Phần 1

đàn bà, Lyndiol, Ménol, thuốc chích và vòng xoắn

T HƯA NGÀI, NGÀI CÓ VỢ CHƯA Ạ ? Ngài quyết định sống độc thân cho đến ngày thân nhân ngài lo thủ tục xin giấy thông hành đưa ngài về quê ? Nên lắm. Bạn tôi, ông Mai Thảo đang phơi phới sống những tháng năm không vợ. Đôi khi, thấy bạn tôi nằm cô độc trên giường mà tấm drap ngã mầu cháo lòng và trải luộm thuộm, đánh võ với cảm, cúm, nhức đầu, xổ mũi, tôi đã tưởng rằng ông Mai Thảo “bất hạnh” vì hộ tịch chẳng được cái hân hạnh làm hôn thú giùm ông. Nhưng, những buổi chiều đẹp, thấy bạn tôi ngồi ngất ngưởng bên chai rượu Rémy Martin cùng vài bạn rượu, uống quên đường về, tôi bèn chiêm ngưỡng cái triết lý chê lấy vợ của ông Mai Thảo một cách say sưa, thèm muốn. Những anh có vợ như tôi, như Thanh Nam, như Hoàng Hải Thủy, như Dương Hùng Cường chỉ đủ can đảm thù tạc bên bàn rượu từ bảy giờ chiều tới chín giờ. Ông Mai Thảo và tất cả những ai độc thân đã bất kể thời gian. Họ sung sướng hơn các nhà tu hành ở cái điểm được hưởng đủ tứ khoái công khai. Trong khi các nhà tu hành, thèm nhỏ rãi cái khoái thứ ba. Thèm quá thì chỉ còn cách lạy Phật, lạy Chúa đi một đường lén lút. Nôm na gọi là đi đêm. “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”. Rủi gặp con ma báo chí, bước đường tu dễ “nửa đường đi xuống” lắm à...

Những người sống độc thân là những người được hưởng đầy đủ ân huệ của Thượng Đế, nếu họ đừng dại dột đi tu hay lợi dụng cổng chùa, cổng nhà thờ để trốn lính ! Người chủ cũ của tôi, linh mục Nguyễn Quang Lãm khả kính, đã tỏ vẻ thương xót tôi khi tôi “tiếu ngạo giang hồ” làm những quả giã từ vợ con đi lang thang vĩa hè y hệt con chó đói : “Ai bảo mày lấy vợ, đi tu như tao có phải sướng không ?” Tôi hỏi : “Thưa cha, đi tu cần làm chủ cái nhà thờ. Cha lêu bêu không có nhà thờ, sướng ở cái khổ nào ?” Cha Lãm cười khanh khách : “Bố mày, mày xỏ ông nhé ! Nhà thờ là sự bằng an của tâm hồn, con ơi ! Con luôn luôn nghĩ tới cảnh thê tróc tử phục, con khổ suốt đời.” Tôi khoái quá, gạ gẫm : “Vậy cha giới thiệu con vào một chủng viện đi” Cha Lãm lắc đầu : “Nội cái vụ mày ăn tục, nói phét đã khó thành... cố đạo”. Tôi gãi gáy : “Thưa cha, cha cũng ăn tục nói phét ra rít”. Cha Lãm bợp yêu tôi một phát : “Bố mày, tao giờ là cha rồi ! Mày láo lếu, ai cũng trêu trọc, không người trị mày nên Thượng Đế sai vợ mày trị mày đó con ạ! Rán mà chịu kiếp đàn ông”.

Thưa ngài, ngài có vợ chưa ạ ? Ngài sắp lấy vợ, ngài bắt chước ông Đại Đoàn Kết Nguyễn Gia Hiến, thực hiện khẩu hiệu đoàn kết bằng cách lấy vợ ? ông Nguyễn Gia Hiến lấy vợ vì ông ít hy vọng trở lại Thượng Viện tháng chín này. Ông ta lấy vợ để ôm vợ, giả đò lên giọng Phạm Thái mà lãng mạn “Chí lớn trong thiên hạ không đầy đôi mắt mỹ nhân”, hay học đòi cái nỗi chán chường giang hồ múa võ của Trương Vô Kỵ mà nịnh Triệu Minh “Từ nay, ta sẽ dùng bút lông tô chân mày cho hiền thê”. Ông Nguyễn Gia Hiến sướng nhé, ông và vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Oanh đã đi vào... văn học sử một cách phước thiện đấy. Thưa ngài, ngài nhất định lấy vợ. Vâng, kệ ngài. Đời ngài kể như vất vả rồi. Ngài sắp phải chiến đấu với loài rắn độc. Vì, thưa ngài, Giê-hô -va Đức Chúa Trời cũ đã can đảm phán : “Đàn bà là rắn độc”. Ngài không dám can đảm đâu. Những kẻ có vợ đều hèn nhát. Nếu anh nào can đảm, anh ấy phi vũ phu thì là kẻ bạc tình. Ngài sắp lấy vợ, ngài sắp sống mãn đời ngài bên cạnh một đàn bà. Thưa ngài, đấy, những gì ngài cần biết về Đàn Bà. Biết rồi, xin ngài cho tôi một chứng minh để tôi trả lời linh mục Nguyễn Quang Lãm câu nói bất hủ : “Ai bảo mày lấy vợ, đi tu như tao có phải sướng không”, ngài nhé !

Tôi không hiểu tại sao các bà vợ hôm nay sợ đẻ thế. Giả thuyết sợ đẻ vì đẻ đau đã bị những cái máy hút của quý vị đốc tờ Nguyễn Duy Tài, Trần Đình Đệ thông qua. Mỗi nhà đẻ ở Sàigòn bây giờ, đều có cái máy hút khiến sự “vượt cạn” của các bà bớt khổ sở. Quan niệm “đàn bà đi biển mồ côi một mình” chẳng thể tồn tại. Máy hút đốc tờ đỡ đẻ, cô mụ là bạn đồng hành. Vậy tại sao các bà cứ sợ đẻ ? Đẻ tốn tiền chăng ? Học đòi sang trọng, vác bụng tới đốc tờ Nguyễn Duy Tài để bị chém cổ chăng ? Không, đốc Tài giầu lòng từ bi lắm. Các thượng tọa, đại đức trụ trì tại Ấn Quang tự đã cảm hóa được đốc tơ Tài. Do đó, đỡ đẻ và hoạt động Phật giáo là niềm giải thoát của đốc Tài. Người ta đã có tâm hồn Phật thì chả còn tâm hồn bóc lột sản phụ. Tôi không tin các bà sợ đẻ bởi lý do đốc tờ đỡ đẻ “ăn mắc”. Tôi cũng không tin vì nền kinh tế bánh đa nhúng nước của Việt Nam đòi hỏi các bà một sự “đóng cửa cai đẻ”. Bằng chứng là phần xuất quân bình rồi kiệm ước rồi lại phân xuất quân bình chưa gây nổi nạn chết đói. Hôm trước, giá xăng lên trăm phần trăm. Hôm sau, xe hơi đi Vũng Tàu nghỉ mát đông gấp bội. Và, ở của các rạp xi-nê chiếu phim cao bồi có Pranco Néro hay kiếm hiệp có Trịnh Phối Phối, nếu tới muộn, khán giả chịu khó xếp hàng chờ đợi. Để mua về ban công mà đành ngồi trên bậc gạch. Thực thể đó chứng minh nền kinh tế và tài chính của ta càng ngày càng huy hoàng song song với vật giá leo thang và đánh thuế đủ ba mươi sáu kiểu. Sở Thống Kê cung cấp tin tức đều đều. Vật giá chỉ nhấp nhổm vài phần trăm. Tôi hãnh diện lắm. Nước tôi đã có bốn nghìn năm văn hiến; có Thượng Viện với vài vị nghị sĩ nịnh hót tài tình, mị dân khéo léo; có Hạ Viện với quý vị dân biểu ăn cắp tượng Chàm, nhòm 1ỗ khóa, buôn lịch cởi truồng ăn nói mất dạy; có chợ cá Trần Quốc Toản thối um ; có Hội Đồng Quốc Gia Văn Hóa với ông hội viên “va dơ lin và nước bọt bôi dương vật” Giáp Văn Thập; có Hội Đồng Quốc Gia Báo Chí với quý vị chủ báo Batman, Astroboy, SỐ Mạng bàn tay, Đua Ngựa, Chọi Dế..., nước tôi còn có một nền kinh tế không sản xuất!

Tôi học hành lem nhem, khả năng chỉ đủ viết truyện nhảm nhí nên tôi chê viết những loạt bài khảo cứu tải rặt danh từ khó tiêu, hoặc “ý kiến” hoặc “lập trường”. Vâng, tôi không sưu khảo, tìm tòi dài dòng. Tại sao các bà thành phố sợ đẻ, tôi xin nhường cho ông Mã Xái, người đốc tờ đã công du hải ngoại tìm biện pháp ngừa để cho giống nòi, thuyết trình tại Hạ Viện. Các bà sự đẻ vì lo vú dài quả mướp, eo lếc hỏng hết, chóng già... cũng xin nhường cho ông Ngô Văn Hiếu, đốc tờ chuyên sửa sắc đẹp ở lầu 1 Crystal Palace Sàigòn. Tôi chỉ biết vì sợ đẻ nên các bà đã xài Lyndiol, Ménol, thuốc chích và vòng xoắn lu bù. Vợ tôi là một đàn bà (em yên chí, anh không can đảm như Giê-hô-va đâu), một đàn bà bị trào lưu... sợ đẻ quyến rũ. Và nàng sợ đẻ thật lực. Là con chiên của Chúa nhưng, lạy Chúa vạn lạy, vì sự đẻ quá xá, con chiên Trần Thị Phượng đã cưỡng lời khuyến cáo của Đức Giáo Hoàng trong một thông điệp mang đầy tính chất nhân đạo của Ngài.

- Anh ạ, ba đứa là đủ rồi. Hai trai, một gái đầy đủ cháu nội, cháu ngoại, con dâu, con rễ rồi.

- Thêm đứa con gái nữa cho đủ hai đôi. Lưỡng phé chắc ăn hơn.

- Em không thích đẻ nữa.

- Rỡn.

- Nói thật.

- Tại sao không thích đẻ ?

- Không cần trả lời anh. Em đã dặn bạn bè rồi, mồng một Tết sắp tới, chúc gì thì chúc, đừng có gở miệng chúc “đầu năm sanh gái, cuối năm sanh trai”.

Tôi khựng lại, mím môi, suy nghĩ. Ừ, lạ ghê. Những cái Tết gần đây, câu chúc “đầu năm sanh gái, cuối năm sanh trai” bỗng mất hẳn. Cụ Trần Tế Xương ơi, giá cụ sống đến hôm nay, cụ sẽ chẳng còn hậm hực :

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc con

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn

Phố phường chật hẹp người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non”.

