Chương 1

Chương 1

Typesetter: Khônguki, Sekai

Dành tặng Lapis Lazuli

15/1
Chủ đề: Chấm dứt đặt báo dài hạn
Tôi muốn chấm dứt đặt báo dài hạn và muốn biết làm qua e-mail có được không? Kính chào. E. Rothner.



18 ngày sau
Chủ đề: Chấm dứt đặt báo dài hạn
Tôi đề nghị chấm dứt đặt báo dài hạn. Làm qua e-mail được không? Cho xin một phúc đáp ngắn.

Kính chào. E. Rothner.



33 ngày sau
Chủ đề: Chấm dứt đặt báo dài hạn
Kính thưa quý ông quý bà Nhà xuất bản Like, nếu quý vị kiên trì tảng lờ mọi nỗ lực của tôi nhằm mục đích bán tống bán tháo cái sản phẩm ngày càng sút kém chất lượng của mình, thì tôi buộc phải thông báo rằng: tôi không trả thêm một xu nào nữa!

Kính chào. E. Rothner.



8 phút sau
Trả lời:
Chị gửi nhầm, địa chỉ này là của tư nhân. Địa chỉ của tôi là woerter@leike.com. Chị định viết đến woerter@like.com. Chị là người thứ ba muốn cắt hợp đồng đặt mua báo dài hạn ở chỗ tôi. Tờ báo này chắc là xuống cấp tệ lắm.



5 phút sau
Trả lời:
Ô, xin lỗi! Cám ơn đã được anh giải thích. Xin chào. E.R.



9 tháng sau
Chủ đề:
Chúc một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành. Emmi Rothner.



2 phút sau
Trả lời:
Chị Emmi Rothner thân mến, chúng ta quen nhau còn ít hơn là số 0 tròn trĩnh, tuy vậy tôi rất biết ơn đã được chị gửi cho bức thư tập thể thắm thiết và vô cùng độc đáo! Chị nên biết rằng tôi yêu thư tập thể gửi đến một tập thể mà tôi không phải thành viên. Kính chào. Leo Leike.



18 phút sau
Trả lời:
Xin anh thứ lỗi cho mấy dòng quấy quả, thưa anh Leike. Do sơ suất mà tên anh lọt vào danh mục khách hàng của tôi, chỉ vì trước đây mấy tháng tôi định cắt một tờ báo đặt mua dài hạn và vớ nhầm phải địa chỉ e-mail của anh. Tôi sẽ xóa ngay.

TB: Nếu anh nghĩ ra một cách diễn đạt độc đáo hơn là “Chúc một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành” để chúc ai đó “một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành” thì xin được anh chia sẻ với nhé. Cho đến khi nhận được thư anh: chúc một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành! E. Rothner.



6 phút sau
Trả lời:
Tôi xin chúc chị một ngày lễ an lành và rất vui được thấy chị đón một trong 80 năm tuyệt vời nhất của chị. Và nếu chẳng may có lần nào chị đặt mua dài hạn những ngày xấu trời thì nên cắt chúng đi – qua địa chỉ nhầm của tôi. Leo Leike.



3 phút sau
Trả lời:
Rất ấn tượng! X chào. E. R.



38 ngày sau
Chủ đề: Không xu nào!
Kính thưa ban lãnh đạo Nhà xuất bản Like, tôi đã chia tay với tạp chí của quý vị ba lần qua thư và hai lần bằng điện thoại (một chị Hahn nào đó bắt máy). Nếu quý vị vẫn tiếp tục gửi báo thì tôi coi đó là thú vui riêng của quý vị. Tờ phiếu yêu cầu thanh toán 186 Euro vừa gửi đến, tôi sẽ giữ làm kỷ niệm, để vẫn còn nhớ lại Like khi một ngày đẹp trời nào đó tôi không còn được gửi báo nữa. Tuy nhiên quý vị không nên tính đến khả năng sẽ được tôi gửi cho một xu nào. Kính thư. E. Rothner.



2 tiếng sau
Trả lời:
Chị Rothner kính mến, chị cố tình viết thư này phải không ạ? Hay chị đặt mua dài hạn những ngày xấu trời? Chào. Leike.



15 phút sau
Trả lời:
Thưa anh Leike, tôi áy náy không biết lời nào để tạ lỗi. Rủi thay, tôi có một lỗi kinh niên là chữ “ei”, nói đúng ra là sơ ý viết chữ “e” trước chữ “i”. Nhiều lần viết vội đến chữ “i” là chữ “e” lại nhảy thêm vào. Chỉ vì hai đầu ngón giữa của tôi ưa chành chọe với nhau trên bàn phím. Ngón trái luôn thích vượt mặt ngón phải. Lý do là tôi bẩm sinh thuận tay trái và ở trường bị ép đảo cực sang tay phải. Ngón trái không thể tha lỗi ấy cho đến tận hôm nay. Nó liên tục dúi một chữ “e” vào trước khi ngón phải kịp gõ phím “i”. Xin anh thứ lỗi vì sự phiền nhiễu (có lẽ) sẽ không bao giờ lặp lại. Chúc anh buổi tối an lành. E. Rothner.



4 phút sau
Trả lời:
Chị Rothner thân mến, cho phép tôi hỏi chị một câu nhé? Và thêm một câu thứ hai nữa: chị mất bao lâu để viết e-mail trình bày lỗi viết chữ “ei” của mình? Chào. Leo Leike.



3 phút sau
Trả lời:
Hai câu hỏi ngược lại: anh đoán là bao lâu? Và tại sao anh muốn biết?



