Lời giới thiệu về nhà văn Việt Dương Nhân
Xin chân thành cảm tạ tác giả Việt Dương Nhân
* * * * * * * *
Kính dâng tam tộc:
Nguyễn - Phạm - Phạm
Và ba làng :
Bình Chánh - Tân Nhựt - Phước Lý
Tạ ơn những bạn bè thân hữu đã giúp đỡ và khuyến khích.
Cảm ơn những Tập san, Nguyệt san, Tam nguyệt san và Tuần báo đã phổ biến văn-thơ.
Mãi ghi ơn Robert C.
Thương tặng hai con yêu quý.
Trí Tâm Philippe HIVER và Thiên Kim Agnès HIVER
Xb Nguyên Việt Paris 2004
___________
Các nhân vật cũng như tình cảnh cốt truyện đều là "hư cấu". Nếu có sự trùng hợp do sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn, tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Mục lục
Lời giới thiệu - Giáo Sư Vũ Ký
***
Ơn Đền, Oán Xả
Vầng trăng của mẹ
Đàn chim việt
Ai Khổ hơn ai
khối tình đơn
Âm thầm
Vẫn chưa muộn màng
Tình thắm đêm xuân
Quán chú mùi
Tâm như Đất
Niềm tin
Nhờ tin có Ông trời
Lá rơi về cội
Nguyệt hạ
Mây Vẫn Còn Bay
***
Thay lời Bạt
Nguyễn Thị Vinh
Thư Gửi Thiên Kim
Lời Giới Thiệu về Nhà văn Việt Dương Nhân
Giáo Sư Vũ Ký
Tôi được đọc tập truyện Gió Xoay Chiều của nhà văn Việt Dương Nhân trên bản thảo đã lâu, chưa kịp viết lời giới thiệu theo sự đề nghị của Cô thì nay nữ sĩ đã viết tiếp cuốn truyện dài Mai Ly và tập truyện ngắn Đàn Chim Việt.
Cảm nhận đầu tiên của người đọc qua các tác phẩm trên của Việt Dương Nhân là sự say mê và hấp dẫn trước một cây bút đa diện và đa dạng do cấu trúc nội dung thực sôi động các câu chuyện và do tưởng tượng phong phú của tác giả. Tôi bỗng nhớ đến lời một nhà phê bình văn học Tây Phương :’’Cảm tưởng đầu tiên của người đọc trước một sáng tác thường chính xác và đúng đắn hơn hết, khi cảm tưởng ấy là một nhận xét tốt đẹp về tác phẩm’’.
Có những nhà văn mà tâm thức sáng tạo khó khăn khởi nguồn trên đầu cán bút, có những nhà văn không mất công mà thực tế cuộc sống trên dòng mực lại tuôn trào dễ dàng dưới ngòi bút. Ở trường hợp trên, nhà văn phải sáng tạo sự sống cho các nhân vật. Ở trường hợp dưới, sự sống của nhà văn chính là thực tại không mài dũa, không chế biến các nhân vật trong tác phẩm của mình. Chính vì thế mà lời rào trước đón sau của nữ sĩ ở trang đầu : "Các nhân vật cũng như cốt truyện đều là hư cấu, nếu có sự trùng hợp nào là do ngẫu nhiên ngoài ý muốn của tác giả...". Tôi nghĩ lời nói này của VDN là không thực ! Có sự sáng tạo nào mà không là của thực tại, nhất là ở trường hợp nhà văn Việt Dương Nhân. Sự sáng tạo và cảm nghĩ của văn-thi-nhân bao giờ cũng chảy ra thanh thoát theo dòng đời dàn trải của chính con người văn nhân nghệ sĩ là tác giả.
Các truyện trong Gió Xoay Chiều, rồi Đàn Chim Việt, rồi đến truyện dài Mai Ly, tôi nghĩ rằng VDN không sáng tạo mà chính là sự sống của chính tác giả hay của những phần tâm cảm, ý thức, thể chất nào của người viết hòa nhập mật thiết với bao nhiêu nhân vật ở ngoài đời, bây giờ trải rộng ra trong những tác phẩm của Việt Dương Nhân.
Đó là hiện tượng thấu nhập, tương tác vô hình mà nhà văn cảm thức bằng trực giác sáng tạo để rồi thể hiện trong công trình trí tuệ của mình.