Tôi nham nhở :

- Em sợ đẻ thì em nên bắt chước những người đàn bà có chồng ghen trong tiếu lâm Việt Nam,

Nhà tôi hỏi :

- Họ cai đẻ thế nào ?

Tôi đáp :

- Anh chồng đi lính trấn thủ miền xa, sợ vợ ở nhà nhảy dù, nên bắt vợ đánh ở khóa, khóa cửa chặt rồi đem chìa khóa ra nơi bưng biển.

Nhà tôi cằn nhằn :

- Anh sửa soạn bàn nhảm.

Tôi nói :

- Nếu em ngại khóa cửa thì anh đành đi một đường hy sinh, nơi gương hai thành Hoàng Ngọc Liên và Hoàng Anh Tuấn vậy.

Nhà tôi ngạc nhiên :

- Hy sinh cái gì ?

Tôi nheo mắt :

- Cái... ấy ấy... mà. Ngượng chết ! Nhà tôi bĩu môi :

- Anh mà biết ngượng. Cái ấy sao ?

- Anh... thiến !

- Thiến ?

- Hoạn đó. Như con gà, con heo bị thiến, nó chỉ còn biết gáy và hết... đạp mái ! Nó béo mập, mỡ dầy cả tấc, ù lỳ, trông chán chường lắm.

Nhà tôi lắc đầu :

- Giải pháp đó hỏng, kể như anh sống mà đã chết.

Tôi nịnh :

- Anh chết cho em... cai đẻ.

Thấy nhà tôi buồn hiu, tôi vội vàng nói :

- Rỡn đó, anh sẽ thiến theo kiểu Tây chứ không thiến theo kiểu Tầu tức là giải phẫu Hoa Đà. Thiến kiểu Tây là cắt một đường dây điện. Cắt xong, bật đèn hết cháy. Lúc nào muốn cháy, bác sỉ sẽ nối dây điện giùm.

Nhà tôi sốt sắng :

- Hết cháy là sao ?

Tôi cười :

- Là đụng vào, điện vẫn giật... tê tê nhưng không có con.

Nhà tôi quay mặt đi che giấu sự mắc cỡ :

- Cắt có đau không ?

Làm sao tôi biết được có đau không! Thằng Hoàng Ngọc Liên “cắt” ở bệnh viện Cơ Đốc Phú Nhuận, thằng Hoàng Anh Tuấn “cắt” ở phòng mạch một người bạn đốc tờ. Con nhà Liên kể lể một danh sách các nhân vật đã nhờ nó hướng dẫn “cắt”. Nó quảng cáo hung hãn, bảo đảm không đau. Tiền nong chỉ tốn vài xín. Nó có cái giấy chứng nhận “đã cắt”, gặp các góa phụ là đem ra khoe ầm ỹ nên rất được các góa phụ thể thủ tiết với chống nồng hậu giao du. Thằng Hoàng Anh Tuấn thì thuật lại vụ hai vợ chồng người đốc tờ bạn của nó, đè nó ra, chích thuốc tê mà “cắt”. Tôi đùa, hỏi nó : “Vợ bạn mày có sờ dế mày không”, nó chửi ầm lên “Bố khỉ, vợ nó cũng là đốc tờ, nó sờ dế tao như sờ miếng thịt trâu chết!”. Nó khuyên tôi : “Sáu con như tao hãy “cắt”. Mày còn trẻ, “cắt” làm gì”. “Cắt”, có thể thay đổi tính tình. Và, nếu vô lương tâm, ỷ y vào sự “đã cắt”, có thể phá hoại trinh tiết của nhiều thiếu nữ ngây thơ.”

- Không đau, nhưng mà...

- Mà sao ?

- Tính tình có thể thay đổi.

Tôi bỗng thốt lên lời vàng ngọc :

- Tại sao em không dùng Lyndiol ?

Nhà tôi mắt sáng rực :

- Lyndiol à, em nhớ rồi...

Lyndiol, một trong những dược phẩm “ghê gớm” của nhà bào chế Organon Hòa Lan. Lyndiol đã trở thành một thứ thuốc cai đẻ lý tưởng cho các bà sợ đẻ từ mười năm nay, tại cái mảnh đất đang chiến tranh chết chóc này. Tôi xin diễn tả hình thức và nội dung Lyndiol, Hai mươi hai viên thuốc nhỏ bằng cái khuy bấm nồi ngoạn mục trên cái vỉ giấy bạc hình chữ nhật được bọc bởi ni lông cứng. Chung quanh cái vỉ bạc, ngoài mép, hai mươi mốt mũi tên nối đuôi nhau chạy. Hai mươi mốt mũi tên đánh đại lấy hai mươi mốt viên thuốc, nhà Organon cẩn thận ghi hai thứ tiếng, đề rõ bảy ngày của một tuần, hoặc tiếng Anh tiếng Tầu, hoặc tiếng Tây tiếng Ấn Độ, hoặc tiếng Xiêm tiếng hoặc tiếng Y-pha-nho tiếng Nhật... Viên thuốc thứ hai mươi hai gọi là viên thuốc cuối cùng, vỉ thuốc xinh xắn đựng trong cái hộp cỡ hộp thuốc lá Gitang của Tây cà lồ nhưng dài hơn chút xíu. Hộp in mầu gạch của. Giữa nên mầu là cái vòng tròn trắng. Trong vòng tròn trắng có hai vòng tròn, một đen kịt giống Ấn Độ bán vải, một trắng toát và hai mặt trăng khuyết. Tôi không hiểu ý nghĩa... cai đẻ của cái dấu hiệu này. Song tôi nghĩ, nếu xuất bản loại sách “Nam Nữ Bửu Giám” người ta nên thuổng mà làm “ăn bờ lêm” cho nhà xuất bản của mình. Lyndiol uống... trước khi ngủ. Mỗi khi uống, ấn mạnh ngón tay trên nắp ni lông cứng. Viên thuốc tụt xuống. Theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, chào cờ Cộng sản cho tới khi nghỉ chào thì uống viên thứ nhất. Uống hết viên cuối cùng, đợi chào cờ Cộng sản. Đợi muộn nhất là một tuần sẽ “thấy” linh hồn đỏ của lãnh tụ mắc xít. Chừng không “thấy”, cứ bình tĩnh sử dụng Lyndiol. Tháng sau vẫn không “thấy” thì nên an ủi “Trời bắt mình thêm con đây, thôi ta để cho vui. Bởi vì, ta đã quên uống một viên nhầm ngày chồng ta sung sức chiến đấu !”

Quên uống một viên Lyndiol, nhớ kịp, hôm sau phải uống ngay, thật sớm. Lyndiol ly kỳ lắm. Nó chính là thuốc để đẻ! Vâng, các bà lấy chồng vài niên, thèm con nít bế bồng mà không có, quý vị đốc tờ đã bắt uống Lyndiol. Quý vị ấy bảo rằng hãy uống đều đều vài tháng rồi giả vờ quên đi, lập tức sẽ thụ thai. Bên Âu Mỹ họ theo phương pháp này, kết quả rất mỹ mãn. Đẻ liền tù tì, đẻ như cái máy đẻ mà uống Lyndiol đủ hai mươi hai viên trong vòng hai mươi hai ngày mỗi tháng, tự nhiên máy đẻ ngừng hoạt động” Ly kỳ chưa ? Người đàn bà nào “hợp” Lyndiol, dùng nó, lên ký ầm ầm. Người đàn bà nào không “hợp” Lyndiol, dùng nó, tính nết đâm cau có, gắt gỏng. Ngoài tác dụng để đẻ và cai đẻ, Lyndiol còn trị bịnh huyết trắng một cách tài tình.

- Em dùng Lyndiol, anh bằng lòng chứ ?

- Tùy ý em. Em nên nhớ rằng quí vị cố đạo quý vị thầy chùa đã bị Cộng sản kết tội không lấy vợ để sản xuất. Nay em dùng Lyndiol, em cũng bị kết tội không sản xuất.

- Dùng Lyndiol là chống Cộng, chống lại sự kết tội của Cộng sản tức nhiên mình chống nó.

A, Lyndiol còn thêm tác dụng chống Cộng! Thiết tưởng Lực Lượng Đại Đoàn Kết của chủ tịch Nguyễn Gia Hiến nên cổ võ Lyndiol cho... vợ các lực lượng viên của mình đi.

- Em chống Cộng bằng Lyndiol !

- Thì giống người ta chống Cộng bằng mồm chứ sao !

- Ý kiến hay. Lyndiol, muốn dùng nó, phải có toa bác sĩ nhà thuốc mới bán. Anh sẽ đi xin toa mua thuốc cho em.

Nhà tôi bắt đầu :

- Anh nói sao ?

Tôi ngoan ngoãn đáp :

- Phải có toa của đốc tờ.

Con rắn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũ mím môi :

- Ai ra lệnh đó ?

Kẻ A-đam khốn khó nhún vai :

- Bộ Y Tế.

Nàng chép miệng :

- Cái Bộ vô tích sự !

Bộ Y Tế, đôi khi, quả là vô tích sự. Thuốc Lyndiol đâu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng mà cũng bày đặt chuyện chỉ bán nếu có đơn thuốc của đốc tờ. Hay Bộ Y Tế sợ nữ cán bộ Cộng sản cai đẻ ? Các nữ chiến sĩ du kích Cộng sản cai đẻ rất nguy hiểm cho sự quấy phá đều đều, bền bền. Phải ngăn chặn Lyndiol vào mật khu. Thiếu Lyndiol, quan niệm tách nước - thứ tình Cộng sản được Mao lãnh tụ khuyến khích, đại khái, tình yêu coi như uống tách nước rồi rửa tách, rót nước nữa mà uống, không chút luyến lưu bất cần nghĩa lý, y hệt (khó nói ghê)... - sẽ hỏng bét. Sẽ có những cái bầu trong bụng nữ cán bộ. Một nữ cán bộ hộ lý mà mang bầu là phá hoại xã hội chủ nghĩa, là giẫm nát sự giải buồn của lãnh tụ, là không phục vụ công cuộc cách mạng chống Mỹ cứu nước !

Hãy tưởng tượng các nữ chiến sĩ lao công, hộ lý, đặc công ôm đàn ác-coóc-đê-ông và vác trống đồng ra đi giải phóng dân tộc! Tưởng tượng xong mới công nhận Bộ Y Tế của ta chống Cộng thật cao siêu. Chống từ tinh trùng Cộng sản chống ra. Vậy mà mãi chưa chiến thắng Cộng sản. Rất tiếc, những lần vào sào huyệt địch, quân ta chỉ toàn tịch thu được thuốc trụ sinh do mấy ông dược sĩ ở Sàigòn tiếp tế và bán cả xe cóc cần toa. Và chẳng hề lụm nổi một viên Lyndiol. Tôi tự hỏi, Lyndiol không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không được xác định là thuốc cai đẻ, lại bày bán cả đống ngoài chợ trời, Bộ Y Tế bày trò có toa đốc tờ mới cho hiệu thuốc bán là cái con khỉ gì!

