Còn ba mươi mét nữa đến ngã tư, đèn báo hiệu bật vàng. Martin cho xe chạy chậm lại. Khi đèn bật đỏ, anh ngừng đúng đường giao lộ sơn trắng. Anh không có quyền liều lĩnh lúc này. Hơn bao giờ hết phải thận trọng. Anh không sợ xác của Béatrice trong thùng xe sẽ bị khám phá. Cho dù xe của anh có bị móp một bên, hoặc cây cản có bị vặn vẹo, thì không vì thế mà người ta sẽ khám thùng xe.

Nếu có lập biên bản vi cảnh, thì bất quá cảnh sát cũng chỉ muốn xác định nguyên nhân tai nạn và quy trách nhiệm mà thôi. Xa hơn nữa, cảnh sát cũng chỉ tìm xem tài xế nào say rượu. Và Martin đã không có uống một giọt rượu nào, ít ra là trong ngày hôm nay.

Anh kiên nhẫn chờ đèn xanh và từ từ lăn bánh. Không, đối với anh, một việc cọ quẹt bình thường trong giao thông sẽ không mấy gây phiền phức, nhưng anh chỉ ngại bị ghi số xe. Ở thời điểm này thì nhất định không nên.

Anh tuân thủ kỹ lưỡng tốc độ hạn định, rẽ trái sang quốc lộ 32, rất ít xe cộ vào lúc 19 giờ 30 tối thứ hai, tức là ngày hôm nay. Mỗi lần có xe đến từ tuyến bên kia, Martin cẩn thận hạ đèn pha. Mười lăm phút nữa anh sẽ tới bìa rừng. Ở đó mọi thứ đã sẵn sàng. Cái hố anh đào tối hôm qua đang chờ thây của Béatrice, chỉ cần giở các cành lá ngụy trang ra, bịch! Và người ta sẽ không bao giờ nhắc đến Béatrice Martin nữa.

Đương nhiên, công an sẽ điều tra về vụ mất tích này, nhưng đó là nghề của họ, họ phải nghi ngờ và phá án. Sau rốt rồi họ cũng sẽ phải kết luận rằng Béatrice đã bỏ nhà đi theo duyên mới.

Martin tưởng tượng lúc đối chất với công an hình sự. Lúc ấy sẽ là 10 giờ sáng mai, khoảng một tiếng đồng hồ sau khi cảnh sát thả anh ra. Anh sẽ rất nhức đầu và sẽ uống một ly cà phê đậm đặc.

- Khi tôi về đến nhà thì phát giác ra rằng giường ngủ của Béatrice còn nguyên chăn gối gọn ghẽ.

Nhân viên điều tra sẽ gợi ý:

- Có thể bà đã dậy, sắp xếp chỗ ngồi rồi đi chợ... hoặc đi đâu đó?

Martin ra vẻ ngập ngừng:

- Vâng, nhưng cô ấy có thói quen dậy rất muộn, quá ngọ, đôi khi 1 giờ trưa mới dậy.

Như thế công an sẽ bắt đầu có ấn tượng về Béatrice, nhưng anh ta sẽ ngạc nhiên tại sao Martin lại báo với nhà chức trách nhanh như thế: “Anh điện ngay cho chúng tôi đấy à?”.

- Khoảng năm phút sau khi tôi biết là cô ấy không có ở nhà. Tôi cho rằng cô sang ngủ đêm ở nhà bà chị, như đôi lần cô đã làm, tôi điện sang bà chị nhưng bên đó cho biết là hai ngày nay không gặp cô ta.

- Anh có điện cho ai khác không?

- Không, Béatrice ít có bạn. Nói thật thì tôi cũng không biết cô ấy có bạn hay không... Tôi định gọi đến bệnh viện nhưng trong niên giám điện thoại có quá nhiều địa chỉ, tôi không biết gọi bệnh viện nào. Tốt hơn là tôi nên báo công an, trong trường hợp tai nạn, công an sẽ là người nắm đầu mối, phải không?

Nhân viên điều tra sẽ nhìn vào sổ tay và hỏi tiếp:

- Sáng nay anh về nhà lúc 9 giờ rưởi. Anh làm đêm à?

