Những dấu vết nằm sâu trong lòng đất không chỉ là chứng tích về một đời sống nguồn cội xa xưa, thân thiết và bí ẩn; mà còn là nơi bắt đầu cho một cuộc sống mới ấm êm hạnh phúc. Dấu chìm rút trong tập truyện ngắn "Chim khách kêu" của Nguyễn Kiên - cuốn sách đoạt giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2002.

Một năm đi thực tế ở tỉnh nhà, tôi có dịp theo Thản về khảo sát thủy lợi để xây trạm bơm tiêu nước cho cánh đồng Gồ. Đồng Gồ rộng mênh mông là cái rốn nước của cả vùng. Mùa mưa nước ngập trắng xóa, sang mùa khô vẫn còn lõng bõng nước, bướt đến chỗ nào cũng lầy thụt, cẳng chân lún sâu trong lớp bùn đặc quánh như keo. Vậy mà nó lại mang cái tên trái khoáy là Gồ. Tôi hỏi bà dì cô Ngỡ, chủ gia đình cho Thản và tôi ở nhờ, bà cụ nói: "Từ xa xưa truyền lại thế thì bây giờ cứ gọi thế, chả ai biết nguồn gốc nó ra làm sao!" Hàng ngày Ngỡ dẫn Thản ra đồng Gồ, ngắm nghía và đo đạc, phác ra cái tuyến cần đào hố thăm dò lớp đất sâu. Việc đào hố đã có công nhân của xã sở tại. Họ lội đồng quen nên sáng đi tôi về, chỉ ăn bữa cơm trưa tại ruộng. Thản bàn với tôi: "Anh em mình dựng gian lều, ở lại đây luôn, khỏi mất công đi lại. Hơn nữa tiện có chỗ để dụng cụ, có chỗ đun nấu, đám nhân công họ cũng đỡ vất vả".

Từ nhà Ngỡ trong làng chuyển ra ở lều ngoài đồng, quả nhiên cũng có nhiều thuận tiện. Những lúc rảnh rỗi Thản thường rủ tôi đi, cũng có khi anh đi với Ngỡ hoặc đi một mình, xem xét lại những cái hố mới đào, nhảy xuống lòng hố, bới lật các lớp đất, nhẩm tính theo cái chuyên môn thủy lợi của anh. Có một hố được đào khá sâu, qua lớp đất bùn xuống tầng đất cứng, lòng hố chìm sâu trong tầng đất cứng bỗng lở ra. Thản đi với Ngỡ đến đó, họ nhảy xuống lòng hố, moi lên được một cái hũ sành và những mảnh chum vại vỡ. Chiếc hũ thô dầy, miệng hơi méo và bị sứt một miếng nhỏ nhưng thân hũ còn lành lặn, gõ vào kêu coong coong. Những mảnh chum vại vỡ thô dầy và rắn chắc. Chúng được đưa về, để ở góc lều, cạnh chỗ nằm của tôi và Thản.

Ban đêm Thản thắp ngọn đèn, soi qua soi lại trên những di vật moi lên từ lòng đất, anh quên cái hiện tại, vẻ như hồn vía anh hướng về tận đâu đâu.

Tôi vốn là kẻ duy vật cực đoan, xem cái hũ sành chỉ là cái hũ sành, nó không phải là đồ mới nhưng cũng không phải là đồ cổ, tôi nhìn ngắm nó với đôi chút hiếu kỳ, thế thôi. Một lúc sau mắt tôi diu díu và tôi lăn ra ngủ. Khoảng khuya tôi cảm thấy có bàn tay lay vai tôi rồi nghe tiếng Thản gọi giật giọng:

- Này anh, anh ngủ được một giấc dài rồi đấy. Dậy đi. Dậy đi, tôi cho anh xem cái này!

