Có người sinh ra đời là ôm theo một cái hoài bão ngay từ lúc biết nói, biết nghĩ.

Như ông Mít từ thuở nhỏ trong óc lúc nào cũng vơ vẩn có cái nguyện vọng là được làm "ông Hàn". Khi ông còn để chỏm, miệng chưa sạch hơi sữa, ông đã đeo mảnh giấy trắng làm cái "bài ngà" và sợi chỉ đỏ làm dây "kim tông", cũng như các trẻ khác đeo những "mày đay" bội tinh bằng kẽm bán ở các hàng tạp hoá. Mỗi lần đi ra phố tuy còn bé mà ông đi đứng một cách bệ vệ như lấy cái bài ngà giả đeo lủng lẳng ở ngực làm vinh...

Nhớn lên học hành cũng không lấy gì xuất sắc, sau mười năm đèn sách, ông giẫm phải vỏ chuối lúc vào thi Tuyển sinh, biết rằng có theo học nữa rồi cũng đến chữ giả thầy. Ông bèn ở nhà, cưới một người vợ đẹp, vì nhà ông cũng là nhà giầu có.

Hai vợ chồng ông sinh hoạt ở Hà Nội cũng như cách sinh hoạt của những ông "giầu đục" khác; giao tiếp rộng và lấy làm vinh hạnh được quen biết mấy quan tham to, phán lớn ở các sở, các tòa.

Tuy vậy mà cái nguyện vọng những ngày còn nhỏ vẫn không bỏ ông, ông thường băn khoăn về nỗi không được quyền mang bài ngà ở cúc áo.

Những người đeo thẻ ngà ông gặp đi trong phố càng như châm chọc lòng ông, ông nhìn họ bằng con mắt ghen tuông tức tối... Một hôm gặp ngày hội, ông đi ông đếm từng người; lúc về nhà, nằm nhớ lại ông tự nói: "Yên... , thử xem hôm nay mình gặp mấy người "Trước tác", mấy người "Thị độc" ở chỗ ấy, chỗ no... " Nằm không yên, ông lại khăn áo ra đi, thủng thẳng bước một trên đường, ngắm nghía từng người, luyện con mắt trông xa những cái tấm ngà hình chữ "nhật". Ông lấy làm bực tức mỗi khi khách bộ hành qua lại nhộn nhịp cản trở việc xét nhận của ông mà làm cho ông quên có người không đếm đến. Lúc chân đã chồn, cẳng đã mỏi, ông bước ra về, rồi lấy làm ngạc nhiên về cái số ông đã đếm: "19 người Thị độc, 27 người Thị giảng, 25 người Trước tác, 40 người Biên tu... , sao mà nhiều thế?! Voi nào đẻ cho kịp để cho họ lấy ngà?!... "Ông nói thế thì nói, chứ mỗi khi gặp một bọn đông người, ngực đeo thẻ bài, diện mạo đĩnh đạc, đứng ở nơi nào cùng nhau nói chuyện, ông thường tự nghĩ mà nói một mình rằng: "Đây là các quan Hàn, có lẽ các ngài đang bàn việc... ", rồi hình như ông muốn lâm le đến gần để vái nhau. Nhưng muốn mà lại không dám, không dám rồi đâm phẫn, đâm phẫn đến phát khùng, mà là cái khùng của người về đảng "xã hội".

... Về đến nhà, bức bối vì gặp biết bao nhiêu ông Hàn.

Vợ lấy làm lạ hỏi:

- Cái gì mà hôm nay cậu nó gắt gỏng thế?

Ông đáp:

- Mợ không biết, thật tôi lấy làm giận vì chỗ nào cũng thấy những sự bất công!

- Cái gì là công mới chẳng bất công?

- Mợ không biết thì im đi, đừng hỏi nữa.

Cơm nước xong, ông lại đi. Nghĩ ông đi đâu, thì ra ông đến Hàng Gai, đứng trước cửa những hàng bán đồ ngà, ngắm nghía những cái thẻ bài bày trong tủ kính. Ông mơ tưởng rằng giá mình cũng có quyền mua một chiếc đeo trên ngực những khi hội hè yến tiệc, vào những đám đông, người ta thì thào chỉ trỏ mình: "Kìa quan Hàn! Quan Hàn!" thì danh giá biết bao nhiêu.

