Trước khi vào truyện
hư mọi lần, tác giả trân trọng nhắc lại là mặc dầu dựa vào thực tế địa lý và lịch sử, những tình tiết và nhân vật mà cuốn truyện ĐIỆP VIÊN ÁO TÍM chứa đựng chỉ là sản phẩm tưởng tượng, và do đó mọi sự việc xảy ra ngoài đời chỉ là ngẫu nhiên, ngoài ý muốn và trách nhiệm của người viết. Xin cám ơn.
NGƯỜI THỨ TÁM
Trước khi vào truyện
Trời cao và trong. Những đám mây xanh phớt, hình thù cổ quái, từ biển Bêrinh và Ôkốt thổi tới, báo hiệu 1 ngày nắng lớn.
Trung tâm Baikônua, ở tây bộ Tây bá lợi Á, trên lãnh thổ Sô viết, ngày thường trầm lặng như ông già ngủ say bỗng nhộn nhịp khác thường. Baikônua là 1 vùng đất cao, tứ phía núi non và rừng rú bao bọc kín mít, khí hậu quanh năm ấm áp gần giống khí hậu tiểu bang Florida của Hoa Kỳ. Và cũng vì thời tiết giống Florida nên Baikônua được chọn làm trung tâm thí nghiệm bí mật các võ khí không gian phía sau bức màn sắt.
Sáng hôm ấy, theo lệnh đặc biệt của Mạc tư khoa, mọi con đường dẫn tới Baikônua đều bị chặn lại, cách xa trung tâm 100 cây số. Vùng trời Baikônua cũng bị cấm ngặt, mọi phi cơ thương mãi cũng như quân sự đều phải đổi đường bay. Lối ra vào trung tâm bị đóng chặt, có chiến xa trí súng đại liên canh phòng cẩn mật, xuất nhập bất cứ ai đều phải có thông hành riêng do trung tướng tư lệnh ký. Đúng 6 giờ sáng, khi trời bắt đầu ửng hồng, 1 đoàn phi cơ trực thăng từ dưới căn cứ bay lên, lượn quanh nhiều vòng rồi phun ra 1 trận mưa bụi trắng xóa. Những hột trắng li ti nhẹ như bông gòn này có tác dụng che mờ ống kính chụp hình của hàng chục vệ tinh do thám của Hoa Kỳ bay liên tục trên thượng tầng vũ trụ. Sở dĩ các biện pháp an ninh tối đa được áp dụng là vì có 1 hỏa tiễn chiến lược quan trọng bậc nhất được quân lực Sô viết bắn lên mặt trăng buổi sáng ấy tại Baikônua. Đây không phải là loại phi thuyền không gian mà Nga sô thường phóng lên quỹ đạo trong cuộc chạy đua khám phá cung Hằng. Mà là 1 báu vật khoa học, kết quả của nhiều năm tháng tìm tòi dưới hầm bê tông, với 1 ngân khoản khổng lồ tương đương với 2 tỉ đôla.
Sau những tiếng ầm ầm làm rừng núi Tây bá lợi Á chuyển động, tiếp theo những tia lửa da cam cao ngút trời, chiếc hỏa tiễn MBR (1) sơn ngân nhũ óng ánh rời giàn phóng bay vút lên tầng cao với vận tốc kinh khủng trên 45.000 cây số một giờ (2).
(1) MBR là Mezhkontintentalnaya Ballìsticheskaya Raketa. Cho tới nay, các hỏa tiễn được chạy bằng nhiên liệu đặc biệt. Tuy nhiên, nhiên liệu đặc biệt nhất là sức đẩy của hơi i–on ( hiện trong phòng thí nghiệm ) có thể nâng vận tốc hỏa tiễn lên 160.000 cây số giờ, gấp 4 vận tốc hiện thời.
(2) các vệ tinh Explorer (Mỹ) và Lunik III ( Nga sô) đã đạt được vận tốc 37.000 cây số giờ từ lâu. Hiện thời, con số 45.000 cây số giờ không còn là giả tưởng như khi bộ truyện này được khởi soạn.
Khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng 370.000 cây số, hỏa tiễn MBR chỉ bay trong vòng 9 giờ đồng hồ. Hỏa tiễn không chở theo phi hành gia. Ngoài các bộ phận máy móc cần thiết, nó được trang bị 1 số dụng cụ điện tử bí mật. Trung tướng tư lệnh căn cứ Baikônua đích thân tới giàn phóng, điều khiển việc ráp gắn các dụng cụ này, rồi đích thân niêm phong phi thuyền lại. Nhờ công cuộc chuẩn bị chu đáo và điều kiện thời tiết lý tưởng, kế hoạch phóng hỏa tiễn không người lái lên nguyệt cầu được tiến hành mỹ mãn.