Tôi gượng ngồi dậy. Trước mặt tôi ngọn đèn vẫn leo lét cháy, tỏa quầng sáng mờ lên các di vật để ở góc lều. Hình như chúng vừa được sắp xếp lại. Cái hũ sành ở phía trước, ánh đèn soi tỏ vệt đất bám ngoài và những đường rạn nhỏ li tị Có mấy mảnh chum vại vỡ được chắp lại, những mảnh rời khác xếp dựng thành hàng, dựa vào vách lều.

- Anh hãy nhìn lâu, nhìn kỹ xem có thấy gì lạ không?

- Không, tôi chẳng thấy có gì lạ!

Thản nhìn tôi xa vắng, khẽ thở dài:

- Quái quỷ... vậy mà tôi càng nhìn càng thấy lạ. Những thứ bị vùi trong đất này là chứng tích của đời sống một thời nào đó. Từ lúc moi được lên, tôi đã đụng chạm, sờ nắn, xoa vuốt từng thứ, không biết bao nhiêu lần và tôi cảm thấy chúng không phải là vật vô tri, chúng biết cựa quậy. Lúc anh đã ngủ say, chỉ còn một mình tôi thức, dù tôi đối diện với chúng hay quay mặt đi tôi vẫn nhìn thấy chúng cựa quậy. Như có ai đó đụng chạm vào chúng, dùng chúng vào công việc: cái chum hứng nước mưa, cái vại muối cà, cái hũ sành đựng gạo hoặc cũng có thể chỉ để bầy chơi... Tôi không biết mình tỉnh hay mê nhưng rõ ràng chính tay tôi cầm đèn soi lên từng thứ, sắp đặt theo cách này rồi lại theo cách khác tùy hứng... Thế rồi tôi rơi vào một cảnh tượng lạ lùng tôi sẽ kể lại đúng như nó đã xảy ra, còn tin hay không là tùy anh!

Câu chuyện của Thản vừa rõ rệt vừa mơ hồ, lẫn lộn giữa tỉnh và mệ Thản bảo thoạt tiên anh nghe văng vẳng tiếng bước chân rậm rịch, tiếng bước chân cứ rõ dần rồi anh trông thấy một đoàn người lũ lượt kéo đi. Họ đi qua trước mặt anh. Nhưng không phải, họ đi vòng quanh anh thì đúng hơn và họ cuốn anh vào. Những người đàn ông và đàn bà, người già và người trẻ, cả trẻ con còn phải bồng bế hay dắt theo. Không nhìn rõ mặt họ, không nghe thấy tiếng nói của họ nhưng bóng dáng họ lũ lượt kéo đi thì hết sức xác thực, như một dòng cuồn cuộn những sinh linh trôi dạt, mang trong nó cuộc sống nhọc nhằn nhưng nhẫn nại gan góc. Thản bỗng nhận ra cha anh. Chỉ là một hình bóng dường như trong suốt nhưng vẫn có đường nét rõ ràng với những nếp nhăn trên trán, hai má hõm, chiếc cằm hơi lẹm và đầy râu. Cha anh đi ngay bên cạnh anh. Thản gọi và nghe rõ tiếng của mình: "Cha ơi." Cha anh vừa đi vừa nhìn anh, môi ông mấp máy như nói với anh điều gì đó tuy tiếng nói của ông không phát ra. Đột nhiên cha anh dừng lại, quay hẳn về phía anh, cái nhìn trở nên đằm thắm và anh hiểu điều cha anh muốn nói qua tiếng nói vô thanh: "Con hãy dừng lại! Hãy ở lại nơi này." Anh lại gọi, gần như gào lên: "Cha ơi!" Nhưng cha anh đã đi xa hút. Cả đoàn người cũng đi xa hút. Chỉ còn lại một mình anh đứng giữa đống di vật lúc ban ngày anh đã moi từ dưới lòng đất lên. Thản nói rằng khi anh trở dậy, sắp đặt lại đống di vật chồng chất ở góc lều anh đã sống lại hoàn toàn đắm chìm vào những gì anh vừa chứng kiến và tham dự. Những di vật lạnh lẽo, vô tri trở nên nồng ấm và có hồn trong tâm tưởng của anh.

