LỜI NÓI ĐẦU

ói về Raxun Gamzatốp có nghĩa là nói về Đaghextan, xứ sở trên vùng núi Kapkazơ, nơi có 36 dân tộc đang chung sống, trong đó có dân tộc Avar. Raxun Gamzatốp là người Avar. Thêm nữa: nói về Raxun Gamzatốp có nghĩa là nói về thơ ca, nói tới những trang ghi thêm vào thơ ca của Raxun Gamzatốp, một trong những nhà thơ Đaghextan nổi tiếng nhất, tác giả của hàng chục cuốn thơ, trong đó có "Thơ bát cú" Gamzatốp rất xuât sắc, vì nó là sự tái tạo thể thơ cổ vốn có sức quyến rũ tâm hồn và nhạc cảm. Nói về Raxun Gamzatốp cũng tức là nói tới Gamzát Xađax, người đã làm rất nhiều cho việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân gian của dân tộc Avar. Có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu từ đó. Nếu như lướt qua cuốn Từ điển Bách khoa Liên Xô chúng ta sẽ đọc được những dòng: "Xađax Gamzát (1877 - 1951) nhà thơ Xô Viết người Avar, nhà thơ nhân dân của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Đaghextan (1934). Ông là cha của Raxun Gamzatốp..." Vâng, rõ ràng điều đó có nhiều ý nghĩa - ra đời trong gia đình một nhà thơ lớn, người đã đi vào lịch sử phát triển tinh thần của dân tộc mình. Điều đó cũng buộc Raxun phải nghĩ tới nhiều thứ. Và vấn đề không chỉ ở chỗ Raxun là con trai của Gamzát, viết văn từ rất sớm, năm 14 tuổi đã được in. Cần phải tìm cho ra con đường của mình, cũng như bản thân mình trong nghệ thuật; thế mà điều này lại rất không đơn giản, khi bên cạnh anh là một tài năng lớn, khi tên tuổi cha anh đầy ý nghĩa đối với dân tộc anh vừa soi sáng cho anh vừa động viên anh. Raxun đã lớn lên trên chiếc cây gia tộc mình như là một nhánh vững chãi, đáng tin, đẹp đẽ, một nhánh cây đã đâm hoa kết trái làm sống lại dòng nhựa của rễ cây bền vững lâu đời. Hôm nay đây Raxun Gamzatốp - cũng như cha ông - là nhà thơ nhân dân Đaghextan. Ông là thành viên của Chính phủ, đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô, người được Giải thưởng Lênin. Và thêm nữa, ông được mọi người yêu mến. Là người được độc giả và thính giả yêu mến, Raxun Gamzatốp thường phát biểu, tiếp xúc với một cử tọa rộng lớn và đa dạng. Ông là người được dân tộc mình, được vùng núi Kapkazơ và tất cả đất nước Xô Viết yêu mến. Do đó khi Raxun viết xong cuốn văn xuôi này cũng đã gây nên được một sự quan tâm và hiếu kỳ to lớn. Qua những nhận xét đầu tiên người ta thấy rõ rằng cuốn sách đã thành công...

Chúng ta cần kể về điều đó, bởi vì độc giả tương lai nhất định cần biết Raxun Gamzatốp, con người yêu đời vĩ đại đó, người biết mừng vui vì cuộc sống, biết thưởng thức cuộc sống và chính bản thân mang cho cuộc sống ánh sáng và niềm vui, con người ấy là ai vậy. Song kể về cuốn sách “Đaghextan của tôi” khó khăn hơn là kể tóm tắt về tác giả của nó. Bởi vì đây không phải tiểu thuyết, cũng không phải truyện vừa, đây không phải ký sự cũng không phải tư liệu. Đây là tác phẩm văn xuôi vượt ra ngoài định nghĩa và biến thể của loại hình văn học. Nó rất tự do và theo nghĩa ấy có thể ví nó như con chim bay và từ trên cao thấy rõ như trong lòng bàn tay, những núi non, khe vực thân thuộc, những làng mạc và phố phường, những nhà cửa và chợ búa, những con chim ưng và những con dê, niềm vui và nỗi lo lắng, quá khứ và, có lẽ, cả tương lai. Nhìn chung nó là cuốn sách tự truyện chỉ có điều đó là tiểu sử nhiều cốt truyện, nhiều giọng nói: tiểu sử của nhà thơ, tiểu sử làng bản thân thuộc và tiểu sử dân tộc. Cuốn tiểu sử tự thuật nhiều thành phần này lại giàu chất thơ và rất chân thành. Nó đậm sắc trữ tình, nó được sưởi ấm bởi sự hài hước nhẹ nhàng, nó được chiếu sáng bởi sự láu lỉnh - cái láu lỉnh tinh nghịch dí dỏm - chẳng khác nào trong chiếc tráp cổ kính không chỉ có một đáy mà trong mỗi đáy, lại còn chứa những điều bí mật của nó. Raxun Gamzatốp biết sử dụng khéo léo ngôn ngữ huyền diệu của dân gian giàu nhạc điệu và đầy màu sắc, đổng thời biết hòa trộn bất ngờ các sắc điệu văn phong rồi nói lên bằng ngôn ngữ tươi mới và phóng khoáng của người đương thời.