- Không, tôi làm việc từ 16 giờ đến nửa đêm. - Sau đó anh sẽ ngập ngừng và ngượng ngùng khai báo - Tôi bị tạm giữ từ nửa đêm đến 8 giờ sáng nay.

Khi công an nhướng mày ngạc nhiên, anh sẽ giải thích:

- Vừa ra khỏi cơ quan, tôi có ghé vào quán rượu...

- Rồi sao nữa?

- Hình như là tôi có quá chén, và khi lui xe, tôi lỡ trớn ủi vào một chiếc khác đang đậu gần đó. - Anh sẽ ra vẻ gần như là bất bình - Nói thật, từ hồi mới lái xe tới nay, chưa bao giờ tôi gây ra tai nạn, chưa một lần bị phạt vi cảnh. Thế mà khi cảnh sát giao thông đến, họ nỡ xúc tôi vào bót. Sáng nay đóng tiền bảo chứng xong mới được ra.

Rất có thể là công an sẽ đáp cộc lốc: “ờ, ở đây hễ uống rượu mà lái xe thì bị nhốt, đỡ nguy hiểm cho người khác”.

Martin biết rõ điều đó, và ghép nó vào kịch bản. Công an sẽ khám nhà, sẽ chú ý cặp giường đôi, sẽ nhìn vào tủ và thấy trống đi hết một nửa. Martin sẽ điềm nhiên cho biết “một phần lớn quần áo của cô ấy không còn ở đây” và cả hai sẽ phát giác hai chiếc va li đã biến mất: hai chiếc tốt nhất.

Nhân viên điều tra sẽ hỏi nữa:

- Lần cuối cùng khi gặp bà, ông thấy bà ăn mặc như thế nào?

- Tôi nghĩ điều này không mấy giúp ích cho chúng ta, vì chiều hôm qua lúc tôi đi làm, khoảng 3 giờ 15, cô ấy hãy còn mặc áo ngủ.

- Giữa ông bà có chuyện... trục trặc?

Martin sẽ ra vẻ mãn nguyện, vì nói được sự thật về vấn đề này, nó sẽ biện minh cho lý do ra đi của Béatrice. Nhưng anh phải giả vờ miễn cưỡng lắm mới nói:

- Vài chuyện lặt vặt thôi, gia đình nào chẳng có, cho đến khi... - Anh vờ ngừng lại như còn nghi ngại điều gì.

- Cho đến khi?

- Thôi, nói phức rồi! Chẳng là cách đây khoảng 6 tháng, ban giám đốc nhà máy đã lập ra một chức vụ mới, là Chánh kiểm tra. Vì tôi có thâm niên, có thành tích tốt... tôi đã tưởng... và cả Béatrice cũng đã tưởng... Nói chung là chúng tôi đã tưởng tượng quá sớm. Tưởng mình sống khá hơn nhờ thu nhập cao...

- Rồi bà thất vọng?

- Tất nhiên!

- Thế bà trách ông hay trách nhà máy?

Martin sẽ không trả lời, để công an tự kết luận.

Anh nhớ rất rõ khi một người khác được chỉ định vào chức vụ nói trên, anh thất vọng biết bao. Trưởng phòng tổ chức đã ý tứ mời anh lên để giãi bày, chức vụ này cần một người có nghị lực, biết ra lệnh, biết quyết định. Martin thì hơi thiếu tính cách, ít bạo dạn, lại mờ nhạt... Bạn hiểu ý tôi không?

Anh nhả bớt ga, cho xe vào con lộ nhỏ. Chạy thêm 80 m, anh đậu xe dưới rặng thông. Hơi chật vật để lôi xác Béatrice ra khỏi thùng xe và mang đến hố, cách đó 30 m, trong bụi rậm. Trở lại cầm hai chiếc va li và cái xẻng.

Béatrice chết trong những điều kiện rất tốt. Martin đã lén lấy thuốc ngủ trong tủ của vợ, mỗi ngày một viên cho đến khi có đủ lượng cần thiết. Quả thật điều này kéo dài thời gian, nhưng anh muốn đâu đó phải chu đáo.