- Vô tích sự thật nhưng em yên tâm, anh sẽ xoay toa mua Lyndiol

Tôi nhìn nhà tôi. Thấy nàng quyến rũ hơn cả bao giờ. Bèn gạ :

- Nhé em nhé !

Nàng lắc đầu :

- Để có Lyndiol rồi tha hồ.

Chết. Tôi sắp khốn nạn vì Lyndiol. Những tháng trước đây, vợ chồng tôi áp dụng phương pháp Ogino. Nhờ đó, thỉnh thoảng chán “cơm nhà” - không chán cũng phải chán, nhỡ lệch phương pháp ngừa đẻ thì nguy to, - tôi phơi phới đi ăn “cơm tiệm” hay “cơm khách”. Tôi đã cảm ơn ông vua ngừa đẻ Ogino. ông vua này ngăn chặn cái sự “nhé” đêm bảy ngày ba của những bà vợ ham “nhé”. Tôi đoán chừng kẻ phát minh ra Lyndiol là một mụ đàn bà căm thù đàn ông. Mụ hại đàn ông chúng tôi. Mụ bắt đàn ông phục vụ đàn bà long đầu gối.

Chắc hẳn mụ này rõ anh chồng thích ăn “cơm khách”, hoặc mụ rỗ huê, sứt môi, mắt lé, mũi tẹt, hàm răng “dưới mái tây hiên”, người thẳng đuốn giống cây tre bương nên đàn ông chê bỏ. Mụ cay cú chơi xỏ đàn ông trên cõi đời. Tôi với mụ nào quen biết gì nhau mà tôi sắp bị... đòn thù!

- Này em...

- Gì ?

- Nghe nói Lyndiol khan hiếm lắm.

- Thiếu giống. Chợ trời nó bày nhan nhản. Em sợ thuốc giả. Mới lại toàn chữ Thái, chữ Miên, biết dùng ra sao.

- Lyndiol tốn tiền khiếp !

- Có hơn hai trăm một hộp.

- Uống Lyndiol bị khô... tử cung!

- Kệ.

- Tính nết cau có, gắt gỏng.

- Kệ.

- Nhỡ quên một viên, thụ thai có thể đẻ ra quái thai!

Nhà tôi hãm cái phanh anh dũng xài Lyndiol đánh “rét”. Tôi muốn ngài tưởng tượng. Vâng, ngài hãy tưởng tượng một anh du kích Cộng sản tình nguyện đi gài mìn. Anh du kích ngỡ rằng trái mìn nổ là anh sẽ được Đảng gắn huy chương. Khi vác mìn hăm hở đi, xếp anh ta bảo anh ta sẽ tan xác cho cách mạng vô sản, anh ta bèn... hối hận. Hãy tưởng tượng khuôn mặt anh du kích Cộng sản, thưa ngài, Nhà tôi hơi chột dạ :

- Thật hả ?

Và bình tĩnh giả tạo :

- Làm gì có chuyện đó

Rồi nàng cười khẫy :

- Em biết anh ngại xoay toa mua Lynđiol, anh kiếm cớ.

Tôi ngại Lyndiol thì có. Ôi, Lyndiol, một thứ thuốc làm thối chí những thằng chống ham ăn “cơm tiệm”. Lyndiol, một thứ thuốc bồi bổ đắc lực cho triết lý “cơm nhà quà vợ”.

- Được rồi, nhớ đẻ quái thai, em rán mà chịu.

- Anh đừng dọa.

Tôi đau khổ đi xoay toa. Vào cái dịp nhà tôi làm quen với Lyndiol, tôi chưa quen vị đốc tờ nào. Nhân đọc cái quảng cáo “Bác sĩ Nguyễn Tân Xuất mới mở phòng mạch tại ngã ba ông tạ”, tôi hơi mừng. Làm một liều diễn nôm Tân Xuất. Tân : mới. Xuất : ra. À, ông đốc Tân Xuất mới ra trường. Mới ra trường là đợi khách, chắc chắn. Quí vị đốc tờ mới ra trường ti toe mở phòng mạch giống quí vị thầy cãi trẻ tuổi ở cái nước đợi. Tôi hân hạnh chơi thân với một vị thầy cãi vừa mở văn phòng riêng. Văn phòng vị thầy cãi này, một niên ròng, chỉ dành làm nơi đấu láo của bạn bè, tuy cái bảng đồng ngời sáng. Ngày nào, ông bạn thầy cãi của tôi cũng áo đen nhà nghề xách cạc táp ra hầu tòa. Nhưng thay vì cãi, bạn tôi chỉ xoay thuốc lá vặt của tụi phóng viên tòa án mà đốt cho đỡ buồn.

Có hôm đợi quá, hết tiền mua xăng chạy vespa, tôi đã đóng vai ma cô, dụ dỗ thân chủ nhà quê lớ ngớ trước cổng tòa án về văn phòng bạn tôi để bạn tôi cãi... thật rẻ ! Khi người ta đói, người ta bình dân, xuề xòa vô cùng. Tôi bắt đường xe nhân dân ( xe buýt) xuống ngã ba ông Tạ. Tôi đã đoán đúng. Đốc tờ Tân Xuất đang đổ cá ngựa cùng cô y tá răng vổ trong phòng mạch. Anh chị say mê lắc xí ngầu. Tôi gõ cửa hai phút, anh chị mới hay có khách lạ. Cô y tá răng vổ hỏi tôi :

- Khám bệnh, hả ?

- Dạ.

Đốc tờ Tân Xuất sáng rực mắt. Ý hắn đây là lần đầu tiên từ khi mở phòng mạch ông đốc mới được bắt mạch bệnh nhân, ông đốc bước ra bắt tay tôi. Cô y tá dẹp bàn cá ngựa, ông đốc mời tôi ngồi, giỏ đồ nghề và mào đầu :

- Ông đau bệnh chi ?

- Tôi bần thần, mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ cứ hay chiêm bao thấy ma quỷ.

Ông đốc đi ống nghe lên khắp lưng, khắp ngực tôi. Ông nghe lâu lắm. Lương tâm thầy thuốc mà. Nghe xong, ông bơm tay, đo “tăng xông” và hỏi :

- Ngoài ma quỷ, ông còn chiêm bao thấy gì ?

- Kiệm ước, hễ thấy kiệm ước là tôi rống lên, vợ tôi phải lay tỉnh.

Ông đốc ra lệnh cho cô y tá :

- Vitamine c !

Tôi bắt đầu đóng kịch :

- Bác sĩ ơi, tôi còn bệnh này kinh khủng bác sĩ đuổi cô y tá ra ngoài mua kẹo ăn đi, tôi mới dám nói bác sĩ khám.

Ông đốc cười :

- Bị lậu, hả ?

Tôi nhăn nhó :

- Lục cù đinh !

Đốc tờ Tân Xuất bảo y tá răng vổ đi mua ba đồng bốn điếu “Ru bi Quèn”. Ngài mà trông tận mắt cái bàn tay đốc từ đợi Tân Xuất móc ba đồng bạc “Lúa Ngô” ngài sẽ cười bằng thích. Tôi không dám cười. Đốc tờ Tân Xuất giục :

- Cởi lẹ coi nào !

Tôi gãi gáy :

- Thưa bác sĩ, tôi không có bệnh gì cả. Tôi kiếm cớ khám bệnh để xin bác sĩ mở lòng nhân đức cho cái toa.

Ông đốc ngạc nhiên :

- Mua Bê ni xê lin, hả ?

Tôi mếu máo :

- Bẫm, mua Lyndiol.

- Vợ sợ đẻ à ?

- Dạ.

- Mấy con rồi.

- Bảy.

Tôi nói láo. Ông đốc tặc lưỡi :

- Ố là là... Bao tuổi ?

Tôi khai :

- Ba mươi.

Ba mươi mà đã bảy con.

- Bẩm hai lần sinh ba !

Ông đốc kê toa liền. Toa mua được mỗi một hộp Lyndiol. Ông đốc dặn cuối tháng nhớ đến ông coi bệnh... chiêm bao gặp ma giùm. Tôi cảm ơn rối rít. Ông đốc “ăn” bốn choạc, ta ríp ngã ba ông Tạ. Tôi đưa tấm giấy năm trăm, ông không có tiền thối. Kêu cô y tá răng vổ thì cô này đi mua thuốc lá lẻ mãi chẳng thèm về. Ông Đốc đích thân ra đường đổi bạc”

Tôi bèn thuồng mười tờ giấy kê đơn của ông đốc, gấp vội nhét vô túi. Chả bao giờ tôi còn gặp ông đốc tờ Tân Xuất nữa. Thôi, để ông ta chơi cá ngựa với cô y tá răng vổ của ông ta.

Tôi về nhà, nghiên cứu chữ ký của đốc tờ Tân Xuất. Tôi lấy pơ luya đồ chữ ký của nhà trí thức Việt Nam rồi phăng phăng ký ráp. Ký đủ ba mươi sáu lần, tôi mới đám đồ toa chưa kê thuốc của đốc tờ Tân Xuất mà... ký thật sự. Kết quả hoàn toàn như ý muốn. Bởi vì, thưa Bộ Y Tế, một nhà thuốc ở Sàigòn thì mười năm mới có một lần hân hạnh bán thuốc theo toa bác sĩ ngã ba ông Tạ. Và cái sự Cộng sản nó mua bê ni xê lin cũng vô cùng dễ ợt, nếu nó mua theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Vậy là tôi mua được mười một hộp Lyndiol, đủ cho vợ cai đẻ mười một tháng.

Thưa ngài, tôi đã diễn tả về nội dung và hình thức một dược phẩm dao hai lưỡi của viện bào chế Organon. Ngài hiếm con, hãy khích lệ bà nhà dùng Lyndiol. Ngài đông con, càng nên khích lệ bà nhà dùng Lyndiol. Vấn đề đẻ quan trọng lắm. Nhân loại là của đàn bà. Một vị nữ dân biểu của nền Cộng Hòa Việt Nam thứ nhất đã nói một câu bất hủ “Đàn bà đẻ ra đàn ông. Không có đàn bà thì đàn ông không biết chui từ lỗ nào ra đời” khi thảo luận “Luật Gia Đình”. Luật này do ông luật sư gia nô của trang nữ lưu Trần Lệ Xuân soạn thảo. Bởi thế, đàn ông dân biểu thời đó sợ hãi đèn dầu Liên Đới mà chấp nhận xuất xứ một chuyến chui ra đời. Kẻ hài bước vẫn nghĩ xuất xứ đó chỉ là cái lỗ... đèn dầu Liên Đới. Tôi tự hỏi, tại sao luật lệ ở nước ta lúc thảo luận, thường hay thảo luận từ cái lỗ. Đấy, “Luật Chương Trình” vừa qua có cả chuyện nước tiểu từ cái lỗ của một nữ lưu dân cử chảy vô chai ! Đàn bà nguy hiểm vô cùng. Đàn bà đẻ kỹ, đàn ông méo mặt. Nhà nước phải cứu nguy nạn đẻ. “Đàn bà muốn là trời muốn”.Cựu Ước, theo Moise, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũ lấy một cái Xương sườn của người nam để chế ra người nữ. Đàn bà có từ đó. Và từ đó, đàn bà gây nghiệp chướng cho đàn ông. Đàn bà mớm miếng táo Kiến Thức vào miệng đàn ông. Đàn ông ngây ngất, đê mê, mệt phờ và biết xấu hổ. Và loài người khốn nạn vì đàn bà.