Tôi tin là Thản thành thật nhưng câu chuyện của anh không tác động gì đến tôi. Chẳng qua chỉ là do anh tưởng tượng. Thản có một lai lịch không bình thường. Anh mồ côi mẹ từ nhỏ, phải theo cha phiêu bạt khắp nơi. Rồi cha anh chết trên đường phiêu bạt, anh chôn cất cho cha, đợi khi nấm mồ xanh cỏ anh lại tiếp tục ra đi. Thản sáng dạ và có chí. Anh làm thợ đấu, chuyên đào đất và vác đất cho công trường thủy lợi và theo học các lớp ban đêm. Hết công trường này đến công trường khác, Thản trở thành nhân viên thủy lợi thông thạo nhiều công việc, từ khảo sát đến thi công, lại biết vận hành một số máy móc thường dùng trong ngành. Nhưng đời anh vẫn không ngừng phiêu bạt, nhiều lúc nhớ nấm mồ mẹ nơi quê nhà, nhớ nấm mồ cha nơi đất khách nhưng anh càng đi càng xạ Nơi quê nhà, nấm mồ mẹ còn có họ mạc trông nom dùm. Nơi đất khách, nấm mồ cha nào biết bây giờ ra sao, giả dụ anh quay trở lại chưa chắc đã nhận ra qua bao nhiêu biến đổi. Thản thường nói với tôi như vậy và anh thêm, như để tự an ủi mình: Nhưng nghĩ cho cùng, mỗi người như hạt bụi, chết thì về với đất. Ai đi cũng thế cả, phải không anh?"

Lúc này đã quá nửa đêm, mắt tôi lại diu díu vì cơn buồn ngủ. Hình ảnh Thản nhòe đi, cả những di vật moi lên từ lòng đất cũng nhòe đi trong vầng sáng nhập nhoạng của ngọn đèn dầu. Thản vẫn mải mê với cái sự thực ở trong tâm tưởng của riêng anh, anh nói lẩm nhẩm một mình: "Mình phải xếp đặt lại những thứ này, đúng như vị trí chúng nằm trong lòng đất... " Tôi nghe những tiếng động lịch kịch rồi lại nghe tiếng Thản: "Cái hũ sành ở chỗ này, còn những mảnh chum vại vỡ thì chồng chất như thế này đây!" Tôi cố cưỡng lại cơn buồn ngủ, giương mắt lên nhìn nhưng chỉ thấy một đống hỗn độn, chứ không phải nguyên trạng, như Thản tưởng thế. Bỗng Thản quay lại, vỗ vai tôi:

- Thôi khuya rồi, ta đi ngủ thôi. Sáng mai ta phải dậy sớm, có nhiều việc phải làm!