Không khí trong phóng điều khiển bê tông dưới đất trở nên ngột ngạt (mặc dầu hệ thống điều hòa trong căn cứ Baikônua được coi là tối tân nhất nhì thế giới ) khi phi thuyền sửa soạn đáp xuống nguyệt cầu. Phòng điều khiển được xây kiên cố như pháo đài chống bom nguyên tử cỡ lớn dưới mặt đất gần 100 thước. Các chuyên viên Sô viết ngồi im lặng, hầu như bất động trước nhiều khung kính vô tuyến truyền hình và dụng cụ kiểm soát kỳ lạ. Đột nhiên, đại tá Lôkanốp, giám đốc kế hoạch thí nghiệm, đứng bật dậy. Lôkanốp hô to trong máy vi âm:
-Cẩn thận … Hãy bấm nút cho phi thuyền đáp xuống.
Một ngón tay ấn nhẹ vào cái nút đỏ trong phòng điều khiển. Mệnh lệnh vô tuyến vọt lên cao với vận tốc của ánh sáng. Trong vòng 2 giây đồng hồ, nó nhập vào óc điện tử của phi thuyền. Một âm thanh kinh thiên động địa nổi lên, máy trong phi thuyền nổ ròn. Sức mạnh của máy đẩy phi thuyền ra khỏi quỹ đạo, và đáp nhẹ xuống nguyệt cầu. Thiếu tá Kanin, phó tổng giám đốc, đưa ngón tay cái lên làm hiệu. Lôkanốp hỏi:
-Xuống chưa?
Kanin đáp:
-Rồi. Êm như lá rụng.
-Tốt. Thử lại máy AQ-65 chưa?
-Rồi. Hoàn hảo.
AQ-65 là tên của cái máy đắt tiền nhất trong phi thuyền. Khi phi thuyền sửa soạn hạ xuống mặt trăng trên cái chạc 3 chân bằng nhôm êm hơn cả phi cơ du lịch nữa thì máy AQ-65 bắt đầu hoạt động. Nó gồm nhiều cánh tay bằng thép, ni lông và cao su, cử động gọn gàng không kém cánh tay người, từ những cửa sổ của phi thuyền lần lượt thò ra, xúc sâu xuống đất. Vật liệu được thu nhập sẽ nằm gọn trong 1 cái hộp kín, mang về địa cầu cho các khoa học gia nghiên cứu.
Phi thuyền chỉ lưu lại cung Quảng 1 giờ đồng hồ rồi trở xuống trái đất. Mặt thiếu tá Kanin đang tươi tỉnh bỗng nhiên thất sắc. Kanin buột miệng kêu:
-Trời ơi!
Đại tá Lôkanốp vội ném điếu thuốc chưa đốt vào dĩa đựng tàn và hỏi:
-Gì vậy?
Kanin thở hổn hển:
-Lạ lắm, lạ lắm, tôi chưa thấy bao giờ. Có lẽ người Mỹ đã đoán đúng. Nếu vậy thì Liên sô sẽ giàu nhất thế giới.
Lôkanốp cũng tái mặt:
-Ký hiệu vô tuyến có thể lầm được không?
Kanin lắc đầu, giọng quả quyết:
-Không. Chúng ta không thể lầm được. Giờ đây, xin đồng chí gọi điện thoại cho trung tướng. Mặt khác, tôi sẽ cho hoãn ngày về của phi thuyền.
Đại tá Lôkanốp hấp tấp chạy ra cửa. Hắn vấp phải 1 thanh niên, và lảo đảo suýt ngã. Thanh niên này là tiến sĩ vật lý học nguyên tử Phikốp, 1 trong những khối óc khoa học không gian trẻ trung nhưng cừ khôi của trung tâm Baikônua sô viết.
Phikốp tiến đến sau lưng thiếu tá Kanin:
-Thiếu tá định hoãn bao lâu?
Thiếu tá Kanin suy nghĩ giây lâu rồi đáp, giọng run run:
-Theo tôi, ít nhất là 1 hay 2 tuần lễ. Vì Trung ương đã dặn trước trong trường hợp phi thuyền thành công, chúng ta phải tạm thời gián đoạn mọi liên lạc vô tuyến giữa nó và căn cứ kiểm soát hầu đánh lừa địch.
