Nắng trải vàng trong campus. Đã lâu mới có một ngày nắng, nên có một số sinh viên đem khăn ra trải lên cỏ, rồi nằm lên đó phơi nắng hay vừa phơi nắng vừa đọc sách, học bài. Nàng cũng nằm phơi nắng, nhưng không đọc sách mà đọc thự Thư của Minh Mẫn, một người bạn xưa.

“... Ngủ một đêm tới sáng VC vô rồi, chạy gì nữa. Mấy ngày trước đó, ba tao cũng tính cho tụi tao về Saigon trước, máy bay lúc đó còn. Nhà có vườn cà phê cây lá xum xuê tốt tươi cách thị xã 6, 7 cây số. Nhưng cả nhà lại chạy trốn trong trường học của chùa, nghĩ là chỗ đó không ai sẽ pháo kích, vì có đông người, chớ ở nhà vắng vẻ sợ thấy mồ. Gặp nhỏ Thảo ở tại trường học, tình thế xảy ra nhanh quá, không ai kịp nghĩ nên đi hay nên ở, thì cũng tưởng gia đình nó ở lại, ai dè đâu sau đó lại theo làn sóng di tản. Nghe nói nó bị trúng đạn chết bỏ xác trên đường. Thảo chết khoảng giữa tháng bạ Chính nhà Thảo cũng không biết chính xác ngày nào. Tội nghiệp thằng bồ, thằng Thế đó, ở P chạy về, mặt mày hốc hác, râu ria mọc lổm chổm, vì buồn nhớ. Lúc trước nó học bên 12B đó, không biết mi còn nhớ không?Chính nó cho nhà tao biết tin của Thảo.

VC đã vô thị xã. Má tao lấy áo quần của anh tao cho Thế mặc. Tuy má tao không nói ra nhưng tao đoán là nhìn Thế, má tao nghĩ tới anh tao, ảnh đi lính đóng tận dưới Kiến Hòa. Anh Hoàng đó, ảnh hiền khô, chỉ lớn hơn tao có hai tuổi, 20 tuổi đầu thì lớn hơn ai. Ăn một bữa cơm nhà tao rồi sau đó nó đi, không ai giữ nó lại được. Nhà vắng muốn có thêm người cho vui. Chứ bữa về thấy xác chết trước nhà, máu văng đen tường, thấy ớn lạnh. Cũng may là chỉ có phòng chị T là bị dội hư hại, còn lại thì ở được.

Mùa hè hoa phượng vẫn nở đỏ rực, ve vẫn kêu rỉ rả. Đám bạn bè phải đi thủy lợi. Thủy lợi hay thủy hại? Thị xã đã buồn, bây giờ buồn thêm. Lâu lâu có nghĩ tới anh Hoàng, anh mất tích từ dạo ấy, không ai dám nghĩ là anh sống chết ra sao. Má tao đi coi bói, coi thầy tùm lum, không ai giúp được gì, nhưng vì lòng thương con, má tao cứ đi, mong ra biết anh còn sống hay đã chết, mà chết thì xác nằm ở đâu đặng đem về chôn cất đàng hoàng và thờ cúng.

Tao bỏ học ở nhà phụ má tao. Ngày ngày đi ngang trường cũ thấy buồn quá. Rồi thì có đợt đi, má tao bả lanh làm giấy tờ đi được... Cũng có thể là ông nội ông ngoại gì nhà tao có tí gốc Tàu, nên bây giờ con cháu được đi ra ngoài bán chính thức, nhưng mà cũng phải trả một cái giá đắt là nhà cửa, vườn tược giao lại hết cho chúng, và cái mạng của mình lênh đênh trên biển cả cũng giao cho Trời Đất, số mệnh... ”

Nước mắt của nàng chảy dài. Nàng đã may mắn ra được nước ngoài ngay thời điểm 75. Gặp Phương Tần ở phi trường, nhưng rồi lại nghe gia đình bạn chờ máy bay không được, đã trở về nhà và kẹt mãi bên quê, để rồi chịu một đời lam lũ. Lấy chồng, có hai con, rồi chồng vượt biên, bỏ xác ngoài biển khơi. Phương Tần, con gái nhà giàu nổi tiếng của thành phố lẻ, vẫn có những năm bươn chải ngoài xã hội, mà vẫn đói. Có muốn về bám víu nơi cha mẹ thì cũng không được, của cải sự nghiệp của ông bà cũng bị chính quyền mới lấy mất, già cả không bị bắt đi lao động hay cải tạo là may quá rồi.

