Đài cát tiểu thư - Chương 01
1.Ngày …tháng..năm Chúng tôi có mặt tại khu vực khách sạn từ sớm để chuẩn bị cho buổi đấu thầu. Tôi chỉ ôm cặp tài liệu trong khi chị Tuyết thì nói liên tục qua điện thoại. Chị ấy luôn như thế - bận rộn như không kịp thở. Có rất nhiều nhà đầu tư đến dự buổi hôm nay, do đó không khí đã rất căng thẳng. Mồ hôi tôi ra ướt đẫm thái dương, đầu nhức bưng bưng, tai ù đi cả. Cuối cùng buổi đấu thầu phải hoãn lại và họ chọn 3 nhà thầu triển vọng nhất cho dự án để phỏng vấn riêng, trong đó có chúng tôi. Tôi và chị Tuyết tiếp tục làm việc cùng nhau, tôi gọi về công ty, chị ấy thì đọc tài liệu. Bữa trưa chỉ có bánh mì kẹp thịt và trà chanh lạnh. Tôi ngán nó khủng khiếp. Hai giờ chiều, chúng tôi phải trình bày kế hoạch trong 30 phút, trả lời các câu hỏi trong 65 phút, và họ hẹn chúng tôi tuần sau sẽ có câu trả lời. Khi ra về tôi chỉ muốn lao xuống bể bơi ngay lập tức. Thức khoe cái kèn nó vừa mua, trông bảnh lắm. Tôi nghĩ chắc nó đã đập ống heo để mua chiếc kèn này, vì giá của loại ấy khá đắt, ít nhất là cũng quá tầm với những đứa như chúng tôi. Lão Phúc thì vừa bán cái xe để mua dàn organ và loa thùng. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho buổi ra mắt ngày mai. Tôi ư? Dĩ nhiên là phải mượn ông chủ tháng lương tới để đủ tiền mua bộ trống mới. Đam mê là thế đấy. Thức trằn trọc suốt đêm làm tôi cũng không ngủ được. Nó bảo – “cứ như sắp làm liveshow”. Tôi gầm gừ - “Ừ, liveshow, để xem có anh cảnh sát nào tóm về bốt không?” 2.Ngày..tháng..năm Tổng Giám đốc nhìn chúng tôi nghi ngại, vẻ mặt ông ta cho thấy không muốn chúng tôi tiếp tục nữa. “Bỏ đi, những dự án chính phủ đâu có dễ lấy?” . Chị Tuyết cười bình thản – “Hôm nay họ gọi, nếu giành được thì cho bọn em nghỉ 1 tuần nhé sếp.” Ông ấy gật, có lẽ cũng không thể làm khác đi được. Thật ra thì đây không phải là lần đầu tiên tôi đi tranh thầu với chị Tuyết, mà gần như hơn 10 lần rồi. Nhưng lần này thì khác, nó là dự án lớn, lợi nhuận cao và hầu như chúng tôi đã dành ra rất nhiều tâm huyết để theo đuổi. Cho nên tôi cứ bồn chồn lo lắng đến mệt mỏi cả từ sáng tới trưa. “Em trông ghê quá, thoải mái đi.” - Chị ấy đẩy ly café về phía tôi. “Nếu họ từ chối thì sao?” – Tôi vẫn thiếu tự tin hơn bình thường. Chị uống 1 ngụm nước, nháy mắt – “Thì…thôi. Không có nghỉ ngơi gì cả”. Tôi đâu có muốn nghỉ phép, chỉ là…tôi sợ thất bại. Tôi sợ mọi thứ trở thành công cốc. Trái với tôi, chị muốn nghỉ phép dài lắm, vì “chị đâu có thời gian cho thằng bé”. Đó là cu Tí, con trai 6 tuổi của chị. Đến lượt tôi nôn nóng, anh Khoa bảo đã thuê được chỗ rồi, góc phố Tràng Tiền. Hẹn lúc 4h mà mới 2h trưa tôi đã thấy sướng sướng thế nào. Hơn 3h, không chịu được nữa tôi xin nghỉ sớm, chạy về nhà, gặp Thức ở đó. Nó cũng y chang tôi. 4 giờ kém, lão Phúc đưa xe ba gác tới, chất 1 đống thứ lên, còn chúng tôi cuốc xe máy. Họ gọi điện, đồng hồ chỉ 5h kém 15. Chị Tuyết nghe xong, cúp máy, nhìn tôi – “Ok rồi cưng”. Đó là câu nói tuyệt vời nhất mà tôi đã chờ đợi. Tôi ôm chị và thở phào nhẹ nhõm. Cả phòng kéo nhau đi ăn mừng, lẩu bò và karaoke. Luôn như thế. Đó là thói quen của chúng tôi, và cũng là thói quen chung của dân Sài Thành. Hễ có gì là kéo ra quán. Tôi về nhà lúc 9h tối, cửa khoá. Tấn vẫn chưa về. Tôi mở cửa vào nhà và gọi nó – “Em đang đi uống với bạn gái”. Bạn gái à? Nó có bạn gái khi nào vậy? Công An không tóm chúng tôi. Buổi diễn hoàn thành tốt đẹp trong sự tán thưởng của khán giả - khách bộ hành. Tôi vẫn còn say mê trong cảm giác được chơi trống trên đường phố - 1 loại hình chỉ có ở nước ngoài, và giờ đây, chúng tôi là những người đầu tiên làm điều đó ở Hà Nội. Cả nhóm đã thực hiện được ước mơ. Nó ngọt ngào làm sao. Anh Khoa đếm tiền, và cười tươi cho chúng tôi biết kết quả không tồi, mặc dù chẳng ai trong chúng tôi quan tâm đến số tiền ngừơi ta bỏ vào thùng ấy. Chúng tôi chỉ muốn chơi thứ âm nhạc cuồng nhiệt và quyến rũ… 3.Ngày.. tháng.. năm “Em biết làm gì với 1 tuần nghỉ phép?” – Tôi đẩy chiếc xe trong siêu thị và hỏi. Chị Tuyết đang chọn 1 con robot chạy pin, nghe thấy thì nghiêng đầu nhìn tôi – “Du lịch đâu đó để xả stress đi.” Đi du lịch? Đi đâu? Đi 1 mình à? “Em ra Hà Nội đi. Mùa thu Hà Nội đẹp như thơ.” Chị đề nghị bằng giọng rất mềm, như thể chị đang mơ về xứ ấy. “Thế sao chị không đi?” – “Cu Tí đâu có nghỉ học được, ngốc ơi.” Tôi cười và gãi đầu. Hà Nội à? Thủ đô. Tôi đã đi Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… nhưng lại chưa từng đến Hà Nội. Có lẽ tôi không thích, tôi có vài ký ức không tốt về người xứ Bắc. Tình yêu đầu tiên của tôi dành cho 1 chàng trai gốc Hà Nội, anh ta là trưởng lớp Đại Học của tôi. Chàng tỏ tình với tôi trong năm thứ hai và tôi đổ ngay sau 2 câu: “Nếu mà bạn cần 1 người quỳ dưới chân thì quên tớ đi, nhưng nếu bạn cần 1 người nắm tay bạn giữa bão tố thì tớ ở ngay đây.” Thời ấy những cô gái trẻ như tôi khó mà thoát khỏi lời ngọt như mía ấy. Rồi chàng cưới 1 cô bạn cũng gốc Bắc sau khi tốt nghiệp - trở thành con rể của 1 chính trị gia. Con đường công danh của anh ta trải đầy thảm hoa hồng và theo tôi biết, nó còn rộng mở hơn phía trước. Lúc chia tay, anh ta cười với vẻ buồn bã, mà tôi không chắc là thật hay giả – “Hình như đời Thục chưa bao giờ có bão tố, nên chắc là không cần tớ nắm tay…” Nếu tôi có can đảm, tôi đã cho anh ta 1 cái tát. Chúng tôi chỉ chơi nhạc 2 ngày cuối tuần. Và đó là 2 ngày mà tôi luôn sống trong hạnh phúc. Bố tôi đâu