Từ trên thành Nghệ An, Ngô văn Sở nhìn về hướng nam, thấy bụi bay mù mịt thì biết rằng đạo quân của Tây Sơn đã đến. Ngô Văn Sở sai bộ tướng thắng ngựa, dẫn theo 20 tùy tùng, cùng Ngô Thời Nhiệm mở cửa thành chạy bay ra nghinh đón.

Khi đại quân đến nơi, hai đại tướng của Nguyễn Huệ xuống ngựa, khấu đầu sụp lạy:

- Muôn tâu bệ hạ, bộ tướng mình mặc giáp, sợ không đủ lễ, lại bất tài, không thể đương đầu cùng giặc Thanh, phải chạy đến đây chờ đại quân, xin bệ hạ trị tội!

Nguyễn Huệ vẫn ngồi trên yên ngựa, đưa tay đỡ hai bộ tướng dậy rồi cất tiếng cười vang:

- Trẫm không bắt tội hai ngươi đâu! Địch mạnh ta yếu mà đánh nhau là hạ sách. Hai ngươi đã quyết đoán như vậy rất phải, hãy cùng nhau vô thành thương nghị!

- Đa tạ bệ hạ.

Tiếng quân lính hò vang cổ võ:

- Quang Trung Hoàng Đế muôn năm! Muôn năm!

Nguyễn Huệ mỉm cười, đưa tay khoát một bộ tướng lại, ra lệnh:

- Ta dẫn một số ít quân sĩ vô thành, còn nhà người cho quân đóng trại ở ngoài, chia ra làm ba cánh vừa nghỉ vừa làm thế ỷ dốc với nhau. Quân ta nhiều, e vào thành một lúc sẽ làm bá tánh hoảng sợ!

- Tuân lệnh!

Khi Nguyễn Huệ vô đến cửa thành, một số bô lão đã chờ sẵn:

- Chúng thần xin kính mời hoàng đế nhập thành!

Nguyễn Huệ vội xuống ngựa:

- Trẫm không tài không đức mà phải làm nhọc sức đến muôn dân, rất lấy làm áy náy!

- Đa tạ bệ hạ!

Khi đã vô đại sảnh, Nguyễn Huệ nhìn Ngô Thời Nhiệm, nhỏ nhẹ:

- Thời Nhiệm là nhân sĩ Bắc hà, túc trí đa mưu, xin cho trẫm nghe kế sách!

- Tâu hoàng thượng, hạ thần chắc là khi cho quân bắc tiến, hoàng thượng đã có chủ tâm, còn như hạ thần tài mọn trí hèn, không dám làm nhơ tại hoàng thượng!

- Thời Nhiệm đừng quá khiêm nhường, ta vốn dĩ trọng hiền tài, mến dũng tướng, cứ cho ta nghe cao kiến!

Ngô Thời Nhiệm nhìn Ngô văn Sở:

- Sở tướng quân là tay dũng sĩ, tài trí hơn người, xin Sở tướng quân cho hoàng thượng nghe lời vàng ngọc!

Ngô Văn Sở chân thành:

- Thời Nhiệm đừng khách sáo, cứ cho hoàng thượng nghe kế sách, còn ta chỉ là tên vũ dũng, làm gì có lời vàng ngọc!

Ngô Thời Nhiệm thấy từ chối không được, lấy giọng:

- Tâu hoàng thượng, hiện nay Lê Chiêu Thống đã đem giặc Thanh vào Thăng Long, cam tâm làm tôi mọi cho lũ chúng. Hạ thần nhìn thấy cảnh vua ta...

Như biết lỡ lời vì quen miệng, Ngô Thời Nhiệm vội quỳ mọp xuống:

- Hạ thần u mê, nên lời ngu muội, xin hoàng thượng trị tội!

Nguyễn Huệ đỡ Ngô Thời Nhiệm dậy, phủ dụ:

- Thời Nhiệm bao nhiêu năm đã quen miệng là chuyện thường, chẳng có chi phải sợ! Ta vốn là kẻ ở quê, vì dân mà cùng quân sĩ ra tay trừ bạo, mong đuổi quân đánh thuê ra khỏi bờ cõi, quyết lấy nhân từ mà đối đãi với mọi người, Thời Nhiệm đừng quá giữ lễ!

- Đa tạ hoàng thượng nhân đức! Thần xin tiếp. Hàng ngày Lê Chiêu Thống phải qua dinh Tôn Sĩ Nghị để chầu. Nhiều khi giặc Tôn không cho chầu, đuổi về, nhục ơi là nhục! Tôn Sĩ Nghị ỷ mình có 20 vạn quân, dương dương tự đắc, ngày ngày yến tiệc, thậm chí còn vui chơi với cải tam cung lục viện của Lê Chiêu Thống, để quân lính tha hồ hà hiếp muôn dân! Thần trộm nghĩ chúng ta vì dân trừ bạo, xin hoàng thường phải luật pháp nghiêm minh, thu phục nhân tâm thì e gì không đuổi được giặc, dẹp được hôn quân!

