Chương 1

Tôi yêu thích đêm tối.

Bạn có nhận ra điều này – đêm và ngày là hai thế giới hoàn toàn cách biệt?

Chỉ khi mặt trời rơi xuống khỏi núi thì thành thị mới dần hiện vẻ đẹp của nó.

Trong bóng đêm, con người mới nẩy sinh những ý nghĩ êm đềm, dễ chịu.

Chỉ có lúc đêm, tôi mới đủ sức làm những việc của tôi và can đảm nói lên suy nghĩ của mình.

Sắc đêm tối với phụ nữ rất là nhân từ, nó giúp họ níu kéo lại thời gian năm tháng. Và trong màn đêm, lớp phấn đánh trên làn da sẽ đẹp ra, nó che giấu đi những vết hằn mệt mỏi.

Và nó càng khiến tôi ưa thích ban đêm.

Thực ra, không biết đã bao nhiêu lâu rồi, tôi không hoạt động lúc ban ngày.

Ánh mặt trời nóng bức, tiếng người huyên náo, rộn ràng bức bách, tôi thực không sao ngẩng đầu lên nổi; huống hồ, ban ngày không có chuyện của tôi. Căn bản tôi không biết mặt trời lên từ lúc nào.

Tôi cảm giác sự nhợt nhạt, vô vị của ban ngày.

Dần dần tôi biến thành một phần tử của ban đêm. Trong số đó có người nói:

Bọn ta là một lũ con cháu của Bá Tước chuyên hút máu người, nếu không thì tại sao lại ghét ánh nắng như vậy.

Một ngày rất đỗi bình thường của tôi là bắt đầu lúc 5 giờ chiều. Đấy là lúc ngân hàng tan việc, người người đi làm về khắp trên đường phố, và tôi thì vừa ra khỏi giường ngủ.

Một ngày ba bữa ăn của tôi, bắt đầu từ bữa ăn tối.

Sau 9 giờ, tế bào trong người tôi mới dần dần hoạt bát hẳn lên, tôi đi từ phòng này đến phòng khác, đọc sách báo, nghe nhạc, tìm bạn bè tán gẫu.

Lúc đó, các thợ xoa bóp, sửa sắc đẹp lần lượt báo đến, nếu bên phòng Quốc Duy không có chuyện gì thì tôi hoàn toàn tự do.

Và còn gì hay cho bằng lái xe lao vút trong gió ban đêm.

Đấy là điều ưa thích của tôi, chỉ có ánh trăng sáng trong đêm, trời mát, yên tĩnh, ôn nhu, giữa tôi và đêm, ngoại trừ trăng sáng thì chỉ có gío lộng, xe chạy vụt như mũi tên lao vào không gian, không âm thanh, không dừng nghỉ - ở đấy chẳng có sầu muộn chỉ có sự hoan lạc.

Mang một khát vọng đi vào thế giới khác.

Bác sĩ Châu nói, khi người ta bất mãn hiện thực đến cực độ thì họ nghĩ việc trốn chạy.

Tôi chỉ cười. Đấy là suy đoán của bác sĩ tâm lý.

Khó mà cho rằng người vui thích đêm tối đều không phải là kẻ khoái lạc?

Bác sĩ Châu không nói.

Lần đầu hẹn với bà, mời bà đến nhà và sẽ trả thù lao gấp bội. Bà đã cự tuyệt.

Bà ta nói rất bận, từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Tôi đành phải chịu, định 6 giờ sẽ đến bà khám bệnh.

Bà bảo người bí thư nhắc lại, mỗi ngày làm việc từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Hiển nhiên là bà bác sĩ này không muốn khám cho tôi, vậy chẳng cần phải miễn cưỡng.

Tôi suy nghĩ, ban ngày mà bảo tôi ra khỏi nhà thì thực là tàn nhẫn, ánh mặt trời sẽ thiêu cháy tôi mất.

Tại sao không là ban đêm? Đèn hồng rượu lục, đối với một bác sĩ tâm lý khổ tâm, tôi sẽ thố lộ hết nỗi lòng.

Ban ngày mà bảo tôi tiếp khách? Thậm chí, ban ngày tôi còn chẳng mặc y phục nữa là.

Có mấy bà ngợi khen bác sĩ Châu là giỏi nhất, mọi u uất đau khổ tự đáy lòng, bà đều mổ xẻ, phân tích và giải quyết rất hữu hiệu. Họ đều là phụ nữ không thể nào nói bừa.

