Nhà anh Nguyễn Văn Lập bên kinh Xóm Cống, Ấp 7, An Xuyên. Gió lồng lộng thốc vào, vách lá rách tả tơi, ngửa cổ thấy lốm đốm trời. Coi kỹ, chỉ có bộ ván đằng trước, chỗ dùng để tiếp khách là lành lặn. Chị vợ áy náy vì nỗi nghèo của mình nên bối rối phân trần, "Tính nuôi vịt để cất lại cái nhà …". Hành trình từ cái nghèo vừa vừa đến nghèo xác xơ nhanh như một cơn mơ, một cơn gió, một cái phủi tay... Không đất để thế chấp vay vốn ngân hàng, phải vay nóng của hàng xóm, từ hơn trăm con, anh gầy dựng được 700 vịt thịt. Dịch cúm gia cầm ập đến, đàn vịt của anh bị tiêu huỷ sau Tết. Bây giờ anh xuống kinh giăng lưới bắt cá phi, cá chốt bán kiếm tiền mua gạo, nuôi hai đứa con thơ. Cái đói nghèo làm cho đôi tay anh quen để ngửa trên đầu gối, đôi tay trắng như xương ở tuổi gần bốn mươi. Anh cười buồn, "người ta hay nói, thiếu nợ thì bán nhà trả, mà nhà tôi bán cũng hỏng ai mua". "Bây giờ chợp mắt là thấy bầy vịt, lồm cồm bò dậy thì nhớ tới nợ nần tứ giăng, thiệt, chị vợ chắc lưỡi, khổ hỏng biết sao mà nói…"
Xa về phía Nam thành phố Cà Mau, bên chân cây cầu Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm, là nhà anh Ngô Văn Hoàng. Hồi mới ra riêng, anh sắm đôi trâu, mọi người gọi Hoàng "trâu", sau này bán trâu rồi, bà con kêu Hoàng "vịt". Dịch cúm tới khi đàn vịt gần 1500 con của anh vừa bắt đầu đẻ trứng so, khi chúng đã ăn phăng trăm ngoài giạ lúa mùa rồi, khi nợ ngân hàng, nợ vay nóng mới trả được năm ba kỳ lãi… Sáng hôm đoàn công tác chống dịch đem chúng đi chôn, chị Quyên, vợ anh Hoàng còn đem mấy bao lúa ra cho ăn, "Mình cùm nụm cùm nịu tụi nó bốn tháng trời, cực khổ biết bao nhiêu, mến tay mến chưn, hỏng nỡ để tụi nó chết đói ", chị bảo. Hố chôn đàn vịt nằm trên cánh đồng sau nhà, "nhưng tới bây giờ tui không dám ra đó, thấy rồi mắc buồn thêm". "Tui mới tính với anh Hoàng, chắc là mơi mốt tha mấy đứa nhỏ về dưới ngoại (Khánh Hải, Trần Văn Thời) phụ làm đìa, kiếm cá nhận mắm chỡ về bán. Rồi chờ mùa lúa tới".
Mà, mùa tới còn xa, xa lắm.
Bây giờ vẫn còn nắng chang chang như vầy, những cơn nắng làm mùa hạn bất thường thêm lên. Chẳng có một cơn gió nào, ngọn cây so đũa đứng trân nhưng người ta vẫn cảm giác đâu đây sót những cơn bão rớt. Đã hơn một tháng kể từ UBND tỉnh cà Mau ra công bố dịch cúm gia cầm (2/2/2004), nỗi buồn ủ ê của những người chịu ảnh hưởng của dịch đã bị nắng sắc lại, mặn chát. Những cánh đồng trơ rạ, những dòng kinh không đàn vịt nào cầm ở đấy, những tiếng gà eo óc lạc lõng xa xa. Tôi nhận ra rằng chẳng phải người có vịt, gà bị tiêu huỷ nhiều thì buồn hơn người ít, bởi mỗi người cảnh, những nỗi buồn cũng lớn lao như nhau. Với tổng số gà và vịt 267813 con bị tiêu huỷ, vùi theo đó bao nhiêu là kỳ vọng, là ước mơ, là khao khát đổi đời.
Nhưng vợ chồng anh Hoàng còn hy vọng, còn có thể sống lay lắt chờ mùa lúa tới, còn ở những vùng chuyển dịch, bà con nông dân đang trong thế bị khó khăn vây kín.
