11 giờ 42 phút.

Bây giờ tôi hiểu rõ sự thèm khát của mình. Đó là ánh nắng. Không phải thứ nắng tạm bợ rơi trên sân mỗi ngày nửa tiếng. Phải có gió hòa nhập. Phải có bầu trời phủ khắp. Cái hạn hẹp của bốn bức tường bao quanh đã thành ý nghĩa. Và thời gian là mấu chốt. Sự co giãn của từng sớ thịt khi chờ giờ ra sân thành nhịp rung quen thuộc. Tôi đã bồn chồn nhìn từng nấc kim đồng hồ nhảy. Dãy hành lang chắn giữa hai hàng phòng với hàng đèn chạy dài đột nhiên mờ nhạt. Chỉ còn mặt chiếc đồng hồ treo trên đầu người cảnh sát đang ngồi là rõ nét. Ngay cả tiếng ồn ào phát ra từ những căn phòng cũng chìm lắng. Tưởng như chỉ có nhịp đồng hồ vang động. Tôi đã chờ. Sau ba năm tại đây.

John quay lại phía giường tôi. Miệng hắn đang nhồm nhoàm thức ăn. Một vệt sốt cà chua vương trên mép phải. Mầu đỏ nổi bật trên nước da trắng ngoét.

– Mày không ăn?

– Không.

– Tại sao?

– Không thích.

– Bịnh?

– Không.

John nhún vai. Quay lại và tiếp tục với phần ăn bỏ dở. Tấm lưng to tròn như đè nặng lên lớp mỡ bụng tạo thành nếp vòng cung căng cứng lần vải áo. Cái đầu cúi xuống lõa xõa những sợi tóc vàng hoe trên gáy. Một cái đầu ngu độn với đống hamburger, hot dog. Đã có lần John nói với tôi khi bàn tay mập ú đập đập lên cái trán thấp. Tôi cười an ủi hắn. Mày là thằng tù hồn nhiên. Hắn nhún vai theo thói quen. Vậy sao? Nhưng tao đã giết người. Tôi cười lớn hơn. Bởi thế mày mới là thằng tù hồn nhiên. Hắn nhìn tôi một lúc. Tao không hiểu. Lại nhún vai. Mày có vẻ hồn nhiên hơn tao. Và cười.

Bây giờ cái đầu ngu độn đó đang cúi xuống đĩa thịt. Sự thích thú hiện rõ trên từng tiếng nhóp nhép. John ăn thật chậm rãi. Bên ngoài dãy song chiếc xe đẩy phần ăn cho đám tù chung thân đã quay lại. Hai người cảnh sát nhìn vào. Ánh mắt khó chịu rõ ràng. John thản nhiên bẻ từng mẩu bánh mì nhỏ. Chân phải chợt rung lên. Bàn chân nhịp đều đặn. Hai người cảnh sát nhìn nhau, rồi một bỏ đi về phía thang máy. Người cảnh sát còn lại dựa vào chiếc xe đẩy. Bàn tay quay quay chùm chìa khóa. Những tiếng leng keng vang lên. Âm thanh sắc đục. Tôi nhắm mắt, kéo tấm chăn phủ kín mặt. Âm thanh nhỏ hẳn nhưng sự khó chịu lại gia tăng. Tôi muốn im lặng. Đừng có một tiếng động nào cả. Tất cả hãy trống không. Cái trống không cần thiết của không gian để trở thành thiêng liêng trước giờ giao thừa. Giờ này hẳn mẹ tôi đang khấn vái trong sân nhà, giữa tiếng pháo. Mẹ vẫn khỏe. Em vừa nhận được thiếp hồi báo của mẹ. Diễm vừa nói vừa giơ tấm thiếp hồi báo của một hãng hàng không. Dù khoảng cách giữa chúng tôi thật rộng, không thể đọc được nhưng tôi vẫn hình dung từng nét chữ cong queo, xiêu vẹo của mẹ tôi. Người cảnh sát đến cạnh Diễm. Hẳn hắn hỏi về tấm thiếp, lúc đôi mắt ngắm nghía. Rồi gật đầu bỏ đi sau khi Diễm nói một câu gì đó. Diễm quay về với tôi bằng một nụ cười. Nàng nói đủ thứ chuyện. Tôi nghe nhiều hơn. Vậy mà vẫn thiếu. Mãi lúc hết giờ nàng mới bảo tôi. Mốt là Tết ta đó anh. Và mắt đỏ hoe nàng theo người cảnh sát ra cửa. Bây giờ đang giao thừa ở Việt nam. Ý niệm về thời gian làm tôi khó chịu. 12 giờ trưa giữa một nhà tù. Giao thừa giữa tiếng leng keng của chùm chìa khóa trên tay người cảnh sát. Tôi làm gì bây giờ? Phải làm một việc gì đó. Nhưng làm gì? Tôi muốn bật dậy, hất tấm chăn sang bên cạnh. Ra bàn ngồi với John, nhìn cái trán đần độn của hắn để thấy mình là thằng sát nhân. Căp mắt hắn sẽ nhíu lại, ánh xanh biếc sẽ lờ đờ. Hắn vẫn tránh tia mắt tôi mỗi khi nói chuyện... Hay thọc tay vào túi quần, đi đi, lại lại trong phòng. Mười tám bước đến gặp bức tường. Mười tám bước lui đụng chấn song. Lại gầm gừ bài thơ của Thế lữ, khi John co mình một góc nhìn tôi chăm chú... Hay chạy ào vào nhà cầu, vốc nước tạt vào mặt, cho da bớt nóng, mặt bớt căng những ý nghĩ về thời gian... Nhưng tôi vẫn nằm yên. Tấm chăn vẫn phủ trên mặt. Tiếng leng keng đã dứt. Có tiếng tra ổ khóa. Chắc John đã ăn xong và đang ngồi kéo từng hơi thuốc như mọi buổi trưa. Tôi ngửi phảng phất mùi thuốc trong hơi thở.