- Thời Nhiệm nói hợp ý ta. Hãy cho ta biết thêm về quân Thanh.

- Tâu bệ hạ, đó là hai đạo quân Quảng Đông và Quảng Tây, mỗi đạo 10 vạn quân. Chúng tuy đông nhưng toàn là quân ô hợp, xuất thân nếu không là đạo tặc thì cũng là lính đánh thuê. Một khi ta phá được hai thành Hà Hồi, Ngọc Hồi thì tự khắc chúng sẽ bỏ Thăng Long mà chạy lấy thân. Ta chi cần cho một đạo quân mai phục chận đường về thì lo gì không gom trọn ổ!

Nguyễn Huệ chặt lưỡi:

- Thời Nhiệm nói hợp ý trẫm! Còn Lê Chiêu Thống là người như thế nào?

- Lê Chiêu Thống mặt trắng như xác chết, mắt lộ, sắc diện lúc nào cũng như gà mái mắc đẻ, bề ngoài thì nghiêm nghị mà bên trong thì không cả quyết, lại hèn nhát, chỉ nghĩ đến ngai vàng của hắn mà quên đi hạnh phúc của muôn dân, thậm chí, từ khi giặc Thanh vào Thăng Long, ngày ngày hắn phải đến chầu giặc mà không dám cắm cờ trên xe, không dám đội mão của bậc vua chúa...

Nguyễn Huệ ngắt lời:

- Lê Chiêu Thống hèn nhát như vậy, nhưng hắn có quân sư nào tài giỏi hay không?

Ngô Văn Sở chen vào:

- Tâu hoàng thượng, những tên quân sư của Lê Chiêu Thống cũng chỉ là lũ ươn hè, tham sống sợ chết, bán nước cầu vinh, có chi đáng ngại!

- Sở tướng quân không được coi thường địch!

Như biết lỡ lời, Ngô Văn Sở cuối đầu tạ lỗi. Ngô Thời Nhiệm tiếp:

- Quân sư của họ Lê chỉ có một tên tạm gọi là mưu mô thủ đoạn nhưng tên này ham ăn ham uống, ham của đút lót, nếu ta cho người dùng tài vật mua chuột thì chuyện gì cũng xong!

Nguyễn Huệ đi tới đi lui trong đại sảnh, suy nghĩ. Cả một đại sảnh im phăng phắc. Bất chợt nhà vua hỏi:

- Ngoài tên quân sư đó, bên cạnh Lê Chiêu Thống còn có ai?

Một tên lính hầu cận của Ngô Văn Sở chợt lên tiếng:

- Còn có con vợ của hắn, ghê gớm lắm!

Ngô Văn Sở xoay lại quát:

- Ngươi đang biết mình đang đứng ở đâu không? Ai cho phép ngươi nói! Bay đây, đem hắn ra chém mà răng chúng!

Nguyễn Huệ khoát tay:

- Không nên! Quân lính vốn thật thà, bụng nghĩ sao miệng nói vậy! Ta đây cũng xuất thân áo vải, rất thích những người ngay thẳng. Nào, ngươi hãy nói tiếp cho ta nghe!

Tên lính hầu như đã biết sợ, vội quỳ mọp xuống, dập đầu xuống đất:

- Xin hoàng thượng tha tội!

Nguyễn Huệ nhìn Ngô Thời Nhiệm và Ngô Văn Sở, mỉm cười:

- Được! Ta tha cho ngươi, nhưng ngươi phải khai bẩm rành mạch!

Tên lính hầu cuối đầu tạ Ơn một lần nữa rồi nói tiếp một cách hăng say, như quên hẳn cách đó vài phút, nếu không nhờ sự nhân từ của nhà vua thì đầu đã lìa xa cổ:

- Bẩm, tên vợ của Lê tặc chính là người cầm quyền đích thực. Điều gì Lê tặc cũng hỏi ý vợ! Chính việc cầu viện ngoại bang, cõng rắn cắn gà nhà cũng là chủ ý của thị. Lê tặc vốn không cả quyết, mới hỏi ý của tên quân sư thì đã bị thị nhảy cỡn, la oắng cả lên như khỉ ngồi trúng lửa. Lê tặc đâu dám nhúc nhích, đứng trân như dê con thấy hùm beo sư tử, nên cứ theo ý thị mà làm, không còn nghĩ gì đến mấy trăm năm dựng nghiệp của ông bà nội ngoại...

Ngô Văn Sở trợn mắt:

- Ngươi nói chi những lời lẽ tục tằn trước hoàng thượng làm ta ngượng quá! Mà sao ngươi biết rõ vậy?