Sáng nay anh đã hòa tan tất cả liều thuốc ngủ vào chai rượu brandy. Buổi chiều, vào lúc 3 giờ 15, như thường lệ Béatrice đã uống cử rượu đầu tiên trong ngày, pha thêm chút nước khoáng. Ngày nào cũng vậy, đến giờ này là cô bắt đầu uống. Trong nhà bếp, Martin đang chuẩn bị mấy cái bánh sandwich, lúc ấy anh cảm thấy hãnh diện và mãn nguyện.

Khi anh sửa soạn đến cơ quan thì cô làm thêm một ly nữa.

Dưới ánh trăng, Martin lấp đất cẩn thận, đặt các cành lá ngụy trang, xem xét lại tỉ mỉ công việc của mình. Không có gì là sai sót. Béatrice và hai chiếc va li biến mất vĩnh viễn.

Lau chùi kỹ lưỡng. Xe lăn bánh.

Cuộc sống này đã kéo dài 10 năm, 10 năm dằn vặt, 10 năm độc tài. Nhưng trước đây anh có một quan niệm thiêng liêng về hôn nhân, và hơn nữa, vẫn hi vọng rồi đây cuộc diện sẽ ngày một khá hơn. Do đó mãi cho đến kỳ tiến thân hụt, anh mới bàn về vấn đề ly dị. Từ đó, Béatrice còn khó ưa hơn, những cơn thịnh nộ bộc lộ sự đeo bám ngoan cố. Có lẽ cô ta e rằng sẽ không tìm được một người chồng khác có thể chịu đựng mình, nghĩa là tính tình mình và tật nhậu của mình.

Xe đến ngã tư, anh đạp thắng, cẩn thận rẽ trở lại quốc lộ 32.

Chắc chắc là nhân viên điều tra sẽ rất sáng suốt, sẽ hỏi đến những câu tế nhị.

- Vợ anh có bảo hiểm sinh mạng không?

Martin sẽ trả lời không, ngược lại riêng anh thì đến hai hợp đồng cho bản thân. Công an sẽ thích ghi lại điều này.

- Và anh bảo là làm việc từ 16 giờ đến nửa đêm?

- Vâng, tôi ra khỏi nhà lúc 3 giờ 15, đến sở làm phải mất nửa tiếng, tôi sợ đi trễ hơn, bãi đậu xe sẽ đóng cửa.

- Bãi đậu xe sẽ đóng cửa?

- Vâng, bãi đậu của công ty. Đây là bãi tư nhân, có rào dây thép hẳn hoi, vì dạo này có nạn mất xe. 15 phút sau khi đổi ca thì cổng khóa, ai đi trễ phải để xe bên ngoài.

Có thể là công an sẽ hỏi là có mấy cổng.

- Hai, một phía bắc, một phía nam. Mỗi bên có một tuyến ra và một tuyến vào.

- Và khoảng trước lúc 0 giờ, xe anh vẫn đậu ở đấy chứ?

- Đương nhiên, tôi đang làm việc.

- Người gác cổng có thể làm chứng rằng lúc ấy xe anh còn nằm trong bãi?

Martin làm bộ suy nghĩ:

- Để xem, tôi luôn vào cổng phía nam. Người gác cổng là Joe Byrnes. Vâng, tôi nghĩ rằng anh ấy sẽ nhớ ra tôi.

Chắc chắn là Joe Byrnes sẽ nhớ. Xe vào cổng mà còn dừng lại để trả Joe 5 đô-la vay hôm trước, Joe đâu có quên được.

- Và nếu anh ngã bệnh hoặc cần ra về trước giờ, thì làm sao?

- Đến cổng gặp thường trực để cho biết tên và số xe, thế thôi.

- Lúc nào cũng có người trực ở cổng?

- Vâng... ! Thật ra không phải thế. Lẽ ra Joe Byrnes phải gác, nhưng Martin biết rằng mỗi khi đã khóa xong cổng, Joe băng qua tít bên kia để tán dóc với Ed Parker, người gác cổng bắc. Joe nghĩ rằng ai muốn ra ngoài thì phải ra qua cổng bắc, vì tiện lợi hơn, gần phân xưởng hơn. Nhưng Joe sẽ không bao giờ nói điều này ra, và Ed Parker cũng thế. Một trong hai thằng, nhất là Joe, sẽ bị thôi việc.