Tôi không mất công tường thuật - dù tóm tắt - nội dụng các truyện ngắn, truyện dài của VDN trong Gió Xoay Chiều, Đàn Chim Về và Mai Ly cũng như không dẫn chứng những tình tiết, cảnh ngộ, éo le, khúc mắc "những trường hợp lương tâm ", những khó xử của con tim rối nhùi mà nữ sĩ với tính nghệ thuật đặc biệt của mình đã dựng lên rất khéo trong tác phẩm. Tôi nhường cái bất ngờ thú vị ấy dẫn người đọc lạc bước đến những đoạn cuối đường đầy hấp dẫn trong cuộc đời các nhân vật của VDN.
Mỗi câu chuyện là một hay nhiều dòng đời, một hay nhiều cá tính, tâm lý, một hay nhiều môi trường, một hay nhiều hoàn cảnh của một hay nhiều con người mà hấp lực về tình cảm tròng tréo nhau có khi khắng khít khó vượt thoát, mà sự hoang tưởng về chiếm đoạt tình ái gây nên bao sự mất quân bình lý trí, mà nếp sống kim tiền xô bồ của xã hội biến đổi họ thành nạn nhân khốc liệt của gian manh xảo trá, của bụi đời lăn lóc..., mà tội ác và đạo lý gây nên một chiến trường tâm lý...
Chính vì thế mà khi bất chợt đọc đoạn đầu câu truyện của VDN là ta khó kiềm chế mà phải đọc gấp đến dòng cuối để biết thái độ xử sự, ứng phó của nhân vật ra sao ở đoạn kết. Phải chăng đó là sự mê hoặc của tiểu thuyết, truyện ngắn nói chung và đó cũng là chân tài của VDN ở đây nói riêng vậy.
Khi nói về một tác phẩm nổi danh của một văn hữu mình, văn hào Pháp André Gide hạ bút viết, thông thường và đơn giản : "Thần trí, tâm tư của tôi khác trước nhiều lắm, khác hơn hồi chưa đọc truyện ấy, khác vì tràn ngập thích thú, khoái trá và mộng mơ. Và đó là một câu truyện hay."(A. Gide).
Một số truyện của VDN với cấu trúc nội dung là lạ đã đạt được cái tác dụng thú vị ấy đối với người đọc. Và cái thú vị ấy ở đây cũng có khi làm người đọc mệt trí rất nhiều vì đọc giả phải nhớ lại bao hành động phức tạp rối nhùi của từng nhân vật như trong các truyện : Gió Xoay Chiều, Lá Rơi Về Cội, Nguyệt Hạ, Âm Thầm, Vẫn Chưa Muộn Màng...
Cái đa dạng và đa diện của nhà văn VDN mà tôi đã nói ở trên đạt đến một sự thăng hoa mâu thuẫn trong nghệ thuật : Người là nhà văn của đồng quê, một Tiền, Hậu Giang nào thấp thoáng con suối nhỏ, có rạch dừa mát rượi, điểm chút cánh bướm tình yêu nam nữ thẹn thùng dễ mến, mà cũng là của thành đô náo nhiệt, sôi động trong một cuộc sống xô bồ, từ quê hương Sàigòn mỹ miều, tội nghiệp đến Ba-Lê ánh sáng, hào hoa đọa lạc tội lỗi - Có Lê Xuyên, Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long mà cũng có... Tôi xin cường điệu một chút : (Simon De Beauvoir, Françoise Sagan) trong văn chương của Việt Dương Nhân đó... Nữ sĩ cũng nhà văn của nghèo nàn, bụi đời, hạ lưu, của kẻ vô thần, ẩu bướng mà cũng là của kẻ phong lưu, tao nhã, trưởng giả "học làm sang". Và thỉnh thoảng VDN thích thuyết pháp về lẽ Đạo nhiệm mầu khi có cơ hội... Vì thế, dưới cái xô bồ hỗn tạp, cái thời thượng rởm của nền văn minh vật chất, ẩn dấu kín đáo đôn hậu cái tâm Phật, cái hướng thượng đạo lý cố hữu trong tâm thức kín đáo của nữ sĩ. Hãy nghe VDN lý sự :
"...Mọi sự trên đời đều có nhân có quả. Hãy ráng tu tâm và giữ tâm như đất. Còn ai có tâm hồn thi-văn thì khi nào cao hứng cứ viết. Nhưng đừng có tham vọng và tự cao, tự đại quá mà hại thân, và đôi khi còn làm buồn cho tha nhân nữa. "Tất cả những ai cưu mang làm văn chương nghệ thuật đều muốn dấn thân trong việc sáng tạo. Vậy chính họ phải cởi bỏ những tị hiềm để thoát xác thì con đường trước mặt mới sáng sủa hơn". Làm thơ hay viết văn là đem Chân-Thiện-Mỹ để tặng cho đời và cũng tặng cho chính mình luôn nữa đó...’’ (‘’Tâm Như Đất’’)