Đàn bà, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũ nghiêm túc đe doạ : “Mi khó trị, đề rắn độc đương đầu mi”. Đàn bà bị đồng hóa với rắn độc. Giê-hô-va còn phán : “Mi sẽ chịu ách đô hộ của đàn ông”, Giê-hô-va đã sai. Vì ngài không sống chung bên đàn bà. Đàn bà cai trị đàn ông. Vị tổ của đàn ông là mông xừ A-đam đã bị vị tổ của đàn bà là bà đầm E-vơ xỏ mũi, bắt nằm dài để được mớm miếng táo. Nuốt táo xong, A-đam thở dốc, vẫn bị mớm. A-đam không dám làm cách mạng. Và nhu nhược suốt đời. Những E-và sinh sôi nảy nở. Và làm thối nát đàn ông, sa đọa trái đất. Giê-hô-va bị phản bội. Ngài ức lắm. Mới tạo ra nạn hồng thủy.

Nhưng Giê-hô-va chẳng nỡ tiêu diệt loài người. Ngài chọn ông Noé, bảo đóng chiếc tàu, lượn trên làn sóng đại hồng thủy, cố sống sót để lập một thế giới toàn những người xứng đáng làm người. Ngài lại sai lầm thêm lần nữa. Trên chuyến tàu tị nạn, ngài cho phép Noé, hễ chọn một con đực tốt thì chọn luôn con cái tốt; con trống tốt cặp với con mái tốt... Và, con cái tốt, của ông Noé, bắt buộc phải là bà Noé. Những con cái tốt của đám con trai ông Noé, bắt buộc phải là vợ họ. Như vậy, đàn bà, nỗi thất vọng của Giê-hô-va, tác phẩm phản bội tác giả, vẫn được cứu rỗi trong nạn hồng thủy.

Tôi đoán chắc bà Noé đã thủ một con dao dí vào cạnh sườn ông Noé. Ông Noé sợ tái mặt, nhìn Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũ bằng đôi mắt nai cầu khẩn. Và Giê-hô-va “ô kê”. Trái đất, trước và sau nạn hồng thủy, không có gì thay đổi. Vì đàn bà còn sống sót. Đàn bà, loài rắn độc, theo truyền thống E-vơ, tiếp tục cai trị, xỏ mũi hành hạ, đàn áp đàn ông. Đàn bà Đắc Kỷ cho sự nghiệp đàn ông Trụ Vương đi tàu suốt. Đàn bà Bao Tự thiêu cơ đồ đàn ông Châu vương. Đàn bà Tây Thi đẩy đàn ông Ngô vương vào cõi hai năm mươi. Đàn bà Joséphine bắt đàn ông Napoléon ngửi mùi phó mát hăm nhất. Đàn bà Trần Lệ Xuân đưa dao con chó cho cách mạng giết đàn ông Ngô Đình Nhu. Đàn bà Trần Thị Phấn tự Hoa xách guốc rượt đàn ông Mã Xái. Đàn bà Kiêu Mộng Thu mời đàn ông Khiếu Thiện Kế xơi trứng đẻ ra quái thai và dụ đàn ông dân biểu ngửi nước đái. Đàn bà Huỳnh Ngọc Anh đòi đảo chính đàn ông. vân vân... Ôi, đàn bà, tôi sợ đàn bà thấy mồ !

Đàn bà Ấn Độ muốn đặt vòng xoắn cai đẻ, quốc hội và chính phủ Ấn Độ thỏa mãn ngay. Cai đẻ, bên Ấn Độ, là quốc sách, y hệt quốc sách chống Cộng của Việt Nam. Đàn bà không thích đặt vòng xoắn, đã có Lyndiol, MénoU thuốc chích (đừng bắt tôi viết rõ tên thuốc). Đàn bà muốn phá thai, đã có Okim... Và, khối đàn ông đốc tờ lo giúp. Nếu đàn bà muốn đàn ông treo chim, đàn ông sẵn sàng. Thưa ngài, đàn bà của tôi mới chỉ muốn biết mùi Lyndiol.

- Chết rồi, anh ạ !

- Cái gì ?

- Tối qua em quên uống thuốc.

- Có một việc uống thuốc mà cũng ưa quên.

- Nhiều người quên chứ bộ mình em quên sao ?

- Quên thì rán chịu.

- Nếu thế, phàn nàn với anh ích gì!

- Đừng uống nữa.

- Nhỡ đẻ ?

- Đẻ thì nuôi. Quên, quên hoài. Đã bảo đề người ta “cắt” cho xong chuyện không đẻ. Lộn xộn quá chừng.

Một cuộc cãi nhau bèn xảy ra. Rồi giận nhau. Rồi lo lắng vì tối qua “nhé” hơi kỹ. Chỉ tại Lyndiol. Đàn bà luôn luôn thắng dù đuối lý hay lỗi lầm trăm phần trăm. Đừng bao giờ ngài ham chiến thắng đàn bà, chiến thắng đàn bà không ăn cái giải gì cả. Nếu ngài thương yêu vợ ngài, ngài nên thua. Thua suốt đời. Khi ngài thắng, hoặc ngài đưa vợ ngài ra tòa ly dị, hoặc ngài đến Tô Bia may cái sơ mi gỗ. Bị vợ át giọng, hãy giả vờ “phẫn” nặng. Để có cớ tiểu ngạo giang hồ hai mươi bốn trên hai mươi bốn hay đi ăn “cơm tiệm” lu bù mà khỏi cần trình lý do vắng nhà.

Tôi biết thân tôi. A-đam đã thua E-vơ một keo nặng giữa vườn Địa Đàng thì sức mấy tôi thắng nổi đàn bà. Thua, thua, thua, thua. Chỉ những thằng vũ phu, những thằng đèo bồng vợ lẽ mới ham thắng vợ chúng nó. Tôi bèn thua nhà tôi, âm thầm ngồi lấy giấy vẽ khẩu hiệu “Tối nay, em nhớ uống Lyndiol. Em đã uống Lyndiol chưa, uống Lyndiol trước khi ngủ...” Tôi viết rất đông. Trên kính bàn phấn, dán một cái. Dán vào “a ba dzua” trên “táp đờ nuy” một cái. Cửa buồng ngủ, cửa tủ quần áo, trong cầu tiêu, tường bếp, nắp bếp ga, máy giặt, tủ lạnh... đều có khẩu hiệu quảng cáo Lyndiol ! Thế mà nhà tôi vẫn cứ quên.

- Việc hệ trọng của em, em không nhớ. Chỉ nhớ chuyện gây gổ với anh. Nói câu nào cay cú trong lúc nóng giận, em nhớ không sót một tiếng. Uống thuốc thì quên. Rất tiếc ta chẳng ở Mỹ.

- Ở Mỹ thì sao ?

- Thì anh mua thứ thuốc cai đẻ thần sầu.

- Quên có sao không ?

- Không thể quên được. Này nhé, vì thuốc nhét vào cái đồng hồ. Cứ sáu giờ sáng, chuông đồng hồ reo inh tai nhức óc. Hai vợ chồng ngủ say cách mấy cũng phải mở mắt. Một viên thuốc rớt ra. Tự động mà. Em sẽ lượm mà nuốt. Rồi ngủ nữa hay “nhé” rồi ngủ. Đồng hồ đặt ngay ở đâu giường.

E-vơ sướng quá :

- Ờ, thích nhỉ ! Nhưng nếu đi xa, đi Vũng Tàu nghỉ mát, chẳng hạn, thì sao ?

A-đam nhún vai :

- Thì mang theo.

- Nhỡ quên ?

- Quên à ? Quên thì.., có chữa. Cũng như cao bồi ấy, “bắn chậm thì chết”.

- Làm thế nào mua được thuốc cai đẻ Mỹ ?

- Một là em đi... lấy Mỹ. Hai là anh đi làm bồi Mỹ. Ba là Bộ Ngoại Giao mời anh đi làm đại sứ.

- Anh đểu vừa vừa chứ nhé! Anh dám đặt hàng đại sứ dưới me Mỹ và bồi Mỹ.

- Không, anh chỉ so sánh. Em ơi, ba điều trên chúng ta đều khó thực hiện. Vậy bổn phận anh sẽ giống cái đồng hồ chứa thuốc cai đẻ “made in USA”. Anh hứa với em, với nạn nhân mãn khủng khiếp đe dọa quê hương ta, với nền kinh tế kiệm ước và chấn hưng một trăm năm mươi ngày, sẽ không quên vặn dây thiều.

- Nhưng mà...

- Mà sao ?

- Giá có Lyndiol kiều Mỹ!

- Anh đã nói rồi, hoặc anh qua Mỹ làm bồi hoặc anh được ngồi vào chỗ của ông Bùi Diệm.

Thứ thuốc cai đẻ lý tưởng khiến E-vơ phiêu lưu hơi xa nỗi lo ngại “quên” của mình. Nhà tôi ưa quên lắm. Đi bán hàng thì quên chìa khóa. Đi mua hàng thì quên lấy tiền trả lại. Đi du lịch ngoại quốc thì quên đổi đô la chợ đen. Quên, đó là căn bệnh kinh niên của nhà tôi, con mẹ đàn bà phức tạp nhất thế giới. Bây giờ, trí tưởng đã mỏi mệt. Sau cuộc phiêu lưu ngắn, nhà tôi nhăn nhó:

- Tối qua quên uống thuốc, em sợ quá.

- Thì uống trả nợ ngay đi.

- Uống trả nợ nhỡ vẫn “bị” ?

- Thì đẻ.

- Đẻ ra quái thai à ?

- Tôi đã long trọng cảnh cáo, ai bảo không nghe tôi.

E-vơ thộn mặt. Đôi mắt long lanh. Long lanh như lần ngậm trái táo trên vườn Địa Đàng. A-đam đứng nhìn, thèm nhỏ rãi. Và khi E-vơ gạ mớm thì “ấy” liền. “Ấy” hùng hục. Tôi bèn nói :

- Chỉ còn một cách.

Nhà tôi hớn hở :

- Cách nào ?

Tôi đáp :

- Mở cuộc chiến tranh. Em nên nhớ rằng hôm qua anh đuối sức, vừa “nhé” đã “xuất quân” y hệt chưa đến chợ đã hết người. Đám chiến sĩ xây dựng loài người “ở trỏng” yếu lắm. Hôm nay, bây giờ đây, anh hung hăng vô cùng. Ta “nhé” và tung đạo quan lê dương viễn chinh “vô trỏng”. Đạo quân này sẽ uýnh đạo quân tối qua. Hai bên uýnh nhau sẽ chết hết. Đứa nào còn sống thì mệt tử cò bợ, hết ham làm chiến sĩ công binh tạo tác!