Hồi trưa khi đến cơ quan, Martin đã đậu xe gần cổng nam. Mười bảy giờ, lẻn ra khỏi phân xưởng, thấy Joe và Parker ở cổng bắc, anh đến nhẹ nhàng mở cổng nam, đem xe ra, đóng cổng lại.

Công an có thể gặng thêm:

- Ngoài các người gác cổng, còn ai có chìa khóa nữa?

- Tôi hoàn toàn không biết.

- Ổ khóa nào mà không có chìa thứ hai?

Martin sẽ nhún vai:

- Có thể. Có thể niêm phong đâu đó.

Joe sẽ không mấy quan tâm đến xâu chìa khóa thứ hai này đâu, Martin đã có dịp kiểm chứng điều đó. Anh xây dựng phương án thủ tiêu vợ khi biết rằng rất dễ dàng lấy cắp xâu chìa khóa này, anh đã đánh cắp chúng nó cách đây 3 tháng mà Joe cũng không để ý đến. Tuy nhiên xong việc rồi phải nhớ để lại chỗ cũ, biết đâu sau này có ai đó đi tìm...

Đến công trường điện Capitol, Martin chờ đèn bật xanh, đi tiếp một quãng, rẽ phải. Sau xe anh, một chiếc khác màu đen cũng đi cùng đường.

Chắc chắn là công an sẽ hỏi thêm:

- Anh đã không mang xe ra khỏi bãi vì bất cứ lý do nào?

- Không, tôi đã bảo là tôi làm việc.

- Khâu nào?

- Khâu tiếp liệu.

Công an không hiểu rõ công việc của anh.

- Tôi phải bảo đảm cho dây chuyền sản xuất không thiếu một món gì. Chẳng hạn, nếu ở chặng nào bắt đầu thiếu một loại ốc vít nào đó, tôi phải đến kho để yêu cầu tiếp liệu.

- Như thế trong khi làm việc anh phải đi lại liên tục? Nghĩa là rất nhiều người có thể làm chứng rằng hôm qua anh có mặt tại cơ quan từ 16 giờ đến 0 giờ?

- Đương nhiên, hàng chục người!

Đây là điểm yếu của kế hoạch Martin, nhưng anh không thể làm khác hơn được, không thể nào cùng lúc ta hiện diện ở hai nơi. Martin đã làm hết sức mình sao cho từ 16 giờ đến 19 giờ một số đông công nhân thấy anh hiện diện. Sau đó, khi trở vào cơ quan khoảng 21 giờ, anh cũng lăng xăng như thế, hi vọng sự tấp nập và công việc bề bộn của phân xưởng sẽ là lá chắn cho anh. Chắc chắn là một số đông công nhân sẽ “nhớ ra rằng” anh có mặt vào thời điểm ấy. Tệ lắm là họ cũng sẽ trả lời là không nhớ có gặp anh hay không.

- Chỉ một mình anh phụ trách khâu tiếp liệu?

- Không, khoảng chục người, do Hanson quản lý.

- Trong tiến trình công việc, nếu anh vắng mặt trong vòng hai tiếng hẳn người ta sẽ nhận thấy?

Martin sẽ cười:

- Tôi cũng mong được như thế!

Nhưng thật ra không hẳn thế, và anh biết rõ điều đó. Với một chục nhân viên tiếp liệu, Hanson sẽ không để ý đến sự vắng mặt của anh. Vả chăng trên thực tế, chỉ phải tính một tiếng rưởi thôi vì đã khấu hao nửa tiếng để ăn tối.

Trước khi rẽ sang lộ 20, Martin liếc nhìn kiếng chiếu hậu. Chiếc xe đen vẫn bám theo, anh khẽ nhíu mày.

Công an sẽ hỏi nữa:

- Sau khi ra khỏi cơ quan, anh ở trong quán rượu bao lâu?

- Gần một tiếng.

- Tên quán?

- Pierrot, gần cơ quan tôi.

Chủ quán sẽ chứng thực lời khai này. Từ khi lên kế hoạch, tối nào Martin cũng đến quán, ai cũng biết anh.

