Từng cơn gió thổi mạnh rít lên trên mái nhà nghe vu vu làm cho bà Nhẫn thấy lạnh người. Cái lạnh từ thể xác cho đến tâm hồn làm cho bà xanh xao và có vẻ thất thần. Hơn mười ngày rồi, bà bị cảm ho mà vẫn chưa khỏi, cơn ho hay nổi lên về đêm, khiến có khi bà đau thắt cả bụng... Nhưng bà không kêu hề than một tiếng, bà tự nhủ... đau có chút xíu mà kêu cái gì! Đâu pháI là bịnh liệt giường, liệt chiếu!
Con cháu bà, chúng nó ngủ tuốt trên lầu. Căn phòng của bà ở dưới, cạnh ga ra, khá xa mấy phòng kia, nên có gào lên chưa chắc đã ai nghe, vì phòng nào phòng nấy đóng cửa im ỉm, bên trong lại vặn nhạc hay mở TV thì làm sao mà nghe thấy được!
Bà ở căn phòng này do chính bà lựa chọn, thứ nhất là không leo lầu, hai nữa rất yên tĩnh, lại có cái cửa sổ nhỏ xíu bên hông nhìn ra cây đào mà mỗi khi mùa xuân đến, trổ hoa hồng rực cả một góc trời, gợi nhớ mấy cây đào ở quê nhà ngày xưa... Vả lại, tính bà độc lập, không thích làm phiền đến ai, nhất là con cháu bà. Chúng nó làm lụng cả ngày, ít khi có thì giờ rảnh rỗi, nhất là bà chỉ bịnh cảm cúm thường thôi... trừ trường hợp vạn bất đắt dĩ, không kêu cứu thì chết... chắc lúc đó bà mới làm phiền người khác!
Cả gần ba ngày nay, ở trong ngôi nhà cô độc không bóng người ra vào, không một tiếng chuông điện thoại reo vang, không cả ánh đền từ phòng khách sáng lên mỗi khi màn đêm buông xuống như mọi khi, làm cho căn nhà càng thêm hoang vắng.
Căn nhà to lớn nầy là của vợ chồng cô con gái lớn của bà. Tuần trước, con bà lấy "vacation" đi Pháp chơi, đi cả hai vợ chồng và hai đứa con... Cô con gái muốn nhân dịp nầy cả gia đình ăn Noel ở Âu Châu ba tuần lễ... Cô cũng tỏ ra ái ngại khi để mẹ ở nhà một mình, dĩ nhiên. Nhưng bà Nhẫn hiểu ý con muốn có sự tự do riêng tư, chẳng lẽ đi đâu cũng kè kè bà mẹ một bên, chắc chồng của con gái bà cũng không lấy gì thích lắm!!! Hiểu điều đó, nên bà vui cười bảo con cứ đi chơi vui vẻ. Tối Noel, bà đến nhà mấy đứa em cũng đủ hết thì giờ...
Con gái lớn của bà trước khi đi không quên vặn máy trả lời điện thoại mỗi khi có khách gọi đến. Cô cẩn thận dặn mẹ đừng có bốc phôn. Trong bếp cũng còn một cái phôn khác, nhưng bà rất ít khi dùng, vì bà chỉ có hai người bạn thân cùng hoàn cảnh, lâu lâu gọi cho nhau, họ lại than thở với bà đủ chuyện, cũng tạm an ủi cuộc đời. Nhưng phía bà, bà không bao giờ đem những cái được gọi là buồn của bà để kể lể với ai cả, bà sợ người ta không hiểu lại chế nhạo, nghĩ xấu cho con cái bà, những đứa con mà bà rất thương! Cả hai bà bạn nầy của bà cùng rủ nhau đi chơi Việt Nam, nên bà có cô đơn thì cũng ráng mà chịu!
− Mẹ đừng có bật nhiều đèn trong nhà nha mẹ. Buổi tối chỉ cần một ngọn đèn trong bếp với trong phòng mẹ là đủ rồi... tụi con không có nhà khỏi cần bật.
Cô con dặn gì bà cũng ghi vào mảnh giấy nhỏ để nhớ khỏi làm sai. Bà biết cô dặn mẹ theo ý của chồng, chứ tính tình nó thì có để ý gì ba cái tiểu tiết! Nếu quên mà làm sai, thì con gái bà cũng cằn nhằn cho có lệ, nhưng anh con rể thì bà sợ lắm, hắn không có vẻ gì là cảm tình với bà cả... Cái miệng hắn hình như ít khi bà thấy có nụ cười trên đó! Cũng không trách hắn được, vì hắn thuộc loại đàn ông ít vui vẻ với ai.
Hai đứa cháu bà, lúc mới sanh do một tay bà bồng ẵm, chăm sóc. Bây giờ chúng nó đã đi học, lớn hơn một chút, lại nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Mỹ, khiến đôi lúc bà cũng ngớ ra, chẳng hiểu chúng nói gì... hai đứa đâu có cần bà ngoại như lúc còn bé. Về nhà là rút vào phòng đóng cửa lại, coi TV hay chơi "game" trong đó. Có khi bà nhớ cháu, rụt rè gõ cửa, thấy chúng ra mở với nét mặt thản nhiên. Bà dí vào tay cháu chén xôi bà nấu, hai đứa cám ơn bưng vào trong phòng rồi đóng cửa lại. Hôm sau chúng nó đã đi học, bà vào phòng dọn dẹp thì thấy chén xôi vơi đi một chút là bà lo lắng, chắc cháu bà không thích món nầy, lại suy nghĩ làm mấy món ăn khác mong cháu thích ăn hơn...
