Anh Thu xoay xoay chiếc điện thoại di động trong tay, trầm ngâm nhìn về phía những cây dừa cảnh ngay cạnh dãy nhà cao tầng mà cô đang đứng. Tiếng con gái kêu ré lên từ bên trong lớp vọng ra khiến cô giật mình ngoái nhìn lại. Một tràng cười khác rộ lên cho Anh Thư biết không có chuyện gì bất thường cả, chỉ là mấy cô sinh viên trẻ nghịch ngợm trêu đùa thế thôi.
- Em chào cô.
Có vài nhóm sinh viên đi ngang qua chào Anh Thư lễ phép. Cô khẽ mỉm cười gật đầu chào lại. Trước đây, Anh Thư không khi nào tưởng tượng được có ngày mình lại theo nghiệp này. Theo học trường Đại học Kinh Tế, cô chỉ nghĩ sau này mình sẽ làm cho một công ty nào đó, không ngờ lại có thể được đứng trên giảng đường với vai trò người giảng dạy. Được gặp gỡ, tiếp xúc với những sinh viên trẻ tuổi cô cảm giác cuộc đời mình có được một cứu cánh. Nếu không có được niềm vui này có lẽ cuộc sống của cô sẽ vô vị và nhạt nhẽo vô cùng.
Anh Thư nhanh chóng bước vào lớp khi tiếng chuông báo hiệu giờ học vang lên. Lớp học tại chức đồng loạt đứng lên chào Anh Thư. Cô khẽ gật đầu chào lại rồi đi tìm phấn. Vì là lớp tại chức nên độ tuổi của sinh viên không đồng đều. Có người còn đang là sinh viên của một trường đại học hoặc cao đẳng nào đó nhưng cũng có người đã đi làm được cả mười mấy năm. Tính ra, cô chỉ hơn tuổi mấy sinh viên trẻ kia một chút còn lại thua tuổi tất cả những sinh viên còn lại trong lớp mình đứng giảng.
- Buổi hôm trước thầy Phan Lê Minh đã giảng lý thuyết cho lớp chúng ta nghe rồi phải không?
- Dạ rồi, thua cô…
Tiếng mọi người lao nhao lên trả lời. Anh Thư mỉm cười, nhìn bao quát cả lớp, thản nhiên:
- Vậy thì hôm nay chúng ta sẽ thảo luận.
Cả lớp tỏ ra rất hào hứng. Thảo luận có nghĩa là sẽ không phải nghe quá nhiều lý thuyết, không phải ghi chép những khái niệm, định nghĩa dài lê thê mà sẽ có cơ hội được thảo luận và thắc mắc với thầy cô. Những giờ thảo luận của cô giáo Anh Thư luôn là những giờ thảo luận sôi nổi, hào hứng nhất.
- Sau khi học bài hôm trước, anh chị nào có thể nói cho tôi biết khuyến mại là gì?
Một cánh tay giơ lên và khuôn mặt non trẻ của cô sinh viên ngồi ngay đầu bàn thứ hai nhìn Anh Thư rất hăm hở. Đây là cô bé chăm chỉ học hành và chịu khó phát biểu nhất. Anh Thư khẽ gật đầu như ra hiệu và ngay lập tức, cô bé đứng ngay dậy trả lời.
- Thưa cô, khuyến mại là một hình thức của xúc tiến thương mại của thương nhân…
Và cô bé đọc vanh vách định nghĩa của hoạt động thương mại mà cô đã học thuộc ở nhà. Anh Thư nhìn cô sinh viên cười trìu mến, khẽ gật đầu, cô nói:
- Phương Uyên học rất thuộc bài. Vậy, nếu nói một cách ngắn gọn thì hoạt động khuyến mại là gì?
Cô sinh viên trẻ nhìn cô ngắc ngứ. Cô bé đã học thuộc bài và hiểu hết những thuộc tính cũng như đặc điểm của hoạt động này rồi nhưng Anh Thư hỏi như thế thì cô bé lại không trả lời được.
- Có ai biết không?
- Là mang lại cho khách hàng những lợi ích.
Tiếng ai đó rụt rè vang lên.
- Chính xác là như vậy!
Anh Thư khẳng định chắc nịch và gương mặt của mọi người trở nên hào hứng hẳn.
- Nhưng điều tôi quan tâm là những lợi ích này là những lợi ích nào ?
