Chiếc xe tốc hành về miền Tây dừng lại ở ngã ba lối rẽ vào thị xã. Lúc ấy cũng đã khuya rồi. Những ngọn đèn cao áp treo cao hắt ánh sáng lạnh xuống con lộ phẳng phiu đã thưa người qua lại. Hai bên hè phố hàng quán vắng tanh , thỉnh thoảng tiếng rao của người bán hột vịt lộn chợt cất lên rồi lịm ngay vào đêm.

Tôi xách hành lý , tính đi bộ vào nhà chú em gần cầu Ông Bộ cách ngã ba chừng hơn cây số.

Hai chiếc xe gắn máy trườn tới vây quanh.

- Về đâu chú Hai , cháu đưa về ?

Về đâu... Tôi phân vân , nửa muốn đi xe nửa muốn đi bộ. Chặng đường non nghìn cây số từ ngoài miền Trung vào đến đây đã làm cho tôi thấm mệt.

Ở bên kia đường , một chiếc xe đạp lôi cũng hối hả băng sang. Ngồi trên yên xe là một phụ nữ đội chiếc nón lụp xụp , dưới ánh đàn mờ nhạt , người đó có khuôn mặt gầy và nước da ngăm đen. Chiếc xe đạp lôi dừng lại sau mấy chiếc xe gắn máy. Người phụ nữ im lặng đăm đăm hướng mắt về phía tôi không nói câu nào.

Tôi đọc được ý muốn của chị và trên khuôn mặt đen đúa còm nhom , cặp mắt sáng lên hy vọng.

Tôi quyết định sẽ đi xe lôi về nhà người em.

- Không khoái ngồi xe ôm !

Tôi hất hàm nói với mấy gã xe thồ

- Đi xe lôi ngồi sau cho thoáng.

Mấy gã xe ôm nì nài thêm một lúc không được chạy tản ra , văng những lời tục tĩu. Lạnh tanh bước lại bên chiếc xe đạp lôi , tôi bỏ hành lý lên xe.

- Cho tôi về cầu Ông Bộ !

Người phụ nữ quay lại. Khi đối diện với chị , tôi kịp nhìn rõ chị chắc chưa đầy bốn mươi , gầy gò , da mặt đen sạm , nụ cười mệt mỏi để lộ hàm răng đều và trắng.

- Dạ, chú cho con ba ngàn !

Tôi bước lên xe , ngất ngưởng ngồi. Chị ta bắt đầu đạp , chiếc xe nặng nề chuyển bánh. Sên xe đã cũ , khô dầu , trượt lên líp xe nhọn hoắt nghe khô khốc , khó chịu. Dưới chiếc nón lá mất vành , lá nón tưa ra , mái tóc của chị buộc lại thành túm như chiếc chổi cùn quét qua quét lại trên bờ vai khẳng khiu theo mỗi lần rướn người lên đạp. Áo hoa màu sẫm đã cũ , ngắn ngủn , mỗi lần chị cúi xuống lại hở một vạt lưng.

Chị , tôi và chiếc xe lôi cà tàng làm nên một bức tranh khắc trên nền đêm đen.

Tôi béo tốt , phương phi , quần áo tươm tất đang ngồi như một ông phỗng trên chiếc ghế xe không đệm. Còn chị , gầy còm , ốm yếu , lam lũ đang gò lưng đạp chiếc xe già nua , bánh xe nặng nề nghiền lên mặt đường tội nghiệp.

Người phụ nữ vẫn cặm cụi đạp. Đi một quãng chị lại đưa tay lên trán gạt mồ hôi.

Gió từ sông Tiền thổi vào lành lạnh. Tôi lấy chiếc áo khoác choàng lên mình.

Chợt thấy chiếc áo mỏng trên lưng người phụ nữ đã thấm ướt mồ hôi.

Tôi ái ngại , không muốn đi tiếp nữa , nói :

- Chị dừng chỗ đèn sáng kia , tôi muốn mua chút quà cho mấy đứa nhỏ.

Chiếc xe dừng lại. Chị đưa nón quạt rồi lấy ra một chiếc khăn đã cũ , nhàu nát lau mồ hôi.

Tôi bước ra với gói bánh trên tay và quyết định chỉ để hành lý trên xe và đi bộ với người phụ nữ. Tôi hỏi chuyện làm ăn , giọng chị buồn rầu đáp :

- Ế quá chú ơi ! Ba chiếc Honda nó giành hết. Từ chiều đến giờ chưa được cuốc nào. Chú là người đầu tiên. Chị giục tôi lên xe. Tôi chần chừ rồi từ chối , viện lý do đi bộ cho đỡ bó chân. Chị đẩy xe lại , rồi giọng nằng nặc :

- Nếu chú không lên , con cũng không đi nữa... ! Chị bỏ mặc tôi , với lấy trong túi treo trên ghi đông xe một ổ bánh mì nhai ngon lành.

- Xin lỗi chú từ chiều đến giờ con chưa có gì trong bụng.

Giọng chị nhỏ và buồn , một tay đưa lên ngực chặn cơn ho khúng khắng.

Tôi rùng mình , một cảm giác lành lạnh , khó tả đang xâm chiếm lòng. Tôi không thể để một người phụ nữ gầy gò , ốm yếu , bệnh hoạn thế kia kéo một cỗ xe nặng nhọc và lấy làm ân hận vì đã nhận lời đi xe của chị.

Người phụ nữ lại giục:

- Chú lẹ lên cho con còn kiếm thêm cuốc nữa !

Tôi ngơ ngác :

- Thế chị chưa về nghỉ, khuya rồi còn gì ?

