Đón giao thừa năm nay, gặp dịp Seattle có ban nhạc T.H. từ Cali lên chơi cùng lúc tôi về ở luôn vì đã được việc ở đây. Bạn bè tôi bày một chương trình gồm có ăn uống, xong đi nghe nhạc nhảy đầm đón năm mới, rồi về nhà nếu còn đủ sức thì chơi bài sát phạt suốt sáng...

Ở chỗ nhảy, tôi gặp một số người quen cũ thân sơ, mỗi người tay bắt mặt mừng, chỉ hỏi thăm vài câu, nhảy vài bản nhạc cũng đủ làm tôi hoa mắt thấy mệt, và cuối cùng rồi tôi cũng được ngồi yên. Không ngờ người ngồi bên cạnh lại là Tường Vi, em của Phan. Ở bữa ăn vì đông người, chúng tôi chỉ chào sơ mà chưa có dịp nói chuyện nhiều, lại thêm đã lâu không gặp nhau nên đây thật là một sự xếp đặt ngẫu nhiên thích thú.

Tôi kêu lên mừng rỡ:

-Ủa! Vi hả?

Hình như Vi đã nhận ra tôi trước, nàng từ tốn hơn, mỉm cười nói:

Đạo này anh mập ra phải không?

Tôi cười hỏi lại:

-Khen hay chê rồi mới trả lời?

Tường Vi ngập ngừng, khuôn mặt luống cuống tìm che trong mái tóc xõa, ngày xưa tóc nàng ngắn hơn, như bị bắt quả tang là có để ý đến tôi và phải nhận tội:

-Khen.

-Lên khoảng mười pao.

Vi thoáng vẻ ngạc nhiên, không ngờ ngày trước tôi đã quá gầy.

Tôi lại cười nhắc:

-Nhớ không, ngày đó tôi đã phải vịn vào một cô nào có da có thịt mỗi khi qua cầu.

Vi cười khúc khích. Nhớ lại chuyện xưa, mới đó đã ba năm, tôi theo việc làm qua tận New York vì không tìm được việc ở đây. Ngày từ giã, buồn vô hạn, dù làm thân trai mà tôi cũng gần như muốn khóc vì vừa xa gia đình vừa xa cô bạn gái nhỏ mới quen hơn nửa năm. Từ Washington này muốn qua New York phải băng ngang cả nước Mỹ. Lại không có ai quen bên ấy, nên khi được việc, tôi lại buồn nhiều hơn vui. Nhưng không còn cách nào khác hơn, vì lúc đó tôi ra trường cả 2 năm với 2, 3 " giốp" chẳng dính líu gì đến việc học. Gia đình lo lắng, bạn bè ái ngại dùm làm tôi mất tự tin, sốt ruột. Đôi khi chỉ vài câu nói thông thường cũng đủ làm tôi bủn rủn tay chân, như có tật thì hay giật mình, muốn lì coi tỉnh bơ cũng không được. Người đời có lúc ác độc vô tả, và họ luôn luôn nhắc khéo tôi rằng, một cái bằng kỹ sư mà không dùng vào việc gì sau một năm ra trường thì sẽ không còn giá trị.

Ra đi đầu tháng hai, cuối năm dịp Giáng Sinh - Tân Niên về thăm nhà thì cô bạn gái nhỏ đã có người yêu khác. Tôi chẳng trách gì Nga: khi quen cô thì cô bé mới vừa tròn 17 tuổi mà tôi đã gần ba mươi. Tiểu thuyết viết khi yêu thì không phân biệt tuổi tác, nhưng có lẽ chúng tôi không có duyên nợ với nhau nên từ lúc đầu đã có một hố sâu ngăn cản giữa hai đứa. Có thể bảo là đứa thổi kèn ngược, đứa đánh trống xuôi như chỉ theo nhịp điệu của riêng mình... chẳng giống ai! Cô bé hay giận mà tôi không biết dỗ, và một bà me... trẻ, khoảng 35, luôn luôn nói bóng gió thúc tôi phải nghĩ đến chuyện tương lai. Tương lai thì tôi có nghĩ, 28 tuổi rồi còn gì, đám bạn bè xưa đã đi lấy vợ gần hết, có đứa còn dám có con, con lớn thì bắt đầu dạy con bập bẹ kêu tôi bằng bác. Hồi đó hai cô em đã lấy chồng năm xửa năm xưa, em trai kế cũng vừa làm lễ đính hôn. Nhưng còn tôi, giốp giếc thì lông bông, mỗi lần đưa đào, và những cô em họ của đào đi nhảy, lại phải xin thêm tiền của mẹ. Mẹ tôi lại sợ chiếc xe cũ không lết được về nhà nên dúi tiền xăng và tiền dành bỏ túi nhỡ xe nằm vạ dọc đường. Ai dám hay có gan, nghĩ đến chuyện có vợ?

