Dọc theo bờ đê tỉnh Thái Bình, cách đường xe lửa chừng mười lăm cây số, có một con sông nhõ, chiều ngang độ ba, bốn thước tây, muốn qua bên kia sông thì vịn đi trên một cái cầu, hai cây tre, dầu cho người gánh gánh cũng phải đi trên cầu tre ấy, đi lâu quen chơn, không sợ gì nguy hiểm.

Từ chổ cầu tre đi băng ngang một cánh đồng, lúa mới cấy, có chỗ còn bỏ hoang, đi vào một khoảng nữa thì năm, sáu túp lều tranh xơ xác, nhận cho kỷ thì biết ngay là xóm bị lụt và thất mùa năm ngoái mới rồi.

Trời chập choạng(#1) , một người đàn bà chỉ mặc một cái ướm(#2), ngồi chài bài(#3) dưới đất, ru một dứa con dại độ hai tuổi đang nằm khóc u oa trong nôi, một đứa nhõ nữa, độ sáu, bảy tuổi, ở trần ở truồng, má cóp má xanh, hai chơn tay ốm nhom như ống sậy, đứng một bên mẹ nó khóc rên:

- "Rét lắm bu ôi! Đói lắm bu ôi!"

Người mẹ cũng rung lặp cặp, phần lo dổ đứa nhõ trong nôi, phần thấy đứa lớn đứng bên kêu đói rét, nhìn hai con, nước mắt rưng rưng, nhưng cũng gượng mà dổ đứa lớn rằng:

- Nầy con ôi, vú cũng đói cũng rét như con vậy! Con nán chờ một chốc nữa, bố đi lãnh tiền và gạo về đây thì tha hồ mà no con ạ!

Mẹ nói cứ nói, con khóc cứ khóc, trời lạnh như cắt, bụng đói như cào, một lát, nghe ba mẹ con đều nín lặng, hình như không còn hơi nữa mà rên hoài đặng(#4) nữa.

Liền đó thấy có bóng người đi bên kia cánh đồng xa xa, người mẹ lấy tay đạp lên vai đứa con lớn mà chỉ ra ngoài đồng:

- Con thấy không, bố con đả về kia kìa, tay có mang gói gạo nữa đó, thôi bu con ta sẻ được no rồi.

Đứa con nhõ, đang nằm xĩu, chừng nghe mẹ nó nói gần có cơm ăn, thì thình lình cái cảm giác ở đâu tới cho nó rất mạnh làm cho thẳng nhõ vừng đứng dậy, cặp con mắt tỉnh táo, nét mặt hớn hở lên. Thằng nhỏ nói:

- Thật bố rồi, thật bố rồi đó!

Vừa nói, hai cẳng vừa nhảy lên nhảy xuống, muốn chạy ra ngoài ngõ mà đón, song bước ra được vài bước thì té xuống, chĩ có lấy cặp con mắt mà trông chừng cha nói thôi.

Người đàn ông bước vô nhà thấy đứa con lớn ngồi đó tõ ý mừng cha mà không nói đặng, ngó ngoáy trong nôi, thấy đứa nhõ, con mắt sâu ngoáy, ruột xép ve, còn chị vợ thì thở dài đi không muốn nổi. Anh ta nhõ giọt hai hàng nước mắt.

- Đó, gạo đó, để bố đi nhúng(#5) lửa nấu cho con ăn và bu con, em con ăn nhé.

Anh ta vừa nói vừa lật đật đi kiếm củi nhen lửa, không đầy hai mươi phút thì đã duốn(#6) nồi cơm xuống, trút ra nơi rá, hai vợ chồng và đứa con lớn ngồi bốc ăn, người vợ ăn một miếng, lại nhai đút cho đứa nhõ trong nôi một miếng. Ăn mỗi người hai sét chén, lúc bấy giờ, trong bụng đã hơi ấm, vợ chồng mới kễ lễ với nhau.

Người chồng nói:

- Bấy nhiêu gạo đó, ăn nhơn nhịn cho tới mồng bốn Tết, chớ nếu ăn thật no thì hụt rồi không biết xin ai nữa, bu nó nghe không.

Người vợ nhìn bọc gạo con mắt lưng lẻo nhíu hai chơn mày lại mà nói:

- Trời ôi! Hôm nay mới ba mươi mà bấy nhiêu gạo đó, ăn làm sao cho tới mùng bốn? Ăn cháo lỏng may mới đủ chớ.

Người chồng nói:

- Còn sáu cắc đây nữa nầy.

Nói rồi liền lấy sáu cắc bạc trong lưng đưa ra cho vợ.

Người vợ hỏi:

- Vậy chớ hội đồng cứu tế phát cho một người được bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo?

- Mỗi người mười chén gạo và sáu hào.

- Ủa, mà còn tôi nghe ở trong Nam Kỳ độ này cũng có gởi tiền và gạo ra cho thêm nữa mà?

- Thôi đừng nói nữa mà tôi đau lòng lắm.

- Sao vậy?

- Chớ chi số bạc của Nam Kỳ cứu tế mà gởi ra cho đủ, thì Tết nầy vợ chồng mình con cái mình đã được no ấm rồi.

- Vậy họ ăn bớt đi sao?

- Ăn bớt hay không thì không hiểu, đều nghe mấy người đọc nhựt báo trong Nam họ kễ chuyện lại thì té ra trong ấy có một tờ báo cổ động cứu tế nạn dân, nghe nói tờ báo ấy thâu được mười hai nghìn đồng, mà ông Tổng lý và ông Quản lý chi chi chủ bút chi đó họ chia tay nhau hết bốn nghìn làm cho số tiền ấy ngày nay cũng chưa thấy họ thường lại, thành ra ở đây mình cũng bị thiệt theo.

- Cái đồ bất nhơn ác đức tệ quá, mình đói rách thế này mà chúng nó ăn làm sao cho đành kìa. Trời đâu không đánh ba đánh bảy chúng nó đi cho rồi.

- Ừ, nếu bốn nghìn đồng đó mà ra tới ngoài nầy, chia cho bốn nghìn gia quyến thì gia quyến ta cũng được một đồng, có lẻ cái Tết nầy ta đủ gạo ăn cho tới mùng bốn, khõi bị bữa đói, bữa no, mà con ta cũng có tấm áo vải che thân, khỏi cái nông nỗi trời mùa đông mặc áo da rét như thế này rồi!

Chú thích:

(1-) Chạng vạng.

(2-) Yếm.

(3-) Ngồi bẹp dang hai chân ra.

(4-) Được

(5-) Nhúm.

(6-) Nhắc

Công Luận báo,

ngày 14-2-1931

Hết