Song khốn nạn thay! Nào ông có công trạng gì để người ta cho ông cái Hàn lâm? Ông biết vậy nên tự hỏi rằng: "Một người không làm việc gì như mình mà muốn có bài ngà, cũng không phải là dễ, không phải là dễ, chứ không phải là không thể được, nay ta thử cố xem!". Song ông nghĩ mãi mà biết cố thế nào, bèn về hỏi vợ. Vợ Ông nghe ông nói, ngạc nhiên:

- Hàn lâm! Cậu đã làm nên đỉnh đùng gì mà mong có cái vinh hạnh ấy?

Ông phát cáu:

- Mợ nhiều lúc cũng khỉ lắm, thì chính tôi định bàn với mợ xem bây giờ nên làm thế nào. Chưa chi đã...

- Đã đành rằng thế, nhưng tôi biết làm thế nào?

Ông ngồi lặng chút, trong óc nẩy ra một ý kiến, rồi nói với vợ: "Tôi nghĩ ra rồi, nếu mợ nói chuyện với quan Phán Luân chắc ngài có ý kiến hay giúp mình. Mợ cũng hiểu rằng, tôi, tôi không tiện gạn thẳng việc ấy với ngài. Kể ra, không những ngượng mà lại khó. Ở mợ nói ra thì việc ấy rất tự nhiên. Mợ nghĩ thế nào?

Bà Mít nhận lời chồng.

Quan Phán Luân hứa sẽ vận động giúp.

Ông ngày đêm hi vọng, nửa tháng sau có tin của ông phán đáp rằng ông cần phải thảo một lá đơn kể những bằng cấp của ông và những công việc ông đã giúp ích cho Nhà nước.

Bằng cấp của ông? - Thế mới dầy! Ông không giật nổi cái bằng Tuyển sinh. Công việc của ông? Lại càng dầy nữa. Từ độ Ông thôi học, lấy vợ, ông chỉ làm quản gia, kiêm chức công tráp cho mẹ đĩ mà thôi. Biết làm thế nào? Ông nghĩ: "Thời buổi này, cái gì cũng khó: hạt châu mắt quế đấy, chỉ có viết sách xuất bản là thiên hạ không phân biệt được dở hay". Ông bèn bắt đầu công việc trước tác một cuốn văn luận thuyết bàn về vấn đề: "Dùng chữ quốc ngữ làm nền học phổ thông". Giấy trắng mực đen, vì cạn ý mà viết không hết sách. Sau ông tìm một vấn đề dễ hơn mà bàn là vấn đề: "Dạy trẻ bằng mắt". ý ông thì cho thiết lập ở khắp thành thị hương thôn những rạp chớp bóng, chiếu các khoa học cho con trẻ vào xem không lấy tiền. Mỗi tuần lễ hai lần, các cha anh có con em dắt chúng lại đó để chúng vừa học vừa giải trí. Sự xem ấy có bổ ích cho óc, những hình ảnh chiếu ra tất phải in sâu vào trí nhớ của chúng. Như thế là làm cho các khoa học có thể hiện hình! Còn cái gì giản dị bằng khoa vạn vật học, khoa địa dư học, khoa thảo mộc học v.v... dạy bằng cách ấy nữa?

Viết xong, ông đưa cho nhà in in gửi cho các ông nghị và các ông tham phán các sở mỗi ông một cuốn, cho các công sở mỗi nơi 10 cuốn, và gửi vào bộ học 50 cuốn, ngoài ra ông còn tặng các nhà báo trong nước mỗi nhà 10 cuốn để họ cổ động cho. Kết luận cuốn sách đó, ông có câu rằng "Con trẻ chỉ có tính ham chơi. Chúng nó đã không tìm đến sự học thì phải cho sự học dử chúng nó v.v... "

Một ngày - Hai ngày - Ba ngày... Rồi hàng tháng cũng không thấy ai bình phẩm gì đến việc đó cả. Ông nóng ruột bèn đệ đơn yêu cầu Chính phủ xét cho. Ông chắc mẩm thế nào cũng có kết quả tốt. Ông đợi. Mãi cũng chẳng thấy gì. Ông quyết định lại vận động riêng, mà vận động riêng thì phi tay mẹ đĩ không xong. Trăm sự Ông lại xin nhờ vợ cả.