Nhà tôi nhõng nhẽo :

- “nhé” ban ngày à ? Tôi gật đầu :

- “nhé” ban ngày để lùng địch để diệt địch.

E-vơ lặng lẽ đóng kín cửa, bật đèn ngủ. A-đam xua tay :

- Khoan.

E-vơ hỏi :

- Đợi gì ?

- Phải uống hai lon bia Mỹ cho nó ngấm.

Những thủ tục lỉnh kỉnh xong xuôi, A-đam và E-vơ diễn cảnh cũ rích trên vườn Địa Đàng. A-đam xung phong, giết, giết rất ác liệt. E-vơ muốn chắc đỡ... có bầu, bắt A-đam đánh ba trận liền. Có bao nhiêu quân tung vào hang hùm hết. Chiến sĩ A-đam “nhé” kỹ. Đến nỗi, “nhé” hết nhiệm vụ thì phải bò vào phòng tắm. Rồi bò ra. Nhờ E-vơ đỡ lên giường. Ngủ li bì. Tới bữa cơm, thều thào nói : “Răng mỏi quá, không nhai được” !

- Anh ạ, tháng này “thấy” sớm.

- Tốt.

- Tốt con khỉ, còn một viên thuốc nữa. Mọi tháng, uống hết thuốc, chờ mấy ngày mới “thấy” cơ mà.

- Cái cảm hứng của “thấy” nó dào dạt thì nó ra sớm.

- Tôi không nói chuyện văn nghệ.

- Ăn vạ tôi à ? Ai bảo lấy chồng. Các cụ đã dạy : “Lấy vợ sinh con rồi có cháu, làm chồng làm bố sẽ làm ông”. Đàn bà lấy chồng không để đẻ thì làm chi đây ?

- Đẻ đủ rồi.

- Chưa đủ.

- Đủ.

- Chưa.

- Câm miệng lại, chưa đủ.

- Câm miệng lại, đủ rồi.

- Muốn không đẻ thì cắt tóc lên chùa Ấn Quang mà xin làm bà vãi.

- Anh đi tu xem sao.

- Cô bằng lòng cho tôi đi tu, hả ?

- Ở núi Sam cơ.

- Không, tôi tu ở thành phố. Tôi làm sư thành phố.

- Im đi.

- Này, cô át giọng tôi, tôi đăng đàn thuyết pháp là cô chết.

- “Thấy” sớm có sao không anh ?

Con rắn, quả nhiên, nhiều thủ đoạn của rắn. E-vơ thấy A-đam đòi đi tu, bèn sợ quá.

- Có sao không anh ?

Tôi, một đàn ông, thứ đàn ông phản kháng A-đam kịch liệt, có rất nhiều kinh nghiệm về đàn bà. Thú thật, tôi ghét đàn bà cay đắng. Chỉ vì không có đàn bà thì sống không được nên tôi phải ngậm “bồ hòn” mà yêu đàn bà đấy thôi. Tôi thù Giê-hô-va, thù ông Noé. Tại sao đã tạo nạn hồng thủy mà chẳng chịu diệt hết đàn bà ? Tôi sinh ra đời, như linh mục Nguyễn Quang Lãm phán, để bị đàn bà cai trị. Tôi sợ từ hạt bụi. Hạt bụi, bố anh, anh mà bay vào mắt vợ tôi là tôi khốn nạn. Trước hết, tôi phùng mang trợn mắt mà thổi bụi theo lệnh đàn bà. Thổi hoài bụi nó không chịu ra, đàn bà nó bắt tôi banh mắt nó ra truy tầm bụi. Hôm nào vong hồn tổ tiên linh thiêng, ủng hộ tôi một tí, tôi tóm cổ được con nhà bụi liền. Hôm nào tổ tiên tôi quên tôi, con nhà bụi ẩn kỹ, đàn bà cau có. Và tôi cau có. Thế là tôi sì nẹc, đập phá lung tung và ra đi... hẹn về. Than ôi, ai dám ngờ hạt bụt cũng đủ gây sóng gió cho đời tôi.

- Có sao không anh ?

- Có, đến tối có sao.

- Tối có, hả ?

- Tối đầy sao sáng.

- Anh giễu à ?

- Ai thèm giễu. Thực sự tôi chán tất cả. Chán đàn bà, chán Lyndiol, chán “nhé”, chán, chán, tôi chán. Tôi sẽ đi tu. Tôi cần tu. Tôi cứ tu. Trước khi đi tu, tôi sẽ đi hỏi đốc tờ cho cô về cái vụ sớm. Tôi sẽ hỏi như đã đi mua bông vệ sinh Bạch Tuyết cho cô. Tôi cóc xấu hổ gì hết trọi. Chao hỡi, song thân, tại sao hai đấng chả chịu sinh con là ái nam ái nữ!

E-vờ cười thích thú :

- Bao giờ anh đi hỏi đốc tờ ?

A-đam thối chí!

- Tôi đi ngay. Tôi đi ngay.

Và lầu bầu chửi thầm :

- Sư anh A-đam, anh ăn táo ngon miệng, anh làm khổ chúng tớ.

Đàn ông, với đàn bà, nhất là đàn bà đẹp, thơm như mít, không thể khá hơn.

Đàn ông, mi chỉ hơn nô lệ ở cái khoản được nằm trên. Sau đó, mi bị hành hạ khổ sở.

- Tháng này mãi không “thấy” gì cả.

- Em muốn thấy gì ? Anh chán em kéo cờ Cộng sản rồi.

- “Thấy” cái “ấy mà”

- Thấy “tội” hả ?

- Sao lại “tội” ?

Giê-hô-va chơi khăm ra phết. Hai hình phạt mà đàn bà phải gánh chịu là mỗi lần đẻ và mỗi cuối tháng kéo cờ đỏ. Trước đây, người ta gọi là kéo cờ Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản với Việt Nam đang liên kết mật thiết, gọi thế, e xúc phạm nền bang giao. Thôi đành chống Cộng sản bằng cách gọi cái sự “thấy” mỗi cuối tháng của đàn bà bình thường (không có bầu, không có bệnh) là kéo cờ Cộng sản vậy. Đàn bà mà không phải chịu đựng một trong hai hình phạt của Giê-hô-va, họ sẽ khởi loạn tranh đấu ra rít, tranh đấu ác liệt hơn sư hổ mang.

- “Tội” của đàn bà. Em ngẫm xem, những ngày treo cờ Cộng sản em có khổ không ?

- Khổ quá.

- Đàn ông làm gì bị cái trò đó. Giê-hô-va trung lập thiên đàn ông.

- Này...

- Gì ?

- “Thấy” muộn, em sốt ruột ghê. Quá hạn rồi mà “hồng quân” chưa trở lại!

- Vậy là em muốn đẩy anh đến ông đốc tờ để ông ta kê tủ đứng vào họng anh, hả ? Em đi mà hỏi. Đến mông xừ Nguyễn Duy Tài gấp. Mông xử Tài “ga lăng” số dzách. Coi chừng, ông ta ôm chặt hôn gỡ một phát thì anh... lỗ vốn.

- Em ghét “thằng cha” Tài!

- Cũng dễ thương chứ ?

- Đang khám bệnh “thằng cha” nghe chuông điện thoại reo là chộp lấy đấu hót với thầy chùa cả nửa tiếng.

- Lủy mê thầy chùa, đồng thời, vẫn dành cảm tình cho các bà phước. Chả nên công kích người bạn của... sản phụ.

- Anh đi hỏi giùm em đi.

- Lạ ghê ! “Thấy” sớm tôi cũng khổ, “thấy” muộn tôi cũng khổ. Không “thấy” tôi còn khổ chừng nào ?

Bèn đi hỏi đốc tờ. Tôi, lần nào gặp đốc tờ, hỏi về vụ Lyndiol cũng đều diễn tả E-vơ như một con mẹ đang đau khổ vì bệnh trĩ. Vừa trĩ sa trôn trê vừa ho lao sắp mặc sơ mi Tô Bia. Đàn bà như vậy rất đáng thương. I-pô-cát cho phép môn đệ giúp mụ ta cai đẻ. Đốc tờ bắt mua ống thuốc điều kinh chích vào mông. Và khuyên nên bỏ Lyndiol dùng Ménol. Ménol, thứ thuốc cai đẻ mà tôi sắp diễn tả hình thức và nội dung của nó.

Ménol là dược phẩm của viện bào chế I.S.H. Tôi không biết I.S.H. viết đầy đủ ra sao. I.S.H. ở số 91 phố Vangirard Pa-ris 6è. Cái hộp bằng giấy bên ngoài không lấy chi làm đặc sắc. Nhà Roussel Việt Nam, 6 đại lộ Nguyễn Huệ Sàigòn, được “thầu” lại cách chế của I.S.H. nên Ménol có lời chỉ dẫn bằng “tiếng quốc ngữ, chữ nước ta”. Đựng trong hộp giấy là hộp nhựa nhỏ bé, xinh xinh. Nắp hộp nhựa hình tròn. Phần dưới hình bát lăng. Trên hình bát lăng có miếng mê ca trắng xoay tròn. Dưới miếng mê ca trắng là cái mặt trông y hệt mặt đồng hồ. Những con số từ 5 đến 25 đỏ chói. Ngoài mép, đứng hách như cô Ba Tý, là hai mươi mốt viên thuốc trắng. “Đề-pa” thì bật đèn xanh và uống viên thuốc số 5. Số 5 tới số 15, viên thuốc nhỏ, ghi chữ Ma. Mười viên sau lớn hơn, ghi chữ Mb. Uống đến viên thứ 25 thì đèn đỏ bật. “Xì-tốp” chờ treo cờ Cộng sản. Ménol, hình thức vừa tựa hộp phấn Max Pactor. Nếu bán ở tiệm son phấn, nhiều giai nhân Hố Nai, Gia Kiệm có thể mua về uống cho mặt hết sủi tăm, trứng cá được mùa lắm à!... mấy anh Chà-và bán son phấn ưa xỏ lá vô cùng.

Về nội dung của Ménol, tôi xin phép ông Roussel Việt Nam, trích của ông một đoạn văn chương cai đẻ. Ménol chuyên trị :

- Các trường hợp tắt kinh.

- Kinh kỳ không đều hòa.

- Hành kinh đau đớn.

- Các triệu chứng trước mỗi kỳ kinh hoặc giữa hai kỳ kinh.

- Biến chứng khi bể kinh.

