Lời mở đầu
Theo lời dặn của C— Anh cố vấn văn chương— Tôi phải viết một cái tựa thật hách, ngắn, cô đọng và hay ho không chịu được... Nhưng viết thế nào để có thể gọi là " hách"? Thôi, tôi mở đầu bằng cách bày tỏ nguyên do đồng thời đề biện hộ cho những dòng viết ở những trang sau. Đến cái tuổi này lẽ tất nhiên tôi chẳng hy vọng gì nơi văn chương nữa, cũng không thể ước mơ nhờ cái ngõ văn chương để kiếm một chút danh gia. Hơn nữa, danh vọng của một người viết văn ở Việt Nam cũng chẳng lấy gì làm sáng sủa. Bao nhiêu năm làm văn nghệ, cũ như Lê Văn Trương, Đinh Hùng, mới như Quách Thoại, đến khi chết đi thì cũng chẳng còn gì - Thế Phong đó - anh chàng làm văn nghệ như một gã tiền phong, "Nửa đường đi xuống" phải đóng bộ ka-ki độ nhật qua ngày với tờ báo của Không Quân. Thế nên tôi chẳng hy vọng gì ở cái "nghề của chàng" nữa. Nhưng vẫn muốn viết, viết như một "nhu cầu", nói cho có vẻ thiết tha. Tôi đâu phải là hoàng tử văn chương ngoại hạng, xem chuyện viết lách như một công việc nghiêm trang giữa người và thế giới bí ẩn của chữ nghĩa, viết đối với tôi đúng ra chỉ là một cách thoát hơi— Viết để khoỉ ấm ức bực mình.
Sau tám năm ở lính, thời gian thoải mái thật hiếm hoi, những phiền toái có duyên cớ hay không, chính danh hay ẩn dấu hình như chực sẵn ở trong người, có cơ hội sẽ dấy lên như giông bão. Đôi khi tôi thấy thật yêu cái nghề này, nó tạo cho con người tính kiên nhẫn, lòng vị tha, chế ngự những hèn mọn của mình. Nhưng cũng có lúc tôi thấy nó thật tệ, không có một nghề nghiệp nào ù lì, cứng đọng và thụ động bằng " đi lính ", chỉ cần thừa hành trong một giới hạn thật sít sao, thế là đủ. Có nhiều lúc tôi muốn ném tung hết tôn ti trật tự, bộ quần áo trên người để thong dong giang hồ một chuyến tự do, nhưng đồng thời cũng vừa khám phá, đang bị buộc chặt, đã quen với đời sống này. Thật khó khăn khi phải nói chuyện với một anh dân sự, hình như tôi và hắn ta ở hai thế giới thật khác xa nhau.
Tôi cũng muốn viết về đời sống lính với những con người thật lạ. Năm 1966, có gã lính thật trẻ ở đại đội tôi, hắn ta thấp bé da xanh mướt ốm yếu, nhưng uống rượu kinh khiếp, hai lít rượu đế hắn uống tỉnh bơ, hình như rượu không tạo nên phản ứng nào trong người. Ngoài cuộc rượu, y bình lặng kín đáo như một con ốc. Một hôm đứng gác, sẵn súng ở tay, hắn bắn vào đầu tự vận. Tôi không biết nỗi thất vọng kinh khủng nào trong đầu một thằng bé 19 tuổi. Đức " điên " Biệt động quân, quan Ba, Tiểu đoàn phó, đi hành quân mang khẩu M.79 chạy trước hàng lính, về Sài Gòn đi chơi, mặc một chiếc áo bà ba đen, dưới quần lính, chân mang dép Nhật, trang bị thêm một con dao đi rừng. Tôi không hiểu nó nhìn đời thế nào qua cặp kính trắng dày cộm khi trên người trang bị với phụ tùng như thế. Đại khái ở lính có những loại người " bất bình thường " như vậy, và trong đám bất bình thường trên lại chen lẫn vài kẻ bình thường thật kỳ quái. Thiên, anh chàng đi theo tôi trong hai năm, một ngày chỉ nói khoảng hai mươi tiếng: dạ, vâng... Thế là hết. Nó ở xa, tôi gọi đến vỡ phổi không tiếng trả lời, lát sau lặng lẽ đi đến. " Tao kêu mày có nghe không?..". " Dạ có ". " Thế sao mày không trả lời? ". Thiên bóp bóp hai bàn tay đứng im. Thấy những người lính khác bắt gà, nó cũng bắt một con treo trên ba-lô, đi một đoạn vắng người, thả chạy, xong làm dấu Thánh giá đọc kinh.