Nhà Nga cách xa 70 dặm, đi về vị chi là 140 dặm. Một đêm đi nhảy trung bình tôi " chạy" điên khùng 280 dặm, đón cô bé, chạy ngược về thành phố tôi ở mới có chỗ nhảy đầm, đưa cô bé về, rồi về nhà mình, làm mẹ tôi hồi hộp ở nhà. Đổ xăng như là có hùn với hãng xăng! Cũng may chưa lần nào ngủ quên trên xa lộ. Đã thất nghiệp mà còn dám cua đào ở xa, lúc đó không nghĩ là sẽ lông bông nhiều năm. Chắc cũng có người nói nhỏ sau lưng, thằng đó hay thật! Đi lên đi xuống, ăn uống, chiếu bóng, xã giao như một người... bình thường, vì không có việc làm lại càng phải tỏ vẻ bình thường.

Trong thời gian này, tôi làm khổ Phan không ít, nhiều lần 2, 3 giờ sáng gõ cửa phòng Phan xin ngủ nhờ - căn nhà của nó nằm khoảng giữa nhà Nga và nhà tôi - vì quá buồn ngủ. Nếu hắn có càu nhàu vì bị kêu dậy bắt ra mở cửa đang giấc ngủ ngon thì tôi lại nhắc:

-Tại mày giới thiệu chứ ai, sao hồi đó không chỉ cô nhỏ nào gần hơn?

Phan chỉ có nước ôm đầu, làm ơn gọi bà già - mẹ tôi lại lo cho thằng trưởng nam , gọi xem tôi có ở lại với Phan không. Tôi tiếp tục cười, tuyên bố là có quyền làm phiền Phan vì hắn là thằng bạn duy nhất của tôi từ... Việt Nam!

Thỉnh thoảng hắn cũng nhắc nhở:

-Nga mới học lớp 11 đó, nhớ không- lúc quen thì cô bé đang ở lớp 10- Ở xứ này, có quen ai ít nhất cũng tìm người học Đại học, chứ High school thì làm được gì!

Ý của Phan là vì phải đợi cô bé học lên thì tôi đã già! Quả là Thiên Nga đã quá trẻ!

Nhưng nhóm của Nga gồm Nga và những cô em họ của cô bé đã làm đám già của bọn tôi đỡ... thấy già! Và chúng tôi tạo thành một nhóm với đầy đủ đào kép cho những buổi khiêu vũ mà các nhóm khác toàn đực rựa thường hay nhìn thèm thuồng ghen tức.

Nhớ lại lần đầu tiên gặp Nga, khi chia tay, hỏi số phôn, tôi có nhờ Vi nhớ giùm cho ba số đầu, còn tôi thì cố nhớ 4 số cuối, vì không ai có sẵn viết. Về ráp những số đầu và những số đuôi... đúng phóc ngay, và bên kia đầu dây, giọng Bắc nhỏ nhẹ của Nga trả lời...

Dòng quá khứ của tôi bị cắt đứt đột ngột khi Vi lên tiếng:

-Thiên Nga bây giờ gầy lắm, anh biết không? Cô ấy đang học điện, chắc cực!

Âm thanh thật nhẹ, lời nói tưởng như mất hút trong tiếng nhạc ồn ào.

Tôi gật đầu và hỏi:

-Chắc bắt đầu năm thứ bả Cũng mau! Còn Vi, có gì thay đổi không, trong mấy năm nay Vi làm gì?

Hỏi xong, tôi lại ngạc nhiên cho chính mình. Tôi đã dùng câu hỏi đó với Vi sao? Trong những năm lui tới nhà Phan, từ những ngày Vi còn để tóc búp bê, đi học lớp một, rồi quen Nga, rồi thời gian ở New York, Vi ở đâu, làm gì, tôi có bao giờ bận tâm để ý, chỉ nhớ mang máng là Vi vẫn ở gần, vẫn hiện diện trong những lần đi chơi cả nhóm, vẫn thấp thoáng trong đời sống của tôi.

Bây giờ Vi ngồi đây, tóc nàng đã dài hơn. Nàng cũng ngạc nhiên sửng sốt, câu hỏi quá bất ngờ làm nàng lúng túng, đôi mắt chớp nhanh, và dù trong ánh đèn mờ nhạt, tôi đoán là hai gò má nàng cũng đã ửng hồng.

-Vẫn chẳng có gì thay đổi. Còn anh, ở New York vui không?