– Mày cho tao điếu thuốc.

Tôi kéo tấm chăn xuống. John đứng trước mặt tôi. Khuôn mặt ngây ngây vẻ ngu dại và bối rối.

– Tao xin lỗi. Cho tao điếu thuốc, tao đã hết.

Tôi đưa hắn gói thuốc. Hắn rút một điếu, trả lại tôi gói thuốc, buông thõng giọng.

– Cám ơn.

Và bước về chiếc ghế với những hành động như mọi hôm. Co hai chân trên ghế và bật lửa. Mùi khói phảng phất trong hơi thở tôi. Hắn mới bắt đầu hút. Vậy mùi thuốc tôi ngửi khi trùm chăn chỉ là mùi thuốc cảm thấy, theo sau những động tác tưởng như đã làm của John hàng ngày.

3 giờ 17 phút.

Người cảnh sát lầm lũi bước trước, kế đến là John, tôi đi sau cùng. Hành lang kéo dài với hàng đèn trắng đục đột nhiên ồn ào những bước chân. Các cánh cửa được mở, những người tù chung thân đã đến giờ phơi nắng. Ba người chúng tôi đi thành nhóm dọc. Một vài tiếng chào vang lên. Rồi im lặng. Những diễn biến rập khuôn thành quen thuộc. Hết dãy hành lang. Qua môt cầu thang. Lại một hành lang kín bưng là đến những song chắn. Và không gian của nắng bên ngoài.