- Dạ, tụi con chạy xe thâu đêm. Nghỉ lấy gì nuôi chồng , nuôi con.

Tôi thở dài ngao ngán. Khuya khoắt thế này lấy đâu khách mà chở. Lưỡng lự một lúc , tôi bước lên xe và không mấy chốc đã tới cầu Ông Bộ. Đưa tờ bạc hai mươi ngàn trả tiền xe , tôi bảo :

- Chị cầm cả.

- Dạ không , con đã nói ba ngàn là ba ngàn. Ba ngàn là quá nhiều rồi. Chị lúng túng , lục khắp túi áo , ngại ngùng :

- Dạ, con không có tiền lẻ.

- Thì chị cứ cầm lấy, tôi biếu mà !

- Dạ không , người phụ nữ đáp lại kiên quyết.

Qua lại hồi lâu , chợt nhớ ra điều có thể giúp chị , tôi nói :

- Chị chờ cho một lát , tôi ra ngay. Tôi muốn đi dạo một vòng quanh thị xã , sớm mai lại phải trở về thành phố rồi.

Tôi vào nhà , trao gói quà cho mấy đứa cháu. Người em dâu cho biết , chú em tôi đang trực trong bệnh viện.

Lau mặt qua loa , tôi nói với cô em và các cháu tôi phải đến bệnh viện gấp để bàn với chú em một số việc cần.

Tôi lại ngồi lên xe. Người phụ nữ đưa tôi đi một vòng quanh thị xã.

Trong đêm , những ngôi nhà im lặng , ngủ say trong tiếng sóng sông Tiền đang vỗ nhẹ vào bờ.

Tôi ra hiệu cho chị dừng lại một quán nhỏ ven sông , có mấy người chạy xe xích lô đang uống rượu.

- Chị uống một chút gì nhé. Tôi mời.

Người phụ nữ trố mắt nhìn tôi :

- Dạ cảm ơn chú , con không khát.

- Cô cứ tự nhiên. Tôi đổi cách xưng hô , kéo tay chị ngồi vào ghế , cử chỉ thân tình nhưng hơi thô bạo.

Chị miễn cưỡng ngồi xuống.

- Uống một ly sữa nóng nhé ?

Chị khẽ gật đầu. Dòng sông về đêm , đang thiêm thiếp chảy về xuôi , mỗi lần có chiếc đò máy đi qua , lại dạt vào bờ những đợt sóng kèm theo những mảng lục bình. Bên kia cồn , ánh đèn le lói và tiếng gà đã xôn xao gáy sáng. Tôi mông lung nghĩ về chị và tò mò hỏi :

- Sao cô làm nghề vất vả vậy ? Anh ấy đâu ?

Chị buồn bã :

- Chứ tính làm gì bây giờ. Phải ông chồng nghiện ngập , làm được đồng nào là ném vào rượu tất.

Không dám gợi thêm những xót xa của chị , tôi đứng dậy kêu tính tiền rồi nhét vào túi chị hai mươi ngàn , bước vội về phía bệnh viện. Lúc ấy đã hơn hai giờ khuya.

Trong bệnh viện thị xã hai anh em tôi nói chuyện với nhau một đỗi mệt rũ , tôi ngả lưng trên chiếc giường trực ngủ thiếp. Đang mơ màng , chợt có tiếng gõ cửa rất gấp , tôi giật mình tỉnh dậy.

- Bác sĩ Thắng ! Có cấp cứu , mời bác sĩ ra ngay.

Chú em tôi chạy vội sang phòng cấp cứu. Tôi cũng dậy và bước theo. Trước mắt tôi , sàn nhà lát gạch hoa sáng bóng loang lổ máu. Cô y tá đang đo huyết áp. Người bệnh giãy giụa , tay ôm ngực , ộc ra một bãi máu màu hồng , lầy nhầy bọt.

Tôi giật mình , đứng lặng , không dám tin ở mắt mình. Toàn thân tôi run lên , trán vã mồ hôi , tim đập thình thịch. Trước mắt tôi là người phụ nữ chạy xe lôi , người vừa đạp xe đưa tôi đi một vòng quanh thị xã. Em tôi khám nhanh cho chị và ra y lệnh :

- Truyền dịch ngay. Nâng huyết áp khẩn cấp. Gọi xét nghiệm cho làm nhóm máu !

Nhìn nét mặt chị xanh tái , nhợt nhạt dưới ánh đèn , tôi nói như van :

- Chú cố gắng cứu lấy chị ấy... !

Tất cả đều khẩn trương. Khi những giọt máu bắt đầu chảy vào cơ thể chị , người y tá cho biết huyết áp không thể đo được nữa. Chú em tôi làm hô hấp nhân tạo , tiêm thuốc trực tiếp vào tim. Tất cả những cố gắng ấy đều vô ích. Chị đã tắt thở.

Chú em buồn bã nói :

- Chị ấy ho ra máu vì lao phổi. Một động mạch trong hang lao bị vỡ do làm việc gắng sức quá.

Trước khi đưa chị xuống nhà xác, biên bản tài sản của người bệnh vỏn vẹn mấy dòng : Trong túi có hai mươi ngàn đồng và một chiếc xe lôi !.

Tôi im lặng , nuốt nước mắt , chạy vội ra bờ sông , ngồi vào chiêc ghế của quán cóc ven bờ , nơi cách đây hơn tiếng đồng hồ tôi đã ngồi uống nước với chị.

Trước mắt tôi , sông Tiền vẫn lạnh lùng chảy mang theo những bè lục bình ra ngoài biển rộng...

Vĩnh Long 1999

Hết