Rốt cùng rồi cũng phải đi thôi.

Đấy cũng do một giấc mộng.

Hẳn nhiên, tôi không phải đi tìm bà để giải quyết mộng, tôi chỉ muốn nói cho bà biết là có câu chuyện có một giấc mộng.

Giấc mộng đó, vĩnh viễn không thể nào để Quốc Duy biết.

Buổi trưa thức dậy, chỉ giúp việc vào phòng vén rèm cửa sổ, mặt gương phản chiếu mặt son phấn, nước da trắng xanh, có thể nhìn thấy những mạch máu nhỏ trên làn da trắng ấy.

Tôi biết tình hình không tốt, nhưng không ngờ nó lại tệ hại quá, gương mặt như thế không phải là mặt thật của con người. Tôi đưa tay sờ lên mặt, niềm vui trên gương mặt lúc chạy xe trong đêm đã biến mất.

Đã đến lúc đi gặp bác sĩ Châu.

Nhưng vào lúc giữa trưa thì làm sao trang điểm? Tôi thật bối rối.

Sau cùng tôi mang kính đen, gọi tài xế lái xe đưa đi.

Nhìn đường phố ban ngày, cơ hồ tôi không nhận ra, nó khác với ban đêm, trên phố phường, người đi lại như kiến, xe cộ nối đuôi nhau ...

Có chuyện gì phải nhất thiết là đúng giờ giấc ban ngày mới làm được?

Khi đến nơi, tôi hơi bị choáng, mắt còn nhắm, lòng còn buồn buồn.

Cũng may mà phòng mạch râm mát. Vừa vào cổng, nhìn thấy một bó lớn dạ lai hương, nhụy hoa trắng tỏa ra mùi hương khiến tôi thấy dễ chịu.

Trời mùa thu dịu mát. Rốt cùng, tôi và bác sĩ Châu biết nhau từ đó.

Khi bà xuất hiện, thoạt nhìn tôi biết mình không uổng công đến đây. Chiếc áo khoác ngoài tao nhã, bà nhìn như xuyên suốt lòng tôi.

– Rượu Whisky hả? – Bà ta hỏi.

Câu hỏi làm tôi giật mình, cơ hồ như qụy xuống.

Từ đấy về sau, đúng 3 giờ chiều trong mỗi tuần, tôi phải ra khỏi giường, tóc rối bù đi vào nhà tắm, gột rửa cho linh hồn tỉnh táo lại để đến gặp bác sĩ Châu.

Trong sinh hoạt của tôi, bác sĩ là người duy nhất không có liên quan đến ban đêm.

Bà ta là hoàng hôn, rất gần gũi với đêm tối, như sáng như tối, cảnh mập mờ ấy khiến người ta thực yên tâm.

Quốc Duy hỏi:

– Em thấy thế nào?

Tôi đáp:

– Được lắm.

Từ đấy về sau anh không hỏi nữa.

Sau khi uống xong ly Whisky, bác sĩ Châu hỏi:

– Cô cần gì:

Tôi bối rối, không biết bà ta có thể làm được gì.

Một lúc lâu, tôi nói:

– Tôi hy vọng chị nghe tôi nói.

– Đấy là một phần nhiệm vụ của tôi.

Tôi yên tâm, bà sẽ gìn giữ bí mật cho tôi.

Lần đầu tiên, tôi chẳng nói gì, phải hẹn sang tuần thứ hai.

Đêm ấy như thường lệ, Quốc Duy tiếp khách, anh ta nói:

– Không có khách nữ.

Thế là tôi có thời gian.

Tôi đến bãi biển.

Đấy là một nơi hẻo lánh, một mình sợ nguy hiểm, tôi dẫn người theo, lòng họ không yên. Một khoảng nước tối đen, chỉ nghe sóng lao xao ồn ĩ, không có ánh trăng. Họ nói:

“Chẳng có gì để coi, trở về đi.”.

Tôi đành theo họ quay về.

Và một đêm lại uống khá nhiều.

Tại sàn nhảy, một gã bảnh bao tiến đến định nắm tay tôi, tôi né người tránh sang bên, sẩy chân, té sấp xuống bàn, phải đến phòng khám chữa trị, người ta hẹn đến trời sáng.

Muốn hoàn toàn thoát khỏi ban ngày là điều không thể được.