Việt Dương Nhân nói nhiều đến cảnh sống thị thành, từ cái chợ ở miền quê sơ sài, nàng sống thuở bé thơ đến Sài thành rộn rịp - và nói với rất nhiều trìu mến nhớ thương, tím thẩm bao hoài niệm đầy vơi lưu luyến. Rõ là một con người mà tâm cảm ray rức thiếu quê hương trong hiện tại chừ đây lạc loài trên một đất nước, lạc loài qua ánh sáng thủ đô Ba-Lê hoa lệ đầy đọa lạc và cạm bẩy (a lost man in a lost country). Hoặc, đôi lần nhà văn đoái nhìn về quê hương mà rớm lệ với bao cảnh cũ người xưa, còn mẹ già đang sống như ngọn đèn cạn dầu trước gió mà mòn mỏi trông con sẽ trở về gặp lại những phút cuối đời... Nhưng trong tâm ý bao giờ nữ sĩ cũng muốn trở về nguồn để nhớ làng mạc quê mùa mà chửi thằng V.C. hết thời, đứa B đi 30 thất thế, vùng kinh tế mới khô cằn nào đó mà nàng chỉ được nghe nói lại mà thôi :
- Chút nữa, anh qua bển gọi chỉ với vợ chồng cháu Triều và cháu Đại về đây đi. Em đã nghe má kể sơ sơ về chuyện gia đình anh rồi. Tối ngày anh cứ uống rượu say sưa, rồi đánh vợ. Nên bị người ta bắt nhốt anh trong nhà thương điên mấy lần phải không ?
- Đánh đâu mà đánh. Tại chị Ba mầy, nó chửi tao là thằng Việt-Cộng hết thời. Thằng Bộ-Đội-30 thất thế hoài. Ai chịu cho nổi. Nên đôi khi tao nổi điên lên đó... Chớ... chớ... tao nào muốn đánh vợ bao giờ !
- Chị Ba nói như vậy thì có sai chỗ nào đâu ? Anh có thấy anh hết thời, thất thế không ? Sự thật phũ phàng là như vậy, thì anh cứ nhận đi, mắc gì phải đánh vợ. Anh có biết, đàn ông mà đánh đàn bà là vũ-phu không ?
- Thôi, bữa nay có mầy về là ngày vui, đừng có nhắc tới chuyện đó nữa. à, má vẫn khỏe hả Quê ? Mà sao mầy không mời má về đây chơi ?
- Cha, anh muốn chạy tội hén ! Mai mốt anh Nam và anh Bắc trở về là anh hết chối. Nói chơi với anh, chớ anh em của tụi em sống trên mấy xứ Tự-Do, Dân-Chủ. Tụi em không có bắt bẻ hay hỏi tội anh đâu. Nhưng anh cũng phải làm cái gì để lấy công chuc tội chứ ?
- Thì tao cũng theo dõi tình hình. Nếu có gì hay hay là kêu gọi dân chúng đồng đứng lên chung. Và tao hy vọng sẽ có được thật sự Dân-Chủ, Tự-Do sau này. Mầy cũng biết quá rồi. Toàn dân Việt Nam, ai mà không mong muốn và khát khao có được những thứ đó.
- Ừa, ráng đi nha. Ở hải ngoại người ta cũng ủng hộ trong này lắm đó... à, về má, thì em có hỏi. Nhưng má không chịu đội...
(Trích đoạn "Đàn Chim Việt ")
Đọc toàn bộ tác phẩm của Việt Dương Nhân, tôi nghĩ rằng nữ sĩ trước hết là một kịch tác gia hay một nhà văn chuyên viết chuyện phim để đạo diễn hay một nghệ sĩ xuất sắc với các tuồng cải lương nổi tiếng của miền Nam thuở trước hơn là một nhà văn viết truyện ngắn, truyện dài. Tình tiết trong các truyện éo le, khúc mắc, tròng tréo, tay ba, tay tư, gút và giải thỏa đáng thoát ra từ những động tác rối bời của các nhân vật gây nhiều bất ngờ thú vị cho người đọc. Đó cũng chính là cái tính - mâu thuẫn trong nghệ thuật khá độc đáo ở Việt Dương Nhân đó vậy. Và tạo được cao độ say mê thích thú khi đọc các truyện ngắn, truyện dài của nữ sĩ.
Bruxelles, 5/2002
Giáo Sư V K