Đi lính tôi có nhiều "thế" sống thật đặc biệt. Chiều 29 Tết năm 1963 ởchân đèo Rọ Tượng, Khánh Hòa, căn cứ Lầy, trời rét như cắt ruột, mưa phùn bay mù mịt, chúng tôi đứng trong nước sình ngập đến ngực, lạnh, đói, đã gần năm ngày liên tiếp mình mẩy không bao giờ được khô. Dân chúng đi từ Ninh Hòa về Nha Trang tưởng chúng tôi là tù binh, ném bánh ú từ trên xe xuống cho, một vài bà già chấm nước mắt khóc vì thương hại. Nhưng chúng tôi vẫn vui như tết, Năng và tôi nhặt bánh ú ngồi ăn ngon lành, cả hai đứa đều là những " Tân Sĩ Quan " vừa quỳ xuống đứng dậy cách đây một tháng để lãnh nhiệm vụ gánh vác non sông! Chúng tôi hãnh diện với nỗi cực khổ của mỗi phút chịu đựng, lòng không một chút ta thán... Nhưng lúc gặp nhau ở Sài Gòn, hai thằng đem nhà binh ra nạo đến sát ván không chút nể nang. Bình Giã đói và khát hai ngày đến nỗi lính phải hút nước ở rễ cây, có tên uống phải rễ cây độc đứng tim chết. Kéo quân ra Phù Mỹ, uống một nón sắt nước ruộng nhưng lòng không phiền hà. Mười chín tháng Ba 1965 kéo về Sài Gòn đóng ở Đài phát thanh, cô-ca lạnh mát nuốt vào khó khăn không làm dịu được nỗi oi ả ở trong lòng.
Chính vì những cảnh đời đa đoan này mà tôi phải viết. Không viết thì phí đi, bạn bè bảo tôi như vậy. Thế là tôi viết, và đến bây giờ coi như xong, nhưng chắc rằng chưa đủ. Xem lại chợt thấy bùi ngùi và thương thân. Bao năm tháng tột cùng của cực khổ và gian nan, đầy dẫy tủi nhục để viết được chừng này? Thấy mình tội nghiệp lạ lùng. Rồi kết quả ra sao? Coi chừng lại bị đụng chạm, lôi thôi với chính phủ thì thật là khốn nạn! Người lính đánh máy hộ cảnh cáo.
Trong thời gian sau này, thường thường những giấc mơ của tôi cuối cùng dẫn đến một chủ đề - Nước. Tôi mơ thấytrời mưa, mơ thấy được tắm trong dòng suối, được vùng vẫy trong sông lớn. Kỳ cục hơn có hôm tôi mơ bị mắc cạn trong cống rãnh. Về mặt sinh lý người ta bảo đó là hiện tượng yếu thận, tâm lý bảo đấy là ý định muốn giải thoát— Có thể đúng như vậy, vì tôi đang yếu thận đồng thời luôn luôn có cảm giác "lạ" với đời sống này. Tôi không coi những ngày đang sống là sống thực. Sống bây giờ là sống gởi, cõi mơ ước nào đó mới là quê hương thật. Nhưng đúng chỉ là mơ ước, vì còn một nơi chốn nào khác ngoài cuộc đời ngặt nghèo này— Chỉ còn một cõi trong tôi. Nhưng thôi, "tác phẩm" khi đã xong có phần đời của nó - hai mươi sáu tuổi - tám năm lính để lại gia tài trăm trang giấy! Có một vị đắng ở đầu lưỡi. Nhưng nói cùng ai? Tôi cũng trốn tôi trong câu hỏi này.