Trong cái cảnh đơn lạnh của căn bếp sang trọng, bà ngồi bó gối lặng lẽ. Bà không muốn gọi phôn cho ai, vì sợ trong lúc đang nói chuyện thăm hỏi, thì có ai gọi cho vợ chồng con gái bà, lại nhắn vào máy không được, thêm phiền! Tính bà cẩn thận, không muốn lỡ việc của con.
Những đứa cháu ngoại của bà lớn lên không cần đến bà săn sóc nữa, thì bà chú tâm vào chuyện nấu ăn và dọn dẹp. Những món ăn bà nấu nướng tương đối cũng ngon, nên không nghe ai kêu ca gì, con gái bà đã ăn cơm do bà nấu đến mòn răng, thì việc cơm nước cũng dễ thôi, nhất là anh con rể thích những món miền Nam, mà bà thì chuyên trị mấy món cá thịt kho tộ, canh chua cá bông lau, hay cá nướng quấn bánh tráng rau sống... rất hợp khẩu vị. Nhìn mấy đứa con ăn uống ngon lành những món bà nấu, thì bà cũng cảm thấy an ủi một phần... Chỉ hai đứa nhỏ, thỉnh thoảng muốn ăn đồ Mỹ, thì ba má chúng cũng chiều, chở chúng ra mấy tiệm bán hamburger đổi món... Cứ vài bữa bỏ cơm một lần.
Mặc dù có bà trong nhà hầu hạ bếp núc, nhưng anh con rể vẫn giữ cái mặt không mấy khi cười với bà. Có lẽ anh nghĩ rằng ở Mỹ trong thời đại này, mà anh phải ở chung với bà mẹ vợ, điều mà anh hay diễu cợt với chúng bạn trước kia, không ngời chính anh lại vướng phải cảnh này.
Đúng ra khi anh quen với người con gái ấy, thì cha mẹ nàng còn ở tận bên Việt Nam. Nàng chỉ có mấy đứa em, nhưng chúng nó cũng lên đại học và ở nội trú hết. Anh rất bằng lòng về hoàn cảnh của nàng, như vậy anh không hề có gia đình nhà vợ để phải thưa gởi hay bị sai bảo, làm phiền như những đứa bạn bất hạnh của anh...
Đám cưới diễn ra chỉ có gia đình bên đàng trai đông đảo, bên đàng gái chỉ vỏn vẹn mấy chị em và vài người bà con xa.
Đùng một cái, vài năm sau đó tin bà già qua Mỹ theo diện đoàn tụ làm anh mất vui, gia đình sẽ hết không khí tự do... Mẹ vợ qua gia đình anh không lo còn ai vào đây! Mấy đứa em thì một đứa mới lấy vợ Mỹ, đang ở nhà thuê, còn thằng Út thì mới vào đại học còn lâu mới ra trường, đang trong nội trú. Cũng may là ông già đã chết ít ngày trước khi qua Mỳ, chứ nếu không qua đây mới chết thì... thiệt hại lớn!
Bà Nhẫn bâng khuâng nhớ lại cảnh gặp nhau ở phi trường mừng mừng tủi tủi. Vừa thấy bà bước ra từ phòng quan thuế, con gái bà reo lên mừng lắm, ôm mẹ cứng ngắt hôn thắm thiết thật lâu. Cả hai mẹ con cùng rơi lệ, những giọt lệ nhớ nhung và nhớ đến người cha kém may mắn đã khuất. Cô con gái vui thật sự vì có mẹ tới ở chung, lại nữa giúp cô chăm sóc đứa con gái đầu lòng vừa hơn một tuổi, và bây giờ cô đang vác cái bụng bầu nặng nề sắp sanh, rất cần người phụ giúp! Còn gì hơn nếu người đó là mẹ mình! Vả lại, cô cũng muốn sống lại cái cảnh như xưa, là có mẹ trong nhà bên cạnh để coi sóc miếng cơm, tấm áo... Bây giờ là cho mấy đứa con cô, chứ cô thì chắc cũng không cần vòng tay mẹ lắm, như hồi đó.
Ở Mỹ mà kiếm cho ra một người thành thật, siêng năng cũng không phải dễ. Rồi chưa kể tiền công cũng ít ra phải tốn một ngàn một tháng. Nên khi nghe tin mẹ qua, cô mừng hết lớn, khác hẳn với sự tính toán của ông chồng!
Lúc trước, ngoài công việc giữ cháu, bà Nhẫn còn lo giặt giũ, lau nhà, dọn rửa chén bát, nấu ăn trong những ngày cuối tuần, ngày thường thì cả nhà ăn cơm tháng. Làm nhiều việc như vậy, ít khi bà có thì giờ nghĩ ngơi, mà đến ngày cuối tháng, vợ chồng con gái bà có đưa cho bà ba trăm, nói là "để mẹ xài vặt". Anh rể lại còn nói xa nói gần: "Ở đây, dù sống chung với con cái, ai nấy đều phụ giúp con để trả tiền phòng, tiền điện nước, chi phí...". Thôi thì người ta sao mình vậy, bà không thắc mắc gì.