Cách dùng như sau : Ngày có kinh kể từ ngày đầu tiên của kinh kỳ, đến ngày thứ năm bắt đầu uống một viên nhỏ, dù còn hay đã hết kinh. Tiếp tục uống mỗi tối một viên nhỏ cho đến ngày thứ 15 (tổng cộng là II viên nhỏ), rồi kể từ ngày thứ 16 mỗi tối uống một viên lớn, như thế trong mười ngày liền. Cần phải uống đều đều mỗi tối và nên uống vào lúc đi ngủ. Nếu tối nào quên uống thì ngày hôm sau phải uống bù một viên vào buổi sáng và buổi tối vẫn uống một viên dành cho ngày hôm đó. Thường thường sẽ có kinh lại hai hay bốn ngày sau khi viên thuốc cuối cùng, nghĩa là vào khoảng ngày thứ 27 cho đến ngày thứ 29 của kinh kỳ. Đến kỳ xuất kinh kế tiếp điều trị theo cách chỉ dẫn ở trên. Nếu đến ngày thứ 8, kể từ khi ngưng uống thuốc mà vẫn chưa có kinh thì ngày hôm đó phải điều trị lại bằng cách uống một viên nhỏ thứ nhất, theo lời dặn của y sĩ điều trị. Trong khi trị liệu lần đầu, có thể xảy ra chứng buồn mửa nhưng hiện tượng này thường nhẹ và sẽ mất hẳn trong những kỳ trị liệu tiếp theo.

Muốn “bắt” Ménol mỗi tối bỏ vô miệng, tay trái cầm phía dưới hộp, tay phải xoay cái nắp mê ca trắng một nấc. Nắp mê ca có lỗ thủng, viên thuốc sẽ rơi ra. Đang xài Ménol mà “đình chiến” với nó, dù chỉ tạm thời, noãn sào sẽ hoạt động trở lại mạnh mẽ. Do đó, trứng lại tiếp tục rụng, hứa hẹn có bầu sau những cuộc “nhé”. Nội dung và hình thức của Ménol đã được diễn tả tỉ mỉ. Ménol hay Lyndiol bị phủ nhận là thuốc cai đẻ, mặc dầu, chúng là thuốc cai đẻ của những đàn bà sợ đẻ. Lyndoi và Ménol, tôi không ngờ, chúng lại chung lập trường với các chính khách cỡ lớn. Nói không mà có, có mà không. Thanh minh phải hiểu là xác nhận ngầm. Bố các anh Ménol, Lyndiol, các anh rắc rối quá. Tôi sắp điên đầu với sự rắc rối cuộc đời của các anh đây.

- Anh ạ...

- Cái gì ? Để tôi xem nào. À, cuối tháng, chưa ra tòa án của Giê-hô-va chịu tội, hả ?

- Em buồn mửa quá.

- Ai bảo tiếc của vớ vẩn. Thức ăn tối qua thừa thì đổ đi, không đổ, đem cất vô tủ lạnh, trưa nay hâm lại ăn nên đau bụng, buồn mửa chứ gì ?

- Không phải.

- Thế tại sao buồn mửa ?

- Ai mà biết,

- Có thèm ăn khế chua không ?

- Không.

- Lạ nhỉ ?

- Dạ.

- Cơ sự hãy tôi phải đi Đà Lạt mất.

- Đi làm gì ?

- Coi bói.

Ở Đà Lạt, ngoài thầy bói Chiêm, người rờ mu rùa đã làm rung chuyển chế độ Bắc Việt hôm nay, còn một ông thầy bói sáng ly kỳ lắm. Khách tới nhờ ông coi bói, nếu người từ Sàigòn lên, thầy bói sáng sẽ chạy khỏi cửa, một bàn tay chụm đặt sát vào tai, bàn tay kia chụm đặt sát vào miệng như cái ống nói và nghe. Rồi ông alô, alô... Người ta bảo ông gọi âm binh. “Alô, alô. Đà Lạt gọi Sàigòn, Đà Lạt gọi Sàigòn, nghe thấy không ?” Gọi dây nói... âm hồn chừng một phút mà chẳng ăn thua gì, thầy bói sáng mời khách ra về thơ thới hân hoan. Nhưng gọi được, thấy đoán trúng vanh vách.

Tôi có người bạn làm nghề viết báo. Vợ hắn mắn đẻ vô cùng. Và cũng phải dùng Lyndiol. Mợ dùng Lyndiol không hợp. Bị xúi dại, chưa dùng hết tháng, mợ đòi Ménol cuối tháng trục trặc kỹ thuật, mợ chậm kéo cờ Cộng sản, mợ rầy rà cậu. Cậu ức quá, giá vợ lên Đà Lạt. Cậu đi coi bói ở nhà thầy bói. “Alô, Alô alô, alô, Đà Lạt gọi Sàigòn. Sàigòn nghe rõ chưa ? Alô, alô... Thế à ? Nguy hiểm à ? Không sao chứ. À, bà ấy xài hai thứ thuốc cai đẻ à ? Cám ơn Sàigòn nhé !” Bạn tôi nghe xong, sợ toát mồ hôi, phục thầy bói Alô sát đất.

- Em ạ...

- Gì hở, anh ?

- Đọc lại cách chỉ dẫn dùng Ménol xem sao ? Hì hì, đây rồi “Trong khi trị liệu lần đầu, có thể xảy ra chứng buồn mửa...”

- Hú vía.

Khuôn mặt nhà tôi rạng rỡ. Tôi bắt tội nghiệp đàn bà. ở Chợ Lớn có một đàn bà Việt gốc Hoa rất sợ đẻ. Mụ tới trình bày hoàn cảnh với bác sĩ. Vị bác sĩ nọ hơi khôi hài, ông ta khuyên mụ nên ra hàng thuốc lá mua mười hai cái kẹo sô cô la bọc giấy vàng, mỗi tháng xài một cái. Mụ đàn bà ngu dốt cứ thế mà thi hành. Mỗi tháng mụ nuốt một cái. Mới nuốt đến cái thứ sáu, mụ đã thấy bụng nổi báng. Mụ đến bắt đèn vị bác sĩ nộ. Vị bác sĩ cười bò ra phòng mạch, Cười xong thì khen bộ máy tiêu hóa của mụ rất tốt. Nuốt sáu cái “áo mưa” mà bao tử không bị loét!

Về chuyện cai đẻ, tôi đã gặp lắm cảnh cười ra nước mắt. Có đàn ông sợ đẻ thay cho đàn bà, mỗi tháng mỗi nghiên cứu phương pháp Ogino khiến vợ ông ta phát chán, nhờ luật sư làm thủ tục ly dị. Theo chị đàn bà này, công việc sáng tác là theo hứng chứ không thể áp dụng bằng công thức một cách máy móc. Lại có đàn ông giấu vợ đi thiến. Thiến được một năm thì vợ thủ thì... có bầu. Anh đàn ông trợn trừng mắt, sùi bọt mép, ngất ba hôm. Tỉnh dậy, sờ lên đầu mới hay đầu mình lởm chởm sừng non, sừng già. Đành ngậm nỗi căm hờn, không dám nói, dù chỉ nói với vợ.

Ménol không được chiếu cố tận tình bằng Lyndiol. Vì nó chế “xú lít xăng” của Tây. Đàn bà luôn luôn có lý. Đàn bà nói :

- Việt Nam làm ẩu tả, thuốc thiếu “đô” là thường. Thuốc cai đẻ mà thiếu “đô” thì... chết.

Đàn bà nói là trời nói. Đàn ông cãi :

- Phải có tinh thần “ta về ta tắm ao” Muốn dân mạnh, nước giàu, ta nên dùng đồ nội hóa.

Đàn bà quắc mắt :

- Ao ta là ao tù anh cũng bắt tôi tắm à ? Nhỡ ghẻ thì sao ?

Đàn ông bèn câm miệng. Tôi biết chắc tổ sư A-đam đã nhất định không chịu để tổ sư E-vơ mớm táo. Nhưng E-vơ nhiều đòn vọt. Đòn thứ nhất là tỉ tê giữa đêm khuya thanh vắng khi chỉ còn giun dế đùn lên những giọng sầu. Hàng triệu triệu đàn ông “chết rồi vẫn trỗi dậy dẹp ghế bố” chẳng phải vì uống thuốc bổ thận của nhà thuốc Thảo Nam Sơn. Mà vì điệu tỉ tê gù đạp :

“ Đêm khuya thanh vắng để làm chi

Ăn no ngũ kỹ lại nằm khì

Chàng ơi trở dậy chiều em tí

Đi...”

“ Đi”, ôi tiếng “đi...” nũng nịu làm như trời nồi gió lớn và giục đàn ông dựng cột buồm ra khơi. Đàn ông, chỉ những anh điếc mới không nghe được âm thanh gợi tình của tiếng “đi” từ đôi môi đàn bà êm ái như điệu gió đàn bò vào tai mình. Có thể, bọn đàn ông thô lỗ “lông nách một nạm, trà tàu một hơi, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu”, lại trót tu bẩy xị đế, ngủ rống như còi xe lửa, răng nghiến răng ken két mới tàn nhẫn đến cái độ không thèm “trở dậy chiều em tí”. Những lãng tử, những nhà nghệ sĩ chân chính trên cõi đời, dù đang nằm mơ thấy ngày mai đói rách, thoáng nghe âm thanh “đi” là vội tỉnh như con sáo sậu, “đi” liền. “Đi” mau, “đi” hăng và “đi đến nơi chân trời xa”... Do đó, những nhà nghệ sĩ trót “chiều” nàng tiên Hít Tô Phe thì không kể, còn đều giống bầy cò hương. Vì “chiều em tí” rất nhiều... tí!

Thần tượng A-đam sợ vợ của tôi đã nghe lời u mê của E-vơ vào một đêm khuya thanh vắng, lúc Giê-hô-va đang ngủ say. Đó là giả thuyết đầu. Đòn thứ hai của đàn bà là khấp quyền tức đòn khóc. Đàn bà, nhất là đàn bà đẹp mà khóc thì nó ai oán, não nùng khôn tả. Những thi sĩ trứ danh đều ví nước mắt đàn bà như giọt ngọc. Vua Trụ, vua Châu, vua Ngô đi ô tô bương sự nghiệp là bởi những người đàn bà đẹp Đắc Kỷ, Bao Tự, Tây Thi buồn. Khóc xong sẽ buồn, Đàn bà buồn, đàn ông sợ thấy mẹ. Gần đây, những giọt nước mắt của người đẹp Hạ viện Kiều Mộng Thu đã làm đôi còng còng tay đàn ông Trần Ngọc Châu mềm nhũn ! Vợ tôi mà khóc, tôi có hai cách đối phó. Hoặc năn nỉ “Anh lạy em, em nín đi cho anh nhờ”, hoặc kiếm vài cái ly rẻ tiền đập nát, ra cái điều “ông” Tác giăng nổi giận. Cách thứ nhất ngon lành hơn.

