Phố bán rất nhiều đèn lồng. Với tôi đó là những chiếc đèn lồng đẹp nhất ở trên thế gian này. Tôi không đoán ra được người ta đã tạo ra nó tự bao giờ, nhưng quả thật nó làm cho tôi luôn luôn có một cảm giác vui vẻ khi đi ngang qua những hàng đèn lồng. Đèn lồng làm bằng loại lụa rất mềm, có khi trên nền lụa có những nét vẽ đẹp. Màu sắc của đèn lồng gần như không hề giới hạn, có khi là màu vàng tươi, đỏ sậm, tím và cả màu trắng ngả vàng. Những chiếc đèn lồng hình bầu dục, dạng trái bí hay dạng khổ qua đều có tua bằng len rủ xuống dưới gắn với một chiếc gù bằng gỗ. Những chiếc tua cứ lắc lư trong gió.Nhà tôi ở bên kia dòng sông Thu Bồn. Dòng sông cứ hững hờ trôi, có khi vô tình đưa những vạt cỏ xanh ra biển, có khi dòng sông biến thành tấm gương soi mặt tôi khi tôi bước ra chiếc cầu sau nhà sát sông để nhìn xuống. Cả thời thơ ấu của tôi chỉ được nghe kể về khu phố cổ đó qua lời những người lớn. Tôi chẳng có việc gì để đi qua đó, bởi muốn qua được phố cổ phải leo lên một con đò.
Anh Hưng chỉ lớn hơn tôi năm tuổi, nhưng ra dáng là một cậu con trai khỏe mạnh, là thợ học nghề mộc ở ngôi nhà cách nhà tôi một con đường đất. Con đường mát dịu nhờ hai hàng cây cau khá lớn. Tôi và anh Hưng trở thành "bạn" với nhau bởi nhà tôi có một hàng tạp hoá nhỏ do mẹ tôi bày bán. Hàng tạp hoá bán đủ thứ cần thiết cho người trong xóm: Nước mắm, gạo, mì gói, bánh kẹo và cả cây viết, viên phấn. Anh Hưng có nhà ở đâu tận đầu làng. Anh đang học nghề chạm gỗ và sắp sửa được đưa lên làm thợ. Anh Hưng đã có vài chuyến theo thầy dạy nghề của mình đi Hội An khi thầy nhận sửa chữa những đồ gỗ ở đó. Anh nói với tôi: "Hôm rằm cả con đường qua phố người ta chỉ thắp đèn lồng, đẹp lắm!". Một con phố với những ngôi nhà cổ nhỏ, mái ngói xinh đẹp bởi rêu bám đều, thậm chí chỉ cần một cơn mưa nhỏ là những cọng rêu bé tí xíu kia lại nghịch ngợm trổ những đốm hoa đỏ vàng xinh xinh thì quả thật chỉ là điều tôi mới thấy trong giấc mơ của mình.
Anh Hưng rất muốn có một ngày nào đó vượt được qua dòng sông Thu Bồn đúng vào đêm trăng tròn để ngắm nhìn cả một con đường rực rỡ ánh sáng của đèn lồng, để tận mắt thấy những chiếc đèn diệu kỳ kia. Anh bảo: "Anh có cách rồi, Nghĩa học bơi với anh. Bơi cho giỏi thì vào đêm, mình bơi qua sông ngắm đèn lồng, sau đó thì mình bơi về. Đố ai biết!". Tôi đã tần ngần ra bờ sông, đứng nhìn doi cát xanh ở giữa dòng sông, dùng tầm mắt ước lượng khoảng cách tới đó và khoảng cách từ đó tới bờ bên kia.