Tuy nhiên khi viết xong, đọc lại thấy vừa lòng nhưng đồng thời một vài ý nghĩ thật lạ xảy đến. Những ý nghĩ trong chiều mưa, mưa thật lớn trên đồi cao, gió thật mạnh, doanh trại vắng vẻ như bãi tha ma. Ngồi một mình nhìn ra khoảng không gian xám đặc... Con chim sẻ trốn mưa bay vào phòng đậu trên thành giường, sù lông rũ nước kêu lên những tiếng nhỏ thật cô đơn. Tôi cũng như con chim nhỏ trong chiều mưa này. Và từ đó thấy trong lòng những tình lạ thật thiết tha, hồn hậu như của những ngày vừa mới lớn. Tôi thấy những điều viết quá hằn học, nhiều thù hận và độc đoán. Trước tiên đối với người Mỹ. Những sự kiện gần đây, cảnh hai phi hành gia bước chập choạng trên mặt trăng. Những bước đi đầu tiên của con người trên một hành tinh khác. Lẽ tất nhiên tôi không a dua theo một phong trào để hoan nghinh sự thành công của Apollo 11, đã từ lâu tôi không xem trọng thí nghiệm này. Chỉ có cảm phục khi nghĩ đến những công tác khoa học tinh vi và chính xác để ráp nối phi thuyền mẹ với Nguyệt xa, tiếng nói của những phi hành gia được chuyền thẳng về trái đất rõ mồm một. Trước thành công như trên làm sao tôi không hoan nghênh? Nhưng tổng quát tôi vẫn không thán phục, kết quả cũng không có gì cụ thể để giúp ích cho một khối dân khốn cùng nằm dài trên hai cõi Á, Phi. Trong khổ cực của quê hương này tôi không thể nào quá ngưỡng mộ thành công ở trời xa. Nhưng tôi chịu nhất là thái độ phóng khoáng, cử chỉ hào hiệp của người Mỹ trong vụ này, họ đã hãnh diện dưới danh nghĩa — Một sự tiến bộ của nhân loại. Sự rộng rãi này làm cho tôi kính phục. Ngoài ra một hôm có việc cần phải vào bệnh viện 3 Dã chiến Hoa Kỳ, thấy một anh lính Mỹ đẩy chiếc xe trên có một anh khác bị thương ở chân, anh chàng đẩy xe cũng là thương binh, gầy ốm, tóc vàng hoe mọc dài xuống gáy, mang đôi kính cận thị dày cộm, nét mặt hồn nhiên và treœ thơ. Và tôi đã nghĩ rằng khuôn mặt trẻo thơ đó, nếu đem biến thành đối tượng cho những nhận xét hằn học đầy thù nghịch của tôi thật đáng tội nghiệp. Chiến tranh đã kéo y qua đất nước này, chịu đựng những khổ cực vượt ra ngoài ý niệm của người Mỹ, nay bị thương đôi mắt vẫn còn trong sáng và trẻ thơ — Dấu hiệu của tâm hồn chưa bị vấy bẩn bởi cuộc chiến này. Nhìn sự ngây thơ trung thực đó, nghĩ đến những phán đoán của mình quả độc đoán và quá độ.
Gần hai năm nay, mỗi ngày phải uống tám viên Nevrosvitamin 4 để làm dịu xuống những bứt rứt hiện thành phản ứng không kìm hãm... Thiếu những viên thuốc đỏ đó, người tôi như nung trên một lò lửa đang đỏ, đầu óc muốn nổ tung, chân tay ít nhất phải đập phá một vật gì, tôi sợ tiếng động và chốn đông người một cách bất thường. Nhưng hai tháng sau này tôi bỏ được nhu cầu uống thuốc đó, suốt ngày đánh trần nằm trên bãi cỏ trước phòng ngủ, doanh trại hậu cứ hoang vắng một cách dễ chịu, phía xa những ngọn đồi Tăng Nhơn Phú chạy dài bình yên. Trong sự bình yên này, đọc lại những điều đã viết quá trớn, thấy ân oán giang hồ, đụng chạm đến nhiều giới. Tôi muốn đưa cuốn sách cho những người nhỏ tuổi đọc, để dò xem phản ứng của những người chưa bị ảnh hửơng cuả chiến tranh, nhưng ngần ngại vì thấy những điều mình viết không trong sáng. Lẽ tất nhiên một cuốn bút ký không thể nào nằm dưới kìm kẹp của ý thức luân lý bình thường được, hơn nữa bút ký về cuộc chiến tranh nhọc nhằn. Nhưng nhìn thấy toàn bộ những điều đã viết chỉ có một nỗi hằn học, uất hận nên tự hỏi rằng có quá đáng hay không? Thấy đàn trẻ đi thi tú tài, nhớ lại mười năm trước cũng ở trong nguồn trong sáng đó, thế tại sao có những đổi thay tàn bạo và quá đáng như kia?