*

* *

Có một người cũng bị ám ảnh, giống như Thản về những di vật tìm được trong lòng đất mà sau này người ấy nói ra tôi mới biết. Đó là Ngỡ, cô gái từng cùng Thản đi khắp đồng Gồ, tìm dấu vết con ngòi cũ giữa đồng để vạch tuyến đào mương tiêu. Ngỡ băn khoăn tự hỏi: "Lạ lùng, tại sao dưới lớp bùn lầy thụt kinh niên lại có nền đất cứng và trong lớp đất cứng lại có cái hũ sành cùng những mảnh chum vại vỡ bị vùi lấp nhỉ?" Năm nào hai mẹ con Ngỡ đến ngụ cư ở đây, Ngỡ còn bé tý, cái cánh đồng mênh mông nước trắng này đã nuôi sống hai mẹ con cô đồng thời gieo vào tâm trí cô một ấn tượng nặng nề. Mẹ Ngỡ đi cấy thuê gặt mướn, quanh năm lội bì bõm trong bùn còn Ngỡ thì ngụp lặn khắp đồng, mò cua bắt ốc. Ngỡ thuộc lòng từng chỗ nông sâu trên cánh đồng ngập nước, có chỗ nước trong leo lẻo, chỉ loáng thoáng rong rêu, lại có chỗ đục ngầu bùn lỏng, cỏ năn mọc ngút ngàn. Dọc theo vết tích của con ngòi cũ, có mấy gò đất còn nổi lập lờ, đất sườn gò bị sói lở thành hang hốc, được che phủ bởi những bụi cây dại lưa thưa. Trưa hè, nước đồng bị hâm nóng đến sủi bọt, váng phèn tụ lại từng mảng lớn, phồng rộp lên. Ngỡ lần mò theo sườn gồ, tìm mô đất còn khô ráo, ngồi thở hi hóp. Cô cảm thấy mình bé nhỏ và cô đơn giữa nơi cuối đất cùng trời, bị xô đẩy bởi những đợt sóng đồng bủa vây tứ phía. Chỉ còn một nơi bấu víu, vững chắc mà mỏng mảnh ấy là mẹ cộ Bà mẹ gan góc đến lỳ lợm nhưng tuổi đã cao, ngày càng yếu đi. Người bà gầy khô, da mốc và đen xỉn đi vì ngấm bùn, bàn tay lên chai và bàn chân đầy vết nứt nẻ. Một buổi đi cuốc ruộng mò, cứ sấp mặt xuống mặt nước loang loáng nắng, mắt bà hoa lên, đầu óc quay cuồng, cái con cuốc tuột ra khỏi bàn tay đờ dại. Bà lảo đảo lội tắt ruộng, bước lên chỗ sườn gò cách đấy không xạ Ngỡ ngồi sau bụi cây, nghe tiếng động liền quay lại:

- Ôi me... mẹ làm sao mà mặt tái nhợt đi thế kia?

Mẹ Ngỡ gượng cười:

- Không, không sao cả. Mẹ hơi mệt, chỉ ngồi nghỉ một lát là khỏe lại ngay thôi mà!

Bà mẹ ngồi im bên cạnh con gái, thân thể rã rời nhưng đầu óc còn tỉnh táo.

Bà nghĩ: "Khổ thân con gái tôi, nó còn bé dại... " Bao giờ cũng vậy, hễ cứ nhìn thấy con gái, đụng chạm vào nó, nghĩ đến nó là bà mẹ lại thu gom sức lực và chỉ giây lát sau bà đã đứng lên, gần như hăm hở: "Thôi, mẹ khỏe rồi, mẹ xuống cuốc nốt mảnh ruộng. Còn con có mò bắt hay đơm tát gì cũng quanh quẩn gần đây thôi. Lát nữa hai mẹ con mình cùng về." Mẹ Ngỡ đã thành người thiên cổ từ lâu, lâu lắm rồi. Những kỷ niệm giữa hai mẹ con trên cánh đồng Gồ lầy thụt cũng ngủ yên từ lâu lắm, trong lòng Ngỡ. Cho đến buổi chiều Thản tìm thấy cái hũ sành và những mảnh chum vại vỡ bị vùi sâu trong lòng đất, Ngỡ cũng có mặt ở đó, chính cô cùng Thản moi chúng lên thì những kỷ niệm ngày xưa của riêng cô vụt trỗi dậy. Ngỡ trở về nhà muộn. Bà dì thấy thần sắc cô thay đổi, dáng vẻ lạ lùng, muốn hỏi chuyện cô nhưng cô lảng tránh và lẳng lặng đi nằm. Mãi đến khuya giấc ngủ vẫn không chịu đến, Ngỡ nằm mở mắt chong chong nhìn vào đêm tối và cô bỗng thấy một quang cảnh vừa lạ vừa quen. Cô đi giữa cánh đồng làng Gồ nhưng không phải cánh đồng làng Gồ hoang vắng, chỉ có bùn và nước mà là một đồng Gồ xanh tươi, có nhà cửa và rất nhiều người đi lại. Một người vẫy cô vào trong một ngôi nhà, trong nhà có giường chiếu, quang thúng, áo quần vắt trên sào, rồi người vừa vẫy cô thoắt biến mất. Tưởng chừng ngôi nhà cô vừa vào chính là nhà của cô, cái hũ sành và những chum vại vừa được chắp lại từ những mảnh vỡ là đồ gia dụng của riêng cộ Có tiếng ai văng vẳng: "Nhóm bếp lên, con ơi!" Ngỡ ngơ ngác rồi cô chợt hiểu, đúng là tiếng mẹ cô đang gọi cộ Ngày nào mẹ Ngỡ còn sống, buổi chiều hai mẹ con đi làm về cô vẫn tranh vào bếp thổi nấu để mẹ được nghỉ ngơi. Mẹ ngồi ở đầu hiên, thấy Ngỡ vo gạo, rửa rau hay làm gì cũng kỹ lưỡng, thường giục: "Nhanh nhẩu lên! Nhóm bếp lên, con ơi!" Đúng là tiếng mẹ gọi. Y như ngày nào. Ngỡ vội ngồi dậy, quơ chân xuống giường, bàn chân chạm vào nền nhà lạnh ngắt, cô lại co chân lên, khẽ khàng nằm xuống.