Bác sĩ Châu vừa thấy tôi đã hỏi ngay:

– Ông ta đánh cô sao?

Tôi lắc đầu:

– Bị ngã, thật đấy.

– Say rượu à?

– Muốn say khướt đâu phải là chuyện dễ.

– Ông Trần nghĩ gì?

Tôi nhìn ra cửa sổ, màu kính trà làm ngăn đôi thế giới, ở bên trong này tôi mới là người quan trọng, những thất tình lục dục của tôi đều có người lắng nghe, quản lý được những chiến tranh, đói khát, ôn dịch.

Tôi bình tĩnh nói:

– Ông ta? Tôi không gặp đã mấy ngày rồi.

– Ông Trần cũng không biết mũi cô như bị bổ đôi đó sao?

– Không.

– Ông ấy nếu biết có coi thường không?

Tôi mỉm cười:

– Bác sĩ Châu, chị lập gia đình chứ?

– Vâng, tôi chưa kết hôn.

– Cho nên chị không rõ. – Tôi nói. – Hôm nay tôi đến không phải để thảo luận về hôn nhân.

– Cô muốn nói gì?

– Tôi thường bị một giấc mộng.

– Có tính lặp lại sao?

– Vâng.

– Nói tôi nghe.

– Đó là mẹ tôi, bà cầm dao muốn ghết tôi. Mỗi lần ngọn dao đâm vào phía dưới hông phải, tôi không thấy đau nhưng rất sợ. Mỗi lần như vậy đều có người đến báo cho tôi biết trước, nhưng tôi không chạy trốn được, ở trong mộng, tôi cố sức chạy và ngã lăn ra đất, mình dính đầy máu.

Bà ta mỉm cười:

– Thật đáng sợ.

– Tại sao bà ấy muốn ghết tôi?

– Chỉ trong giấc mộng mới vậy thôi.

– Đâu phải ai cũng nằm mơ như vậy.

– Chúng ta sẽ tìm hiểu căn do của nó.

Giọng điệu của bà có vẻ an ủi, rất êm dịu. Thực ra là tôi không muốn tìm hiểu nguyên do, tôi chỉ muốn tìm một đối tượng để trút nỗi khổ của tôi.

Chỉ khi trong lòng yên tịnh thì buổi tối tôi mới yên tâm khiêu vũ.

– Cô có muốn nằm nói chuyện không?

– Không cần, tôi vừa thức dậy.

– Bác sĩ Châu nhìn đồng hồ.

– Cô có biết là sinh hoạt của tôi bị xáo trộn không?

Bà ta nghĩ ngợi:

“Mỗi con người đều cần nghỉ ngơi, ban ngày hay ban đêm cũng vậy, không thể cứ dựa đằng này mà luận đằng kia.”.

Bà rất khách khí, đúng là một con người thấu lý.

Tiếc là thời gian đã hết.

Mấy ngày sau, Quốc Duy mời khách đến dùng cơm. Anh nói:

– Khách là một thầy phong thủy đấy.

– Tôi thở dài, hỏi:

– Chúng ta lại dọn nhà sao?

– Ông thầy ấy từ Mỹ sang Đông Kinh dạy học. Ông chỉ lưu lại đây có hai ngày. Nhờ Lâm Ông mời đấy.

Tôi mỉm cười gật đầu:

– Nhất định là lão thần tiên.

Quốc Duy liếc qua tôi, rất bực mình.

– Em không tin thì thôi, đừng tỏ vẻ bất kính chứ.

Tôi làm thinh.

Anh ta rất cao hứng, lòng vui vẻ ra cửa đón thầy phong thủy ấy.

Qua vài chung rượu, ông phong thủy nói:

– Vùng thị trấn này có hình thế lớn lắm, bên trái có đỉnh núi, bên phải có núi trượt, đỉnh trái là rồng, đỉnh phải là hổ - rồng hổ tương ưng, làm thành cửa ngõ; bên trong hình thế ấy lại có hồ Điền, núi là khí, nước là tài, sơn thủy hội họp, tài khí hưng vượng. Dân cư sống ở đây đều được thuận tiện.

Tôi hơi buồn, lơ đểnh nhìn ra bên ngoài.

Lâm Ông đã gần 70, tinh thần sảng khoái, nửa đầu đã hói, mặt hồng hào, ông dẫn theo người cháu tuổi trạc Quốc Duy, cũng là một nhân tài.