8 phút sau
Trả lời:
Tôi đoán là chị làm việc đó không mất hơn 20 giây. Nếu đúng thế thì tôi xin chúc mừng chị: trong thời gian ngắn ngủi đó chị đã nêu được một thông tin trọn vẹn. Nó làm tôi phải bật cười. Đó là một thành tích mà hôm nay không ai và không cái gì đạt được nữa. Còn câu hỏi thứ hai của chị, tại sao tôi muốn biết: hiện tại công việc của tôi là nghiên cứu ngôn ngữ trong e-mail. Giờ thì tôi hỏi lại lần nữa: không lâu hơn 20 giây, đúng không ạ?



3 phút sau
Trả lời:
Thì ra vậy, nghề của anh liên quan đến e-mail. Nghe hấp dẫn đấy, nhưng tôi thì hơi có cảm giác mình là một nhân vật bị đem ra thí nghiệm. Không sao. Anh có trang mạng riêng không? Nếu không, anh muốn có một trang không? Và nếu có rồi thì anh có muốn có một trang đẹp hơn không? Vì nghề của tôi liên quan đến thiết kế trang mạng. (Cho đến giờ tôi viết mất đúng mười giây, tôi đã bấm đồng hồ và sau đó có chuyện công tác nên phải dừng lại, nhưng mấy chuyện đó thường không lâu).

Về bức thư tẻ ngắt của tôi trình bày lỗi viết chữ “e” trước chữ “i” thì tiếc rằng anh đã đoán sai hoàn toàn. Việc đó đã lấy cắp mất hơn ba phút hưởng dương của tôi. Hừm, biết đâu mấy phút ấy lại làm nên lịch sử thì sao? Giờ thì cũng có một điều có thể làm tôi quan tâm: tại sao anh đoán là tôi chỉ cần 20 giây để viết e-mail về cái lỗi viết “e” trước “i”? Và trước khi tôi tuyệt đối vĩnh viễn ngừng quấy anh (trừ phi nhà xuất bản Like lại gửi phiếu thanh toán nữa), tôi còn muốn biết một điều nữa. Trong thư anh viết “cho phép tôi hỏi chị một câu nhé? Và thêm một câu thứ hai nữa: chị mất bao lâu v.v…”. Về chuyện đó tôi muốn hỏi hai câu. Thứ nhất: anh cần bao lâu cho trò rỡn đó? Và đó là cách hài hước của anh?



Một tiếng rưỡi sau
Trả lời:
Chị Rothner lạ mặt thân mến, mai tôi sẽ trả lời chị. Tôi tắt máy tính đây. Chúc chị buổi tối tốt lành hay chúc chị ngủ ngon, tùy tình hình. Leo Leike.



4 ngày sau
Chủ đề: Các câu hỏi chưa được trả lời
Chị Rothner thân mến, xin lỗi là bây giờ tôi mới viết thư, dạo này tôi khá bận bịu. Chị muốn hỏi tại sao tôi đoán trật là chị không cần hơn 20 giây để viết lời giải thích cho lỗi “ei” của mình. Nói thế nào nhỉ, đọc e-mail của chị tôi thấy như nó được “vẩy tay một cái là xong”, nếu chị cho phép dùng từ như thế. Tôi thì cứ tin chắc rằng chị là một người nói nhanh và viết nhanh, một người hiếu động, không bao giờ vừa lòng với tốc độ của mọi diễn biến trong cuộc sống thường nhật. Khi đọc các e-mail của chị, tôi không nhận thấy đâu là quãng nghỉ cả. Xét về biểu thị và tốc độ thì tôi thấy chúng lôi cuốn mạnh mẽ, vội vã, căng đầy năng lượng, lanh lợi, thậm chí còn đôi chút kích động. Không ai huyết áp thấp lại viết như chị. Tôi thấy dường như mọi suy nghĩ của chị chảy tuột ngay ra giấy, song ngôn từ của chị lại rất vững, chị xử lý câu chữ thành thục và rất chuẩn xác. Còn nếu bây giờ chị nói là chị viết giải thích cái lỗi “ei” mất hơn ba phút thì có lẽ tôi đã phác họa cho mình một hình ảnh sai về chị.

Thật đáng tiếc là chị đã hỏi tôi về tính hài hước. Đây là một chương buồn. Để làm một người hài hước, người ta ít nhất phải nhận thấy ở mình một chút tiếu lâm. Thú thật là hiện tại tôi chẳng nhận thấy chút xíu gì cả, tôi thấy mình hoàn toàn phi tiếu lâm. Nhìn lại mấy ngày và tuần lễ vừa qua thì tôi không cười nổi. Nhưng đó là chuyện riêng tư, không đem ra đây bàn làm gì. Dù sao thì tôi cũng cám ơn về phong cách thanh thoát của chị. Nói chuyện với chị rất dễ chịu. Tôi nghĩ là mọi câu hỏi ít nhiều đã được trả lời xong xuôi. Tôi rất vui nếu chị tình cờ nhầm đến địa chỉ của tôi một lần nữa. Chỉ xin một điều: chị cắt cái tạp chí Like ấy đi, nó không đáng làm ta bực mình tiếp. Hay để tôi làm thay cho? Thân ái. Leo Leike.



40 phút sau
Trả lời:
Anh Leike thân mến, tôi muốn thú thực với anh: sự thực là bức thư về lỗi viết “e” trước “i” tôi viết không đến 20 giây. Tôi chỉ bực mình là anh nhận xét tôi viết e-mail buông tuồng như vẩy tay. Tuy anh có lý, nhưng anh không có lý gì mà biết điều đó trước khi tôi thú nhận. Thôi được: ngay cả khi anh (dạo này) không có tính hài hước, lĩnh vực e-mail thì rõ ràng là anh rất thạo. Tôi phục anh đã bộc phát nhận ra chân tướng tôi! Anh là giáo sư Đức ngữ, phải không? Thân ái. Emmi Rothner “hiếu động”.