Chẳng ầm ỉ, bạo hát bạo tàn như dịch cúm gia cầm, cơn "bão tôm" từ tốn, lặng lẽ, mà mà bào mòn sức chịu đựng của con người. Chuyện tôm chết nông dân đã rành sáu câu rồi, chỉ khác, đây là năm thứ tư tôm chết, nghĩa là năm thứ tư nông dân Cà Mau vắt kiệt mình trong nỗi lo đói nghèo. Thím Hai ở Ấp 7, An Xuyên ngao ngán, "Mấy ông nhà nước không nghĩ ra cách nào cứu tụi tui, để vầy hoài, hai năm nữa không chết đói cũng chết vì trộm cướp cho cô coi, bần cùng nên sanh đạo tặc, ông bà mình dạy vậy". Nguyên một xóm kinh này ba năm rồi không trúng một vụ tôm nào.
- Mà, nhà nào hồi đó dẫn nước mặn vô trước nhứt, bây giờ lại sống khổ nhứt, làm như trời trả báo mình vậy, cô ơi.
Nhà thím cũng vừa bị tiêu huỷ 4375 con vịt trong dịch cúm gia cầm, vừa thất thần lo nợ ngân hàng vừa phải chạy gạo ăn. "Cái hồi làm lúa không khổ cùng khổ tận vầy đâu, cô. Bây giờ hỏi nhà nào ở xóm này mà không mua gạo chịu chỗ thím Sáu Đức, ai mà hỏng vay tiền của thím í". Lúc này, cái "ngân hàng… xóm" ấy đang ngóng lại đằng xã, coi trên có rót tiền hỗ trợ cho mấy hộ bị thiệt hại sau cúm gà chưa, hòng gỡ lại chút đỉnh, chứ nợ của các chủ vuông tôm, ắp lẫm rồi, mong gì ?
"Mới đầu, thấy tôm chết, mấy ông nhà nước còn lo lăng xăng, mà lúc này làm như mấy ổng quên mất biệt luôn, hay là lo hỏng nổi nữa, hả cô ?", Thím Hai ngừng võng, hỏi tôi. Rồi thím chỉ nhà anh Chín Đo đằng xóm, đất ít, tôm lại chết, năm sáu nhân khẩu sống nhờ cái vó cất rong rêu dưới kinh. Có bữa nữa đêm, ngủ không được, anh Chín la lớn, "Nghèo sao mà nghèo dữ vậy trời!" làm chị vợ quýnh quáng, tưởng chồng đau ở đâu. Tiếng kêu thảng thốt nghe như tiếng thở dài vỡ ra của một đời người, nghe buồn lặng, buồn sâu.
An Xuyên có hơn một nửa diện tích dẫn mặn nuôi tôm. Đây là những vùng chuyển đổi cơ cấu tự phát, nhà nước không quy hoạch. "Vụ tôm đầu trúng dữ lắm nghen cô, ai mà ngờ nó làm theo kiểu mấy thằng chim mồi cờ bạc, dụ người ta nhảy vô rồi, nó "chơi" mình sát rạt", anh Hai Sỹ ở Ấp 2, An Xuyên ấm ức. Nhà anh có gần 2 ha đất, "nhưng vuông làm không đủ ăn, phải kiếm tiền bằng nghề làm bún, ở xóm này, đất của bà con còn ít hơn của tui, nếu không có nghề khác đành chịu chết, muốn làm mướn cũng hỏng ai chịu mướn, tôm chết trắng dờ con mắt rồi, mướn làm gì bây giờ, tiền đâu … ?". Chị Út Nhiễm ở gần đó đã hai mùa "buông xụi" sáu công đất nhà qua Tân Thuộc gặt mướn. "Hồi lúc làm ruộng tui cũng nghèo, nhưng có lúa ăn cũng vũng bụng, Chị kể, bây giờ phải đi gặt để chạy gạo. Nhiều lúc nghỉ tay ngồi ăn cơm giữa đồng, tự nhiên hai vợ chồng tui thấy buồn quá chừng, ổng buông đũa ngang xương, ổng nói, đáng lẽ giờ này mình đang gặt trên đất nhà mình, bà ha"
Và ký ức vẫn còn tươi thơm những bụi rạ trên đồng, những đụn rơm cao ngệu cạnh hàng cây bình bát. Những đệm lúa được trải phơi vàng trên mảnh sân nhỏ trước nhà… Xóm của chị Nhiễm nằm bên quốc lộ 63, hồi còn đi học, tôi và bạn bè vẫn thường đạp xe ra đó chơi, ngắm mê mãi những ngôi nhà gỗ nằm lẩn khuất trong màu xanh sẫm của vườn chiều. Những bờ đất cây trái lúc lỉu. Những bông rau muống tím biếc trổ trên mặt kinh. Bây giờ đi ngang qua đó, người ta thấy nhiều ngôi nhà tường mới xây, mái lợp tone giả ngói, đỏ au au bật lên trên mảnh vườn xơ xác. Nhưng bên trong vẻ hào nhoáng đó là một nỗi đau, anh Hai Sỹ bảo "Cô kiếm được người nào nhờ trúng tôm mà xây nhà chém chết tui cũng chịu, họ bán đất đó cô ơi…". Cắt bán một mảng đất, với người nông dân, là chặt lìa một phần thân thể nào đó của mình.
