Hồi 1

Ánh hoàng hôn chênh chếch
Sa mạc dậy cuồng phong

Bãi sa mạc mênh mang, bắt đầu từ một cánh rừng thưa thớt vươn đến tận cuối chân trời thăm thẳm ngút ngàn ...

Bầu trời một màu xanh thăm thẳm, xa xa là dãy mây ngàn được ráng chiều nhuộm đỏ, rực rỡ khoe sắc với muôn loài. Vài con chim ưng khỏe mạnh xòe rộng đôi cánh, cõng trên lưng những tia nắng chiều uể oải của buổi hoàng hôn, an nhiên tự tại bay liệng trên không, thỉnh thoảng lại cất tiếng kêu gọi đàn tha thiết.

Cái nắng rực lửa của vùng sa mạc hoang vu đã làm cho cây cỏ héo hắt phải buông tiếng thở dài não nuột sau một ngày vất vả tranh giành sự sống qua những những làn gió dìu dặt từ Ngọc Môn Quan (quan ải ranh giới tỉnh Cam Tiêu thông sang Tây Vực) thổi đến.

Những cánh hoa rừng đau xót lìa khỏi cành cây, lả tả rơi xuống bụi cỏ, xuống mặt hồ phẳng lặng giữa rừng ...

Nước hồ chẳng biết từ đâu mà có và chảy về đâu. Chỉ thấy những đóa hoa rơi bồng bềnh trên mặt hồ từ từ chảy về hướng bắc rồi chui xuống một phiến đá to ở bìa rừng mất dạng.

Ánh chiều vàng xuyên qua từng khe lá, lung linh soi trên mặt hồ, tạo cho cánh rừng cô đơn nằm giữa vùng sa mạc hoang tịch này một cảnh sắc vô cùng huyền ảo và nên thơ ...

Thốt nhiên mặt hồ dao động mạnh rồi thì rào một tiếng, từ dưới hồ trồi lên một lão hòa thượng đầu trọc râu ngắn, mình trần trùng trục.

Thân hình lão hòa thượng này gầy guộc đến mức có thể đếm rõ từng khúc xương sườn.

Ông ta mặc quần cộc màu vàng, sau khi nhảy hai cái dưới nước, thân hình như một con cá bay, vọt ra khỏi mặt nước, lướt đến phiến đá xanh bên hồ nhanh như tên bắn.

Sau khi đứng yên trên phiến đá, lão đưa bàn tay khô đét lên vuốt mặt, rồi buông tiếng cả cười như sấm rền, đôi mày dài xếch cao, sắc mặt đỏ bừng lên.

Quái lạ, một làn khói lờ mờ như sương mỏng từ người lão hòa thượng bốc lên, lan tỏa rồi tan biến.

Đôi mắt lão ta phóng ra hai luồng sáng lạnh lẽo, trên gương mặt nhăn nheo thoáng hiện nụ cười hài lòng. Lão lẩm bẩm:

– Suốt bốn mươi chín ngày dầm mình trong cái hồ lạnh lẽo này, cuối cùng thì ta cũng đã luyện thành môn Đại Luân Hồi Công rồi. Chỉ cần hai giờ nữa, chỉ cần Tiểu Cửu Thiên Cương Khí thẳng góc với phương vị Bắc Đẩu thì có thể bay bổng rồi ...

Lão đưa tay gãi đầu, ánh mắt sắc lạnh tan biến. Lão dịu dàng lướt nhìn ánh chiều tà xuyên qua vòm cây.

Ánh hào quang bao phủ khắp người lão nhạt dần, lão thu ánh mắt về và cất giọng cảm thán:

– Một ngày tươi đẹp lại sắp trôi qua. Ôi! Trên cõi đời này biết bao cảnh sắc đẹp đẽ, chẳng phải đều do công của tạo hóa ư? Ta ...

Lão chợt im bặt, đưa tay vỗ lên chiếc đầu nhẵn bóng rồi lại tiếp:

– Ái chà, đã sắp đến giờ luyện công rồi, vậy mà ta lại chạnh lòng quyến luyến với hư không, thật là ...

Lão mỉm cười vu vơ. Dưới ánh hoàng hôn dìu dịu trông lão vô cùng trang nghiêm và từ ái.

Khu rừng lại trở về với sự tĩnh lặng. Nước hồ lại lặng lờ trôi, mang theo những cánh hoa rơi rụng chẳng biết đi về đâu ...

Một làn gió nhẹ thổi đến, mang theo tiếng chuông lạc đà khe khẽ, phá tan bầu không khí tĩnh mịch của sa mạc hoàng hôn. Tiếng chuông lạc đà dần gần và càng thêm phần hối hả.

Tiếng chuông giòn giã bay quyện trong gió, một con lạc đà to khỏe cùng với một con ngựa ô đen tuyền tung vó trên bãi sa mạc, đang lao về hướng cánh rừng thưa.

Trong nháy mắt, ngựa và lạc đà đã vượt qua vô số những ngọn đồi cát, phóng đến ngoài bìa rừng. Theo sau tiếng gãy răng rắc của cành cây khô, một bóng người từ trên lưng lạc đà phi thân xuống đất.

Ấy là một thanh niên tuổi trạc ba mươi, dáng người tầm thước, vận một bộ y phục màu huyền, chòm tóc búi bám đầy bụi cát chứng tỏ chàng đã vượt qua một đoạn đường rất dài trên vùng sa mạc này.

Mặc dù gương mặt chàng lấm đầy cát bụi vẫn không che đậy được nét ngạo nghễ qua đôi môi mỏng và đôi mắt sáng quắc. Thật vậy, chàng quả là đáng kiêu ngạo bởi vì chàng có một gương mặt hết sức anh tuấn và thông minh.

Chàng quét nhanh ánh mắt vào rừng rồi quay lại nói:

– Phu nhân, ở đây không có ai đâu.

Túp lều trên lưng con lạc đà vén qua bên, ló ra một gương mặt tiều tụy, dòng suối tóc đen huyền phủ dài trên đôi gò má trắng nhợt. Nàng buông một tiếng rên khẽ rồi nói:

– Dù sao cũng tìm được một nơi yên ổn rồi.