Nguyễn Huệ cả cười, gạt đi:

- Sở tướng quân bất tất phải lo lắng. Ta thích nghe những lời chân thật. Trên đời này, ta vốn ghét nhất là những lời văn vẻ nhưng rỗng toét, ngon ngọt nhưng hàm chứa đầy nọc độc. Những tên khi cần thì lạy lục cầu xin, mà khi xin không được thì trở mặt phun nọc độc vào người chính là lũ chồn cáo! Nào, ngươi nói tiếp đi, ta sẽ trọng thưởng. Thị là con cái nhà ai mà Lê tặc sợ quá vậy?

- Bẩm, thị không có cha, thần chỉ biết thị có họ với bà Chúa!

- Bà Chúa nào?

- Bẩm, bà Chúa chè!

Nguyễn Huệ vừa rảo bước, vừa lập lại một mình: “Bà Chúa Chè! Bà Chúa Chè” rồi bất chợt cười lên ha hả.

Tên quân hầu hoảng sợ, tâu:

- Bẩm kẻ hèn nầy có nói điều gì xúc phạm đến hoàng thượng, xin hoàng thượng thứ tội!

- Không! Không! Ngược lại ngươi làm ta muốn cười gần chết! Bay đâu, ghi sổ cho hắn ba lạng bạc, chờ khi đắc thắng sẽ thưởng!

Bất chợt Nguyễn Huệ hỏi:

- Thế các vị thúc, bá của Lê tặc không có ý kiến gì sao?

Ngô Thời Nhiệm chẩm rải tâu:

- Tâu hoàng thượng, Lê tặc còn giữ được ngôi báu thì những vị thúc, bá mới còn bổng lộc. Thậm chí sau khi qua đời thì cũng được lập nơi thờ phượng, khói nhang. Chính vì thế mà tất cả đều đồng ý với chánh cung là phải cầu viện nhà Thanh, vì họ nghĩ đây là ván cờ cuối cùng...

Nguyễn Huệ ngẩng đầu nhìn lên trần đại sảnh, thở dài:

- Họ nghĩ đến họ nhiều quá! Tất cả những gì như “khuôn phò xã tắc, chăm sóc muôn dân... ” chỉ là những chiêu bài để che đậy tham vọng cá nhân mà thôi! Nếu như họ biết chấn chỉnh triều chính, một lòng tiếp tục công nghiệp các bậc tiên đế, yêu thương trăm họ thì ta phải dấy binh làm gì cho đất nước can qua! Thôi thì cũng là vận nước!

Xoay lại Ngô Thời Nhiệm và Ngô Văn Sở, Nguyễn Huệ Ôn tồn:

- Nghệ An là quê hương tổ tiên của trẫm. Ngày mai trẫm sẽ làm lễ tế mộ phần của tổ tiên. Sau đó, chúng ta mộ thêm binh mã rồi cho quân sĩ ăn Tết Nguyên Đáng trước rồi đêm 30 sẽ Bắc tiến!

Ngập ngừng một lúc như để lấy sự chín chắn, nhà vua cả quyết:

- Chúng ta sẽ ăn vô thành Thăng Long vào ngày mùng năm Tết. Chuyến này ta quyết phá tan quân Thanh. Nhưng...

Ngô Thời Nhiệm dò ý:

- Tâu bệ hạ, nhưng sao?

- Cái này... ta phải nhờ Thời Nhiệm. Nước ta dù sao cũng là nước nhỏ, quân ta hiện chưa thể đương đầu với Bắc phương lâu dài. Ta sợ sau khi 20 vạn quân Thanh bị đánh tan, Thanh triều sẽ mất mặt mà trả thù, e muôn dân thống khổ. Thôi thì, sau khi đuổi được cường địch, ta phiền Thời Nhiệm đi sứ một phen, lựa lời mà nói với vua Thanh để cầu hòa, chờ khi quân ta thực sự hùng mạnh thì sẽ tính sau!

Cả Ngô Thời Nhiệm và Ngô Văn Sở cùng cuối đầu:

- Bệ Hạ thương dân như con đẻ, bộ tướng xin nguyện một lòng một dạ cùng bệ hạ!

Đêm xứ Nghệ vào ngày cận Tết gió lạnh cắt da. Nguyễn Huệ khoác áo bào, cùng hai bộ tướng ra ngoài đại sảnh, lên trên thành cao nhìn ra ngoài xem tình hình quân sĩ trước khi ngả lưng. Nhìn thấy đồn trại quân sĩ phân phối chỉnh tề, lính gác nghiêm túc, nhà vua thở dài:

- Huệ này có muôn thác cũng không đền đáp được lòng trung nghĩa cua ba quân tướng sĩ!

Tiếng chiêng báo canh lanh lảnh vang lên ba tiếng như xé màn đêm. Rồi im vắng! Cái tĩnh mịch nhanh chóng trở về ôm trọn cả đêm xứ Nghệ. Tĩnh mịch đến lạnh lùng. Có ai biết đâu trong lòng người anh hùng áo vải vẫn rộn ràng tiếng trống thúc quân.

Hết