Thật ra thì bà Nhẫn đâu có nghĩ con bà sẽ cho tiền bà hàng tháng. Bà nghĩ rằng được ở chung với con, thì phụ làm chuyện trong nhà cũng đâu có gì là quá đáng. Không bao giờ bà nghĩ con bà sẽ cho bà tiền, hay bà sẽ đòi tiền con bà, dù mấy bà bạn đã nói rõ việc này cho bà biết rõ ràng, nhưng bà gạt đi vì bà nói đây là gia đình, không thể tính cái kiểu như đi làm công cho người ta được... cho nên chuyện ít nhiều bà không hề so đo. Làm cho con mình chứ có phải người dưng đâu mà tính với toán. Lòng mẹ thương con bao la như trời như bể mà bà có tính toán chi đâu! Dù sao con bà cũng có nhớ đưa tiền cho bà xài, giả dụ nó lờ đi thì cũng nói năng gì được... Có tí tiền để dành cho bà con còn kẹt bên Việt Nam, và phụ cho thằng Út đang ở nội trú cần tiền là bà vui rồi.
Nhưng anh chồng cô con gái bà thì khác. Anh ta nghĩ rằng vợ chồng anh trả tiền thì bà phải làm cho đủ bổn phận. Cho nên từ khi nhận lấy số tiền nhỏ hàng tháng, bà Nhẫn thấy càng ngày con gái bà càng kỹ lưỡng hơn trong những công việc dọn dẹp của bà! Cô hay nói bà phải làm lại thứ này thứ kia, dù cô nói rất dịu dàng, cô mong mẹ thông cảm cho mình, không muốn ông chồng ích kỷ gây lộn với cô vì chuyện không đâu... Cô thương mẹ nhưng cũng yêu chồng. Chồng cô khó chịu thì cô không vui, mà cô không vui thì mẹ cô không an lòng, lại cố mà làm cho vừa lòng con rễ!
Bà Nhẫn biết điều đó, con rể không thích bà thì bà tìm cách lánh mặt anh ta mỗi khi anh ta về đến nhà. Bà cố làm cho xong công việc, dọn cơm nước trên bàn đàng hoàng rồi lấy lý do ăn chay, bà ăn trước những món ăn xoàng xĩnh như cá kho mặn, trứng luộc dầm nước mắm hay rau luộc, xong bà rút vào phòng ngồi đọc kinh. Đợi khi nào cả nhà ăn cơm xong, lên lầu coi TV, thì bà mới mò ra bếp dọn dẹp.
Bà cũng nói với con gái là bà muốn cho gia đình con bà có sự tự do, không vì sự có mặt của bà mà mất tự nhiên giữa đôi vợ chồng trẻ. Tuy bà biết ăn trước và lánh mặt như vậy cũng kỳ, nhưng đôi khi đó là cách làm cho đôi bên khỏi khó chịu. Con gái bà cũng hiểu cho hoàn cảnh của mẹ. Cô cũng không thể có cách nào hay hơn, để cùng một lúc có cả chồng và mẹ ruột mình cùng gần gũi, ở cạnh thương yêu mình như vậy. Cô nghĩ tới đâu hay tới đó!
Nhưng khi người ta đã có thành kiến, thì sự cố gắng đến đâu cũng là vô ích! Bà Nhẫn không qua thông lệ đó. Muốn lấy lại tình cảm nơi con rể, tốt nhất là bà dọn ra ngoài! Thằng con rể ích kỷ chỉ biết một mà không biết hai! Cho dù ở chung nhà và cố tình lánh mặt, nhưng anh ta vẫn biết bà con đó, mà bà còn đó thì anh ta vẫn khó chịu, không ưa! Ngày xưa anh rể không lộ mặt nhiều, vì sự thật lũ cháu bé dại cũng cần phải có bà ngoại giúp một tay mới hết được việc nhà. Bây giờ không cần đến bà nữa. Con lớn rồi, cơm nước thì ăn "cơm chỉ" (chỉ món nào múc món đó, mỗi món một đồng), vừa tiết kiệm vừa ngon, lại đỡ mất công dọn dẹp nấu nướng, hôi nhà. Chỉ có điều là phải đi xa một chút để mua đồ ăn thôi. Lấy bao kẹo ho, bà Nhẫn mở giấy bỏ viên kẹo vào miệng. Ho nhiều vậy không biết có sao không? Tuổi càng già thì lại dễ bị bịnh hơn là khi còn trẻ. Bà chợt nhớ lại ngày xưa, mỗi lần bị ho như vầy, mẹ bà thường lấy củ nghệ giã nhỏ, xào chung với bún và dồi trường (ruột heo) cùng với lá hẹ, ăn rất ngon lại nên thuốc.
Nghĩ đến đây, chợt bà Nhẫn thấy đói bụng ngang xương... Rồi bà chợt nhớ là từ sáng đến giờ, bà chưa ăn thứ gì vào bụng! Phải chi mà có một tô bún nghệ lúc nầy... Mấy ngày nay bịnh, bà chỉ bắc nồi cháo trắng rồi cất trong tủ lạnh, mỗi ngày múc ra một tô nhỏ ăn cầm cự. May mà còn chai thuốc ho đầy ắp của con gái bà trong tủ lạnh, cô cũng cẩn thận dặn mẹ phải uống thuốc một ngày ba lần... Nhưng bà chỉ uống một lần buổi tối thôi, vì mỗi khi bà uống một muỗng súp lớn, là bà ngủ mê man hết một đêm.. Đến khi trời sáng rõ mới thức dậy nổi, miệng bà đắng chát chẳng muốn ăng ì cả, lại không thấy đói! Mà cái đầu thì hơi quay vòng vòng...