Chàng thanh niên thoáng biến sắc mặt:

– Mộng Bình, nàng sao vậy? Phải chăng ...

Thiếu phụ lắc đầu, nhếch môi cười gượng:

– Chỉ hơi đau một chút, chắc phải một hai giờ nữa mới ...

Chàng thanh niên thoáng nở nụ cười an ủi, đến bên lạc đà ẵm thiếu phụ xuống, dịu dàng nói:

– Mộng Bình, ta đã làm khổ nàng nhiều quá.

Gương mặt trắng nhợt của thiếu phụ phảng phớt nụ cười duyên dáng, nàng lắc đầu nói:

– Phu quân chớ nên nói vậy!

Tấm thân yếu mềm của nàng nằm trong vòng tay trìu mến của chồng, qua lớp chiếc áo tím rộng phùng phình, thấy rõ bụng nàng đã nhô cao, hiển nhiên là đã mang thai.

Mộng Bình giơ ngón tay nõn nuột áp nhẹ vào môi chồng, âu yếm nói:

– Kể từ khi chúng ta kết hôn là đã hiểu rõ trong tương lai ắt phải bôn ba trôi giạt, sự nguy hiểm đe dọa từng giờ từng phút nhưng chúng ta nào có e sợ bao giờ? Đến nay thì con thơ sắp chào đời, phu quân còn nghĩ ngợi chi nữa?

Chàng thanh niên ứa nước mắt bồng vợ tiến vào trong rừng.

Chàng âu yếm hôn lên ngón tay ngọc ngà của vợ. Nàng nở một nụ cười dịu dàng rồi rời tay ra, phủi nhẹ lên mái tóc bám đầy bụi cát của chồng. Nàng cất giọng xót xa:

– Thời gian qua chỉ vì thiếp mang thai mà làm cho phu quân phải cực nhọc, vừa phải chống cự với kẻ địch truy kích, lại phải săn sóc cho thiếp. Ôi! Phu quân đã gầy đi nhiều lắm ...

Lời lẽ của nàng chứa đựng biết bao trìu mến, ánh mắt nồng nàn tình nghĩa khiến cho chàng thanh niên xúc động đến nghẹn ngào.

Chàng nhìn thật sâu vào mắt vợ, cảm động nói:

– Mộng Bình, nàng tốt với ta quá! Nàng tốt quá ... Ta ... ta thật có lỗi với nàng.

Mộng Bình lắc đầu:

– Thiếp không chịu đâu. Cư lang, hai ta yêu nhau có trời đất chứng giám. Nếu gặp tai nạn lẽ nào lại không cùng nhau chia sẻ gánh vác? Hà tất lại nói như vậy.

Nàng âu yếm vuốt má chồng và tiếp:

– Mong sao việc sinh đẻ được bình yên, hai ta sẽ cùng con thơ đi khắp bốn phương, với trời làm màn, với đất làm chiếu, với trăng làm đèn, cuộc sống há chẳng tươi đẹp sao?

Chàng thanh niên đã bước đến bãi cỏ trong rừng. Chàng đặt vợ xuống, rồi ngồi dựa bên cạnh và dịu giọng nói:

– Mộng Bình, nàng hãy nghỉ ngơi một lát đi. Mấy ngày bôn ba, nàng đã cực nhọc lắm rồi ...

Đoạn đảo mắt nhìn quanh rồi tiếp:

– Trong chu vi trăm dặm chỉ đây là có nước và cây cỏ. Đêm nay ta cứ việc ở lại đây, chờ khi nào nàng sinh sản xong, chúng ta sẽ đi về hướng tây. Chỉ cần qua khỏi sa mạc là chúng ta sẽ không còn sợ bọn chúng đuổi theo nữa.

Mộng Bình lặng lẽ gật đầu:

– Cầu mong trời cao thương xót khiến cho bọn chúng chậm trễ ba hôm.

– Ta xem mấy hôm nay khí hậu vùng sa mạc luôn luôn thay đổi, e rằng sắp nổi cuồng phong rồi.

Chàng thanh niên ngước mặt nhìn trời:

– Nếu gió cát nơi đây mà cũng không ngăn cản được chúng thì đành gặp nhau bằng đao kiếm thôi. Ôi! Không ngờ Bách Lý Cư này phải cả đời bôn ba, có ngày nào được yên ổn đâu? Lụy cả thê nhi cũng phải ...

Mộng Bình vội lắc đầu ngắt lời:

– Cư lang, thiếp hiểu đâu phải là lỗi tại chàng đâu. Không gì có thể lay chuyển nổi lòng tin cậy của thiếp đã dành cho chàng đâu. Không ai có thể chia rẽ được chúng ta đâu ...

Lời lẽ của nàng đầy yêu thương và cương quyết, chẳng khác nào như một chiếc búa tạ nện vào ngực chàng.

Bách Lý Cư chợt cười vang:

– Mộng Bình, miễn có nàng bên cạnh thì dù trời có sụp xuống ta cũng chẳng sợ đâu.

Nghĩ tới Tứ Đại Kiếm Phái liên hợp với Lục Lâm Minh Chủ phát ra Phi Hổ Lệnh muốn sanh cầm Bách Lý Cư này, hứa thưởng cho bí kíp, kim tài, mỹ nhân, để khiến cho suốt ba năm nay đôi ta không có giây phút nào được yên ổn nghỉ ngơi ...

Mắt chàng chợt lóe sáng, cất cao giọng:

– Xem tình hình, một khi hai ta lấn sâu vào vùng sa mạc thì chốn giang hồ ắt sẽ bình lặng trở lại. Rồi hai mươi năm sau khi chúng ta quay trở về Trung Nguyên, e rằng tất cả đều đã đổi thay ...

Mộng Bình mỉm cười tiếp lời:

– Cư lang, chàng chớ vui mừng quá sức, thiếp ...

Thoáng chau mày rồi tiếp:

– Thiếp đã sắp ...

Bách Lý Cư thoáng biến sắc mặt:

– Sao? Nàng ...

Mộng Bình nắm chặt tay chồng, trầm ngâm một hồi rồi mới lắc đầu lên tiếng:

– Chẳng sao cả, chỉ đau một chút thôi, đã hết rồi ...