Tôi lại gặp Banh, người bạn cũ ở Đà Nẵng, gặp Banh để nhớ lại một cái Tết thật tang thương, hai mươi chín Tết không thức ăn - hai mươi chín tết - thời gian thật khó thể đi kiếm một bữa cơm. Banh đạp xe trên hai mươi cây số về làng quê Quảng Nam xin mươi quả trứng vịt, và hai đứa đã đón xuân bằng những quả trứng trong suốt ba ngày Tết. Gặp Banh để nhớ rằng trong những ngày khốn khó đó, tôi vẫn luôn luôn thắp sáng cho mình ngọn lửa hy vọng và những tình cảm tốt đẹp.
Những sự kiện kể trên gây cho tôi cảm giác ngại ngùng khi đọc lại những điều ghi được của tám năm binh lửa. Không lẽ suốt đoạn đời này tôi chỉ có khốn khó và thù hận thôi sao? Từ đó phát sinh ra những ý hướng chối bỏ, như dấu chàm của một niềm tuỉ hổ, và ao ước được thấy điều mình viết mang niềm vui hồn nhiên trong sáng. Nhưng tám năm lính của tôi niềm vui quả thật ít, ít đến tội nghiệp khi đem so sánh với nhọc nhằn đằng đẵng. Tám năm, thời gian gần bằng đoạn đời của gã nông phu Johann Moritz lang thang qua các trại tù của giai đoạn Âu Châu máu lửa, nhưng trước và sau tám năm đó, anh bạn Lỗ còn có những ngày vui hy vọng. Tôi có gì vui trước tám năm này và hy vọng nào về một Việt Nam hậu chiến. Nhưng thôi, có nói hoài thì cũng chỉ kéo dài thêm lời than thở hèn mọn. Điều mong ước là được xóa đi những hằn học và thù hận. Sự đụng chạm nếu có ở một vài đối tượng nào đó thì xin nghĩ rằng đây chỉ là những ý nghĩ của một người muốn chân thật với mình trong hoàn cảnh khắt khe. Lỗi không phải là ở sự thành thật đó. Đây là lỗi của một cảnh đời. Tội của những người trong chúng ta đã bất lực trước định mệnh, để bị cuốn trôi hết tình người — Thôi, đây là tội trong mỗi chúng ta.
10 tháng 9 năm 1969
Long Bình Việt Nam
SAU TÁM NĂM Ở LÍNH
Tiếng Việt qủa thần diệu, có những chữ thật đơn sơ cũng đủ sức để tạo thành hình ảnh linh động. Những chữ với âm thanh tầm thường khô cứng như tiếng gõ vô nghĩa trên mặt bàn của một bàn tay nhàn rỗi, trong giây phút trống rỗng. "ở lính" nghe buồn buồn, nhạt nhạt, vô nghĩa nhưng chất chứa chịu đựng ngặt nghèo lặng lẽ. Tôi đã ở lính tám năm, sau thời gian đằng đẵng đó những danh từ to lớn như đầu quân, gia nhập quân đội, người chiến binh, đời quân ngũ hay thời thượng vụng về như tuổi lính, tuổi chiến trường đối với tôi vô duyên như sau lần ân ái ngượng ngùng.
Tôi ở lính tám năm, năm nay hai mươi sáu, đi lính năm mười tám. Suốt tám năm của thời lớn lên tôi đem tặng hết cho quân đội, và không phaỉ đến bây giờ vì thất vọng, chán nản do công danh không toại ý, cuộc sống bị ép buộc không đúng như mơ ước nên cay cú hằn học với nhà binh. Không như vậy, tôi đi lính năm mười tám tuổi vào học trường tình nguyện ra làm ông quan Một. Chẳng có ai lôi kéo tôi vào trường ấy, tôi tự động hăng hái, hãnh diện để trở thành một sinh viên sĩ quan với ý nghĩ đã chọn đúng cho mình hướng đi, một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Tôi có những rung động thật thành thực khi đi trong rừng thông, hương nhựa thông toả đặc cả một vùng đồi, sung sướng vì thấy đã đưa tuổi trẻ vào trong một thế giới có đủ mơ mộng và cứng rắn, một thế giới pha trộn những ước mơ lãng mạn hào hùng... Chuyển quân đi trong sương đêm, giữa mây mù, ánh lửa mục tiêu đêm đông trong hốc núi hoang vắng, thế giới mạo hiểm giang hồ của Jack London phảng phất đâu đây. Tôi say mê, thích thú với những khám phá mới mẻ đó. Nắng cao nguyên những ngày cuối năm vàng tươi rực rỡ, đứng ở đồi nhìn xuống hồ suối Vàng trong vắt yên lặng... Người như muốn tan vỡ thành muôn ngàn mảnh nhỏ theo cơn gió bay chập chờn qua vùng đồi trùng điệp và loãng tan đi cùng nước hồ xanh ngắt.
