Chương 1
Phần 1
Chẳng biết thằng ranh nầy nó làm gì mãi bây giờ chưa thấy ra?Người thiếu niên nói ra câu ấy hình như chỉ buột mồm như vậy thôi, chớ không có ý gì trông đợi lắm. Chàng đi chậm rãi từng bước một trên bãi cát trắng tinh, thỉnh thoảng lại cúi mình xuống lấy tay bứt ít bụi cỏ bồng thả cho quay tít theo luồng gió. Chàng ngẩng lên trông theo sẽ nhách miệng cười, cái cười nở nang của con người vô tư lự. Mình vận âu phục theo lối cũ vài năm, chàng trông rong rỏng cao và nét mặt hơi gầy, nhưng vẫn giữ cái khí sắc hồng hào của một trang thanh niên cường tráng.Trần Hoài Trang, (tên người thiếu niên) lúc bấy giờ cũng vào lối hăm lăm hăm sáu tuổi. Nhưng vẻ mặt chàng mỗi khi không có cái cười hiện ra, ai mới thoạt trông qua sẽ thấy nó nghiêm nghị lạ thường. Hoặc xem kỹ lại, ai đó sẽ thấy tự hồ như có cái sầu sâu xa kín đáo gì nó ẩn trong cặp mắt xanh mơ màng kia, thì có thể đoán ngay rằng chàng ta hẳn đang ôm một mối hận gì đây. Song cái cảm giác đó chỉ thoáng qua trong chớp mắt thôi vì hễ Trang trông thấy ai là cười tươi ngay, thành thử cũng ít ai ngờ chàng có cái tâm sự gì chôn sâu trong trí cả. Bảo rằng đẹp thì cũng không hẳn là đẹp, song mỗi khi chàng kể chuyện, vẻ mặt trung hậu mà hăng hái, giọng nói hơi trầm, ban đầu nhỏ rồi dần lớn lên từ từ thốt ra trên cặp môi đỏ như son, những cái đó đã có cái năng lực làm cho người nghe dễ sinh lòng yêu mến chàng vậy.Ngày hôm đó đương vào khoảng thượng tuần tháng năm. Cảnh mặt trời chiều đã bày trên bãi bể Mỹ Khê một bức tranh cực kỳ diễm lệ. Dãy núi Trà chạy dọc về phía đông bắc không có điểm một vợn mây nào: mấy trái núi tròn trịa uốn mình vạch một đường lục thẫm giữa lưng trời xanh biếc. Ngũ Hành Sơn, xa xa chỉ còn bé bằng một chồng non bộ. Mấy chiếc thuyền câu chạy ngoài khơi, cánh buồm trắng trông tít mù như một đàn chim âu đùa trên mặt nước. Sóng bể đã dần dần êm, vào đến bờ cũng không có lộn nhào dữ dội nữa.Bãi bể Mỹ Khê chiều hôm ấy trừ Trang ra không còn có một khách thành phố nào. Vì là ngày các công sở làm việc, ai nấy cũng đều đưa nhau ra tắm trong vịnh cho gần hơn. Ở Mỹ Khê chỉ đến chiều thứ bảy và chủ nhật là đông người, mà trong số đó phần nhiều lại là người tây. Cho nên Trang cứ mỗi buổi chiều một mình ra tắm, như vậy đã gần nửa tháng, các người chài lưới họ cũng dần quen mặt.Chàng thanh niên bấy giờ trong lòng nghe khinh khoái lạ thường, ngả mình ra nằm dài giữa cát, cùi tay chống xuống đất và đầu ngẩng trông ra bể. Tay kia sờ soạng tìm diêm trong túi đốt thuốc hút một hơi dài. Chàng đương nhắm mắt lim dim, miệng thì thầm ít câu kiều lẩy, chợt nghe sau lưng lịch thịch có tiếng người đi. Chàng quay đầu nhìn lại thì ra thằng Cồ là đứa bé con mới theo ở với chàng đã mang thức ăn ra. Trang tính làm bộ rầy nó một mẻ lấy uy, thằng bé con đã tất tả chạy đến đặt cái nả thức ăn xuống, vừa gạt mồ hôi vừa nói:- Con chỉ hụt một chuyến đò mà ra trễ, nhưng cũng may là mới năm giờ rưỡi thôi.