Bách Lý Cư thở phào:

– Vậy để ta dựng lều rồi sau đó kiếm củi nhóm lên, tranh thủ nấu nước sôi trước khi trời tối.

Chàng đưa tay gãi đầu, cười gượng gạo và tiếp:

– Nàng xem ta còn quên việc gì nữa thì hãy nhắc giùm, đây là lần đầu tiên trong đời ta mới gặp phải cái tình huống rắc rối này ...

Chàng quay trở ra bìa rừng dẫn ngựa và lạc đà vào, cởi hành lý ra, dựng lều ngay trên bãi cỏ. Mọi việc xong xuôi thì mặt trời cũng vừa tắt nắng, màn đêm buông dần phủ mờ vạn vật.

Mộng Bình tươi cười cất tiếng:

– Xem chàng mồ hôi đầm đìa thế này, thật không ai ngờ được chàng lại là Cô Tinh Kiếm Khách Bách Lý Cư đã nhất kiếm chấn động võ lâm.

Bách Lý Cư đang ngồi đánh lửa cạnh đống củi, nhóm cháy xong, chàng đưa tay quệt mồ hôi mỉm cười nói:

– Ta không cười nàng thì thôi trái lại nàng còn cười ta nữa. Hắc hắc! Xem cái bụng chềnh ềnh của nàng thì ai lại ngờ được nàng chính là Lãnh Nguyệt Kiếm Khách Quan Mộng Bình kia chứ?

Ánh lửa bập bùng soi trên người Mộng Bình, nhuộm hồng đôi má vốn nhợt nhạt của nàng.

– Hứ! Chàng mà dám trêu thiếp nữa hả? Thiếp nổi giận sẽ sanh một đứa con gái để cái tên mà chàng đã tốn công hàng năm trời suy nghĩ mới đặt ra sẽ trở nên vô dụng đó ...

Bách Lý Cư cười ha hả:

– Ta cam đoan nàng sẽ sanh con trai, bằng không thì con gái có ai tên là Bách Lý Hùng Phong bao giờ? Sau này người ta tưởng chúng ta là những kẻ vô tích sự, ngay cả tên con gái mà cũng không biết đặt.

Mộng Bình lẳng lặng nhìn chồng, thấy chàng cố ý làm ra vẻ hóm hỉnh, dĩ vãng bỗng chốc hiện về. Hình ảnh thuở ngày đầu mới gặp nhau hiện lên như rõ mồn một. Cái kỷ niệm êm đềm tha thiết đã khiến nàng từ bỏ tất cả mà theo chàng bôn ba khắp chốn giang hồ, đó chính là trái tim cương trực và mối tình thành khẩn của chàng.

Giờ đây, giữa cánh rừng xanh trên bãi sa mạc mênh mông, qua ánh lửa chập chờn, nàng có thể trông rõ tình ý miên man trong tận sâu cõi lòng của chàng.

Nàng thầm thở dài tự nhủ:

“Tình yêu của Cư lang đã dành cho ta quá là sâu đậm, khiến ta lo sợ chàng sẽ rời xa ta vào một ngày nào đó. Ôi! Nếu vậy thì làm sao ta sống cho nổi.”.

Một ý niệm bất tường thoáng lướt qua lòng. Nàng chợt nghe con tim co rúm. Ánh mắt nàng lướt qua mặt Bách Lý Cư rồi ném trên mặt hồ phẳng lặng.

Mặt hồ gờn gợn sóng, nhấp nhô lấp lánh.

Mộng Bình chầm chậm đứng lên bước đến bên bờ hồ.

Bách Lý Cư ngạc nhiên đứng phắt dậy:

– Mộng Bình, nàng làm sao vậy?

– Thiếp muốn ngắm nước hồ một chút.

Đoạn quay lại nắm tay chồng và tiếp:

– Từ khi qua khỏi Ngọc Môn Quan, chúng ta chưa từng gặp nơi nào có cảnh đẹp như vậy ...

Mộng Bình đến bên bờ hồ, khi tia mắt chạm phải ánh trăng vỡ vụn xuyên qua khe lá in trên mặt nước, lòng chợt ngơ ngẩn, nghe hơi lạnh từ dưới bàn chân dâng lên lan tỏa khắp người khiến nàng bất giác rùng mình hắt hơi.

Bách Lý Cư vòng tay xiết chặt nàng lại, lo lắng hỏi:

– Mộng Bình, nàng làm sao vậy?

Mộng Bình lắc đầu gượng cười:

– Không có gì, chỉ thấy lạnh một chút thôi.

Bách Lý Cư âu yếm:

– Vậy nàng vào trong lều nằm nghỉ đi. Khí hậu vùng sa mạc là như vậy đó, ban ngày thì nóng chết người, ban đêm thì lại lạnh khủng khiếp ...

Bỗng một làn hơi lạnh tạt vào mặt, chàng sửng sốt:

– Ủa?

Đoạn ngồi xổm xuống thò tay vào nước khuấy một cái rồi đứng lên nói tiếp:

– Ơ! Té ra đây là một ngọn hàn tuyền, thật không ngờ trong vùng sa mạc lại có một mạch suối lạnh thế này. Mộng Bình, không nên đứng ở đây quá lâu kẻo nhiễm lạnh đấy.

Quan Mộng Bình đăm chiêu nhìn ánh trăng trên mặt hồ, bụng nói thầm:

“Cầu mong trời cao phù hộ chúng tôi vượt qua vùng sa mạc, đến thành Ôn Túc, để chàng lấy được bảo kiếm và kiếm quyết của Nhất Đại Kiếm Thánh Huỳnh Long Thượng Nhân đã để tại Tân Cương, chúng tôi sẽ không vọng sát ai cả ...”.

Bách Lý Cư chợt hỏi:

– Mộng Bình, nàng nghĩ gì vậy?

Ánh mắt chàng quét qua mặt hồ rớt xuống bờ bên kia. Chàng sửng sốt buột miệng:

– Ủa.

Mắt chàng ánh lên, ngoảnh lại nói:

– Nàng hãy chờ ở đây, ta qua bên kia xem thử.