Ít nhiều, người dân An Xuyên bắt đầu thấm thía hai từ "trả giá" cho việc "dẫn mặn về giày… cây lúa". Bà con chịu là lỗi tại mình nhưng cũng có ý trách các cơ quan báo đài. "Mấy ổng lên đài toàn là cảnh trúng tôm, rồi nói nhờ tôm nên người ta đổi đời này nọ. Nghe nói giàu, hỏi cô, ai không ham, ai không chạy theo… ?", thím Hai hỏi. Tôi hơi giật mình. Có những tựa bài đọc nghe kêu, đại loại như "K.B được mùa tôm"nhưng đọc kỹ thì chỉ vài ba hộ trúng. Đại loại như "L.V.L thành công với mô hình trồng rau sạch" thực tế việc đó chỉ ở một đoạn xóm trong ấp Lung Dừa (mà cũng chẳng nhắc tới chuyện bà con trồng rau sạch nhưng phải bán giá "bèo" như rau chẳng sạch ). Đại loại như "L.T. T đi lên nhờ vụ lúa - vụ tôm" nhưng mô hình chỉ thành công ở một vài ấp như Tân Hòa… Ba tôi ấm ức, "Ở Bộ Tời, Bộ Phát dài vô Sở Tại cũng thuộc Lương Thế Trân mà thì lúa chết non, tôm chết láng…". Đây vùng nhà nước quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhưng cũng "thất trận"… tôm tơi bời. Đã thử làm vụ lúa, vụ tôm, đã đổi hết thuốc này, vôi khác… Đã vái đủ bốn phương tám hướng, cầu xin trời đất, hồi đầu cúng vuông bằng đầu heo, tôm chết, cúng hột vịt lộn, tôm vẫn lụi đầu, có người bắt chó làm thịt cúng (cúng chó tức là "có trúng"). Chẳng biết ai đầu tiên phát minh ra cách cúng này, nhưng nghe buồn cười đến rơi nước mắt. Hay là đã tuyệt vọng lắm rồi, kiếm chuyện gì đó lạ đời để làm chơi, hay là nhà không còn gì ăn nên bày ra vụ cúng này, hay là tiện đấy để … nhậu đỡ buồn. Vừa qua, bà con ăn một cái Tết "xo cò", có nhà, hết năm rồi mà không có được một trăm ngàn trong túi để lấy may cho năm tới. Làng xóm buồn thiu, cái buồn nghèo đóng rong đóng rêu sang cả đám gã, đám giỗ… Dịp để hàng xóm láng giềng họp lại, hát hò, nhậu nhẹt xôm tụ nay gặp nhau chỉ mông mênh những tiếng thở dài. Thở dài vì vuông chẳng thấy con tôm nào. Thở dài vì cá phi cũng hỏng có mà giăng lưới kho quẹt ăn. Thở dài vì con nước tháng hai cạn queo mà xăng lên giá sáu ngàn mốt rồi, sao có tiền mà xuống máy tát nước đây …
Mà đâu chỉ xăng lên giá, bà con ở vùng ngọt cũng khốn khổ vì giá phân bón tăng mạnh từ cuối năm ngoái. "Lúa lên giá một, phân vọt lên mười", Nghĩa, thằng bạn hồi tiểu học của tôi nhăn nhó như đau ruột thừa, than. Nghĩa có một mảnh đất trồng rau ở xã Tân Thành, nuôi một vợ với đám con ba đứa cao thấp gần bằng chang nhau. Cái khuôn mặt thiên thần của nó hồi lớp hai lớp ba bây giờ nhăn nhúm như đít trái dừa khô. Hôm tôi ghé, nó còn mắc vục đầu xuống ao múc đôi thùng nước. Sau Tết, rau quả lên giá, nó tính đợt rau muống Tàu này dư ra ít đỉnh để sắm cái moteur điện, đứng ưỡn lưng ra mà xịt xịt cho sướng. Nhưng rồi phân bón, gạo, cá, tiêu tỏi cái gì giá cũng tăng, nó đành chịu trận… Dẫn xe ra sân về, nghe thằng con nó méc, "Cha ơi thằng Sang nó đái vô cây ớt, cây ớt chết queo rồi". Tôi nghe thằng Nghĩa rên lên, "trời ơi". Tôi biết nó buồn.