- Thằng nầy chỉ chực láo! Mấy giờ sao mầy biết? Trang trong bụng cười thầm lần nầy là lần thứ mấy thằng bé con bướng bỉnh lại kiếm điều định dối mình, chàng liền xắn tay áo đưa đồng hồ lên xem:- Sáu giờ mười lăm, thôi được, ta cũng còn thì giờ chán.Thằng Cồ đã lanh lẹ tháo cái nả thức ăn ra, trải một tờ báo xuống đất rồi đặt từng ngăn lên đâu vào đấy:- Bây giờ cậu có cần dùng gì nữa không, nếu không cậu cho phép con xuống tắm một tí.- Ừ, nhưng mầy khá liệu hồn, chớ ra xa cho sóng kéo bừa bỏ mạng.Thằng Cồ dạ một cái là vụt chạy bong ra đằng mé bể ngay. Trang bấy giờ mới lê mình lại soạn thức ăn xem. Trên tấm nhật trình mấy cái ngăn bằng song ngâu sáng choang bày ra mấy cái bánh tây cắt lát, một con bồ câu hầm, vài chiếc bánh ngọt, ít quả cam hoa kỳ với một bình nước chè để gần bên cái chén tống.Chàng bắt đầu vào ăn, vì bụng hơi đói nên cả mấy món chỉ trong mươi phút đồng hồ đã lưng gần hết nửa. Chàng lại thỉnh thoảng dòm xuống bể nhìn thằng bé con đang tắm. Một lát đã thấy nó tắm lên vừa mặc xong quần áo. Trang cũng vừa ăn xong, đang cầm khăn lau taỵ Thằng nhỏ đi lại gần hỏi rằng:- Thế nào, cậu có dùng được không?- Mầy muốn hỏi thức ăn phải không? Thì cho mầy tưởng nó như thế nào?Thằng bé hơi ngượng, nói:- Là vì con chẳng dám giấu cậu, những món con dọn cho cậu lâu nay toàn là con đã học lóm của anh bếp Năm Nồi cả đó.- Hèn chi! Mầy chỉ học lóm thì bảo ai tài nào mà nuốt cho trôi!Trang thấy thằng bé con bị bắt nọn, mặt tiu nghỉu, liền phá lên cười, sẽ bảo:- Tao nói chơi, chớ mầy làm kể cũng kha khá đấy. Nhưng sao mầy ngu thế, chẳng thấy tao ăn hết trọi đó sao?Nói đoạn, chàng đứng phắt dậy lấy thuốc lá ra hút. Chàng vừa ném xong que diêm đã thấy đằng phía mấy cái nhà lá hai người đàn bà đi lại. Trong giây phút, hai người chỉ còn cách chàng độ chừng hơn trăm bước. Trang thấy khách lạ nên phóng mắt nhìn, nhưng từ chỗ chàng chỉ mới phân biệt được là một bà cụ già đi cạnh một người trẻ tuổi. Bà cụ trông đẫy đà bao nhiêu thì cô kia trông lại gầy bấy nhiêu.- Cậu trông kìa! Cái cô đi ngoài mới bảnh mà sang tuyệt!Thằng Cồ tinh nghịch nói vậy rồi lấy làm đắc ý lắm, hí hởn chìa tay trỏ vào hai người kia cho chủ nó mà cười.- Đồ láo! Im ngay! Mầy kỳ cục quá!- Cậu còn không tin? Vì hồi nãy con mang thức ăn ra đã thấy họ trước chiếc nhà lá kia rồi, nên con dám cuộc chắc là hai người đó. Họ cho con nít một lần những năm đồng xu!