hiểu nổi niềm khao khát cháy bỏng của tôi, không bao giờ hiểu. Nhưng tôi vẫn gọi điện cho ông, vì khi bạn hạnh phúc thì bạn thường chia sẻ với người bạn yêu thương nhất. “Con đã chơi, và đã được hoan hô bố ạ.” – Tôi kể trong niềm hân hoan vô bờ. Đáp lại tôi là 1 giọng lạnh băng – “Cứ bay trên trời rồi ngã đau thì đừng về tìm bố.” Cúp máy. Tôi hụt hẫng ghê gớm, bố luôn thế. Nhưng sao tôi cứ nhớ đến bố mỗi khi vui thế này? Tôi thấy cô đơn lạ lùng. Bố cứ thế, tôi sẽ chẳng bao giờ quay về nhà. Dù tôi cũng nhớ mẹ và em lắm. Nhắc đến mẹ, lại nhớ đến chuyện mẹ cấm tôi quen An mà buồn cừơi. Dù tôi và An chẳng có gì, nhưng mẹ cứ nghĩ lung tung. Mẹ không thích An vì An quá hiện đại, trong khi mẹ thích 1 cô con dâu truyền thống.Tôi thích An vì cô ấy hoạt bát, năng động, sôi nổi… Nói chuyện với cô ấy thú vị hơn những cô gái khác. Nhưng tôi có yêu An đâu, tôi mà lấy vợ, sẽ lấy 1 cô như mẹ. Đảm đang, dịu dàng. Ôi mà tôi còn trẻ chán, vợ con gì… 4.Ngày..tháng…năm.. Tấn vừa ăn sáng, vừa đọc báo, bất chợt nó hỏi tôi – “Chị đi Hà Nội à?”. “Ừ. Có lẽ.” – Tôi đáp khi đang thay đồ đến công ty. Bản thân tôi không thực sự quyết định, có khi tôi dành tuần nghỉ lên chơi với ba má và anh chị Hai. “Muốn tìm 1 tay như gã Duy nữa à?” - Tấn nhăn răng cười không biết rằng câu đùa của nó làm tôi nổi quạu, tôi xách cái giỏ và dắt xe ra ngoài sau khi ném cho nó 1 câu bực dọc – “Đừng giỡn với chuyện đó.” Người khác bảo tôi luôn che giấu sự tổn thương về chuyện tình đầu không thành, dẫu tôi bảo đó là 1 người bạn trai không có gì để nuối tiếc. Tôi không biết mình có tổn thương hay không, nhưng tôi luôn khó chịu khi ai đó nhắc đến tên anh ta, và nhắc tới chuyện tôi đã từng yêu 1 người như vậy. Giống như cái kiểu lòng tự ái bị xâm phạm. Tôi thấy bực tức vì bị bỏ rơi trơ tráo, chứ không phải là cảm giác nuối tiếc, đau khổ của kẻ thất tình. Hình như tôi không hề yêu Duy. Tôi vào công ty để làm 1 số báo cáo trước khi nghỉ phép. Gặp chị Tuyết, chị đưa ngay tấm vé đi Hà Nội, cười toe – “Mua sẵn, mắc công em lại nằm nhà. Con gái tuổi này nên đi nhiều để quen nhiều, để còn lấy chồng nữa!”. Tôi đón cái vé, thở dài – “Có tìm chàng nào cũng không tìm ở Bắc, xa xôi quá.” Hôm qua chúng tôi lên báo, chỉ 1 góc nhỏ thôi – “Ban nhạc đường phố ở Hà Nội”, có ảnh nữa. Ai cũng cắt ra bỏ vào ví, dù sao cũng là chuyện đáng tự hào. Vũ nổi tiếng nhất, vì nó hát chính, lại đẹp trai kiểu lãng mạn, nên chỉ mấy ngày đã có fans túc trực. Vài đơn vị thu âm đề nghị ký hợp đồng, nhưng anh Khoa từ chối. Đó cũng là ý chung của mọi người, nếu vào studio, trình diễn trên sân khấu, thì chúng tôi đã không còn là Ban nhạc đường phố nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp rắc rối