Cốt lõi của cuốn sách vẫn là phương pháp văn học hết sức giản dị. Dường như Raxun Gamzatốp xin ý kiến độc giả và viềt lời tựa cho cuốn sách tương lai của mình. Ông suy nghĩ kỹ càng về cuốn sách ấy, thấy khoái cảm vì nó, ông như quên đi những âm điệu khác nhau và những kiến giải cùng chiều, ông nhớ lại, ông suy ngẫm, ông trò chuyện với độc giả, với những người quen, với những người thân thuộc và người cùng làng. Ông cho chúng ta biết một lượng thông tin thú vị nhất về Kapkazơ, về Thơ ca, về Cuộc sống, về Con người, về Lịch sử. Tác phẩm được thêm vào nhiều truyện vừa mà mỗi truyện ấy cũng có thể thành một tác phẩm riêng. Đây đó trong tác phẩm ông tung ra nhiều câu tục ngữ, ngạn ngữ, ông kể những chuyện vui và cả những chuyện buồn đã xẩy ra với chính tác giả, với bạn bè ông hoặc nó còn được giữ lại từ lâu trong ký ức của nhân dân. Tác giả không sợ phải ngắt mạch truyện của mình bằng một cốt truyện khác, ông như đi lạc đề hoặc đùa vui, hoặc kể những chuyện hoàn toàn buồn - nói gọn lại, ông đã đối xử với bạn đọc như với người đối thoại tự do, sinh động, nghiêm túc và thông minh sắc sảo. Do đó ngay trong văn bản cuốn sách đôi khi không biết vì sao đó có vẻ là lạ như thể không phải là văn viết: nó có nhiều kiểu chữ khác, nhiều đoạn ngắt quãng, nhiều chỗ tách ra cứ như nó giữ lại trong bản thân dấu vết của thứ khẩu ngữ lộn xộn. Chính sự phá vỡ đó của hình thức nghệ thuật cuốn sách đã đảm bảo cho dung lượng hết sức lớn của nó. Cuốn sách của Raxun Gamzatốp không chỉ là lời tự thú của tâm hồn nhà thơ, nó còn là một cuốn bách khoa thật sự về cuộc sống của dân tộc Avar. Có lần chính Gamzatốp đã viết về bản thân mình như thế này: “Cha tôi gọi tên tôi là Raxun - mà theo tiếng Arập thì từ ấy có nghĩa là người đại diện. Hạnh phúc thay cho nhà thơ nào được độc giả nói về ông ta như thế này: đó là người đại diện của chúng tôi, người đại diện của nước chúng tôi, của nền thơ ca chúng tôi. Ở đây tôi không thể nói rằng tôi xứng đáng với tên của mình. Song bao giờ tôi cũng mong muốn được như thế. Tôi sống ở thủ đô nước Cộng hòa tự trị Đaghextan, tại thành phố Makhátkala trên phố Mácxim Gorki. Nhà 15. Khi các bạn tới vùng chúng tôi xin mời bạn ghé chơi nhà tôi. Lời chúc mừng yêu thích của tôi là: chúc cho những người tốt sẽ gặp những điều tốt đẹp, mong cho kẻ xấu sẽ gặp những điều xấu xa. Dù rằng điều đó thường xẩy ra ngược lại”.