18 ngày sau
Chủ đề: Xin chào
Chào anh Leike, tôi chỉ muốn báo cho anh biết là Like không gửi thêm số báo nào nữa. Anh có nhúng tay vào vụ này không đấy? À, anh cũng nên lộ diện một chút đi. Ví dụ như, tôi vẫn chưa biết anh có phải là giáo sư không. Google thì không biết anh hoặc họ giấu anh kỹ quá. Và tính hài hước của anh có khá lên chút nào không? Chả gì thì cũng đang kỳ lễ hội hóa trang, nghĩa là anh không có cạnh tranh đâu. Thân ái. Emmi Rothner.



2 tiếng sau
Trả lời:
Chị Rothner thân mến, rất vui nhận thư chị, tôi đã thấy nhớ nhớ rồi. Suýt nữa thì tôi đặt mua dài hạn tờ Like (cẩn thận, hài hước nhú mầm!). Và chị tìm tôi trong “Google” thật sao? Thật quá đỗi vinh hạnh cho tôi. Còn chuyện chị phỏng đoán tôi là “giáo sư”, thì tôi thú thật, không hay cho lắm. Chị cho tôi là một lão già, đúng không? Khô cứng, mô phạm, biết tuốt. Thôi được, tôi sẽ không mắm môi mắm lợi chứng minh điều ngược lại làm gì, kẻo cũng ngô nghê lắm. Tôi đoán, đơn giản là dạo này mình viết già hơn tuổi. Và tôi nghi là chị viết trẻ hơn tuổi. Về nghề nghiệp thì tôi làm tư vấn giao tiếp và trợ giảng môn tâm lý học ngôn ngữ. Hiện tại chúng tôi đang nghiên cứu tác động của e-mail vào cách sử dụng ngôn ngữ và – phần quan trọng hơn nữa là – công năng chuyển tải cảm xúc của e-mail. Vì vậy đôi khi tôi có thói quen nói về chuyên môn, nhưng trong tương lai tôi sẽ giảm chuyện đó, xin hứa với chị như vậy.

Chúc chị sống sót qua những cuộc hội hè hóa trang! Như tôi phỏng đoán, nhất định chị đã trữ đủ vật dụng để hóa trang và liên hoan.:-)

Chào thân ái. Leo Leike.



22 phút sau
Trả lời:
Thưa nhà tâm lý học ngôn ngữ thân mến, hãy kiểm nghiệm xem: anh đoán xem những câu nào anh vừa viết cho tôi thú vị nhất, thú vị đến mức lẽ ra tôi phải đặt ngay một câu hỏi (nếu tôi không thử anh trước)?

Và thêm một gợi ý nữa về tính hài hước của anh: tôi đã cảm nhận được câu anh viết “Suýt nữa thì tôi đặt mua dài hạn tờ Like” là một cớ để hy vọng! Tiếc rằng với câu chú thêm (cẩn thận, hài hước nhú mầm!) thì anh lại làm hỏng hết cả. Gạch nó đi! Tôi thấy chuyện “vật dụng để hóa trang và liên hoan” cũng vui. Hình như hai chúng ta có cùng kiểu phi-hài-hước thì phải. Nhưng anh nên tin rằng tôi đủ khôn để nhận ra ý mỉa mai của anh, và đừng vẽ mặt cười nữa! Chào thân ái. Tôi thấy buôn chuyện với anh rất dễ chịu. Emmi Rothner.



10 phút sau
Trả lời:
Emmi Rothner thân mến, cám ơn các gợi ý của chị về hài hước. Một lúc nào đó chị sẽ biến tôi thành một người hài hước mất thôi. Tôi cám ơn nhiều hơn vì bài trắc nghiệm! Nó cho tôi dịp chứng tỏ với chị rằng tôi không (hoặc chưa) phải dạng “giáo sư già ngạo mạn”. Vì nếu là người dạng đó thì tôi đã đoán: câu thú vị nhất đối với chị chắc chắn là câu “Hiện tại chúng tôi đang nghiên cứu (…) công năng chuyển tải cảm xúc của e-mail”. Giờ thì tôi tin chắc, câu làm chị quan tâm nhất là: “Và tôi nghi là chị viết trẻ hơn tuổi”. Từ đó suy ra, chị chỉ có thể đặt câu hỏi “Vì sao hắn nhận ra điều đó nhỉ?”, và tiếp theo là: “Hắn đoán mình bao nhiêu tuổi?”. Tôi đoán trúng không?



8 phút sau
Trả lời:
Leo Leike, anh là một người quái quỷ!!! Thôi, bây giờ thì anh hãy cố nghĩ ra vài luận cứ lọt tai để giải thích cho tôi hay, vì sao anh đoán tôi viết trẻ hơn tuổi. Hay chính xác hơn: tôi viết già hay trẻ ở mức nào? Tôi bao nhiêu tuổi? Tại sao? Hoàn thành xong mấy bài tập trên thì anh tiết lộ cho tôi biết tôi đi giày cỡ nào. Chào thân ái. Emmi. Chuyện trò với anh vui thật đấy.