Thỉnh thoảng, nàng giở cuốn lưu bút ngày xanh nhìn lại hình ảnh và nét chữ của bạn bè, thấy thương quá. Hồi đó, nhờ bạn bè thúc dục, nàng mới có cuốn lưu bút này, chứ không tin vào mấy cái vụ viết lách vớ vẩn, vì nghĩ chừng ra đời, ai mà còn giữ còn đọc lại đâu chứ. Vậy mà khi chạy đi, nàng đã nhớ mang nó theo, để rồi là người bạn bên cạnh của nàng trong suốt những ngày tháng cô đơn nơi những trại tạm cư và thời gian đầu khi đã có nơi ăn chốn ở cố định. “Bà kêu tui viết thì tui viết, chứ tui không biết viết gì đâu nghe bà. Có được nét chữ của tui, bà nhớ tui, là đủ rồi. Tui cứ ăn hột vịt lộn trong giờ Việt văn thì làm sao viết văn hoa cho bà được, bà thông cảm nghe. Tui”

Tui là ai, có một lúc, nàng đã không nhớ, chừng nhớ được, a cái thằng Tín, Trần văn Tín, con nhà tiệm phở Hùng Tín, ở góc đường Hùng Vương, nàng phải viết xuống cái tên đó dưới hàng lưu bút của nó, để nhiều năm sau mà nhớ, vì ai tin được là cái bộ nhớ của mình khi ấy còn tốt mà nhớ cho được chứ. Bây giờ Tín ra sao, nàng không biết. Nàng định là hôm nào viết thư cho Mẫn, nàng sẽ hỏi. Chẳng biết ông bà già nó còn giữ được cái tiệm phở đó không?

Hôm qua, đi chợ Á Đông trên Seattle, nàng gặp lại một thằng bạn cũ khác. Gặp bất ngờ thật vui! Nàng hỏi, nhớ tui không? Thằng bạn nhe răng cười nói, sao lại không nhớ, bà là Kim Liên, hồi đó bà trong đám quỷ quái đó mà. Hừ, nó còn nhớ mình và còn dám kêu cái đám con gái của mình là đám quỷ quái, ừ mà mình có làm gì đâu để được mang cái danh đó chứ. Chỉ phá phách mấy ông thầy trẻ thôi.

Hỏi chạy làm sao? Nó trả lời, chạy tán loạn qua Miên, qua Thái. Chuyện dài dòng lắm, nói mấy ngày cũng không hết. Nàng cũng cười, chuyện của tui cũng dông dài, đúng rồi, thôi để dịp khác sẽ nói.

Thằng Lý kêu đứa bé bốn, năm tuổi đứng lấp ló đang ôm chặt cẳng nó:

-Chào cô đi con.

Nàng ngạc nhiên. Cái thằng khỉ lấy vợ hồi nào mà con lớn bộn! Rồi nàng đoán có lẽ vì nó có dòng máu Tàu nên lấy vợ sớm chăng? Cũng có thể là lúc đi học nó đã hơn các bạn trong lớp vài tuổi, cha mẹ nó đã khai tuổi nó nhỏ lại để nó theo đuổi việc học cho vừa sức chăng? Đâu có lạ gì, hồi đó có anh đi học mà đã có vợ Ở trong quê!

-Mới bập bẹ thôi, nói chưa sỏi.

Nàng cúi người sờ nựng đứa bé, chưa gì nó đã thụt lùi.

-Cháu ngoan, cháu giống ba hay giống má đây?

Nói chuyện một hồi thì có một phụ nữ nhỏ nhắn, nước da trắng, ở trong tiệm đi ra, tay xách những túi thực phẩm khộ Nó cười giới thiệu nàng nói đó là vợ nó, rồi nó quay qua nói với vợ bằng một loạt tiếng “lèo” –vì nàng không nghe được! Không để cho nàng thắc mắc lâu, nó liền giải thích: -Bả là Tàu ở Lào, không nói được tiếng Việt.

Lúc chia tay, nàng và thằng bạn trao đổi địa chỉ, số phôn. Trời ở tận Portland, Oregon mà đi chợ trên này!

-Tại sẵn đi thăm bên phía của bả, rồi đi chợ luôn. Nghe nói Seattle có nhiều người Á Đông hơn, bán đủ món Á Đông hơn.

Bao năm trôi qua từ dạo đổi đời. Nàng đi làm rồi bây giờ lại trở lại đi học. Nhưng cái quãng đời học trò này thật khác xa cái quãng đời học trò ngày xưa. Vừa lái xe vừa suy nghĩ. Tới exit quẹo về trường đại học, suýt nữa thì nàng cho xe chạy luôn.

Vâng, thỉnh thoảng thì nàng có nhớ tới Thanh. Thanh theo đuổi nàng lâu năm. Thanh không viết chữ nào trong lưu bút của nàng, nhưng Thanh lại viết tặng nàng nguyên cả tập thợ Cái lần gặp nhau ở khuôn viên chùa Khánh Anh khi hai người cùng đi dự lễ Phật Đản, thì nàng cứ nhớ mãi, nhớ trời tối đó có gió, đứng nói chuyện bên nhau mà tà áo dài của nàng cứ quấn quít tạt quất qua người Thanh! Cũng có gặp nhau nhiều lần sau đó, cho tới ngày mạnh ai nấy chạy, để rồi mất liên lạc nhau.