông Diệm có gì? Có thế bất cứ ai, nhưng không phải là tôi đâu nhé - hắn hoa tay, lắc đầu rồi tiếp - cũng cho chính phủ mới này của Pháp chứ gì? Không phải vậy đâu! Đó chỉ là căn nhà chắp vá, lại không có nền, chủ căn nhà không có quyền quản lý. Người chủ là ông Diệm của các ngài, đô-la nằm trong tay. Trên danh nghĩa, họ nắm chức quyền, quân đội nhưng ai là người trả lương cho chính họ và cái quân đội đó? ông Diệm đấy. Tuy nhiên chưa đủ, chính phủ còn phải được dân chúng ủng hộ, và làm thế nào để được dân chúng ủng hộ, đó là phần việc đang đòi hỏi ở chính các ngài.
Hai anh em Thục, Nhu càng nghe, càng tỏ ra khâm phục. Lansdale đưa thuốc lá mời Nhu rồi hỏi:
- Phiền ông bí thư cho biết nội tình hiện nay của giáo phái Hòa Hảo?
Nhu tỏ ra quan trọng:
- Tỏi đã cho người xuống tiếp xúc với ông Huỳnh Công Bộ, thân sinh ra Huỳnh Phú Sổ.
Ông ta tuyên bố chỉ lo việc đạo cho tín đồ, còn đối với chính phủ, ông ta sẵn sàng ủng hộ nếu có chính sách đúng đắn về vấn đê tự do tín ngưỡng. Ngoài ra chúng tôi cũng có vài ba lần tiếp xúc thẳng với hai viên tướng Nguyễn Giác Ngộ và Lâm Thành Nguyên. Cả hai chịu hợp tác, có điều chúng ta có thỏa thuận hay không với nhưng điều kiện của họ?
- Điều kiện gì? Tiền ư? Địa vị ư?
- Thưa cả hai. Đã từ lâu Ngộ và Nguyên không chịu đứng dưới quyền Trần Văn Soái, tuy Soái được Pháp cho giữ chức Tổng tư lệnh lực lượng. Thỉnh thoảng chống lại ra mặt chống nhau, bắn nhau thực sự. Pháp phải can thiệp, đành cho hai tên này tách riêng ra kiểm soát hai vùng và tạm phong lên cấp thiếu tướng nhưng chưa chính thức. Nay chúng đòi được chính thức phong tướng, cấp bậc của quân lính chúng phải giữ nguyên và trả lương theo lính chính qui. Nhất là vẫn giữ nguyên vùng đóng quân trước đây của chúng, chúng được thu thuế của dân trong vùng chúng đang kiểm soát. Tôi thấy chúng tồi tệ quá, nên còn đắn đo!
Lansdale cười lắc đầu:
- Có gì mà đắn đo? Các ngài thử tính nếu phải dùng sức mạnh để đánh dẹp hai mươi ngàn tên vũ trang sẽ hao tốn bao nhiêu tiền? Đó là chưa nói đến tác hại về chính trị. Nay chúng ta chỉ cần bỏ ra một số tiền, chắc chắn là ít hơn nhiều so với tốn phí chiến tranh, và một lời hứa hẹn trong khi thế và lực lượng của ta còn yếu, để phân hóa chúng, dùng làm tay sai. Vấn đề về sau này sẽ là lý lẽ của kẻ mạnh. Chấp nhận ngay đi! Trước mắt chúng ta cần vô hiệu hóa âm mưu của Pháp, còn về tương lai không có chướng ngại gì đủ sức cản đường chúng ta đi. Như vậy là phía Cao Đài chúng ta đã kéo được mười ngàn lính của hai tướng Phương và Thế, đủ sức chống lại phân nửa số quân của Phạm Công Tắc. Nhóm Bình Xuyên, Thái Hoàng Minh chịu về đầu hàng. Hắn ta hứa sẽ cắt đầu Bảy Viễn dâng nộp. Bây giờ nếu chúng ta kéo được Ngộ và Nguyên với phần ba quân số của lực lượng Trần Văn Soái, hắn sẽ bị cô lập và trước sau gì cũng phải hàng phục. Có thể chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ dẹp yên được tình trạng sứ quân, cát cứ, tình trạng hỗn loạn đã làm cho dân chúng ớn lạnh, mất lòng tin. Họ sẽ biết ơn ai là người có công đem lại cuộc sống ổn định cho họ. Tôi xin nhấn mạnh, tòa Bạch ốc không cho phép gây thành nội chiến ở miền Nam lúc này. Vì như vậy chỉ có lợi cho cộng sản mà thôi.
Giám mục Thục từ đầu chỉ ngồi nghe, suy gẫm. Tuy Lansdale đã giải đáp được các điều mà ông ta thắc mắc, băn khoăn, đến lo lắng, nhưng vốn là con người thận trọng, ông ta còn nhỏ nhẹ nhắc thêm:
- Tôi xin phép lưu ý đại tá, tướng Nguyễn Văn Hinh còn nắm quyền tư lệnh quân đội, còn ảnh hưởng trong binh lính quốc gia, vốn là của Pháp. Theo thiển ý của tôi, đó vẫn là mối lọ trước mắt.
Lansdale trịnh trọng giải đáp:
- Xin ngài giám mục yên tâm. Tôi đã thấy trước vấn đề này từ ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn. Tất cả lực lượng tay chân và ngay quân viễn chinh Pháp ở đây chưa phải là vấn đề khiến chúng ta phải quan tâm nhất. Với đà này, sau một thời gian ngắn tình hình chắc chắn sẽ ổn định. Miền Nam sẽ là một nước cộng hòa. Ông Diệm sẽ là tổng thống? Còn ngài, vâng chính ngài giám mục sẽ là Hồng Y Giáo Chủ của Giáo hội Việt Nam độc lập. Cạnh ngài sẽ có khâm mạng tòa thánh Vatican, có Hồng y Giáo chủ Hoa Kỳ Spel1mann làm cố vấn. Không chỉ hai ba triệu giáo dân ở đây, mà cả nhiều triệu con chiên của hai vị cố vấn sẽ đứng sau ngài. Hoa Kỳ có đủ sức mạnh bảo trợ cho nước cộng hòa miền Nam này đứng vững lâu dài. Thế giới tự do công nhận quốc gia này là một thành viên. Nhưng, ngay từ bây giờ ta phải tập trung sức lực khẩn trương hoạt động. Tòa Bạch ốc đã dự trù nhiều triệu đô, nhiều phương tiện chiến tranh, để kịp thời đối phó với đối phương đáng quan tâm nhất là cộng sản Bắc Việt?
Những lý lẽ sắc bén và đầy sức thuyết phục đó hình như đã giải tỏa được hết bao nhiêu mắc mớ của Thục và Nhu. Cả hai đều vui vẻ, tưởng chừng con đường đầy chông gai phút chốc đã được dọn sạch để đón Ngô Đình Diệm về.