- Theo anh, ai là người sau cùng gặp vợ anh?

- Người giao hàng tiệm giặt ủi, khoảng 15 giờ.

Đều đều mỗi tuần vào ngày thứ hai hắn đến giao quần áo, và hồi trưa Martin đã hơi sốt ruột khi đợi hắn.

Như thế nhân viên điều tra đã có thể lặp lại quá trình vụ việc. Người giao quần áo giặt ủi gặp Béatrice lúc 15 giờ, sau đó 15 phút Martin đến cơ quan cho kịp giờ đóng cổng. Xe nằm trong bãi đến nửa đêm. Hết ca, hắn vào quán rượu Pierrot khoảng một tiếng, ra xe ủi vào xe khác, cảnh sát nhốt vào bót cho đến 9 giờ sáng. Đi thẳng về nhà, điện ngay cho công an. Không. Ngay cả nếu hắn có ám sát vợ thì cũng không đủ thì giờ để thủ tiêu cái xác. Trừ khi xác còn tại nhà. Nhưng ai ngon thì cứ tìm!

Martin rẽ sang phải. Chiếc xe đen vẫn theo bén gót. Lo ngại. Cái gì đây? Xe này không giống xe công an. Hay là một trinh sát? Tại sao lại theo mình? Tốc độ xe mình không vượt hạn định. Hay là đã vô tình vượt đèn đỏ? Nếu thế thì đã bị chận lại rồi! Đèn ở ngã tư bật đỏ, Martin ngừng xe và liếc nhanh phía sau. Không, gã kia không phải là công an mặc thường phục. Gã rất nhỏ con, trong khi ngành công an đòi hỏi một chiều cao tối thiểu nào đó, mặc dù chỉ là nhân viên theo dõi thôi. Đèn xanh, Martin cho xe chạy chầm chậm và rẽ phải. Xe đen vẫn theo.

Đột nhiên Martin toát mồ hôi lạnh. Hay là một tên cướp nào đây, chờ lúc thuận tiện để thịt mình? Anh vòng qua chung cư để trở về trung tâm thành phố và thở phào nhẹ nhõm: chiếc xe đen đã biến mất. Như thế chỉ là một sự trùng hợp mà thôi, chứ gã đâu có theo dõi mình!

Martin đến cơ quan an toàn, mở cổng nam, cho xe vào. Khi sắp vào phân xưởng, anh thoáng thấy Joe và Ed Parker đang mải mê đánh bài. Trong xưởng cũng không ai để ý đến anh. Một lát sau, trưởng nhóm đến giao anh tờ lệnh tiếp liệu và anh bắt tay vào việc.

Một gã nhỏ con bước xuống chiếc xe đen vừa ngừng bánh trước tòa nhà sáu tầng. Gã vào nhà, lên thang máy, băng qua một phòng làm việc vô cùng náo nhiệt và bước đến một máy đánh chữ còn trống. Gã gõ những con số trích từ sổ tay để báo cáo lên thượng cấp. Khi mở cửa văn phòng, thượng cấp hỏi: “Sao, xong chưa?”.

- Rồi, nhưng cực quá. Phải theo dõi bao nhiêu xe cả đêm khuya khoắt như thế này thì căng thật.

- Thượng cấp - tổng biên tập của một tờ báo - nhìn danh sách các con số và hỏi:

- Vậy trong đây ai là người thắng cuộc? Ai được thưởng giải đặc biệt?

Gã nhỏ con chỉ trên tờ giấy:

- Xe này. Tôi bám sát suốt 4 km, chủ xe hoàn toàn không vi phạm một tí ti nào về luật lệ giao thông.

- Vì chúng ta đang trong mùa chọn “người lái xe lý tưởng”, chúng ta sẽ cho đăng tất cả những số xe này để biểu dương. Anh nhớ, số xe thắng giải đặc biệt phải được in chữ to, đậm vào, đóng khung hẳn hoi. Và ráng tìm cho tôi chủ nhân chiếc xe này, số C.25388. Phỏng vấn bỏ túi, ảnh sống động vào. Bài và ảnh phải lên trang một để làm gương. Làm cho ngon lành vào, nhớ nhé?

Hết