A-đam lắc đầu từ chối E-vơ khóc. Rồi buồn. Đàn bà buồn, lạ thay, đẹp và quyến rũ bội phần. A-đam nuốt nước miếng cái ực, gồng người, há miệng đớp miếng táo của E-vơ. Đàn bà mớm tạo, mớm luôn lưỡi và hương tình. Đàn ông gục xuống như một nô lệ hạng bét. A-đam đã thua trận đấu... táo ! Đó là giả thuyết thứ hai. Hai giả thuyết là đủ chứng minh đàn bà nhiều đòn phép. Đời sau, tôi thấy có mỗi bà Đặng Thị Tuyết Mai là không tỉ tê và khóc buồn với ông Nguyễn Cao Kỳ giữa đêm khuya thanh vắng. Vợ một ông tướng nó khác lạ chăng ? Hay ông tướng không có tâm hồn nghệ sĩ để nghe điệu gió đàn “đi” êm ái luồn vào tâm tưởng. Để được trong sạch suốt đời ? Ôi, cuộc đời có nghĩa lý gì mà cần trong sạch với nó. Phù du, phù du cả mà thôi, Lý Bạch chả đã ngâm vang : “Phù sinh nhược mộng vi hoan kỷ hà” đó ru ! Than ôi, ta tiếc đã không được công hầu khanh tướng để mang tiếng vì đàn bà đẹp mà thân bại danh liệt. Phải là đàn bà đẹp. Chứ, đàn bà xấu xí đờ cốc xi cốc, đùi hom hem lại biểu diễn đầm già, hàm răng năm bảy chiếc bọc vàng, mắt toét, lỗ mũi hướng thượng thì xê ra để ta trở thành người quân tử!

Ta chỉ là một nghệ sĩ, một thứ đói rách thất học không biết kiếm cơm áo bằng cách nào, bèn thử thời vận múa bút. Và trở thành nghệ sĩ. Đời không hiểu ta cứ ngỡ ta sinh ra đời là ôm mộng văn chương. Ôi, văn sáng giá hay văn tối giá thì, nói theo bạn ta là Mai Thảo, đều giống tô phở. Kẻ quen miệng ăn phở tiệm này khen ngon, kẻ không quen miệng thì chê dở, khen tiệm nọ. Đứa trót viết văn cứ viết, nào cần viết hay hay viết dở, nào cần nghĩ văn minh được giá hay mất giá. Khi ta còn lêu bêu như chó mất chủ, con gái yêu ta chỉ có vợ ta. Tới lúc ta có sổ gia đình, gặp những tai nạn nghề nghiệp, bị đời dọa “tỏ thái độ”, khối kẻ mong muốn “thái độ” vùi dập ta. Lại vẫn chỉ có vợ ta tiếp lửa tranh đấu cho ta. Nên bổn phận của ta là sợ vợ ta. A-đam đã sợ E-vơ.

Con cháu của A-đam thấy con cháu của E-vơ chê Ménol, bèn chê :

- Ừ, phải đấy.

- Phải cái gì ?

- Phải “người về u buồn khắp trời” với Ménol

- Là gì ?

- Biệt ly.

- Biệt ly cái gì ?

- Giã từ ấy mà, giã từ Ménol !

- Anh lộn xộn quá.

- Anh hiểu rằng anh lộn xộn lắm. Bây giờ là thời đại nổi loạn, em biết chứ ? Muốn đề phòng một nổi loại vô duyên cớ, anh lạy em, em cứ để anh xung phong... thiến !

- Lãng nhách.

- Em ơi, thấy em khổ sở vì Lyndiol, Ménol, anh thương em lắm. Thiên hạ chúng nó lạy vợ để ra ứng cử tổng thống, nghị sĩ, dân biểu, nghị viện và xã trưởng, anh không thể hèn hạ thế. Anh hiên ngang hơn chúng nó, nhân danh tình yêu vợ, anh lạy em cho anh đi thiến. Anh sẽ có “chứng chỉ thiến”, một chứng chỉ bảo đảm quyết liệt cho sự nghiệp của anh nếu như, vô phúc thiếu âm đức, anh được nhà nước cử làm đại sứ tại một nước trung lập.

Nhà tôi, con rắn của Giê-hô-va, dù khôn ngoan cách mấy, cũng vẫn tưởng tôi tình nguyện thiến đến nơi rồi. Đàn bà tinh nhưng không ranh. Cho nên, cái thành ngữ “khôn ba năm dại một giờ” là cái thành ngữ thương xót đàn bà. Chỉ dùng cho đàn bà. Tôi vốn là kịch-sĩ-hài-hước-không-thèm-lên-sân-khấu. Bạn bè tôi đã nói rằng : thằng Nguyễn Văn Lương mà giễu, Tùng Lâm, Phi Thoàn, Khả Năng, Thanh Việt, Thanh Hoài sẽ thất nghiệp. Tôi cóc thích thiên hạ thất nghiệp. Bởi vì, tôi đã kéo dài nỗi buồn thất nghiệp sáu năm ròng rã.

Nếu hề Minh đã ai oán những câu vọng cổ: “Anh hai ơi, anh hỏi tôi năm nay được bao nhiêu vợ ? Tôi vội vàng lấy sổ ra coi. Từ năm hai mươi cho tới ba mươi, tôi có cả thảy là năm con vợ. Con vợ đầu tiên của tôi ở Cần Được con bà Tư bán mắm ruốc ở bên... ớ... ơ... ờ... ơ... đình... Tôi lấy nó năm mười tám, qua năm sau thì cái bụng nó chình ình...” Tôi có thể ai oán hơn khi diễn tả sáu năm thất nghiệp của tôi. Tôi đã thuộc lòng hàng trăm bài vọng cổ thu đĩa lải nhải tối ngày tại một quán cà phê ba Tầu trong ngõ tôi cư ngụ. Này là “Ngày mai đám cưới người ta, Tại sao san nữ Cà Pha lại ơ ớ ơ ờ ơ... buồn”. Nọ là “Thằng Mễ Tây Cơ kia ơi tao là Ringo số dzách mày hãy coi tao rút xéng nổ ơ ớ ơ ờ ơ... đoàng”. Về tân nhạc, tôi có hy vọng trở thành nhà... bới lông tìm vết đặc sắc. Tôi đã thưởng thức phước thiện hàng ngàn bản tân nhạc. Chẳng hạn, cái câu ví von “Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng” của ông Phạm Duy thì “pô ti nê”, ít ra, cũng nửa trang báo lá cải. Nguyễn Du chơi chữ “Nay hoàng hôn lại ngày mai hôn hoàng” tuyệt cú mèo. Nhưng nhạc sĩ mà diễn tả “đường gập ghềnh đoàn xe đi trong ánh hôn hoàng” thì không ai ngửi nổi.

Ngoài cái sự thất nghiệp nghe cải lương, tân nhạc để bới lông tìm vết (Vì vô công rồi nghề. Nhàn cư vi bất thiện mờ lỵ), tôi còn có thể thuộc rất nhiều tên những danh tài “bun” tại vùng ngoại ô Hòa Hưng và biết rõ từng “dzơ” của họ. Công viên cư xá Chí Hòa có bao nhiêu “lối đi dưới lá”, bao nhiêu ghế đá, bao nhiêu ngọn đèn, tôi đều biết. Nhà em Hồng Hảo số mấy, tiếng dương cầm buổi chiều khác tiếng dương cầm buổi trưa ra sao, tôi hiểu tường tận. Bà kỹ sư kia thua bạc nặng, phải “nhẩy dù” khiến ông kỹ sư mọc sừng rên siết hay con gái rượu của cụ công chức già, vì ham mê nghệ thuật nên phải ôm đàn ác coóc đê ông, thẩy thẩy, gã thất nghiệp có bổn phận phải biết. Dân thất nghiệp là dân biết rất nhiều, loại James Stewart, “l’homme qui en savait trop”. Tôi nghĩ, ngoài khối óc tưởng tượng siêu việt của bậc thầy Vũ Trọng Phụng, những nhà phóng sự trào lộng, những tay viết “potin” hôm nay, phải là những người biết quá nhiều. Ngài đã đọc Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Đình Thiều, Dương Hùng Cường, Phan Nghị, Hồng Dương ? Ngài đã hỏi : tại sao họ biết nhiều thế ? Họ có những khối óc tưởng tượng.

Riêng tôi, học hành ngu dốt, đầu óc tối tăm, tôi không có chữ để đọc, không biết tưởng tượng. Bù vào đó, tôi thất nghiệp ròng rã sáu năm, nhờ trí nhớ tốt, tôi phăng phăng kể hiến quý vị những điều tôi đã biết. Thí dụ ngôi chùa Bửu Đà trong hẻm 418 đường Lê Văn Duyệt, Sàigòn. Thưở ấy, dĩ nhiên, chưa có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi kể lại chuyện chùa chiền nhất định, không phải với mục đích gì khác hơn mục đích... thất nghiệp của tôi. Chùa ta do một sư cụ từ Phan Thiết vô, sang lại của một vị sư cụ. Sàigòn có “chế độ” sang nhà rất ngoạn mục. Sang nhà được thì sang chùa cũng được. Trước ngày Giáo Hội Phật Giáo thành hình, quý vị sư Sàigòn chủ trương mỗi chùa một sư và bất động sản không thuộc quyền giáo hội. Gọi là tu tự do. Như làm thơ tự do vậy. Sư cụ nhà ta đang tu ngon lành. Mỗi cuối tháng dư cam táo, hương nến sai chú tiều đem phát mại. Bỗng từ căn nhà ông Tây lai nơi dân đánh “bun” thường tụ tập ngoài sân, biến thành cái chùa. Chùa Hòa Bình. Một sư cụ đã sang căn nhà của ông Tây lại để... mở chùa. Chùa Hòa Bình quyến rũ phật tử hơn chùa Bửu Đà. Thế là hai sư cụ gây chiến tranh lạnh. Kịp khi có đấu tranh chống Diệm, chùa Hòa Bình chống hăng, chùa Bửu Đà im lặng. Bửu Đà hóa ra Cổ Sơn Môn! Chẳng biết đến nay hai chùa đã thống nhất chưa ?

Tôi còn hiên ngang kể thêm thật đông chuyện thất nghiệp của tôi. Đề chứng minh rằng tôi sợ thất nghiệp. Sợ và cóc thích để những ai thất nghiệp trên cõi đời này. E-vơ, vợ tôi, thấy tôi thương vợ đến cái độ xung phong thiến thì cảm động lắm. Nàng quên khuấy mất câu tư tưởng bạc tỷ : “Mỗi thằng đàn ông là một thằng đánh lừa đàn bà, mỗi thằng chồng đều biết nói dối vợ.” Báo chí, hàng ngày đăng lai rai Sở Khanh quất ngựa truy phong. Dư luận kết án bọn đàn ông kịch liệt. Đàn bà đá đít đàn ông thì được tha thứ bằng hai câu ca dao :

“Bắc thang lên hỏi ông giời,

Đem tiền cho gái có đòi được chăng ?”

Ôi, đàn bà, đàn bà nhất, “năm bờ oăn”, Đàn bà chẳng có gì để mất. Đàn bà sướng nhé ! Thỉnh thoảng, có bị chồng đánh lừa, nói dối, đừng có mè nheo.