Sao lúc nãy họ không giới thiệu gã thanh niên này?

Nhìn qua thái độ anh ta, cũng biết là gã không tin.

Còn Lâm Ông và Quốc Duy thì hết sức chăm chú lắng nghe.

– Căn nhà này có phần tịnh, phần động. Tầng trệt là tịnh, có nhiều tầng gọi là động, các tầng nhà không kể cao bao nhiêu, phần chính là số tầng. Căn nhà đây thuộc thủy, một tầng là thủy kiến thủy, ra vào hoang đãng, chẳng tụ tài; hai tầng là thủy hỏa đồng nhau, tài hơi vượng mà người không vượng, vì khí bị lộ; ba tầng là thủy tương sinh, nhân tài đại vượng, phát khởi quý nhân; bốn tầng là kim sinh thủy, người làm lợi ích cho trong, trước nữ sau nam, phát tài lâu dài; năm tầng là thổ khắc thủy, nhân tài không tốt.

Ông ta họ gì kìa?

Tôi lẳng hặng thở dài.

Gã thanh niên nhìn thấy, đôi mắt lộ vẻ cười.

Lòng tôi lại đâm ra buồn nản, không ngờ anh ta lại liếc mắt đưa tình.

Gương mặt chàng ta kể cũng khó coi, bên má có vết sẹo không hay.

Quốc Duy và lão phong thủy trao đổi những ý kiến qúy báo. Tan tiệc, anh nâng phong bì đỏ trao cho lão.

Tôi rất chán ngán.

Quốc Duy nói với tôi:

– Anh và Lâm Ông đưa thầy về khách sạn, em có đi đâu không?

– Đến sòng bạc ở Thống Nhất.

– Tôi sẽ đưa chị Trần đi. – Gã thanh niên hăng hái lên tiếng.

Quốc Duy chẳng nhìn tôi. Ông thầy đã đứng lên ra khỏi bàn.

Anh ta bước theo, hỏi:

– Thưa thầy, nghe nói căn nhà thuộc kim thì người nhà vượng, đàn bà lại càng thịnh, phải mở rộng cửa ngõ để tiết khí thì đàn ông mới hoàn toàn phú quý phải không?

– Cái đó ... - Họ vừa đi vừa trò chuyện.

Tôi bước lên xe của người lạ.

– Cảm ơn anh, chỗ hội Thống Nhất.

Anh thanh niên, nói:

– Ông Trần rất tin chuyện ấy.

– Anh không nghe anh ta muốn mở ra con đường để được phú quý sao?

– Người đó chỉ là thuật sĩ giang hồ, thế kỷ 20 này lại còn chuyện phong thủy tức cười đó sao?

Tôi chỉ cười, ngẩng nhìn bên ngoài xe, vầng trăng sáng lơ lửng trên không.

Đêm nay là đêm nào? Tôi hít mạnh không khí.

Tôi như hít lấy cái tinh hoa của thái dương.

Và gã thanh niên ngồi bên, lòng rộn ràng, chẳng biết gì lợi hại.

Anh ta đưa tôi đến Thống Nhất, để tôi xuống.

– Sòng bạc chừng nào tan? Tôi đến đón chị.

– Cảm ơn, tôi có tài xế.

Hắn nhìn tôi:

– Chúng ta có thể đến đâu đó ngồi một lúc được không?

Tôi cười vỗ cánh tay anh ta:

– Sòng bạc đến sáng mới tan, đợi hôm khác đi.

Anh ta vẫn giữ lấy phong độ, đưa tôi lên lầu.

Bọn Mã Lâm đã có mặt từ sớm.

Vất xách tay xuống, tôi nhìn bài của cô nàng.

– Lại là một con xanh à?

– Ừ.

– Chỉ cần hai lá giống là được chứ gì?

– Trái lại, mình chỉ rút bài mà không đánh ra.

– Tôi rất thích ăn một chút, một chút thôi, có mòi hy vọng lắm. – Tôi ngồi xuống – Không chừng phải đợi dài cả cổ ra đấy.

Mã Lâm nghiêng nghiêng đầu:

– Cái bộ mặt ấy có vẻ triết lý lắm !

Mọi người cười ồ lên.

Ván ấy, An Kỳ thắng, bọn học sinh sơ học chúng tôi bèn xếp bài lại ăn điểm tâm, chuyện vãn.

Tôi nói không thể ăn được nữa.