Hôm sau, Thản có việc phải lên huyện. Ngỡ ra lều canh ngoài đồng tìm Thản nhưng trong lều chỉ có tôi. Ngỡ đối với tôi do cách biệt về tuổi tác, thường kín đáo và dè dặt. Nhưng hôm nay thì khác, trong lúc chờ đợi Thản cô đã kể cho tôi nghe những điều rời rạc về cuộc đời cộ Kể xong, Ngỡ liếc nhìn cái hũ sành và những mảnh chum vại vỡ lăn lóc ở góc lều. Ngỡ chạm bàn tay vào chúng, xê dịch chúng, xoa đi lớp bụi bám trên mặt sành, vẻ như lắng nghe cái cảm giác nham nháp truyền qua lòng bàn taỵ Rồi chợt nói:

- Anh đi với em ra chỗ hố đấu đi. Em muốn xem lại cái lòng hố.

Lòng hố đấu đã bị nước dâng đầy. Nước từ đâu đó rỉ qua vách đất, hoặc cũng có thể là nước mạch từ dưới sâu đùn lên. Hố nước ngầu bùn, nhìn kỹ đã có lớp bùn mỏng lắng ở đấy hố. Ngỡ khỏa tay xuống nước và ngơ ngác nói:

- Xưa kia có người sống ở phía dưới này hả anh?

- Có thể... Nhưng nếu có người sống thì cái mảnh đất sống xưa kia ấy phải phơi ra dưới ánh mặt trời.

- Ừ nhỉ, lạ lùng nhỉ...

Ngỡ ngẩn mặt ra và sau giây lát im lặng, cô kể tôi nghe những điều cô thấy trong đêm, lúc nửa tỉnh nửa mệ Tôi ngạc nhiên không phải vì những điều cô nói mà vì thái độ khác thường của cộ Giọng cô rì rầm, mắt cô nhìn mung lung, dường như cô quên tôi và đáng nói với một ai khác.

Khoảng xế chiều Thản từ trên huyện về. Công việc trôi chảy nên anh rất vui. Tôi bảo cho Thản biết Ngỡ ra đây tìm anh, chờ anh khá lâu, anh khẽ kêu "thế ạ?" và nở nụ cười ngượng nghịu. Tôi liền nói:

- Cả cậu và cô Ngỡ đều bị ám ảnh bởi cái hũ sành và những mảnh chum vại vỡ moi được từ trong lòng đất. Cô cậu có kể cho nhau nghe không?

- Không!

- Ngày nào cô cậu cũng gặp nhau, cùng nhau đi lùng sục khắp cánh đồng, thế cô cậu nói với nhau những chuyện gì?

- Chuyện công việc và những điều vớ vẩn. Chỉ vớ vẩn thôi?

Tôi thầm nghĩ, có lẽ đôi trai gái này khi ở bên nhau thì họ thôi bị ám ảnh, chỉ còn mối lo toan công việc và những chuyện vớ vẩn khiến họ say mê.