Đó là khoảng sân vuông vức, bốn chung quanh là lưng của dãy nhà tù quây lại. Những bức tường kín mít. Không một ô cửa sổ. Thứ tường câm như không khí. Chúng tôi bước vào. Đám tù chia thành từng nhóm ba người, ngồi rải rác. Người cảnh sát dẫn chúng tôi đến góc cũ – cái góc tôi và John đã ngồi phơi nắng từ ngày vào đây – John gật đầu, sự khoái trá hiện lên gương mặt đần độn. Tôi im lặng ngồi xuống, xoãi hai chân và bàn tay trái xòe ra. Ánh nắng ôm choàng lấy thân thể. Hơi nóng thấm vào mông âm ấm. Tôi rùng mình xoa hai tay vào nhau. Lại xòe bàn tay trái, màu vàng óng của nắng chiều làm bàn tay đổi sắc. Từ lòng bàn tay, cảm giác khoái lạc lan rộng. Thứ khoái cảm dịu dàng của sự thụ hưởng nhỏ nhoi được cơ thể bỏ ngỏ, đón nhận. Những sớ thịt co giãn đón nắng. Tôi nhuộm vàng trong cảm giác. Diễm cười. Anh có biết mỗi lần sắp Tết, Nha trang có gì lạ không? Không khí bao quanh. Diễm lắc đầu. Không phải, đó là nắng quái của những chiều cuối năm. Nắng quái? Vâng ! Những chiều cuối năm, đi học về ngang đường Nhà thờ, nắng bám vào áo em, tóc em, cả người em mầu vàng óng. Em như được nhuộm nắng. Tôi lắc đầu. Anh không hiểu nổi. Diễm mỉm cười. Sẽ có lúc anh gặp anh được nhuộm trong nắng. Nhưng chắc chẳng bao giờ đâu, ở xứ này... Tôi mở lớn mắt. Sắc vàng trên thân thể thật kỳ lạ. Như lời Diễm nói. Cũng là buổi chiều cuối năm. Cũng nắng quái. Nhưng không gian bị giam hãm bởi bốn bức tường trơn lùi. Nếu đây là khoảng trời mênh mang hẳn sẽ có những cảm xúc khác. Sẽ thế nào? Tôi cố tưởng tượng, nhưng vô ích. Bốn bức tường và những nhóm tù là hiện hữu. Thứ hiện hữu lợn cợn bẻ gãy ý tưởng. Đập vào mắt. Hiển hiện trứơc mặt sự thật. Đây là một trại tù. Và nắng vẫn là những hạt nắng tù. Và tôi, những cảm nhận vẫn là những cảm nhận bị vo kín, ngăn hãm. Thực thể tàn nhẫn, ngột ngạt làm tôi thèm khát nắng. Con nắng không bị vây kín bởi những hiện thể bao quanh. Phải là cơn nắng ào ạt, vỡ tung cả ý niệm thời gian.

John búng tàn thuốc vào vách tường. Điếu thuốc bật ngược, rơi xuống cái rãnh nhỏ, chút khói vương trong nắng. Quyện sắc xanh lung linh, uốn éo những hình thể dài ngoẵng, vô nghĩa. Tỏa dần và tắt ngấm. Hắn ngồi xuống cạnh tôi. Hai cánh tay xồm xoàm đám lông vàng chóe. Nắng không nhuộm trên thân thể hắn. Hắn không được nhuộm trong nắng. Cảm xúc giữa chúng tôi vẫn cách biệt. Hai thực thể trong một không gian vây kín. Trong một màu nắng, trong một không khí nhưng không là nhau. Tôi, nắng, không gian là một chiều cuối năm. John, nắng, không gian là giờ ra sân phơi nắng. Cái nhận được từ cái đầu đần độn đó là gì? Sự co giãn của thân thể dưới ánh nắng? Sự khoái lạc của những bắp thịt được thả trôi trong không khí – thứ không khí tự do tạm cho những thằng tù – giản dị và dễ dàng chấp nhận để những căng thẳng chùng xuống từ mớ thần kinh bị nén lại. Giản dị và dễ dàng sao tôi không có. Sao lại là cuối năm, là mẹ, là Diễm, là nắng quái? Cái nhận được quá nhiều cho buổi chiều. Trong tôi.

– Mày có vẻ buồn.

– Không có gì.

Tôi im lặng. John vỗ trán. Bàn tay với những ngón to, thô kệch bám trên vầng trán thấp như những con đỉa trắng nhợ. Mày có bàn tay sát nhân. John gật đầu. Tao đã giết mẹ tao. Hắn trả lời thản nhiên, ánh mắt rơi xuống bàn tay tôi đang cầm miếng bánh mì. Bàn tay mày đẹp, như tay đàn bà. Hắn gật gù cái đầu, mớ tóc vàng dợn nhịp cao thấp. Không phải. Bàn tay mày có những ngón thon nhỏ. Một bàn tay nghệ sĩ, sao mày lại giết người. Tôi nhìn vào đôi mắt hắn. Cặp đồng tử xanh biếc có tia sáng như mắt mèo. Tại sao mày giết người? Chưa bao giờ mày kể cho tao nghe cả. Tôi vẫn không trả lời. John nhún vai. Mày không thích nhắc đến? Tao không thích kể. Vậy thôi. Tôi co những ngón tay lại. Những sợi gân xanh nổi lên. Trông héo úa và rờn rợn. Bất giác tôi lợm giọng khi nghĩ đến những ngón tay đỏ ối bấu vào cổ họng gã đàn ông bụng phệ.