Quan Mộng Bình ngạc nhiên ngẩng lên, liền trông thấy cách đó chừng sáu trượng có một bóng người đang đứng trên bờ hồ. Nàng nghiêm nét mặt nói:

– Phu quân hãy cẩn thận.

– Vâng.

Bách Lý Cư khẽ nhún vai, thân hình liền bay bổng, chỉ hai cái nhún người đã vượt ra ngoài hơn sáu trượng.

Mũi chân chàng vừa chấm đất, song chưởng liền đưa lên hộ ngực. Chỉ thấy một lão hòa thượng mình trần trùi trụi ngồi trên phiến đá xanh, mắt nhắm nghiền và hai tay chắp trước ngực.

Trên phiến đá xanh, chỗ ngồi của lão hòa thượng lõm sâu xuống, khít khao như bị kẹp vào giữa, thoáng trông như lão ta được tạc bằng đá xanh.

Bách Lý Cư nhìn lão hòa thượng với vẻ nghi hoặc trầm giọng hỏi:

– Xin hỏi đại sư từ đâu đến vậy?

Bởi vì chàng khi này bước vào khu rừng đã quan sát chung quanh rất kỹ, không hề phát hiện ra lão hòa thượng mình trần này. Giờ đây trông thấy dáng điệu quái dị của lão ta, nên chàng cảm thấy hết sức kinh ngạc.

Quan Mộng Bình hốt hoảng từ trong lều chui ra, hơ hãi hỏi:

– Chuyện gì vậy, Cư lang?

Bách Lý Cư nghiêm mặt đáp:

– Có người đến ...

– Ha ha ...

Tiếng cành cây vang lên xen lẫn với tiếng cười, đồng thời ba bóng người lao tới, lượn vòng trên không những bảy lần rồi mới tạo thành hình vòng cung đáp xuống đất.

Người đi đầu hướng về phía Bách Lý Cư vòng tay nói:

– Cô Tinh Kiếm Khách quả là bất phàm, lại có thể phát giác ra được bọn này, thật đáng khâm phục. Ba huynh đệ tại hạ mạo muội đến viếng, những mong Bách Lý huynh lượng thứ cho.

Trong bóng tối nhất thời không trông thấy rõ y là ai. Bách Lý Cư nắm tay Quan Mộng Bình ấn mạnh một cái, cất tiếng nói:

– Ba vị đã thi triển thức Phi Ưng Thất Toàn, phải chăng là Thiên Sơn Tam Kiếm, ba anh em nhà họ Lãnh?

– Hắc hắc!

Người đi đầu dường như giật mình sửng sốt, tiến lên một bước và ôm quyền nói:

– Tại hạ là Lãnh Vân cùng với Lãnh Mộng và Lãnh Hồng xin kính chào Bách Lý đại hiệp.

Bách Lý Cư cười khẩy:

– Không dám nhận đại lễ của Thiên Sơn Tam Kiếm như vậy đâu ...

Chàng đưa mắt liếc nhanh về phía ba thanh niên mình giắt trường kiếm lạnh lùng tiếp:

– Đêm hôm khuya khoắt ba vị đến đây có điều chi chỉ giáo?

Lãnh Vân đáp:

– Nửa tháng trước ba anh em chúng tôi đã chờ sẵn tại Ngọc Môn Quan, lẽ ra đã sớm gặp nhị vị Tinh Nguyệt Song Kiếm từ lâu. Ngặt vì Bách Lý huynh hành tung phiêu hốt, được tin bỗng từ Thanh Hải hướng bắc ra đến Mông Cổ, vốn thật đáng tiếc ...

Phen này thì Bách Lý Cư đã trông rõ Lãnh Vân tuổi trạc tam tuần, dung mạo cũng tương đối khá, duy có nụ cười nham hiểm giảo hoạt trên môi là khiến người cảm thấy căm ghét mà thôi.

Chàng lạnh lùng nói:

– Lãnh huynh khỏi phải nói nhiều, xin cứ cho biết ý định đi?

Lãnh Vân buông tiếng cười khan:

– Bách Lý huynh đã nói như vậy chúng ta cứ việc thẳng thắn với nhau. Gia sư Thiên Sơn Lão Nhân đã sai huynh đệ bọn này mời đại hiệp đến Thiên Sơn Lãnh Mai Tiểu Trúc một chuyến ...

Ánh mắt y lóe lên và tiếp:

– Huống chi tôn phu nhân hiện đang có hỷ sự trong người, không nên bôn tẩu liên miên trên sa mạc ...

Bách Lý Cư cười khẩy:

– Hừ! Vậy là các ngươi có lòng tốt? Chứ không phải là mong muốn vạn lượng hoàng kim, mỹ nữ và Tứ Đại Kiếm Quyết sao?

Thiên Sơn Tam Kiếm thoáng biến sắc mặt.

Lãnh Mộng tiếp lời:

– Thiên Sơn một nguồn, chả có liên can gì đến Tứ Đại Kiếm Phái của Trung Nguyên cả.

Ý của gia sư chỉ cốt yếu ở mảnh Hòa Điền Mỹ Ngọc trên mình Bách Lý huynh mà thôi ...

Bách Lý Cư giật mình, gằn giọng:

– Ai đã nói như vậy?

Lãnh Vân trừng Lãnh Mộng một cái, ôn tồn nói:

– Cô Tinh Kiếm Khách có mang trên mình tàng trân bảo ngọc của Huỳnh Long Thượng Nhân để lại, thiên hạ mấy ai là không biết chứ? Bằng không thì Tứ Đại Kiếm Phái lại chịu dùng tam đại kỳ trân để đổi lấy một mình Bách Lý huynh sao?

Ngưng một chút lại tiếp:

– Lạc Dương Đại Hào Quan Thạch Đình và Phích Lịch Thần Quyền Quan Sơn đã phi thư báo cho gia sư, dặn bọn này phải đối xử tử tế với tôn phu nhân ...

Quan Mộng Bình thoáng biến sắc, buột miệng hỏi:

– Cha và huynh trưởng của ta đều đã đến cả rồi ư?