-Đánh lừa địch? Nghĩa là …
-Còn nghĩa là gì nữa … Chương trình thám hiểm tại chỗ của ta đã dựa trên 1 loạt tài liệu nghiên cứu của cơ quan không gian Hoa Kỳ. Nếu địch khám phá ra trên mặt trăng có mỏ kim cương, họ sẽ dồn hết tài nguyên quốc gia vào chương trình Apollo với mục đích quân sự. Họ gởi người lên trước, và chiếm hết các khu vực ngon lành. Đến khi chúng ta có mặt thì chỉ còn lại xương xẩu khó nuốt.
Kanin định nói nữa thì chuông điện thoại trên bàn reo lảnh lót. Kanin áp ống nghe vào tai. Đứng bên, Phikốp không ngăn được xúc động. Trống ngực hắn đập ầm ỹ liên hồi như tiếng trống của giàn nhạc yé yé. Hắn vội nín thở để nghe giọng nói quen thuộc, nhỏ như đàn bà, của trung tướng tư lệnh ở đầu giây.
Chỉ 1 câu ngắn ngủi nhưng đầy đủ :
-Chấp thuận.
Phikốp bàng hoàng trong 1 phút. Việc hắn sắp làm sẽ là việc trọng đại nhất đời hắn. Từ 18 tháng nay, từ ngày trung tâm Baikônua được dùng để thí nghiệm dụng cụ AQ-65, người ta đã hứa cho hắn 1 món tiền khổng lồ. Lương chuyên viên khoa học cao cấp là lương cao nhất ở Nga sô, song hắn lãnh lương cả đời cũng chưa bằng món tiền được giữ sẵn cho hắn trong 1 trương mục vô danh ở Thụy sĩ.
Món tiền 500.000 đôla.
Từ 18 tháng nay, Phikốp đã cung cấp ra nước ngoài 1 số tin tức và tài liệu quan trọng. Đền lại, người ta đã trả 500.000 đôla. Cách đây 6 tháng, khi máy AQ-65 bắt đầu được thí nghiệm, người ta ra lệnh cho hắn đình chỉ hoạt động.
Đình chỉ để chờ đợi giây phút quyết định.
Và giây phút ngàn năm 1 thuở này đã tới.
Hai chân run lẩy bẩy như người bị sốt rét nặng, tiến sĩ vật lý nguyên tử Phikốp ra thang máy ngoài hành lang để lên mặt đất.
Ông Sìmít, tổng giám đốc Trung ương Tình báo Mỹ CIA, đang ngủ li bì thì bị điện thoại dựng dậy. Hồi hôm, ông thức đến 2 rưỡi sáng. Ba giờ mới trèo được lên giường, ngủ bù lại 1 tuần lễ không chợp mắt thì lại bị phá đám giấc ngủ. như thường lệ, ông Sìmít (3) buông ra 1 tiếng càu nhàu rồi mới chịu chống tay lên bàn đêm. Từ điện thoại vẳng ra tiếng phúc trình chậm rãi của nhân viên trực thân tín:
(3) trong bộ truyện Z.28 NÚI ĐÁ TIÊN TRI, xuất bản năm 1965, tác giả đã mô tả văn phòng của ông tổng giám đốc Sìmít.
-Thưa ông, theo lời ông dặn, tôi đã cho ghi âm bản tin của đài Mạc tư khoa.
Ông tổng giám đốc bừng tỉnh như vừa lãnh 1 thùng nước đá lạnh vào cái đầu hói còn vài cọng tóc bạc phơ ở 2 bên thái dương:
-Thông tấn xã Tass nói ra sao?
-Thưa, tôi xin mang đến trình ông ngay.
-Không cần. Đọc tôi nghe cũng được.
-Thưa, nội dung như sau:
“Sáng hôm nay, cơ quan không gian Liên sô đã phóng 1 phi thuyền lên quỹ đạo nguyệt cầu. Vụ phóng này là 1 phần của chương trình chinh phục không gian của Liên sô và phe xã hội chủ nghĩa. Tin tức sơ khởi cho biết công tác kể trên đã được tiến hành mỹ mãn.”
-Còn đài Jodrell Bank? (4)
(4) đài thiên văn Jodrell Bank, Anh quốc, là đài thiên văn lớn nhất thế giới, hoàn thành năm 1953, tổn phí 2.100.000 đôla.
-Thưa, đài thiên văn Jodrell lại cho biết là phi thuyền của Nga sô không bay vòng quỹ đạo nguyệt cầu mà là đáp xuống, rồi gởi tín hiệu về trái đất. Nhưng sau đó 1 lát thì im lặng. Các chuyên viên không tin rằng máy truyền tin trên phi thuyền bị hỏng.