– Tao nhớ rồi. Chúc mừng năm mới.

John vỗ vai tôi cười cười.

– Hôm nay là năm mới của mày. Chúc mừng năm mới.

– Cám ơn.

Tôi buông thõng hai tiếng và bực bội với chính mình. Hai hôm trước, sau khi Diễm về tôi đã nhắc đến hôm nay, nhắc đến Tết Việt nam với John. Bây giờ lại nhận được lời chúc của thằng bạn tù đần độn. Vẻ hồn nhiên và vui vẻ của hắn làm tôi khó chịu. Bàn tay với những ngón thô kệch vẫn đặt lên vai tôi. Sức nặng truyền sang. Tôi nhìn xuống tay mình. Màu vàng của nắng đã không còn trên da.

9 giờ 31 phút.

Hồi chuông báo giờ ngủ vừa dứt. Âm thanh như còn trong bọng tai. Tiếng u u vướng vít đâu đó. Tôi úp mặt xuống gối. Hai tay ôm choàng lấy ót. Lồng ngực áp sát nệm. Sự đè nén thành dễ chịu, khi sợi chỉ âm thanh bị cảm giác đánh dạt. Bắt đầu một đêm trong nhà tù, như mọi đêm. Hẳn John bắt đầu giấc ngủ. Tôi nghe thấy tiếng thở của hắn. Căn phòng im ắng đến ghê rợn. Khẽ ngẩng đầu khỏi mặt gối tôi từ từ mở mắt. Ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn trắng bệch hắt vào tường. Mặt tường ngả mầu xám trắng, bệnh hoạn. Sự yên lặng chung quanh chợt thành mênh mông. Bây giờ tôi thèm nói chuyện. Bất cứ ai. Bất cứ chuyện gì. Tôi tiếc nuối thời gian vừa rồi. Suốt buổi chiều và buổi tối tôi không nói chuyện với John. Chẳng có gì phải nói đêm naỵ Tôi nghĩ thế. Nhưng lúc này, với sắc trắng bệch của khoảng tường sự trống vắng như lớn hơn. Có tiếng trở mình của John. Hơi thở đều đặn bị ngắt quãng. Tiếng động sột soạt nghe chừng lớn hơn. Tôi xoay người ra ngoài. Cuối dãy hành lang người cảnh sát đang ngồi. Chiếc đồng hồ trên đầu hắn vẫn chạy. Tôi cảm thấy kim đồng hồ đang nhích và tiếng tích tắc rõ ràng. Khoảng cách hơn 50 thước không còn là khoảng cách trong ý nghĩ. Nhưng ý niệm về thời gian vẫn còn. Em vẫn đi làm đều đặn, bé Bình vẫn khỏe. Anh đừng lo gì cả. Ráng ăn ngủ cho đều chờ... Diễm bỏ lửng câu nói. Nét mặt bối rối. Tôi không dám nhìn vào mặt Diễm. Em quên anh đi... Diễm gượng cười ngắt lời tôi. Anh nói bậy quá. Tôi ngập ngừng. Anh... anh... như đã chết, suốt đời ở đây. Em còn trẻ. Diễm vẫn cười. Con bắt đầu nói được nhiều rồi anh ạ, lớn con lắm... Diễm nói nhanh về bé Bình. Tôi im lặng. Khoảng cách giữa hai chúng tôi là lối đi dài theo hai vách lưới khoảng hai thước bề rộng, nhưng xa cách. Lớp lưới đan chéo, khít khao không đủ thấy mặt nhau. Luôn luôn chỉ là những gương mặt bị cắt chéo...

