Giới thiệu:Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, nhân vật “tôi” cùng các thành viên ưu tú trong ngành thăm dò địa chất của khắp Trung Quốc bất ngờ bị điều vào đại đội công trình địa chất bí mật.
Với tờ mật lệnh trong tay, họ không hề biết đích đến, không hề biết địa điểm cũng như nguyên nhân, họ bắt đầu bước chân vào cánh rừng rậm nguyên sinh ở biên giới Trung Quốc - Mông Cổ, nơi ngay cả những kĩ sư địa chất dày dạn kinh nghiệm nhất cũng chưa từng biết đến.
Cuốn tiểu thuyết là cuộc hành trình quái dị và rùng rợn vào chiếc hộp thời gian nơi đáy vực sâu. Và chiếc máy bay mà họ phát hiện, sau đó dùng để bay xuống vực sâu cũng chính là chiếc máy bay mà mấy chục năm trước quân Nhật đã từng dùng để bay xuống đó… Chiếc máy bay không ngừng lặp đi lặp lại nhiệm vụ đưa những con người tham vọng và tò mò đi gặp tử thần…
Vậy “tôi” có thể tác động được diễn tiến của quá trình và kết thúc tấn bi kịch này không hay anh càng gỡ càng rối, càng sa chân vào mớ bòng bong vô cùng vô tận của thời gian?
Sau bao nỗi lo lắng khi ngồi trong thùng xe tải kín mít đến nơi tập kết, họ được xem “thước phim số 0” tuyệt mật do lãnh đạo trung ương cung cấp. Cảnh tượng diễn ra trên màn hình khiến tất cả các thành viên đều không thể tin vào mắt mình: một chiếc máy bay ném bom hạng nặng của không quân Nhật xuất hiện trong lớp vỏ đá cách mặt đất 1.200 mét!
Đây là một âm mưu hay hiện tượng siêu tự nhiên? Nếu không phải không gian bị bóp méo thì sức mạnh điên rồ nào đã đưa chiếc máy bay xuống nơi đó?! Hay trước khi chiến bại, quân Nhật đã tiến hanh những hành động với mục đích vô cùng đen tối?
Trong thế giới con chữ đầy cạm bẫy nhưng rất mực mê hoặc, mỗi độc giả chạm tay vào tiểu thuyết của Nam Phái Tam Thúc đều sa chân vào những ngờ vực và ẩn số được bố trí khắp tiểu thuyết mà không thể tự thoát ra nổi!
Bộ tiểu thuyết Đại Mạc Thương Lang của tác giả Nam Phái Tham Thúc gồm hai tập là Thám hiểm cực địa và Chuyến bay tuyệt mệnh. Nam Phái Tam Thúc đã miệt mài suốt 3 năm mới hoàn thành bộ tiểu thuyết này. Nội dung của bộ truyện nói về chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm dưới hang động cách mặt đất 1.200 mét của các thành viên đội thám trắc địa chất đầu tiên Trung Quốc từ những năm 60 thuộc thế kỷ 20. Cả câu chuyện được diễn ra trong không gian đóng kín, tối tăm, đầy lo lắng, nghi hoặc, sợ hãi và cả ngộp thở. Đó là cuộc hành trình mà nhân vật chính suốt đời không thể nào quên, từng tầng bí mật nơi lòng đất sâu thẳm được hé lộ khiến người ta ngộp thở, nó thử thách lý trí của độc giả đến cực hạn.
Điều hấp dẫn nhất trong Đại Mạc Thương Lang chính là trí tưởng tượng tiệm cận đến điên cuồng và những cuộc thám hiểm tưởng chừng vô cùng điên rồ của các nhân vật trong tác phẩm, hai yếu tố đó liên tục kích thích hệ thần kinh độc giả, đặc biệt là những độc giả thích tìm hiểu những sự vật mới lạ và thần bí.
Vòng tuần hoàn chết trong bộ tiểu thuyết này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim “Tam giác quỷ” (Triangle). Trong đó, chi tiết khiến tôi thấy rùng rợn nhất trong phim là đống thi thể của nữ vật chính được chất đầy trên một góc con tàu, còn trong Đại mạc thương lang là một đống “tôi” sống sót trong “trạm lánh nạn”... (Trích trang “Quanhougan.net)
Nam Phái Tam Thúc là cao thủ viết truyện phiêu lưu mạo hiểm. Cảm giác khi đọc Đại mạc thương lang gần giống với cảm giác khi xem phim “Mất tích” (Lost). Cũng chỉ hai tác phẩm này khiến tôi nảy sinh cảm giác như vậy, bởi cả hai đều có trí ý tưởng và tưởng tượng đạt đến độ điên cuồng... (Trích trang “Lz13.net”)
Đọc câu chuyện của Nam Phái Tam Thúc thực sự thấy mất sức hơn tưởng tượng ban đầu. Bởi tư duy logic của tác giả vô cùng đặc biệt, nhìn thì có vẻ rất chặt chẽ và có đầu có cuối, nhưng thực tế lại vô cùng hỗn loạn. Kiểu truyện nhìn thì có vẻ rõ ràng nhưng thực chất lại rối rắm bao giờ cũng kinh dị hơn loại truyện vừa nhìn đã thấy rối rắm. Cũng nhờ thế mà nó trở nên thu hút hơn.
Hơn nữa, Nam Phái Tam Thúc lại sử dụng ngôi thứ nhất để kể truyện, khiến tôi có cảm giác như mình phải mò mẫm tư duy của một bệnh nhân tâm thần...