- Thì có can gì tao đâu? Trước mặt người ta mà mầy chỉ nói nhảm, có khôn hồn thì câm ngay!Thằng Cồ ngỡ nói thế cho chủ nó bằng lòng, chẳng hóa ra lại bị rầy to, nó lấy làm bất bình lắm.Bấy giờ hai người kia đã tiến lại gần, vừa đi vừa nói chuyện.Bà cụ trạc chừng năm mươi lăm sau mươi tuổi giở lại. Tuy vậy đầu tóc còn đen láng và bộ đi còn mạnh mẽ lắm. Đình trán cao, khổ mặt phì mỹ đều đặn trông có vẻ trang nghiêm tỏ ra rằng bà ấy hẳn là sinh trưởng một nơi phong lưu đài các và trong cuộc đời ít có điều gì bất mãn. Cô kia tuy gầy hơn nhiều, nhưng cứ xem hai người từ cách đi đứng nói năng cho đến cái khuôn mặt đều giống hệt nhau, chàng thiếu niên cũng đủ đoán ra rằng có lẽ hai người nầy là hai mẹ con.Nhưng trái hẳn với bà mẹ, người con có vẻ mảnh khảnh yếu đuối, cái mặt không phấn sáp để lộ màu da trắng bạc ra như người ốm lâu mới khỏi. Trên mặt nàng, Trang cũng nhìn thấy những nét đều đặn của bà cụ mà ngỡ là mẹ nàng; cũng dáng mặt trái xoan, sống mũi giọc dừa ấy. Có một điều khiến cho chàng chú ý nhất là đôi con mắt đen nhánh, thâm trầm của nàng cứ trông xa tận đâu đâu, mà nàng hình như không để ý gì đến những vật chung quanh mình, đến câu nói của bà cụ và dễ thường cũng không hay biết rằng đã gần đến bên chàng nữa.Bộ quần áo bông bay trắng mà cả hai người đều mặc như nhau bị gió đánh sát vào mình lại càng tăng cái vẻ ẻo lả gầy gò của người thiếu nữ.Khi hai người đi ngang qua mặt chàng, Trang liền cung kính ngả mũ chào bà cụ. Bà cụ cũng ôn tồn đáp lễ. Cô con gái nghe tiếng chào bỗng như sực tỉnh ra mới nhìn lại Trang. Nàng cũng ngúc một cái, song trong cái chào có vẻ gượng gạo khó chịu lắm, rồi nàng lại quay mặt ra đằng trước ngaỵ Trang lanh mắt nhìn theo còn tưởng rằng cô ta vừa ngảnh mặt đi thì bỉu môi một cách rất chua chát.Rồi chàng chẳng hiểu vì sao thấy mình thốt nhiên cũng xo vai một cái mà trên miệng để nở ra một nụ cười chế nhạo.Chàng day mình lại thấy thằng Cồ mặt cau có đang ngồi thừ ra giữa cát, hai tay khoanh tròn, trước gối, bên cạnh mấu cái hộc thức ăn đã chồng dọn dẹp xong cả rồi. Chàng bật phì cười sẽ dỗ ngọt:- Thôi mầy xách thức ăn về trước đi, tao cho mầy điếu thuốc tây đây, bận sau đừng có láu lưỡi nói càn mà bị mắng.Thằng bé sung sướng, đỡ lấy điếu thuốc:- Cậu cho con que diêm.Nó châm thuốc hút, thở phì phào vài khói rồi nói:- Thôi bây giờ con về.