45 phút sau
Trả lời:
Chị viết như người 30 tuổi. Nhưng chị vào tầm bốn chục, đoán nhé: 42. Vì sao tôi đoán thế? Người 30 tuổi không đọc thường xuyên báo Like. Tuổi trung bình của khách hàng nữ đặt mua Like dài hạn là khoảng 50. Nhưng chị trẻ hơn, vì nghề của chị liên quan đến trang mạng, vậy có thể chị ở tầm ba chục hoặc thậm chí trẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, người ba chục tuổi không gửi thư tập thể cho khách hàng để “chúc một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành”. Và sau rốt: Emmi là tên thân mật của Emma. Tôi quen ba người tên Emma, cả ba đều trên bốn chục. Người 30 tuổi không mang tên Emma. Thời nay những ai lấy tên Emma thì dưới 20 tuổi, nhưng chị không dưới 20, vì ở tuổi ấy thì chị đã dùng những từ như “bít”, “bùn cừi”, “ngừi iu” hay tương tự. Ngoài ra chị sẽ không dùng chữ hoa đầu câu và cũng không viết trọn câu. Và nói chung là chị có nhiều chuyện hay ho hơn để làm, thay vì chuyện trò với một người bị nghi là giáo sư kém hài hước, lại còn muốn biết người ấy đoán chị già trẻ ra sao. Nói thêm về “Emmi”: ai tên là Emma và viết trẻ hơn tuổi, chẳng hạn vì cảm thấy mình quá trẻ hơn tuổi, người ấy không tự gọi là Emma mà là Emmi. Kết luận là, Emmi Rothner thân mến: chị viết như 30, và 42 tuổi. Đúng không? Cỡ giày chị là 36. Chị thấp, nhỏ người và hiếu động, tóc ngắn màu sẫm. Và chị nói nhanh. Đúng không? Chúc chị buổi tối tốt lành. Leo Leike.



Hôm sau
Chủ đề: ???
Chị Rothner thân mến, chị giận hay sao? Thế này nhé, tôi không quen chị. Làm sao tôi biết chị bao nhiêu tuổi? Có thể chị 20 hay 60. Có thể chị cao 1,90 mét và nặng 100 cân. Có thể chị mang giày cỡ 46 – và vì vậy chỉ có ba đôi giày, loại thửa riêng. Để có tiền mùa đôi thứ tư, chị buộc phải cắt hợp đồng mua dài hạn tờ Like và gửi lời chúc Giáng Sinh vui vẻ đến khách hàng thuê làm trang mạng để họ đừng quên chị. Vậy thì chị đừng giận. Tôi rất vui khi đoán mò, tôi thấy hình ảnh chị lờ mờ trước mắt, và tôi đã thử miêu tả hình ảnh đó với độ chính xác cường điệu. Quả thực tôi không muốn làm chị phật ý. Chào thân ái. Leo Leike.



2 tiếng sau
Trả lời:
“Giáo sư” thân mến, tôi ưa kiểu hài hước của anh, nó chỉ cách tính nghiêm chỉnh kinh niên của anh có nửa phân thôi và vì vậy lại càng kỳ dị hơn!! Mai tôi sẽ viết tiếp. Rất vui đến lúc đó. Emmi.



7 phút sau
Trả lời:
Cám ơn! Giờ thì tôi có thể yên tâm đi ngủ được rồi. Leo.



Hôm sau
Chủ đề: Làm phật ý
Leo thân, tôi bỏ tên họ Leike đi cho thân mật nhé. Bù lại thì anh cũng được phép bỏ chữ Rothner đi. Tôi rất khoái đọc thư hôm qua của anh và cứ thế đọc đi đọc lại mấy lần. Tôi muốn khen anh. Tôi thấy đáng chú ý, khi anh cởi mở được với một người mà anh không hề quen, chưa bao giờ thấy mặt và có lẽ cũng sẽ không bao giờ gặp cả, ngoài ra anh cũng chẳng có gì để mong đợi ở người ấy, anh không thể biết, liệu anh có nhận lại được gì tương thích không. Đây là một nét hoàn toàn không đặc trưng đàn ông, và tôi đánh giá cao điều đó ở anh. Đó là chuyện tôi muốn nói hết từ đầu với anh. Giờ thì đến các điểm trong thư:

1) anh có ác cảm nặng với thư tập thể chúc Giáng Sinh! Ở đâu ra cái ác cảm đó vậy? Hình như người ta xúc phạm anh ghê gớm khi chúc anh “một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành” thì phải. Được thôi, tôi hứa sẽ không bao giờ nhắc lại câu đó một lần nữa! À, tôi khá ngạc nhiên khi thấy anh tin rằng có khả năng từ lời “chúc Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành” mà lại suy ra tuổi. Giả sử tôi có nói “Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành” thì tôi sẽ trẻ hơn mười tuổi chăng?

2) nhà tâm lý học ngôn ngữ Leo thân mến, tiếc thay, nếu cả quyết là phụ nữ không thể dưới tuổi 20 nếu không dùng những từ kiểu “bít”, “bùn cừi” hay “ngừi iu” thì tôi thấy đúng là xa thực tế và vô cùng mang vẻ giáo sư bác học. Không phải là tôi cố sức để viết làm sao khiến anh nghĩ rằng tôi trẻ hơn 20. Nhưng ai biết được sự thật?

3) thì ra, theo lời anh, tôi viết như 30. Nhưng phụ nữ 30 không đọc Like, anh nói vậy. Vậy thì tôi được phép giải thích cho anh hay: dạo ấy tôi đặt mua dài hạn tờ Like cho bà cụ nhà tôi. Giờ thì anh nói sao? Rốt cục là tôi trẻ hơn viết à?

4) tôi phải ngừng tay với câu hỏi mang tính nguyên tắc trên. Xin lỗi là tôi có lịch hẹn. (Họp cơ quan? Lớp khiêu vũ? Ra tiệm làm móng tay? Gặp bạn gái buôn chuyện? Cho anh tự chọn).

Chúc anh một ngày vui, Leo! Emmi.



3 phút sau
Trả lời:
Quên mất, Leo, tôi còn định tiết lộ cho anh một chi tiết nữa: anh đoán cỡ giày không đến nỗi tồi. Tôi đi cỡ 37. (Nhưng anh không cần tặng tôi giày đâu, tôi có đủ hết rồi).