Cũng phảii nói thật những ngày đầu đời lính của tôi đầy trong sáng và đẹp đẽ. Trong sáng như giấc mơ của tuổi mười chín, giấc mơ mù mờ giăng cánh chim trắng bay chậm rãi qua rừng thông... Nhưng đời sống nhà binh không hẳn chỉ vậy, nó còn có sĩ quan cán bộ, nghi lễ, có đủ những phiền toái hỗn độn mà đời sống dân sự không ai nghĩ ra được; nên khung trời đầy sương mù bí ẩn ngoài khung của sổ hiện ra như một thách thức đối với đời sống kìm kẹp của tôi hiện tại.
Đây cũng là một thời gian thật khủng hoảng, mỗi đêm nhìn về phía thành phố đầy ánh đèn tôi không ngủ được, tươœng như có một tiếng gọi cuœa đời sống ơœ bên ngoài quân ngũ đang nhắc nhơœ thúc giục, một đời sống thực sự tôi không có. Từ khung cửa sổ nhìn những giàn đồi im lặng thấp thoáng giữa thung lũng sương mù và đằng xa ánh đèn xanh vườn Bích Câu ma quái, diễm ảo, tôi thấy rõ trong tôi nỗi cô đơn khủng khiếp hiện hình sừng sững. Những lúc ấy tôi thấy được con người thật của mình, một gã trai trẻ, vô định hướng. Những cười đùa ban ngày, những buổi học, bữa ăn tập thể không ảnh hưởng gì đến con người trong tôi. Không thể có được một ý niệm về chuyên môn quân sự mà bằng tất cả mọi cách nhà trường cố nhét vào trong đầu óc. Đội hình tác chiến, cung cách chỉ huy, chi tiết kỹ thuật về vũ khí trôi qua trí não mơ hồ như một cơn gió nhẹ. Hai năm sống ở mái trường đó như một cơn phiếm du. Chỉ thật thắm thiết rung động khi nửa đêm về sáng dưới ánh đèn pha vọng gác kho đạn tôi khám phá được thế giới của cây cỏ đang thở, đang lớn lên. Những giây phút khoảng năm giờ sáng, sau phiên gác, nhìn xuống phòng sĩ quan trực, người lính kèn im lặng đưa lên môi thổi hồi kèn báo thức. Và không gì hơn suốt ngày chủ nhật một mình một ngựa chạy như bay vào hướng đồn Daksard. Con đường đỏ còn ướt sương đêm, trời chưa tan hẳn mù, ngựa phi như gió cuốn, ngựa đi vào trong một vùng mù đặc, rừng thông chuyển động ào ào, cả trời cao nguyên tan biến chập chờn theo vó ngựa. Kết quả sau hai năm ăn nhờ chánh phủ tôi được trở thành ông quan một, ra trường đi binh chủng hung hãn nhất.
Tôi biến thành một người lính thực thụ, trận lớn, trận nhỏ, chiến dịch hai tháng, ba tháng, dài ngắn, từ Sài Gòn ra Bến Hải, tôi đi đủ. Những địa danh xa xôi bất kỳ một xó xỉnh hẻm hóc nào của miền Nam này tôi cũng có thể biết rõ một cách tường tận. Từ những miền nổi tiếng như Khe Sanh, Cồn Tiên đến những làng nhỏ từ cửa Việt đi ra - Diêm Hà Trung, Diêm Hà Nam - cái làng nhỏ cuối thung lũng sông Kim Sơn, làng Hà Tây, đèo ông Hổ đổ xuống Phù Củ ra Phù Ly, Phù Cát thẳng đến biển là núi Lồi, đầm Trà Ổ, xuống phía Nam, đầm Nước Ngọt. Lên đến Pleiku, trực thăng vận xuống phía Nam biên giới Lào-Việt, đầu ngọn sông Ia-Drang... Đâu đâu tôi cũng đến. Năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba tôi sống thoải mái, vì đã đi đủ, nhìn đủ. Tôi cũng chấp nhận cho sự góp mặt ở chiến cuộc, góp mặt để chấm dứt chiến tranh. Thắng bại không kể, nhưng cốt yếu là không ở ngoài, không chạy trốn trong khi bạn bè những người cùng trang lứa đang tham dự, đang ngã chết. Dù chết bên này hay bên kia, chết trong thù hận hay chết tình cờ.