Cô nói tiếp luôn :
- Nó bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, trong đó lợi ích vật chất là chủ chốt, còn lợi ích tinh thần là thứ yếu nhưng thường không bao giờ tách rời khỏi lợi ích vật chất. Tôi lấy ví dụ, có thông tin đưa ra như sau, mười khách hàng đầu tiên sẽ trờ thành khách hàng danh dự của công ty. Cái từ danh dự ở đây bao hàm trong đó yếu tố tinh thần rồi nhưng các bạn sẽ tự hỏi, vậy lợi ích vật chất ở đâu ?
Không có tiếng trả lời, Anh Thư ngừng một giây rồi tiếp :
- Xin thưa, thông thường được là khách hàng danh dự thì bao hàm trong đó sẽ là một số qyền lợi vế mặt vật chất. Các bạn hẳn đã nghe nói đến thẻ VIP khi mua hàng rồi, đúng không ? Trường hợp này cũng tương tự như vậy. Và đôi khi khuyến mại sẽ đem tới cho khách hàng một lợi ích đặc biệt. Đó là gì ? Đó là niềm hi vọng. Tôi ví dụ như hình thức cào trúng thưởng hay bặt nắp trúng thưởng. Các anh chị chắc chắn ai cũng ít nhất từng một lần tham gia chương trình khuyến mại như thế này rồi, đúng không nhỉ ?
Dừng lại nhìn mọi người, Anh Thư lên tiếng tiếp :
- Nhắc lại một chút về bài học cũ như vậy. Bây giờ có ai có câu hỏi nào không ?
Một người khoảng bốn mươi tuổi đứng lên hỏi rành rọt :
- Thưa cô giáo, tôi xem trên ti vi thấy phim của nước ngoài thường hay nhắc đến việc mua hàng trả góp. Tôi nhận thấy nó có những đặc trưng giống như hoạt động khuyến mại, vậy đây có phải là một hoạt động khuyến mại không ?
- Đây là một câu hỏi chất lượng. Tôi đánh giá cao những câu hỏi thể hiện sự hiểu biết như thế này. Biết cách đặt câu hỏi cũng thể hiện được tư duy của người đặt câu hỏi rất rõ.
Xoay xoay viên phấn trong tay, Anh Thư chậm rãi nói :
- Bán hàng trả góp sẽ nhằm hai mục đích, đó là hướng tới lãi trả chậm và xúc tiến việc bán hàng, trong đó việc xúc tiến bán hàng mới là mục đích chính. Nhưng về bản chất, hoạt động này cũng mang đến những lợi ích nhất định cho khách hàng. Vì vậy, đây cũng được coi là một hình thức khuyến mại. Nhưng rất tiếc hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa qui địn hbán hàng trả góp là khuyến mại.
- Nhưng thưa cô, em vẫn nghe nói đến việc bán hàng trả chậm ở nước ta.
- Tôi đồng ý là ở Việt Nam hiện nay đã có hình thức này, nhưng trên thực tế pháp luật chưa có một qui định nào nói về việc coi bán hàng trả góp là một hình thức khuyến mại. Pháp luật hiện nay chỉ mới đưa ra được bốn nhóm của hình thức khuyến mại. Nếu muốn chứng thực và tìm hiểu sâu thêm anh chị nên tìm đọc thêm các qui định của Luật Thương Mại.
Một anh chàng gầy nhòm phía cuối lớp lúc này liền đứng lên đặt câu hỏi :
- Cô vừa nhắc đến bốn nhóm hình thức của khuyến mại, chúng em đã được học biết nhưng em vẫn chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa quà tặng và giảm giá.
- Tôi có một ví dụ sau, hãng dầu gội đầu Clear đưa ra một thông tin rằng khi mua một chai dầu gội 100ml sẽ được kèm theo hai gói dầu gội 5ml. Một chai dầu gội 100ml sẽ được gọi là hàng trong chiến dịch khuyến mại còn hai gói dầu gội 5ml sẽ được gọi là hàng khuyến mại. Những khái niệm này chắc các bạn đã biết cả rồi. Ranh giới giữa quà tặng và giảm giá ở chỗ, nếu hàng trong chiến dịch khhuyến mại và hàng khuyến mại là cùng loại, đó là giảm giá, còn nếu hai loại khác nhau thì đó là quà tặng.
Nhiều sinh viên trong lớp tranh thủ ghi chép lại những gì mình vừa được nghe. Đây mới chính là những điều cốt yếu mà họ phải tìm ra sau khi nghiên cứu và được nghe lý thuyết về hoạt động khuyến mại.
- Trong các anh chị, có người nào đặt câu hỏi là tại sao có khuyến mại không ?