Lãnh Vân đáp:

– E là đã có mặt tại Ngọc Môn Quan cả rồi ...

Bách Lý Cư vừa nghe tin kẻ hận mình cực độ là nhạc phụ và đại cựu (cậu cả) đã đuổi theo đến nơi, hoảng hốt thầm nhủ:

“Không ngờ tin loan nhanh như vậy? Pho bí kíp do Huỳnh Long Thượng Nhân và Xích Dương Tử hợp chú thuở xưa phải qua đồ án trên mảnh ngọc Hòa Điền mới biểu lộ được, nay đã bị quá nhiều người biết, ta há có thể để họ đuổi theo cả đến đây ...”.

Chàng đảo quanh mắt, liếc về phía Quan Mộng Bình một cái nhìn sâu sắc. Rồi sải chân tiến tới ba bước, dương thanh nói:

– Các vị hãy về chuyển cáo với lệnh sư, Bách Lý Cư này xin kính tạ hảo ý của người.

Song mỗi ngươi ai có chí nấy, phu phụ chúng tôi cần lên đường gấp, những xin tam vị ...

Lãnh Hồng trầm giọng:

– E rằng các hạ không thể tùy ý được đâu.

Bách Lý Cư thoáng biến sắc:

– Vậy thì ta phải lãnh giáo Thiên Sơn Thất Cầm Kiếm Pháp của tam vị.

Chưa dứt lời, chàng xoay một vòng tròn rồi tạt sang phải bảy bước, ánh kiếm túa ra như cánh quạt ngăn cản đường tháo lui của Thiên Sơn Tam Kiếm.

Tất cả những diễn biến kể trên chỉ xảy ra trong chớp nhoáng, lẹ làng và trầm vững quả là khí thế của một cao thủ kiếm phái.

Hai vợ chồng Bách Lý Cư và Quan Mộng Bình trải qua biết bao gian nguy, thảy đều do hai người đồng tâm hiệp lực mà đánh lui kẻ địch. Mãi đến khi Mộng Bình hoài thai thì Bách Lý Cư mới định ra một phương pháp tốc chiến tốc quyết. Khi nào đào tẩu được thì đào tẩu chứ tuyệt đối không ham chiến đấu.

Vì vậy, khi Bách Lý Cư bấm tay Mộng Bình ra dấu thì Mộng Bình liền hiểu ý và lập tức lo thu xếp lều bạt.

Bách Lý Cư vung kiếm ra, ánh thép chập chùng như sóng xô, tức thì bức lùi Thiên Sơn Tam Kiếm những bốn bước.

Lãnh Vân xoay ngang một vòng, thanh kiếm trên lưng đã được tuốt ra khỏi vỏ, choang một tiếng, y dương thanh nói:

– Lãnh Mai Nhiễu Chi (mai lạnh vây cành)!

Lãnh Mộng cũng tuốt kiếm ra dõng dạc hô:

– Ưng Phi Cửu Tiêu (chim ưng bay trên chín từng mây)!

Lãnh Hồng đưa chếch thanh kiếm trầm giọng hô tiếp:

– Hà Du Cửu Uyển (ráng chiều soi suốt vực sâu chín tầng)!

Ba người chỉ một chiêu đã bị Bách Lý Cư bức lui, thầm hiểu danh hiệu Cô Tinh Kiếm Khách tất chẳng phải hư truyền nên ngay chiêu đầu họ đã thi triển tuyệt học.

Chiêu Lãnh Mai Nhiễu Chi chính là thế khởi đầu của Lãnh Mai Kiếm pháp, Ưng Phi Cửu Tiêu là thế khởi đầu của Thất Cầm Kiếm Pháp, còn Hà Du Cửu Uyển là thế khởi đầu của Vân Hà Thập Nhị Thức do vị Chưởng môn Thiên Sơn đời trước sáng chế ra.

Ba chiêu thức này vừa linh diệu, vừa nhanh nhạy lại vừa hung hiểm. Đó là do đương kim Chưởng môn Thiên Sơn Lão Nhân đã tổng hợp thành kiếm trận trấn sơn.

Bách Lý Cư đã phiêu bạt khắp Trung Nguyên suốt ba năm ròng rã, trải qua mấy mươi trận chiến đấu ác liệt, lê gót hàng mấy mươi vạn dặm đường nên chàng rất thành thạo về những kiếm pháp trong thiên hạ võ lâm hơn bất kỳ một người nào khác.

Bởi chàng dày dạn kinh nghiệm nên kiếm pháp của chàng đã đạt đến mức không xuất thì thôi, đã xuất thì phải vấy máu.

Chỉ thấy ánh thép lấp loáng, ba loại kiếm pháp của Thiên Sơn Tam Kiếm đã vây phủ Bách Lý Cư vào giữa.

Bách Lý Cư cất lên một tiếng hú lanh lảnh, kiếm thế vụt biến đổi, một thức Tinh Lâm Bát Giác (sao sa tám góc), ánh kiếm chớp lên thành mười sáu thế ...

Ken keng keng, ba tiếng vang lên, bốn thanh trường kiếm tách rời, Thiên Sơn Tam Kiếm loạng loạng thối lui ngoài sáu thước, thảy đều kinh ngạc nhìn Bách Lý Cư.

Ong! Bách Lý Cư đưa thanh chếch trường kiếm, mũi kiếm đặt ngang mày và không ngớt rung động, phát ra tiếng kêu ong ong ...

Trong lúc Thiên Sơn Tam Kiếm liên hợp thành Thiên Sơn Kiếm Trận, Bách Lý Cư đã phát hiện ra một tí sơ hở của đối phương khi xuất chiêu không được đồng đều mà phát ra một chiêu Tinh Lâm Bát Giác có uy lực mạnh nhất trong Cô Tinh Kiếm Pháp để hóa trừ.

Sau khi thở hắt một hơi dài chàng trầm giọng nói:

– Các vị về nói với lệnh sư rằng Thiên Sơn Kiếm Trận vẫn còn có chỗ khiếm khuyết. Đợi khi nào ông ấy nghiên cứu hoàn chỉnh rồi các vị hãy tìm tôi cũng chẳng muộn.