Hôm nay đỡ hơn, bớt ho hơn mọi ngày. Cơn cúm chắc đang rút lui nên bà không còn thấy choáng váng như những ngày trước. Bà lại bên tủ lạnh mở cửa nhìn vào. Con gái bà trước khi đi du lịch, vì bận rộ quá nhiều việc, nên quên đi chợ! Cái tủ lạnh trống trơn, chỉ còn vài bó rau loe ngoe. Nồi cháo của bà cũng còn một ít.
Có cái chợ Á Đông gần đây, đi bộ khoảng mười lăm phút. Bà quyết định đi đến đó để mua nghệ tươi và lá hẹ, dồi trường về làm bún nghệ ăn. Mặc thêm hai cái áo cho ấm áp, bà không quên lấy khăn trùm đầu và cái túi vải đeo lên vai. Khi bà ra ngõ, nhìn lên ngọn núi gần nha, tuyết đã bao phủ trắng xóa trên đỉnh núi.
Càng đi bộ, bà Nhẫn càng thấy đầu óc minh mần hơn. Bà nghĩ mấy ngày nay mình uống thuốc ho, nằm ngủ nhiều quá nó mục người đi. Dù sao hoạt động cơ thể vẫn tốt hơn là nằm rục một chỗ! Bà không dám đi nhanh sợ bị mệt vì mới khỏi bịnh. Té xuống bây giờ là cả một vấn đề!
Khi bà đến tiệm, thì người chủ đang rục rịch đóng cửa đi về. Bà ngạc nhiên:
− Ủa, sao hôm nay ông chủ đóng cửa tiệm sớm thế?
Ông chủ nhìn bà cười:
− Dạ bị hôm này là ngày lễ, cho nên tụi tui đóng sớm hơn ngày thường, để còn về nhà sửa soạn sum họp gia đình...
Lời nói của ông chủ tiệm làm bà Nhẫn giật mình... "Hôm nay là Noel!" Trời, mình đau nằm ngủ như chết có biết trời trăng ngày giờ gì đâu... Mấy món quà gói sẵn cho vợ chồng thằng Ba và thằng Út cũng chưa đưa cho chúng nó...
Liếc nhìn đồng hồ, thấy đã bốn giờ chiều, bà vội quay về nhà để đến nhà thằng Ba tối nay.
Mọi năm, mấy đứa con bà vẫn tụ họp ở nhà chị Hai nó để đón mừng Giáng Sinh và trao quà cùng chúc tụng lẫn nhau. Năm nay, con chị đi vắng, chắc tụi nó sè tổ chức ở nhà thằng Ba.
"Sao chúng nó không điện thoại cho mình???"
Bà Nhẫn chợt nhớ ra là mỗi lần điện thoại reo, là bà không bốc phôn lên trả lời, vì sợ đó là khách của vợ chồng con gái bà, vì thế cho nên các con bà không liên lạc với bà được!
Thôi thì à phải mau mau về nhà để gọi cho chúng nó yên tâm... Không chừng chúng lại tưởng bà đi Âu Châu với chịu tụi nó cũng nên!
Bà gọi cho thằng Ba trước, con vợ Mỹ của nó bốc phoên trả lời... Nó nói cái gì mà bà không hiểu được. Tiếng Tây tiếng Mỹ của bà Nhẫn thì cũng thuộc loại vừa nói vừa diễn tả bằng tay chân, cho nên bà ít khi nào muốn gọi cho thằng Ba, cũng chỉ vì nó có vợ Mỹ, mà lý do bà sợ nói chuyện bằng tiếng My với vợ nó, thế thôi.
Nhưng hôm nay, bà gọi, hy vọng con mình sẽ trả lời, nhưng cái thằng không biết đi đâu, làm bà ú ớ. Riết rồi thì bà cứ nghe con vợ nó nói: "What???" làm bà bối rối, và bà cúp phôn cái rụp! Chẳng lẽ nó cứ nói mà mình im hoài thì kỳ quá!
Bà lại gọi cho thằng Út, không có ai trả lời cả. Chắc là nó đi sắm đồ Noel. Thằng Út này bà biết tính nó rành. Cái gì cũng đợi đến phút chót mới nhảy! Dám chắc là giờ nầy cu cậu đang lang thang trong "mall" để mua quà cho mẹ và anh chị đây mà!
Bà tự nhủ thôi thì cố giữ bụng đói để đến nhà con ăn tối luôn. Bữa ăn quây quần thường mọi năm thì diễn ra lúc sáu giờ rưỡi. Lâu rồi bà cũng không gặp hai đứa con trai của bà nên cũng nhớ. Chúng nó cũng lu bù, rất ít khi đến nhà chị.
Vô phòng thay cái áo cho đàng hoàng một chút. Hôm nay là ngày lễ chứ không phải ngày thường, ăn mặt tươm tất mấy đứa con nó vui...