*

* *

Từ ngày có câu chuyện đó, quan Phán Luân năng đi lại nhà ông. Mỗi lần quan đến, ông lại lánh mặt để vợ ra tiếp, vì có như thế thì ông mới được việc mà không phải ngượng.

Một hôm quan Phán viết giấy mời ông đến chơi có việc. Ông đến. Quan Phán hớn hở mà rằng: "Tôi mới vận động cho ông được dịp rất tốt. Mới đây Nhà nước có cử một phái bộ vào quan sát về ngư nghiệp ở vùng Thanh Nghệ để bảo thủ quyền lợi cho dân duyên hải Trung Kỳ. Tôi nói với quan trên giới thiệu ông là một nhà thân vương. Xin ngài cử ông làm phái viên. Quan đã nhận nhời đấy, cái bước công danh của ông ở đấy".

Ông Mít mừng, cảm ơn quan Phán mà tiếng nói hơi run. Sau khi bái tạ ra về rồi, mơ tưởng đến thần Danh vọng sắp bước tới nhà mình mà không ăn ngủ được.

Mươi hôm sau ông theo phái bộ lên đường. Đến nơi, ông bắt đầu vào công việc khảo sát. Tính kỹ lưỡng, ông lấy thước đo từng cái mắt lưới một, xem to nhỏ mấy phân. Một phần lớn trong tờ trình của ông, chỉ có tả về cái mắt lưới.

Công việc của phái bộ phải mất một tháng, nhưng xong sớm được hai ngày. Các ông phái viên khác còn ở lại Sầm Sơn chơi, ông nóng ruột nhớ vợ, nhớ nhà, cho rằng về sớm được ngày nào, hay ngày ấy. Bữa ấy nhằm vào thứ hai có chuyến xe lửa đêm, ông quyết từ giã phái bộ mà về trước.

Một giờ sáng, xe lửa ở Thanh Hoá khởi hành, đúng 4 giờ 25 sáng tinh sương thì ông đến ga Hà Nội.

Các cửa ngõ nhà ông mỗi khoá đều có hai thìa, từ trước đến giờ vẫn ông giữ một và bà giữ một.

Tiết mùa đông, giời còn tối như nửa đêm. Bước ở thềm ga xuống, ông lên xe về phố, bụng mừng thầm rằng sẽ làm cho vợ phải một mẻ ngạc nhiên... Xuống xe, ông rón rén lên thềm, run lên vì mừng, song cố giữ cho không to tiếng động. Ông tra thìa vào cái khoá cửa sắt ngoài cổng, khẽ mở rồi bước vào, cũng không kịp đóng lại. Năm bước nữa đến cái cửa lim bóng nhoáng là cửa vào nhà, ông lại tra thìa vào ổ khoá mà khẽ mở. Then khoá thụt vào ổ rồi, đẩy hai lần mà không thấy cửa mở. Ông chán ngắt, biết rằng bên trong còn có then gỗ chặn, bèn ghé miệng vào khe cửa, gọi lên: "Mợ Ơi! mở cửa!".

Chắc rằng vợ Ông kinh hãi quá thì phải, vì ông nghe thấy có tiếng người ở trên giường nhảy xuống rồi nói hoảng hốt cái gì một mình như người nói mê nói sảng. Rồi tiếp đến tiếng cửa trong động, rồi rõ ràng tiếng chân không bước vội trên gạch lát... Ông bèn lên tiếng cho vợ Ông yên tâm: "Tôi đây mà, tôi đi phái bộ về đây mà". Ông vừa dứt lời thì bên trong thấy đánh tách một cái. ánh sáng ngọn đèn điện trên trần đã dọi ra chiếu vào hai tấm kính cửa đỏ chỗ ông đứng. Ông cười mà rằng: "Gớm, mới bạo làm sao chứ?". Bấy giờ trong phòng kính mới có tiếng hỏi ra: "Cậu đấy à?". Rồi cái tấm kính đỏ thấy mở, trong khuôn song sắt hé ra một pho tượng mỹ nhân bán thân áo ngắn đầu trần, một mớ tóc mây hãy còn bỏ xõa... Ông thấy vợ, lại ngặt nghẹo mà cười. Bà, tay thì du cái then gỗ chặn, miệng thì mắng yêu ông: "Rõ khỉ, làm người ta hết hồn hết vía. Công việc xong chưa mà đã về? Sao về khuya thế?".