– Cậu nhìn y phục của hắn xem, có đói chết cũng được. – An Kỳ nói.

– Rốt cục, Lợi Lợi Lam cũng theo Tiểu Thang trốn mất.

Mọi người yên lặng.

Một lúc sau, có người nói:

– Có dũng khí lớn lắm!

– Cái dũng của thất phu thôi.

– Sau này sẽ đâm ra hối hận.

– Bà cụ Lam nghĩ gì? Thật là mất mặt.

– Hai vợ chồng cứ luôn lục đục.

– Sau này nhất định sẽ hối.

Tôi nhặt lên lá bài:

– Chuyện hối tiếc là của tương lai, trước mắt, cậu ấy rất sung sướng.

Có tiếng người suỵt, bảo:

– Cũng có người đồng ý đấy!

– Tiểu Thang đối với cậu ấy rất tốt.

– Vì tiền của nàng mà.

– Chẳng những có tiền, cô ấy còn không đụng tới, cứ gửi cả vào ngân hàng.

Mã Lâm mở to mắt nhìn tôi:

– Chuyện này mới đấy.

– Phụ nữ có tiền chẳng qua là mua sắm đồ mặc, mặc thì có bao nhiêu? Nay Lợi Lợi đi tìm con đường khác thì nên cho nàng ấy mới phải.

– Nhưng ở đây chỉ có một kẻ giàu sang qua lại với Tiểu Thang.

Khi cả nhân loại xôn xao thắc thỏm là lúc họ đang hưởng thụ. Thực ra thì con người chỉ sống có một lần, nếu đem tất cả năng lượng toàn thân ra thiêu đốt thì nó sẽ bùng cháy lên một lần, sau đó thì cháy tiêu đi mất – điều ấy cũng cuồng nhiệt quá.

Khi chúng tôi ngạc nhiên tại sao nàng ta nhẫn tâm vất đi tất cả thì sao ả không nghĩ đến đám phụ nữ khổ não chúng tôi đang sống theo những quy của cuộc đời.

Đối với Lợi Lợi thì quả là không hiểu nổi.

Hoàn cảnh của chúng tôi, tựa như một ngăn kéo, chỉ cần kéo ra là nó cỏ đủ những đồ dùng. Ngoại trừ bị tịch thu gia sản, còn không thì cái nền nếp ấy cứ lặp đi lặp lại đến già, chẳng lo ăn, chẳng lo mặc, vậy còn mong gì bỏ trốn.

Nhìn kẻ khác phải ra sức tranh thủ lấy tự do, chẳng biết gì đến nhân quyền bèn đâm ra lạ lùng:

chao ôi! Không được rồi, lại bậy rồi! Làm bậy rồi!

Thật đáng thương.

Sau đó, tự vỗ vào ngực mình, an ủi:

chúng ta là những nô tì tốt, chúng ta chẳng tin tưởng, chúng ta khác nhau, chúng ta thừa thãi.

Ngồi lại, chúng tôi quá vô vị nên đứng lên.

– Cậu đi đâu đấy?

– Tôi không biết, hy vọng là tôi sẽ biết Có người bật cười:

– Xem điệu bộ của cậu kìa, đừng làm chuyện gì kinh động đấy. Chúng tôi không chịu nổi kích động đâu.

Tôi hỏi:

– Lợi Lợi và Tiểu Thang đi đâu đấy?

– Có người nói sang Anh Quốc.

Đúng là bọn họ.

Một quốc gia già cỗi, đầy sự trầm uất lãng mạn, đến nay đã suy tàn rồi, nhưng khí chất vẫn tồn tại. Trình độ sinh hoạt thấp kém, nay sang xứ người cư ngụ, có thể thừa hưởng đặc quyền, người phương Tây có kỳ thị cũng không sao, chỉ cần có chút xem trọng là được.

Tôi thích mưa rơi liên tục, sắc trời xanh tía, lớn lên chưa một lần nhìn qua thái dương, chính xác mà nói thì chỉ ở trong nhà, không ra khỏi cửa, vì trong nhà thì ban ngày như ban đêm, không có ánh mặt trời đến buộc tôi phải hiện nguyên hình.

– Chúc các vị buổi tối vui vẻ.

Mã Lâm níu tôi lại:

– Cậu không hâm mộ Lợi Lợi à?

Tôi nhìn cô bạn, đoạn lặng lẽ đi xuống lầu.

Anh chàng tuổi trẻ đã bỏ đi rồi.