Ba ngày sau
Chủ đề: Thiếu vắng
Leo thân, anh không viết cho tôi ba ngày liền, gây cho tôi hai vấn đề: 1) tôi ngạc nhiên. 2) tôi thấy thiếu vắng. Cả hai vấn đề đều không dễ chịu. Anh khắc phục đi nhé! Emmi.



Hôm sau
Chủ đề: Gửi đi luôn!
Emmi thân, tôi xin thông báo để thanh minh: ngày nào tôi cũng viết cho chị, tôi chỉ không gửi các e-mail ấy đi thôi, không, ngược lại, tôi đã xóa hết. Trong cuộc đối thoại giữa hai chúng ta, tôi đã đến một điểm khó xử. Chị, một cô Emmi nào đó với cỡ giày 37, dần dần đã bắt đầu khiến tôi quan tâm nhiều hơn là phạm vi cuộc chuyện trò giữa tôi và cô ta cho phép. Và, nếu cô ấy, cái cô Emmi có cỡ giày 37 ấy, đã xác định ngay từ đầu là “có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau cả” thì tất nhiên cô ấy có lý, và tôi chia sẻ quan điểm của cô ấy. Chúng ta nên lấy xuất phát điểm là sẽ không gặp nhau, tôi nghĩ thế là thông minh, rất thông minh. Vì tôi không muốn cách chúng ta vẫn chuyện trò bị hạ cấp xuống dạng viết thư tìm bạn hay chát chít vớ vẩn.

Vâng, và e-mail này tôi sẽ gửi đi luôn, để cô ấy, cái cô Emmi nào đó với cỡ giày 37, ít nhất cũng có chút gì trong hộp thư đến. (Viết lách chẳng ra sao, tôi biết, nó cũng chỉ là một phần nhỏ của những gì tôi định viết cho chị). Thân ái. Leo.



23 phút sau
Trả lời:
Ra thế đấy, thì ra cái nhà tâm lý học ngôn ngữ Leo nào đó không muốn biết cô Emmi nào đó với cỡ giày 37 mặt mũi ra sao? Tôi không tin anh đâu, Leo! Đàn ông nào nói chuyện với một người phụ nữ mà không biết cô ấy trông ra sao thì cũng đều muốn biết mặt mũi cô ta. Thậm chí còn muốn biết mặt cô ta càng sớm càng tốt. Vì sau đó người ta sẽ biết, liệu có nên tiếp tục nói chuyện với cô ta hay không. Hay không phải thế? Vô cùng thân ái. Emmi cỡ giày 37.



8 phút sau
Trả lời:
Viết thì ít mà mở van hạ áp thì nhiều, đúng không? Tôi không nhất thiết phải biết mặt chị, nếu được chị cung cấp cho mấy câu trả lời kiểu vừa rồi, Emmi ạ. Đằng nào thì tôi cũng có chị trước mắt. Để làm việc đó, tôi không cần phải làm nghề tâm lý học ngôn ngữ. Leo.



21 phút sau
Trả lời:
Anh nhầm rồi, Leo ạ. Tôi viết rất bình thản. Ước gì cho anh thấy tôi lúc tôi mở van hạ áp. Thêm nữa là, anh tuyệt đối có xu hướng không chịu trả lời các câu hỏi của tôi, đúng không? (Lúc anh hỏi “đúng không?” trông anh ra sao nhỉ?) Nhưng anh cho phép tôi quay về với lời trách cứ qua e-mail của anh sáng nay một lần nữa. Tôi ghi nhận:

1) anh viết e-mail cho tôi và không gửi đi.

2) anh đã dần dần bắt đầu quan tâm đến tôi, và mối quan tâm ấy vượt quá “phạm vi cuộc chuyện trò của chúng ta”. Nghĩa là gì? Chẳng phải phạm vi cuộc chuyện trò của chúng ta không gì hơn là mối quan tâm lẫn nhau giữa hai cá nhân hoàn toàn xa lạ đó sao?

3) anh cho là thông minh – không, thậm chí anh thấy “rất, rất thông minh”, nếu chúng ta không bao giờ gặp nhau. Tôi ghen tị với niềm đam mê đi tìm sự thông minh của anh đấy!

4) anh không ưa chát chít vớ vẩn? Vậy anh ưa gì? Hai chúng ta nên chuyện trò về cái gì để anh đừng dần dần bắt đầu quan tâm đến tôi quá “phạm vi” cho phép?

5) Và, trong trường hợp không hẳn là khó xảy ra, nghĩa là anh không trả lời mấy câu hỏi tôi vừa đặt ra: anh nói, thư ban nãy chỉ là một phần nhỏ của những gì anh định viết cho tôi. Vậy anh viết cho tôi xem phần còn lại đi. Tôi vui mừng đón từng dòng! Vì tôi thích đọc thư anh, Leo thân mến ạ. Emmi.



5 phút sau
Trả lời:
Emmi thân, nếu chị không viết kiểu 1) 2) 3) v.v… thì chị không phải là chị, đúng không? Mai viết tiếp. Chúc buổi tối tốt lành. Leo.