Lãnh Vân sửng sốt thầm nhủ:

“Giang hồ đồn đãi rằng Cô Tinh Kiếm Khách tinh thông kiếm pháp của các môn phái, có thể nhận ra được những điểm sơ hở. Với chiêu kiếm chớp nhoáng và mạnh mẽ vừa rồi, đủ thấy trình độ kiếm pháp của y chẳng kém gì sư phụ ...”.

Lãnh Mộng buông tiếng cười khẩy:

– Kiếm pháp của các phái đã có điểm lợi hại thì ắt phải có chỗ thiếu sót, chả lẽ Cô Tinh Kiếm Pháp lại không có điểm sơ hở hay sao?

Bách Lý Cư lạnh lùng đáp:

– Cho dù Cô Tinh Kiếm Pháp có thiếu sót, các vị cũng chẳng nhận ra được đâu.

Mắt chàng lóe lên ánh sáng lạnh:

– Nếu các vị không rời khỏi đây ngay, tôi cam đoan trong vòng mười chiêu sẽ làm cho các vị máu rơi tại chỗ.

Lời lẽ chàng chắc nịch khiến cho Thiên Sơn Tam Kiếm thảy đều biến sắc mặt. Họ biết rất rõ Cô Tinh Kiếm Khách trong vòng ba năm đã giết tổng cộng hơn sáu mươi vị đệ tử Tứ Đại Kiếm Phái trong Trung Nguyên, nổi tiếng là ra tay tàn độc.

Do đó ba người cùng đưa mắt nhìn nhau, rồi Lãnh Hồng dương thanh nói:

– Nếu trong vòng mười chiêu mà Bách Lý đại hiệp không phá được Thiên Sơn Kiếm Trận thì ...

Bách Lý Cư nạt ngang:

– Ngươi muốn sao?

Lãnh Hồng giật mình ấp úng:

– Tôi ...

Lãnh Vân và Lãnh Mộng cùng vung trường kiếm vạch ra một vòng sáng bạc, cản trước mặt Lãnh Hồng.

Lãnh Mộng lên tiếng:

– Hồng đệ, phóng mau lên!

Bách Lý Cư quát lớn:

– Ngươi muốn phóng cái gì?

Lãnh Hồng dùng tay trái kéo mạnh tay phải rồi giơ lên cao vẫy mạnh một cái, bùng một tiếng vang dội, ánh lửa bừng lên xen với tiếng rít lảnh lói, xuyên qua vòm cây bay vút lên trời.

– Ngũ Vân Xung Thiên ...

Bách Lý Cư thấy ánh lửa vừa xuyên qua tán cây liền hóa thành năm màu rực rỡ treo lơ lửng trên không trung, chàng giận dữ nói:

– Thì ra các ngươi sớm đã ...

Quan Mộng Bình cất tiếng gọi:

– Cư lang, chàng hãy cẩn thận.

– Nàng đi đi! Để mặc ta!

Bách Lý Cư quay lại ném một cái nhìn vô vàn trìu mến về phía Quan Mộng Bình đang tay xách hành lý, biết bao tình yêu nồng thắm trìu mến đều được trút gửi cho người vợ hiền thân thương.

Lãnh Mộng quát:

– Đừng cho thị rời khỏi đây.

Lãnh Vân vung kiếm:

– Mai Nhị Thổ Xuân (nụ mai nở xuân)!

Mũi kiếm của y vạch ra một đường vòng cung, tiếp theo hai lưỡi trường kiếm của Lãnh Mộng và Lãnh Hồng cũng cùng chia thành ba phương vị khác nhau ngăn cản đường rút lui của Quan Mộng Bình.

Bách Lý Cư gầm lên:

– Ta phải giết sạch các ngươi.

Tiếng gầm của chàng chứa đầy sát khí và căm hận, khiến cho Thiên Sơn Tam Kiếm sững người. Ngoảnh sang nhìn, chỉ thấy Bách Lý Cư lao tới, chân bước chếch bốn bước khi thân hình còn đang lơ lửng trên không, tay cầm trường kiếm uy nghi như một vị thiên thần giáng thế, khiến người trông thấy phải khiếp vía.

Ánh kiếm lấp loáng, Lãnh Vân hét:

– Hãy coi chừng!

Thế nhưng, tuy y đã di bộ vung kiếm song vẫn bị thế Cô Tinh Linh Lạc (sao rơi lác đác) tích tụ khí hung hãn toàn thân của Bách Lý Cư cản lại.

Choang một tiếng, kình lực khủng khiếp tuôn ra từ lưỡi kiếm của đối phương đã làm chấn động thanh kiếm trong tay y và gãy thành hai đoạn.

Lãnh Mộng và Lãnh Hồng cả kinh, từ hai phía lao tới tấn công.

Ánh kiếm lấp loáng như sà đằng không. Mũi kiếm của Bách Lý Cư vạch ngang ngực Lãnh Vân mang theo máu tươi lún phún, rồi thu về tự bảo.

Lãnh Vân khẽ hự một tiếng, tay vịn vào ngực áo rách bươm lảo đảo thoái lui hai bước.

Đoạn kiếm gãy trong tay cơ hồ cầm không vững rơi xuống đất.

Lãnh Hồng hốt hoảng hỏi:

– Đại ca có sao không?

Lãnh Vân tự hiểu nếu không nhờ Lãnh Mộng và Lãnh Hồng kịp thời tấn công địch thủ, xuất chiêu chớp nhoáng thì mình đã mất mạng dưới đường kiếm hung hãn của Bách Lý Cư rồi.

Sắc mặt y trắng nhợt, vã mồ hôi lạnh, lắc đầu toan nói thì Bách Lý Cư đã cầm kiếm sấn tới.

Lãnh Vân giật thót người:

– Hồng đệ coi chừng.

Lãnh Hồng hoảng kinh cảm thấy một làn kiếm phong lạnh ngắt chụp tới. Y vội nghiêng người vung kiếm phóng ra một thế Vân Hoành Thúy Lãnh (mây bay ngang đỉnh núi xanh).

Bách Lý Cư buông tiếng cười khẩy, đường kiếm chợt biến đổi, trở tay vung ra một thế kỳ ảo khôn tả.