Một chút nhẫn nại cũng không có.

Được hay không? Không được. Không được cũng xong, xin trân trọng gặp lại. Còn được? Mở ngay cửa phòng và khỏi nói nhiều.

Tiểu Thang có tiếng là người hiểu biết tình lý, cùng với Lợi Lợi ít nhiều gì cũng có cảm tình, khi ấy đã biết rõ cô ta là gái có chồng song vẫn đeo đuổi, đầu tiên là đứng lẳng lặng đợi ngay trước cửa họ. Gặp trời mưa thì mình mẩy ướt đẫm; và ngày ngày đều ôm hoa chờ đợi.

Thoạt đầu ai cũng cười, nhưng sau đó người ta thấy cả hai ngồi đối diện nhau nghe nhạc.

Quốc Duy hỏi:

– Lão Lam không có biện pháp gì sao?

Muốn báo hận cướp vợ, lão Lam tìm người đánh Tiểu Thang.

Sự kiện xảy ra ồn ào, náo nhiệt, bị đánh nhầm người, lão Lam hốt hoảng chạy trốn sang Mỹ tị nạn, đương nhiên là có cả bạn gái bên mình. Lợi Lợi vất con cho cha mẹ chồng, vội vã gom hết vàng bạc, để lại cho luật sư giấy tờ chứng cứ đoạn theo Tiểu Thang trốn mất.

Tất cả cũng vì một kẻ ôm hoa đứng dưới mưa trước cổng đợi chờ.

Đàn bà chúng tôi chẳng qua chỉ muốn đi tìm lạc thú.

Quốc Duy hỏi:

“Con của họ, đàn bà không màng sao?”.

Không màng rồi! Tôi mỉm cười, đàn bà tệ hại như thế thì bất chấp tất cả, chỉ mong cầu thỏa mãn lạc thú nhục dục, cùng một gã ngang ngược nắm tay nhau bỏ đi, nếu 100 năm trước ắt sẽ bị phân thây, còn ngày nay thì đành chịu – Ôi, cái phong hóa trong đời đã suy lắm rồi.

Tôi nói với bác sĩ châu:

– Gã trẻ tuổi ấy không thấy xuất hiện.

Bà mỉm cười.

– Hắn không đợi đến đón tôi. – Tôi thở dài.

Bác sĩ Châu đưa tôi ly rượu.

– Nhà đã bắt đầu sửa sang, thay đổi bức tường, đều là vì phong thủy.

– Làm sao cô ngủ?

– Bên ngoài tầng một còn căn phòng, người làm đều chưa muốn dời đi.

– Có yên tĩnh không?

– Vâng, có thể ngủ đến 6 giờ chiều. – Tôi dựa vào ghế.

– Cô không định dậy sớm xem ban ngày sao?

– Có gì hay đâu mà xem?

– Có nhiều con người và sự việc không sai lầm, có thể tìm thấy lúc ban ngày.

Tôi bật cười.

Chẳng biết sao, có nhiều việc tôi khó bộc lộ với bà.

Bà ta cũng không đốc thúc tôi, cứ để mặc tôi bày tỏ, và bà cứ theo giờ mà tính tiền, tôi không gấp nên bà cũng huờn đãi.

Thời gian tôi ngồi lại uống trà, chậm rãi, không mục đích, nói một vài điều là rồi.

– Cô còn mơ thấy thân mẫu nữa không?

– Có.

– Bà cụ ở thị trấn này à?

– Đã mất 8 năm trước, hưởng thọ 41 tuổi.

– À, bệnh gì vậy?

– Tôi không biết, trong nhà chẳng có ai nhắc đến, đúng là một thứ nghệ thuật.

Mười hai năm rồi, không ai nói lộ ra điều gì, chẳng ai biết tăm hơi của mẹ tôi.

– Có chính xác là đã mất không?

– Điều đó đúng, đúng là đã chết rồi, bà con bạn bè đều cho là vậy.

Bác sĩ Châu mỉm cười.

Đương nhiên là bà ta không hiểu.

Tôi giải thích:

– Mười năm trước mẹ tôi cùng người bỏ đi, nhưng bà ấy không tìm đến được sự khoái lạc vĩnh hằng, vì hai năm sau đó rất sầu muộn.

Bác sĩ Châu như ít nghe loại chuyện đó nên bà đâm ra ngạc nhiên.