-Đã có tin của Quốc an Xã (5) chưa?
(5) Quốc an Xã là National Security Agency, cơ quan phụ trách an ninh Hoa Kỳ.
-Thưa, bên ấy vừa điện thoại cho tôi cách đây 5 phút. Vì vậy, tôi phải đánh thức ông, mặc dầu ông còn mệt mỏi. Hệ thống nghe ngóng bằng vệ tinh Miđát (6) đã bắt được 1 bức mật điện từ Baikônua đánh đi. Mật điện này chắc chắn không phải của nhân viên phụ trách căn cứ. Vì không dùng mật mã thường lệ.
(6) Midas là 1 trong nhiều vệ tinh viễn thông gián điệp của Hoa Kỳ.
-Có thể là mật mã mới không?
-Thưa không. Vì kẻ đánh mật điện này đã dùng làn sóng điện lên thẳng hướng vào vệ tinh viễn thông.
-Liệu có dịch nổi mật điện ấy không?
-Thưa, tôi đã chuyển cho máy IBM, nhưng theo lời ông trưởng ban điện cơ thì vị tất máy IBM tìm ra chìa khóa mật mã. Thưa ông, ta có nhân viên ở Baikônua không?
-Nếu có thì ban điện cơ đã chẳng phải làm việc. Ông tiếp xúc với bên MI (7) chưa?
(7) MI là Military Intelligence, cơ quan Quân báo Anh quốc. Dư luận thường gọi tình báo Anh là Intelligence Service, nhưng thật ra MI mới phụ trách tình báo. MI gồm nhiều nha, ngành khác nhau coi về tình báo, do thám, phản gián, ngụy tạo tin tức, chiến tranh tâm lý, v.v..
-Thưa, họ vừa hỏi tôi xong. Tôi trả lời không biết thì họ bảo tôi giấu nghề. Tôi đành phải yêu cầu họ chờ đến sáng sớm, chờ ông ngủ dậy để ông đích thân giải thích với ông tổng giám đốc MI.
-Liên lạc ngay với nhân viên Mạc tư khoa, dặn theo dõi phản ứng của cơ quan không gian và mật vụ.
-Tuân lệnh.
-Rồi triệu tập ngay phiên họp của các phó tổng giám đốc. Trong nửa giờ nữa, tôi sẽ đến dự.
-Tuân lệnh.
-Dặn kỹ sư trưởng cho máy 7090 chạy sẵn chờ tôi (8).
(8) người Mỹ giữ kín, không cho biết nhiều về máy IBM 7090. Đó là 1 bộ óc điện tử tân kỳ, có thể đọc hết trong vòng 1 phút 6 bộ tiểu thuyết Z.28 trên băng nhựa. Và cũng trong 1 phút, nó có thể viết lại 6 bộ tiểu thuyết trên băng nhựa. Tình báo Trung ương CIA hiện dùng 1 biến thể của máy 7090. Ngoài ra, họ còn có máy in cấp tốc IBM 1604, mỗi phút in được 15.640 chữ, có thể chụp hình và in cuốn Thánh kinh trong 45 phút.
Ông Sìmít rót 1 ly đầy cà phê nóng. Dầu ông thức hay ngủ, suốt ngày đêm ông đều có bình thủy đựng cà phê nóng bên mình. Tuy là người Mỹ, ông lại ghét cà phê làm sẵn. Ông sai nhân viên mua cà phê thượng hạng ở Ba tây, về rang, xấy khô và cất vào hộp các tông kín. Dân nghiện cà phê cho rằng đựng trong hộp thiếc hoặc chai, cà phê sẽ mất hương vị thơm ngon. Mùi cà phê rang chín tới và pha đúng nghệ thuật làm tâm thần lâng lâng, sảng khoái. Ông tưởng như vừa trẻ lại 20 tuổi. Trên thực tế, máy 7090 đã giúp cho nhân viên CIA trẻ mãi không già. 7090 là 1 kỳ công điện tử của công ty IBM. Nó là máy toán lớn nhất thế giới, được dùng để giải quyết những bài toán điên đầu về không gian.
Chuông điện thoại reo. Ông Sìmít nhún vai, ấn nút điện trên bàn đêm để gọi vệ sĩ.
Trong khi ấy, điệp viên Văn Bình đang du hí quên đời, cách xa văn phòng ông tổng giám đốc CIA và trung tâm hỏa tiễn Baikônua hàng ngàn cây số.