***
Vũ là em họ của tôi, mặc dù đã mười tuổi nhưng thân hình gầy và nhỏ xíu vì đôi chân của em bị liệt, không thể nào đi được. Gương mặt của Vũ rất sáng, khi cười Vũ rất đẹp. Những buổi chiều hoặc tối, khi rảnh thì tôi hay ngồi kể chuyện cổ tích cho Vũ nghe. Nhưng tôi đâu có phải là người lớn để có nhiều chuyện trong đầu mình mà kể cho Vũ nghe. Vốn liếng chuyện học ở mẫu giáo do cô giáo kể lại tôi nhớ mang máng như chuyện Chiếc lu thần, Cây tre trăm đốt, Chiếc ấm thần, Ăn khế trả cục vàng... đều bị Vũ cười: "Anh Nghĩa kể chuyện mới đi. Mấy chuyện đó cũ rích, có chuyện cũng đã chiếu trên phim hoạt hình rồi!". Tôi gãi đầu, gãi tai: "ờ há!". Sau chuyến đi Hội An, không hiểu tại sao tôi lại nghĩ đến chuyện "Đèn lồng qua sông", câu chuyện này Vũ vô cùng thích thú. Ngồi với Vũ ở giữa những tàn cây xanh rậm rạp, mắt hướng về dòng sông đang trôi mềm mại. Thấp thoáng những căn nhà bên kia sông ánh vàng trong màu nắng sớm. Tôi nói với Vũ: "Em không biết đâu, thường thì vào những đêm trăng rằm, các bà tiên vẫn thường bay lượn qua dòng sông Thu Bồn. Mỗi bà tiên cầm một chiếc lồng đèn có màu sắc khác nhau để chào những đứa bé ngoan. Dù em chẳng thể nào qua Hội An ngắm nhìn những chiếc đèn lồng, nhưng nếu em ngoan thì một ngày rằm nào đó các bà tiên sẽ đưa đèn lồng qua sông!". Vũ đưa mắt nhìn tôi: "Đôi chân em đâu có chạy nhảy được. Em không làm đứa bé ngoan được, chắc các bà tiên không đưa đèn lồng qua sông đâu?". Tôi cười nói, nhưng tôi cũng chẳng tin vào lời nói của mình: "Đâu phải bị thương tật thì không thể làm bé ngoan được. Biết vâng lời cha mẹ, học hành chăm chỉ thì cũng là bé ngoan!". Đôi mắt bé Vũ sáng rực lên.Có lẽ vì nghe lời tôi nói mà bé Vũ chăm học lạ lùng. Từ một cậu học trò học yếu, chỉ hai tháng sau Vũ đã trở thành một học trò giỏi. Rồi Vũ đã tìm tôi bằng được để khoe cho tôi ba con điểm 10 được cô giáo viết bằng bút đỏ: "Ba điểm mười có đủ để các bà tiên cho đèn lồng qua sông không, anh Nghĩa!". Tôi ngớ người ra: "ừ, rồi các bà tiên sẽ đưa đèn lồng qua sông!".Còn một tuần lễ nữa mới đến ngày trăng tròn. Ngày trăng tròn phố cổ trở thành đêm phố cổ đầy huyền ảo. Bé Vũ dặn tôi cõng bé Vũ ra bờ sông xem đèn lồng qua sông. Tôi biết làm gì có những bà tiên mặc áo trắng bay lượn cùng thắp những chiếc đèn lồng đủ màu qua sông. Đêm chỉ có những con đò của khách, của những người đàn bà ở Cẩm Kim này sau khi đưa người khách cuối cùng rời bến. Họ sẽ xếp thuyền xuôi về bến. Mấy ngày trời, tôi chẳng hề nghĩ ra cách, cuối cùng tôi nghĩ đến anh Hưng, bởi dù sao anh Hưng cũng có thể gỡ rối cho tôi những chuyện linh tinh như thế này?
Anh Hưng bật cười khanh khách: "Nghĩa có nhớ đến nhà bác Thái làm đèn lồng ở đường Trần Phú không? Anh đã có cách rồi".
Tôi tò mò: "Cách nào vậy, anh Hưng?". Anh Hưng kề tai tôi nói nhỏ: "Chín giờ tối đêm rằm, em cứ đưa nhỏ Vũ ra bờ sông. Đèn lồng sẽ qua sông".
***
Bầu trời đêm rằm ở Hội An bỗng dưng có nhiều mây che làm cho vắng trăng đêm khi mờ khi ảo. Tôi và Vũ cứ ngồi lặng im bên bãi cỏ ven bờ sông. Dòng sông Thu Bồn ban ngày ồn ã bao nhiêu thì ban đêm giống như một tấm thảm đen, những âm thanh của nước vỗ vào mạn những chiếc thuyền về đêm cứ vọng vang.
Bàn tay nhỏ của bé Vũ cứ bấu vào tôi: "Mấy bà tiên có biết anh và em ở đây không, anh Nghĩa?". Tôi nói nhỏ: "Biết". Chính tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Tôi cứ chong mắt nhìn vào khoảng đen trên sông. Tôi nhìn thấy những con thuyền chở khách đang xếp dài xuôi về. Những chiếc thuyền chìm trong vầng trăng yếu ớt. Giữa lúc đó, tiếng Vũ reo lên: "Đèn lồng qua sông, anh Nghĩa ơi!". Những ngọn đèn đủ màu bỗng cùng sáng. Chưa có lúc nào dòng sông Thu Bồn lại có nhiều đèn lồng như thế!
Vũ có vẻ sung sướng lắm, mắt em sáng ngời chăm chú nhìn dãy đèn lồng đang qua sông. Cả tôi trong phút giây đó cũng tin rằng các bà tiên đang chở đèn lồng qua dòng sông Thu Bồn.