- Ừ, về mau đi kẻo tối và nhớ dặn bà Sáu sửa soạn giường chiếu cho tao, hôm nay tao về sớm.Thằng bé đã mau chân bước về phía đồi dương, khoảnh khắc liền mất hút trong vùng cây rậm rịt.Bấy giờ đã vào buổi hoàng hôn. Mặt trời tà vừa lẩn sau cái rừng dương cao vót. Mấy tia nắng vàng sót lại chỉ còn chấp chới trên đọt cây thôi. Đằng phía đông, đôi áng mây hồng con phản chiếu ánh tà dương lại. Một làn gió nhẹ nhàng mát mẻ đưa từ ngoài mặt bể phẳng lì vào rất dễ chịu.Trời vừa nhá nhem tối. Hai người đàn bà hồi nãy đi đàng xa dường như đã quày trở lui, chỉ còn thấy lù lù hai cái bóng đen trên mặt nước ngời lấp loáng.Các người dân vùng bể lúc chiều đang bện lưới, đánh chỉ, hoặc kéo đầu mấy chiếc ghe nan đã lần lượt lui về hết. Trong quãng tối, tai càng nghe rõ rệt tiếng sóng bể, tuy nó chỉ còn từ từ, âm ỷ vỗ vào bờ.Trang còn đi bách bộ hưởng gió mát một hồi, đến chừng nghe mỏi mới nhất định lần theo con đường mòn trở về nẻo xóm.Nhà trọ của Trang ở cách bờ bể chừng non non một cây số. Mặt trăng mồng sáu gần đầy nửa ném xuống trên cành mấy cây sộp tròn xoe một làm sóng bạc. Giữa không trung muôn vạn vì tinh tú nhấp nháy như một cái đĩa ngọc lam khổng lồ khảm kim cương.Trang đi chẳng bao lâu đã đến một nếp nhà gạch nhỏ lẩn lúp trong một khoảnh vườn con và trở mặt ra đường. Lúc chàng đẩy cửa ngõ ván bước vào, con chó Vầm trong nhà đánh hơi nhảy sổ ra sủa ầm lên và vẫy đuôi mừng cuống quít.Bà Sáu, một bà lão lục tuần, gầy sọm, tức là người giữ nhà nghe tiếng chó sủa từ nhà bếp chạy lên. Người thiếu niên nghe tiếng giật một cái ầm, hai cánh cửa buồng khoa bật mở ra để ánh sáng cây đèn dầu lửa trong nhà theo hình khung cửa mà dọi thẳng ra ngoài cái sân lát gạch.Trang bước vào, bà lão đã đưa cái mặt gân guốc ra vồn vã hỏi chuyện. Trang chỉ trả lời qua loa vài câu, nhưng bà lão chẳng để chàng yên:- Thầy hôm nay đi bể có gì vui không?- Ở ngoài bể hôm nào cũng thế bà ạ, có gì khác đâu.Nhưng bà lão vẫn làm bộ cười già, chống tay vào ngưỡng cửa rồi đĩnh đạc nói tiếp:- Phải, tôi cũng không hiểu vì sao buổi giờ các ông các bà họ rủ nhau đi tắm bể đông lắm. Mà kể ra thì thật cũng chẳng có gì vui. Vài mươi năm trước chẳng ai biết tắm bể là gì, chỉ đến tối thứ bảy các thầy họ hay rủ nhau đi bắt ghẹ thì có.Bà Sáu còn nói lai nhai mãi, nhưng Trang không để ý đến câu chuyện của bà ấy, đã vội đi vào trong cất chiếc mũ trắng và cởi cái áo ngoài ra lại treo vào móc. Đoạn chàng mới ngồi phịch xuống ghế, thở mạnh một hơi có chiều khoan khoái.Thằng Cồ đương ngủ bỗng vùng dậy, dụi mắt, nó lẹ làng xuống bếp pha một bình nước chè đem đặt lên bàn rồi lại lăn đùng ra ngáy. Trên cái bàn tròn đặt ngay giữa nhà bừa bãi những khay thuốc, tách trà, lọ sứ cắm hoa, vài quyển tiểu thuyết tây chưa đọc và giăm tờ báo mới. Trang đưa tay với lấy mấy tờ báo ra xem, chàng đọc kỹ lần lượt tờ nầy, đến tờ khác, đã hết cả báo rồi mà chưa thấy buồn ngủ. Nhưng từ chàng đến ở cái nhà đó thì chẳng muốn làm việc gì nhiều nên nhìn vào chiếc đồng hồ tay mới hơn chín giờ đã thay quần áo và tắt đèn đi nghỉ.