Ra đường đến trạm ngồi đón xe Bus, xách theo cái túi lớn và nặng đựng hai gói quà cho hai đứa con, lòng bà Nhẫn cảm thấy vui vui, dù bà đã hơi mệt. Có lẽ bà chưa ăn thức gì nên trong bụng cồn cào, và tứ chi rung lên nhè nhẹ. Cái túi xách nặng quá!
Căn nhà thằng Ba mọi lần đi xe hơi có một chút đã tới, nay như thấy xa hơn. Có lẽ lâu rồi bà không đi lại đường nầy... Vừa cuốc bộ bà Nhẫn vừa nghĩ: "Phải chi vợ nó là người Việt Nam thì đỡ khổ cho bà biết mấy! Đây rồi tới hồi có con, chẳng biết đứa bé sẽ nói tiếng gì? Chắc là tiếng Mỹ quá, vì mẹ nó người Mỹ, và ba nó thì cũng hay nói tiếng Mỹ... như vậy là khổ mình! Mỗi khi nhớ cháu, bồng nựng thì chắc cháu sẽ khó hiểu bà nội nó nói cái gì!"
Cái điệu này, bà định bụng phải mua băng về học thêm tiếng Mỹ. Hay là xin đi học ở Hội Cao Niên. Có điều đi học thì ai chở đi? Vì ở đó chỉ có lớp học tối mà thôi. Không bao giờ bà nghĩ là con gái bà chịu chở bà đi học nơi đó, vừa xa, vừa mất thời giờ.
Con gái bà luôn luôn nói rằng:
− Má già rồi, đâu có cần học thêm làm gì, nói chuyện với tụi con nít hay mở TV mà coi, riết rồi cũng biết nói...
Con nhỏ nầy nó thương bà, mà làm biếng cũng số một!
Con gái thì nói vậy, nhưng anh rể thì cấm ngặt mấy đứa nhỏ, như bắn tiếng với bà ngoại, không được mở TV ngoài phòng khách, cái TV nầy lớn rất tố điện, ngồi coi lại trên cái xa lông bằng da Italy mà anh rể coi trọng hơn bà già, nó cũng mòn đi... Đồ đạ mà không biết giữ thì mau hao tốn tiền sắm cái khác. Muốn coi thì vô phòng mà coi.
Hai đứa nhỏ có TV trong phòng, còn bà thì có cái nào đâu! Làm việc còn không muốn hết, giờ đâu mà coi TV!
Ở đời có người cho rằng đồ vật là phương tiện cho người ta xài, còn nhà nầy thì con người phải bảo vệ, tôn thờ đồ vật... chẳng hạn như mua xe chiến trùm lại cất trong ga ra, không dám chạy sợ hư máy và mòn bánh, mua cái giường, bộ xa lông phủ vải cho khỏi bụi, lót sàn nhà gỗ mà ai giẫm lên cũng sợ trầy, bắt phải cởi hết giày dép ra khi đi lên nó.
Thôi, nó giữ kỹ đồ vật thì kệ nó... Nó không ưng vặn TV nơi phòng khách thì đừng đụng tới là yên chuyện!
Bà buồn buồn khi nghĩ đến chuyện đó. Không hiểu trong ngôi nhà bà đang ở, bà có phải là một bà mẹ hay là một bà đầy tớ đi giúp việc cho người đời không hơn không kém! Bà chợt cười gượng:
− "Ờ... mà nếu là người làm công thì đâu có được đau lâu và sự thương yêu của cô chủ nhà như vậy... mình buồn quá nên nghĩ quẩn rồi!"
Đứng trước cửa nhà của thằng Ba, bà Nhẫn định đưa tay bấm chuông thì cánh cửa vụt mở. Thằng Ba đang tay xách nách mang những gói quà đủ mầu, đi ra một cách vội vã. Thấy bà, nó khựng lại, ngạc nhiên:
− Ủa má, má đi đâu đây..
Bà chưa kịp trả lời thì con vợ thằng Ba mở miệng, hối:
− Đem đồ ra xe mau không thôi trễ rồi "honey"...
Vừa đi lại xe, thằng Ba chất mấy gói quà vào sau cốp xe với nét mặt vui tươi. Chất xong mớ quà, nó quay vào đứng gần bà:
− Tụi con về nhà ba má vợ con ăn Noel.. Má tới chơi sao không cho tụi con biết trước... Tụi con đã hẹn với người ta lâu rồi, phải đi ngay bây giờ...
Bà Nhẫn thấy mình hơi đoảng và bất lịch sự khi đến nhà mà không gọi cho con biết trước, vội vàng lên tiếng:
− Không, má chỉ ghé thăm mang quà cho hai đứa con thôi, hai con cứ đi không trễ...
Rồi để cho thằng Ba khỏi áy náy, bà nói dối thêm:
− Má có hẹn với mấy người bạn của má rồi!!!
Nói xong, bà lật đật lôi gói quà của hai đứa trong túi ra. Cái túi đỡ nặng và trong người bà cũng nhẹ nhàng đôi chút. Quà đã trao tận tay người nhận rồi.
− Thôi tụi con đi chơi vui vẻ. Má về nghe...
− Dạ má về... Lần sau má có tới, nhớ điện thoại cho tụi con biết trước nghe má...
Chiếc xe phóng về phía trước để lại đám bụi nhỏ. Bà Nhẫn đứng vịn cổng nhìn theo. Ở Mỹ nầy, cái điện thoại là đế sử dụng báo trước cho người khác biết những gì mình sắp làm... Bà ở Mỹ bao nhiêu năm mà cứ quên điều đó!