Những người đi tìm cái chết để biện giải cho đời sống. Tôi tham dự vào cuộc hành trình khốn nạn này. Giải thích này làm tôi yên ổn. Cũng trong những tháng năm đằng đẵng gian khổ ấy, tôi khám phá ra được hạnh phúc của đời người. Hạnh phúc thật sự không có, chỉ có những hạnh phúc tương đối và giản dị. Hạnh phúc là bếp lửa thật nóng, bữa cơm có canh, một mái lều tranh không dột, căng được chiếc võng, uống ly cà phê, đọc tờ báo, sau năm ngày vượt ba mươi cây số đường rừng, rừng thật dầy không thấy trời, trong rét cóng của miền Trung vào những ngày cuối năm. Hạnh phúc nồng nhiệt khi trở về nhà trong đêm khuya gõ cửa, vợ ra đón với con nhỏ ba tháng, kể từ ngày sinh chưa được nhìn bố. Hạnh phúc là cái gì chắc chắn, nắm được ở trong tay khi cánh cửa chiếc phi cơ đóng lại và thân thể được nhấc lên trong độ cao, nhìn lại thành phố Huế đang âm ỉ cháy. Đấy - đời lính - đã dạy cho tôi biết được giá trị của những sung sướng tầm thường đó. Chỉ có thế mà tôi phải trả giá trong tám năm thật dài với tận cùng của khổ cực và căng thẳng. Nhưng đến hôm nay, bước vào năm thứ mười hai đời lính tôi lại rơi vào sự khủng hoảng của những năm đầu tiên. Nỗi khủng hỏang tàn tệ tội nghiệp gấp vạn lần trước. Thời gian ở quân trường, tôi còn có thế giới kỳ ảo thiên nhiên, những ngày mới ra đơn vị, tôi tham dự để biện minh thái độ dấn thân, lao vào lửa đạn không thắc mắc, không ngần ngại — Tôi dấn thân để tìm kiếm niềm an ủi do tham dự hết lòng, đồng thời còn có điều khôn ngoan đã tìm ra những hạnh phúc tương đối — Loại thực phẩm trần gian hợp với khẩu vị. Nhưng đến những tháng ngày hôm nay thì qủa thực tôi bất lực. Bất lực để giaœi thích cho chính bản thân, sự có mặt tham dự trong dòng đời hỗn loạn và mệt nhọc này. Những chốn trú ẩn xưa bị phá vỡ tan hoang, nếu không nói đến những phản ứng trái ngược đã xảy ra.
Trên đường đi đến Lái Thiêu, vườn dừa xanh ngắt, hoa huệ trắng tỏa hương thơm ngát không gợi nên một thiên nhiên an lành mơ mộng nhưng trái lại như một đối tượng đang phải chịu sự tàn phá sắp tới của chiến tranh; một đối tượng đau đớn của thiên nhiên không được thụ hửơng sắp sửa bị tiêu hủy. Những ngày dài hành quân không gây chịu thích thú, không tạo mới lạ, chỉ còn lại chịu đựng... Chịu đựng im lìm trong một niềm bất mãn đến ngộp thở. Tám năm lính, tôi hai mươi sáu tuổi, số tuổi gần ba mươi, không bạn bè, xa bằng hữu, số tuổi cuả nỗi cô đơn kinh khiếp biến con người hững hờ, tàn ác như một lát dao. Tôi hai mươi sáu tuổi để thấy rõ cái mặc cảm phạm tội trước kia chỉ là một ảo tưởng xa xỉ của tuổi mới lớn, ảo tưởng về trách nhiệm con người đối với nhau. Tôi hai mươi sáu tuổi đủ để nhận rõ rằng: Hạnh phúc quả là một vật ít ỏi tương đối, nhưng nếu mua bằng giá của đời sống mình thì thật vô lý. Đành rằng sống chẳng là một cái gì rực rỡ nhưng nếu đánh giá đời sống bằng khổ cực và cái chết thì thật là một việc rồ dại và ngu xuẩn. Như vậy tôi hai mươi sáu tuổi có được gì? Tôi có được một cái nhìn thông suốt hết cả. Nói như thế có vẻ tự kiêu và lố bịch. Nhưng nếu trung thực hơn: Sau tám năm ở lính, tôi hết còn là vùng đất để nghiệm và chịu ảnh hưởng. Tám năm ở lính để biết mình là một cánh chim tự do nhưng đã bị chặt cánh. Chính thương tích này làm sáng tỏ khả năng tự do bi đát của đời người.