Tôi nói như than thở:

-Không có việc ở đây mới đi, chứ sao bằng gần nhà!

Vi tiếp lời:

-Bây giờ về Boeing vui rồi.

Ban nhạc chơi khá ồn ào, nhạc bây giờ đều như vậy, tôi nói gần như hét trong suốt buổi nhảy, than về đám bạn cũ giờ chẳng còn mấy đứa, theo công việc làm ăn tản mác khắp nơi, về nỗi bận rộn của những người còn ở lại, về đám trẻ mới lớn sau này, ồn ào hơn, ngổ ngáo hơn, về nỗi ngỡ ngàng ngay chính trong căn nhà của gia đình mình, tôi vẫn như người con xa lâu lâu về chơi. Để dễ nói chuyện, tôi đã ngồi gần nàng hơn, và rồi có thể thấy đôi mắt đen to mở lớn và nghe mùi nước hoa nhẹ thoang thoáng, làm mình ngất ngây.

Bao năm nay tôi biết Vi dễ thương, ngoan, và lại thông minh. Bây giờ Tường Vi đã lớn, cô em nhỏ của bạn là một thiếu nữ xinh đẹp, thùy mị.

Tôi nói nhiều, còn nàng thì ngồi yên lắng nghe, đôi lúc gật đầu thông cảm. Tôi như có người nghe được dịp than thở, chừng nhận thấy điều đó, tôi cười xin lỗi:

-Anh than thở quá có làm phiền Vi không?

Vi lắc đầu nói nhẹ:

-Không đâu, anh cứ nói, em muốn nghe. Những năm anh đi xa, tụi em cũng buồn. Như anh nói, ai cũng bận rộn, nhiều thứ bận rộn nghe chỉ muốn giận thêm... như cái bận của anh Phan là - Vi cười - phải về cắt cỏ, không cỏ lên cao khó cắt! Em nhớ những ngày có anh...

Tôi nghe Vi nói mà nghĩ như đó là một trách cứ nhẹ nhàng.

Cả hai im lặng một hồi. Sau đó tôi mới nói:

-Chắc phải cần một thời gian rồi mọi việc mới thăng bằng trở lại được.

Vi đặt nhẹ bàn tay ấm áp của nàng lên lưng bàn tay của tôi nói:

-Việc đâu sẽ còn có đó. Anh đừng lo.

Tôi cười hỏi về nàng:

-Vi sống gần gia đình chắc ít than thở?

Từ từ rút bàn tay về, tôi tiếc cho giây phút thân mật, hạnh phúc này quá ngắn, Vi nói:

-Tại không ai nghe thôi, có muốn than cũng không được. Anh biết thời tiết ở đây mà, mưa mút mùa. Định hỏi anh New York có khá hơn không?

-Nhưng đi xa lại nhớ cái mưa dầm dề của miền Tây Bắc.

Có thật là tôi đã nhớ mưa hay chỉ nói qua loa?

Vi nhăn mặt:

-Em chắc không nhớ nổi. Đang chờ cơ hội để đi. Như... -Nàng ngập ngừng - lấy chồng chẳng hạn... ít nhất lúc đó lấy danh nghĩa theo chồng và nếu không tìm được việc làm thì nhờ chồng nuôi, ở nhà coi soap opera...

Nàng cười to sau câu nói. Tôi cũng cười theo, không hiểu nàng đùa hay nói thật.

-Vi có thể kiếm việc ở bất cứ thành phố nào mà, làm gì phải chờ lấy chồng mới đi?

-Nhưng đang có giốp an toàn, bỏ đến xứ lạ cũng sợ, rồi cũng phải kiếm việc vậy?

-Có người để nghĩ tới chưa?

Tôi buột miệng hỏi nhanh đến nỗi chính tôi cũng không ngờ.

-Có chứ!

Vi cũng trả lời nhanh rồi quay đi hướng khác. Tôi nghe mình bỗng hụt hẫng, chợt bàng hoàng mất vui, nhưng sao tôi lại nghĩ Vi chưa có ai. Ngày đó đám bạn của Phan và tôi khá đông, còn bơ vơ cả, Vi lại dễ thương, thông minh. Những lúc sau này thỉnh thoảng gặp lại, tôi nhận thấy Vi trầm lặng hẳn đi, nhưng ai mà chẳng thế khi bắt đầu lớn với học hành thi cử, giốp giếc phải lo nghĩ. Nên tôi chỉ xem đó như là một sự thay đổi thường tình. Vi đã lớn, một ngày nào đó nàng cũng lấy chồng chứ, sao tôi lại cứ tưởng Vi chưa thương ai?