Ừ người ta vui sống chính là nhờ những chuyện vớ vẩn không đâu!

Ngoài xa bỗng có tiếng đất lở "ùm!" cùng với cơn gió đột ngột thốc lên, cuốn cỏ rác bay ràn rạt vào trong lều. Thản nhảy dựng lên, lao vội ra hố đấu. Tôi bám theo Thản. Cái hố đấu lớn, lúc đầu buổi chiều Ngỡ dẫn tôi ra nhìn ngó, bây giờ vẫn y nguyên. Khác chăng là có đám cỏ rác rưởi nổi trên mặt nước ngầu bùn.

- Đất lở ở đâu nhỉ? - Thản nhìn quanh - À, có thể là ở kia. Chỗ kia, dưới chân đoạn bờ cao còn sót lại cái hố đào dở dang. Đất chân bờ sốp lắm...

Hóa ra là Ngỡ vẫn luẩn quẩn ở nơi này, cô nhìn thấy dưới đáy hố đào dở có cái hút xuyên xuống chân bờ đất, liền nhảy xuống loay hoay đào bới. Ngỡ bới ra được cái ấm đất nung, đâm ra mê mải cứ bới sâu mãi, thành cái vòm hàm ếch. Cô bới thêm được cái kiềng bằng gang đúc, gần như còn nguyên vẹn, ba chân kiềng vướng víu trong tầng đất sâu. Ngơ gồng người lên giật mạnh, cái kiềng gang bắn ra ngoài. Khoang vòm hàm ếch bị rung động và một mảng bờ đất lở "ùm!" Ngỡ nằm nghiêng, hai cẳng chân bị vùi trong đất, không sao dãy đạp được. Thản và tôi vội nhảy xuống lòng hố bới đất ra cứu Ngỡ. Trước khi dìu Ngỡ lên, cô còn cố cúi nhặt cái ấm đất nung và cái kiềng gang, ôm giữ khư khư nhưng lúc ấy cả hai chúng tôi đều căng thẳng, vội vàng, chỉ chăm chú xem cô có bị thương tích gì không.

May quá, Ngỡ chỉ bị đau chân, cô bám vai Thản, tập tễnh bước đi. Tôi đi bên cạnh, mang giúp cô cái ấm đất nung và cái kiềng gang còn nguyên những mảng đất bám vào ở trong lều, khi đặt những di vật vừa tìm thấy bên cạnh những di vật tìm thấy lần trước, lập tức chúng hoà nhập vào nhau thành một khối: cùng một đường nét giản dị, vững chắc, hơi thô kệch, cùng một mầu đất cũ kỹ phủ ngoài, vừa như che giấu vừa phát lộ ra cả một đời sống đã qua lâu rồi nhưng không thể mất. Thản xê dịch cái kiềng gang, cậy những mảnh đất bám đầy những vết lõm chân kiềng, nét mặt anh biến đổi, đầy vẻ trang nghiêm:

- Này anh, anh hãy ngồi gần lại đây, hãy xem kỹ. Một cái kiềng đã dùng để đun nấu, chỗ nào cũng thấy mầu của lửa khói ngấm vào. Có cái bếp tức là ở nơi này, vào một thời nào đó có người ở, thành chòm xóm và những thứ khác ta ngẫu nhiên tìm được, tập hợp quanh cái bếp thì cái hình ảnh chòm xóm càng hiện ra rõ ràng, đúng không?

Ngỡ đang còn mệt, cô ngồi ở góc xa, lưng tựa vào cột lều, đôi mắt khép hờ, thở nặng nhọc. Có một thế giới khác hiển hiện trong tâm trí cô và cô nói mà không biết rằng mình đang nói:

- Nhóm bếp lên, con ơi! Nhóm bếp lên!

Thản quay lại nhìn Ngỡ, vẻ hết sức ngạc nhiên:

- Em vừa nói gì thế?

- Không, em có nói gì đâu!

- Vậy thì ai nói?