Hôm sau
Chủ đề:
Emmi thân, chị đã nhận ra là chúng ta chẳng biết chút gì về nhau chưa? Chúng ta tạo ra những bóng tưởng tượng của nhau, vẽ hình ảo của nhau. Chúng ta đặt những câu hỏi mà sức hấp dẫn của chúng ẩn trong khả năng không nhận được câu trả lời. Vâng, chúng ta tạo cho nhau một môn thể tha là người này khơi dậy sự tò mò của người kia và cứ thế khơi thêm bằng cách một mực không giải tỏa sự tò mò đó. Chúng ta tìm cách đọc giữa các dòng, giữa con chữ, và sắp tới có lẽ còn giữa các chữ cái. Người này cắn răng tìm cách đánh giá người kia. Và đồng thời chúng ta chăm chăm bảo vệ không tiết lộ cho người kia biết gốc rễ cơ bản của mình. Sao lại nói “cơ bản” nhỉ? Hoàn toàn không mới đúng, chúng ta chưa kể chút gì về cuộc đời mình cho nhau, không một chi tiết nào từ cuộc sống thường nhật và về những gì mà mỗi người lấy làm quan trọng.

Chúng ta giao lưu với nhau trong một khoảng chân không. Chúng ta ngoan ngoãn khai báo nghề nghiệp của mình. Về lý thuyết thì chị có thể thiết kế cho tôi một trang mạng đẹp, bù lại thì tôi sẽ tạo cho chị mấy đồ thị đặc tính tâm lý ngôn ngữ thuận tiện (nghĩa là tồi). Thế thôi. Nhờ một tạp chí thông tin thành phố tồi tệ mà chúng ta biết là cùng sống trong một thành phố lớn. Nhưng ngoài ra? Chẳng biết gì nữa! Không có người nào bên cạnh chúng ta. Chúng ta chẳng sống ở bất cứ đâu. Chúng ta không có tuổi. Không có chân dung. Không phân biệt giữa ngày và đêm. Không sống trong một thời gian nào. Chúng ta chỉ mỗi người có một màn hình máy tính, mỗi người bí mật với người kia, và có chung một trò tiêu khiển: chúng ta quan tâm đến một cá nhân lạ hoắc. Hoan hô!

Về phần tôi thì – bây giờ đến lượt tôi thú tội: tôi quan tâm đến chị như phát điên, Emmi thân mến ạ! Tuy tôi không rõ tại sao, nhưng tôi biết có lý do rõ rệt xui khiến tôi. Nhưng tôi cũng biết rằng mối quan tâm ấy lố bịch đến mức nào. Nó sẽ không sống nổi qua một lần gặp gỡ, bất kể trông chị ra sao, chị bao nhiêu tuổi, chị đem theo bao nhiêu nét duyên dáng mê ly chứa trong e-mail đến buổi hẹn, và bao nhiêu thanh cao của chữ nghĩa ẩn trong thanh quản của chị, trong con ngươi, trong khóe miệng và cánh mũi của chị. Tôi nghi là “mối quan tâm như phát điên” ấy được sinh ra và phát triển duy nhất từ hộp thư. Mỗi nỗ lực đưa nó ra khỏi đó có lẽ sẽ thất bại thê thảm.

Emmi thân mến, giờ thì tôi có một câu hỏi sinh tử: chị vẫn muốn tôi viết e-mail cho chị chứ? (Lần này nếu được một câu trả lời rõ ràng thì hay xiết bao). Vô cùng, vô cùng thân ái. Leo.



21 phút sau
Trả lời:
Leo thân, quá nhiều sự việc dồn vào một lần! Chắc anh nhiều thì giờ rảnh trong ngày lắm thì phải? Hay đó là một phần công việc? Anh được nghỉ bù giờ à? Anh có được trừ vào thuế thu nhập không? Tôi đanh đá nhỉ, tôi biết. Nhưng chỉ khi viết thôi. Và chỉ khi tôi thiếu tự tin. Leo, anh làm tôi mất tự tin đấy. Chỉ một điều có thể tự tin để khẳng định: vâng, tôi muốn anh tiếp tục viết e-mail cho tôi, nếu anh không thấy phiền. Nếu câu trả lời chưa rõ ràng lắm thì tôi thử lại nhé: VÂNG, TÔI MUỐN!!!!!!! NHẬN E-MAIL CỦA LEO! NHẬN E-MAIL CỦA LEO! NHẬN E-MAIL CỦA LEO! CHO TÔI XIN! TÔI NGHIỆN E-MAIL CỦA LEO!

Bây giờ thì anh nhất định phải tiết lộ cho tôi biết, tại sao tuy không có nguyên nhân, nhưng lại có “lý do rõ rệt xui khiến” anh quan tâm đến tôi. Tôi không hiểu, nhưng tôi thấy đáng chú ý. Vô cùng, vô cùng thân ái, và thêm một “vô cùng” nữa. Emmi. (TB: e-mail trên đây của anh rất tuyệt vời! Tuyệt đối thiếu hài hước, nhưng vô cùng tuyệt vời!)



2 ngày sau
Chủ đề: Giáng Sinh vui vẻ
Chị có biết không, Emmi thân mến, hôm nay tôi phá bỏ lệ thường của chúng ta và kể cho chị nghe đôi chút về cuộc đời tôi. Cô ấy ngày xưa tên là Marlene. Trước đây ba tháng tôi sẽ phải viết “nàng tên là Marlene” mới đúng. Hôm nay thì phải viết thêm “ngày xưa”. Sau 5 năm hiện tại không có tương lai, rốt cục tôi cũng có một đồng quá khứ. Tôi sẽ tránh không bắt chị nghe các chi tiết về quan hệ của chúng tôi. Như thường lệ, cái đẹp nhất luôn là một khởi đầu mới. Vì cả hai chúng tôi đều mê đắm khởi đầu mới nên cứ vài tháng lại khởi đầu một lần. Chúng tôi từng là “tình yêu lớn trong đời” của nhau, nhưng khi ở với nhau thì không bao giờ, mà chỉ khi chúng tôi cố gắng tìm đến với nhau lần nữa.