Hôm trước, tôi đọc một phát biểu của một quan chức Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rằng "nông dân Việt Nam như những người đi biển trên chiếc thuyền rách nát", tôi vỗ đùi khen, cha chả, ông này không biết có viết văn không, sao mà ví von hay quá chừng. Hay. Và chính xác. Nhất là khi dịch cúm gia cầm đi qua như một cơn bão khô, người nông dân đau xót mà không khỏi ngơ ngác. Ngơ ngác đến lặng đi. Nhiều người đặt ra câu hỏi, "chừng nào mới có bảo hiểm những rủi ro cho nông dân, tại sao người nông dân lại là người thiệt thòi, người chịu nhiều tác động của cuộc sống nhất ?". Đặt ra vậy thôi, thấy xót ruột quá thì hỏi vậy chứ câu trả lời này chưa có. Nên bà con nghèo hoài, nghèo không phải vì bê trễ làm ăn, không phải vì đánh bài đánh số, mê ăn nhậu, nghèo chỉ vì những rủi ro không lường trước. Nghèo vì mình là nông dân.
MÓN "HY VỌNG" ĐÃ HÂM NHIỀU LỬA…
Khi tôi thực hiện bài viết này, chắc sẽ không còn mấy ngày nữa, UBND tỉnh Cà Mau sẽ công bố dập tắt dịch cúm gia cầm. Được biết, số tiền hỗ trợ của toàn thành phố Cà Mau đã rót xuống các xã. Chú Trần Văn Hai vừa nhận tiền lúc sáng, đã quày quả ra Cà Mau trả nợ ngân hàng, rồi làm thủ tục vay vốn lại. Tôi đến lúc thím với mấy đứa con đang mong ngóng ở nhà, cậu con trai đang học Trung cấp tài chính kế toán cứ thắc thỏm nhắc hoài "Hỏng biết ba có vay tiền lại được không ?" Thím Hai rầy, "Tụi bây nói hoài ổng nhảy mũi cho coi". Rồi day qua tôi thím bảo "Hồi sáng lãnh tiền về nhà tui đã xúm lại khóc một rồi, bốn mười mấy triệu đó vừa đủ trả ngân hàng, còn nợ vay ở ngoài nguyên bân. Ổng tính ngân hàng cho vay lại sẽ xở mấy chỗ vay nóng, dư ít đỉnh để gầy dựng lại đàn vịt. Nói gì tui cũng không bỏ nghề, Cô coi, nhờ nuôi vịt mà tui cất nhà, lo mấy đứa con ăn học đàng hoàng…". Tôi thấy mình ngạc nhiên khi ngồi giữa ngôi nhà rộn rã tiếng cười. Phải chăng nỗi buồn, nỗi mất mát đã qua rồi ? "Rầu cũng nghèo mà cười cũng nghèo, sao mình hỏng cười, hỏng hy vọng cho đỡ khổ hả cô ?", thím Hai như đọc được thắc mắc của tôi, hỏi.
[b]Thím, và bao nhiêu người nông dân khác nữa, giống như những ngọn cỏ bên đường, vẫn ngoi lên bền bĩ sống sau bao lần bị giẫm. Tôi nhận ra rằng, nông dân mình xưa rày có món đặc sản "độc" lắm, nhờ món đó mà họ sống từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Đó là "hy vọng". Lúa thất thì hy vọng trúng mùa sau, giá rẻ như bèo cứ đinh ninh năm sau được giá. Lứa này tôm chết thì chờ lứa sau, lúc thả bọc tôm nhỏ như cây kim xuống đầm, vẫn mong mai này còn gặp lại chúng.
Cho tới bây giờ, khi vừa ngoi lên đã bi kẹt lại trong tấm lưới đói nghèo, người nông dân lại cần hy vọng hơn bao giờ hết, cho dù nó đã bị hâm nhiều lửa lắm rồi. Nhưng phải hy vọng để sống, làm lụng, để chịu đựng và vượt qua.
Và để gắng sức chống chọi lại những cơn bão khô sẽ đến bất cứ lúc nào