Vờ tỉnh tôi gượng cười hỏi tiếp:

-Ai vậy? Anh biết không?

Vi lại bối rối thấy rõ, không trả lời ngay, hai tay vân vê mái tóc. Chỉ vài phút trước đó Vi còn nói cười tự nhiên, và tôi đâu phải là người xa lạ. Tôi nghĩ thầm nếu nàng không thích nói thì tôi cũng chẳng nên tò mò chi thêm.

-Anh quen thân mà.

Đám bạn bè khá đông, nói khơi khơi như thế thì làm sao tôi biết là ai được.

Sau câu trả lời bâng quơ, Vi cuối xuống cầm cái muỗng khuấy khuấy ly cokẹ Tôi ngồi yên nhìn theo động tác vô tình của Vi và lúc đó mới nhận thấy Vi có bàn tay khá xinh với những ngón thon dài, móng tay được cắt thật sát, giống như tay nàng công chúa Diana, Anh quốc.

-Mà anh biết để làm gì?

-Không ra đường lại không biết nhau, làm anh nhớ một chuyện của dòng họ nhà anh. Hai anh em họ lớn lên ở Sài Gòn, ít về quệ Một năm có ngày kỵ cả hai cùng về, có chuyện xích mích trên xe đò, lúc xuống xe đánh nhau ngay trên đường cái quan trước nhà. Đánh cho đã đến khi có người ra nhìn mới hay là anh em họ rất gần. Từ đó có lệ mỗi năm ngày giỗ Từ - đường bắt buộc con cháu phải về tụ tập để biết anh em, ra đời bênh nhau đã không làm được, huống chi còn đập lộn lẫn nhau. Em cười không tin chuyện anh kể à?

Vi cười cười, xong nàng lại cúi đầu nói nhỏ:

-Anh không phải lo xa...

Nàng còn đang ngập ngừng thì Phan đến:

-Ê Nghi! mi để em gái tao ngồi không thì tao nhảy với nó vậy.

Đêm hẳn đã khuya. Chúng tôi mải nói chuyện, chẳng nhảy với nhau bản nào. Giờ thì tôi ngồi say mê ngắm bước chân Tường Vi dịu dàng, khoan thai trong nhịp điệu, và tiếc rằng đã không mời nàng nhảy. Ban nhạc đang chơi bản Tiếng sáo Thiên Thai, điệu Tangọ Chiếc đèn tròn nhiều màu lấp lánh trên cao xoay tròn, những làn khói nhân tạo tỏa mờ như sương mù trong đêm lạnh làm Eagle Ball huyền huyền ảo ảo. Vi trang sức đơn sơ, áo đầm trắng để hở cổ cao, làm Vi nổi bật trong đêm. Dáng nàng cao, đôi chân dài, thon. Tôi như ngất ngây say dù chẳng uống rượu, Vi có phải là Hằng Nga giáng thế?

-Sao ngồi một mình vậy?

Giật mình tôi quay lại. Thì ra là Phượng.

Mải nhìn anh em Phan nhảy và đầu óc đang đắm chìm trong suy nghĩ, tôi không hay vợ Phan đã đến ngồi bên cạnh tự lúc nào. Phượng nói như nhìn thấy rõ ý nghĩ trong đầu tôi:

-Anh có thấy là cô Tường Vi xinh nhất đêm nay không?

Rồi chị nói tiếp, bất ngờ:

- Đáng lẽ hai người phải nhảy cho vui, giao thừa mà, chị cười nói úp mở,... trông anh với cô Vi thật xứng đôi!

Tôi vội lên tiếng đính chánh:

-Vi có người rồi.

-Ồ! tôi tưởng... anh đã biết!

-Có nghe Vi nói...

-Ấy! xin lỗi anh.

Rồi Phượng cười dòn. Cử chỉ của Phượng làm tôi thắc mắc ; tôi định hỏi vì sao chị xin lỗi, nhưng chưa kịp thì Phan và Tường Vi đã trở lại bàn. Phan bô bô:

-Con Vi kêu bản nhạc dài quá mà có thấy dài chi đâu!

Vi ngồi xuống bên cạnh:

- Đã lâu em không đến những chỗ như thế này nữa, thích yên tĩnh hơn.

Phan phụ họa:

-Ừ Nghi, mầy không biết đâu, con Vi đã thay đổi tính tình, ít đi nhảy lắm, năm lần mười lượt mọi người năn nỉ dữ nó mới chịu đi, mà có đến cũng chỉ ngồi một đống thôi. Cứ như bà cụ non!