Vâng, đến mùa Thu thì rốt cục cái gì phải đến đã đến: nàng có người mới, một người khiến nàng có thể hình dung rằng người ta không chỉ đến với nhau, mà còn ở cạnh nhau (mặc dù anh ta là phi công của một hãng hàng không Tây Ban Nha, nhưng thôi, đó là chuyện của họ). Khi biết được điều đó, đột nhiên tôi tin chắc rằng Marlene là “người phụ nữ của đời tôi”, và tôi phải làm tất cả để không vĩnh viễn đánh mất nàng.

Mấy tuần liền, tôi làm tất cả và còn hơn thế nữa. (Về đoạn này, tốt hơn hết là tôi cũng không bắt chị biết chi tiết). Và quả thực nàng cũng chơi vơi với quyết định ngả về tôi, nghĩa là ngả về hai chúng tôi, một cơ may cuối cùng: lễ Giáng Sinh ở Paris. Tôi dự định – chị cứ thoải mái cười nhạo tôi đi, Emmi – đến đó sẽ quỳ xin cưới nàng, tôi đúng là một thằng ngố. Nàng chỉ còn phải đợi “tay người Tây Ban Nha” bay về để cho gã biết sự thật về tôi và Paris, cô nói, cô nợ hắn ta nghĩa cử đó. Cứ nghĩ đến Marlene và tay phi công đó là tôi có cảm giác bồn chồn, hay nói cho đúng, ruột gan tôi lộn phèo như có một chiếc Airbus Tây Ban Nha bay lượn trong bụng. Hôm đó là ngày 19/12.

Buổi chiều tôi nhận được từ nàng – không, thậm chí không phải một cú điện thoại – tôi nhận được một e-mail thảm họa: “Leo, không được, em không thể, Paris sẽ lại chỉ là một lời dối trá mới mà thôi. Hãy tha lỗi cho em!”. Hay đại khái thế. (Không, không đại khái, mà đúng từng chữ như thế). Tôi trả lời ngay lập tức: “Marlene, anh muốn cưới em! Anh đã quyết tâm. Anh muốn mãi mãi bên em. Hôm nay anh biết là anh có thể. Chúng mình là của nhau. Hãy tin anh một lần cuối. Xin em hãy để chúng ta nói hết ở Paris. Hãy gật đầu với Paris đi”.

Thế đấy, rồi tôi đợi thư trả lời, một tiếng, hai tiếng, ba tiếng. Trong khi đợi, cứ hai mươi phút tôi lại trò chuyện với hộp thoại câm điếc của nàng, đọc lại các thư tình cũ lưu trong máy tính, ngắm những bức ảnh số của hai đứa lúc yêu nhau – tất cả được chụp trong vô số chuyến du lịch làm lành. Rồi lại đăm đăm nhìn màn hình như bị hút hồn. Cuộc đời tôi cùng Marlene, nhìn theo cặp mắt ngày ấy cũng là sự sống còn của tôi, phụ thuộc vào tiếng nhạc lạnh lùng báo có e-mail đến và biểu tượng nho nhỏ báo tin bức thư khốn kiếp hiện lên trên thanh ký hiệu.

Tôi tự cho mình giới hạn thống khổ là 21 giờ. Nếu đến lúc đó mà Marlene không hiện diện thì Paris và có lẽ cả cơ may cuối cùng của chúng tôi coi như chết rồi. 20 giờ 57. Và đột ngột tiếng nhạc vang lên, biểu tượng e-mail hiện ra (ánh sét phóng điện, cơ tìm nhồi máu): thư đến! Tôi thu hết mọi tàn tích thảm hại còn sót lại của tư duy tích cực, tập trung tinh thần vào tin mới gửi đến, vào lời ưng thuận của Marlene, vào Paris của lứa đôi, vào cuộc sống mãi mãi bên nàng. Tôi mở bừng mắt, kích vào mở thư. Và tôi đọc, tôi đọc, tôi đọc: “Chúc một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành. Emmi Rothner”.

Vài dòng thế thôi, đặng giải thích cho cái “ác cảm nặng với thư tập thể chúc Giáng Sinh” của tôi. Chúc buổi tối tốt lành, Leo.



2 tiếng sau
Trả lời:
Leo thân,

Một câu chuyện cực hay. Đặc biệt nút thắt làm tôi rất thích. Gần như tôi thấy kiêu hãnh đã được nhúng tay vào chơi trò số mệnh. Hy vọng anh hiểu rõ là anh vừa tiết lộ đôi điều bất thường của mình cho tôi, cái “bóng tưởng tượng” của anh, cái “hình vẽ ảo” của anh. Chính cống đây là “Đời tư kiểu Leo, nhà tâm lý học ngôn ngữ”. Hôm nay tôi đã quá mệt để đưa ra một bình luận khả dụng. Nhưng ngày mai tôi sẽ gửi anh một bản phân tích nghiêm túc, nếu anh cho phép. Nghĩa là có các điểm 1) 2) 3) v.v… Chúc anh ngủ ngon, và mơ những điều ý nghĩa. Nghĩa là không mơ thấy Marlene, tôi muốn khuyên anh như vậy. Emmi.



Hôm sau
Chủ đề: Marlene
Chúc anh một buổi sáng đẹp trời, Leo. Cho phép tôi nói thẳng một chút, không rào trước đón sau nhé?

1) anh là một người đàn ông chỉ có thể quan tâm đến phụ nữ khi khởi đầu và lúc kết thúc: khi anh muốn chinh phục cô ta và ngay trước khi cô ta vĩnh viện vuột khỏi tay anh. Quãng thời gian ở giữa – còn được gọi là thời gian chung sống – đối với anh quá tẻ nhạt hoặc quá mệt mỏi. Đúng không?