Thanh trường kiếm xoay quanh một vòng một trăm tám mươi độ, chênh chếch đưa ra, mũi kiếm chỉ ngay yếu huyệt Tỏa Tâm của Lãnh Mộng.

Lãnh Mộng nào ngờ đường kiếm hùng mạnh của đối phương giờ lại trở nên hiểm độc, lại có thể trong một tư thế bất khả năng trở tay phóng ra một kiếm.

Y hoảng kinh toan vung kiếm tự bảo, mũi kiếm của Bách Lý Cư đã sắp chạm vào ngực.

Tức thì, sắc mặt y tái xanh, nghiêng người ngã ngửa ra sau, hai tay duỗi thẳng dùng chuôi kiếm thốc vào mũi kiếm của đối phương ngõ hầu đánh lệch đi một chút.

Bách Lý Cư đã từng trải qua biết bao cuộc chiến, kinh nghiệm dày dạn dường nào, vừa nhác thấy phản ứng của Lãnh Mộng đã hiểu ngay tâm ý của đối phương.

Chàng nhếch môi cười nhạt, mũi kiếm rung lên thành hình một vòng cung nhỏ, đâm vào huyệt Thiên Đột nơi yết hầu của Lãnh Mộng.

– Á ...

Mũi kiếm đâm ngay yết hầu Lãnh Mộng, lập tức ngã lăn ra chết tươi.

Bách Lý Cư lẹ làng biến đổi kiếm thức toan tiếp tục tấn công Lãnh Hồng đang ở phía bên tả.

Ngay lúc ấy ở trong rừng vang lên một tiếng nổ như sấm rền.

– Á ...

Quan Mộng Bình sợ hãi rú lên.

Bách Lý Cư giật thót người. Chàng nghiêng mắt phóng nhìn, chỉ thấy Quan Mộng Bình mặt đối rừng thụt lùi ra sau. Con lạc đà của mình cất được hai bước rồi đột nhiên lảo đảo ngã quỵ.

Trí óc chàng liền lóe lên một ý nghĩ, kinh hãi nhủ thầm:

“Phích Lịch Thần Quyền Quan Sơn đã đến rồi.”.

Lãnh Hồng vừa thấy kiếm thế của Bách Lý Cư ngập ngừng, liền lợi dụng ngay một giây sơ hở này sấn tới hai bước, chớp nhoáng công ra ba kiếm liên tiếp.

Kiếm phong lành lạnh tạt vào mặt làm cho Bách Lý Cư bừng tỉnh, khi đảo mắt nhìn thì ánh kiếm đã nhanh như điện chớp áp tới gần kề.

Chàng gầm lên giận dữ, đồng thời trường kiếm cũng vươn lên đánh tạt vào thân kiếm của đối phương.

Chiêu tức này là do chàng tự sáng chế, vừa phòng thân lại vừa có thể tấn công địch nhân, là một chiêu thức vô cùng thần diệu.

Keng keng keng liên tiếp ba tiếng, ba thế kiếm của Lãnh Hồng đều bị gạt phăng.

Lãnh Hồng hít sâu một hơi thừa lúc hai thanh kiếm chạm nhau trong tích tắc, vận hết kình lực toàn thân áp tới.

Bách Lý Cư không ngờ Lãnh Hồng lại muốn tỷ thí nội lực với mình. Thoáng nghĩ ngợi chàng liền hiểu ngay dụng ý của đối phương.

Chàng buông tiếng cười khẩy, kình lực từ thân kiếm liền tuôn ra ào ạt. Hai thanh kiếm ma sát với nhau rít lên chát chúa. Rồi thì thân hình của Lãnh Hồng chao nghiêng, thế đứng bấp bênh bởi lực đẩy của đối phương.

Choang một tiếng, trường kiếm của Lãnh Hồng gãy làm đôi. Đồng thời đoạn kiếm còn lại cũng vuột khỏi tay văng đi, miệng hộc máu tươi ...

– Bách Lý Cư!

Một tiếng quát vang lên như sấm nổ vang lên từ phía sau lưng chàng, tiếp theo là tiếng Quan Mộng Bình gọi:

– Đại ca.

Bách Lý Cư giật nảy mình, bất giác đứng ngớ ra.

Lãnh Hồng ngã xuống đất rồi thừa thế lăn ra xa. Lãnh Vân nhân một thoáng ấy, hai tay cầm chặt nửa đoạn kiếm gãy cùng cả thân người nhảy xổ tới.

Quan Mộng Bình trông thấy Lãnh Vân liều mạng tấn công Bách Lý Cư hốt hoảng la to:

– Cư lang ...

Bách Lý Cư theo phản ứng nghiêng người tránh né, song nửa đoạn kiếm gãy của Lãnh Vân đã đâm vào vai trái, máu tuôn ướt cả tay áo.

Bách Lý Cư gầm lên, trường kiếm bổ xuống, chỉ thấy ánh thép lấp loáng, thân người của Lãnh Vân đã bị chẻ làm đôi phơi thây tại chỗ.

Chàng buông hai tiếng thở gằn, ánh mắt sắc lạnh quay lại quát:

– Quan Sơn, ngươi buông ra ...

Một đại hán râu ria xồm xoàm đang nắm giữ Quan Mộng Bình, thấy Bách Lý Cư trên vai cắm đoạn kiếm gãy nhìn mình với vẻ cực kỳ hung tợn, lòng không khỏi ớn lạnh.

Phích Lịch Thần Quyền Quan Sơn thoáng biến sắc mặt nhưng trở lại tự nhiên ngay. Y dõng dạc nói:

– Bách Lý Cư, ngươi còn chưa chịu giao Hòa Điền Mỹ Ngọc ra đây, chả lẽ chết rồi mà còn có thể ...

– Câm ngay!

Bách Lý Cư đưa kiếm ngang ngực, từng bước tiến tới, lạnh lùng nói:

– Quan Sơn, ngươi còn chưa chịu buông cái bàn tay thối tha của ngươi ra ư?

Quan Sơn khẽ giật mình, bất giác buông tay ra lớn tiếng nói:

– Ngươi đã bị thương rồi, còn chịu đựng được bao lâu nữa chứ?