- Này anh...

- Gì ?

- Còn nhiều giải pháp... cai đẻ !

- Thí dụ ?

- Lắp cái vòng xoắn !

- Vòng xoắn à ?

- Ừ, vòng xoắn.

- Nhỡ nó xoắn “cái ấy” của anh thì sao !

- Nhảm !

- Ở đâu “gắn” vòng xoắn !

- Bác sĩ.

- Đàn ông hay đàn bà ? Anh cóc thích một thằng bác sĩ nào nhòm “con cua” của anh. Anh độc quyền “con cua” và chỉ bằng lòng công cộng hóa “con cò”.

- Anh định.., ngoại tình hả ?

- Không, anh chỉ muốn đại chúng hóa “con cò”.

- Vậy tôi độc quyền “con cò”.

- Đó chính là giải pháp anh mong muốn. Giải pháp thiến!

- Không ổn.

- Nhưng anh không thích em “gắn” vòng xoắn, phản tự nhiên.

- Lyndiol, Ménol thì sao ?

- À, cái đó coi như đã tiêu hóa. Anh nghe nói nhiều bà đã bị ung thư... tử cung vì vòng xoắn. Không, nước bốn nghìn năm văn hiến không thể noi gương Ấn Độ ăn bốc. Đàn bà nước Nam phi thường. Hãy chứng tỏ cái truyền thống... vú dài của bà Triệu. Anh cương quyết thiến em ạ ! Tưởng tượng em bị ung thư “chỗ ấy”, anh đau khổ lắm. Thương em hết chỗ thương, anh vẫn phải đại chúng hóa “con cò”.

- Ung thư thật à ?

- Ừ

- Sao anh biết ?

- Đọc báo Y Học.

- Em mong anh được làm đại sứ.

- Thôi, bắt tội ông Bùi Diễm thất nghiệp.

- Thế tính sao bây giờ ?

- Còn một giải pháp.

- Gì ?

- Chích.

- Chích gì ?

- Chích thuốc cai đẻ.

E-vơ-nhà-tôi ôm chầm lấy A-đam-tôi mà đòi mớm táo. Khi đàn bà yêu, đàn bà không toan tính gì cả. Nhất là yêu chồng. Bởi vậy, thỉnh thoảng, con rắn đang ăn lòng heo tại gia, nổi hứng, ôm lấy rắn đực mà hôn thì, thưa ngài, rắn đực phải nhăn nhó như khi để nhận đón hương vị của mắm tôm trong hương vị tình yêu! Đàn ông tính toán kỹ hơn. Thưở tôi còn lêu bêu, chưa được lấy vợ, tôi đã làm hàng chục em gái thất vọng. Anh đến thăm em một chiều mưa, thấy em sầu mộng ngồi chồm hổm nhổ lông nách hay nặn trứng cá là anh nhớ đường, anh về liền. Anh muốn trời mưa mãi, Anh cóc ước mơ một chiều thêu nắng đâu. Lâu lâu mới gặp em, ôm em toan hôn gỡ một cái, thấy răng em dính sợi rau xanh lè, anh vội vàng đẩy em ngã ngửa. Và anh chạy như thể trốn lính mà gặp cảnh sắt đón đường xét giấy. Anh tưởng tượng đôi mắt nhung huyền, nhưng khi anh thấy đôi mắt nhung huyền của em có cục ghèn, anh phú lỉnh gấp. Mời em đi ăn, ra khỏi tiệm, thấy em vẫn ngậm tăm, anh lên xe dọt lẹ, mặc em ngẩn ngơ chẳng hiểu vì sao tình đang mặn hơn muối bỗng nhạt quá nước ốc. Vân vân...

Tôi chưa hề bị E-vơ nổi tình trong lúc đang say sưa ngốn lòng heo chấm mắm tôm. Thời gian nhà tôi và tôi bàn luận về thuốc chích cai đẻ, nàng đương thưởng thức sầu riêng, thứ trái cây tuyệt vời của miền Nam yêu dấu. Mười lăm năm rồi, tôi mới chỉ cảm nổi hương sầu riêng. Chưa lần nào tôi dám thử ăn. Nhà tôi, như tôi đã diễn tả, ôm chầm lấy tôi đòi mớm táo. Tôi quên béng mất rằng sầu riêng tô đầy môi nàng. Và tôi ói cả ra mật vàng. Than ôi, đàn ông, cái số kiếp của mi vất vả. Giê-hô-va đã bảo mi phải đồ máu mắt mới có cơm ăn. Mi lại còn mửa mật vàng chịu đựng vợ... yêu nữa ! Mi là cát bụi, mi sẽ trở về với cát bụi. Lạy Giê-hô-va vạn lạy, ngài cho con về cùng cát bụi ngay lập tức đi. Con khổ sở, khốn nạn vì chuyện đẻ của đàn bà. Giê-hô-va Chúa Trời cũ, ngài biết không ?

- Thuốc ấy ra sao hở, anh ?

- Ra... cai đẻ.

- Biết rồi.

- Biết rồi thì thôi.

- Thôi mà cưng, em xin lỗi.

- Cái sự kinh kệ sớm muộn của em đã làm anh mất ăn mất ngủ. Thổi hạt bụi vướng trong mắt em, anh cũng phải cầu khẩn tổ tiên phù hộ anh. Lấy cái mẩu thuỷ tinh li ti xuyên qua gót chân em, anh cũng phải lạy trời, cho anh thành công. Đi lấy áo dài cho em, anh cũng phải vái Phật để tiệm may đúng hẹn. Rồi hôn em, anh bị... đầu độc bởi sầu riêng!

- Anh...

- Cô muốn gì ?

- À, anh dở chứng, anh sinh sự đấy nhé !

- Đâu dám, em ơi !

- Tôi yêu cầu anh nói về thuốc chích cai đẻ.

- Anh nói liền.

- Nói lẹ đi.

- Nói đây : Chích vào mông, ba tháng một mũi.

- Vào lúc nào ?

- Sau ngày hạ cờ Cộng sản.

- Bảo đảm chứ ?

- Trăm phần trăm.

- Tên thuốc ?

- Anh viết ra đây cho em. Đọc xong đốt liền kẻo mang tội tuyên truyền... tội lỗi.

- Cai đẻ đâu phải là tội lỗi.

- Ờ, vậy mà các cụ cố đạo hội thảo chống cai đẻ ầm ỹ.

- Các cụ ấy có đẻ đâu mà biết nỗi đau đẻ. Chúa không cấm cai đẻ. Mười điều giới răn có nói gì về cai đẻ bao giờ ?

- Đồng ý. Nhưng anh nói thầm tên thuốc chích với em là đủ.

Nhà tôi, E-vơ, con rắn độc của Giê-hô-va Chúa trời cũ, sau khi phiêu lưu trên bước đường Lyndiol, Ménol, chê bỏ vòng xoắn, đã phiêu lưu thêm... thuốc chích cai đẻ. Lạy Chúa, lạy Phật, xin phù hộ con, phù hộ cái số kiếp hẩm hiu của đàn ông.

- Anh ạ!

- Gì đó em ?

- Mới chích mười ngày mà nó đã ra...

- Thế à ?

- Dạ.

- Chắc thuốc lạ đấy. Rồi nó sẽ chơi thân với trứng. Và nó tìm cách hạ bất cứ kẻ nào dám đòi trung lập mí ly... của anh.

Tôi an ủi nhà tôi. Mà chính là để trấn an mình. Tôi đã nhìn rõ nỗi... sầu riêng của mình. Bèn âm thầm đi hỏi đốc tờ. Anh đốc quen thuộc bảo đảm không sao cả. Chích thuốc đỡ tai nạn quên, song, thỉnh thoảng, cờ Cộng sản phấp phới bay. Bay nửa ngày. Để cổ võ chủ nghĩa xã hội, đôi khi, cờ bay trong quần hai ba ngày. Không xác định rõ thời gian kéo cờ. Tôi về nói tường tận cho nhà tôi hay. Nàng cằn nhằn :

- Tốn “xẹc vi ét” thấy mồ !

- Mà đỡ bị đẻ.

- Em sẽ mất hết máu. Đề yên người ta đặt vòng xoắn cho xong.

- Tại sao em can ngăn anh thiến ?

Hai vợ chồng nhìn nhau. Tôi nghĩ, trong đời nếu có phút cảm động thì phút cảm động đó, nhất định phải là phút thương yêu mà không nói nổi những lời thương yêu. Nhà tôi chớp mắt. Một nỗi xót xa gặm nhắm linh hồn tôi. Chưa từng có thời đại nào con người lo sợ đủ thứ như thời đại này. Lo sợ chiến tranh. Lo sợ đói khát. Lo sợ tình yêu. Lo sợ đẻ.

Cái hạnh phúc có truyền thống của bất cứ một gia đình Việt Nam nào cũng là hạnh phúc con cháu đầy đàn. Hạnh phúc đó bị đe dọa. Rồi mất đi kề tự thưở bom đạn nhập cảng cùng với đói rách, bệnh tật. Tìm đâu ra một sớm cuối năm, bố mẹ già ngồi đoán con dâu, con rễ, cháu nội, cháu ngoại, con đẻ, con nuôi về quê ăn tết vào đúng mấy giờ ? Tìm đâu ra một cụ già chưa quá sáu mươi, mừng tuổi cho hàng trăm cháu nội, ngoại ngày đầu năm ? Tương lai của chính mình, mình nhìn rõ nó đen tối, bấp bênh, ai thiết nghĩ tương lai con cháu. Nhà tôi, như mọi người mẹ quê hương, đã mong đông con trai, gái. Nhưng sự mong ước tàn lụi vì hoàn cảnh. Không dám đẻ song lại sợ không có con nữa thì nguy. Nên nàng ngăn tôi thiến. Tôi buồn rầu nói :

- Chích một lần thôi. Sẽ không dùng Lyndiol, Ménol, vòng xoắn. Ngay cả thứ “phó mát” cai đẻ tối tân của Nhật cũng chẳng thèm biết đến. Em sẽ tiếp tục đẻ. Đừng sợ, anh đã kiếm được một giải pháp thần sầu. Em ngại đẻ con không người nuôi chứ gì ? Chúng mình sẽ có, ít nhất hai em ma-ri-sến thường trực trong thời buổi “nhất sến, nhì xi, tam sư, tứ cố” này. Em bằng lòng chứ ?

- Tùy anh. Em sợ cai đẻ rồi. Thuốc cai đẻ làm em héo hon.

- Vậy cần đẻ. Nếu cai đẻ là chống Cộng thì đẻ sẽ là... đón gió trung lập. Lập trường của vợ chồng mình đã thay đổi

Nhà tôi ôm ghì tôi. Như thường lệ, ngọn đèn trong phòng tắt ngóm. Chúng tôi đã “nhé” thật kỹ. “Nhé” và không sợ có con. “Nhé” với tinh thần dân tộc, với cảm hứng thật của con người.