Bà thấy trong lòng bà những kỷ niệm quá khứ hiện về, khi những đứa con của bà con bé dại, một tay bà cho bú mớm, bồng ăn.. Ôi, cái ngày khốn khổ nghèo đói trên quê hương mà lại đầy tình người nồng ấm, nay không thể nào tìm ra nữa! Thôi thì bà cứ nghĩ cái câu người ta thường nói mà an ủi lấy mình:
"Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ăn theo thuở, ở theo thời"
"Tình thương từ trên cho xuống chứ ít khi nào từ dưới thương lên"
Và bà thấy bà cố chấp khi nghĩ quấy cho thằng Ba, đầu óc bà lại miên man ý nghĩ:
"Thực ra thì vợ chồng thằng Ba đâu có làm gì sai. Hôm nay ngày lễ, lẽ ra bà phải hẹn trước, cũng vì bịnh mà bà quên... Chuyện này thì do bà mà ra, trách con cái, tội nghiệp cho tụi nó!"
Bà quay gót ra bến xe. Trong giờ phút nầy, rất ít người còn lang thang ngoài đường như bà.
Con đường vắng tanh không một bóng người. Ngay cả xe cộ cũng vắng hẳn đi. Bà Nhẫn ngồi đợi xe bus để lên chỗ nội trú của thằng con Út. Bà thương cho nó một mình đã phải ăn uống qua quýt cho qua ngày. Lúc nào cũng mì gói và đồ hộp làm chuẩn. Hôm nay tới gặp nó, nếu thức ăn không có gì ra hồn, thì bà sẽ dẫn nó đi ăn tiệm, hai mẹ con sẽ ăn một bửa no say cho đã đời, và mừng mùa Giáng Sinh đang đến. Nếu không còn xe bus, thì bà chơi sang đi tắc xi. Lâu lâu cũng nên tốn tiền một lần để hai mẹ con có thì giờ bên nhau.
Bà đợi khá lâu thì chuyến xe chót mới đến, lên đến trường đại học trời bắt đầu tuyết rơi. Những bông tuyết bay bay nhẹ nhàng trong không gian làm cho bà cảm thấy tâm hồn trở nên phóng túng, thoải mái hơn, như khi bà còn trẻ...
Phải chi ông chồng bà còn sống thì giờ nầy chắc tuyệt vời, hai ông bà sẽ đan tay nhau đi trong mưa tuyết là điều mà ông hằng ao ước khi còn sống. Tiếc thay, vừa được thông báo sẽ được xuất ngoại theo diện HO, thì ông đã chết trước khi lên máy bay ba ngày! Một cái chết mà bên Việt Nam cho là trúng gió! Nhưng theo bà Nhẫn nghĩ, có lẽ đó là sự lao tâm lao lực khi ông còn trong trại tù cải tạo. Nghe nói cũng có lần ông từng suýt chết, may được cứu sống bởi trong trại có một bác sĩ ngụy cứu chữa cho ông bằng những thứ lá, hay rễ cây tìm trong rừng sâu! Cùng một số thuốc tây quí mà do các bà vợ của mấy ông tù cải tạo mang lên, đã biếu cho ông để trị bịnh.
Mỗi con người đều có một số phận do Trời định đoạt sẵn cho mình.
Bà xua đi những ý nghĩ không vui trong đầu, rồi đi vào cổng chỗ nhà trọ. Đa số những căn phòng đóng cửa im lìm vì sinh viên về nhà nghĩ lễ với gia đình. Phòng con bà ở căn cuối cùng trên lầu hai. Leo lên những bậc thang bằng đôi chân rũ rượi, bà thấy mình sức đã cạn. Vừa mệt vừa đói, bà phải đứng lại nghỉ ngơi ba lần mới lên đến từng trên. Thở một chút, bà cúi xuống xách cái túi đi tới phòng con bà.
Một thanh niên từ trong phòng đó đi ra, mặt đỏ bừng vì rượu, hơi thở của anh ta nặng nề, bước chân đà hơi xiêu vẹo, chẳng thèm nhìn bà một cái. Có nhìn, thì hắn cũng sẽ không biết bà là ai, đến đây làm gì...
Bà đứng ngoài nhìn vào. Cánh cửa chỉ khép hờ, trong phòng bừa bộn những võ bia không và thức ăn dư thừa. Một căn phòng lộn xộn, đầy hơi bia và thuốc lá!
Thằng Út đang nằm trên ghế sô pha ngủ ngon lành! Chắc là ăn nhậu đã đời rồi! Nhìn nét mặt nó, bà thấy thương cho thằng bé. Nó có vẻ ốm hơn lần trước bà gặp! Thôi thì cứ để cho nó ngủ.
Bà ngồi xuống một cái ghế trống nghỉ mệt một lát. Rồi bà đứng lên thu dọn căn phòng thằng Út cho sạch sẽ. Thường, mấy bà mẹ nhìn thấy cái gì dơ bẩn trước mắt, thì chịu không nổi và hay ra tay tẩy uế cho sạch sẽ để khỏi ngứa mắt mình.
Những vỏ lon bia, những hộp thức ăn thừa đầy tàn thuốc lá, bà gomlại cho hết vào bao rác để trong bếp. Xong rồi, bà bắt đầu lau bàn và ngồi xuống nhặt dưới thảm những thức ăn và rác vung vãi ở dưới. Bà dọn dẹp nửa tiếng thì căn phòng sạch sẽ trở lại.