với mấy anh cảnh sát giao thông, nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn khi chúng tôi hứa không chơi vào giờ cao điểm. Tối nay An có ghé qua nghe chỗ chúng tôi. Cô ấy cột tóc cao và mặc quần Jean xanh đậm. Mấy người trong nhóm rất thích An. Phải thôi, vì cô ấy dễ gần và hòa đồng mà. Tôi nói chuyện với An rất lâu. Cô ấy hiểu tất cả về tôi, nên tôi thấy không thể dừng nói. 5.Ngày…tháng…năm… Ba tôi mua căn biệt thự này bằng tất cả vốn liếng có được, kể cả bán căn nhà ở Quận 11 để đủ tiền đắp vào. Người bước qua tuổi 50 không hiểu sao đặc biệt thích sống ở ngoại thành, cả ba lẫn má. Anh chị Hai cũng về ở cùng, vì ba má thích cháu. Tôi và Tấn do công việc và học hành nên phải thuê 1 căn hộ nhỏ để ở lại nội thành. “Sao con lại đi Bắc?” – Má khuấy nồi canh chua, hỏi nhỏ thì thào như sợ ba tôi nghe thấy. Giọng tôi cũng thầm thì lí rí – “Con đi chơi cho biết thôi.” Ba tôi không thích ngừơi Bắc lắm, lúc trứơc 1 gia đình gốc Hà Tây ở cạnh nhà cứ hay gây gổ với ba tôi về chuyện sân sau, chỉ là chuyện cỏn con, nhưng người lớn cứ hay thành kiến. Sau vụ Duy – ông càng đậm thêm ấn tượng không tốt về họ. Dần dà, suy nghĩ đó ảnh hưởng cả tôi, vì theo má “con là đứa giống ba nhất.” Mẹ lên thăm tôi lúc chiều. Mang theo nhiều trái cây, rồi cả tiền nữa. Tôi bảo mẹ đừng đưa tôi tiền, vì tôi biết bố không thích. Mẹ cứ dúi vào, rồi rưng rưng – “Không cầm là mẹ buồn đấy.” Cho dù tôi có ngỗ ngược ra sao, mẹ luôn yêu thương tôi. Tôi bỗng thấy có lỗi với mẹ quá. Liệu bỏ nhà đi vì 1 đam mê có xứng đáng? “Hai ba tuổi rồi, nên kiếm vợ đi con ạ.” – Đấy, lại nữa rồi đấy. Tôi cứ cười trừ thôi, biết nói thế nào được. “Vợ ở đâu đầy ra đường để con lấy hở mẹ?”. Bà cốc đầu tôi, bĩu môi – “Thế cái An vẫn gặp thường đấy thôi.” Mẹ biết tất, mẹ cứ như có trinh thám! An mới đến hôm qua mà mẹ đã nghe ngóng được và lập tức lên để nhắc nhở tôi. Tôi cười ôm mẹ - “Mẹ cứ chọn cô nào xinh xinh, vừa ý thì con lấy ngay.” Sau bữa cơm chiều, tôi nói với ba là mai tôi đi du lịch, độ 4-5 ngày về. Ông không hỏi tôi đi đâu, chỉ dặn dò tôi cẩn thận, đừng để bệnh, đừng để bị gạt hết tiền, bị dụ bán đi Trung Quốc v…v... Tôi có phải con gái mới lớn đâu. Nếu mà ông biết tôi đi Hà Nội, chắc ông sẽ không cho tôi bước ra khỏi đây. Chị Hai tiễn ra cổng, hỏi 1 câu vớ vẩn – “Có cần chị đưa ra sân bay không?” – Tôi nhăn mặt - “Em đi du lịch chứ có phải đi định cư đâu.” Tấn lại về trễ, nó mò vào nhà với vẻ không còn gì có thể hạnh phúc hơn. “Em vừa hôn cô ấy!”. Tôi sặc ngụm nước đang uống, trố mắt nhìn thằng em. Nó 20 tuổi, còn con bé ấy bao nhiêu?? “Đừng nhìn với vẻ ganh tỵ!” – Tấn nói và bước chân sáo về phòng. Cậu nhóc đang yêu và đang ở thiên đường. Ừ, tôi ghen tỵ.