Gần đây báo Sống tục bản dưới hình thức báo Công Chúng có đặt câu hỏi: Người thời đại nghĩ gì? Trong đó có nêu lên chi tiết ai là thần tượng cho tuổi trẻ hôm nay? Tôi hai mươi sáu không trẻ lắm nhưng chưa già, cố tìm cho mình một thần tượng? Không có, làm gì có thần tượng cho tuổi trẻ khốn khổ của tôi. Làm sao tôi có được một thần tượng sau tám năm đằng đẵng đầy thù nghịch và ngặt nghèo. Người ta chỉ tìm được thần tượng khi lòng còn rung động. Bây giờ tôi có rung động nào trong tâm hồn? Năm vừa rồi đi đưa đám tang những thằng bạn thân, chỉ thấy trong lòng một thoáng bâng khuâng, chả bù trước đây tôi ôm xác của Phương, của Dũng chạy như điên trên sườn đồi nước mắt chảy dài trên má. Chiều trở về chỗ đóng quân nhìn chiếc võng của người chết tưởng chừng như thân thể sụp xuống tan đi trong vũng phiền buồn. Bây giờ tôi làm sao khóc được, làm sao để phẫn nộ, để nhớ thương, để mong ước. Thần tượng bây giờ là gì? Lãnh tụ? Lãnh tụ cỡ nào? Nhìn ảnh phó Tổng Thống Humphrey trong báo US News & Report cùng những câu trả lời của ông ta trong thời kỳ tranh cử Tổng Thống. Cái mồm nhỏ, trán hói, vẻ trai trẻ gỉa vờ khi xắn quần chạy trên bãi biển thấy ngượng ngùng đến khó chịu. Hay loại chính khách local?! Ô thần tượng cái khổ nào ở thứ lãnh tụ và chính khách hạng nhì này... Hay là Mao Trạch Đông? Không được nốt, cái mặt ị, đôi mắt ti hí, cuốn sách nhỏ chỉ hú hồn được thanh niên ở các nước Tây phương. Tôi cố tìm suốt một dãy các danh nhân còn sống hay đã chết để tìm cho được một người để ngưỡng mộ. Churchill? Cũng không được, đọc Mémoire của ông ta, cuốn L’Étau se referme không chịu được thái độ bất nhân đối với Nam Tư. Đến Exodux thì người Anh, ôi cũng là lũ thực dân. Nhớ đến lần hành quân ở Long Khánh thì Úc hay Anh cũng vậy, cũng là God save our King. Chả ra cái thống thế gì. Thế thì hết. Hết tiệt cái thế kỷ thần tượng, vì nếu qủa thật còn một chút thần tượng nào vất tưởng ở trên hành tinh này thì Jackie đã không xóa tan hình ảnh ông chồng rực rỡ để đi theo ông thương gia có phòng tắm lót vàng. Sống bên cạnh một thần tượng còn cho thần tượng đó "de" thì huống gì tôi, một kẻ da vàng xa xứ của ông thì ngưỡng mộ gì ông được, hở ông Kennedy. Đó là chưa kể đến nỗi hằn học mà ông Bob Kennedy để lại trong lòng những người lính Việt Nam. Hay thần tượng ỏ một anh nhược tiểu? Ché Guévara cũng không được. Đây chỉ là một loại James Bond cộng với Trần Độ mà thôi. Tóm lại thần tượng tất cả đều bị chôn chặt, bị cuốn hút, bị xóa tên, chỉ còn lại một vài thần tượng què quặt trên óc não bệnh hoạn, yếu đuối của một số người chưa sống đủ, thần tượng của những kẻ nổi loạn thành phố, những kẻ mang tâm trạng "bão tố trong cốc nước" những gã Mỹ con tóc dài, hippy, biểu tình chống đối trước trường Sĩ Quan Trừ Bị Hoa Kỳ. Sau tám năm ở lính, tôi mệt mỏi vô ngần.