Bách Lý Cư trầm giọng quát:

– Mộng Bình, chạy mau!

Quan Mộng Bình mắt nhòa lệ:

– Cư lang, thiếp không đành bỏ rơi chàng ...

Bách Lý Cư gắt:

– Nàng bụng mang dạ chửa còn không biết tự bảo trọng hả? Chạy mau đi!

Quan Mộng Bình cắn môi, giọng run run:

– Cư lang, chàng ... chàng đừng ham chiến.

Nói đoạn, nàng cương quyết quay đi, lao nhanh đến chỗ cột con ngựa ô.

Đột nhiên một bóng người từ trong rừng phóng ra quát:

– Mộng Bình, mi đi đâu?

Quan Mộng Bình giật nảy mình:

– Cha ...

Lão già từ trong rừng vọt ra nắm lấy Mộng Bình:

– Mộng Bình, cực cho con quá, theo cha về đi thôi!

Bách Lý Cư gắt:

– Mộng Bình, nàng chưa chịu đi nữa hả?

Quan Sơn giận dữ:

– Bách Lý Cư, xem quyền đây!

Y vặn mình, xương cốt kêu răng rắc, hụp người xuống, tả quyền phạt ngang, hữu quyền khoa nửa vòng tròn rồi từ cánh tay tả xuyên ra đấm thẳng tới Bách Lý Cư.

Quyền phong rít lên vun vút. Quan Sơn hữu quyền vừa xuất, tả quyền liền theo sau liên hoàn tung ra, vang lên tiếng ầm ì như sấm rền.

Bách Lý Cư hiểu rất rõ sự cương mãnh của môn Phích Lịch Thần Quyền này, hầu như bất cứ vật gì dù cứng rắn đến mấy cũng không thể nào chịu nổi. Chỉ cần y tấn công liên tiếp nội trong mười chiêu là mình không còn hoàn thủ được nữa.

Chàng hít một hơi thật sâu, bế tỏa huyết mạch trên vai trái. Chàng điểm mũi chân xuống đất, lưỡi kiếm vạch thành hình cánh quạt, một thức Tinh Trầm Đại Trạch (sao chìm ao lớn) vung lên khi tả quyền của đối phương sắp sửa phóng ra.

Ánh kiếm cuồn cuộn như một dòng nước cuồn cuộn tràn vào quyền phong, nhằm vào Mạch Môn của Quan Sơn chém tới.

– Hứ!

Quan Sơn buông tiếng cười gằn, trầm thân di bộ, song quyền đánh thốc lên trúng vào thân kiếm.

Oang ... lưỡi kiếm rung động, bật lên năm tấc. Cánh tay Bách Lý Cư phạt ngang, lưỡi kiếm đi theo hình chữ chi nhắm vào mặt Quan Sơn đâm tới. Trong tích tắc lưỡi kiếm lại rung lên những mười lăm lần nữa.

Chiêu thức này của chàng biến chuyển rất nhanh khéo và hiểm ác, chặt chẽ như hàng vạn mũi tên bắn tới, khiến người phải kinh hồn bạt vía.

Quan Sơn gầm lên một tiếng thật to, thoái lui hơn sáu bước, thân hình vạm vỡ của y di chuyển như một hòn núi. Y kinh ngạc nói:

– Xa cách mới hơn nửa năm mà xem ra kiếm pháp của ngươi đã tinh tiến khá nhiều nữa rồi.

Bách Lý Cư thở gằn, không thèm đếm xỉa đến Quan Sơn, ánh mắt dời qua phía Quan Thạch Đình đang nắm giữ chặt Quan Mộng Bình không chịu buông tay.

Quan Mộng Bình van vỉ:

– Cha, hãy để cho con đi ... để cho con đi.

Quan Thạch Đình kiên quyết:

– Mộng Bình, theo cha về đi thôi, đừng tự đi tìm lấy cái chết nữa.

Bách Lý Cư quát lớn:

– Quan Thạch Đình, sao lão lại không buông nàng ra, nàng đã là người của nhà họ Bách Lý rồi kia mà?

Quan Thạch Đình gằn giọng:

– Sơn nhi, hãy giết tên vô lại này cho cha!

Bách Lý Cư trừng mắt tức tối cơ hồ muốn hộc máu. Chàng trao kiếm qua tay trái, tay phải rút đoạn kiếm gãy trên vai, tiện thể vung tay phóng đi.

Quan Sơn hốt hoảng hét lên:

– Cha!

Quan Thạch Đình giật mình nghiêng đầu tránh đi. Đoạn kiếm gãy xé gió vút tới nhanh như điện xẹt, còn cách lão không đầy năm thước nữa thôi.

Lão theo bản năng vung chưởng ra định đánh bạt đoạn kiếm gãy. Song bàn tay của lão vừa giơ lên mới sực nhớ ra là mình đã mất hết võ công rồi.

– Ối ...

Lưỡi kiếm đã xuyên qua bàn tay cắm vào ngực trái. Quan Thạch Đình rú lên đau đớn, ngã ngửa xuống đất chết ngay.

Quan Mộng Bình thét lên nức nở:

– Cha ...

Quan Sơn trợn to mắt thiếu điều rách cả khóe, rống lên:

– Cha đã bị Tinh Tú Hải Hải Thiên Song Kỳ phế mất võ công rồi, ngươi đâu thể ...

– Sao?

Bách Lý Cư như bị sét đánh, thần trí tê dại trống tuếch. Chàng lẩm bẩm:

– Ông ấy ... ông ấy đã không còn võ công ư?

Quan Sơn rơi nước mắt, bi phẫn rống lên một tiếng, song quyền liên hợp, một thức Vân Oanh Ngũ Nhạc (mây vang lừng khắp năm ngọn núi) phóng ra nhanh như chớp.

Trong tiếng sấm nổ vang, Bách Lý Cư rú lên thảm thiết, bị quyền kình cuồng mãnh kia đánh văng lên cao hơn trượng, bay ra ngoài xa ba trượng.

Một vệt máu đỏ thắm tạo thành hình cầu vồng rơi dài trên mặt đất ...