Người cảnh sát đứng dậy, bắt đầu những bước chân. Nhịp giày trên nền xi măng nghe khô khan. Cái bóng hắn thun nhỏ dần khi đến gần ngọn đèn chính. Ngang mỗi phòng, nhịp chân chậm lại. Sự kiểm soát đến cả ngay trong giấc ngủ. Tôi nhắm mắt khi hắn nhìn qua chấn song phòng tôi. Nhịp chân lại vang lên. Tôi mở mắt, nhìn theo hắn. Mầu nâu nhạt của bộ đồng phục như hòa vào ánh sáng. Cái dáng lom khom khi di chuyển của hắn đã thành quen thuộc. Ba năm của tôi và ba năm của hắn như nhau. Nhẵn những gương mặt bọn tù, như đã nhẵn thềm xi măng của lối đi. Hắn thản nhiên làm bổn phận. Nửa tiếng một vòng chừng bẩy phút rồi lại trở về chiếc ghế dựa. Ngả lưng vào thành ghế chờ nửa tiếng sau. Đều đặn và buồn nản. Tội nghiệp cho hắn với 6 tiếng mỗi ngày. Không khí nhà tù cũng ôm lấy hắn. Như đã ôm tôi. Cái ngờ vực của tia mắt ném vào từng phòng đã thành mệt mỏi. Tao thấy thằng cảnh sát đó khổ hơn bọn mình. John có lần nói trước giờ ngủ. Mày xem, tao đúng 9 giờ 30 là lên giường, kéo mền sát ngực và ngủ. Đâu phải lang thang như hắn. Hắn cũng là một thứ tù bị hành hạ phải bước đi mỗi nửa giờ. John búng tay và bật ngửa trên giường với nụ cười khoái trá. Bọn mình là tù vua, được giữ an ninh khi ngủ. Lần đó tôi cũng đồng ý với John. Đêm nay ý nghĩ đó lại về. Nhưng đã thành ý nghĩ của tôi. Và hòa nhập giữa tôi và người cảnh sát. Đã thành một. Nhưng tôi còn Diễm, còn bé Bình và căn nhà nhỏ ở vùng Westminster. Hẳn hai mẹ con Diễm đang sửa soạn đón giao thừa. Em vẫn cúng giao thừa và đi lễ nửa đêm. Diễm nói thật tội nghiệp, má áp vào song cửa, cánh mũi lọt vào tâm ô song hình thoi. Bây giờ có chùa ở gần nhà lắm. Mẹ con em chẳng cần đi xe, cúng xong đi bộ đến chùa là vừa lễ... Tôi gật đầu. Em... em... Tôi hình dung đến một căn apartment được sửa lại, chung quanh là những cây kiểng và dãy cờ Phật giáo. Trí nhớ lợn cợn những hình ảnh chùa chiền ở Saigon pha lẫn vào hình ảnh một căn nhà ở Mỹ. Sự lạc lõng tại đây hẳn có. Như mẹ con Diễm với đám đông hạnh phúc. Chẳng bao giờ còn tôi bên cạnh. Bản án chung thân là vết cắt. Diễm rũ xuống như đã chết khi lời tuyên án vang lên. Tôi đứng yên trước vành móng ngựa. Đám đông lố nhố chung quanh như những cái bóng. Trước mắt tôi là Diễm và đứa con trong bụng. Chỉ còn thế. Người cảnh sát đã trở lại ghế ngồi. Hắn và tôi không còn là một. Tôi đã trả hắn về với hắn. Bây giờ ý niệm tù đày lại ôm choàng lấy Diễm và bé Bình. Bản án chung thân không còn của tôi nữa. Tôi vẫn sống giữa không gian của một nhà tù. Tôi vẫn tự do sống trong phòng giam. Tôi vẫn là tôi của từng khoảng khắc thời gian vì hôm nay hay cuối đời tôi vẫn sống. Bản án đó đã dành cho Diễm. Đêm của Diễm là đêm trói buộc, khép kín giữa cuộc sống bỏ ngỏ. Tận cuối đời Diễm vẫn ngột ngạt, vẫn bị giam hãm bởi tôi vẫn có. Anh chỉ được cái nói bậy. Diễm gượng cười. Diễm gượng cười. Diễm chỉ gượng cười. Tôi im lặng. Tôi chỉ biết im lặng. Ý nghĩ tôi trói buộc mọi người bằng sự tù hãm. Cái tự do của họ ngột ngạt trên bản án chung thân. John. Người cảnh sát. Diễm. Bé Bình. Tôi đang ôm choàng lấy họ đêm naỵ Và tận hết đời.

12 giờ đêm. Cây viết chì và một đầu nhọn là khởi đầu cho tự dọ Tay đập mạnh vào đuôi viết, nơi có cục gôm mềm, tôi nhận được cảm giác buốt nhói khi thân viết xuyên qua tai. Một tiếng - bụp- vang lên trong đầu.

Ngày mai tất cả đều tự do.

Hết