Chương 1
Cọp chết để da - đàn bà chết để hương Người đàn bà dọn đến khu tập thể của chúng tôi vào một buổi chiều. Chị từ chiếc tắc xi cũ bước xuống, ngỡ ngàng nhìn khắp các tầng nhà. Chỗ chúng tôi là một khu chung cư xoàng xĩnh. Vào mùa mưa, những cư dân ở đây phải lội bì bõm qua những vũng nước lềnh bềnh rác rưởi và xác chuột để về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nhưng nước dùng thì chiều nào cũng thiếu. Mỗi chiều chúng tôi chờ hứng nước ở cái vòi công cộng. Cái vòi nước này mới được làm lại sau một thời gian dài để không. Nước không đủ để bơm lên tầng cao nên mọi người đành chung nhau cái vòi nước ở đầu cầu thang. Thật khó mà tả được cái thứ nước tuy có mùi khử trùng nhưng lại chui qua những đường ống gỉ ngoèn chôn dưới lớp đất lầy nước mưa không có cống thoát. Tuy nhiên rau vẫn được rửa sạch, các món ăn phong phú vùng nhiệt đới vẫn được bày ra vào giờ ăn tối trong các gia đình, với những ngón tay sạch sẽ bày biện chế biến. Xong bữa tối, mọi người co chân lên giường, xem ti vi, đọc báo, tán gẫu và đánh bài. Dĩ nhiên trẻ con phải học. Cánh đàn ông có chiếc điếu cày, chia nhau rít sòng sọc, rồi dán mắt vào những trận bóng đá triền miên ở cả mấy kênh truyền hình, la hét ầm ĩ. Chị khá đẹp, nhưng âm thầm và xanh xao, khép kín mọi sinh hoạt riêng tư. Chính vì vậy càng thu hút sự chú ý của nhiều người trong khu, nhất là lũ trẻ khi gặp chị Ở cầu thang. Ngay cả tôi, cũng thường ngắm chị qua ô cửa nhà mình. Thỉnh thoảng trong căn phòng nhỏ của người đàn bà lọt ra tiếng nhạc rất nhẹ. Khi đêm xuống, cả tiếng nhạc cùng luồng ánh sáng hoà với tiếng gió mơ hồ phiêu du trên những cành hoa sữa dưới sân khu tập thể. Buổi sáng nào tôi cũng dậy thật sớm để chạy bộ. Tôi thường chạy dọc theo con đường ngang qua cửa bệnh viện. Chạy một lúc nữa thì qua cửa nhà xác. Ngay trước cửa nhà xác, phía bên kia đường, là một dãy nhà ở chen chúc phủ đầy rêu phong. Nhà nào cũng bày bán những thứ dành cho người chết. Mỗi khi có người đi từ đêm trước, buổi sáng sớm cửa nhà xác mở toang, trắng loá khăn tang và những ngọn nến lập lòa. Cửa các nhà đối diện cũng mở toang với hương hoa và khúc vải liệm chào mời. Sống chết nhờ vả nhau. Tiếng nức nở lọt ra ngoài, theo gió đọng lại khắp nơi: bãi đá bóng, những chiếc ghế đá, những cành sấu, bằng lăng, hoa sữa… Và một trong những buổi sáng như vậy, tôi nhìn thấy chị ngồi trên chiếc ghế đá bên cái cây hoa sữa khẳng khiu sát đường. Cây hoa sữa này có rất nhiều hoa. Sáng sớm khi sương chưa tan, hương hoa sữa ngọt ngào đặc kín trong lớp sương mù, dường như được ướp từ đêm hôm trước. Chị ngồi trên chiếc ghế đá, im lặng. Tôi chạy vụt qua, nghĩ: chị là ai? Có phải là loại đàn bà nhạt nhoà và mông muội như bao người đàn bà khác, và rồi rơi xuống, cô đơn, sợ hãi? Tôi đi chậm lại. Mồ hôi nhỏ xuống bãi cỏ còn đẫm sương. Qua đêm, trên cành hoa sữa khẳng khiu, gió đã cuốn đi thêm vài chiếc lá, lộ ra những dòng chữ ai đó đã khắc thật mạnh tay làm dòng nhựa trào ra đỏ bầm. Người khắc cố tình đánh dấu một kỷ niệm hay một nỗi đau? Cũng có thể chẳng đánh dấu điều gì mà chỉ là hành động mạt hạng của những kẻ ăn đêm, nghiện hút và vô tích sự. Tiếng nức nở oà ra rất nhẹ từ phía căn nhà người chết, quyện với hương hoa và cái giá lạnh buổi sớm cuối xuân như muốn nhấc tôi lên khỏi mặt đất đầy vỏ bao và ống kim tiêm. Tiếng nhạc của cõi sống dập dồn: “Thì thôi đừng khóc nữa. Ngoài kia hoa khép cánh rồi. Những giọt sương rơi nhè nhẹ. Chỉ dám chạm vào hoa thôi…”.