Cả cái cánh cửa lim nặng nề ấy rền rĩ mà quay trên bản lề rồi dần dần mở ra: ông vẫn cười tràn, không đáp câu gì, bước vào rồi cợt nhả ôm lấy ngang lưng bà. Bà lại mắng yêu: "Thôi đi! Buông ra nỡm!".

Ông vẫn cười... sẽ để cái cặp da đựng đồ hành lý lên bàn rồi cởi cái áo em-be-mê-áp (#1) đem đến vắt vào cái mắc cạnh đấy. Vừa mắc áo lên cái tai mây thì mắt ông để vào cái ba đờ suy treo cạnh mà lấy làm ngạc nhiên! Dưới lỗ khuy "ve" (revers) to ấy thấy lủng lẳng một tấm bài ngà có bốn chữ son đỏ: Hàn lâm thị độc.

Ông cầm áo ra, quay lại phía bà đứng mà hỏi:

- Sao... sao... sao lại có cái bài ngà đeo ở đây?

Bà chạy vội đến, giằng lấy áo, cười mà nói:

- Không!... Cậu nhầm... đưa đây giả tôi... Ông không buông, vẫn nắm lấy một tay áo co lại, miệng thì nói:

- Sao?... Hẵng nói đã... Cái áo này của ai?... Không phải áo tôi vì áo tôi không có bài ngà như thế...

Bà vẫn cười, cố co cái áo lại mà nói:

- Rồi hãy hay... hãy đưa đây đã. Tôi chưa thể nói cho cậu biết được... Việc còn kín... đưa đây...

Ông đâm khùng, mặt tái mét vì giận:

- Tôi muốn rõ tại sao cái áo này lại ở đây vì không phải là áo tôi.

Bà thôi co nhưng tay vẫn nắm chặt cái áo, nghiêm nét mặt mà nói:

- Yên đi... chẳng của tôi còn của ai... Này... cậu được Hàn lâm rồi đấy!...

Ông thốt nhiên xúc động quá đến nỗi rời tay bỏ cái áo ra rồi ngồi ngả vào cái ghế cói để cạnh:

- Tôi... tôi... mợ bảo... tôi... được Hàn lâm?

- Phải!... Nhưng là việc kín... rất kín!... Bà đem cái áo cất vào tủ khoá lại, rồi bước đến gần ông: Cái áo ấy là áo tôi vừa mới cắt cho cậu xong, lại mua cả bài ngà đeo sẵn vào cho cậu đấy - Song tôi đã thề rằng không bảo cho cậu biết vội, để đánh đùng một cái cậu biết cậu mới mừng, vì việc cậu được Hàn lâm còn kín, chừng nửa tháng hay một tháng nữa mới có công văn. Cậu phải đi phái bộ xong, rồi mới được... Bấy giờ cậu sẽ biết... ấy, chính quan Phán Luân đã xin cho cậu đấy... ".

Ông Mít cảm động quá, nói lắp mấy tiếng... quan... quan Phán Luân... Hàn lâm... ngài... ngài xin được Hàn lâm... cho... tôi... ngài... ngài ý à??

Ông phải bảo bà rót cho ông một tách nước. Bà bước đến bàn, ông nhìn theo gót chân thấy dưới đất có mảnh giấy con trắng. Mảnh giấy ấy rơi ở trong túi cái áo kia ra lúc hai ông bà giằng co. Ông cúi xuống cầm xem thì là cái danh thiếp. Ông đọc:

Ngô Văn Luân

Phán sư.

Bà quay lại nói: "Đấy cậu xem đấy có phải không hay tôi nói sai". Bà đưa tách nước cho ông, ông mừng quá đến rơm rớm nước mắt...

Tám hôm sau, trong Quan báo thấy đăng rằng:

Ông Trần Văn Mít được đặc cách thưởng thụ Hàn lâm viện Thị độc: (5 - 1).

(1-) Tức áo mưa.

Trích từ Tuyển tập truyện ngắn đầu thế kỷ XX

Hết