- Những người ngày xưa. Trong đó có mẹ em. Em gặp mẹ em rồi thoắt cái mẹ lại đi xa hút. Nhưng dù gần hay xa em vẫn nghe mẹ nói: "Nhóm bếp lên, con ơi" Tiếng nói vô thanh nhưng đúng là tiếng mẹ nói: "Nhóm bếp lên!".

Thản lại gần Ngỡ, nắm lấy tay cô, chính anh cũng bồi hồi đến run rẩy:

- Rồi chúng mình sẽ nhóm bếp. Bây giờ em còn mệt em cứ ngồi yên, nghỉ ngơi cho khoẻ lại đã!

Ngỡ đột nhiên gỡ tay ra khỏi bàn tay Thản, có lẽ hơi ấm bàn tay Thản truyền sang cô khiến cô bừng tỉnh, đôi mắt mở to, sáng long lanh, gò má đỏ bừng. Ngỡ hấp tấp đứng lên:

- Không, em có làm sao đâu. Em vẫn khoẻ mà! Bây giờ em phải về! Em về đây!

Thản nói với tôi rằng anh không yên tâm để Ngỡ đi một mình và anh đi theo Ngỡ. Trời chiều chạng vạng rồi sập tối Thản vẫn chưa quay về lều. Trong lều chỉ còn lại một mình tôi với một vầng trăng lơ lửng nhìn qua cửa lều. Nghe trên thinh không một tiếng kêu, căn lều chao nghiêng theo cánh vạc vô hình.

*

* *

Sau đợt khảo sát, một trạm bơm cùng với hệ thống mương tiêu được xây dựng trên đồng Gồ, nơi xưa kia là cái rốn nước của cả vùng. Thản ở lại đây, làm trạm trưởng trạm bơm. Cô Ngỡ vợ anh, lúc mới cưới còn ở trong làng, sau khi bà dì mất, hai vợ chồng dựng ngôi nhà nhỏ ngay gần trạm. Rồi một số bà con trong làng cũng chuyển ra, lập thành một xóm mới. Tôi có mấy lần về chơi với vợ chồng Thản ở nơi xóm mới. Cái xóm mới đã um tùm tre pheo. Trong câu chuyện, cả Thản và Ngỡ đều chỉ nói về hai đứa con, chúng được sinh ra ở xóm mới này, chúng sẽ lớn khôn nhỡ sự vất vả lo toan của cha mẹ chúng. Chắc chắn Thản và Ngỡ còn nhớ kỹ những gì xảy ra, dẫn dắt họ đến với nhau, trong đợt khảo sát có tôi đi cùng. Nhưng họ không nhắc lại, họ bận nhìn về phía trước, tâm trí và sức lực của họ phải dồn vào cho hai đứa con còn thơ dại, là cái thế hệ tiếp theo.

Bây giờ thì chính tôi bị ám ảnh bởi những điều xưa kia Thản và Ngỡ từng bị ám ảnh.

Lâu lắm rồi tôi không có dịp về thăm họ. Tôi đã già, họ tuy chưa già nhưng cũng không còn trẻ, con cái họ đã trưởng thành, chưa biết chừng đứa con gái lớn đi lấy chồng rồi cũng nên... Ấy là tôi tưởng tượng ra thế nhưng điều mình tưởng tượng cứ hiển hiện thành hình khối, đường nét, có thể nhìn vào, đụng chạm vào được. Người ta đã tìm, đã moi lên một cái hũ sành nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ những đồ gia dụng khác từ lớp đất nền nằm sâu dưới đáy bùn của cánh đồng lầy thụt. Và ở nơi đó, chính chỗ đó có một xóm mới mọc lên nay đã thành xóm cũ. Tôi bị ám ảnh bởi cái gốc rễ sâu xa, bền vững tạo dựng nên xứ sở này cùng với những biến thiên, những kiếp người lưu tán. Đất dưới chân ta im lặng, chìm trong nó cái dấu tích im lặng của sự sống không cùng.

Tháng 3 năm 1999

Hết