Anh Thư thú vị nhìn cả lớp.
- Ờ nhỉ, mình chưa nghĩ đến điều này…
Tiếng xì xào vang lên khắp phòng học nhưng chưa có người nào mạnh dạn đứng lên trả lời.
- Nếu đi thi mà thầy cô ra đề lại hỏi trúng câu này thì các anh chị để giấy trắng và chấp nhận điểm kém sao ?
Anh Thư tủm tỉm cười nhìn cả lớp.
- Cô giải quyết dùm tụi em luôn đi cô ơi !
Tiếng Phương Uyên mạnh dạn đề nghị.
- Đúng đó, cô nêu ra vấn đề nhưng bọn em không biết thì cô nên đưa ra lời giải đáp cho bọn em đỡ khổ.
Hơi dựa người vào cạnh bàn của Phương Uyên, Anh Thư hỏi :
- Vậy khuyến mại có những tác dụng gì ? Đối với những chủ thể nào ?
- Vấn đề này có phân tích tường tận trong giáo trình mà, thưa cô !
Phương Uyên hỏi cô với chất giọng trong vắt đáng yêu vô cùng. Anh Thư nhún vai cười :
- Đó chính là câu trả lời đó thôi.
- Ờ ha !
Nghe câu « Ờ ha » ngốc nghếc của Phương Uyên, bất giác Anh Thư và tất cả mọi người đều cười ồ lên vui vẻ. Anh Thư nhìn Phương Uyên trìu mến, chưa dứt nụ cười nói thêm :
- Tôi muốn bổ sung thêm một số tác dụng của khuyến mại cũng như lý do tại sao lại có hoạt động này. Đó là, khuyến mại đôi khi có tác dụng thay đổi cả thói quen mua sắm cũng như hành vi mua sắm. Tôi lấy ví dụ, các bạn đã bao giờ mùa hè đi mua áo len còn mùa đông lại đi mua áo mát chưa ?
- Cái này thì sinh viên nghèo như tụi em thường xuyên làm rồi cô ơi. Vì đầu mùa hè bao giờ các công ty may mặc cũng giảm giá hàng mùa đông mà.
Cười cười nhìn cậu sinh viên nam vừa phát biểu, Anh Thư gật đầu :
- Em hiểu ý tôi rồi đó. Thêm nữa, có những khách hàng mua hàng không phải có nhu cầu thực tế về hàng hóa, không hướng tới giá trị của hàng hóa mà hướng tới những giá trị, lợi ích đi kèm của hàng hóa đó.
Anh Thư nhìn mọi người,tủm tỉm cười :
- Theo một cuộc điều tra thì sau khi hãng Kotex có chương trình khuyến mại cào trúng laptop thì người ta phát hiện ra khách hàng tham gia mua mặt hàng này gồm cả giới mày râu.
Cả lớp cưởi rần rần khi Anh Thư vừa dứt câu. Vừa lúc đó, tiếng chuông ba hồi báo hiệu hết giờ vang lên. Đi nhanh về phía bục giảng, Anh Thư lau tay vào tấm gỉe ướt và nhìn sinh viên lục tục cất sách chuẩn bị ra về.
Một sinh viên khá đứng tuổi lại gần cô hỏi :
- Sao hôm nay cô không dùng máy chiếu mà lại dùng phấn như thế này ?
- Tại laptop của tôi bị trục trặc chưa kịp mang đi sửa.
Anh Thư cười hiền lành.
- Cô giáo, nếu máy tính của cô hỏng, em gọi nhân viên đến tận nhà sửa cho cô nhé ?
Người đàn ông hào hứng đề nghị.
- Chú tốt quá ! Nhưng như vậy phiền chú quá…
Thấy cái nhìn áy náy của Anh Thư, sinh viên lớn tuổi của cô càng nhiệt tình hơn :
- Không phiền, không phiền…Giúp được cô giáo em vui lắm.
- Vậy, tôi cảm ơn chú trước nghen.
- Vâng, chào cô giáo.
Nếu là trước đây, hẳn Anh Thư sẽ thấy ngượng miệng lắm khi nghe một người tuổi đáng cha chú xưng « em « với mình như thế nhưng qua một thời gian ngắn đứng lớp, cô cũng quen dần, đã bớt e ngại và dần tự tin hơn.
Hòa mình trong đám sinh viên buổi tối đang tan học , Anh Thư ra khu vực để xe sau trường để lấy xe và trở về căn hộ nhỏ của mình.