Sao tôi thấy vui khi nghe điều này? Tôi ích kỷ, thật không muốn Tường Vi nhảy với ai dù biết rằng bây giờ nhảy đầm không còn là một vấn đề quan trọng nữa.

Phan nói tiếp:

-Hôm nay có mày, mới kéo được nó đi đó.

Tường Vi lúng túng cắt nghĩa:

-Tại Tết nhất mà.

Tôi vẫn thích lời giải thích của Phan hơn, nó có vẻ riêng tư ấm cúng, như là trên đời còn có người để ý đến mình, và vì mình. Lúc này tôi mới nhận ra một điều, tôi đã thương Vi từ lúc nào, tôi? Đi thương cô em của bạn mình. Nhưng đã bao nhiêu năm biết Vi từ ngày Vi còn là cô bé lớp một cắp sách lẽo đẽo theo anh và tôi đi học, sao tôi lại quá ngu ngơ để cho mất nàng? Tôi nghĩ ngay đến Phượng, Phượng cởi mở hơn Phan vì dù là bạn thân nhưng với những chuyện như thế này tôi khó mở miệng tâm sự với Phan được.

Tôi nhìn quanh tìm kiếm Phượng và rồi thấy ngay: Phượng đang nói chuyện với một người bạn gái ở bàn cuối, gần cửa ra vào. Tôi đến xin lỗi và nói có một việc cần sự giúp đỡ của chị. Phượng đứng lên. Nhạc chơi ồn ào, nên tôi nói:

-Chuyện hơi dài dòng tôi có thể nói chuyện với chị bên ngoài được không?

Phượng cười tủm tỉm dễ dãi, theo tôi ra cửa.

Rồi tôi vòng vo hỏi về đời sống của Vi sau khi tôi đi New York, và cuối cùng tôi nói thẳng:

-Chắc chị đã hiểu, chị phải giúp tôi?

Không biết chị có hiểu ý tôi không, chị trách tôi ngay:

-Tôi tưởng là anh đã biết. Nhưng hồi nãy lúc nói chuyện với anh xong, tôi mới biết: thì ra anh chỉ vô tình!... Người Vi thương nhớ chờ đợi trong mấy năm nay chẳng ai khác hơn... là anh. Chưa thấy ai vô tình như anh! Ừ, đàn ông các anh là vậy, ngay cả ông Phan tôi cũng không biết ý của em gái mình!

Tim tôi đập thình thịch. Hình như Phượng còn nói nhiều mà tôi chẳng nghe gì thêm. Nếu lúc này Phượng có tới tấp xỉ vả và bảo tôi là thằng ngốc, hơn 30 tuổi vẫn còn ngốc, tôi vẫn cảm ơn chị rối rít. Phải có người banh mắt, vạch tai, tôi mới biết sao chuyện tôi với Thiên Nga không thành, sao Tường Vi vẫn chưa lấy chồng, và sao xứ này mưa hoài mà tôi vẫn nhớ.

Tôi nhớ lời mẹ tôi bảo năm tới là năm tốt cho con lấy vơ... chỉ tưởng tượng có Vi bên cạnh để chia sẻ đời sống cũng đủ làm cõi lòng tôi ấm áp, hạnh phúc dù đêm cuối đông rất là lạnh buốt.

Tôi bước vội về hướng Tường Vi và biết rằng mình sẽ làm gì... , thì Phượng gọi giật :

-Anh Nghi!

Tôi quay đầu lại, thấy Phượng mỉm cười nói theo:

-Anh đừng để cô ấy đợi quá lâu!

Tôi biết, tôi biết. Tường Vi đã đợi tôi mấy năm nay rồi.

Khi tôi trở lại bàn thì ban nhạc đang bắt đầu chơi một bản slow. Dân đi nhảy, ai cũng hiểu là điệu này dành cho những cặp tình nhân, vợ chồng. Tường Vi đang ngồi một mình. Tôi đưa tay dìu Vi ra sàn. Vi bối rối nhưng không từ chối.

Không ai nói với ai lời nào, hồi lâu tôi cười, đùa nhẹ:

-Anh biết người... của em là ai rồi?

Tôi dọ dẫm, siết chặt Tường Vi vào lòng mình,Vi không phản đối, không nói gì... , bây giờ tôi biết chắc Phượng đã nói đúng. Trong một phút bất ngờ, tôi nâng cằm Vi lên và hôn nhẹ vào đôi môi của nàng, rồi thì thầm:

-Anh sẽ không để em đợi nữa đâu!

Tường Vi mềm nhũn, ngoan hiền trong tay tôi, như vẫn chưa ra khỏi trạng thái thắc mắc, hỏi:

-Sao anh biết... ?

Hết