Khi cảm thấy trong phòng hơi lạnh, bà khép cánh cửa lớn, vào phòng tìm cái mền đem ra đắp cho con. Niềm thương yêu của bà bùng lên, mãnh liệt trong lúc nầy. Tội nghiệp cho thằng bé... Nó sinh sau đẻ muộn, không được bà săn sóc nhiều, không được gần gũi cha bao nhiêu, bây giờ dù ở đây, có mẹ cũng không được mẹ lo cho miếng ăn giấc ngủ hàng ngày...
Nhìn con ngủ say, bà nghĩ không nên thức nó dậy trong lúc nầy. Sau khi đã ăn nhậu mừng lễ với bạn bè, chắc có lẽ nó cũng cần một giấc ngủ ngon.
Bà thì mệt quá rồi. Bây giờ bà chỉ muốn có một tô phở nóng ngon lành là hạnh phúc... Bà đứng dậy, tắt bớt ngọn đèn lớn giữa phòng, rồi đi lại chỗ con đang nằm ngủ, cúi xuống hôn thằng con một cái trên tóc nhẹ nhàng. "Chúc mừng con Noel vui vẻ, nhiềm mộng đẹp..."
Để hộp quà trên bàn cho con, bà đeo cái bóp lên vai. Bây giờ thì bà đang suy nghĩ không biết đi bằng cách nào trở lại chỗ gần nhà bà đây? Xe bus không còn chuyến nào chạy, xe tắc xi thì thằng Út say ngủ thế kia lấy ai gọi giùm cho bà?
− Thôi cứ ra đường hãy hay.
Đi xuống cầu thang dễ và đỡ cực hơn đi lên, nhất là bây giờ không còn vướng víu mấy hộp quà trên tay. Bà nghĩ: "Nếu không có xe chắc mình đi bộ cũng được thôi..."
Thật ra thì bà chỉ muốn leo lên một chiếc xe nào đó, bảo nó chở bà ra tiệm "Denny" mở cửa 365 ngày trong một năm, mà bà thường thấy nó treo tấm quảng cáo lớn trước tiệm. Vô đó ăn một hay hai tô súp nóng, chắc cũng đỡ mệt và ấm tấm thân!
Tuyết vẫn bay la đà, lất phất. Khung cảnh vạn vật bao la và hùng vĩ giữa chốn hoang vu như thế nầy! Nếu bà có hai mình thì thật là tuyệt diệu biết bao.
Đi bộ từ nhà trọ ra phía ngoài chỗ có xe bus cũng khá xa. Con đường tối tăm và vắng vẻ không thể tưởng! Bà Nhẫn chợt cảm thấy lo sợ vu vơ. Nếu bây giờ mà có thằng ăn cướp nào nhảy ra dí dao vô bà, bắt đưa cái bóp thì chết! Bao nhiêu tiền bà bỏ hết trong đây, tiền thì phải đi theo người. Để ở nhà rủi có ăn trộm nó lấy mất thì lúc đó lại ngồi mà than! Bây giờ đi ngoài đường tối tăm, một mình cũng quá sợ!
Thế rồi để cho đỡ sợ, bà vừa đi vừa đọc kinh. Tiếng bà cầu kinh nho nhỏ, nhưng cũng là sức mạnh cho bà vượt qua cơn sợ hãi đang ám ảnh bà!
Một ánh đèn xe quét sau lưng bà Nhẫn. Bà lập tức nép vô bên trong và đứng lại quay đầu nhìn chiếc xe đang chạy đến. Chiếc xe chạy từ từ, trên xe bà Nhẫn thoáng thấy bóng một người đàn bà lái xe. Bà Nhẫn nghĩ thầm chắc bà này cũng vô trường thăm con như mình... Chiếc xe đã lướt qua một đoạn rồi bất chợt nó ngừng lại, de lui về phía bà Nhẫn. Bà thấy trống ngực đánh thình thịch.
Chiếc xe ngừng ngang chỗ bà đứng, cánh cửa sổ xe hạ xuống, một khuôn mặt rõ ràng là Mỹ đen đang nhìn bà chăm chú:
− Xin lỗi, bà Á Đông?
Bà Nhẫn gật đầu. Bà Mỹ đen hỏi tiếp:
− Bà là Việt Nam?
Bà lại gật, lòng thắc mắc sao Mỹ đen mà cũng biết mình Việt Nam?
− Bà có muốn tôi chở bà về nha không?
Trời đất thánh thần ơi, bà Mỹ nầy nói tiếng Việt! Bà Nhẫn không thể tin là tai mình vừa nghe tiếng Việt một trăm phần trăm trên đoạn đường vắng vẻ nầy... Bà lắp bắp:
− Bà nói tiếng Việt được?
− Tôi Việt Nam, Mỹ lai mà.