Nhưng bà vốn là một học giả ôn nhu, bình tĩnh, phong thái điềm đạm vững vàng như núi khiến tôi hơi bất ngờ.

Nhiều năm trôi qua, câu chuyện ấy trong tôi cứ lặp đi lặp lại nên nó chẳng còn gì cảm giác lạ lùng, nói ra, như chuyện bình thường trong nhà.

– Không có ai nói về bệnh trạng của bà ấy cho cô sao?

– Ai dám nói chứ?

– Cô lớn lên có thể giống cha?

Tôi hoàn toàn biết rõ vấn đề đã đặt ra. Tôi mỉm cười.

– Thật không may, rất giống.

– Cha cô đối xử với cô thế nào?

– Ông ấy hận tôi.

– Lúc đó cô bao nhiêu tuổi?

– Mười bốn. – Tôi đáp.

– Thời thơ ấu đã qua không tốt lắm à?

– Tệ lắm. – Tôi nói. – Nhưng đó không phải là nguyên nhân tôi đến đây, thời quá khứ tệ quá.

– Nhưng đã trải qua rồi. Bà ta chăm chú nhìn tôi.

Tôi lẩm bẩm:

– Vâng, và nó sinh ra mộng mị.

– Cô không tìm hiểu đầu đuôi gốc ngọn sao?

– Không, không có hứng thú. Họ đã nói rồi, bất luận thế nào thì chuyện đó cũng chẳng hay ho gì.

– Cô kết hôn lúc bao nhiêu tuổi?

Bác sĩ Châu chợt đâm ra rất hứng thú.

Tôi nhìn đồng hồ tay, rất tiếc, nói:

– Đến giờ rồi, lần sau, lần sau sẽ nói chị nghe.

Bà ta cười để tôi đi.

Thật dễ chịu, có chuyện để nói – thật là dễ chịu.

Trong nhà ngổn ngang như bãi chiến trường.

Bốn bên tường đều sửa đổi, thêm chỗ này, bớt chỗ nọ, người ta đang thay đổi càn khôn.

Mỗi lần tu sửa đều là vấn đề phong thủy, làm ăn không còn phát đạt như trước, dần dần anh ta sinh ra mê tín, gặp những kẻ bói toán lang thang đều gọi là thầy, cả những ông thầy bói mù, ... hễ nghe tiếng là tìm đến thỉnh giáo.

Tôi biết Quốc Duy đã già rồi.

Già nên đánh mất lòng tin, chẳng còn tin vào năng lực chính mình, già rồi nên nhờ các thế lực siêu nhiên hộ trợ.

Cuộc hôn nhân 10 năm, hai người không còn những ngày đầu thân thiết, khoảng cách giữa cả hai ngày càng xa.

Rất lâu rồi, anh đã không về dùng cơm tối, có nhiều ngày anh biểu lộ sự mệt mỏi, chẳng muốn chuyện trò:

“Có chuyện gì, ngày mai gọi điện đến công ty hãy nói.” – Câu nói quen thuộc của anh ta.

Mỗi lần muốn biết vận mệnh, anh ta đều muốn tôi cùng đi. Nhưng thẳng thừng mà nói, tôi sợ, không chịu đi. Mấy lão thầy của anh ta hầu hết đều bẩn quá, móng tay để dài ra, mặc quần áo cổ lỗ nhơ bẩn, ngồi trong căn nhà mờ tối.

Cũng có thầy mặc Âu phục, mặt mày sáng sủa, ngồi quán cà phê và Quốc Duy cúc cung chạy đến, ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ.

Tôi chẳng ngại gì, không đi là không đi.

Sau này nghe nói anh ta đi với cô gái khác.

Chúng tôi, mỗi người đều có bạn bè riêng.

Có khi trong nhà bạn bè đụng đầu nhau, anh lên tiếng:

– Hải My yêu tôi, điều ấy là chắc chắn rồi.

Quan hệ chúng tôi có lúc rất căng thẳng, tưởng đã chia tay; hai năm trước anh nhất định di dân, đột nhiên, anh lời mời thầy phong thủy đến điều chỉnh nhà cửa.

Liệu có nên hỏi anh ta làm gì? Chỉ sợ mở miệng là lại có chuyện. Tôi thì nhày lại ngày, cứ giả trang bận rộn để chẳng có dịp ngồi lại chuyện trò, anh ta thì đi suốt ngày đêm, còn tôi thì trốn mặt trời đến tối.