2) tuy rằng (lần này), như nhờ một phép lạ, anh vẫn còn là trai tân, song nếu muốn tống được một tay phi công Tây Ban Nha ra khởi giường của cô-vợ-sắp-vào-quá-khứ thì anh cũng có thể thản nhiên tiến lên xe hoa. Điều này cho thấy sự thiếu tôn kính trước lời thề nguyền ngày thành hôn. Đúng không?

3) anh đã từng có một đời vợ rồi. Đúng không?

4) tôi hình dung anh rõ rệt trước mắt, thấy anh đọc thư tình và ngắm ảnh cũ trong vòng tay ấm áp dịu dàng của lòng thương hại với chính mình, thay vì làm gì đó khiến phụ nữ nhận ra ở anh một nét lảng bảng tình yêu hay nỗi khát khao ngập ngừng muốn tìm quan hệ dài lâu.

5) và, đúng lúc đó thì bức thư điện tử định mệnh CỦA TÔI nhảy xổ vào hộp thư của anh vốn dĩ đang quyết định tồn tại hay không tồn tại. Tựa như đúng vào thời điểm lý tưởng nhất của mọi thời điểm, rốt cục tôi đã nói ra điều mà Marlene nhất định đã ngập ngừng muốn thốt ra từ mấy năm nay: LEO, CHẤM DỨT RỒI, VÌ ĐÃ BẮT ĐẦU BAO GIỜ ĐÂU! Hay nói một cách khác, ngoắt ngoéo hơn, thơ mộng hơn, xúc động hơn: “Chúc một lễ Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới tốt lành. Emmi Rothner”.

6) nhưng giờ đây, Leo thân mến, hãy làm một nghĩa cử ấn tượng. Anh trả lời Marlene. Anh khen ngợi quyết định của Marlene. Anh nói: MARLENE, EM NÓI ĐÚNG, CHẤM DỨT RỒI, VÌ ĐÃ BẮT ĐẦU BAO GIỜ ĐÂU! Hay nói một cách khác, ngoắt ngoéo hơn, cả quyết hơn, mạnh mẽ hơn: “Chị Emmi Rothner thân mến, chúng ta quen nhau còn ít hơn là số 0 tròn trĩnh, tuy vậy tôi rất biết ơn đã được chị gửi cho bức thư tập thể thắm thiết và vô cùng độc đáo! Chị nên biết rằng tôi yêu thư tập thể gửi đến một tập thể mà tôi không phải thành viên. Kính chào. Leo Leike”. – Leo thân, anh quả là một kẻ bại trận giỏi giang, lịch lãm, đầy phong thái đến ngạc nhiên.

7) giờ thì đến một câu hỏi sinh tử: anh vẫn muốn tôi viết e-mail cho anh chứ? Chúc anh một sáng thứ Hai tốt lành, Emmi.



2 tiếng sau
Trả lời:
Chúc chị ăn ngon, Emmi!

Về điểm 1): tôi không có lỗi khi làm chị nhớ đến một người đàn ông, người rõ ràng đã làm chị thất vọng – một cách lịch thiệp, như chị miêu tả trong điểm 1). Chị không nên tin rằng chị hiểu tôi hơn chị có thể hiểu tôi! (Chị không thể hiểu tôi đâu).

Về điểm 2): một khi đã nói đến cuộc đào tẩu cuối cùng của tôi đến với lời hứa yêu đương: thôi thì tôi cũng không làm được gì hơn, ngoài tự mắng mình là “thằng ngố”. Nhưng cái cô Emmi nghiệt ngã và cao đạo có cỡ giày 37 kia lại còn bồi thêm một cú để cứu vớt danh dự của lời thề nguyền ngày thành hôn, hình như vừa nhíu mày vừa sùi bọt mép.

Về điểm 3): xin lỗi, chị nhầm. Tôi chưa có gia đình bao giờ! Chị? – đã vài lần, đúng không?

Về điểm 4): lại người đàn ông ở điểm 1) mà tôi đã khiến chị nhớ đến. Cái người đàn ông thà đọc các bức thư tình lạc hậu với thời cuộc còn hơn chúng mình cho chị thấy một tình yêu bền bỉ. Thậm chí, hình như có nhiều đàn ông như vậy trong đời chị.

Về điểm 5): vâng, đúng lúc thư chúc Giáng Sinh của chị xuất hiện thì tôi cảm thấy đã mất Marlene.

Về điểm 6): Emmi, ngày đó tôi trả lời chị để quên đi thất bại của mình. Và cho đến hôm nay tôi vẫn coi cuộc trò chuyện với chị là một phần nhỏ trong phác đồ điều trị căn bệnh mang tên Marlene.

Về điểm 7) có chứ, chị vẫn viết cho tôi nhé! Hãy lấy ngòi bút cào hết mọi thất vọng của chị về đàn ông ra khỏi tâm hồn. Hãy thả phanh mà tự mãn, mà cay độc, mà vui trên đau khổ của người khác. Nếu sau đó chị thấy trong người khá hơn thì địa chỉ e-mail của tôi đã hoàn thành sứ mệnh. Còn nếu không thì chị hãy tự thưởng cho mình (hay cho bà cụ) lần nữa một hợp đồng đặt báo Like dài hạn và cắt béng Leike đi. Chúc chị buổi sáng thứ hai tốt lành. Leo.



11 phút sau
Trả lời:
Ôi ôi ôi! Tôi đã xúc phạm anh! Tôi không muốn thế. Tôi tưởng anh sẽ chịu đựng được. nhưng tôi đã quá tay với anh. Tôi sẽ rút lui. Chúc anh ngủ ngon. Emmi.

TB: về điểm 3) thì tôi mới lập gia đình một lần – và vẫn còn gia đình ấy.