Cả hia bà cùng cười. Bà Nhẫn leo lên xe, yên tâm phần nào vì không phải ăn cướp. Bà Mỹ tâm sự:
− Tôi vô trường thăm con. Nhưng thằng con lại được ba nó đón đi về sáng nay rồi. Nó không liên lạc với tôi để cho biết chuyện nầy. Không hiểu lý do... Nhiều khi nó sợ tôi buồn. Bên gia đình ba nó giàu có, tôi thì làm chỉ đủ ăn... Gia đình ông ta không thích tôi chỉ vì tôi là người Việt lai căng. Cách sống cũng như phong tục tập quán của tôi khác với người ta. Tôi ở với ông có một năm là chia tay. Sanh đứa bé ra tôi đã gần bốn mươi, mà con thì mới ra đời! Đứa con tôi giữ vì tôi rất thương thằng bé. Bây giờ nó lớn khôn, gia đình ổng thấy nó rất giống ổng, mà ống thì lại lấy mấy bà sau này không ai có con, nên muốn mua chuộc con tôi để nó đi theo ổng... Con tôi thấy gia đình cha nó giàu có, quyền lực thì cũng nghiêng về phía họ... Tôi buồn lắm bà biết không. Mình nuôi con, đặt hy vọng vào con... cuối cùng nó cũng đi theo cha nó!
Bà Mỹ thở dài thườn thượt! Bà Nhẫn im lặng không nói. Mỗi người đều có cảnh khổ và lối suy nghĩ khác nhau!
− Nó viết mảnh giấy dán trước cửa phòng xin lỗi tôi, là đã về nhà theo bao nó ăn Noel...
Bà Nhẫn quay qua bà Mỹ, đến bây giờ, bà cần phải nói một câu:
− Bà cũng thông cảm cho con trai bà... vì nhiều khi nó không muốn trực tiếp gọi cho bà biết, nó sợ bà buồn...
− Bà cho rằng nó sợ tôi buồn? thì nó viết giấy tôi cũng buồn vậy...
− "Lá rụng thì về cội", bà biết câu đó mà... Dù sao bà cũng nên mừng vì có người con còn biết nghĩ đến bà, còn sợ bà buồn... Lúc mà nó làm gì cũng không cần biết bà là ai, thì lúc đó mới thật sự là buồn, phải không bà?
Hai bà nhìn nhau im lặng. Đúng lắm, thì lâu lâu con bà cũng phải về cha nó một chút, từ trước đến nay Noel nào nó chắng về với bà...
Bà Mỹ nhìn bà Nhẫn cười. Bà để tay lên vai người bạn già mới quen đã nói một câu thật chí lý. Bà Mỹ thấy bà đã suy nghĩ thật nông cạn đối với con bà... Mình ích kỷ quá chăng? Con đà lớn, hãy cho nó một quyết định riêng tư không ảnh hưởng tới bất kỳ ai... Nó thương cha nó? Đó cũng là một điều không phải sai trái trong đời sống mà còn đáng khuyến khích là khác. Ông ta chỉ có lỗi với bà chứ với con bà, thì ông vẫn là một người cha như muôn ngàn người cha khác.
Bà Mỹ nhìn bà Nhẫn thắc mắc, bà nầy đã nói lên những câu rất chí tình, khác với những bà bạn đáo để, chanh chua mà bà Mỹ vẫn thường gặp...
Nhưng còn hoàn cảnh của bà, bà đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt, một thân một mình như vậy, chồng con ở đâu?
− Bây giờ bà tính đi đâu? Gia đình bà có ở gần đây không?
Bà Nhẫn lắc đầu, bà nói sơ với bà Mỹ chồng bà đã chết. Các con bà nó đi chơi xa trong mùa lễ năm nay. Lúc nầy thì bà có một mình. Tính đi kiếm gì ăn rồi về nhà ngủ cho khỏe. Bà nói với giọng bình thường, không buồn quá hay trách cứ bất kỳ ai... Những lời nói của bà rất tâm lý và đầy sự hiểu biết, sự dung thứ từ một tấm lòng người mẹ, nhất là bà mẹ Việt Nam, luôn lo cho con cái, coi niềm hạnh phúc, vui vẻ của con là trọng, là niềm vui của mình mà quên đi chính bản thân mình, cho dù niềm vui đó đôi lúc cũng là mật đắng, gây cho bà mẹ những sự cay đắng, bẽ bàng...
− Nếu bà không vướng bận gia đình, tôi mời bà về nhà tôi, chúng ta cùng ăn tiệc Noel tối nay. Thú thật với bà là tôi có nấu nồi phở. Tính cho con trai tôi thướng thức vì thằng bé rất thích phở... nhưng bây giờ thì có hai chúng ta cùng cô đơn đêm nay. Mời bà về nhà tôi, chúng mình cùng thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy thay cho thịt gà tây ăn mau ngán, và nói chuyện đời... bà chịu không?
Rồi bà Mỹ quảng cáo thêm về món ăn của bà:
− Tôi nấu phở có hạng, lại không thiếu húng qué giá sống và ngò gai, ngoài ra còn có cái bánh "buche de Noel" "order" từ tiệm bánh chính gốc Pháp nữa, cùng chai rượu chát hảo hạng dành cho chúng ta đêm nay... Mong bà không chê...
Bà Nhẫn vui vẻ gật đầu. Bà đâu có dám chê bai gì, bà chỉ hơi ngài ngại thôi, vì mới quen bà bạn nầy, không biết bà mời thiệt hay mời đãi bôi... Bà chẳng ao ước có một tô phở nóng mới đây hay sao? Thật đúng là trời cho bà, ước gì được nấy.
Bà cảm thấy vui vui trong lòng. Dù sao thì bà cũng không phải là người cô độc và bất hạnh nhất loài người trong đêm nay.